Điểm báo

Điểm thông tin y tế trên các báo ngày 14/11/2024
Ngày đăng 14/11/2024 | 16:37  | Lượt xem: 112

Kiểm soát ATTP dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố quanh cổng trường học

Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, hiện Hà Nội đang triển khai thí điểm mô hình kiểm soát an toàn thực phẩm (ATTP) dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố xung quanh cổng trường học thuộc hai phường (Tràng Tiền, Hàng Trống), quận Hoàn Kiếm.

Đối tượng áp dụng mô hình nêu trên là các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố xung quanh cổng trường học, gồm: nhà hàng, cửa hàng ăn uống, quầy hàng kinh doanh thức ăn chín, hàng rong…

Phạm vi triển khai mô hình tại phường Hàng Trống là khu vực xung quanh các trường: Tiểu học Trần Quốc Toản, Tiểu học Tràng An, Mầm non tháng Tám, THCS Hoàn Kiếm; toàn bộ phố Nhà Chung, phố Nhà Thờ, phố Lý Quốc Sư; quảng trường trước Nhà thờ Lớn; đoạn phố Quang Trung đối diện vườn hoa Tây Sơn.

Tại phường Tràng Tiền là khu vực xung quanh Trường THPT Trần Phú; toàn bộ ngõ Tràng Tiền; đoạn từ phố Nguyễn Khắc Cần đến phố Phan Chu Trinh; đoạn từ phố Hai Bà Trưng đến ngõ Tràng Tiền.

Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) Hà Nội, quận Hoàn Kiếm, phường Hàng Trống và Tràng Tiền đã chủ động xây dựng kế hoạch triển khai mô hình.

Quận Hoàn Kiếm đã tổ chức 1 hội nghị triển khai kế hoạch đến các ban ngành đoàn thể tại địa phương và các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố tham gia mô hình với tổng số 150 người tham dự. Đồng thời, quận rà soát, thống kê, phân loại tất cả các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố xung quanh cổng trường học thuộc phường Tràng Tiền và phường Hàng Trống.

Sau khi rà soát có 81 nhà hàng, cửa hàng ăn uống và 24 cơ sở thức ăn đường phố và được giao cho tuyến TP quản lý 25 cơ sở; cấp quận quản lý 46 cơ sở; cấp phường quản lý 34 cơ sở.

Chi cục ATVSTP Hà Nội phối hợp với quận Hoàn Kiếm tổ chức đánh giá kiến thức về ATTP cho 200 người sản xuất, kinh doanh thực phẩm.

Kết quả, có 167/200 người (83,5%) được đánh giá có kiến thức về ATTP; tổ chức 2 lớp tập huấn cho chủ cơ sở và nhân viên chế biến của 105 cơ sở xung quanh cổng trường học thuộc phường Tràng Tiền và Hàng Trống; tổ chức 4 lượt tuyên truyền trực tiếp cho 240 người kinh doanh thực phẩm và người tiêu dùng.

Ngoài ra, còn có 5 buổi nói chuyện, sinh hoạt chuyên đề về ATTP, thông tin về mô hình kiểm soát ATTP xung quanh cổng trường học tại 5 trường học có triển khai mô hình là Tiểu học Trần Quốc Toản, Tiểu học Tràng An, Mầm non tháng Tám, THCS Hoàn Kiếm và THPT Trần Phú.

Các đơn vị tổ chức in ấn, cấp phát 1.000 tờ rơi hướng dẫn các quy định về đảm bảo ATTP đối với loại hình dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố tại các cơ sở xung quanh trường học.

Chi cục ATVSTP Hà Nội đã lấy 50 mẫu thực phẩm (20 mẫu thực phẩm ăn ngay, 20 mẫu thực phẩm bao gói sẵn, dụng cụ bao gói chứa đựng thực phẩm, 10 mẫu bàn tay người bán hàng) tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống và thức ăn đường phố xung quanh cổng trường học tại 2 phường Tràng Tiền và Hàng Trống gửi kiểm nghiệm.

Báo Kinh tế & Đô thị

https://kinhtedothi.vn/kiem-soat-attp-dich-vu-an-uong-thuc-an-duong-pho-quanh-cong-truong-hoc.html

 

Hà Nội xử phạt 6 cơ sở y dược và thực phẩm vi phạm

Thanh tra Sở Y tế Hà Nội vừa ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính 6 cơ sở hành nghề y, dược tư nhân, cơ sở thuộc lĩnh vực an toàn thực phẩm với số tiền 75 triệu đồng.

