hoạt động y tế

Tác hại của hút thuốc lá đến sức khỏe con người
Ngày đăng 06/06/2024 | 09:55  | Lượt xem: 667

Theo đánh giá của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), thuốc lá là nguyên nhân gây ra cái chết của hơn 7 triệu người trên thế giới mỗi năm. Tại Việt Nam, hàng năm có hơn 40.000 người chết do các bệnh từ thuốc lá gây ra. Cùng với tác hại cho sức khỏe, thuốc lá gây ra gánh nặng về kinh tế không chỉ cho người sử dụng mà còn cho thành viên trong gia đình, cộng đồng xã hội.

Tại Hà Nội, kết quả điều tra thực trạng hành vi nguy cơ mắc các bệnh không lây nhiễm năm 2022 của hơn 7.500 học sinh từ 13 đến 17 tuổi cho thấy, có 6,7% học sinh sử dụng thuốc lá, trong đó nam giới là 3.640 em (chiếm 9,3%), nữ giới là 3.943 em (chiếm 4,3%). Việc sử dụng thuốc lá mới như thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng hay shisha ngày càng phổ biến trong giới trẻ, làm gia tăng tỷ lệ sử dụng trong học sinh, sinh viên, đặc biệt là tỷ lệ học sinh bị ảnh hưởng hút thuốc lá thụ động trong trường học còn cao do một số nơi chưa thực hiện nghiêm túc các quy định về cấm hút thuốc lá trong trường học.

Quận Tây Hồ thường xuyên đẩy mạnh công tác truyền thông về phòng chống tác hại thuốc lá.

Việt Nam là quốc gia có tỷ lệ nữ giới hút thuốc lá điếu thấp hơn rất nhiều so với tỷ lệ nam giới hút thuốc lá điếu. Tuy nhiên, với sự xuất hiện của các sản phẩm thuốc lá điện tử hướng đến nữ giới và trẻ em. Tỷ lệ nữ giới hút thuốc lá đã và sẽ tiếp tục gia tăng nhanh chóng và điều đáng ngại là tình trạng sử dụng thuốc lá điện tử ở phụ nữ đang có xu hướng ngày càng tăng. Có nhiều bạn trẻ lại nghĩ rằng sử dụng thuốc lá điện tử để cai nghiện thuốc lá truyền thống, đây là một điều rất sai lầm.

Hút thuốc lá được biết đến là một yếu tố nguy cơ đối với nhiều bệnh nhiễm trùng đường hô hấp và làm gia tăng mức độ nghiêm trọng của các bệnh về đường hô hấp. Bên cạnh đó, nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng người không hút thuốc lá nhưng thường xuyên hít phải khói thuốc lá còn nguy hiểm hơn người hút trực tiếp 3 đến 4 lần. Hút thuốc lá không chỉ dừng lại ở việc gây ra các bệnh lý về đường hô hấp mà còn tăng nguy cơ gây ra một số bệnh ung thư và có thể dẫn đến tử vong nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Vì vậy, các bác sĩ khuyến cáo người hút thuốc lá cần thường xuyên đi khám sức khỏe định kỳ ít nhất 1 năm 1 lần.

Sử dụng thuốc lá là một vấn đề sức khỏe nghiêm trọng đối với cả cá nhân và cộng đồng, người hút thuốc lá sẽ rất nhanh bị lệ thuộc vào nó, để lại cho cơ thể một hậu quả nghiêm trọng đó là tử vong sớm và gánh nặng bệnh tật, trên thực tế thuốc lá là một trong những nguyên nhân gây ra các bệnh về huyết áp. Hút thuốc lá gây ra nhiều bệnh về tim mạch và kèm theo các nguy cơ tăng huyết áp, xơ vữa động mạch, cùng nhiều loại ung thư khác. Với những người có tiềm ẩn bệnh lý về tim mạch thì hút thuốc lá còn nguy hiểm hơn gấp bội phần. Những người hút thuốc lá cần thiết được hỗ trợ, tư vấn về các biện pháp cai nghiện thuốc lá và đồng hành với họ trong suốt quá trình cai thuốc để không tái nghiện.

Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá (PCTHTL) có hiệu lực thi hành từ ngày 1/5/2013. Từ đó đến nay, Hà Nội luôn đẩy mạnh công tác PCTHTL trên địa bàn thành phố. Được sự hỗ trợ của Qũy PCTHTL (Bộ Y tế), Sở Y tế Hà Nội đã phối hợp với các sở ban ngành như Sở Giáo dục-  Đào tạo, Công an TP, Sở Văn Hóa - Thể Thao, Sở Du Lịch, Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên,... thực hiện đồng bộ các giải pháp, đặc biệt chú trọng đẩy mạnh hoạt động truyền thông, giáo dục sức khỏe, cung cấp kiến thức về tác hại của thuốc lá, thực thi Luật PCTHTL, hướng dẫn người dân nâng cao ý thức PCTHTL, xây dựng môi trường không khói thuốc, góp phần thực hiện nếp sống văn minh nơi công cộng, đảm bảo cho mọi người sống trong môi trường lành mạnh, giảm tỷ lệ các bệnh liên quan đến thuốc lá.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội tổ chức tập huấn về PCTHTL cho các cán bộ y tế.

