Điểm báo

Điểm thông tin y tế trên các báo ngày 09/11/2024
Ngày đăng 13/11/2024 | 16:42  | Lượt xem: 83

Tăng cường giám sát an toàn thực phẩm rượu thủ công

Từ nay đến cuối năm, nhu cầu tiêu dùng các loại rượu, bia tăng cao, nhưng ở các vùng nông thôn việc sử dụng rượu thủ công, không rõ nguồn gốc, xuất xứ vẫn diễn ra phổ biến, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn thực phẩm, gây hại sức khỏe người tiêu dùng.

Do đó, các địa phương của thành phố Hà Nội đang đẩy mạnh tuyên truyền và kiểm tra việc sản xuất, kinh doanh rượu thủ công ở các cơ sở, kịp thời xử lý trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật.

Tiềm ẩn nguy cơ gây hại sức khỏe

Rượu thủ công chủ yếu do các hộ dân tự làm, hầu hết chưa có quy chuẩn nhất định về bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Gia đình chị Nguyễn Thị Sinh ở xã Phú Túc (huyện Phú Xuyên) nấu rượu nhiều năm qua. Hiện nay, gia đình chị phát triển nghề nấu rượu thủ công. Toàn bộ lượng rượu nấu ra đều có khách quen đến đặt mua tại nhà. Trung bình mỗi ngày gia đình chị bán ra thị trường 40-50 lít rượu.

Là một trong những người sử dụng rượu nấu thủ công, ông Nguyễn Văn Học ở xã Phương Trung (huyện Thanh Oai) chia sẻ: “Từ nhiều năm nay, tôi vẫn sử dụng rượu nấu thủ công của người dân trên địa bàn. Dù không có tem nhãn mác, nhưng chỗ người quen nấu nên vẫn yên tâm về chất lượng và giá cả hợp lý”. Thực tế cho thấy, tình trạng nấu rượu thủ công vẫn xuất hiện ở các vùng nông thôn. Nhưng tại các quán nước hay quán ăn trên phố vẫn có thể mua loại rượu nấu thủ công với giá khoảng 50.000-60.000 đồng/lít. Do đó, thời gian qua, các vụ ngộ độc rượu vẫn xảy ra, gây ảnh hưởng tới sức khỏe người dân.

Trưởng phòng Y tế thị xã Sơn Tây Phạm Hùng Sơn cho biết, trên địa bàn thị xã có 108 cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu thủ công. Trong đó, có 7 cơ sở sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh; sản lượng sản xuất 50.000 lít/năm; 36 cơ sở kinh doanh bán lẻ rượu; 65 cơ sở bán lẻ rượu tiêu dùng tại chỗ. Hiện nay, việc quản lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu thủ công còn khó khăn do các hộ này nấu rượu chủ yếu bán lẻ quanh thôn, xóm, số lượng không đáng kể, chỉ nấu theo kinh nghiệm, chưa bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Vì vậy, khó yêu cầu các cá nhân này thực hiện đầy đủ thủ tục hành chính theo quy định về sản xuất, kinh doanh rượu.

Tương tự, tại huyện Hoài Đức có 155 cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu thủ công. Trong đó, số cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh có nồng độ cồn trên 5,5 độ là 119 cơ sở; sản lượng sản xuất 11.000 lít/năm; 36 cơ sở bán lẻ rượu; 28 cơ sở bán rượu tiêu dùng tại chỗ được phân bố ở 20 xã, thị trấn trên địa bàn. Tuy nhiên, phần lớn cơ sở sản xuất rượu thủ công có quy mô nhỏ lẻ, nằm rải rác trong các khu dân cư, sử dụng chính diện tích nhà ở để sản xuất; sản xuất không thường xuyên, không thực hiện đăng ký hộ kinh doanh, điều kiện kinh tế còn hạn chế nên chưa tự giác nộp hồ sơ xin cấp phép sản xuất rượu thủ công theo quy định.

