bệnh truyền nhiễm

Hà Nội: Triển khai hiệu quả công tác phòng chống dịch bệnh tại cộng đồng
Ngày đăng 10/04/2024 | 16:41  | Lượt xem: 132

Trong năm 2023 tình hình dịch bệnh trên địa bàn thành phố cơ bản được kiểm soát, các ổ dịch được khoanh vùng, xử lý kịp thời. Những tháng đầu năm 2024, số ca mắc các bệnh truyền nhiễm như: Ho gà, tay chân miệng… đang có xu hướng gia tăng. Để biết thêm vấn đề này, phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố (CDC) Hà Nội.

PV: Xin ông cho biết, tình hình dịch bệnh trên địa bàn thành phố hiện nay như thế nào?

Trong năm 2023 và 3 tháng đầu năm 2024, tình hình dịch bệnh truyền nhiễm trên địa bàn thành phố được kiểm soát, các dịch bệnh như tay chân miệng, rubella, liên cầu lợn, uốn ván người lớn ghi nhận một số ca bệnh tản phát, không có ổ dịch lớn, ổ dịch phức tạp. Tuy nhiên, trong 3 tháng đầu năm 2024, tình hình dịch bệnh ho gà và tay chân miệng có xu hướng gia tăng.

Giám đốc CDC Hà Nội Bùi Văn Hào kiểm tra công tác phòng, chống sốt xuất huyết tại huyện Hoài Đức.

Tính từ đầu năm đến ngày 4/4/2024, toàn thành phố ghi nhận 39 trường hợp mắc ho gà tại 18/30 quận, huyện; bệnh nhân chủ yếu là trẻ em dưới 3 tháng tuổi (chiếm 65%) và chưa được tiêm chủng hoặc chưa tiêm chủng đầy đủ (chiếm 72%). Ghi nhận 424 trường hợp mắc tay chân miệng, số mắc tăng so với cùng kỳ năm 2023; 559 trường hợp mắc sốt xuất huyết, hầu hết bệnh nhân ghi nhận trong tháng 1-2024, là giai đoạn đuôi dịch năm 2023; 595 trường hợp mắc COVID-19; 05 ca mắc uốn ván người lớn; 01 ca mắc liên cầu lợn và 01 ca mắc rubella.

PV: Để chủ động phòng chống dịch bệnh, thành phố Hà Nội đã triển khai những hoạt động gì, thưa ông?

Ngay từ cuối năm 2023, CDC Hà Nội đã chủ động tham mưu Sở Y tế và UBND thành phố xây dựng kế hoạch phòng chống dịch năm 2024, trong đó quán triệt triển khai các hoạt động phòng chống dịch tại địa phương theo phương châm “4 tại chỗ”.

Cùng với đó, CDC Hà Nội chủ động và kịp thời tham mưu Sở Y tế ban hành văn bản chỉ đạo về công tác phòng chống dịch trên địa bàn; hướng dẫn chuyên môn cho các Trung tâm Y tế quận, huyện; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, hỗ trợ các quận, huyện triển khai biện pháp phòng chống dịch bệnh tại địa phương.

Phó Giám đốc CDC Hà Nội Khổng Minh Tuấn kiểm tra công tác phòng chống sốt xuất huyết tại quận Hà Đông.

Duy trì hoạt động giám sát sức khỏe hành khách nhập cảnh tại sân bay quốc tế Nội Bài để phát hiện sớm trường hợp nghi ngờ mắc bệnh nhập cảnh vào Hà Nội, đặc biệt là người đến từ vùng đang có dịch bùng phát; phối hợp với các Trung tâm Y tế tăng cường kiểm tra, giám sát khu vực ổ dịch cũ, giam sát vệ sinh môi trường tại khu vực nguy cơ cao, khu vực lễ hội. Đồng thời, chủ động phối hợp với Chi cục Chăn nuôi và Thú Y trao đổi thông tin về tình hình dịch bệnh lây truyền từ động vật sang người để có biện pháp xử lý kịp thời, không để dịch bùng phát, lây lan tại cộng đồng.

