Theo Chương trình chống lao quốc gia, công tác phòng chống lao vẫn duy trì mục tiêu triển khai công tác chống lao tại 100% số quận, huyện và 100% số xã, phường; tỉ lệ dân số được chương trình chống lao tiếp cận đạt 100%. Cả nước hiện có 46/63 tỉnh, thành đã thành lập bệnh viện phổi, bệnh viện lao và bệnh phổi. Chương trình chống lao quốc gia cũng đã mở rộng diện tầm soát quản lý lao kháng thuốc từ 51 lên 63 tỉnh, thành phố, đạt tỷ lệ bao phủ 100%.
Bệnh nhân lao được chăm sóc và điều trị ngày càng tốt hơn.
Hoạt động phối hợp giám sát điều trị cho bệnh nhân lao được thực hiện chặt chẽ tại tất cả các tuyến. Việc giám sát điều trị trực tiếp và hệ thống hỗ trợ mạnh mẽ cho việc quản lý điều trị là các lý do quan trọng để Chương trình chống lao đạt được kết quả điều trị có chất lượng, thành công cao. Người bệnh lao phổi mới được điều trị theo phác đồ dưới sự giám sát hàng ngày của nhân viên y tế. Trong các tháng tiếp theo, người bệnh nhận thuốc tại tuyến quận, huyện, thị xã hoặc xã, phường, thị trấn, cán bộ y tế thăm người bệnh hàng tuần tại nhà để kiểm tra và động viên người bệnh sử dụng thuốc đều đặn.
Tại các bệnh viện phổi, bệnh viện lao và bệnh phổi được thống nhất kỹ thuật quản lý bệnh lao kháng thuốc trên quy mô toàn quốc; mở rộng mạng lưới giám sát kháng thuốc; cập nhật thông tin đều đặn và theo dõi xu hướng kháng đa thuốc; tăng cường năng lực các phòng xét nghiệm tìm vi khuẩn lao, lao kháng thuốc; phát triển các kỹ thuật mới, hiện đại giúp cho việc chẩn đoán chính xác và điều trị hiệu quả cho bệnh nhân lao.
Từ nay đến năm 2020, Chương trình chống lao quốc gia đặt chỉ tiêu giảm 30% tỉ lệ hiện mắc và giảm 40% tỉ lệ tử vong do bệnh lao.
Diệu Linh