bệnh không lây

Cảnh báo các hành vi nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe của học sinh từ 13-17 tuổi ở thành phố Hà Nội
Ngày đăng 26/02/2023 | 10:37  | Lượt xem: 1023

Tại Việt Nam, gánh nặng các bệnh không lây nhiễm (BKLN) đang chiếm tới 74% tổng số gánh nặng bệnh tật trên toàn quốc. Mỗi năm, tỷ lệ tử vong do BKLN chiếm đến 81% tổng số ca tử vong do nhiều nguyên nhân, chủ yếu là các bệnh về tim mạch, ung thư, đái tháo đường và hô hấp mạn tính.

Theo ước tính ở người trưởng thành tỷ lệ mắc các bệnh như tăng huyết áp hiện là 26% và tỷ lệ mắc bệnh đái tháo đường là 7%. Riêng tại Hà Nội, các tỷ lệ này đều cao hơn hẳn so với toàn quốc, cụ thể: Tỷ lệ mắc các bệnh như tăng huyết áp là 30,8% và tỷ lệ mắc bệnh đái tháo đường là 10,2%.

CDC Hà Nội thực hiện cuộc điều tra, khảo sát hành vi sức khỏe ở học sinh 13-17 tuổi với sự tham gia của hơn 7.500 em học sinh trên toàn địa bàn thành phố.

Sự gia tăng các BKLN là do sự gia tăng nhanh các yếu tố nguy cơ mà người dân hoàn toàn có thể phòng tránh được như hút thuốc, uống rượu bia, dinh dưỡng không hợp lý và thiếu vận động thể lực, kèm theo các tình trạng thừa cân, béo phì, tăng huyết áp, rối loạn đường máu và mỡ máu. Vì vậy, việc bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe cho trẻ em và thanh thiếu niên thông qua thúc đẩy hình thành các hành vi có lợi cho sức khỏe và phòng chống các yếu tố nguy cơ là một vấn đề cần được ưu tiên ở nước ta.

Năm 2022, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội thực hiện cuộc điều tra, khảo sát hành vi sức khỏe ở học sinh 13-17 tuổi với sự tham gia của hơn 7.500 em học sinh trên toàn địa bàn thành phố. Kết quả điều tra cho thấy: tỷ lệ thừa cân, béo phì ở học sinh chiếm đến 12% (trong đó 10,2% thừa cân và 1,8% béo phì). Tỷ lệ học sinh có sử dụng nước ngọt có ga từ 1lần/ngày trở lên là 17% và học sinh có sử dụng thức ăn nhanh ít nhất 1 lần/tuần là 50,4%. Các tỷ lệ này ở nam học sinh đều cao hơn nữ học sinh và tăng dần qua các nhóm tuổi.

Tỷ lệ học sinh có sử dụng thuốc lá chiếm 6,7%, tỷ lệ này cao hơn nhiều so với số liệu kết quả khảo sát hành vi sức khỏe học sinh toàn cầu tại Việt Nam năm 2019 của Bộ Y tế (chỉ có 2,8%). Đáng chú ý hơn, trong số những học sinh có sử dụng thuốc lá, tỷ lệ dử dụng thuốc lá điện tử chiếm đến 86,8%.

Kết quả của cuộc điều tra cũng cho thấy tỷ lệ học sinh có sử dụng rượu bia ở mức đáng báo động là 26% và chỉ có 44,6% các em học sinh được dạy về các vấn đề liên quan đến rượu, bia trong năm học vừa qua.

Cuộc điều tra, khảo sát hành vi sức khỏe ở học sinh tại Hà Nội được tiến hành dựa trên bộ công cụ “khảo sát hành vi sức khoẻ học sinh toàn cầu” tại Việt Nam năm 2022 nhằm nghiên cứu thực trạng và xu hướng của các yếu tố nguy cơ bệnh không lây nhiễm và các hành vi sức khỏe phổ biến của học sinh lứa tuổi 13 đến 17. Các yếu tố hành vi liên quan đến chế độ ăn uống, vệ sinh cá nhân, phòng chống dịch bệnh, sử dụng thuốc lá, rượu bia, hoạt động thể chất, tai nạn thương tích, sức khỏe tâm thần và các vấn đề sức khỏe khác.

Các số liệu này còn là bằng chứng cho các Sở, ban, ngành liên quan trong việc xây dựng các chính sách bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe cho trẻ em, học sinh. Ngành Giáo dục cần tăng cường hơn nữa về công tác Y tế học đường, cải thiện hơn nữa năng lực của cán bộ y tế tại các trường học, xây dựng các chương trình nâng cao giáo dục sức khỏe cho học sinh, đảm bảo cung cấp bữa ăn lành mạnh và không gian thể chất. Đồng thời, ngành Y tế cần tăng cường hơn nữa trong việc xây dựng các hướng dẫn, truyền thông và hỗ trợ về mặt chuyên môn cho ngành Giáo dục trong việc nâng cao thể chất, sức khỏe của học sinh.

TS. Bùi Thị Minh Thái

(Khoa Phòng, chống bệnh không lây nhiễm, CDC Hà Nội)

 

PHẦN MỀM TÁC NGHIỆP

  Dịch vụ công trực tuyến

  Phần mềm Quản lý văn bản

  Phần mềm QLHS Một cửa 

  Phần mềm Một cửa (Mới)

  Tiếp nhận ý kiến công dân 

  Danh mục TTHC công 

  Tra cứu hồ sơ Một cửa 

  Thư điện tử TP Hà Nội 

  Thông tin người phát ngôn

Thống kê truy cập

Đang online: 125
Lượt truy cập trong tuần: 1316
Lượt truy cập trong tháng: 193986
Lượt truy cập trong năm: 3067100
Tổng số lượt truy cập: 47134488
Về đầu trang