DÂN SỐ KẾ HOẠCH HÓA GIA ĐÌNH

“Đầu tư cho công tác dân số là đầu tư cho phát triển bền vững”
Ngày đăng 05/07/2024 | 16:36  | Lượt xem: 135

Đó là quan điểm chỉ đạo của Đảng về công tác dân số trong tình hình mới, khẳng định đầu tư cho công tác dân số không chỉ mang lại lợi ích về mặt xã hội mà còn đóng góp quan trọng vào sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia và toàn cầu được nhấn mạnh tại nhiều diễn đàn, hội nghị quốc tế và các hội nghị dân số trong nước.

Thành phố triển khai nhiều mô hình nhằm nâng cao chất lượng dân số

Trong những năm qua, Thành ủy, HĐND, UBND thành phố Hà Nội luôn quan tâm và chú trọng tới công tác dân số và phát triển, với mục tiêu ổn định quy mô, cơ cấu dân số hợp lý, tập trung nâng cao chất lượng dân số, đáp ứng nguồn nhân lực chất lượng cao cho thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá Thủ đô và đất nước.

Nhiều mô hình được triển khai ở 30 quận, huyện, thị xã và 579 xã, phường, thị trấn đã mang lại kết quả rõ rệt; tỷ lệ người cao tuổi được khám sức khỏe định kỳ, tỷ lệ sàng lọc trước sinh, tỷ lệ sàng lọc sơ sinh; tỷ lệ cặp nam nữ thanh niên được tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn đều tăng so với năm trước và nhiều năm tăng liên tiếp; tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên, tỷ lệ chênh lệch giới tính khi sinh liên tục giảm.

Đề án mở rộng tầm soát, chẩn đoán, điều trị bệnh, tật trước sinh và sơ sinh trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2024. Trong đó, có việc xây dựng và triển khai mô hình điểm về tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn tại quận Bắc Từ Liêm nhằm phát hiện, phòng ngừa các nguy cơ sinh con bị bệnh, tật bẩm sinh, ngăn ngừa sớm các bệnh lý di truyền góp phần đảm bảo hôn nhân bền vững, ngăn ngừa sớm các bệnh lý di truyền, từng bước nâng cao chất lượng dân số Thủ đô; xây dựng kế hoạch các lớp tập huấn nâng cao năng lực thực hiện sàng lọc trước sinh và sơ sinh cho cán bộ thực hiện Đề án các cấp; triển khai giám sát thực hiện Đề án mở rộng tầm soát, chẩn đoán, điều trị bệnh, tật trước sinh và sơ sinh trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2024 tại 6 quận, huyện gồm: Cầu Giấy, Phú Xuyên, Thường Tín, Thạch Thất, Thanh Oai, Thanh Trì.

Các quận, huyện tổ chức ra quân tuyên truyền hưởng ứng Ngày Dân số thế giới 11-7.

Tổ chức tuyên truyền, vận động các cấp ủy đảng, chính quyền thực hiện quy định pháp luật về hôn nhân và gia đình để tăng cường chỉ đạo, huy động nguồn lực tham gia cung ứng dịch vụ tư vấn khám sức khỏe trước khi kết hôn, tầm soát, chẩn đoán điều trị trước sinh và sơ sinh; tuyên truyền nói chuyện chuyên đề về Luật hôn nhân và gia đình, tầm soát, chẩn đoán sàng lọc trước sinh và sơ sinh cho nam, nữ thanh niên trước khi kết hôn; tuyên truyền kiến thức chăm sóc sức khỏe sinh sản cho vị thành niên tại cộng đồng.

Triển khai các hoạt động kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh trên địa bàn thành phố Hà Nội tại 30 quận, huyện, thị xã và 579 xã, phường, thị trấn; lồng ghép nội dung tuyên truyền về mất cân bằng giới tính khi sinh vào các buổi truyền thông trước, trong chiến dịch truyền thông lồng ghép dịch vụ kế hoạch hóa gia đình cho các chị em phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, nam giới, vị thành niên, thanh niên. Công tác kiểm tra, giám sát của Ban chỉ đạo công tác dân số các cấp về thực hiện chỉ tiêu dân số trong đó có tỷ số giới tính khi sinh, nhất là đối với những địa bàn có tỷ số giới tính khi sinh cao được thực hiện tại 4 đơn vị.

