bệnh không lây
Bệnh đái tháo đường (ĐTĐ) là một bệnh mạn tính không lây nhiễm, tiến triển trong thời gian dài với nhiều biến chứng ảnh hưởng đến sức khỏe và cuộc sống của người bệnh.
Đường huyết cao và kéo dài là nguyên nhân chủ yếu gây nên những biến chứng nguy hiểm như: tổn thương mắt có thể gây ra mù lòa; suy thận; nhiễm trùng bàn chân, cắt cụt chi; biến chứng tim mạch như: tăng huyết áp, tai biến mạch não, nhồi máu cơ tim… làm giảm chất lượng cuộc sống của người bệnh và có thể dẫn đến tử vong.
Theo thống kê của Liên đoàn ĐTĐ Thế giới (IDF), cứ 24 giờ trên Thế giới lại có: 3.600 trường hợp ĐTĐ mới được chẩn đoán, 580 người bị tử vong, 225 người bị cắt đoạn chi, 120 người bị suy thận giai đoạn cuối và 55 người bị mù lòa liên quan đến biến chứng của bệnh ĐTĐ. Mỗi năm có 3,2 triệu người chết vì các bệnh liên quan đến ĐTĐ, tương đương với người tử vong vì bệnh HIV/AIDS.
Bệnh ĐTĐ đang là gánh nặng cho kinh tế xã hội. Một thực tế đáng lo ngại là trong cộng đồng có tới hơn 50% bệnh nhân ĐTĐ chưa được chẩn đoán, tình trạng bệnh xuất hiện ngày càng nhiều ở lớp trẻ khi tỷ lệ thừa cân, béo phì tăng nhanh…
Tại Hà Nội, năm 2016, kết quả điều tra về ĐTĐ của người dân từ 18 - 69 tuổi cho thấy: tỷ lệ rối loạn đường huyết khi đói là 8,2%; tăng đường huyết là 6,7%; yếu tố nguy cơ bệnh không lây nhiễm cũng gia tăng cụ thể: tỷ lệ thừa cân, béo phì 14,1% (thừa cân 12,8%); hút thuốc lá 22,2%; tỷ lệ uống từ 6 đơn vị cồn trở lên 11,9%.
Năm 2021, cũng theo điều tra này, tỷ lệ tăng lên đáng kể: tỷ lệ tiền đái tháo đường 16%; tăng đường huyết là 10,2%. Như vậy tỷ lệ mắc tiền ĐTĐ, ĐTĐ có xu hướng gia tăng qua các năm, đặc biệt trong giai đoạn 2016-2021 tỷ lệ ĐTĐ tăng 3,5% (từ 6,7% lên 10,2%), trung bình mỗi năm tăng 0,6%. Trong đó có đến 42,3% đối tượng không biết mình bị mắc ĐTĐ. Số liệu cho thấy tình hình mắc ĐTĐ hiện đang ở mức đáng báo động gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và đời sống nhân dân.
Tuy nhiên, bệnh ĐTĐ type 2 hoàn toàn có thể phòng chống được bằng cách tuân thủ lối sống lành mạnh, dinh dưỡng hợp lý, duy trì cân nặng lý tưởng và tăng cường hoạt động thể lực. Năm 2021, theo điều tra yếu tố nguy cơ gây bệnh không lây nhiễm cho thấy tỷ lệ người hiện có hút thuốc lá 20,8%; có 36,9% người hiện tại có tiêu thụ rượu bia trong đó có 14,6% người uống ở mức nguy hại; tỷ lệ thiếu hoạt động thể lực là 22,2% và có đến 59% người ăn ít hơn 5 đơn vị rau, trái cây/ ngày.
Tại cộng đồng, kiểm soát tốt các yếu tố nguy cơ như thừa cân, béo phì, rối loạn chuyển hóa, thuốc lá, rượu bia, dinh dưỡng và hoạt động thể lực là chìa khóa giúp giảm tỷ lệ mắc và tỷ lệ tử vong do bệnh ĐTĐ gây ra.
Như vậy nâng cao năng lực quản lý điều trị bệnh ĐTĐ tại y tế cơ sở và nâng cao nhận thức của người dân trong phòng chống bệnh đái tháo đường là yếu tố cốt lõi trong phòng chống bệnh ĐTĐ.
