Điểm báo

Điểm thông tin y tế trên báo chí ngày 5/1/2025
Ngày đăng 06/01/2025 | 15:19  | Lượt xem: 96

* Nguy cơ bùng phát mạnh dịch sởi nếu không tiêm phòng kịp thời

Dịch bệnh sởi gia tăng tại Hà Nội, nguy cơ bùng phát mạnh nếu không tiêm phòng kịp thời.

Theo thông tin từ Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Hà Nội, trong tuần qua (từ ngày 27/12/2024 đến ngày 3/1/2025), thành phố ghi nhận 101 trường hợp mắc bệnh sởi, tăng 25 trường hợp so với tuần trước.

Đây là tín hiệu cảnh báo sự gia tăng của dịch bệnh sởi, khi tổng cộng từ đầu năm 2024 đến nay, Hà Nội đã ghi nhận 436 trường hợp mắc sởi tại 30/30 quận, huyện, thị xã. Điều đáng chú ý là trong cùng kỳ năm 2023, thành phố không ghi nhận bất kỳ ca mắc sởi nào.

Sởi là một bệnh truyền nhiễm có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm, đặc biệt là ở trẻ nhỏ và những người chưa được tiêm phòng đầy đủ. Số liệu cho thấy bệnh nhân mắc sởi phân bố chủ yếu ở nhóm trẻ em dưới 9 tháng tuổi và trẻ từ 1 đến 5 tuổi.

Cụ thể, trong tổng số 436 ca mắc, có 125 trẻ dưới 9 tháng tuổi (chiếm 28,7%), 74 trẻ từ 9-11 tháng (chiếm 17%), 144 trẻ từ 1-5 tuổi (chiếm 33%), và 52 trường hợp trên 10 tuổi (chiếm 11,9%).

Các chuyên gia dịch tễ cảnh báo rằng, sự gia tăng này chủ yếu do tỷ lệ tiêm chủng sởi chưa đạt mức cần thiết trong cộng đồng, đặc biệt là ở nhóm trẻ em chưa tiêm chủng hoặc tiêm chưa đầy đủ các mũi vắc-xin.

Trong thời gian tới, dự báo số ca mắc sởi sẽ tiếp tục gia tăng, đặc biệt là ở nhóm trẻ em dưới 1 tuổi và trẻ trên 5 tuổi. CDC Hà Nội khuyến cáo các bậc phụ huynh và cộng đồng cần chú trọng việc tiêm chủng đầy đủ các mũi vắc-xin sởi, nhằm ngăn ngừa sự lây lan của dịch bệnh.

Trước đó, Sở Y tế Hà Nội có văn bản đề xuất Bộ Y tế đồng ý việc tiêm vắc-xin phòng bệnh sởi cho trẻ từ 6 đến dưới 9 tháng tuổi trên địa bàn thành phố bằng nguồn vắc-xin được cung ứng từ Bộ Y tế.

Vào đầu tháng 12/2024, Sở Y tế Hà Nội đã thực hiện đánh giá nguy cơ dịch sởi trên địa bàn thành phố theo bộ công cụ đánh giá nguy cơ sởi của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Kết quả cho thấy, nguy cơ dịch sởi xảy ra trên địa bàn thành phố ở mức trung bình. Tuy nhiên, Hà Nội là địa phương có mật độ dân cư đông và di biến động dân cư lớn. Đây cũng là nơi có các bệnh viện tuyến trung ương tiếp nhận nhiều ca mắc sởi từ các tỉnh, thành phố trong cả nước, do đó luôn có nguy cơ bùng phát dịch sởi.

Trong khi đó, theo quy định trong chương trình tiêm chủng mở rộng, vắc-xin sởi được sử dụng cho trẻ từ 9 tháng tuổi. Tuy nhiên, nhóm tuổi dưới 9 tháng đang chiếm tỷ lệ cao trên địa bàn thành phố (chỉ sau nhóm tuổi từ 1-5 tuổi).

Theo WHO, vắc-xin sởi đơn giá có thể tiêm cho trẻ em từ 6 tháng đến dưới 9 tháng tuổi trong các vụ dịch như một biện pháp tăng cường chống dịch.