Ngăn chặn sử dụng rượu không rõ nguồn gốc

Theo Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), nguyên nhân của ngộ độc rượu là do lạm dụng rượu, uống rượu vượt quá mức chấp nhận của cơ thể, do sử dụng rượu không bảo đảm an toàn thực phẩm như: Uống phải rượu pha cồn công nghiệp methanol hoặc ethylene glycol; do uống rượu ngâm với thảo mộc (như lá, rễ, hạt cây), hoặc ngâm với động vật...

Để bảo đảm sức khỏe người tiêu dùng và hạn chế tình trạng sử dụng rượu nấu thủ công không rõ nguồn gốc xuất xứ, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Nguyễn Trọng Khiển cho biết, từ nay đến cuối năm, huyện tăng cường kiểm tra, kiểm soát hoạt động sản xuất, kinh doanh sản phẩm bày bán, lưu thông trên địa bàn. Qua đó, phát hiện sớm, truy xuất triệt để nguồn gốc vi phạm; kiên quyết xử lý các vi phạm, nhất là hành vi làm giả, làm nhái, sử dụng nguyên liệu bị cấm trong các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu và công khai vi phạm theo quy định của pháp luật. Đồng thời, đẩy mạnh truyền thông; yêu cầu các đơn vị, người dân không sử dụng rượu không dán tem, không bảo đảm nguồn gốc xuất xứ theo quy định.

Bên cạnh đó, huyện Thanh Oai tiếp tục thông tin, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin nhằm nâng cao nhận thức về tác hại của rượu; trách nhiệm bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh rượu, nghiêm cấm hành vi sản xuất rượu sử dụng nguyên liệu cấm, kinh doanh rượu không rõ nguồn gốc, rượu không bảo đảm an toàn.

Việc quản lý tốt sản xuất rượu thủ công không chỉ giúp tăng nguồn thu thuế cho ngân sách, mà còn giúp tạo ra sản phẩm rượu có chất lượng, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng. Sở Y tế Hà Nội phối hợp với Sở Công Thương Hà Nội tiếp tục điều tra, ngăn chặn việc sử dụng, lưu thông sản phẩm rượu nêu trên trên địa bàn. Cùng với đó, ngành Y tế phối hợp với ngành Công Thương và chính quyền địa phương tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu, chú trọng cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu nhỏ lẻ, đặc biệt là các cơ sở nấu rượu thủ công; ngăn chặn kịp thời các loại rượu sản xuất, pha chế không bảo đảm an toàn, rượu không rõ nguồn gốc, không nhãn mác có nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng đưa ra lưu thông trên thị trường. Đồng thời, tăng cường thông tin, truyền thông, hướng dẫn người dân nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh rượu, không lạm dụng rượu, bảo đảm an toàn khi lựa chọn, sử dụng rượu.

Người dân tuyệt đối không sử dụng các loại động vật, thực vật lạ, không rõ chủng loại, nguồn gốc để ngâm rượu uống, không uống rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ hoặc không có nhãn mác bán trôi nổi trên thị trường.

Báo Hà Nội mới

https://hanoimoi.vn/tang-cuong-giam-sat-an-toan-thuc-pham-ruou-thu-cong-683969.html

Đề xuất đưa vaccine phòng sốt xuất huyết vào chương trình tiêm chủng mở rộng

Sốt xuất huyết vẫn là mối đe dọa toàn cầu đối với sức khoẻ cộng đồng. Bộ Y tế đang đề xuất đưa tiêm vaccine phòng sốt xuất huyết vào Chương trình tiêm chủng mở rộng sau thời gian thử nghiệm tại cộng đồng.

Theo thống kê của Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, tích lũy từ đầu năm đến cuối tháng 9/2024, cả nước ghi nhận khoảng 80.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 12 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm 2023, số ca mắc giảm 15,5%, số ca tử vong giảm 14 trường hợp.

Việt Nam lưu hành cả 4 tuýp virus Dengue, nhưng tuýp virus lưu hành chủ yếu là DENV-1, DENV-2. Trong năm 2023, tuýp DENV-2 chiếm 88%; năm 2024 tuýp DENV-2 chiếm khoảng 70%.