Đề án Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi giai đoạn 2017-2025 trên địa bàn thành phố Hà Nội triển khai tại các quận, huyện, thị xã, duy trì mô hình chăm sức khỏe người cao tuổi tại cộng đồng năm 2024 và câu lạc bộ tự chăm sóc sức khỏe người cao tuổi; thực hiện khám sức khỏe cho người cao tuổi tại các trạm y tế xã, phường, thị trấn; quận Đống Đa đang trình Đề án thí điểm cơ sở chăm sóc sức khỏe người cao tuổi ban ngày.

Triển khai các hoạt động phát triển thể lực, tầm vóc người Hà Nội, chủ động lồng ghép nội dung tuyền truyền về phát triển thể lực tầm vóc vào các buổi truyền thông về nâng cao chất lượng dân số, các hoạt động truyền thông trong chiến dịch...; Chi cục Dân số xây dựng kế hoạch phối hợp với Đài phát thanh và Truyền hình Hà Nội sản xuất và phát sóng các phóng sự về phát triển thể lực tầm vóc; phối hợp Sở Giáo dục và đào tạo, Sở Văn hóa và Thể thao báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch thể lực tầm vóc người Hà Nội đến năm 2030.

Thực hiện Đề án tiếp tục đẩy mạnh, mở rộng xã hội hóa cung cấp phương tiện tránh thai, hàng hóa và dịch vụ kế hoạch hóa gia đình/sức khỏe sinh sản năm 2024. Các quận, huyện, thị xã duy trì triển khai thực hiện cung ứng các phương tiện tránh thai từ nguồn tiếp thị xã hội và xã hội hóa; tổ chức truyền thông nâng cao hiệu quả thực hiện tiếp thị xã hội và xã hội hóa các phương tiện tránh thai, các sản phẩm mới của Đề án 818. Kết quả, trong 6 tháng đầu năm 2024 đã thực hiện cung ứng 26.200 chiếc bao cao su…

Hà Nội cũng đang triển khai xây dựng thí điểm mô hình cung cấp dịch vụ tư vấn và khám sức khỏe trước khi kết hôn, sau đó sẽ nhân rộng mô hình này trên địa bàn toàn thành phố.

Hiện tại thành phố Hà Nội đang duy trì mức sinh thay thế. Tuy nhiên, số sinh đang có xu hướng giảm và số sinh con thứ 3 trở lên tại các huyện ngoại thành vẫn còn ở mức cao. Đây là bài toán khó cho công tác dân số trong những năm tiếp theo, để duy trì mức sinh thay thế cần có những giải pháp đồng bộ, các đơn vị tăng cường tham mưu giải pháp thực hiện công tác dân số trong tình hình mới.

Các quận, huyện thực hiện tốt công tác Dân số và phát triển

Ngay từ đầu năm, Ban chỉ đạo công tác Dân số 30 quận, huyện, thị xã đã xây dựng kế hoạch triển khai các nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm đảm bảo hoạt động theo kế hoạch của thành phố. Các cấp ủy đảng, chính quyền quận, huyện, thị xã luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác Dân số thông qua việc ban hành các văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện và nâng cao hiệu quả công tác Dân số trên địa bàn.

Trung tâm Y tế quận Long Biên khám sức khỏe cho người dân trên địa bàn.

UBND các quận, huyện, thị xã hoàn thành công tác giao chỉ tiêu kế hoạch năm 2024 cho các xã, phường, thị trấn ngay trong tháng 1, 100% xã, phường, thị trấn đã triển khai kế hoạch công tác Dân số và giao chỉ tiêu đến các thôn, tổ dân phố.

Tại quận Long Biên, trong 6 tháng đầu năm 2024, các chỉ tiêu về công tác dân số trên địa bàn quận cơ bản hoàn thành theo kế hoạch; 100% phụ nữ mang thai được tuyên truyền, tư vấn sức khoẻ; thực hiện tư vấn và sàng lọc trước sinh đủ 4 bệnh cho 3.081 bà mẹ mang thai, đạt 99,2% kế hoạch; tư vấn và sàng lọc sơ sinh đủ 5 bệnh cho 1.815 trẻ, đạt 102,4% kế hoạch.

