Điểm báo
Sốt xuất huyết tiếp tục diễn biến phức tạp
Thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, kể từ đầu tháng 11 đến nay, trên địa bàn thành phố ghi nhận 566 trường hợp mắc sốt xuất huyết (SXH). Còn tại TPHCM, từ đầu tháng 11/2024 đến nay đã có nhiều ổ dịch SXH mới được phát hiện, cảnh báo nguy cơ tiếp tục tăng vào cuối năm khi tình hình mưa bão phức tạp.
Ngày 11/11, thông tin từ CDC Hà Nội, trong khi số ca mắc sởi tăng thì số ca SXH có xu hướng giảm nhẹ. Cụ thể, tuần qua, toàn thành phố ghi nhận 566 trường hợp mắc SXH (giảm 46 trường hợp so với tuần trước). Cũng trong tuần qua TP Hà Nội ghi nhận 33 ổ dịch SXH (tăng 7 ổ dịch so với tuần trước đó) tại 15 quận, huyện. Cộng dồn năm 2024, thành phố ghi nhận 334 ổ dịch. Hiện còn 58 ổ dịch đang hoạt động. CDC Hà Nội nhận định, số ca mắc SXH có thể tiếp tục gia tăng trong thời gian tới do đang ở giai đoạn cao điểm dịch hàng năm.
Trong khi đó, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC) cho biết, trong 4 tuần gần đây, số ca mắc SXH trên địa bàn tăng từ 516 ca lên 661 ca, tăng 21% so với trung bình 4 tuần trước. Tổng số ca SXH tích lũy từ đầu năm nay là 10.641 ca. Các quận huyện có số ca mắc trên 100.000 dân cao bao gồm quận 1, TP Thủ Đức và quận 7.
HCDC đánh giá, dịch SXH đang có dấu hiệu gia tăng liên tục trong 4 tuần gần đây, số ca nhập viện trong tuần qua là 414 ca, tăng 89 ca so với tuần trước. Trong đó, có 113 ca lưu trú tại tỉnh khác (chiếm tỷ lệ 27,3%), trung bình số ca nặng điều trị là 12 ca/ngày.
Theo TS.BS Nguyễn Minh Tuấn - Trưởng khoa SXH Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM, hiện số trẻ mắc SXH nhập viện Bệnh viện Nhi đồng 1 tăng nhẹ. Trong thời gian này trẻ mắc bệnh SXH gặp nhiều ở độ tuổi từ 1-12 tuổi, đa số ở TPHCM.
BS Nguyễn Huy Hoàng - Trung tâm oxy cao áp Việt – Nga, Bộ Quốc phòng dự báo, đây là bệnh truyền nhiễm gây dịch do virus Dengue gây nên qua đường muỗi truyền. Thông thường, dịch SXH cứ 4 - 5 năm lại có đợt dịch bùng phát. Năm nay, sau bão, sau mưa lũ, sức đề kháng của con người suy giảm và môi trường sau bão lũ không sạch, nhiều ao tù nước đọng là điều kiện cho loăng quăng, muỗi truyền bệnh phát triển… nên nguy cơ sẽ lại tiếp tục bùng phát dịch SXH.
Một diễn biến đáng chú ý, mới đây, Bộ Y tế đã đề xuất đưa tiêm phòng SXH vào Chương trình tiêm chủng mở rộng sau thời gian thử nghiệm tại cộng đồng. Theo đó, hiện tại Việt Nam đã có vaccine Qdenga phòng bệnh SXH, thuộc danh mục vaccine được cấp phép lưu hành theo Quyết định 308 ngày 14/5/2024 của Cục Quản lý Dược. Vaccine này đang được tiêm dịch vụ tại Việt Nam.
Bộ Y tế cho rằng việc đưa vaccine phòng, chống SXH vào Chương trình tiêm chủng mở rộng cần được thực hiện theo Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm, đó là bổ sung danh mục bệnh truyền nhiễm có vaccine bảo đảm tiêm miễn phí cho dân. Để đưa vaccine phòng SXH vào Chương trình tiêm chủng mở rộng cần có các đánh giá gánh nặng bệnh tật, tính an toàn, hiệu quả miễn dịch, đồng thời xem xét tính chấp nhận của cộng đồng và đánh giá hiệu quả kinh tế vaccine phòng, chống SXH. Hiện Bộ Y tế đang phối hợp các đơn vị tổ chức đánh giá nghiên cứu các yếu tố trên, sau đó sẽ trình Chính phủ nếu phù hợp. Trước khi đưa vào chương trình tiêm chủng miễn phí cho người dân, Bộ Y tế sẽ có kế hoạch thử nghiệm trong cộng đồng khoảng 2 năm.
