Điểm báo

Điểm thông tin trên các báo ngày 31/8/2024
Ngày đăng 04/09/2024 | 09:05  | Lượt xem: 84

*Phẫu thuật cứu bệnh nhân có khối u nặng hơn 7kg chiếm gần hết ổ bụng 

Các bác sĩ Bệnh viện Ung Bướu Hà Nội vừa phẫu thuật thành công cho một bệnh nhân nữ 53 tuổi ở Hoàng Mai, Hà Nội có khối ung thư buồng trứng “khổng lồ”, nặng hơn 7kg, chiếm gần hết ổ bụng khiến bệnh nhân khó thở, tràn dịch màng phổi… thậm chí đối diện nguy cơ tử vong.

Cách đây hơn một năm, bệnh nhân phát hiện bị ung thư buồng trứng, tràn dịch màng phổi với triệu chứng ban đầu là chướng bụng, khó thở. Mặc dù được điều trị hóa chất tiền phẫu, nhưng quá trình điều trị bệnh đáp ứng với hóa chất kém, bệnh tiến triển và được chuyển mổ tại khoa Ngoại Vú-Phụ khoa. 

Kết quả chụp cắt lớp vi tính cho thấy có khối lớn nằm trong ổ bụng, kích thước 30x40cm, thành phần nang dịch đặc có nhiều vách, thành và vách dày không đều, đè đẩy các tạng trong ổ bụng và tiểu khung, nhiều dịch màng phổi phải.

Sau hội chẩn, các bác sĩ quyết định chọc dịch màng phổi để gây mê và tiến hành mổ cắt khối ung thư lớn của buồng trứng để cứu bệnh nhân. 

TS,BS Vũ Kiên - Phó Giám đốc bệnh viện Ung Bướu Hà Nội, Trưởng khoa Ngoại Vú-Phụ khoa cho biết, ca phẫu thuật gặp nhiều khó khăn do khối u quá lớn trong ổ bụng, chiếm toàn bộ ổ bụng, choán hết vùng tiểu khung lên đến thượng vị, sát mặt dưới gan và dạ dày, nhiều thùy múi, gồm cả phần đặc, màu vàng và phần nang chứa dịch vàng trong. Mạc nối lớn vây quanh và dính chặt mặt trước u.

Quá trình gỡ dính toàn bộ khối u, phẫu thuật viên nhận thấy khối này xuất phát từ buồng trứng trái, mạch máu tăng sinh rất nhiều, dính chặt vào thành chậu hông hai bên, dính mặt trước trực tràng và mặt sau bàng quang, nhiều quai ruột non vây quanh và dính chặt vào khối u. 

Việc gỡ dính cắt toàn bộ khối u buồng trứng trái khổng lồ gặp nhiều khó khăn. Ngoài khối u lớn, ổ bụng còn có nhiều nhân di căn phúc mạc. Ekip phẫu thuật đã tiến hành lấy tối đa nhân di căn phúc mạc ổ bụng... 

Quá trình phẫu thuật đòi hỏi sự cẩn thận, khéo léo khi bóc tách của phẫu thuật viên, phẫu tích và thăm dò hết sức tỉ mỉ, để khối u được lấy ra triệt để, đồng thời tránh làm tổn thương các cơ quan lân cận bị thâm nhiễm ung thư hoặc dính như niệu quản, các mạch máu lớn như động mạch, tĩnh mạch chủ bụng, động mạch, tĩnh mạch chậu, nhu mô gan phần xâm lấn.

Cuộc mổ cũng mất một lượng máu khá nhiều do quá trình xâm lấn, bóc tách và máu nằm trong khối u. Tuy nhiên, không có tổn thương các mạch máu lớn và các tạng (gan, lách, tụy). Các tổn thương xâm lấn đã được làm sạch và phục hồi các tạng bị ung thư xâm lấn. 

Bệnh nhân được truyền bù máu trong mổ và hồi sức tích cực nên hồi phục tốt, sau mổ tám ngày ổn định.

Các bác sĩ khuyến cáo, ung thư buồng trứng là “kẻ giết người thầm lặng” nên người bệnh cần thường xuyên khám sức khỏe định kỳ tại các cơ sở chuyên khoa để sàng lọc, phát hiện và điều trị sớm các bệnh lý ung thư nói chung và ung thư buồng trứng nói riêng.