Mũi vắc-xin này được xem như là mũi "sởi 0" và sau đó trẻ vẫn tiếp tục được tiêm chủng 2 mũi vắc-xin sởi theo lịch của chương trình tiêm chủng mở rộng vào lúc 9 tháng tuổi và 18 tháng tuổi.

Được biết, WHO đã có văn bản gửi Bộ Y tế đồng ý bổ sung thêm 260.000 liều vắc-xin phòng sởi cho độ tuổi từ 6 đến dưới 9 tháng. Bộ Y tế đang làm thủ tục xác nhận nguồn viện trợ để phân bổ cho các tỉnh có đề xuất, qua đó kịp thời tiêm chủng cho các đối tượng trẻ này.

Để kiểm soát dịch bệnh, CDC Hà Nội khuyến cáo người dân, đặc biệt là các gia đình có trẻ nhỏ, cần tuân thủ lịch tiêm chủng vắc-xin sởi.

Trẻ từ 9 tháng tuổi cần tiêm mũi vắc-xin đầu tiên, nhắc lại mũi thứ hai ở 15 - 18 tháng và mũi thứ ba khi trẻ từ 4 - 6 tuổi. Đối với những trẻ có nguy cơ cao hoặc sống trong khu vực dịch, có thể cân nhắc tiêm sớm từ 6 tháng tuổi.

Các chuyên gia y tế nhấn mạnh rằng, việc tiêm chủng không chỉ giúp bảo vệ sức khỏe của trẻ mà còn giúp ngăn ngừa sự lây lan trong cộng đồng.

Bác sỹ Nguyễn Tuấn Hải, Hệ thống tiêm chủng Safpo/Potec cho biết, tiêm chủng là biện pháp duy nhất để bảo vệ trẻ em và người lớn khỏi căn bệnh nguy hiểm tiềm tàng này. Các quốc gia trên thế giới bắt buộc phải đạt được và duy trì tỷ lệ bao phủ trên 95% với 2 liều vắc-xin sởi.

Trẻ em và người lớn cần chủ động tiêm ngừa vắc-xin sởi đầy đủ và đúng lịch để giúp cơ thể sản sinh kháng thể đặc hiệu với virus sởi, giúp ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh sởi và các biến chứng nặng nề, với hiệu quả vượt trội lên đến 98%.

Bên cạnh đó, mỗi người cần chủ động vệ sinh mắt, mũi, họng bằng nước sát khuẩn mỗi ngày, hạn chế tụ tập nơi đông người, tránh tiếp xúc gần với những người có biểu hiện mắc bệnh sởi hoặc nghi ngờ mắc bệnh, đồng thời không dùng chung vật dụng cá nhân với người mắc bệnh. Giữ vệ sinh không gian sống và bổ sung thực phẩm giúp tăng cường hệ miễn dịch.

Nếu thấy có các triệu chứng của bệnh sởi (sốt, chảy nước mũi, ho khan, mắt đỏ, nhạy cảm với ánh sáng, phát ban khắp cơ thể), cần nhanh chóng đến các trung tâm hoặc cơ sở y tế gần nhất để được kiểm tra và điều trị kịp thời.

Sự gia tăng các ca mắc sởi đang trở thành mối lo ngại lớn, đặc biệt là đối với nhóm trẻ em chưa được tiêm phòng đầy đủ. Việc tiêm vắc-xin sởi đầy đủ là biện pháp phòng ngừa hiệu quả nhất để bảo vệ sức khỏe cộng đồng, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh có thể bùng phát mạnh nếu không được kiểm soát kịp thời.

Báo Đầu Tư

https://baodautu.vn/nguy-co-bung-phat-manh-dich-soi-neu-khong-tiem-phong-kip-thoi-d238778.html

https://hanoimoi.vn/ha-noi-co-them-hon-100-ca-mac-soi-tai-28-quan-huyen-thi-xa-689489.html

* Hà Nội tăng cường phòng chống dịch bệnh mùa đông xuân

Sở Y tế Hà Nội vừa ban hành văn bản chỉ đạo các đơn vị trực thuộc và đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã trên địa bàn TP tăng cường các biện pháp chủ động phòng, chống dịch bệnh mùa Đông Xuân, nhằm bảo vệ sức khỏe người dân trong dịp tết Nguyên đán và mùa lễ hội sắp tới.

