AN TOÀN THỰC PHẨM

Hà Nội tăng cường công tác đảm bảo an toàn thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ và mùa lễ hội Xuân năm 2025
Ngày đăng 15/01/2025 | 11:17  | Lượt xem: 20

Sáng 14-1, Đoàn kiểm tra liên ngành số 4 của Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ và mùa lễ hội Xuân năm 2025 đã làm việc với Ban Chỉ đạo công tác an toàn thực phẩm thành phố Hà Nội và kiểm tra thực tế tại nhà máy chế biến thực phẩm Công ty Cổ phần bánh mứt kẹo Bảo Minh và Công ty cổ phần sô cô la Belcholat (Khu Công nghiệp Nam Thăng Long, quận Bắc Từ Liêm).

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo công tác an toàn thực phẩm thành phố Hà Nội, trong dịp Tết năm nay, toàn thành phố thành lập 681 đoàn kiểm tra, trong đó tuyến thành phố có 14 đoàn (gồm: 4 đoàn liên ngành và 10 đoàn của các sở, ngành), 88 đoàn tuyến quận, huyện, thị xã và 579 đoàn tuyến xã phường, thị trấn.

Tính từ ngày 15-12-2024 đến 10-1-2025, tổng số cơ sở được thanh tra, kiểm tra là 6.829. Qua đó phát hiện 1.001 cơ sở vi phạm và tiến hành xử phạt 954 cơ sở với số tiền hơn 4,8 tỷ đồng, đồng thời nhắc nhở 30 cơ sở và đang tiếp tục xử lý vi phạm với 17 cơ sở.

Bà Chu Thị Thu Hương, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương phát biểu tại buổi làm việc.

Cụ thể, tuyến thành phố thanh tra, kiểm tra được 518 cơ sở, qua đó phát hiện 424 cơ sở vi phạm. Hiện đã có 407 cơ sở bị xử phạt với số tiền hơn 2,7 tỷ đồng và đang tiếp tục làm việc xử lý vi phạm với 17 cơ sở. Cùng với đó, buộc tiêu hủy các hàng hoá vi phạm chủ yếu là xúc xích, bánh kẹo, rượu thủ công, các sản phẩm từ thịt động vật… có trị giá gần 3,2 tỷ đồng và chuyển 4 vụ sang cơ quan điều tra để tiếp tục xử lý theo quy định. Tuyến quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn kiểm tra được 6.311 cơ sở, trong đó phát hiện 577 cơ sở vi phạm, phạt tiền 547 cơ sở với số tiền phạt hơn 2 tỷ đồng và nhắc nhở 30 cơ sở. Đồng thời, tiêu hủy 170 loại sản phẩm thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ; giá trị hàng hóa vi phạm trên 300 triệu đồng.

Tổng số mẫu được giám sát trong đợt 1 là 189 mẫu (ngành Nông nghiệp 32 mẫu, ngành y tế 150 mẫu, các đoàn liên ngành của thành phố 7 mẫu). Kết quả có 148 mẫu đạt các chỉ tiêu hóa lý, vi sinh; 9 mẫu không đạt các chỉ tiêu hóa lý, vi sinh và 31 mẫu chưa có kết quả kiểm nghiệm. Trong đợt kiểm tra này, các đoàn thanh tra, kiểm tra cũng lấy tổng số 13.225 mẫu xét nghiệm nhanh, chủ yếu là mẫu tinh bột, phẩm màu kiềm, dấm vô cơ, foocmon, hàn the, ôi khét, methanol (cồn công nghiệp); trong đó số mẫu không đạt là 1.005 mẫu (chiếm tỷ lệ 7,6%).

Ngành y tế Hà Nội thành lập 05 đội cơ động thực phẩm; 30 đội phòng chống ngộ độc thực phẩm cơ động thuộc 30 TTYT quận, huyện, thị xã, chuẩn bị sẵn sàng nhân lực tại các tuyến, các phương tiện, trang thiết bị điều tra xử lý ngộ độc thực phẩm, thường trực bảo đảm an toàn thực phẩm trong những ngày Tết và lễ hội xuân.

Đoàn kiểm tra Công ty Cổ phần bánh mứt kẹo Bảo Minh tại Khu Công nghiệp Nam Thăng Long.

Hà Nội chủ động phối hợp với các cơ quan báo, đài, truyền thanh của Trung ương và Hà Nội thực hiện các chương trình truyền thông về an toàn thực phẩm trước, trong và sau Tết Nguyên đán. Các đài PT-TH Hà Nội và đài truyền hình trung ương đã phát sóng 32 tin, phóng sự, Báo Kinh tế & Đô thị, Tuổi trẻ Thủ đô… đã đăng 136 tin bài, các clip ngắn trên các nền tảng số và có các chuyên mục riêng về an toàn thực phẩm dịp Tết và lễ hội xuân.

Đoàn kiểm tra Công ty cổ phần sô cô la Belcholat tại Khu Công nghiệp Nam Thăng Long.

Sau buổi làm việc với Ban Chỉ đạo công tác an toàn thực phẩm thành phố Hà Nội, đoàn kiểm tra liên ngành số 4 của Trung ương đã đi kiểm tra thực tế tại nhà máy chế biến thực phẩm Công ty Cổ phần bánh mứt kẹo Bảo Minh và Công ty cổ phần sô cô la Belcholat (Khu Công nghiệp Nam Thăng Long, quận Bắc Từ Liêm).

Tại thời điểm kiểm tra, đoàn kiểm tra ghi nhận, hai cơ sở này đã tuân thủ các quy định về bảo đảm an toàn, vệ sinh thực phẩm. Cụ thể, khu vực sơ chế, chế biến sạch sẽ, kho bảo quản được thiết kế khoa học, ngăn nắp, bảo đảm tuân thủ nguyên tắc một chiều. Đoàn cũng tiến hành lấy một số mẫu bánh kẹo tại hai cơ sở này để xét nghiệm.

Kết thúc buổi kiểm tra, bà Chu Thị Thu Hương, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương, Trưởng đoàn kiểm tra số 4 đánh giá, thành phố Hà Nội là địa phương đi đầu cả nước trong công tác bảo đảm an toàn thực phẩm. Thời gian qua, cơ quan chức năng của thành phố đã rất tích cực vào cuộc thanh tra, kiểm tra, qua đó phát hiện và xử lý nhiều vụ vi phạm an toàn thực phẩm lớn.

Lê Hòa

 

 

 

PHẦN MỀM TÁC NGHIỆP

  Dịch vụ công trực tuyến

  Phần mềm Quản lý văn bản

  Phần mềm QLHS Một cửa 

  Phần mềm Một cửa (Mới)

  Tiếp nhận ý kiến công dân 

  Danh mục TTHC công 

  Tra cứu hồ sơ Một cửa 

  Thư điện tử TP Hà Nội 

  Thông tin người phát ngôn

Thống kê truy cập

Đang online: 2928
Lượt truy cập trong tuần: 71226
Lượt truy cập trong tháng: 195732
Lượt truy cập trong năm: 195732
Tổng số lượt truy cập: 47490773
Về đầu trang