(https://nhandan.vn/phau-thuat-cuu-benh-nhan-co-khoi-u-nang-hon-7kg-chiem-gan-het-o-bung-post827738.html)

Cùng nội dung thông tin:

*Cứu người phụ nữ thoát khỏi khối u buồng trứng khổng lồ

(https://hanoimoi.vn/cuu-nguoi-phu-nu-thoat-khoi-khoi-u-buong-trung-khong-lo-676349.html)

*Nữ bệnh nhân ở Hà Nội có khối u buồng trứng nặng hơn 7kg

(https://dantri.com.vn/suc-khoe/nu-benh-nhan-o-ha-noi-co-khoi-u-buong-trung-nang-hon-7kg-20240830200207596.htm)

*Ba Vì kiểm soát an toàn thực phẩm trong và ngoài trường học

Chuẩn bị bước vào năm học mới 2024-2025, cùng với việc nâng cao chất lượng dạy và học, vấn đề bảo đảm an toàn, vệ sinh thực phẩm trong và xung quanh trường học cũng là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu được các ngành chức năng, nhà trường trên địa bàn huyện Ba Vì quan tâm.

Đây là việc làm nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục học sinh, góp phần xây dựng ngôi trường học hạnh phúc.

Theo Trưởng phòng Y tế huyện Ba Vì Hoàng Xuân Trường, thực hiện Kế hoạch số 210/KH-UBND ngày 11-7-2024 của thành phố về chuyên đề “Tăng cường kiểm soát an toàn thực phẩm trong và xung quanh cổng trường học trên địa bàn thành phố Hà Nội”, thời gian qua, huyện Ba Vì đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, kiểm tra bếp ăn tập thể tại trường học. Hiện tại, trên địa bàn huyện có 120 trường và 23 nhóm trẻ độc lập, với 76.047 học sinh. Số trường học có bếp ăn bán trú là 76 trường. Tổng số cơ sở kinh doanh thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố quanh các cổng trường học trên địa bàn huyện là 147 cơ sở; trong đó có 76 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống và 71 cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố. Các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống và kinh doanh thức ăn đường phố này thuộc thẩm quyền quản lý của UBND các xã, thị trấn.

“Trong 7 tháng năm 2024, các xã, thị trấn đã kiểm tra 114 cơ sở, đạt 77,5%; xử phạt vi phạm hành chính 1 cơ sở với số tiền 1,5 triệu đồng; tịch thu, tiêu hủy hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ 67 gói bim bim, bò khô, quẩy, mì tôm trẻ em ở xã Thụy An và nhắc nhở 13 cơ sở tại xã Tiên Phong, Sơn Đà, thị trấn Tây Đằng”, ông Hoàng Xuân Trường thông tin.

Bước vào năm học 2024-2025, huyện Ba Vì đã ban hành Kế hoạch số 318/KH-UBND ngày 9-8-2024 về chuyên đề tăng cường kiểm soát an toàn thực phẩm trong và xung quanh trường học trên địa bàn huyện. Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Ba Vì Phùng Ngọc Oanh cho biết, để bảo đảm an toàn thực phẩm tại trường học, phòng yêu cầu các nhà trường thường xuyên phối hợp với các đơn vị chức năng của huyện tiến hành giám sát an toàn thực phẩm ở các bếp ăn tập thể; giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về bảo đảm an toàn thực phẩm.

Cùng với đó, Phòng hướng dẫn các trường nhận biết những nguy cơ gây ô nhiễm thực phẩm, ngộ độc thực phẩm, thực hiện chế độ kiểm tra 3 bước và lưu mẫu thức ăn theo quy định của Bộ Y tế. Các nhà trường kiên quyết “nói không” với thực phẩm đông lạnh, không bảo đảm chất lượng. Đặc biệt, các nhà trường phải tự giám sát, phối hợp giám sát nguyên liệu đầu vào, quá trình sơ chế, chế biến, nấu, chia suất tại các bếp ăn tập thể trường học.

Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Nguyễn Đức Anh cho biết, chuẩn bị bước vào năm học mới, huyện yêu cầu các phòng chức năng, xã, thị trấn triển khai đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả công tác kiểm soát an toàn thực phẩm trong và xung quanh cổng trường học có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào nhóm thực phẩm có nguy cơ cao, thức ăn, đồ uống ăn ngay và các cơ sở cung cấp suất ăn sẵn. Công tác kiểm tra, giám sát, truy xuất nguồn gốc thực phẩm trong và xung quanh cổng trường học được thực hiện nghiêm túc, thường xuyên, liên tục; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, thông tin rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Để bảo đảm an toàn thực phẩm trong các bữa ăn bán trú cho học sinh, các đơn vị tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành, chuyên ngành tại các bếp ăn tập thể trong trường học; qua đó kịp thời phát hiện những bất cập, tồn tại để yêu cầu các nhà trường khẩn trương khắc phục. Quá trình kiểm tra bao gồm cả việc hướng dẫn, tuyên truyền các nhà trường thực hiện nghiêm quy trình, từ nhập thực phẩm, sơ chế, bảo quản đến chế biến, đưa đến bàn ăn…

(https://hanoimoi.vn/ba-vi-kiem-soat-an-toan-thuc-pham-trong-va-ngoai-truong-hoc-676407.html)

*Khó khăn trong quản lý an toàn thực phẩm ở cơ sở

Hiện số cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm ở các xã, thị trấn rất lớn, nhưng nhỏ lẻ, manh mún; trong khi đó, đội ngũ nhân lực làm công tác quản lý an toàn thực phẩm lại quá mỏng.

Mặt khác, các quy định về quản lý an toàn thực phẩm còn bất cập, gây khó khăn cho việc quản lý ở cơ sở.

Còn thiếu cán bộ chuyên trách

Theo Trưởng phòng Y tế huyện Hoài Đức Nguyễn Thị Thanh, toàn huyện hiện có 972 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm. Phần lớn là các cơ sở do cấp xã quản lý, với 804 cơ sở (616 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống và 188 cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố). Xác định an toàn thực phẩm là vấn đề quan trọng và có tác động, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân, huyện Hoài Đức đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, tăng cường số lượng và đa dạng hóa các hình thức truyền thông về an toàn thực phẩm, nhất là ở các xã, thị trấn.

Ngoài ra, từ đầu năm 2024 đến nay, các xã, thị trấn đã kiểm tra, giám sát được 225 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm; trong đó có 29 cơ sở sản xuất, 160 cơ sở kinh doanh, dịch vụ ăn uống và 36 cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố; đã xử phạt 20 cơ sở (10 cơ sở sản xuất; 4 cơ sở kinh doanh, dịch vụ ăn uống; 6 cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố) với số tiền là 32,5 triệu đồng.

“Các lỗi vi phạm chủ yếu là sử dụng lao động tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm, không mang đầy đủ bảo hộ lao động theo quy định; không có ủng hoặc giày, dép sử dụng riêng trong khu vực sản xuất thực phẩm theo quy định. Khu vực chứa đựng, kho bảo quản không có hoặc không đầy đủ giá, kệ, biển tên, nội quy, quy trình, chế độ vệ sinh theo quy định…”, bà Nguyễn Thị Thanh cho hay.

Còn theo Trưởng phòng Y tế huyện Chương Mỹ Nguyễn Văn Hà, hiện số lượng cơ sở sản xuất, kinh doanh thuộc lĩnh vực y tế quản lý là 1.376 cơ sở (1.216 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, 160 cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố). Trong đó, cấp xã quản lý 1.117 cơ sở, gồm có 957 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống và 160 cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố. Hiện tại, vấn đề quản lý an toàn thực phẩm ở cấp cơ sở còn khó khăn do nhân lực tại các xã, thị trấn được phân công theo dõi về an toàn thực phẩm chủ yếu là kiêm nghiệm, thiếu cán bộ chuyên trách và chuyên môn phù hợp, luôn thay đổi vị trí công tác.

Chủ tịch UBND xã Cao Dương (huyện Thanh Oai) Trần Thế Anh cho biết, vấn đề quản lý an toàn thực phẩm tại địa phương còn nhiều khó khăn. Số lượng cơ sở kinh doanh thực phẩm, thức ăn đường phố lớn, nhưng đều nhỏ lẻ; công cụ, thiết bị phục vụ công tác kiểm tra thiếu và lạc hậu, nên đa số đánh giá bằng cảm quan, khiến việc xác định và xử lý vi phạm không khả thi, chủ yếu là nhắc nhở.