BS Huỳnh Trần An Khương - Quản lý Y khoa Vùng 2 – khu vực TPHCM, Hệ thống Trung tâm tiêm chủng VNVC phân tích, muỗi vằn là tác nhân trung gian chủ yếu lây truyền bệnh SXH thông qua vết đốt. Do đó, để phòng ngừa SXH hiệu quả, người dân cần có ý thức chủ động tiêu diệt nơi sinh sản của muỗi thường là các dụng cụ chứa nước trong và xung quanh nhà, song song đó cần kết hợp với nhiều biện pháp khác như tiêm vaccine phòng SXH. Vaccine SXH Qdenga được đánh giá là vaccine có hiệu quả và tính an toàn cao được Hệ thống Trung tâm tiêm chủng VNVC sớm đưa về Việt Nam lần đầu tiên và triển khai tiêm chủng từ tháng 9 vừa qua tại hàng trăm trung tâm hiện đại trên toàn quốc cho trẻ từ 4 tuổi trở lên và người lớn. Đặc biệt người từng mắc SXH cần tiêm vaccine phòng nguy cơ tái nhiễm, vì các lần tái nhiễm thường nặng hơn và nguy cơ biến chứng cao hơn lần trước.
Ở thời điểm hiện tại, các bác sĩ khuyến cáo người dân khi có dấu hiệu sốt cao mà đang trong vùng dịch SXH hoặc nghi ngờ mắc SXH cần đến viện thăm khám ngay để được chẩn đoán và có phương pháp điều trị đúng.0
Trong 3 ngày đầu nếu có chỉ định theo dõi tại nhà cần tuân thủ lời khuyên của bác sĩ, ăn thức ăn lỏng, cháo, súp, sữa, uống nhiều nước… Nếu thấy bệnh nhân có chuyển biến nặng hơn như li bì, vật vã, chân tay lạnh, nôn nhiều… cần đưa ngay đến cơ sở y tế thăm khám. Không có diễn biến bất thường cũng cần thăm khám lại theo hẹn của bác sĩ. Bên cạnh đó, cách phòng bệnh tốt nhất là diệt muỗi, lăng quăng, bọ gậy và phòng chống muỗi đốt.
Loại bỏ nơi sinh sản của muỗi, diệt lăng quăng, bọ gậy bằng cách đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng, thả cá vào các dụng cụ chứa nước lớn (bể, giếng, chum, vại…) để diệt lăng quăng, bọ gậy, thau rửa các dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ (lu, chum, xô chậu…) hàng tuần, thu gom, hủy các vật dụng phế thải trong nhà và xung quanh nhà như chai, lọ, mảnh chai, mảnh lu vỡ, ống bơ, vỏ dừa, hốc tre, bẹ lá, dọn vệ sinh môi trường, lật úp các dụng cụ chứa nước khi không dùng đến…
Báo Đại đoàn kết
https://daidoanket.vn/sot-xuat-huyet-tiep-tuc-dien-bien-phuc-tap-10294293.html
Hà Nội: bồi dưỡng kiến thức, nâng cao kỹ năng về cải cách hành chính
“Thông qua khảo sát thực tế, Ban tổ chức Lớp bồi dưỡng công tác cải cách hành chính (CCHC) TP Hà Nội năm 2024 mong muốn các học viên học hỏi được những công nghệ, phương pháp để tham mưu lãnh đạo giải quyết bài toán CCHC ở đơn vị mình”- Trưởng Phòng CCHC (Sở Nội vụ Hà Nội) nói.
Sáng nay, 12/11, Sở Nội vụ Hà Nội phối hợp Viện Nghiên cứu khoa học hành chính - Học viện Hành chính Quốc gia tổ chức chương trình Lớp bồi dưỡng công tác cải cách hành chính (CCHC) TP Hà Nội năm 2024 đi trao đổi kinh nghiệm về công tác CCHC tại Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn - Sở Y tế Hà Nội.