Cụ thể, nhà thuốc Vạn Vạn Phúc (địa chỉ số 21, tầng 1, lô C Vạn Phúc, phường Liễu Giai, quận Ba Đình) và nhà thuốc Đại học Dược (địa chỉ số 45 ngõ 108 đường Trần Phú, phường Mộ Lao, quận Hà Đông) cùng bị phạt 7,5 triệu đồng do không nộp hồ sơ đề nghị đánh giá định kỳ việc duy trì đáp ứng thực hành tốt cơ sở bán lẻ thuốc theo quy định.

Công ty TNHH Sử Trường Sơn, địa chỉ số 42 đường 9 khu tập thể F361 An Dương, Phường Yên Phụ, quận Tây Hồ bị xử phạt 8 triệu đồng do thực hiện không đúng quy định về chế độ kiểm thực 3 bước.

Công ty CP Thương mại dịch vụ Phúc Linh, địa chỉ số 172 đường Hạ Trại, Cự Khối, quận Long Biên bị xử phạt 12 triệu đồng do thực hiện không đúng quy định về chế độ kiểm thực 3 bước quy định; nơi chế biến, kinh doanh, bảo quản có côn trùng, động vật gây hại xâm nhập.

Công ty CP Tập đoàn TGD, địa chỉ Km 0+700, đường 16, xã Phù Lỗ, huyện Sóc Sơn bị xử phạt 15 triệu đồng do chủ sở hữu số lưu hành trang thiết bị y tế không công khai kết quả phân loại theo quy định.

Công ty TNHH Dược phẩm Hợp Nhất, địa chỉ nhà OV7.07 khu đô thị Xuân Phương Viglacera, phường Xuân Phương, quận Nam từ Liêm bị xử phạt 25 triệu đồng do chủ cơ sở kinh doanh thực phẩm không có giấy xác nhận tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm.

Báo Kinh tế & Đô thị

https://kinhtedothi.vn/ha-noi-xu-phat-6-co-so-y-duoc-va-thuc-pham-vi-pham.html

Hà Nội siết chặt quản lý an toàn thực phẩm cuối năm

Chỉ còn hơn 2 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, thời điểm nhu cầu tiêu dùng tăng cao, trong khi công tác quản lý an toàn thực phẩm vẫn còn nhiều khó khăn và thách thức.

Để kiểm soát và hạn chế ngộ độc thực phẩm, các địa phương trên địa bàn thành phố Hà Nội đang tăng cường công tác kiểm tra, giám sát nguồn gốc thực phẩm bán trên thị trường, kịp thời xử lý những trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật.

Giám sát từ sản xuất đến tiêu thụ

Trưởng phòng Y tế huyện Mỹ Đức Trần Ngọc Tráng cho biết, từ đầu năm đến nay, Ban Chỉ đạo An toàn thực phẩm từ tuyến huyện đến xã, thị trấn đồng loạt ra quân tổ chức kiểm tra công tác bảo đảm an toàn thực phẩm. Tổng số cơ sở được kiểm tra là 433 cơ sở, trong đó: Tuyến huyện kiểm tra 86 cơ sở; tuyến xã, thị trấn kiểm tra 347 cơ sở. Tổng số cơ sở bị xử lý vi phạm là 14 cơ sở; số tiền xử lý vi phạm là 27,7 triệu đồng. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm đã nhận thức được vai trò, trách nhiệm và quyền lợi khi thực hiện tốt quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm.

Còn theo Trưởng phòng Y tế huyện Thanh Trì Nguyễn Tiến Trung, từ đầu năm đến nay, huyện tiếp tục triển khai đồng bộ các biện pháp bảo đảm an toàn thực phẩm; cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm; triển khai thí điểm Đề án "Nâng cao chất lượng công tác quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm tại các bếp ăn tập thể trường học trên địa bàn huyện Thanh Trì giai đoạn 2022-2026"; thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm để phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm hành vi vi phạm.

Phòng Y tế huyện cũng phối hợp các phòng, ban, đơn vị liên quan chỉ đạo kiểm tra, giám sát và xử lý triệt để những trường hợp vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn; duy trì mô hình điểm cải thiện an toàn thực phẩm đối với kinh doanh dịch vụ ăn uống tại thị trấn Văn Điển, mô hình thức ăn đường phố tại 16 xã, thị trấn, mô hình cảnh báo nhanh an toàn thực phẩm tại 16/16 xã, thị trấn; duy trì mô hình kiểm soát an toàn thực phẩm tại bữa cỗ tập trung đông người. Do đó, từ đầu năm đến nay, không có vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra trên địa bàn.