Tuýp DENV-2 thường liên quan đến các trường hợp mắc sốt xuất huyết nghiêm trọng và gây dịch cũng như là nguyên nhân lớn dẫn đến các ca tử vong liên quan đến sốt xuất huyết.

Một người có thể mắc sốt xuất huyết nhiều lần trong đời với các tuýp virus khác nhau, thậm chí lần mắc thứ 2 có nguy cơ nặng hơn lần đầu.

Cũng liên quan đến dịch sốt xuất huyết, Tổ chức Y tế thế giới vừa khởi động Kế hoạch chuẩn bị, sẵn sàng và ứng phó chiến lược toàn cầu (SPRP) để giải quyết bệnh sốt xuất huyết và các loại arbovirus khác do muỗi Aedes truyền. Bằng cách thúc đẩy phản ứng phối hợp toàn cầu, Kế hoạch nhằm giảm gánh nặng bệnh tật, tử vong do sốt xuất huyết và các bệnh do arbovirus khác do muỗi Aedes truyền như Zika và Chikungunya…

Kế hoạch nêu rõ các hành động ưu tiên để kiểm soát sự lây truyền và đưa ra các khuyến nghị cho các quốc gia bị ảnh hưởng trên nhiều lĩnh vực khác nhau, bao gồm giám sát dịch bệnh, hoạt động xét nghiệm, kiểm soát véc tơ, gắn kết cộng đồng, quản lý lâm sàng, nghiên cứu và phát triển, thông qua cách tiếp cận toàn xã hội và khu vực.

Theo ước tính, có khoảng 4 tỷ người có nguy cơ nhiễm arbovirus trên toàn thế giới và con số này ước tính sẽ tăng lên 5 tỷ vào năm 2050. Các trường hợp mắc sốt xuất huyết đã tăng vọt trên tất cả sáu khu vực của WHO và số ca mắc đã tăng gấp đôi mỗi năm kể từ năm 2021. Tính đến cuối tháng 8/2024, với hơn 12,3 triệu ca - gần gấp đôi so với 6,5 triệu ca được báo cáo trong cả năm 2023.

Sốt xuất huyết lưu hành ở các vùng khí hậu nhiệt đới và cận nhiệt đới, đặc biệt là ở Đông Nam Á, Tây Thái Bình Dương, Châu Mỹ và cũng đáng lo ngại ở Châu Phi...

Vaccine phòng chống sốt xuất huyết - một vũ khí mới trong phòng chống bệnh này?

Tại Việt Nam, vaccine phòng, chống sốt xuất huyết đã được nghiên cứu và phát triển để giúp ngăn ngừa bệnh này.

Hiện tại, đã có vaccine Qdenga phòng bệnh sốt xuất huyết, thuộc danh mục vaccine được cấp phép lưu hành theo Quyết định 308/QĐ-QLD ngày 14/5/2024 của Cục Quản lý Dược, đang được tiêm dịch vụ tại Việt Nam.

Một số nghiên cứu vaccine trong nước và quốc tế cũng đang tiếp tục được phát triển và thử nghiệm để cung cấp thêm sự lựa chọn phòng, chống bệnh cho người dân.

Vaccine phòng chống sốt xuất huyết - một vũ khí mới trong công tác phòng chống sốt xuất huyết nhằm làm giảm số mắc và hạn chế các trường hợp bệnh nặng phải nhập viện hoặc tử vong do sốt xuất huyết, góp phần đạt được mục tiêu chung là bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe cho nhân dân.

Theo Cục Y tế dự phòng, việc đưa vaccine phòng, chống sốt xuất huyết vào trong chương trình tiêm chủng mở rộng cần được thực hiện theo Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm đó là bổ sung danh mục bệnh truyền nhiễm có vaccine vào trong chương trình tiêm chủng mở rộng nhà nước bảo đảm tiêm miễn phí cho người dân.

Cùng đó, để đưa vào tiêm chủng mở rộng cần có các đánh giá gánh nặng bệnh tật, tính an toàn, hiệu quả miễn dịch đồng thời xem xét tính chấp nhận của cộng đồng và đánh giá hiệu quả kinh tế vaccine phòng, chống sốt xuất huyết.

