Điểm báo

Điểm thông tin y tế trên các báo ngày 19/7/2024
Ngày đăng 19/07/2024 | 16:11  | Lượt xem: 152

Hà Nội: Nhà trường phải theo dõi hoạt động kinh doanh thực phẩm từ cổng trường

Phó Chủ tịch UBND TP Vũ Thu Hà mới có Kế hoạch số 210/KH-UBND chỉ đạo các đơn vị về việc thực hiện chuyên đề “Tăng cường kiểm soát an toàn thực phẩm trong và xung quanh cổng trường học trên địa bàn thành phố Hà Nội”.

UBND TP giao Sở Y tế là cơ quan thường trực Ban chỉ đạo công tác An toàn thực phẩm Thành phố, hướng dẫn thực hiện các quy định ATTP cho bếp ăn tập thể, căng tin trường học và cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố xung quanh cổng trường học.

(https://www.anninhthudo.vn/ha-noi-nha-truong-phai-theo-doi-hoat-dong-kinh-doanh-thuc-pham-tu-cong-truong-post583361.antd)

Phòng bệnh bạch hầu nhưng không lạm dụng cách ly rộng rãi

Đó là thông tin được ông Hoàng Minh Đức, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết vào chiều 18-7 về diễn biến của bệnh bạch hầu trong thời gian gần đây.

Theo lãnh đạo Cục Y tế dự phòng, bạch hầu là bệnh có vắc xin phòng bệnh và vắc xin bạch hầu đã được sử dụng trong chương trình tiêm chủng mở rộng ở Việt Nam từ năm 1985, do đó đã tạo được miễn dịch rộng rãi trong cộng đồng và góp phần làm giảm số mắc hàng trăm lần so với thời điểm năm 1983.

Những năm gần đây chỉ ghi nhận các ca bệnh rải rác tại các nơi có tiêm chủng đầy đủ (do chưa đạt được 100% đối tượng tiêm).

Vì vậy, theo ông Hoàng Minh Đức, vẫn còn một tỷ lệ nhỏ đối tượng chưa được tiêm tại cộng đồng. Các ổ dịch chủ yếu xảy ra ở khu vực vùng sâu, vùng xa, những nơi điều kiện cung cấp vắc xin tiêm chủng mở rộng còn khó khăn nên tạo vùng lõm tiêm chủng.

Đánh giá tình hình bệnh bạch hầu năm 2024, ông Hoàng Minh Đức nhận định, đến nay chưa phải là vấn đề phức tạp, số mắc thấp, các ổ dịch nhỏ vẫn trong tầm kiểm soát, nguy cơ lây nhiễm thành dịch lớn diện rộng là thấp.

Để phòng ngừa bệnh bạch hầu, lãnh đạo Cục Y tế dự phòng đề nghị, các tỉnh, thành phố triển khai thực hiện xử lý ổ dịch, phòng bệnh chủ động cho người dân đúng theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Những người tiếp xúc gần với các trường hợp xác định mắc bệnh bạch hầu được khuyến nghị tự theo dõi sức khỏe, cách ly tại nhà trong vòng 14 ngày, đồng thời phải liên hệ với cán bộ y tế để được hướng dẫn phát hiện các triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh và uống thuốc kháng sinh dự phòng.

(https://hanoimoi.vn/phong-benh-bach-hau-nhung-khong-lam-dung-cach-ly-rong-rai-672454.html)

Bổ sung 15 chất mới vào danh mục chất ma túy

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 90/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung danh mục chất ma túy và tiền chất ban hành kèm theo Nghị định số 57/2022/NĐ-CP ngày 25 tháng 8 năm 2022 của Chính phủ quy định các danh mục chất ma túy và tiền chất.

Nghị định 90/2024/NĐ-CP bổ sung các chất vào Danh mục II "Các chất ma túy được dùng hạn chế trong phân tích, kiểm nghiệm, nghiên cứu khoa học, điều tra tội phạm hoặc trong lĩnh vực y tế theo quy định của cơ quan có thẩm quyền.

Cụ thể, Nghị định bổ sung 14 chất ma túy vào danh mục IIC. Các chất và muối có thể tồn tại của chất này gồm: 3-Chloromethcathinone (3-CMC); 2-Methyl-AP-237; 3-Methylmethcathinone (3-MMC); ADB-4en-PINACA; ADB-FUBIATA; ADB-INACA; Alpha-PiHP; Butonitazene; Etazene; Etonitazepyne; MDMB-BUTINACA; MDMB-INACA; N,N-Dimethylpentylone; Protonitazene.

