hoạt động y tế

Bệnh cúm: Có nên tiêm phòng vắc xin?
Ngày đăng 12/02/2020 | 10:20  | Lượt xem: 5046

Bệnh cúm là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính do vi rút cúm gây ra. Bệnh xảy ra quanh năm nhưng thường tăng nhiều hơn về mùa đông xuân. Từ khá lâu đã có vắc xin cúm có thể phòng được các chủng vi rút cúm mùa. Tuy nhiên, nhiều người hoang mang có nên tiêm phòng vắc xin cúm hay không?

Gánh nặng bệnh tật do cúm

Mặc dù phần lớn các trường hợp bệnh cúm đều ở thể nhẹ và có thể tự hồi phục sau 5 - 7 ngày, tuy nhiên bệnh vẫn ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh do tình trạng sốt, hắt hơi, sổ mũi và mệt mỏi kéo dài. Ngoài ra, bệnh còn dẫn đến nhiều hậu quả khác cho xã hội như phải nghỉ học, nghỉ làm, giảm năng suất lao động và gây tổn thất về mặt kinh tế, gây bất ổn trong gia đình và xã hội, cũng như làm gia tăng tình trạng quá tải ở các cơ sở chăm sóc y tế. 

Đặc biệt, bệnh cúm làm tăng tình trạng lạm dụng kháng sinh và sử dụng kháng sinh do những biến chứng, từ đó dẫn đến tình trạng kháng kháng sinh.

Hiệu quả và tính an toàn của vắc xin cúm

Vắc xin cúm đã được sử dụng từ hơn 60 năm và đã có rất nhiều bằng chứng khoa học cho thấy an toàn và hiệu quả trong dự phòng bệnh cúm. Theo Tổ chức Y tế Thế giới WHO, việc tiêm phòng vắc xin cúm đã được chứng minh làm giảm 60% bệnh tật liên quan đến cúm và giảm tỷ lệ tử vong do cúm đến 70 - 80%.

Các tác dụng không mong muốn được ghi nhận:

+ Thường gặp (tỷ lệ 1/10 người): đau đầu, mệt mỏi, khó chịu, đau cơ, đau khớp, cáu kỉnh, buồn ngủ, tiêu chảy, sốt, run rẩy, chán ăn, chóng mặt, tăng đổ mồ hôi, trẻ em quấy khóc; đau, sưng, đỏ, cứng, ngứa chỗ tiêm.

+ Không thường gặp (tỷ lệ1/100 người): sưng hạch cổ, nách, bẹn; nôn, mày đay, triệu chứng giống cúm; xuất huyết, nóng chỗ tiêm.

+ Hiếm gặp (tỷ lệ 1/1000 người): Cảm giác tê hay như kiến bò (dị cảm), giảm cảm nhận xúc giác, cảm giác tê hay đau yếu cánh tay, đau dọc đường đi của dây thần kinh.

+ Các tác dụng không mong muốn khác không rõ tần suất và chưa chứng minh được liên quan đến việc tiêm vắc xin: co giật, viêm não tủy, viêm thần kinh, hội chứng Guillain - Barré, viêm mạch máu, giảm tiểu cầu…

Nói chung các phản ứng thường nhẹ và tự hết sau 01 - 02 ngày.

Hiện nay tại Việt Nam, vắc xin phòng cúm Vaxigrip có thể ngăn ngừa tình trạng nhiễm virus cúm A/H1N1; Cúm A/H3N2 và chủng cúm tuýp B. Đây là vắc xin chứa vi rút cúm bất hoạt, không có khả năng gây bệnh và không gây nên bất kỳ biến cố bất lợi nào cho phôi thai. Các chuyên gia y tế và các nhà sản xuất vắc xin đều đồng thuận rằng vắc xin ngừa cúm dạng bất hoạt an toàn và hiệu quả trong các thời điểm của thai kỳ, kể cả khi đang cho con bú sữa mẹ. Chưa có nghiên cứu nào đến nay ghi nhận vắc xin ngừa cúm dạng bất hoạt làm tăng nguy cơ biến chứng trên sản phụ hoặc những ảnh hưởng bất lợi đến thai nhi.

Như vậy, cách tốt nhất để giảm nguy cơ mắc cúm là tiêm phòng vắc xin cúm. Người đã tiêm phòng nếu mắc cúm có thể nhẹ hơn, thời gian bị bệnh ngắn hơn và ít tử vong hơn người chưa tiêm phòng.

Thời điểm tiêm phòng: Vì chủng vi rút cúm thay đổi hàng năm nên bạn cần tiêm phòng vắc xin cúm mỗi năm trước khi vào mùa cúm. Ở bắc bán cầu, mùa cúm thường xảy ra từ tháng 10 năm trước đến tháng 03 năm sau, còn ở nam bán cầu thì mùa cúm là từ tháng 4 đến tháng 10. Ở miền nhiệt đới thì cúm có thể xảy ra quanh năm. Nên tiêm vắc xin cúm càng sớm càng tốt khi có vắc xin cúm mới của năm đó. Ở Việt Nam, tốt nhất nên tiêm vắc xin cúm vào khoảng tháng 9 và tháng 10 hàng năm. Tuy nhiên, vắc xin cúm vẫn có thể tiêm vào bất cứ lúc nào trong mùa cúm, thông thường từ tháng 10 năm trước đến tháng 3 năm sau.

Trẻ em dưới 09 tuổi nên tiêm 02 mũi khi tiêm lần đầu (mũi thứ 02 cách mũi 01 ít nhất 04 tuần). Người lớn và trẻ đã từng chủng ngừa cúm thì mỗi năm tiêm 01 mũi.

Chỉ định

Tất cả mọi người từ 06 tháng tuổi trở lên đều nên tiêm phòng vắc xin cúm hàng năm.

Nhóm người có nguy cơ cao nhiễm vi rút cúm và nguy cơ mắc cúm nặng có biến chứng cần được khuyến cáo tiêm ngừa bao gồm:

+ Phụ nữ mang thai;

+ Trẻ em từ 06 tháng đến 5 tuổi;

+ Người cao tuổi (trên 65 tuổi);

+ Người mắc bệnh mạn tính (COPD, suy tim, viêm đa khớp, bệnh lupus…);

+ Nhân viên y tế;

+ Người đi du lịch giữa các nước và các vùng trong một nước.

Chống chỉ định

Những đối tượng không nên tiêm phòng cúm:

+ Trẻ dưới 06 tháng tuổi;

+ Đã từng có tiền sử dị ứng với tiêm phòng cúm trước đó;

+ Dị ứng nghiêm trọng với trứng;

+ Hoãn tiêm khi đang bị sốt hoặc mắc các bệnh cấp tính (nên chờ cho đến khi tình trạng tốt hơn mới nên đi tiêm phòng cúm);

+ Từng bị hội chứng Guillian-Barre trong 06 tuần sau khi tiêm cúm.

Đỗ Hương

(Theo Bệnh viện Đại học Y Hà Nội)

Về đầu trang