Hiện nay Bộ Y tế đang phối hợp các đơn vị tổ chức đánh giá nghiên cứu các yếu tố trên sau đó sẽ trình Chính phủ nếu phù hợp sẽ đưa vào tiêm chủng mở rộng tiêm miễn phí cho dân.

Tại một hội thảo về vấn đề này, PGS.TS.BSCKII Nguyễn Vũ Trung, Viện trưởng Viện Pasteur TPHCM nhấn mạnh: Trước đây, đỉnh dịch sốt xuất huyết tại Việt Nam thường xảy ra vào mùa mưa, từ tháng 6 đến tháng 11 hàng năm. Nhưng gần đây, tháng nào các cơ sở y tế cũng ghi nhận các ca bệnh, bao gồm cả các trường hợp nguy hiểm đến tính mạng.

Hơn nữa, nếu trước đây các ổ dịch thường tập trung tại khu vực miền Trung và Nam thì nay, sốt xuất huyết đã dần được ghi nhận ở miền Bắc. Thực trạng này cho thấy cần phải gia tăng nguồn lực và bổ sung biện pháp dự phòng sốt xuất huyết chủ động như tiêm chủng khi có vaccine.

Cùng với tay chân miệng, sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm lưu hành tại nước ta với có số trường hợp mắc cao được. Do đó, để công tác phòng chống sốt xuất huyết hiệu quả, triệt để, lâu dài, cần thiết phải lồng ghép, phối hợp triển khai đồng bộ với các giải pháp phòng, chống dịch truyền thông như giám sát dịch, phòng chống véc tơ chủ động (diệt muỗi, diệt lăng quăng), xử lý ổ dịch sớm và triệt để, truyền thông phòng chống dịch….

Báo Sức khoẻ và Đời sống

https://suckhoedoisong.vn/de-xuat-dua-vaccine-phong-sot-xuat-huyet-vao-chuong-trinh-tiem-chung-mo-rong

Trạm y tế xã được thực hiện gói dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS

Bộ Y tế vừa ban hành Thông tư 30/2024/TT - BYT, quy định danh mục, nội dung gói dịch vụ y tế cơ bản do trạm y tế thực hiện. Theo đó, từ ngày 19/12/2024, các trạm y tế xã, phường, thị trấn được thực hiện gói dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS…

Theo đó các gói dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS được thực hiện tại trạm y tế sẽ bao gồm:

1. Dự phòng lây nhiễm HIV

1.1. Cung cấp và hướng dẫn sử dụng bao cao su, bơm kim tiêm sạch

- Địa điểm thực hiện tại Trạm Y tế xã hoặc tại cơ sở y tế.

- Đối tượng: Người nghiện chích ma túy, người bán dâm, người có quan hệ tình dục đồng giới, người chuyển đổi giới tính, những người có quan hệ tình dục với những người có nguy cơ lây nhiễm HIV trên địa bàn (theo số lần cung cấp dịch vụ).

- Nội dung:

+ Tư vấn cho các đối tượng trên về các yếu tố nguy cơ và các biện pháp can thiệp phù hợp với nguy cơ, tư vấn chuyển gửi điều trị;

+ Cung cấp và hướng dẫn sử dụng các vật dụng dự phòng (bao cao su, bơm kim tiêm, chất bôi trơn và các vật dụng giảm tác hại khác);

+ Lập hồ sơ và quản lý đối tượng.

1.2. Điều trị dự phòng trước phơi nhiễm với HIV bằng thuốc kháng HIV (PrEP)

- Địa điểm thực hiện tại Trạm Y tế xã hoặc tại cơ sở y tế.

- Đối tượng: Người chưa nhiễm HIV nhưng có hành vi nguy cơ cao, bao gồm người có quan hệ tình dục đồng giới; người chuyển đổi giới tính; người sử dụng ma túy, người bán dâm; vợ, chồng người nhiễm HIV; vợ, chồng của người có quan hệ tình dục đồng giới, người chuyển đổi giới tính, người sử dụng ma túy, người bán dâm; người có quan hệ tình dục với người nhiễm HIV…

- Nội dung: Tư vấn cho các đối tượng trên về các yếu tố nguy cơ; xét nghiệm sàng lọc HIV bằng các kỹ thuật đơn giản; quy trình điều trị PrEP (các yếu tố nguy cơ và quy trình khám, tái khám...).