Cụ thể, Sở Y tế giao Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh mùa Đông Xuân, đặc biệt là các bệnh như sởi, ho gà, cúm gia cầm lây sang người; giám sát phát hiện bệnh nhân mắc bệnh truyền nhiễm tại các cơ sở y tế theo phân cấp; đồng thời, giám sát công tác vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh tại các quận, huyện có tổ chức lễ hội; giám sát phát hiện người có biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm nhập cảnh vào Việt Nam tại cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài.

Bên cạnh đó, cần chuẩn bị sẵn sàng các loại vật tư, hóa chất, trang thiết bị phòng chống dịch cần thiết để sẵn sàng ứng phó với các tình huống dịch bệnh có thể xảy ra.

Sở Y tế cũng yêu cầu Trung tâm Kiểm soát bệnh tật phối hợp và hướng dẫn chuyên môn cho các Trung tâm y tế (TTYT) trong hoạt động giám sát, điều tra và xử lý khi có ca bệnh, ổ dịch; tiếp nhận, cung ứng đầy đủ, kịp thời các loại vaccine trong chương trình tiêm chủng mở rộng và vaccine trong các chiến dịch cho các TTYT để triển khai hiệu quả hoạt động tiêm chủng phòng bệnh theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế.

Ngoài ra, Sở Y tế cũng yêu cầu các bệnh viện trong và ngoài công lập đóng trên địa bàn TP thực hiện tốt công tác kiểm soát nhiễm khuẩn để hạn chế việc lây chéo các bệnh truyền nhiễm tại bệnh viện, đặc biệt là bệnh sởi. Các cơ sở y tế bố trí khu vực khám sàng lọc, cách ly, điều trị đảm bảo phù hợp, hiệu quả. Đồng thời, dự trù, chuẩn bị đầy đủ cơ số giường, thuốc, vật tư trang thiết bị y tế đảm bảo cho công tác khám, chữa bệnh để sẵn sàng ứng phó với các tình huống dịch bệnh xảy ra.

Bên cạnh đó, tăng cường các hoạt động truyền thông về các biện pháp phòng, chống các dịch bệnh mùa Đông Xuân cho người bệnh và người nhà khi đến khám và điều trị tại bệnh viện. Đối với những bệnh có vaccine phòng bệnh (đặc biệt là bệnh sởi), cần tăng cường hỏi tiền sử tiêm chủng để tư vấn cho người bệnh và người nhà bệnh nhân đi tiêm chủng đầy đủ theo khuyến cáo của Bộ Y tế.

Sở Y tế cũng đề nghị UBND các quận, huyện thị xã chỉ đạo TTYT tăng cường tuyên truyền về dịch bệnh và cách phòng chống, đồng thời triển khai đầy đủ các biện pháp chuyên môn phòng chống dịch bệnh. Phối hợp với các trường học, các ban ngành đoàn thể tiếp tục rà soát trẻ từ 1-5 tuổi chưa tiêm đủ 2 mũi vaccine phòng bệnh sởi để mời tiêm bổ sung, tiêm vét; rà soát trẻ 7 tuổi, đang học lớp 2 tại các trường tiểu học để tiêm phòng bệnh uốn ván - bạch hầu (Td).

Thống kê từ Sở Y tế cho thấy, từ đầu năm đến nay, Hà Nội đã ghi nhận 335 ca mắc sởi, trong đó nhóm trẻ 1-5 tuổi chiếm số lượng nhiều nhất với 115 ca. Bên cạnh đó, số ca mắc ho gà cũng tăng cao với 245 trường hợp. Một số bệnh truyền nhiễm khác như não mô cầu, thủy đậu và cúm được dự báo có nguy cơ gia tăng trong thời gian tới.

Báo phapluatxahoi.kinhtedothi

https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/ha-noi-tang-cuong-phong-chong-dich-benh-mua-dong-xuan-406245.html

* Các bệnh viện Hà Nội làm chủ kỹ thuật ghép mô tạng

Sau 55 ca ghép thận thành công tại Bệnh viện Xanh Pôn và 5 ca tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, đến nay, kỹ thuật ghép thận đã trở thành kỹ thuật thường quy của hai bệnh viện hạng một của ngành Y tế Thủ đô.