Đồng thời, Nghị định cũng bổ sung chất Bromazolam vào Danh mục III "Các chất ma túy được dùng trong phân tích, kiểm nghiệm, nghiên cứu khoa học, điều tra tội phạm hoặc trong lĩnh vực y tế, thú y theo quy định của cơ quan có thẩm quyền".

Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 17/7/2024.

(https://tuoitrethudo.vn/bo-sung-15-chat-moi-vao-danh-muc-chat-ma-tuy-254884.html)

Nỗ lực nâng cao chất lượng điều trị và đảm bảo an toàn người bệnh

Trong những năm gần đây, ngành y tế Thủ đô Hà Nội đã có những bước tiến đáng kể trong việc nâng cao chất lượng điều trị và đảm bảo an toàn cho người bệnh. Qua công tác đánh giá chất lượng bệnh viện hàng năm, Sở Y tế Hà Nội ghi nhận sự đổi mới trên nhiều phương diện của các cơ sở y tế trên địa bàn.

Theo Sở Y tế Hà Nội, ngay từ đầu năm 2024, Sở đã chủ động ban hành văn bản chỉ đạo các đơn vị y tế trong và ngoài công lập tăng cường các giải pháp đảm bảo an toàn người bệnh. Các đơn vị được yêu cầu xây dựng chương trình và quy định cụ thể với 6 nội dung chính, bao gồm: xác định chính xác người bệnh, tránh nhầm lẫn khi cung cấp dịch vụ; nâng cao hiệu quả của trao đổi thông tin; an toàn phẫu thuật, thủ thuật; an toàn trong sử dụng thuốc; phòng ngừa nhiễm khuẩn bệnh viện; phòng ngừa té ngã cho người bệnh. Thực hiện đúng các quy định chuyên môn kỹ thuật trong khám chữa bệnh như quy chế thường trực; quy chế cấp cứu; quy chế hồ sơ bệnh án; chăm sóc người bệnh trong bệnh viện; tăng cường quản lý bệnh nhân nội trú, đặc biệt là ngoài giờ hành chính, trong các ngày nghỉ lễ, Tết.

Bên cạnh công tác chỉ đạo, Sở Y tế cũng thường xuyên tổ chức kiểm tra, đánh giá công tác cải tiến chất lượng theo Bộ tiêu chí của Bộ Y tế. Các đơn vị được khuyến khích báo cáo sự cố y khoa một cách tự nguyện và tăng cường tự kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác an toàn người bệnh.

(https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/no-luc-nang-cao-chat-luong-dieu-tri-va-dam-bao-an-toan-nguoi-benh-388350.html)

Bộ Y tế: Tỷ lệ tiêm chủng vaccine có thành phần bạch hầu đạt hơn 40%

Theo Bộ Y tế, trong 5 tháng đầu năm 2024, tỷ lệ tiêm chủng hầu hết các vaccine trong tiêm chủng mở rộng chưa đạt tiến độ, chỉ có vaccine phòng Lao, vaccine Sởi và vaccine DPT đạt tiến độ theo kế hoạch.

Thông tin này có trong kế hoạch Tiêm chủng mở rộng năm 2025 do Bộ Y tế vừa ban hành.

Theo kế hoạch, hiện tại Chương trình Tiêm chủng mở rộng đang triển khai tiêm chủng vaccine để phòng 11 bệnh truyền nhiễm phổ biến, nguy hiểm bao gồm: Viêm gan B, Lao, Bạch hầu, Ho gà, Uốn ván, Bại Hệt, Bệnh do Haemophilus influenzae tuýp b, Sởi, Viêm não Nhật Bản B, Rubella, Tiêu chảy do virus Rota.

Trong kế hoạch Tiêm chủng mở rộng trên, Bộ Y tế thông tin chỉ tiêu đặt ra đối với 11 loại vaccine trong năm nay là đạt tỷ lệ tiêm từ trên 90% - trên 95%. Tuy nhiên, hiện chỉ có ba vaccine: Lao, Sởi và DPT (bạch hầu - ho gà -uốn ván) đạt tiến độ với tỷ lệ tiêm chủng từ trên 39% - trên 40%, trong 5 tháng đầu năm.