1.3. Cấp phát thuốc điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế

- Địa điểm thực hiện tại Trạm Y tế xã hoặc tại cơ sở y tế.

- Đối tượng: Người tham gia điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế.

- Nội dung: Cấp phát thuốc cho người tham gia điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế.

2. Giám sát dịch tễ học HIV/AIDS

- Địa điểm thực hiện tại Trạm Y tế xã hoặc tại cơ sở y tế.

- Đối tượng: Nhóm nguy cơ cao lây nhiễm HIV tham gia điều tra, người nhiễm HIV/AIDS.

- Nội dung:

+ Rà soát, hiệu chỉnh, cập nhật thông tin người nhiễm HIV trên hệ thống HIV-INFO sau khi nhận được thông tin về người nhiễm HIV, người nhiễm HIV đang điều trị HIV/AIDS đang sinh sống hoặc thường trú trên địa bàn xã;

+ Phối hợp với cán bộ tư pháp xã nơi người nhiễm HIV tử vong sinh sống hoặc thường trú thu thập thông tin, cập nhật lên hệ thống HIV - INFO hoặc gửi bằng văn bản cho cơ quan giám sát dịch HIV/AIDS cấp huyện;

+ Phối hợp với cơ quan giám sát dịch HIV/AIDS cấp huyện đánh giá nguy cơ lây nhiễm HIV khi có số người nhiễm HIV gia tăng theo hướng dẫn chuyên môn;

+ Thực hiện báo cáo tổng hợp số liệu giám sát ca bệnh HIV/AIDS định kỳ hằng quý và hằng năm;

+ Phối hợp với Cơ quan giám sát dịch HIV/AIDS cấp tỉnh và cơ quan giám sát dịch HIV/AIDS cấp huyện tổ chức triển khai giám sát trọng điểm hằng năm.

3. Chăm sóc người bệnh HIV/AIDS tại nhà

- Địa điểm thực hiện tại nhà người bệnh.

- Đối tượng: Người bệnh HIV điều trị thuốc ARV đang được quản lý, chăm sóc tại xã.

- Nội dung: Tư vấn hỗ trợ tuân thủ điều trị thuốc ARV; giáo dục và tư vấn, hỗ trợ dinh dưỡng cho người nhiễm HIV; tư vấn về dự phòng lây nhiễm HIV về tình dục an toàn, tiêm chích an toàn, dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, tư vấn, xét nghiệm HIV cho các thành viên khác trong gia đình; chăm sóc và hỗ trợ cho trẻ nhiễm và trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS (OVC).

Thực hiện chăm sóc giảm nhẹ, hướng dẫn cách tự chăm sóc, xử trí các triệu chứng đau, các triệu chứng thông thường khác tại nhà và phát hiện các dấu hiệu nguy hiểm cần chuyển tới cơ sở y tế tuyến trên.

Sàng lọc phát hiện các dấu hiệu về sức khỏe tâm thần (lo âu, trầm cảm) hỗ trợ tâm lý, tinh thần cho người bệnh HIV/AIDS, giới thiệu đến cơ sở y tế để khám chuyên khoa nếu cần và chăm sóc cuối đời.

4. Xét nghiệm sàng lọc HIV

4.1. Xét nghiệm sàng lọc HIV tại Trạm Y tế xã

- Địa điểm thực hiện tại Trạm Y tế xã.

- Đối tượng: Người có hành vi nguy cơ cao lây nhiễm HIV và người có nhu cầu xét nghiệm HIV.

- Nội dung: Tư vấn trước xét nghiệm HIV; làm xét nghiệm HIV; lấy máu gửi xét nghiệm khẳng định đối với trường hợp xét nghiệm sàng lọc HIV có phản ứng; bảo quản và vận chuyển mẫu máu đến phòng xét nghiệm khẳng định HIV; trả kết quả, tư vấn sau xét nghiệm (bao gồm giới thiệu người có kết quả xét nghiệm HIV dương tính tham gia điều trị và người âm tính tiếp cận với can thiệp dự phòng lây nhiễm).