Ghép tạng là phương pháp điều trị phẫu thuật thay thế cơ quan bệnh bằng cơ quan tương ứng của người khác. Đây được coi là biện pháp điều trị cuối cùng, mang lại sự sống cho các bệnh suy chức năng tạng giai đoạn cuối.

Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn vừa thực hiện thành công hai ca ghép thận thứ 54 và 55, đánh dấu 10 năm triển khai ghép tạng tại bệnh viện. "Đây là lần đầu tiên chúng tôi thực hiện lấy tạng và ghép thận cho bệnh nhân, tạo tiền đề cho các ca ghép tạng trong tương lai", Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Đức Long, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn chia sẻ.

Cùng với ghép thận thành công 5 cặp trong năm 2024, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang còn làm tốt công tác tuyên truyền cho người bệnh mắc bệnh hiểm nghèo để họ có thể hiến tạng và giác mạc sau khi mất cho các bệnh nhân đang chờ ghép.

Một bệnh nhân nam 70 tuổi tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, mắc ung thư phổi, đã bày tỏ nguyện vọng hiến giác mạc sau khi qua đời. Vợ ông - bà Nguyễn Thị Tứ ở xã Cổ Bi (huyện Gia Lâm) cũng đồng tình với quyết định nhân văn này, hy vọng giác mạc của chồng sẽ giúp người khác tìm lại ánh sáng.

Ông Nguyễn Văn Thường, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đức Giang cho biết: "Với thành công của 5 ca ghép thận, chúng tôi dự kiến thực hiện thêm 2 ca vào tuần tới, tiến tới mỗi tháng ghép 2 ca, đưa kỹ thuật này trở thành thường quy tại bệnh viện".

Thành công trong ghép tạng đạt được nhờ sự phối hợp nhịp nhàng của các bác sĩ và nhân viên y tế, bao gồm các ê-kíp lấy tạng, rửa tạng và ghép tạng.

Việc hiến mô, tạng sau khi qua đời là hành động ý nghĩa và nhân văn. Một người nằm xuống, một sự sống khác được hồi sinh, đây là sự cho đi nhưng còn mãi, rất cần được nhân rộng.

Báo hanoionline

https://hanoionline.vn/video/cac-benh-vien-ha-noi-lam-chu-ky-thuat-ghep-mo-tang-293606.htm

* Truy xuất nguồn gốc, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm

Thời điểm cuối năm, nhu cầu tiêu thụ thực phẩm của người dân tăng cao. Đây cũng là thời điểm thực phẩm không rõ nguồn gốc, không bảo đảm chất lượng có cơ hội trà trộn vào thị trường. Do vậy, việc kiểm soát, truy xuất nguồn gốc thực phẩm là một trong những khâu then chốt để góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP), nhất là trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ sắp tới.

Theo thông lệ, trước thềm các dịp lễ, Tết, Hà Nội triển khai nhiều đợt kiểm tra ATTP tại các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm. Cơ quan chức năng thường xuyên kiểm tra chất lượng thực phẩm tại các chợ, siêu thị và các cửa hàng bán lẻ. Đặc biệt, các loại thực phẩm như rau củ quả, thịt, gia cầm, thủy sản, những mặt hàng tiêu thụ nhiều trong dịp Tết Nguyên đán được chú trọng kiểm tra về nguồn gốc, quy trình bảo quản, chất lượng sản phẩm, nhằm phát hiện và kịp thời xử lý các vi phạm.

Những hoạt động này nhằm nâng cao nhận thức của cả người sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng. Trong đợt kiểm tra gần đây, Thanh tra Sở Y tế Hà Nội phát hiện cơ sở Bò nhúng dấm 555 tại quận Ba Đình kinh doanh mà không có giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP, cơ sở này đã bị xử phạt hành chính 12,5 triệu đồng. Tương tự, một cơ sở kinh doanh hải sản ở quận Cầu Giấy cũng bị xử phạt 16 triệu đồng vì vi phạm quy định kiểm định thực phẩm ba bước và lưu mẫu thức ăn.