(https://suckhoedoisong.vn/bo-y-te-ty-le-tiem-chung-vaccine-co-thanh-phan-bach-hau-dat-hon-40-169240718150822095.htm)

TP Hồ Chí Minh: Làm rõ quảng cáo cấy vi sợi sinh học Insulin để giảm béo

Tổ công tác đặc biệt Sở Y tế TP Hồ Chí Minh phát hiện trên kênh Youtube (tại tài khoản mang tên "Vesta Center") có đăng tải clip giới thiệu công nghệ "giảm béo bằng cấy vi sợi sinh học Insulin", clip quảng cáo này có biểu tượng HTV7 trong chuyên mục "Nhịp sống trẻ".

Bên cạnh đó, Sở Y tế còn ghi nhận các nội dung quảng cáo tại trang mạng xã hội Facebook và các poster, standee có nội dung "Vi sợi sinh học Insulin - Top 1 công nghệ hủy mỡ không xâm lấn - Chuyển giao độc quyền từ Tây Ban Nha…".

Thanh tra Sở Y tế đã tiến hành kiểm tra cơ sở này tại địa chỉ số K8 Bis đường Bửu Long, Phường 15, Quận 10, TP Hồ Chí Minh. Đoàn kiểm tra ghi nhận tại đây có biển hiệu "Vesta Center", được đăng ký hoạt động bởi Chi nhánh Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại Olympus Việt Nam, tại địa chỉ này có Phòng khám chuyên khoa Da liễu do Sở Y tế cấp Giấy phép hoạt động.

Qua kiểm tra cho thấy cơ sở này hoạt động tương tự "mô hình" cung cấp dịch vụ giảm béo của các cơ sở kinh doanh đã từng được Sở Y tế kiểm tra và xử lý trước đây. Cụ thể là, bên cạnh đăng ký ngành nghề kinh doanh hoạt động phòng khám chuyên khoa Da liễu, Công ty này còn đăng ký ngành nghề chăm sóc da (loại hình không cần được ngành Y tế thẩm định, cấp phép) có sử dụng các máy laser CO2, máy YAG-KTP, máy IPL (Intense Pulsed Light) trong điều trị các bệnh lý về da, nhưng thực tế dùng cho dịch vụ "giảm béo bằng công nghệ cao".

Qua kiểm tra, Sở Y tế nhận thấy việc quảng cáo dịch vụ cấy vi sợi sinh học Insulin để giảm béo của phòng khám là trái phép và hoàn toàn không có căn cứ khoa học, đoàn kiểm tra yêu cầu công ty và phòng khám tháo gỡ các nội dung quảng cáo tại chỗ và trên các nền tảng mạng xã hội.

Sở Y tế đang tiếp tục xác minh làm rõ việc sử dụng công nghệ "vi sợi sinh học Insulin để giảm béo" của phòng khám, kiên quyết xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật của phòng khám và sẽ tiếp tục thông tin công khai kết quả xử lý.

Một lần nữa, Sở Y tế kêu gọi người dân hãy cân nhắc kỹ và đừng vội vàng sử dụng dịch vụ "giảm béo không xâm lấn" được quảng cáo trên các trang mạng xã hội khi chưa kiểm chứng rõ tính pháp lý trong hoạt động của cơ sở. Sở Y tế kêu gọi người dân khi phát hiện hoặc nghi ngờ cơ sở dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh không phép trên địa bàn thành phố hoặc các thông tin quảng cáo các dịch vụ về y tế trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội,… có thể gọi ngay đường dây nóng qua số 0989.401.155 hoặc phản ánh qua app "Y tế trực tuyến" để Thanh tra Sở Y tế có thông tin, kịp thời phát hiện xử lý theo quy định.

(https://vtv.vn/suc-khoe/tp-ho-chi-minh-lam-ro-quang-cao-cay-vi-soi-sinh-hoc-insulin-de-giam-beo-20240719101412287.htm)

 

 

PHẦN MỀM TÁC NGHIỆP

  Dịch vụ công trực tuyến

  Phần mềm Quản lý văn bản

  Phần mềm QLHS Một cửa 

  Phần mềm Một cửa (Mới)

  Tiếp nhận ý kiến công dân 

  Danh mục TTHC công 

  Tra cứu hồ sơ Một cửa 

  Thư điện tử TP Hà Nội 

  Thông tin người phát ngôn

Thống kê truy cập

Đang online: 993
Lượt truy cập trong tuần: 2134
Lượt truy cập trong tháng: 79277
Lượt truy cập trong năm: 1811587
Tổng số lượt truy cập: 45878975
Về đầu trang