Đồng chí Khổng Minh Tuấn- PGĐ TTKSBTTP phát biểu hưởng ứng ngày Thế giới phòng chống bệnh ĐTĐ trên địa bàn huyện Sóc Sơn
Thành phố Hà Nội có 30 quận, huyện, thị xã và 579 xã, phường, thị trấn, trong đó có 376 xã quản lý điều trị tăng huyết áp (THA) (64,9%) và 279 xã quản lý điều trị ĐTĐ (48,2%). Năm 2024, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội đã xây dựng Kế hoạch Phòng, chống bệnh không lây nhiễm (THA, ĐTĐ) trên địa bàn thành phố và chỉ đạo các Trung tâm Y tế tuyến quận, huyện, thị xã triển khai các hoạt động theo phân cấp chỉ tiêu. Trong đó có nhiều hoạt động đã được triển khai như: tổ chức 42 lớp tập huấn với 808 học viên; truyền thông trực tiếp 12.586 cuộc cho 204.285 người, thăm hộ gia đình 16.407 hộ, tư vấn trực tiếp cho 620.665 người và 20.217 lượt phát thanh; sàng lọc huyết áp cho 829.175 người và 287.510 người được xét nghiệm máu mao mạch. Thống kê đến nay Hà Nội đã phát hiện 428.569 người bị THA trong đó có 29,1% người được quản lý điều trị tại cơ sở y tế, phát hiện 146.474 người mắc ĐTĐ trong đó điều trị tại các cơ sở y tế chỉ chiếm 25,5%.
Ngày 14/11 hằng năm được chọn là “Ngày Thế giới phòng chống ĐTĐ” bởi Liên đoàn ĐTĐ quốc tế (IDF) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) với mục đích cảnh báo nguy cơ gia tăng của bệnh ĐTĐ. “Ngày Thế giới phòng chống ĐTĐ” cũng là dịp để nâng cao hơn nữa sự hiểu biết của cộng đồng về các yếu tố nguy cơ của bệnh ĐTĐ; động viên, chia sẻ để thực hành tốt trong phòng bệnh ĐTĐ, cũng là thông điệp đòi hỏi các nhà khoa học, nhà quản lý phải xây dựng những giải pháp, chính sách quốc gia cũng như chương trình hành động cụ thể để phòng, điều trị, chăm sóc người bệnh ĐTĐ trong khuôn khổ phát triển bền vững hệ thống chăm hệ thống chăm sóc sức khỏe.
Hưởng ứng “Ngày Thế giới PC ĐTĐ” với mục tiêu chung tăng cường các biện pháp phát hiện sớm bệnh nhân ĐTĐ trong cộng đồng để dự phòng sớm, quản lý, điều trị kịp thời nhằm giảm sự gia tăng mắc bệnh ĐTĐ và các biến chứng của bệnh trên toàn thành phố, ngành Y tế Hà Nội đưa ra thông điệp cụ thể:
1.Nhiệt liệt hưởng ứng Ngày Thế giới phòng chống bệnh ĐTĐ – 14/11.
2. Xét nghiệm đường máu là cách duy nhất để phát hiện bệnh ĐTĐ và điều trị sớm, ngăn ngừa biến các biến chứng nguy hiểm.
3. Mọi người cần nhận biết nguy cơ của chính mình để biết cách ứng phó với bệnh ĐTĐ.
4. Mọi người đừng quên làm xét nghiệm đường máu định kỳ hàng năm để phát hiện sớm bệnh ĐTĐ.
5. Bệnh ĐTĐ hoàn toàn có thể phòng, chống được nếu tìm hiểu và biết cách thực hành dinh dưỡng, hoạt động thể lực hợp lý.
6. Hãy duy trì hoạt động thể lực hàng ngày, chế độ ăn uống hợp lý để phòng chống bệnh ĐTĐ.
7. Toàn thế giới quan tâm và chung tay phòng chống bệnh ĐTĐ thai kỳ cho phụ nữ vì một sức khỏe và tương lai hạnh phúc.
8. Bệnh ĐTĐ ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe, kinh tế của cả quốc gia và của mỗi gia đình.
Mai Trang
VĂN BẢN MỚI
- Hướng dẫn về việc bổ sung về việc đăng ký khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu tại Bệnh viện Lão khoa Trung ương năm 2024
- Giám sát phản ứng có hại của thuốc (ADR) tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh
- Tăng cường các biện pháp phòng chống dịch bệnh tại các cơ sở kinh doanh thuốc trong dịp Tết Nguyên đán 2022
- Đảm bảo cung ứng thuốc phòng chống dịch bệnh và nhu cầu sử dụng thuốc trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022
- 4289/QĐ-SYT Quyết định về việc giao chỉ tiêu Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán thu, chi ngân sách năm 2022 cho các đơn vị thuộc Sở Y tế Hà Nội
- 10722/BYT-DP Về việc tiêm vắc xin phòng Covid-19 liều cơ bản và nhắc lại
- Công văn 10696/BYT-MT về việc cách ly y tế cho trường hợp F1 đã tiêm đủ liều vắc xin hoặc đã khỏi bệnh Covid-19
- Công văn 10688/BYT-MT của Bộ Y tế về phòng, chống dịch Covid-19 đối với người nhập cảnh
- Sử dụng kết quả xét nghiệm để phát hiện người mắc Covid-19 và cho người bệnh ra viện
- Quyết định 696/QĐ-SYT của Bộ Y tế ban hành Sổ tay thực hành tại cơ sở bán lẻ thuốc