Tham gia trao đổi kinh nghiệm có hơn 100 công chức, viên chức thuộc các sở, cơ quan tương đương sở; các cơ quan ngành dọc Trung ương đóng trên địa bàn TP và các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND TP Hà Nội.
Trong chương trình, các học viên đã được tham quan, khảo sát thực tế công tác CCHC và chuyển đổi số tại Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn thông qua các mô hình: Kiosk tự phục vụ, Điều trị kỹ thuật cao, Phòng khám A.
Chia sẻ kết quả công tác CCHC, chuyển đổi số từ đầu năm đến nay của Sở, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương cho hay: thực hiện các chỉ đạo của TP, Sở Y tế luôn coi công tác CCHC, chuyển đổi số ngành y tế Hà Nội là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục và có trọng tâm, trọng điểm. Hàng năm bên cạnh nhiệm vụ được TP giao, Sở chọn lọc những nhiệm vụ phù hợp tình hình thực tiễn trong năm để xây dựng các kế hoạch CCHC, chuyển đổi số một cách cụ thể, khoa học, bài bản.
Năm 2024, Sở đã ban hành Kế hoạch tổng thể về CCHC nhà nước của ngành y tế, 11 kế hoạch chuyên đề về CCHC, chuyển đổi số và nhiều văn bản chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ về CCHC, CĐS. Trong đó, đã triển khai việc sử dụng cây Kiosk tự phục vụ tiếp đón, đăng ký khám bệnh, chữa bệnh; cuộc thi Tuyên truyền CCHC, chuyển đổi số của ngành y tế… Các kế hoạch đều có phụ lục chi tiết những nhiệm vụ cụ thể phải thực hiện, có tiến độ cụ thể và giao đầu mối thường trực, chủ trì.
“CCHC đã giúp ngành y tế Hà Nội bảo đảm hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và tính công bằng, minh bạch, loại bỏ thủ tục rườm rà, chồng chéo, gây khó khăn cho người dân, DN; đồng thời giúp các cơ sở khám chữa bệnh thực hiện tốt cơ chế tự chủ, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh hướng tới sự hài lòng của người bệnh. Thời gian tới, Sở Y tế sẽ nỗ lực hơn nữa trong công tác CCHC, chuyển đổi số góp phần hoàn thành những mục tiêu, kế hoạch chung của TP và xây dựng ngành y tế ngày càng thông minh, hiện đại, xứng tầm khu vực và thế giới”- ông Vũ Cao Cương khẳng định.
Đáng chú ý, thông tin về triển khai thí điểm mô hình Kiosk tự phục vụ tại Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn và nhân rộng tại một số đơn vị trực tiếp, ThS Đoàn Tiến Minh - Trưởng Phòng CNTT của Bệnh viện cho hay, qua thời gian thực tế triển khai tại Bệnh viện cho thấy mô hình đã và đang mang lại những lợi ích thiết thực. Đó là giúp giảm TTHC, giảm các bước chờ đợi để người bệnh được vào phòng khám không phải mang nhiều giấy tờ; hệ thống an toàn thông tin kết hợp với nhận diện khuôn mặt và các thông tin dữ liệu chính xác.
Mô hình cũng giúp ngăn chặn việc trục lợi BHXH, tự động hóa giảm rủi ro sai sót xuất phát từ nhập liệu thủ công; tích hợp nhiều tính năng trên Kiosk như về tiếp đón, thanh toán… Đồng thời, giúp chuẩn hóa dữ liệu đầu vào trong công tác khám chữa bệnh với 18 trường thông tin đọc được từ chip của CCCD/VneID.
Trưởng Phòng CCHC - Sở Nội vụ Hà Nội Lưu Kiếm Anh nhấn mạnh, trong khuôn khổ Lớp bồi dưỡng công tác CCHC TP Hà Nội năm 2024 do Sở Nội vụ phối hợp Viện Nghiên cứu khoa học hành chính tổ chức, chương trình khảo sát thực tế, trao đổi kinh nghiệm, học hỏi mô hình, sáng kiến CCHC hôm nay được tổ chức sau khi các học viên đã hoàn thành một số buổi học tập trung học lý thuyết về các quy định, chính sách liên quan CCHC của Trung ương, TP. 2024 là năm đầu tiên Sở Nội vụ Hà Nội tổ chức tập huấn, bồi dưỡng chuyên sâu về CCHC cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức các cơ quan, đơn vị, sở, ngành, quận, huyện thuộc TP.