Nhiều mô hình được triển khai hiệu quả, nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của người dân như: mô hình chăm sóc sức khỏe người cao tuổi; chăm sóc sức khoẻ sinh sản nam trung niên; chăm sóc sức khoẻ sinh sản phụ nữ quanh tuổi mãn kinh; chăm sóc sức khoẻ sinh sản trước khi kết hôn; dự án “hỗ trợ dự phòng chăm sóc sức khỏe người cao tuổi áp dụng mô hình Tsuyama Nhật Bản” tại phường Bồ Đề và Ngọc Thụy.

Thời gian qua, huyện Đông Anh thực hiện các chỉ tiêu về dân số phát triển đều hoàn thành tốt, vượt mức so với cùng kỳ năm 2023, cụ thể: Tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên là 6.93% (giảm 0.46% so cùng kỳ năm trước); tỷ lệ sàng lọc trước sinh đạt 91.6%; tỷ lệ sàng lọc sơ sinh đạt 87.2%; tỷ khám sức khỏe người cao tuổi đạt 44%; tỷ lệ nam nữ tư vấn khám sức khỏe tiền hôn nhân đạt 58.6%. Ngoài ra, nhiều mô hình nâng cao chất lượng dân số đã được triển khai và nhân rộng như: 09 mô hình chăm sóc người cao tuổi tại cộng đồng, 02 mô hình chăm sóc sức khoẻ sinh sản vị thành niên và nhiều câu lạc bộ người cao tuổi đã được hình thành.

Để tiếp tục làm tốt công tác này, huyện Đông Anh sẽ tiếp tục tăng cường công tác truyền thông giáo dục về dân số và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động truyền thông vận động tới các nhóm đối tượng đặc thù; tăng cường các hoạt động truyền thông cao điểm; nâng cao hiệu quả hoạt động của các Ban Chỉ đạo công tác Dân số và phát triển trên địa bàn huyện; tiếp tục củng cố và kiện toàn bộ máy làm công tác dân số từ huyện đến cơ sở theo hướng dẫn của cấp có thẩm quyền; tăng cường phối hợp kiểm tra, giám sát việc chấp hành chính sách dân số trên địa bàn, việc thực hiện nhiệm vụ chương trình Dân số - Y tế; các cơ sở y tế trên địa bàn chấp hành pháp luật về nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi.

Còn tại quận Hai Bà Trưng, Trung tâm Y tế thường xuyên phối hợp với các cấp, các ngành, chính quyền địa phương triển khai mô hình nâng cao chất lượng dân số tại các phường như chăm sóc sức khỏe người cao tuổi; chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên; tư vấn kiểm tra sức khỏe tiền hôn nhân. Trong 6 tháng đầu năm 2024, trên 93% số bà mẹ mang thai được sàng lọc trước sinh; 93% trẻ em sinh ra được sàng lọc sơ sinh; tỷ lệ người cao tuổi được khám sức khỏe định kỳ đạt gần 50%; 95% nam, nữ được tư vấn, khám sức khỏe trước kết hôn.

Cùng với đó, quận Hai Bà Trưng tổ chức hoạt động truyền thông nâng cao chất lượng dân số về phòng tránh các bệnh lây truyền qua đường tình dục, ung thư vú, ung thư cổ tử cung cho 1.800 phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, thanh niên trong độ tuổi kết hôn tại 18 phường; tổ chức tập huấn bảng kiểm viên uống tránh thai, quản lý đối tượng thực hiện kế hoạch hóa gia đình cho cộng tác viên dân số tại cơ sở; tập huấn bồi dưỡng kiến thức về giới và bình đẳng giới cho cán bộ y tế và dân số quận, phường; phối hợp với Ban Tuyên giáo Quận ủy truyền thông các văn bản chính sách về công tác dân số hiện nay.

Trung tâm Y tế huyện Thạch Thất tổ chức tuyên truyền chăm sóc sức khỏe cho các em học sinh.

