bệnh truyền nhiễm
Ngày 31/12/2024, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành kế hoạch 401/KH-UBND về phòng chống dịch bệnh năm 2025 và giao nhiệm vụ cho các sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã phối hợp chặt chẽ với Sở Y tế để triển khai các hoạt động phòng chống dịch bệnh trên địa bàn.
Mục tiêu đề ra là giảm tỷ lệ mắc và tử vong do các bệnh truyền nhiễm, khống chế kịp thời dịch bệnh, không để dịch lớn xảy ra góp phần bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân và phát triển kinh tế, xã hội Thủ đô.
Triển khai các biện pháp chuyên môn phòng chống dịch
Sở Y tế là cơ quan Thường trực Ban chỉ đạo phòng, chống dịch thành phố chỉ đạo các đơn vị trong ngành thực hiện tốt các hoạt động chuyên môn trong công tác phòng chống dịch: giám sát chặt chẽ dịch tại cộng đồng, cơ sở y tế (giám sát trọng điểm, giám sát ổ dịch cũ, giám sát véc tơ truyền bệnh, giám sát ca bệnh...) để kịp thời phát hiện sớm, xử lý triệt để không để dịch bùng phát; giám sát hành khách nhập cảnh từ các vùng có dịch, vùng có ổ dịch cũ nhằm phát hiện sớm ca bệnh dịch để cách ly không để dịch xâm nhập; xét nghiệm chẩn đoán tác nhân gây bệnh; thực hiện tiêm chủng phòng bệnh; vệ sinh môi trường phòng chống dịch bệnh và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm phòng chống bệnh lây truyền qua thực phẩm.
Các cơ sở khám chữa bệnh phải thực hiện nghiêm việc phân luồng, kiểm soát người ra vào, đảm bảo công tác phòng hộ cho đội ngũ y bác sĩ nhằm không để lây nhiễm chéo dịch bệnh. Chuẩn bị khu cách ly đủ giường bệnh, thuốc, dịch truyền, trang thiết bị cũng như nhân lực sẵn sàng tiếp nhận, cách ly, điều trị bệnh nhân.
Chỉ đạo các đơn vị trong ngành y tế phối hợp với các đơn vị trong ngành giáo dục để tổ chức triển khai thực hiện hoạt động rà soát tiền sử và tư vấn tiêm chủng đối với trẻ nhập học tại các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học trên địa bàn thành phố.
Phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí, truyền hình của Trung ương và Hà Nội để thông tin kịp thời, chính xác diễn biến dịch và tuyên truyền về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn thành phố. Cùng với đó là phối hợp với các sở, ban ngành, đoàn thể liên quan để tổ chức hiệu quả hoạt động truyền thông phòng, chống dịch tại cộng đồng.
Thường xuyên tập huấn nâng cao, cập nhật kiến thức pháp luật, kiến thức chuyên môn trong lĩnh vực phòng chống dịch phù hợp theo từng nhóm đối tượng như cán bộ trực tiếp tham gia công tác phòng chống dịch, cán bộ y tế tham gia điều trị bệnh nhân mắc bệnh truyền nhiễm, cộng tác viên y tế…. Rà soát, đảm bảo đầy đủ các trang thiết bị, vật tư, hóa chất, thuốc men... cho công tác phòng chống dịch. Tổ chức kiểm tra, giám sát thường xuyên hoặc đột xuất về công tác phòng, chống dịch tại các quận, huyện, thị xã để kịp thời chỉ đạo và tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện.