Hàng năm, Sở Y tế Hà Nội đã chỉ đạo các đơn vị y tế trong toàn ngành đẩy mạnh công tác truyền thông về PCTHTL cho đội ngũ cán bộ công chức, viên chức, người lao động đang công tác tại đơn vị và người dân trên địa bàn; tổ chức mít tinh hưởng ứng Ngày Thế giới không thuốc lá và Tuần lễ quốc gia không khói thuốc lá; nói chuyện chuyên đề về PCTHTL tại trường học, nhà hàng, khách sạn, các cơ sở y tế; truyền thông trực tiếp tại các xã, thị trấn, nơi tập trung đông người.

Cùng với đó, tổ chức in ấn, cấp phát, treo pano, áp phích tuyên truyền về PCTHTL, Luật PCTHTL tại 30 quận, huyện, thị xã; tuyên truyền, hướng dẫn các điểm du lịch, nhà hàng, khách sạn và khu vực công cộng treo biển “Cấm hút thuốc”. Năm 2022, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội đã phối hợp với Công an thành phố tổ chức 03 lớp tập huấn cho 109 cán bộ công an các xã, thị trấn về tác hại của thuốc lá, Luật PCTHTL và hướng dẫn công tác kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính về Luật PCTHTL. Từ năm 2020 đến 2023, Trung tâm đã tổ chức 62 lớp tập huấn cho cán bộ y tế thuộc 30 Trung tâm Y tế quận, huyện nhằm cung cấp kiến thức về tác hại thuốc lá và các biện pháp phòng chống. Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức 62 lớp tập huấn cho hơn 2000 giáo viên làm công tác đoàn đội, cán bộ y tế khối các trường trung học cơ sở, trung học phổ thông về Luật PCTHTL và công tác xây dựng môi trường không khói thuốc tại trường học; tổ chức truyền thông cho trên 25.000 học sinh từ 13 đến 17 tuổi tại 59 trường học về những khái niệm bệnh không lây nhiễm, yếu tố nguy cơ của bệnh và tác hại của các sản phẩm từ thuốc lá; tổ chức 35 lớp tập huấn tư vấn cai nghiện thuốc lá cho hơn 1.200 cộng tác viên, y tế thôn các xã thuộc một số huyện của Hà Nội.

Trong giai đoạn 2013 – 2022, thành phố quy định địa điểm cấm hút thuốc lá, nơi dành riêng cho người hút thuốc lá. Kết quả, có 236 đơn vị, cơ sở y tế (bệnh viện, trung tâm y tế, trạm y tế, phòng khám tư nhân); 320 trường học (mầm non, tiểu học, THCS, THPT; trường liên cấp; trung tâm Giáo dục thường xuyên); 201 đơn vị, cơ quan hành chính, nhà máy, xí nghiệp…; 13 trường cao đẳng, đại học, học viện; 2520 nhà hàng, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống… thực hiện tốt quy định về cấm hút thuốc. Song song với đó, tổ chức 12 đợt thanh tra về thi hành Luật PCTHTL và các văn bản hướng dẫn tại 64 đơn vị, trong đó đã xử phạt 16 đơn vị với tổng số tiền 217.500.000 đồng; tổ chức 45 đợt kiểm tra thực hiện Luật PCTHTL và các văn bản hướng dẫn tại 665 đơn vị.

Tuy nhiên, theo ghi nhận thực tế việc triển khai thực hiện Luật PCTHTL vẫn chưa được giám sát một cách chặt chẽ. Tình trạng hút thuốc lá nhìn chung có giảm so với mặt bằng chung cả nước, tuy nhiên tại một số nơi như cơ sở y tế, cơ sở giáo dục, bến xe, khu vui chơi giải trí… vẫn còn chưa được kiểm soát tốt. Một bộ phận người dân còn chưa nhận thức được những tổn thất to lớn về sức khoẻ, kinh tế và môi trường do thuốc lá gây nên, đặc biệt chưa thấy được tác hại của thuốc lá là nguyên nhân dẫn đến nhiều căn bệnh gây chết người.

Với thông điệp “Bảo vệ trẻ em trước những tác động của ngành công nghiệp thuốc lá” làm chủ đề cho Ngày Thế giới không thuốc lá 31-5 năm nay., ngành Y tế Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, vân động người dân thực thi Luật PCTHTL; tăng cường tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực thi quy định cấm hút thuốc tại nơi làm việc, tăng chế tài xử phạt, tránh cả nể, bao che; lồng ghép việc kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện Luật PCTHTL tại các địa điểm có quy định cấm hút thuốc lá. Lồng ghép phong trào xây dựng Làng văn hóa - Sức khỏe với xây dựng cộng đồng dân cư không có người hút thuốc lá, thuốc lào, xây dựng cộng đồng dân cư không thuốc lá …

Để tiếp tục duy trì bền vững những kết quả đã đạt được, đồng thời đưa Luật PCTHTL thấm sâu vào cuộc sống phát huy hiệu quả, thời gian tới Hà Nội tiếp tục tập trung đẩy mạnh các hoạt động, tăng cường sự phối hợp giữa các Sở, ban, ngành và cộng đồng trong việc nâng cao tinh thần, trách nhiệm, quyết tâm thực hiện Luật PCTHTL. Hãy bỏ thuốc lá ngay hôm nay, ngừng hút thuốc sớm là phương pháp hiệu quả nhất giúp ngăn ngừa và làm chậm sự phát triển của bệnh tật do việc hút thuốc. Chúng ta hãy cùng chung tay xây dựng môi trường sống không khói thuốc để bảo vệ sức khỏe bản thân và toàn xã hội.

Đặng Đình Huân

Về đầu trang