Theo TS Kidong Park, sử dụng thuốc lá là nguyên nhân gây ra bệnh tật đối với hầu hết các cơ quan trong cơ thể, đặc biệt là các bệnh nguy hiểm như ung thư phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), đột quỵ và nhồi máu cơ tim. Việt Nam nằm trong nhóm các quốc gia có tỷ lệ hút thuốc ở nam giới cao nhất thế trên giới, trung bình cứ 2 nam giới trưởng thành thì có 1 người đang hút thuốc. Việt Nam cũng nằm trong số 15 quốc gia có lượng tiêu thụ thuốc lá lớn nhất thế giới.
Trong số các quốc gia ASEAN, xét về tỷ lệ hút thuốc trong nam giới trưởng thành thì Việt Nam đứng thứ ba sau Indonesia và Lào. Xét về tổng lượng tiêu thụ thuốc lá thì Việt Nam cũng đứng thứ ba sau Indonesia và Philippines. Chính vì vậy mà hút thuốc hiện đang gây ra từ 24-28% số ca tử vong nam giới trên 35 tuổi, và mỗi năm có hơn 40.000 ca tử vong do thuốc lá ở Việt Nam.
Việt Nam đã có Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá, trong đó có quy định cụ thể về cấm hút thuốc lá nơi công cộng, nơi làm việc trong nhà. Tuy nhiên việc thực thi và xử phạt đối với các vi phạm vẫn còn lỏng lẻo. Các biện pháp cần thiết trước mắt là tăng cường các chiến dịch truyền thông nâng cao nhận thức, sự ủng hộ, ý thức tuân thủ, ý thức tự giác thực thi luật của cả người hút thuốc, người không hút cũng như của các lãnh đạo, quản lý các địa điểm công cộng và nơi làm việc trong nhà. Đồng thời mức phạt cần cao và thực thi nghiêm ngặt.
Tăng thuế thuốc lá được cho là giải pháp khả thi nhất để giảm số người hút thuốc lá. Điều này đã được chứng minh rất rõ tại rất nhiều quốc gia trên thế giới. Khi thuế thuốc lá tăng đến mức làm cho giá thuốc lá tăng lên 10%, sẽ làm giảm tiêu thụ thuốc lá khoảng 4% tại những nước phát triển và 5% tại những nước đang phát triển. Đặc biệt, việc tiêu thụ thuốc lá sẽ giảm nhiều hơn ở nhóm người trẻ và nhóm có thu nhập thấp, dưới tác động của tăng thuế và giá thuốc lá. Việc tăng giá khoảng 10% sẽ dẫn đến giảm 10% lượng tiêu thụ thuốc lá ở nhóm người trẻ và nhóm có thu nhập thấp.
Hương Giang