4.2. Xét nghiệm sàng lọc HIV lưu động

- Địa điểm thực hiện tại đĐiểm cung cấp dịch vụ tại cộng đồng (ngoài cơ sở y tế).

- Đối tượng: Người có hành vi nguy cơ cao lây nhiễm HIV.

- Nội dung: Vận động người có hành vi nguy cơ lây nhiễm HIV cao đi làm xét nghiệm HIV; tư vấn trước xét nghiệm HIV; làm xét nghiệm HIV; lấy máu gửi xét nghiệm khẳng định đối với trường hợp xét nghiệm sàng lọc HIV có phản ứng; bảo quản và vận chuyển mẫu đến phòng xét nghiệm khẳng định HIV; trả kết quả, tư vấn sau xét nghiệm (bao gồm giới thiệu người có kết quả xét nghiệm HIV dương tính tham gia điều trị và người âm tính tiếp cận với can thiệp dự phòng lây nhiễm).

5. Tiếp cận người nhiễm HIV và kết nối điều trị HIV

- Địa điểm thực hiện tại cộng đồng (ngoài Trạm Y tế xã).

- Đối tượng: Người nhiễm HIV chưa tham gia điều trị hoặc đã bỏ điều trị HIV.

- Nội dung: Xác định người nhiễm HIV chưa được điều trị hoặc đã bỏ điều trị HIV; tiếp cận, tư vấn và kết nối người nhiễm HIV chưa được điều trị hoặc đã bỏ điều trị với hoạt động điều trị HIV.

6. Quản lý người bệnh điều trị thuốc kháng HIV tại Trạm Y tế xã

- Địa điểm thực hiện tại Trạm Y tế xã.

- Đối tượng: Người bệnh HIV điều trị thuốc ARV đang được quản lý, chăm sóc tại xã.

- Nội dung:

+ Tiếp nhận người bệnh, kiểm tra đối chiếu thông tin cá nhân trên giấy tờ tùy thân của người bệnh với thông tin trên Giấy chuyển tuyến;

+ Cấp thuốc theo đơn thuốc được ghi trong Giấy chuyển tuyến và Sổ khám bệnh của người bệnh. Trước khi cấp thuốc, cần khám bệnh, sàng lọc lao và đánh giá tuân thủ điều trị của người bệnh. Trường hợp không có dấu hiệu bất thường, người bệnh tuân thủ điều trị tốt, cấp thuốc kháng HIV hằng tháng theo đơn. Ghi rõ tên thuốc, số lượng thuốc đã cấp và hướng dẫn sử dụng thuốc vào Sổ khám bệnh của người bệnh. Trường hợp có dấu hiệu bất thường thì xử trí trong phạm vi chuyên môn. Nếu vượt quá khả năng chuyên môn thì chuyển tuyến theo quy định;

+ Nhắc lịch người bệnh đến khám lại định kỳ tại cơ sở điều trị theo lịch hẹn trên Sổ khám bệnh và Giấy chuyển tuyến...

Báo Sức khoẻ và Đời sống

https://suckhoedoisong.vn/tram-y-te-xa-duoc-thuc-hien-goi-dich-vu-phong-chong-hiv-aids

 

 

PHẦN MỀM TÁC NGHIỆP

  Dịch vụ công trực tuyến

  Phần mềm Quản lý văn bản

  Phần mềm QLHS Một cửa 

  Phần mềm Một cửa (Mới)

  Tiếp nhận ý kiến công dân 

  Danh mục TTHC công 

  Tra cứu hồ sơ Một cửa 

  Thư điện tử TP Hà Nội 

  Thông tin người phát ngôn

Thống kê truy cập

Đang online: 1693
Lượt truy cập trong tuần: 245363
Lượt truy cập trong tháng: 0
Lượt truy cập trong năm: 996843
Tổng số lượt truy cập: 48291884
Về đầu trang