bệnh truyền nhiễm

Cùng tìm hiểu về bệnh lao
Ngày đăng 15/11/2019 | 22:04  | Lượt xem: 5292

Bệnh lao là một bệnh truyền nhiễm gây ra bởi vi khuẩn lao Mycobacterium Tuberculosis.

Bệnh lao là gì?

Bệnh lao là một bệnh truyền nhiễm gây ra bởi vi khuẩn lao Mycobacterium Tuberculosis. Vi khuẩn lao thường gây bệnh ở phổi nhưng cũng có thể gây bệnh ở những bộ phận khác của cơ thể như xương, khớp, não...

Không phải tất cả những người bị nhiễm vi khuẩn lao đều bị bệnh. Người bị nhiễm lao thường không nhận thấy mình bị bệnh vì có thể không có triệu chứng. Tình trạng nhiễm lao có thể suốt đời và người nhiễm lao có thể không bao giờ phát bệnh. Người bị nhiễm lao mà không phát bệnh thì không có khả năng lây lao cho người khác.

Bệnh lao có mấy loại?

Nếu phân loại lao theo vị trí giải phẫu của cơ thể thì lao được chia làm hai loại:

- Lao phổi: là khi vi khuẩn lao gây tổn thương ở phổi và phế quản. Trong các thể lao thì lao phổi là thể lao phổ biến nhất, chiếm tỉ lệ khoảng 80 - 85% các trường hợp bệnh. 

- Lao ngoài phổi: là những trường hợp bệnh mà vi khuẩn lao gây tổn thương ở các cơ quan bên ngoài phổi. Một số thể lao ngoài phổi thường gặp đó là: lao hạch, lao màng bụng, lao cơ quan sinh dục và tiết niệu, lao da, lao xương, khớp, lao màng tim, lao màng não, ...

Bệnh lao có lây truyền như thế nào?

Bệnh lao lây truyền từ người này sang người khác qua đường hô hấp khi người mắc lao ho hoặc hắt hơi, tiếp xúc trực tiếp với người khác. Bệnh phát tán nhanh đặc biệt ở những nơi đông đúc, tình trạng dinh dưỡng kém. Ghi nhận có một số trường hợp nhiễm lao do dùng sữa tươi của súc vật bị nhiễm lao. Tuy nhiên lao phổi vẫn là nguồn lây truyền chính của bệnh lao.

Mọi lứa tuổi đều có thể bị mắc bệnh lao, nhưng nguy cơ mắc bệnh lao cao hơn thường gặp ở trẻ em dưới 3 tuổi và ở người già. Người mắc bệnh suy giảm miễn dịch như HIV/AIDS có nguy cơ mắc bệnh lao cao hơn so với người bình thường.

Những dấu hiệu và triệu chứng của bệnh lao?

Bệnh lao có thời gian ủ bệnh kéo dài từ 4 đến 12 tuần, nhưng cũng có thể kéo dài hàng tháng hoặc hàng năm.

Triệu chứng chung của các thể lao đó là: mệt mỏi, kém ăn, gầy sút, sốt và ra mồ hôi đêm. Ngoài ra tùy từng thể lao mà người bệnh có thêm các triệu chứng khác nhau.

Trong thể lao phổi, các triệu chứng bao gồm: ho kéo dài trên 2 tuần (ho khan, ho có đờm, ho ra máu), đau ngực khó khở. Ở trẻ em, các dấu hiệu của lao phổi có thể kém phát triển hoặc trẻ không tăng cân.

Đối với các thể khác, tùy thuộc vào phần cơ thể bị vi khuẩn lao xâm nhập gây bệnh mà có các biểu hiện khác nhau:

Lao hạch: vị trí thường gặp nhất là hạch cổ, điển hình là dọc cơ ức đòn chũm nhưng cũng có thể gặp ở các vị trí khác. Hạch sưng to, lúc đầu hạch chắc, riêng rẽ, di động, không đau nhưng sau đó dính vào nhau và các tổ chức dưới da nên kém di động, hạch có thể nhuyễn hóa, rò mủ; bệnh có thể khỏi và để lại sẹo xấu. 

Bệnh lao gây tràn dịch màng tim: triệu chứng lâm sàng của bệnh phụ thuộc vào lượng dịch và tốc độ hình thành dịch ở màng tim. Triệu chứng thường gặp bao gồm đaungực, khó thở, tĩnh mạch cổ nổi, phù chi dưới, tim nhịp nhanh, huyết áp kẹt, mạch đảo ngược nếu có hội chứng ép tim cấp tính. Nghe thấy có tiếng cọ màng tim ở giai đoạn sớm hoặc tiếng tim mờ khi tràn dịch nhiều. Chụp phim X-quang ngực cho hình bóng tim to, có hình giọt nước, hình đôi bờ. Siêu âm thấy có dịch màng ngoài tim.

