hoạt động y tế

Hà Nội: Phấn đấu 8 mục tiêu về công tác y tế trường học năm học 2024 - 2025
Ngày đăng 04/11/2024 | 10:19  | Lượt xem: 119

Tại Kế hoạch liên ngành số 5383/KHLN-YT-GDĐT ngày 30/10, Sở Y tế Hà Nội và Sở Giáo dục&Đào tạo đã đưa ra 8 mục tiêu phấn đấu nhằm thực hiện hiệu quả công tác y tế trường học năm học 2024 - 2025 trên địa bàn thành phố.

Theo đó, tăng cường công tác chỉ đạo điều hành về y tế trường học tại các cấp quận, huyện, thị xã; xã, phường, thị trấn; trường học, cơ sở giáo dục. Củng cố cơ sở vật chất và nhân lực cho công tác y tế trường học. Tăng cường công tác truyền thông về dự phòng, chăm sóc sức khỏe cho học sinh, giáo viên và phụ huynh học sinh.

Nâng cao chất lượng hoạt động quản lý, bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cho học sinh, giáo viên, nhân viên trường học. Duy trì giám sát phát hiện sớm dịch bệnh trong trường học và các cơ sở giáo dục; đảm bảo công tác phòng chống dịch bệnh trong trường học.

Tổ chức triển khai các mô hình giám sát, phát hiện, can thiệp nhằm nâng cao sức khỏe cho học sinh, cán bộ, giáo viên nhà trường và mở rộng mô hình để hướng tới mục tiêu phát triển thể lực, tầm vóc người Hà Nội đến năm 2030 tại Kế hoạch 168/KH-UBND ngày 28/8/2018 của UBND thành phố Hà Nội. Đồng thời, đẩy mạnh việc tham gia bảo hiểm y tế của học sinh tại các cơ sở giáo dục để đảm bảo công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu.

Tăng cường kiểm tra, giám sát và thực hiện đánh giá công tác y tế trường học theo Thông tư liên tịch số 13/2016/TTLT-BYT-BGDĐT ngày 12/5/2016  của Bộ Y tế và Bộ Giáo dục và Đào tạo, Thông tư số 33/2021/TT-BYT ngày 31/12/2021 của Bộ Y tế quy định về công tác y tế trường học trong cơ sở giáo dục đại học và cơ sở giáo dục nghề nghiệp, Quyết định số 2616/QĐ-BYT ngày 04/9/2024 của Bộ Y tế về ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình sức khỏe học đường và Chương trình Y tế trường học trong các cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông gắn với y tế cơ sở giai đoạn đến năm 2026.

Nhiều trường học trên địa bàn thành phố triển khai tốt các mô hình quản lý và chăm sóc sức khỏe cho học sinh.

Để thực hiện các mục tiêu trên, kế hoạch đưa ra 15 nội dung triển khai cụ thể công tác y tế trường học. Điển hình như triển khai các nội dung chăm sóc sức khỏe trong trường học: khám sức khỏe định kỳ mỗi năm một lần cho giáo viên, nhân viên nhà trường; khám sức khỏe theo chuyên khoa, đánh giá tình trạng dinh dưỡng cho học sinh, sơ cấp cứu ban đầu, mắt học đường, nha học đường cho học sinh, giáo viên, nhân viên nhà trường. Thông báo kết quả khám sức khỏe; thông báo các trường hợp mắc bệnh cho gia đình để phối hợp chuyển tuyến điều trị. Đối với giáo viên, nhân viên nhà trường, các trường hợp mắc bệnh được thông báo trực tiếp cho người mắc.

Thường xuyên theo dõi sức khỏe học sinh, phát hiện sớm, điều trị kịp thời và dự phòng các bệnh thường gặp, tình trạng thừa cân, béo phì, bệnh tật học đường như tật cận thị, giảm thị lực, cong vẹo cột sống, bệnh răng miệng, rối loạn sức khỏe tâm thần, tai nạn thương tích, ngộ độc thực phẩm và các bệnh tật khác để xử trí, chuyển đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo quy định và áp dụng chế độ học tập, rèn luyện phù hợp với tình trạng sức khỏe.

Các trường học và các cơ sở giáo dục chủ động giám sát phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ, trường hợp mắc bệnh, ổ dịch trong trường học, đặc biệt là các bệnh truyền nhiễm, bệnh mới nổi, tái nổi. Thường xuyên phối hợp với y tế địa phương trao đổi thông tin tình hình dịch bệnh để chủ động phát hiện sớm và xử lý kịp thời và triệt để các ổ dịch, không để xảy ra ổ dịch lớn.

Cùng với đó, tổ chức và tiếp tục củng cố, duy trì, nhân rộng các mô hình điểm chăm sóc sức khỏe học sinh như: mô hình điểm về hoạt động truyền thông, tư vấn; phòng chống các bệnh mắt học đường, nha học đường, gù vẹo cột sống, tật cận thị, giảm thị lực, các bệnh về mắt, hen phế quản; vệ sinh học đường, vệ sinh môi trường; vệ sinh an toàn thực phẩm trong trường học; dinh dưỡng học đường, can thiệp phòng chống suy dinh dưỡng; tiếp tục triển khai mô hình điểm phòng chống thừa cân, béo phì tại 03 trường tiểu học, đánh giá hiệu quả và nhân rộng mô hình để tiến tới khống chế tỷ lệ thừa cân béo phì ở học sinh trên địa bàn thành phố; mô hình can thiệp giảm thiểu yếu tố nguy cơ bệnh không lây nhiễm, phòng chống tác hại của thuốc  lá, rượu, bia... tăng cường các điều kiện đảm bảo an toàn sức khỏe cho học sinh. Lồng ghép các hoạt động chăm sóc sức khỏe học đường với các hoạt động khác như tiêm chủng vắc xin phòng bệnh, phòng chống suy dinh dưỡng, phòng chống thiếu vi chất, cải thiện tình trạng dinh dưỡng học sinh, phòng chống các tác hại do thuốc lá, rượu bia, chăm sóc sức khỏe răng miệng trẻ em...

Thường xuyên tổ chức các hoạt động điều tra, kiểm tra, đánh giá về công tác y tế học đường, chăm sóc sức khỏe học sinh, giáo viên trong các trường học. Đưa công tác y tế trường học vào chỉ tiêu đánh giá thi đua hàng năm của các cơ sở giáo dục và các cấp quản lý giáo dục.

Xem chi tiết tại đây:

Nhã Khanh

Về đầu trang