Theo Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội (Sở Y tế Hà Nội) Đặng Thanh Phong, thành phố hiện có hơn 72.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm, trong đó, ngành Y tế quản lý khoảng 39.000 cơ sở. Để bảo vệ sức khỏe người dân, thời gian qua, cơ quan chức năng của Hà Nội đã tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, hậu kiểm vệ sinh, an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, bếp ăn tập thể…

Với sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan chức năng đã góp phần tạo sự chuyển biến tích cực trong việc tuân thủ quy định về an toàn thực phẩm của các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Nhiều cơ sở đã đầu tư trang thiết bị mới, đồng bộ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, nâng cao ý thức về bảo đảm an toàn thực phẩm.

Tiếp tục tuyên truyền, xử lý vi phạm

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quản lý an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố còn khó khăn do nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh quy mô hộ gia đình, nhỏ lẻ, điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị không bảo đảm. Cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố hoạt động thời vụ, không có địa điểm cố định, một số người kinh doanh từ địa phương khác đến, khó khăn cho công tác quản lý, tuyên truyền, hướng dẫn quy định pháp luật. Cán bộ tuyến huyện và tuyến xã kiêm nhiệm nhiều việc nên gặp khó khăn và bị động trong triển khai hoạt động kiểm tra, hậu kiểm an toàn thực phẩm…

Từ nay đến cuối năm, nhu cầu tiêu dùng thực phẩm của người dân tăng cao. Để giám sát an toàn thực phẩm, theo Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức Nguyễn Trung Thuận, huyện yêu cầu các hội, đoàn thể, xã, thị trấn tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, tổ chức Đảng về công tác bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm; tiến hành rà soát văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương, ngành Y tế để triển khai đầy đủ, quyết liệt; tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm.

Huyện Hoài Đức cũng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm về an ninh, an toàn thực phẩm, có biện pháp xử lý nghiêm đối với trường hợp vi phạm; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục về an toàn thực phẩm; duy trì các mô hình sản xuất nông nghiệp an toàn, hướng dẫn doanh nghiệp trong đầu tư, duy trì, phát triển hệ thống phân phối thực phẩm sạch, an toàn…

Về vấn đề này, theo Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Nguyễn Đức Anh, huyện phối hợp với đội quản lý thị trường tăng cường thực hiện kiểm tra, xử lý hành vi vi phạm kinh doanh thực phẩm nhập lậu; sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ; công bố rộng rãi đường dây nóng để người dân có thể dễ dàng thông tin, phản ánh. Mặt khác, huyện yêu cầu các đơn vị tăng cường kiểm tra bếp ăn tập thể trường học, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, nấu ăn lưu động; kiên quyết xử lý nghiêm hành vi vi phạm an toàn thực phẩm. Các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đẩy mạnh ký cam kết bảo đảm an toàn thực phẩm, phối hợp với các tổ chức liên quan để vận động, tuyên truyền sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn đối với cơ sở nhỏ lẻ; xây dựng những mô hình điển hình trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn…

Đẩy mạnh tuyên truyền và tăng cường giám sát, xử lý vi phạm vẫn là những giải pháp cần thiết để bảo đảm an toàn thực phẩm trong thời gian tới, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.

Báo Hà Nội mới

https://hanoimoi.vn/ha-noi-siet-chat-quan-ly-an-toan-thuc-pham-cuoi-nam-684429.html

Bộ Y tế thông tin về điều chỉnh giá khám chữa bệnh theo mức lương cơ sở 2,34 triệu đồng

Sáng 14/11, Bộ Y tế cho biết, đến nay Bộ đã phê duyệt giá khám chữa bệnh 15 bệnh viện theo mức lương cơ sở. Bộ Y tế đánh giá, khi điều chỉnh giá khám bệnh, chữa bệnh theo yếu tố tiền lương từ mức lương cơ sở 1,8 triệu lên 2,34 triệu đồng, phần đồng chi trả (ở mức 20% và 5%) tăng thêm không nhiều.

15 bệnh viện đã được phê duyệt giá khám chữa bệnh theo mức lương cơ sở 2,34 triệu

Sáng nay, Bộ Y tế đã thông tin về việc ban hành Thông tư quy định phương pháp định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh và điều chỉnh giá khám bệnh, chữa bệnh theo mức lương cơ sở quy định tại Nghị định 73/2024/NĐ-CP.

Bộ Y tế cũng đồng thời cho biết Nghị định 96/2023/NĐ-CP cho phép các đơn vị được thực hiện theo mức giá được cấp có thẩm quyền ban hành hoặc phê duyệt đến khi có quy định mới nhưng không muộn hơn 31/12/2024.

Theo đó, từ nay đến 31/12/2024 các cơ sở khám bệnh chữa bệnh phải triển khai phê duyệt giá khám bệnh chữa bệnh theo đúng thẩm quyền quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh.