“Thông qua khảo sát thực tế, Ban tổ chức Lớp bồi dưỡng mong muốn các cán bộ, công chức, viên chức có thể rút ra những bài học kinh nghiệm, cách làm hay trong công tác CCHC, trong đó không chỉ đơn thuần là sao chép lại mô hình được tham quan mà là học hỏi những công nghệ, phương pháp để tham mưu cho lãnh đạo giải quyết bài toán CCHC ở đơn vị mình”- ông Lưu Kiếm Anh nêu rõ.
Báo Kinh tế & Đô thị
https://kinhtedothi.vn/ha-noi-boi-duong-kien-thuc-nang-cao-ky-nang-ve-cai-cach-hanh-chinh.html
Đẩy mạnh kiểm tra an toàn thực phẩm những tháng cuối năm
Những tháng cuối năm, nhu cầu tiêu dùng thực phẩm của người dân tăng cao. Đây cũng là thời điểm các loại hàng giả, hàng nhái, không rõ nguồn gốc, xuất xứ dễ trà trộn vào thị trường, gây nguy cơ mất an toàn thực phẩm.
Do đó, để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, cơ quan chức năng của thành phố Hà Nội đã và đang đẩy mạnh việc thanh tra, kiểm tra hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm.
Phát hiện, xử lý nhiều vi phạm
Theo Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội (Sở Y tế Hà Nội) Đặng Thanh Phong, thành phố hiện có hơn 72.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm; trong đó ngành Y tế quản lý khoảng 39.000 cơ sở. Vào thời điểm này, cơ quan chức năng của thành phố đã tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, hậu kiểm vệ sinh, an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, bếp ăn tập thể... Qua đó, từng bước nâng cao nhận thức của người sản xuất, kinh doanh cũng như người tiêu dùng.
Mới đây, Thanh tra Sở Y tế Hà Nội đã tiến hành kiểm tra cơ sở Bò nhúng dấm 555 (có địa chỉ tại 138A phường Giảng Võ, quận Ba Đình). Tại thời điểm kiểm tra, đoàn kiểm tra phát hiện cơ sở này kinh doanh dịch vụ ăn uống mà không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Trước vi phạm trên, Thanh tra Sở Y tế Hà Nội đã ra quyết định xử phạt chủ hộ kinh doanh Bò nhúng dấm 555 với số tiền 12,5 triệu đồng.
Tương tự, tại thời điểm kiểm tra, Thanh tra Sở Y tế Hà Nội phát hiện Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Thế giới hải sản (có địa chỉ ở số 06/H1 Khu đô thị mới Yên Hòa - Cầu Giấy, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy) thực hiện không đúng quy định của pháp luật về chế độ kiểm thực 3 bước (gồm: Kiểm tra nguồn gốc nguyên liệu; kiểm tra trong quá trình chế biến và trước khi sử dụng). Ngoài ra, đoàn kiểm tra cũng phát hiện cơ sở này thực hiện không đúng quy định về việc lưu mẫu thức ăn. Với những lỗi vi phạm nêu trên, Thanh tra Sở Y tế đã ra quyết định xử phạt cơ sở 16 triệu đồng.
Trước tình trạng buôn bán và tiêu thụ các sản phẩm không rõ nguồn gốc đang có chiều hướng gia tăng vào dịp cuối năm, chỉ trong 1 tuần qua, lực lượng Quản lý thị trường thành phố Hà Nội đã ra quân thanh tra, kiểm tra và phát hiện, thu giữ gần 70.000 lọ nước yến chưng không nhãn mác, không hướng dẫn sử dụng và hơn 1,6 tấn chân giò lợn không hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ. Việc lực lượng chức năng liên tiếp phát hiện bắt giữ một lượng lớn thực phẩm không bảo đảm an toàn thực phẩm đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về tầm quan trọng của công tác thanh tra, kiểm tra và kiểm soát chất lượng thực phẩm.