Theo Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 2-2-2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm, các cơ sở sản xuất ban đầu nhỏ lẻ; sản xuất, kinh doanh thực phẩm không có địa điểm cố định; kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ và thực phẩm bao gói sẵn; kinh doanh thức ăn đường phố… đều không thuộc diện cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Điều này gây khó khăn cho công tác quản lý, giám sát an toàn thực phẩm ở cấp cơ sở.

Phối hợp quản lý, kiểm soát chất lượng thực phẩm

Để nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý an toàn thực phẩm từ cơ sở, Bí thư Đảng ủy xã Đông Mỹ (huyện Thanh Trì) Trần Quốc Oai cho rằng, các ngành chức năng cần tăng cường tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, hướng dẫn nghiệp vụ chuyên sâu về công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm cho cán bộ cấp xã, thị trấn. Các xã tăng cường phối hợp với các ngành chức năng của huyện trong công tác kiểm tra, giám sát chất lượng an toàn thực phẩm các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm; đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, thái độ hành vi của cộng đồng về an toàn thực phẩm, lựa chọn thực phẩm an toàn.

Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức Nguyễn Trung Thuận cho biết, thời gian tới, huyện tăng cường công tác tuyên truyền, tổ chức các lớp tập huấn về an toàn thực phẩm cho các thành viên Ban Chỉ đạo xã, thị trấn, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Cùng với đó, đẩy mạnh công tác kiểm tra việc bảo đảm an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm. Các ngành chức năng cần công khai các cơ sở, cá nhân vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm trên các phương tiện truyền thông đại chúng để cảnh cáo, răn đe, ngăn chặn các hành vi sản xuất, kinh doanh, quảng cáo thực phẩm trái quy định của pháp luật.

Có thể nói rằng, vấn đề an toàn thực phẩm rất quan trọng, các ngành chức năng cần tăng cường tập huấn, cử cán bộ có chuyên môn tham gia quản lý an toàn thực phẩm; đồng thời bổ sung trang thiết bị kiểm nghiệm nhanh, đáp ứng yêu cầu kiểm tra chất lượng thực phẩm. Bên cạnh đó, tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn, hạn chế tối đa tác hại do mất vệ sinh, an toàn thực phẩm gây ra cho đời sống, sức khỏe cộng đồng.

(https://hanoimoi.vn/kho-khan-trong-quan-ly-an-toan-thuc-pham-o-co-so-676393.html)

*Bệnh hiếm và ung thư sẽ được BHYT thanh toán 100% mức chi trả?

Trong danh mục thuốc BHYT chi trả có khoảng 76 thuốc điều trị ung thư, điều hoà miễn dịch... Những thuốc này đang chiếm khoảng 7.600 tỷ/năm cho chi phí điều trị.

Một nội dung quan trọng của Luật BHYT lần này là chi trả BHYT cho việc chẩn đoán và điều trị sớm một số bệnh có tỷ lệ mắc cao, gánh nặng bệnh tật lớn và đạt hiệu quả khi điều trị can thiệp sớm như ung thư vú, ung thư cổ tử cung; điều trị một số bệnh nặng, hiểm nghèo có chỉ định sử dụng dinh dưỡng điều trị đặc thù.

Điều này giúp giảm chi dài hạn cho Quỹ BHYT, giảm tỷ lệ mắc, tăng nặng, tử vong. Tuy nhiên cũng có ý kiến đề nghị cân nhắc, cần triển khai thí điểm trước khi thực hiện chính thức.

Theo danh mục bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo bao gồm 42 loại bệnh như ung thư, phẫu thuật động mạch vành, đột quỵ, mất thính lực, bệnh Parkinson, bại liệt...

Liên quan vấn đề thanh toán BHYT cho những bệnh có chi phí điều trị lớn như các bệnh hiểm nghèo, ung thư, tại hội nghị lấy ý kiến dự thảo Luật này do Bộ Y tế tổ chức hôm 29/8, bà Trần Thị Trang - Vụ trưởng Vụ BHYT (Bộ Y tế) cho biết, hiện nay, trong danh mục thuốc BHYT chi trả có khoảng 76 thuốc điều trị ung thư, điều hòa miễn dịch... Những thuốc này đang chiếm khoảng 7.600 tỷ/năm cho chi phí điều trị. Đây là quyền lợi lớn đối với người bệnh.

