bảo hiểm y tế
Từ năm 2023, điều kiện, quyền lợi hưởng BHYT 5 năm liên tục có một số thay đổi quan trọng mà người dân cần nắm được.
Thay đổi về điều kiện hưởng BHYT 5 năm liên tục
Điểm c khoản 1 Điều 22 Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) năm 2008, sửa đổi, bổ sung năm 2014 quy định rõ các điều kiện để người bệnh tham gia BHYT được hưởng chế độ BHYT 5 năm liên tục.
Theo đó, điều kiện đầu tiên là đã tham gia BHYT từ đủ 5 năm liên tục. Thời điểm tham gia đủ 5 năm liên tục được ghi nhận trực tiếp trên thẻ BHYT của người dân. Các lần khám, chữa bệnh kể từ thời điểm đó sẽ được xem xét để tính hưởng BHYT 5 năm liên tục.
Điều kiện thứ hai là chi phí đồng chi trả của những đợt khám, chữa bệnh đúng tuyến trước đó trong năm đã lớn hơn 6 tháng lương cơ sở.
Số tiền đồng chi trả được hiểu là khoản tiền mà người bệnh phải cùng chi trả với cơ quan bảo hiểm xã hội theo tỷ lệ % được hưởng trên thẻ BHYT. Ví dụ, mức hưởng trên thẻ BHYT là 95% thì mỗi lần đi khám, chữa bệnh đúng tuyến, người bệnh phải thanh toán 5% chi phí khám, chữa bệnh.
Năm 2023, do có sự thay đổi về lương cơ sở nên điều kiện về chi phí đồng chi trả của các lần khám, chữa bệnh đúng tuyến cũng có sẽ có sự điều chỉnh. Cụ thể, từ ngày 1/7/2023, lương cơ sở tăng từ 1,49 triệu đồng/tháng lên thành 1,8 triệu đồng/tháng. Chính vì vậy, giới hạn về mức chi phí đồng chi trả của các lần khám, chữa bệnh cũng sẽ tăng.
Theo đó, đến hết ngày 30/6/2023, người bệnh phải có chi phí đồng chi trả của những đợt khám, chữa bệnh đúng tuyến trước đó trong năm lớn hơn 8,94 triệu đồng để được xem xét hưởng BHYT 5 năm liên tục.
Sau khi tăng lương cơ sở từ ngày 1/7/2023, người bệnh phải có chi phí đồng chi trả của những đợt khám, chữa bệnh đúng tuyến trước đó trong năm lớn hơn 10,8 triệu đồng thì mới được xem xét hưởng BHYT 5 năm liên tục.
Người bệnh cần nắm được các điều kiện, quyền lợi hưởng BHYT 5 năm liên tục khi khám, chữa bệnh.
Điều kiện thứ ba để được hưởng chế độ bảo hiểm y tế 5 năm liên tục là các lần đi khám chữa, bệnh sau đó phải đúng tuyến.
Khi có đủ các điều kiện hưởng chế độ bảo hiểm y tế 5 năm liên tục nêu trên, người bệnh sẽ được quỹ BHYT thanh toán 100% chi phí khám, chữa bệnh trong phạm vi thanh toán của quỹ này. Điều này sẽ giúp người bệnh giảm bớt gánh nặng kinh tế khi phải điều trị bệnh nặng, trong thời gian dài.
Thay đổi về quyền lợi hưởng BHYT 5 năm liên tục
Quyền lợi hưởng bảo hiểm y tế 5 năm liên tục lớn nhất đối với người tham gia đủ điều kiện là quỹ bảo hiểm y tế thanh toán 100% chi phí khi khám, chữa bệnh.
Tuy nhiên, do trong một năm, người bệnh có thể đến khám và điều trị tại nhiều cơ sở y tế khác nhau, trong khi cơ sở dữ liệu của cơ quan BHXH chưa kiểm soát được hết thông tin về việc đóng viện phí trong các lần khám đó nên quyền lợi về BHYT 5 năm liên tục sẽ được giải quyết theo khoản 3 Điều 27 Nghị định 146/2018/NĐ-CP.
Theo đó, trường hợp 1, người bệnh có số tiền cùng chi trả một lần tại một cơ sở khám, chữa bệnh lớn hơn 6 tháng lương cơ sở: Chỉ phải thanh toán phần chi phí đồng chi trả bằng 6 tháng lương cơ sở và những chi phí ngoài phạm vi thanh toán của BHYT (nếu có).
Trường hợp 2, người bệnh nhiều lần khám, chữa bệnh tại cùng một cơ sở khám, chữa bệnh với tổng số tiền đồng chi trả cho các lần khám trước đó lớn hơn 6 tháng lương cơ sở: Không cần đóng cho bệnh viện số tiền cùng chi trả vượt quá 6 tháng lương cơ sở.
Với trường hợp 1 và trường hợp 2, người bệnh còn được cấp hóa đơn thu số tiền cùng chi trả đủ 6 tháng lương cơ sở để không phải cùng chi trả tiền khám, chữa bệnh trong các lần khám tiếp theo trong năm dương lịch.
Trường hợp 3, người bệnh có số tiền cùng chi trả lũy kế trong năm tài chính tại các cơ sở khám, chữa bệnh khác nhau hoặc cùng một cơ sở mà lớn hơn 6 tháng lương cơ sở: Người bệnh thanh toán chi phí theo mức hưởng BHYT cho từng lần tương ứng, sau đó đem chứng từ đến cơ quan BHXH nơi cấp thẻ BHYT để yêu cầu cơ quan BHXH thanh toán trực tiếp số tiền viện phí đồng chi trả vượt quá 6 tháng lương cơ sở.
Việt Nam
(https://suckhoedoisong.vn/nhung-thay-doi-quan-trong-ve-bhyt-5-nam-lien-tuc-tu-nam-2023-can-biet-169230217104034507.htm)
VĂN BẢN MỚI
- Hướng dẫn về việc bổ sung về việc đăng ký khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu tại Bệnh viện Lão khoa Trung ương năm 2024
- Giám sát phản ứng có hại của thuốc (ADR) tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh
- Tăng cường các biện pháp phòng chống dịch bệnh tại các cơ sở kinh doanh thuốc trong dịp Tết Nguyên đán 2022
- Đảm bảo cung ứng thuốc phòng chống dịch bệnh và nhu cầu sử dụng thuốc trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022
- 4289/QĐ-SYT Quyết định về việc giao chỉ tiêu Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán thu, chi ngân sách năm 2022 cho các đơn vị thuộc Sở Y tế Hà Nội
- 10722/BYT-DP Về việc tiêm vắc xin phòng Covid-19 liều cơ bản và nhắc lại
- Công văn 10696/BYT-MT về việc cách ly y tế cho trường hợp F1 đã tiêm đủ liều vắc xin hoặc đã khỏi bệnh Covid-19
- Công văn 10688/BYT-MT của Bộ Y tế về phòng, chống dịch Covid-19 đối với người nhập cảnh
- Sử dụng kết quả xét nghiệm để phát hiện người mắc Covid-19 và cho người bệnh ra viện
- Quyết định 696/QĐ-SYT của Bộ Y tế ban hành Sổ tay thực hành tại cơ sở bán lẻ thuốc