bệnh không lây

Thay đổi lối sống để phòng bệnh đái tháo đường
Ngày đăng 15/11/2019 | 22:02  | Lượt xem: 2107

Trong số các bệnh nội tiết và rối loạn chuyển hóa thì bệnh đái tháo đường đang trở thành căn bệnh phổ biến và gia tăng nhanh chóng tại các nước phát triển và đang phát triển trên toàn thế giới. Bệnh đái tháo đường là một trong ba nguyên nhân gây tử vong cao nhất thế giới, chỉ đứng sau bệnh tim mạch và ung thư.

Theo Hiệp hội đái tháo đường thế giới (IDF),hiện nay trên trên thế giới có khoảng 425 triệu người mắc bệnh đái tháo đường, nghĩa là cứ 11 người thì có 1 người mắc bệnh đái tháo đường. Trong đó, cứ 2 người mắc bệnh đái tháo đường thì 1 người không biết mình bị bệnh. Theo dự đoán, số người mắc bệnh đái tháo đường trên thế giới sẽ tăng lên 522 triệu người vào năm 2030, và con số này sẽ còn tăng nhanh hơn nữa nếu mọi người chủ quan đối với căn bệnh này.

Tại Việt Nam, nếu như 30 năm trước Việt Nam phải đối mặt với tình trạng suy dinh dưỡng thì hiện nay chúng ta đang bị đe dọa bởi béo phì và bệnh đái tháo đường. Theo IDF năm 2017, Việt Nam có tới 3,53 triệu người đang chung sống với bệnh đái tháo đường. Trong đó, hầu hết các bệnh nhân thuộc nhóm bệnh đái tháo đường type 2.

Đái tháo đường không trừ một ai, kể cả người lớn và trẻ em, đặc biệt số người mắc bệnh đang ngày càng trẻ hóa. Phụ nữ có tiền sử đái tháo đường thai kỳ hoặc người có tiền sử gia đình mắc bệnh đái tháo đường, một số dân tộc, người có rối loạn dung nạp glucose, tăng huyết áp, rối loạn lipid máu, người trên 40 tuổi là những đối tượng có nguy cơ cao bị bệnh đái tháo đường.

Đặc biệt, những thay đổi về chế độ ăn uống và hoạt động thể lực, béo phì liên quan đến sự phát triển nhanh chóng và đô thị hóa đã dẫn đến sự gia tăng mạnh mẽ số người mắc đái tháo đường type 2.Tuy nhiên, đây cũng là những yếu tố mà chúng ta hoàn toàn có thể thay đổi được để phòng ngừa bệnh đái tháo đường.

Thay đổi hành vi và lối sống sinh hoạt phù hợp có thể làm giảm đáng kể nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường type 2, các biện pháp cụ thể đó là:

Duy trì cân nặng hợp lý

Cân nặng thường gặp ở người bị béo phì. Ở người béo phì, số đo vòng bụng tăng do lượng mỡ phân phối ở vùng bụng nhiều. Béo bụng có liên quan mật thiết với hiện tượng kháng insulin và sự giảm tiết insulin dẫn đến sự giảm tính thấm của màng tế bào với glucose ở tổ chức cơ và mỡ, ức chế quá trình phosphoryl hóa và oxy hóa glucose, làm chậm chuyển carbohydrat thành mỡ, giảm tổng hợp glycogen ở gan, tăng tân tạo đường mới, và bệnh đái tháo đường xuất hiện.

Duy trì cân nặng, phòng tránh béo phì là điểm mấu chốt để dự phòng bệnh đái tháo đường tuýp 2. Thừa cân được xác định dựa vào chỉ số khối cơ thể BMI (BMI = Trọng lượng cơ thể  (kg)/[Chiều cao (m)]2). Người có cân nặng hợp lý khi chỉ sốBMI nằm trong khoảng từ 18,5 đến dưới 23.