Các quy định hiện hành đang quy định tỷ lệ thanh toán BHYT cho người bệnh (mức hưởng) là đồng đều cho tất cả các bệnh, không có đặc thù với mặt bệnh nào. Đối với bệnh ung thư có một số thuốc điều trị mới, chi phí rất cao nên quỹ BHYT rất khó để có thể thanh toán ngay lập tức hoặc thanh toán 100%.

Thời gian tới, Bộ Y tế sẽ xây dựng danh mục thuốc cập nhật trong danh mục thuốc được BHYT chi trả trên cơ sở đánh giá tác động và cân đối thu chi quỹ BHYT, để tăng quyền lợi cho người bệnh.

Về lâu dài, đại diện Bộ Y tế cũng khuyến cáo người dân nên đi tầm soát bệnh sớm, phát hiện và điều trị sớm, đồng thời giảm sử dụng các yếu tố nguy cơ cao dẫn tới các bệnh ung thư như hút thuốc lá, rượu bia, ăn uống không khoa học…

Dự Luật BHYT sửa đổi bổ sung đề xuất quỹ BHYT thanh toán 100% chi phí khám chữa bệnh và có mức hưởng theo quy định với các bệnh nhân đã được cơ sở khám chữa bệnh chẩn đoán một số bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo, bệnh cần phẫu thuật hoặc sử dụng kỹ thuật cao theo quy định của Bộ Y tế.

Đại diện Vụ BHYT lưu ý một số bệnh được hưởng 100% chi phí khám chữa bệnh BHYT là người bệnh sẽ được chi trả tối đa chi phí khám chữa bệnh BHYT trong phạm vi được hưởng, thay cho được hưởng 80% chi phí khám chữa bệnh BHYT trong phạm vi được hưởng như hiện nay, chứ không phải BHYT sẽ chi trả 100% chi phí khám chữa bệnh của bệnh nhân.

(https://suckhoedoisong.vn/benh-hiem-va-ung-thu-se-duoc-bhyt-thanh-toan-100-muc-chi-tra-16924083017161487.htm)

*Tiêm vaccine phòng dại ngay sau khi bị chó mèo cắn

Bộ Y tế cho biết, từ năm 2023 đến nay, tình hình bệnh dại tại Việt Nam diễn biến phức tạp. Trong 8 tháng đầu năm nay, số ca mắc tiếp tục gia tăng đột biến, với hàng chục trường hợp đã tử vong.

Năm 2023, cả nước ghi nhận 82 ca mắc và tử vong, tăng 12 ca so với năm 2022. Tuy nhiên, chỉ trong vòng 3 tháng đầu năm 2024, số mắc và tử vong vì bệnh dại tăng vọt lên 27 ca (tăng 16 ca so với cùng kỳ năm 2023). Trên thực tế, số ca mắc và tử vong do bệnh dại vẫn gia tăng.

Mới đây Bệnh viện (BV) Bệnh Nhiệt đới trung ương đã tiếp nhận nam bệnh nhi 8 tuổi, được BV đa khoa Sơn La chuyển đến với chẩn đoán theo dõi bệnh dại. Trước khi vào viện 1 tháng, bệnh nhi bị chó lạ đi qua cắn vào má phải. Gia đình có cho bệnh nhân đi tiêm phòng uốn ván nhưng không tiêm phòng dại.

Trước khi vào viện, bệnh nhi sốt cao kèm đau đầu, buồn nôn mất ăn ngủ, sợ nước, sợ gió. Bệnh nhi được đưa vào điều trị tại BV đa khoa Sơn La điều trị 2 ngày, sau đó được chuyển đến khoa Cấp cứu (BV bệnh Nhiệt đới trung ương). Tại đây, bệnh nhi N. được BV chuẩn đoán bệnh dại. BS Đặng Hoàng Điệp - Khoa Cấp cứu cho biết, bệnh nhi vào khoa trong tình trạng kích thích, sợ nước sợ gió, sợ ánh sáng, không ăn uống được. Sau đó, ngày 22/8 vừa qua bệnh nhi đã tử vong.

Đáng chú ý, thời gian gần đây, không ít địa phương bùng phát ổ dịch chó dại.