Kiên quyết ngăn chặn thực phẩm “bẩn”
Báo cáo của Bộ Y tế cho thấy, trong tháng 10-2024, cả nước xảy ra 10 vụ ngộ độc thực phẩm với 183 người bị ngộ độc, trong đó có 1 người tử vong. Tính chung 10 tháng năm 2024, cả nước xảy ra 99 vụ ngộ độc thực phẩm với 3.561 người bị ngộ độc, trong đó có 12 người tử vong. Thông lệ cứ vào những tháng cuối cùng của năm, thị trường thực phẩm lại sôi động để chuẩn bị cho mùa lễ, Tết. Nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng thực phẩm tăng cao cũng kéo theo nhiều nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm. Vì vậy, nếu không kiểm soát tốt thì tình trạng mất an toàn thực phẩm sẽ diễn biến phức tạp.
Để bảo đảm an toàn thực phẩm, ngăn chặn các vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra trên địa bàn thành phố, ông Đặng Thanh Phong cho rằng, công tác thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm sẽ tiếp tục được tăng cường. Đặc biệt, thành phố sẽ tập trung công tác hậu kiểm sau công bố, kiểm tra đột xuất, kiên quyết xử lý vi phạm hành chính về lĩnh vực an toàn thực phẩm theo quy định. Cùng với việc tăng cường thanh tra, kiểm tra, thành phố luôn xác định tuyên truyền là biện pháp quan trọng hàng đầu trong công tác bảo đảm an toàn thực phẩm. Do đó, hoạt động này tiếp tục được đẩy mạnh hơn nữa bằng nhiều hình thức trong dịp cuối năm. Nội dung tuyên truyền tập trung vào các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm; hành vi bị cấm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm; mức xử phạt vi phạm về an toàn thực phẩm... Qua đó, nâng cao ý thức cho tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, phân phối trong lĩnh vực thực phẩm cũng như trang bị kiến thức cho người dân để tự bảo vệ mình.
Còn theo Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội Chu Xuân Kiên, những tháng cuối năm, lực lượng quản lý thị trường thành phố sẽ tập trung kiểm tra các “điểm nóng” về gian lận thương mại, đồng thời chú trọng tới việc ngăn chặn tình trạng buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng trên các nền tảng thương mại điện tử. Đây cũng là một trong những lĩnh vực đang gây ra nhiều lo ngại do tính chất khó kiểm soát và sự phát triển nhanh chóng của các sàn giao dịch trực tuyến.
“Chúng tôi sẽ kiên quyết ngăn chặn việc lưu thông các sản phẩm không bảo đảm an toàn thực phẩm trên thị trường. Tuyệt đối không để các sản phẩm mất an toàn lưu thông trên thị trường; kiên quyết yêu cầu các cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn không bảo đảm an toàn thực phẩm phải có các biện pháp khắc phục thì mới được tiếp tục hoạt động. Cùng với đó, chúng tôi sẽ cung cấp thông tin về các cơ sở đạt và không đạt về an toàn thực phẩm trên phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết và lựa chọn thực phẩm an toàn, tẩy chay thực phẩm không an toàn”, ông Đặng Thanh Phong nhấn mạnh.
Báo Hà Nội mới
https://hanoimoi.vn/day-manh-kiem-tra-an-toan-thuc-pham-nhung-thang-cuoi-nam-684216.html
VĂN BẢN MỚI
- Hướng dẫn về việc bổ sung về việc đăng ký khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu tại Bệnh viện Lão khoa Trung ương năm 2024
- Giám sát phản ứng có hại của thuốc (ADR) tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh
- Tăng cường các biện pháp phòng chống dịch bệnh tại các cơ sở kinh doanh thuốc trong dịp Tết Nguyên đán 2022
- Đảm bảo cung ứng thuốc phòng chống dịch bệnh và nhu cầu sử dụng thuốc trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022
- 4289/QĐ-SYT Quyết định về việc giao chỉ tiêu Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán thu, chi ngân sách năm 2022 cho các đơn vị thuộc Sở Y tế Hà Nội
- 10722/BYT-DP Về việc tiêm vắc xin phòng Covid-19 liều cơ bản và nhắc lại
- Công văn 10696/BYT-MT về việc cách ly y tế cho trường hợp F1 đã tiêm đủ liều vắc xin hoặc đã khỏi bệnh Covid-19
- Công văn 10688/BYT-MT của Bộ Y tế về phòng, chống dịch Covid-19 đối với người nhập cảnh
- Sử dụng kết quả xét nghiệm để phát hiện người mắc Covid-19 và cho người bệnh ra viện
- Quyết định 696/QĐ-SYT của Bộ Y tế ban hành Sổ tay thực hành tại cơ sở bán lẻ thuốc