Các quy trình được xây dựng trên cơ sở dữ liệu tập trung, lấy dữ liệu hộ gia đình làm trung tâm và kết nối liên thông với dữ liệu đóng, hưởng BHXH, BHYT. Đảm bảo chính xác việc thu nộp, tham gia BHXH, BHYT của cá nhân, đơn vị. Tránh việc cấp trùng thẻ, cấp thẻ không đúng quy định.
Đến nay, BHXH Việt Nam đã cung cấp được 14 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4. Đặc biệt, từ đầu năm 2018 đến nay, số lượng đơn vị đăng ký giao dịch điện tử là 30.606 đơn vị. Số hồ sơ thực hiện giao dịch điện tử hơn 1,7 triệu hồ sơ trên tổng số 4 triệu hồ sơ giao dịch (tỉ lệ là 42,5%). Trong đó, riêng số hồ sơ điện tử trong lĩnh vực cấp sổ BHXH, thẻ BHYT đã tiếp nhận xử lý trên 116 nghìn giao dịch (tỉ lệ 62,7%).
BHXH Việt Nam đang nghiên cứu cấp thẻ BHYT điện tử cho người dân tham gia BHYT tại một số địa phương, thay thế thẻ BHYT giấy hiện nay. Việc cấp thẻ BHYT điện tử giúp tiết kiệm chi phí cho ngành BHXH thuận lợi trong khám, chữa bệnh và cơ sở y tế kiểm soát được quá trình khám, chữa bệnh của người bệnh.
Đặc biệt, BHXH Việt Nam đã triển khai quyết liệt hệ thống giám định BHYT ban hành kèm theo Quyết định 917/QĐ-BHXH về việc ban hành Cổng tiếp nhận dữ liệu Hệ thống thông tin Giám định BHYT. Đến nay, tất cả các cơ sở khám chữa bệnh BHYT đã kết nối, liên thông dữ liệu khám chữa bệnh BHYT trên phạm vi cả nước đến hệ thống giám định BHYT của cơ quan BHXH để thực hiện giám định tự động trên phần mềm. Đây là một cải cách lớn trong quy trình khám chữa bệnh BHYT.
Nhã Khanh