Dinh dưỡng hợp lý

- Lựa chọn chất bột đường một cách thông minh: năng lượng do nhóm bột đường cung cấp chiếm từ 60% tổng năng lượng theo nhu cầu dựa vào cân nặng và mức độ hoạt động thể lực. Hạn chế các thực phẩm có chứa carbohydrate tinh chế như bánh mỳ trắng, gạo trắng, khoai tây chiên, kẹo, thức ăn nhanh… 

Nên sử dụng thực phẩm chứa nhiều cacbohydrate phức hợp như gạo lứt, khoai củ… để giữ mức đường máu ổn định vì chúng được tiêu hóa chậm hơn, giúp bạn no lâu hơn, do đó ngăn ngừa cơ thể sản xuất quá nhiều insulin. Nếu ăn đồ ngọt, nên ăn chúng trong bữa ăn, không nên ăn độc lập vì có thể gây tăng đường máu đột ngột.

- Hạn chế đường: hạn chế sử dụng thực phẩm có hàm lượng đường nhiều (bánh, kẹo, mứt...). Ăn nhiều bánh ngọt, kẹo, uống nhiều nước ngọt… lại ít vận động sẽ khiến lượng đường hấp thụ vào máu rất nhanh, đường huyết tăng đột ngột. Nếu kéo dài tình trạng này sẽ nhanh dẫn đến bệnh đái tháo đường nhất là đối với người cao tuổi. 

- Lựa chọn chất béo lành mạnh: chất béo làm chậm quá trình tiêu hóa giúp no lâu hơn, làm lượng đường trong máu không bị tăng nhanh. Tuy nhiên, để phòng thừa cân béo phì các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo: nên ăn chất béo vừa phải và giảm chất béo bão hòa (mỡ động vật). Nên ăn các axit béo bão hòa có trong các loại dầu hạt (dầu đậu nành, dầu mè, dầu hướng dương…). Ưu tiên sử dụng các acid béo Omega-3 hỗ trợ não và sức khỏe tim mạch (cá hồi, cá ngừ).

- Tăng cường chất xơ trong chế độ ăn hàng ngày: chất xơ có nhiều trong một số thực phẩm như táo, cam, cây họ đậu, gạo giã dối, rau xanh… Chất xơ có tác dụng làm giảm đáp ứng glucose máu và insulin bằng cách kìm hãm thủy phân tinh bột và hấp thu glucose, làm lưu thức ăn ở dạ dày lâu hơn và cải thiện độ nhạy cảm của insulin giúp giảm đường máu. Nên ăn nhiều chất xơ hòa tan, có nhiều trong các loại đậu, yến mạch, lúa mạch, trái cây và trái bơ.

- Bổ sung đủ vitamin và khoáng chất trong ăn uống hàng ngày tốt nhất từ nguồn rau, quả tươi, ít ngọt.

Luyện tập thể dục, thể thao

Luyện tập thể dục thể thao không chỉ giúp cơ thể khỏe mạnh mà còn hạn chế nguy cơ béo phì. Thêm vào đó, việc luyện tập còn đem lại hiệu quả trong việc hạ thấp lượng đường trong máu do cải thiện được khả năng hoạt động của insulin mà không phải cắt giảm nhiều calo khi ăn. Mỗi ngày nên luyện tập khoảng 30 phút - 1 giờ. Hãy lựa chọn hình thức luyện tập phù hợp với sức khỏe như đi bộ, đạp xe, bơi lội...

Thanh Thủy

 

PHẦN MỀM TÁC NGHIỆP

  Dịch vụ công trực tuyến

  Phần mềm Quản lý văn bản

  Phần mềm QLHS Một cửa 

  Phần mềm Một cửa (Mới)

  Tiếp nhận ý kiến công dân 

  Danh mục TTHC công 

  Tra cứu hồ sơ Một cửa 

  Thư điện tử TP Hà Nội 

  Thông tin người phát ngôn

Thống kê truy cập

Đang online: 190
Lượt truy cập trong tuần: 9078
Lượt truy cập trong tháng: 30502
Lượt truy cập trong năm: 841985
Tổng số lượt truy cập: 44909373
Về đầu trang