hoạt động y tế

Mở rộng chương trình điều trị dự phòng HIV bằng thuốc PrEP
Ngày đăng 23/11/2022 | 09:57  | Lượt xem: 611

Được coi là một chiến lược hiệu quả trong công tác phòng, chống HIV/AIDS, tại nhiều địa phương đang nỗ lực mở rộng chương trình điều trị dự phòng HIV bằng thuốc PrEP.

PrEP - giải pháp dự phòng cho người có nguy cơ nhiễm HIV. (ảnh sưu tầm)

Để đẩy mạnh chương trình này, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1246/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chiến lược quốc gia chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030. Trong đó chỉ tiêu tỷ lệ nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) được điều trị PrEP đạt 30% vào năm 2025 và 40% vào năm 2030.

Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), sử dụng PrEP làm giảm đến 97% nguy cơ nhiễm HIV qua quan hệ tình dục không an toàn, giảm 74% nguy cơ lây nhiễm HIV qua đường tiêm chích ma túy. Ngay khi WHO khuyến cáo về hiệu quả PrEP, Việt Nam đã nghiên cứu áp dụng triển khai trong bối cảnh tình hình dịch có sự thay đổi, lây truyền HIV qua quan hệ tình dục là đường lây chính trong những năm gần đây và tỉ lệ nhiễm HIV tăng lên trong nhóm MSM.

Năm 2017, Việt Nam đã triển khai cung cấp dịch vụ PrEP thí điểm tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Từ năm 2019 đến nay, với sự hỗ trợ từ dự án Quỹ Toàn cầu phòng chống HIV/AIDS, lao và sốt rét, Bộ Y tế đã mở rộng cung cấp dịch vụ PrEP tại 29 tỉnh, thành phố với 210 cơ sở điều trị (49 cơ sở PrEP tư nhân) và nhiều mô hình cung cấp dịch vụ PrEP đa dạng được triển khai phối hợp như: PrEP qua cơ sở y tế công lập - cơ sở y tế tư nhân do cộng đồng làm chủ, PrEP tại nhà thuốc, PrEP lưu động, Tele PrEP, PrEP và mô hình chăm sóc sức khỏe toàn diện cho khách hàng.

Việc triển khai chương trình dự phòng trước phơi nhiễm PrEP đã đạt được nhiều kết quả khả quan. Đến quý 3 năm 2022, 60.258 khách hàng sử dụng PrEP tích lũy và 31.165 khách hàng đang sử dụng PrEP. Trong đó, PrEP hàng ngày chiếm 94,5% số khách hàng sử dụng.

Bên cạnh các cơ sở y tế công lập còn có sự tham gia mạnh mẽ của các cơ sở y tế tư nhân trong việc cung cấp dịch vụ PrEP với quy trình cung cấp dịch vụ được Bộ Y tế thống nhất trên toàn quốc. Đây cũng là bằng chứng cho thấy vai trò của y tế tư nhân trong việc triển khai các can thiệp giảm nhiễm HIV mới tại Việt Nam. Khi một người có hành vi nguy cơ cao bị nhiễm HIV như quan hệ tình dục không an toàn hoặc tiêm chích không an toàn, hãy đến cơ sở cung cấp dịch vụ PrEP để được tư vấn, hướng dẫn và xác định khách hàng có nguy cơ cao bị nhiễm HIV hay không. Tất cả thông tin cá nhân của khách hàng đều được bảo mật.

Nhã Khanh

Về đầu trang