Tràn dịch màng phổi do lao: triệu chứng lâm sàng thường gặp của bệnh là đau ngực, khó thở với mức độ tăng dần, tiến hành khám phổi thì thấy có hội chứng 3 giảm. Siêu âm màng phổi thấy có dịch.

Bệnh lao gây tràn dịch màng bụng: sờ ổ bụng thấy các u cục, đám cứng. Các hạch dính vào ruột gây tắc hoặc bán tắc ruột. Siêu âm ổ bụng cho thấy hình ảnh gợi ý lao màng bụng như hạch mạc treo to, hạch sau màng bụng, có dịch khu trú giữa các đám dính. Tiến hành nội soi ổ bụng có thể thấy các hạt lao.

Bệnh lao màng não - não: triệu chứng lâm sàng của bệnh lý viêm màng não thường khởi phát bằng dấu hiệu đau đầu tăng dần và rối loạn tri giác. Khám thấy có dấu hiệu cổ cứng và Kernig dương tính. Tổn thương dây thần kinh sọ não và thần kinh khu trú, rối loạn cơ tròn. Tổn thương tủy sống gây liệt 2 chi dưới.

Bệnh lao xương khớp: thường gặp ở xương cột sống với các triệu chứng như đau lưng, hạn chế trong vận động, đau đốt xương sống bị tổn thương trong giai đoạn sớm. Ở giai đoạn muộn, bệnh gây biến dạng gù xương cột sống hoặc liệt do tủy sống bị chèn ép.

Bệnh lao tiết niệu - sinh dục: triệu chứng lâm sàng thường gặp là rối loạn bài tiết như tiểu buốt, tiểu rắt kéo dài từng đợt, thuyên giảm sau khi điều trị kháng sinh nhưng có tái phát, có thể tiểu ra máu không có máu cục, nước tiểu có màu đục, đau vùng thắt lưng âm ỉ. Ở nam giới, lao sinh dục có thể gây sưng đau tinh hoàn và mào tinh hoàn, tuy nhiên, ít gặp trường hợp viêm cấp tính hay tràn dịch màng tinh hoàn. Ở nữ giới, lao sinh dục có thể gây tiết dịch âm đạo bệnh lý hay khí hư, rối loạn kinh nguyệt, về lâu dài có thể dẫn đến mất kinh nguyệt và vô sinh.

Ngoài các thể lao trên còn một số thể lao khác nhưng ít gặp như: lao da, lao lách, lao gan...

Điều trị bệnh lao như thế nào?

Khi được chẩn đoán mắc lao, người bệnh phải điều trị đủ thời gian, đúng phác đồ thường dùng kết hợp 2 hay nhiều loại thuốc chống lao kéo dài ít nhất là 6 tháng dưới sự kiểm soát và hướng dẫn của cán bộ y tế. Với bệnh lao, nếu không dùng đủ thuốc, đủ liều hoặc bỏ trị khi chưa đủ đợt sẽ rất nguy hiểm vì bệnh không khỏi, đồng thời làm tăng nguy cơ đa kháng thuốc của vi khuẩn lao, nguy hiểm hơn nếu làm lây vi khuẩn lao kháng thuốc cho người khác. Khi bệnh nhân lao không điều trị đủ đợt hoặc điều trị không đúng phác đồ họ sẽ tiếp tục là nguồn lây nhiễm bệnh, và khi điều trị lại thường kém hoặc không hiệu quả.

Phòng bệnh lao như thế nào?

Để phòng bệnh lao, trẻ dưới 12 tháng tuổi cần tiêm chủng  phòng lao bằng vắc xin Bacille Calmette-Guérin (BCG) để có thể phòng bệnh lao màng não và các thể lao nặng khác ở trẻ em dưới 5 tuổi. Vắc xin BCG không được khuyến cáo tiêm sau 12 tháng tuổi vì không đảm bảo hiệu quả phòng bệnh.

Thanh Thủy

 

 

PHẦN MỀM TÁC NGHIỆP

  Dịch vụ công trực tuyến

  Phần mềm Quản lý văn bản

  Phần mềm QLHS Một cửa 

  Phần mềm Một cửa (Mới)

  Tiếp nhận ý kiến công dân 

  Danh mục TTHC công 

  Tra cứu hồ sơ Một cửa 

  Thư điện tử TP Hà Nội 

  Thông tin người phát ngôn

BAN BIÊN TẬP

Thống kê truy cập

Đang online: 257
Lượt truy cập trong tuần: 89620
Lượt truy cập trong tháng: 113926
Lượt truy cập trong năm: 113926
Tổng số lượt truy cập: 47408967
Về đầu trang