Huyện Thạch Thất đã triển khai thực hiện tốt công tác dân số, tổ chức chiến dịch tăng cường truyền thông, vận động lồng ghép cung cấp dịch vụ dân số năm 2024. Trong 6 tháng đầu năm, có trên 97% số trẻ được sàng lọc trước sinh; tỷ lệ trẻ sàng lọc sơ sinh đạt 96%; khoảng 58% người cao tuổi được khám sức khỏe; trên 51% cặp nam nữ thanh niên được khám sức khỏe trước khi kết hôn. 23/23 xã, thị trấn xây dựng kế hoạch thực hiện kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh; tuyên truyền về nghiêm cấm hành vi lựa chọn giới tính thai nhi dưới mọi hình thức trên hệ thống đài phát thanh các xã, thị trấn; duy trì triển khai cung ứng các phương tiện tránh thai từ nguồn tiếp thị xã hội và xã hội hóa; triển khai thực hiện Đề án Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi giai đoạn 2017-2025; các hoạt động phát triển thể lực, tầm vóc…

“Đầu tư cho công tác dân số là đầu tư cho phát triển bền vững”

Cũng như các địa phương trên cả nước, trong 30 năm qua, thành phố Hà Nội đã áp dụng nhiều giải pháp, cách tiếp cận sáng tạo để giải quyết tình trạng bất bình đẳng và thu hẹp khoảng cách về phát triển kinh tế xã hội giữa các vùng và các nhóm dân cư. Đặc biệt, công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình trên địa bàn Thủ đô đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần to lớn vào công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của thành phố nói riêng và đất nước nói chung.

“Đầu tư cho công tác dân số là đầu tư cho phát triển” là một trong những quan điểm chỉ đạo được khẳng định trong Nghị quyết số 21/NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về công tác dân số trong tình hình mới, đầu tư cho công tác dân số không chỉ mang lại lợi ích về mặt xã hội mà còn đóng góp quan trọng vào sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia và toàn cầu được nhấn mạnh tại nhiều diễn đàn, hội nghị quốc tế và các hội nghị dân số trong nước. 

Với nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của công tác Dân số đối với sự nghiệp phát triển bền vững kinh tế - xã hội Thủ đô và nâng cao chất lượng cuộc sống của các tầng lớp nhân dân, nhất là tạo ra sự chuyển biến rõ nét, chất lượng và sự ổn định trong công tác Dân số và phát triển.

Thời gian tới, TS Trần Văn Chung, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội đề nghị chính quyền các cấp, ban ngành, đoàn thể tiếp tục triển khai Nghị quyết số 21 về công tác Dân số trong tình hình mới và các chương trình, kế hoạch trọng tâm của Thành ủy, HĐND, UBND thành phố.

Đồng thời, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp chính quyền; sự vào cuộc tham gia của các ngành, đoàn thể; nghiêm túc đánh giá kiểm điểm tình hình thực hiện của địa phương. Các cấp chính quyền phải coi công tác dân số và phát triển là một bộ phận quan trọng trong kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội ở các cấp, là một nội dung trọng tâm trong chương trình hoạt động của chính quyền và các ngành, đoàn thể.

Tiếp tục đổi mới, đa dạng hóa hình thức, phương pháp truyền thông, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật, chính sách về dân số. Mở rộng toàn diện nội dung truyền thông về quy mô, cơ cấu, quản lý và phân bố dân số đặc biệt là nâng cao chất lượng dân số; chú trọng tuyên truyền các nội dung về sức khỏe sinh sản vị thành niên, thanh niên, tư vấn, khám sức khỏe trước hôn nhân; sàng lọc trước sinh và sơ sinh, quan tâm chăm sóc sức khỏe người cao tuổi đặc biệt là những người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn.

TS Trần Văn Chung nhấn mạnh, các đơn vị cần đảm bảo nguồn lực đáp ứng yêu cầu triển khai toàn diện các nhiệm vụ, giải pháp về công tác Dân số. Kiện toàn và nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác dân số từ thành phố đến cơ sở. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, các nội dung và giải pháp thực hiện công tác Dân số ở các cấp; tăng cường công tác thanh tra đối với các hoạt động can thiệp lựa chọn giới tính thai nhi theo quy định.

Duy Tuân

 

 

 

 

 

PHẦN MỀM TÁC NGHIỆP

  Dịch vụ công trực tuyến

  Phần mềm Quản lý văn bản

  Phần mềm QLHS Một cửa 

  Phần mềm Một cửa (Mới)

  Tiếp nhận ý kiến công dân 

  Danh mục TTHC công 

  Tra cứu hồ sơ Một cửa 

  Thư điện tử TP Hà Nội 

  Thông tin người phát ngôn

Thống kê truy cập

Đang online: 415
Lượt truy cập trong tuần: 70676
Lượt truy cập trong tháng: 263346
Lượt truy cập trong năm: 3136460
Tổng số lượt truy cập: 47203848
Về đầu trang