Trước đó, tại huyện Tuy An (tỉnh Phú Yên) xảy ra vụ việc chó nghi bị dại cắn 6 người, trong đó có 1 trẻ em. Sau đó, con chó chết khi đang bị nhốt trong lồng. Thông tin từ BV Sản - Nhi Phú Yên cho biết, từ đầu mùa hè đến nay, trung bình mỗi tháng có khoảng 30 trẻ bị chó cắn phải nhập viện điều trị. Riêng trong tháng 7/2024, BV tiếp nhận gần 60 trường hợp trẻ em đến khám, điều trị do bị chó cắn, trong đó có nhiều trường hợp bị thương rất nặng.

Tại Đồng Nai, các bác sĩ Trung tâm Y tế huyện Định Quán cho hay, trên địa bàn ghi nhận ổ dịch dại trên chó hoang vô chủ đã tấn công 11 người. Sau khi tấn công và cắn 11 người, con chó đã bị người dân bắt nhốt, được lấy mẫu xét nghiệm và có kết quả dương tính với virus dại.

Còn tại Hà Nội, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội đã phát đi cảnh báo về bệnh dại đang có diễn biến phức tạp trên động vật. Theo đó, từ đầu năm 2024 đến nay, ghi nhận 6 ổ bệnh dại trên chó đều tại huyện Sóc Sơn.

BS Đinh Thị Vân Anh - Phó Trưởng khoa Dự phòng và Kiểm soát nhiễm khuẩn (BV Nhi trung ương) nhấn mạnh: Bệnh dại là bệnh do virus lây truyền từ động vật sang người, ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương. Khi đã xuất hiện các triệu chứng lâm sàng, bệnh dại gần như gây tử vong 100%. Đa số các trường hợp tử vong đều chưa được tiêm phòng do tâm lý chủ quan cho rằng chó nhà cắn và tại thời điểm cắn chó bình thường, không hiểu biết về bệnh dại, trẻ bị chó cắn nhưng không nói với gia đình, tâm lý e ngại với vaccine phòng dại...

Mặc dù vậy, đây là căn bệnh có thể phòng ngừa được bằng vaccine. Do vậy, các bác sĩ khuyến cáo, khi bị chó hoặc động vật cắn, cào hay liếm vào vết xước, người dân cần rửa vết thương dưới vòi nước chảy, càng sớm càng tốt trong 15 phút. Rửa vết thương bằng xà phòng và nước hoặc bằng các chất có tác dụng diệt khuẩn như cồn iode; cồn 70 độ C hoặc rượu mạnh; xà phòng, dầu gội, dầu tắm…

Đồng thời khẩn trương đến các cơ sở y tế gần nhất để được đánh giá vết thương, tư vấn tiêm chủng vaccine và huyết thanh theo từng trường hợp cụ thể căn cứ theo tình trạng động vật cắn, hoàn cảnh bị cắn hoặc tiếp xúc với nguồn bệnh; tình trạng và số lượng vết cắn, vị trí bị cắn; tình hình bệnh dại trong vùng.

“Theo TS.BS Nguyễn Thị Thanh Hương - Trưởng Văn phòng chương trình dại (Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương), thời gian ủ bệnh của virus dại trong cơ thể người kể từ thời điểm bị tấn công có thể trong khoảng từ 5 ngày cho tới hơn 1 năm, mặc dù thời gian ủ bệnh trung bình khoảng 2 - 3 tháng. 100% trường hợp đã bị lên cơn dại sẽ dẫn đến tử vong, không có thuốc nào có thể cứu chữa được. Bởi vậy, cần sử dụng vaccine phòng dại càng sớm càng tốt ngay sau khi bị cắn để tạo miễn dịch chủ động giúp cơ thể ngăn chặn virus dại tấn công hệ thần kinh trung ương.

(https://daidoanket.vn/tiem-vaccine-phong-dai-ngay-sau-khi-bi-cho-meo-can-10289130.html)

 

 

PHẦN MỀM TÁC NGHIỆP

  Dịch vụ công trực tuyến

  Phần mềm Quản lý văn bản

  Phần mềm QLHS Một cửa 

  Phần mềm Một cửa (Mới)

  Tiếp nhận ý kiến công dân 

  Danh mục TTHC công 

  Tra cứu hồ sơ Một cửa 

  Thư điện tử TP Hà Nội 

  Thông tin người phát ngôn

Thống kê truy cập

Đang online: 673
Lượt truy cập trong tuần: 15355
Lượt truy cập trong tháng: 196148
Lượt truy cập trong năm: 1928458
Tổng số lượt truy cập: 45995846
Về đầu trang