DÂN SỐ KẾ HOẠCH HÓA GIA ĐÌNH

Nhiều khó khăn, thách thức trong công tác dân số
Ngày đăng 25/11/2019 | 22:49  | Lượt xem: 1380

Trong thời gian qua, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự phối hợp của các ban ngành, đoàn thể, sự nỗ lực vượt khó của các cán bộ làm công tác dân số cả nước, công tác dân số đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ nhưng cũng đứng trước nhiều khó khăn, thách thức.

Quy mô và tốc độ gia tăng dân số, sau 10 năm, dân số nước ta tăng thêm 10,4 triệu, dự kiến dưới 98 triệu vào năm 2020, đạt mục tiêu chiến lược dân số đề ra. Tỷ lệ tăng dân số bình quân năm giai đoạn 2009-2019 là 1,14%/năm, giảm nhẹ so với giai đoạn 10 năm trước đó (1,18%). Mức sinh thay thế-số con bình quân của một phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ-năm 2018 là 2,05 con và tiếp tục duy trì dưới mức sinh thay thế (dưới 2,1 con) kể từ năm 2006.

Cung ứng các phương tiện tránh thai đến đối tượng phụ nữ nông thôn.

Cơ cấu dân số chuyển dịch tích cực, kết quả chương trình dân số có tác động mạnh đến cơ cấu dân số Việt Nam theo hướng thay đổi tích cực, số lượng và tỷ trọng dân số phụ thuộc giảm, dân số trong độ tuổi lao động tăng mạnh (hiện là 68,4%). Việt Nam đang ở thời kỳ cơ cấu dân số vàng từ năm 2007, nếu tận dụng tốt sẽ là cơ hội lớn để phát triển kinh tế - xã hội. Dự báo thời kỳ này chỉ kéo dài từ 30-40 năm.

Ngành y tế và trực tiếp là lĩnh vực dân số đã triển khai nhiều hoạt động nhằm nâng cao chất lượng dân số theo hướng tiếp cận vòng đời, cụ thể là triển khai thực hiện chương trình sàng lọc trước sinh, sàng lọc sơ sinh trên phạm vi toàn quốc nhằm phát hiện, can thiệp và điều trị các bệnh, tật, các rối loạn chuyển hóa di truyền ngay trong giai đoạn bào thai và sơ sinh; tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân; cung cấp dịch vụ CSSKSS/KHHGĐ, tránh thai ngoài ý muốn cho vị thành niên, thanh niên; các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ; chăm sóc sức khỏe người cao tuổi nhằm thích ứng với giai đoạn già hóa dân số. Tuổi thọ trung bình liên tục tăng (năm 2018 là 73,5 tuổi); tỷ lệ suy dinh dưỡng, tử vong bà mẹ trẻ em giảm mạnh. Tầm vóc, thể lực người Việt Nam từng bước được cải thiện.

Phân bố dân số từng bước được thực hiện theo quy hoạch gắn với quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Truyền thông thay đổi hành vi về dân số có hiệu quả rõ rệt và tác động lớn đến nhận thức của người dân và toàn xã hội. Đến nay, mỗi cặp vợ chồng có 2 con, sinh đủ 2 con đã trở thành chuẩn mực. Chính sách pháp luật về dân số được điều chỉnh phù hợp với từng thời kỳ, giai đoạn; việc lồng ghép dân số vào chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội đã được các bộ, ngành, địa phương chú trọng thực hiện. Dịch vụ Dân số - KHHGĐ được mở rộng diện bao phủ theo hướng gần dân với phương thức đa dạng, phong phú, chất lượng cao. Phối hợp với các bộ, ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương trong việc tuyên truyền, cung cấp dịch vụ nhằm thực hiện hiệu quả công tác Dân số - KHHGĐ.

Đưa các dịch vụ KHHGĐ đến người dân, đặc biệt là người dân ở vùng sâu, vùng xa.