Tiêm chủng vắc xin đầy đủ và đúng lịch
Một trong những biện pháp phòng chống bệnh truyền nhiễm hiệu quả là tiêm chủng với những bệnh đã có vắc xin phòng. Chính vì vậy, trong kế hoạch phòng chống dịch của thành phố đã có 2/15 mục tiêu liên quan đến công tác tiêm chủng. Đó là đảm bảo tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ cho trẻ em dưới 1 tuổi đạt từ 95% trở lên theo quy mô xã, phường, thị trấn; tiêm chủng các loại vắc xin khác đạt tỷ lệ cao theo kế hoạch của chương trình tiêm chủng mở rộng; duy trì thành quả thanh toán bại liệt, loại trừ uốn ván sơ sinh, tiến tới loại trừ bệnh sởi. Tiếp đến là 100% trẻ được rà soát tiền sử tiêm chủng các loại vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng khi nhập học tại các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học trên địa bàn thành phố để khuyến cáo phụ huynh cho trẻ đi tiêm chủng bổ sung đầy đủ các loại vắc xin phòng các bệnh trong chương trình tiêm chủng mở rộng theo đúng quy định, hướng dẫn của Bộ Y tế.
Theo thống kê của Sở Y tế Hà Nội, đến hết tháng 11/2024, đã có gần 105.000 trẻ sinh ra được quản lý trên hệ thống quản lý thông tin tiêm chủng quốc gia. Kết quả tiêm chủng đầy đủ 8 loại vắc xin cho trẻ dưới 1 tuổi đạt tiến độ đề ra. Đặc biệt là để phòng chống bệnh sởi, thành phố Hà Nội đã tổ chức tiêm chủng vắc xin phòng bệnh sởi trong chương trình tiêm chủng mở rộng cho trẻ từ 9 tháng tuổi với tỷ lệ trẻ được tiêm vắc xin có chứa thành phần sởi mũi 1 là 98,5%, mũi 2 là 95,6%. Trong thời gian từ tháng 10-11/2024, thành phố đã triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng, chống dịch sởi trên địa bàn thành phố cho trẻ từ 1-5 tuổi chưa được tiêm đủ 2 mũi vắc xin có chứa thành phần sởi, kết quả có 55.640/61.590 trẻ trong độ tuổi được tiêm chủng, đạt 96,3%.
Để phòng bệnh sởi, tiến tới loại trừ bệnh sởi, trong tháng 12/2024, Sở Y tế đã có văn bản đề nghị Bộ Y tế mở rộng đối tượng tiêm vắc xin sởi cho trẻ từ 6 đến dưới 9 tháng tuổi trên địa bàn thành phố bằng nguồn vắc xin được cung ứng từ Bộ Y tế.
Sở Y tế cũng đã đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo TTYT phối hợp với các trường học, ban ngành, đoàn thể rà soát trẻ từ 1-5 tuổi chưa tiêm đủ 2 mũi vắc xin phòng bệnh sởi để mời tiêm bổ sung, tiêm vét. Đồng thời, rà soát, trẻ 7 tuổi, đang học lớp 2 tại các trường tiểu học để tiêm vắc xin phòng uốn ván – bạch hầu (Td) để phòng bệnh cho trẻ.
Hồng Thương
VĂN BẢN MỚI
- Hướng dẫn về việc bổ sung về việc đăng ký khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu tại Bệnh viện Lão khoa Trung ương năm 2024
- Giám sát phản ứng có hại của thuốc (ADR) tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh
- Tăng cường các biện pháp phòng chống dịch bệnh tại các cơ sở kinh doanh thuốc trong dịp Tết Nguyên đán 2022
- Đảm bảo cung ứng thuốc phòng chống dịch bệnh và nhu cầu sử dụng thuốc trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022
- 4289/QĐ-SYT Quyết định về việc giao chỉ tiêu Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán thu, chi ngân sách năm 2022 cho các đơn vị thuộc Sở Y tế Hà Nội
- 10722/BYT-DP Về việc tiêm vắc xin phòng Covid-19 liều cơ bản và nhắc lại
- Công văn 10696/BYT-MT về việc cách ly y tế cho trường hợp F1 đã tiêm đủ liều vắc xin hoặc đã khỏi bệnh Covid-19
- Công văn 10688/BYT-MT của Bộ Y tế về phòng, chống dịch Covid-19 đối với người nhập cảnh
- Sử dụng kết quả xét nghiệm để phát hiện người mắc Covid-19 và cho người bệnh ra viện
- Quyết định 696/QĐ-SYT của Bộ Y tế ban hành Sổ tay thực hành tại cơ sở bán lẻ thuốc