Cùng với việc tổ chức điều tra, xử lý kịp thời các ca bệnh, ổ dịch, các Trung tâm Y tế quận, huyện, thị xã đã chỉ đạo trạm y tế xã, phường, thị trấn tổ chức rà soát đối tượng tiêm chủng; duy trì tốt công tác tiêm chủng mở rộng phòng các bệnh nguy hiểm ở trẻ em, tích cực tư vấn người dân cho con em đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch.

Với các bệnh có vắc xin nhưng không trong chương trình tiêm chủng mở rộng, khuyến khích người dân chủ động tiêm chủng phòng bệnh theo khuyến cáo của ngành Y tế.

Trung tâm Y tế quận, huyện, thị xã đã tăng cường công tác truyền thông phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm, thông tin kịp thời, đầy đủ về tình hình dịch bệnh và các biện pháp phòng, chống một số dịch bệnh mùa đông - xuân; tăng cường truyền thông nâng cao sức khỏe tại cộng đồng, bảo đảm người dân được thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi.

PV: Xin ông cho biết, để tiếp tục làm tốt công tác phòng chống dịch, Hà Nội xác định những nhiệm vụ trọng tâm gì trong thời gian tới?

Thời gian tới, dự báo tình hình dịch bệnh truyền nhiễm trên địa bàn thành phố vẫn còn diễn biến phức tạp, khó lường. Thành phố tiếp tục duy trì công tác giám sát dịch, trong đó có giám sát bệnh nhân mắc bệnh tại các cơ sở y tế, bệnh viện được phân cấp, đảm bảo tần suất giám sát tối thiểu 2 – 3 lần/tuần.

Các quận, huyện cần tăng cường tuyên truyền cho người dân các biện pháp phòng chống dịch bệnh.

Đồng thời, tổ chức triển khai giám sát ổ dịch cũ để đánh giá nguy cơ; giám sát thường xuyên, trọng điểm chỉ số côn trùng truyền bệnh, đặc biệt là muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết; thực hiện lấy mẫu xét nghiệm để chẩn đoán tác nhân gây bệnh theo đúng quy định; thường xuyên tổ chức hoạt động vệ sinh môi trường hàng tuần để phòng chống dịch bệnh; khoanh vùng, xử lý triệt để khu vực ổ dịch, không để dịch lây lan, bùng phát.

Hà Nội tăng cường công tác phối hợp liên ngành Y tế - Nông nghiệp và phát triển nông thôn và Y tế - Giáo dục đào tạo để triển khai hiệu quả công tác phòng chống dịch bệnh lây truyền từ động vật sang người và trong trường học. Các đơn vị bảo đảm đủ kinh phí, thuốc, trang thiết bị, hóa chất, đáp ứng kịp thời công tác phòng, chống dịch bệnh tại các tuyến.

Ngoài ra, Hà Nội tiếp tục tăng cường tuyên truyền các biện pháp phòng chống dịch bệnh nhằm nâng cao nhận thức, ý thức người dân; hướng dẫn, vận động người dân đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch để phòng bệnh được hiệu quả nhất.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Duy Tuân

 

PHẦN MỀM TÁC NGHIỆP

  Dịch vụ công trực tuyến

  Phần mềm Quản lý văn bản

  Phần mềm QLHS Một cửa 

  Phần mềm Một cửa (Mới)

  Tiếp nhận ý kiến công dân 

  Danh mục TTHC công 

  Tra cứu hồ sơ Một cửa 

  Thư điện tử TP Hà Nội 

  Thông tin người phát ngôn

BAN BIÊN TẬP

Thống kê truy cập

Đang online: 128
Lượt truy cập trong tuần: 21804
Lượt truy cập trong tháng: 7071
Lượt truy cập trong năm: 818554
Tổng số lượt truy cập: 44885942
Về đầu trang