Về tổ chức bộ máy, cán bộ làm công tác dân số, cả nước có 63 chi cục Dân số - KHHGĐ thuộc Sở Y tế, biên chế 970 người, bình quân 15,4 người/đơn vị. Ở cấp huyện, có 44/63 tỉnh, thành phố đã thực hiện sáp nhập vào TTYT đa chức năng; 13 tỉnh, thành phố đang xây dựng đề án; 6 tỉnh, thành phố chưa có chủ trương sáp nhập. Ở cấp xã, có 52 tỉnh, thành phố giao biên chế làm công tác dân số; 11 tỉnh, thành vẫn giữ nguyên là cán bộ không chuyên trách và do UBND xã quản lý, biên chế cấp xã là 8827 người, bình quân 0,8 người/xã. Tổng số cộng tác viên dân số toàn quốc là 174.847 người, có 65% cộng tác viên đang kiêm nhiệm, trong đó 44% kiêm y tế thôn bản, 37% kiêm công tác phụ nữ, 35% không kiêm nhiệm.

Tuy đã đạt được những kết quả đáng khích lệ nhưng công tác dân số vẫn còn những khó khăn, thách thức. Mức sinh rất khác biệt giữa các địa phương, 30/63 tỉnh, thành kinh tế còn nhiều khó khăn thì mức sinh cao (trên 2,3 con), có nơi rất cao. Trong khi đó, 10/63 tỉnh, thành kinh tế phát triển thì mức sinh đã xuống thấp (dưới 1,8 con), rất thấp như TP Hồ Chí Minh 1,33 con, Đồng Tháp 1,43 con. Chất lượng dân số thấp, tỷ lệ tử vong mẹ và trẻ sơ sinh, trẻ dưới 5 tuổi và tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi còn cao, chênh lệch nhiều giữa các vùng, miền. Tình trạng trẻ em thừa cân, rối nhiễm tâm trí, tự kỷ những năm gần đây có xu hướng gia tăng; tỷ lệ tầm soát, chẩn đoán trước sinh, sơ sinh còn thấp.

Mất cân bằng giới tính khi sinh ở mức cao (114,8 trẻ trai/100 trẻ gái). Nếu không có giải pháp tích cực và quyết liệt thì sự mất cân bằng giới tính này sẽ để lại những hệ lụy nặng nề, gây khó khăn trong việc xây dựng gia đình của thế hệ tương lai và tác động xấu đến trật tự, an ninh xã hội. Việt Nam bước vào giai đoạn già hóa dân số từ năm 2011 và là một trong 5 nước có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Chính vì vậy, cần phải xây dựng chính sách và có các giải pháp cụ thể trong việc thích ứng với giai đoạn già hóa dân số, đặc biệt là chăm sóc sức khỏe người cao tuổi. Việc điều phối và cung ứng các phương tiện tránh thai chưa thuận lợi; tài liệu truyền thông chưa phù hợp với nội dung mới là dân số và phát triển. Tổ chức bộ máy làm công tác dân số có sự biến động và không ổn định, đặc biệt là tại tuyến huyện.

Chính vì vậy, nhiệm vụ trọng tâm của công tác dân số trong thời gian tới là tích cực tuyên truyền, vận động thay đổi nhận thức và hành vi về dân số; thực hiện kế hoạch theo chương trình mục tiêu y tế - dân số: sử dụng các biện pháp tránh thai, sàng lọc trước sinh, sàng lọc sơ sinh, giảm tốc độ tăng tỷ số giới tính khi sinh; xây dựng các đề án hoạt động về công tác dân số, rà soát, đề xuất cơ chế điều phố liên ngành nhằm phối hợp với các ban, ngành thực hiện tốt công tác dân số phát triển đến năm 2030. Phát triển mạng lưới cung cấp các dịch vụ về dân số như tầm soát, chẩn đoán sớm bệnh tật sàng lọc trước sinh, sơ sinh, hỗ trợ sinh sản... Đề xuất chính sách xã hội hóa, huy động nguồn lực cho các hoạt động của công tác dân số. Củng cố và ổn định tổ chức bộ máy, cán bộ làm công tác dân số theo hướng tinh gọn, chuyên nghiệp, hiệu lực, hiệu quả...

Hồng Thương

 

PHẦN MỀM TÁC NGHIỆP

  Dịch vụ công trực tuyến

  Phần mềm Quản lý văn bản

  Phần mềm QLHS Một cửa 

  Phần mềm Một cửa (Mới)

  Tiếp nhận ý kiến công dân 

  Danh mục TTHC công 

  Tra cứu hồ sơ Một cửa 

  Thư điện tử TP Hà Nội 

  Thông tin người phát ngôn

Thống kê truy cập

Đang online: 123
Lượt truy cập trong tuần: 32604
Lượt truy cập trong tháng: 83411
Lượt truy cập trong năm: 770059
Tổng số lượt truy cập: 44837447
Về đầu trang