Theo Chi cục trưởng An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội Đặng Thanh Phong, thành phố hiện có hơn 72.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm, trong đó, ngành y tế quản lý khoảng 39.000 cơ sở. Thời gian qua, cơ quan chức năng của Hà Nội đã tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, hậu kiểm vệ sinh, ATTP tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, bếp ăn tập thể…

Bên cạnh những kết quả đạt được, theo đánh giá chung, hiện tại công tác quản lý ATTP trên địa bàn thành phố vẫn còn gặp không ít khó khăn, bất cập. Một số chủ cơ sở kinh doanh thực phẩm chưa có ý thức bảo vệ sức khỏe cộng đồng, chạy theo lợi nhuận trước mắt, cố tình vi phạm quy định về ATTP… Phần lớn nhà hàng kinh doanh thức ăn đường phố hoạt động thời vụ, không có địa điểm cố định, người bán hàng từ địa phương khác đến gây khó khăn cho công tác quản lý, tuyên truyền, hướng dẫn quy định pháp luật.

Cán bộ tuyến huyện và tuyến xã kiêm nhiệm nhiều việc, cho nên gặp khó khăn và bị động trong triển khai hoạt động kiểm tra, hậu kiểm ATTP… Cùng với đó, một nguyên nhân không kém phần quan trọng, đó là việc truy xuất nguồn gốc chưa được thực hiện nghiêm túc, quyết liệt, nhất là đối với nhóm thực phẩm tươi sống. Từ người bán đến người mua, thậm chí cả cơ quan quản lý cũng trong tình trạng thiếu thông tin về nguồn gốc thực phẩm.

Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 335/KH-UBND về việc bảo đảm ATTP phục vụ Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Ất Tỵ và Lễ hội Xuân năm 2025.

Theo đó, kế hoạch nhằm tăng cường thanh tra, kiểm tra kiểm soát ATTP trong sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu và sử dụng thực phẩm nhằm bảo đảm công tác phòng chống ngộ độc thực phẩm, hạn chế tối đa các vụ ngộ độc thực phẩm; tập trung tuyên truyền nâng cao kiến thức, thái độ, thực hành về vệ sinh ATTP trong dịp Tết, lễ hội; nâng cao vai trò, trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp, của người quản lý, của người sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng; tuyên truyền việc sử dụng phòng ngừa ngộ độc rượu, các kiến thức trong lựa chọn, bảo quản, chế biến và tiêu dùng thực phẩm; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra liên ngành, tập trung vào các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm, các chợ đầu mối, siêu thị, trung tâm thương mại, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, đặt trọng tâm vào những cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu các mặt hàng thực phẩm, các cơ sở dịch vụ ăn uống…

Các cơ quan, ngành chức năng, chính quyền cơ sở… cần thanh tra, kiểm tra đột xuất, hậu kiểm nhằm hạn chế tối đa thực phẩm không bảo đảm an toàn lưu thông trên thị trường. Cần tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để truy xuất nguồn gốc, bảo đảm thông tin nhanh, chính xác về nguồn gốc thực phẩm lưu thông trên thị trường. Người dân cần nâng cao kiến thức tiêu dùng, tuyệt đối không lựa chọn sản phẩm không rõ nguồn gốc, bảo vệ chính mình và cộng đồng.

Báo Nhân Dân

https://nhandan.vn/truy-xuat-nguon-goc-bao-dam-an-toan-ve-sinh-thuc-pham-post854444.html

 

 

 

 

PHẦN MỀM TÁC NGHIỆP

  Dịch vụ công trực tuyến

  Phần mềm Quản lý văn bản

  Phần mềm QLHS Một cửa 

  Phần mềm Một cửa (Mới)

  Tiếp nhận ý kiến công dân 

  Danh mục TTHC công 

  Tra cứu hồ sơ Một cửa 

  Thư điện tử TP Hà Nội 

  Thông tin người phát ngôn

Thống kê truy cập

Đang online: 501
Lượt truy cập trong tuần: 601
Lượt truy cập trong tháng: 291917
Lượt truy cập trong năm: 291917
Tổng số lượt truy cập: 47586958
Về đầu trang