Bộ Y tế cho biết, căn cứ Nghị định 73/2024/NĐ-CP, Thông tư 21/2024/TT-BYT về phương pháp định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc Bộ Y tế và các Bộ/Ngành xây dựng Hồ sơ phương án giá theo phương pháp chi phí: giữ nguyên cơ cấu giá và định mức đã ban hành, chỉ điều chỉnh yếu tố tiền lương từ mức lương cơ sở từ 1,8 triệu đồng sang mức lương cơ sở 2,34 triệu đồng.

Trong số 15 bệnh viện đã được Bộ Y tế phê duyệt giá có 5 bệnh viện hạng đặc biệt và khoảng 10 bệnh viện hạng I.

Về phía các địa phương đang khẩn trương triển khai thực hiện phê duyệt giá theo mức lương 2,34 triệu đồng cho cơ sở y tế trên địa bàn không cao hơn mức giá cao nhất của dịch vụ tương ứng do Bộ Y tế quy định.

Cấp có thẩm quyền phê duyệt giá ngày nào thì đơn vị được thực hiện thu theo mức giá mới từ ngày đó.

Tác động điều chỉnh giá dịch vụ khám bệnh chữa bệnh thế nào?

Trước đó giá dịch vụ khám bệnh BHYT bệnh viện hạng đặc biệt và hạng I hiện là 42.100 đồng, bệnh viện hạng II là 37.500 đồng, bệnh viện hạng III là 33.200 đồng, bệnh viện hạng IV và trạm y tế xã là 30.100 đồng.

Giá khám chữa bệnh BHYT của một số bệnh viện đã được công bố đơn cử như Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp, Bệnh viện Da liễu trung ương điều chỉnh giá khám từ 42.100 đồng lên 50.600 đồng/lượt.

Chi phí hội chẩn để xác định ca bệnh khó (chuyên gia/ca; chỉ áp dụng đối với trường hợp mời chuyên gia đơn vị khác đến hội chẩn tại cơ sở khám, chữa bệnh) vẫn giữ nguyên 200.000 đồng/ lượt.

Giường bệnh hồi sức cấp cứu tại bệnh viện hạng đặc biệt tăng từ 509.400 đồng lên 599.400 đồng/giường/ngày; giường loại 1 từ 273.100 đồng lên 327.100 đồng/lượt/ngày.

Giá ngày giường điều trị hồi sức tích cực (ICU)/ghép tạng hoặc ghép tủy hoặc ghép tế bào gốc tại bệnh viện hạng đặc biệt trước kia là 867.500 đồng thì sau điều chỉnh sẽ là 1.017.300 đồng.

Theo Bộ Y tế, với việc điều chỉnh giá lần này, quỹ BHYT đủ khả năng cân đối. Điều này là do chênh lệch thu chi của quỹ BHYT hằng năm (lũy kế kết dư năm 2023), đồng thời số thu quỹ BHYT tăng do điều chỉnh mức lương cơ sở thường sớm hơn việc điều chỉnh giá dịch vụ khám bệnh chữa bệnh.

Với người tham gia BHYT, Bộ Y tế cho biết, người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, các đối tượng chính sách xã hội được BHYT thanh toán 100% nên không bị ảnh hưởng.

Các đối tượng phải đồng chi trả ở mức 20% hoặc 5% thì phần đồng chi trả tăng thêm không nhiều và có khả năng chi trả vì thu nhập của các đối tượng cũng được tăng theo tiền lương cơ sở.Với đối tượng chưa có thẻ BHYT (khoảng 8% dân số), việc điều chỉnh này chỉ ảnh hưởng đến phần thanh toán theo giá dịch vụ khám bệnh chữa bệnh.

Báo Sức khoẻ & Đời sống

https://suckhoedoisong.vn/bo-y-te-thong-tin-ve-dieu-chinh-gia-kham-chua-benh-theo-muc-luong-co-so-234-trieu-dong-169241114112238757.htm

Cứ khoảng 13 người có 1 người mắc đái tháo đường

Bệnh đái tháo đường đang có xu hướng gia tăng nhanh và cứ khoảng 13 người thì có 1 người mắc bệnh. Điều đáng nói là hiện có hơn 60% người mắc đái tháo đường tại Việt Nam chưa được chẩn đoán.

Ngày 14-11 được Liên đoàn Đái tháo đường quốc tế (IDF) chọn làm Ngày thế giới phòng, chống bệnh đái tháo đường với mục tiêu nâng cao nhận thức về căn bệnh này.

Chủ đề của Ngày thế giới phòng, chống bệnh đái tháo đường năm 2024 là “Hiểu nguy cơ của bạn để phòng bệnh” nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hiểu rõ nguy cơ mắc bệnh, từ đó có những biện pháp phòng ngừa kịp thời để duy trì sức khỏe.

Theo số liệu của IDF, năm 2021 số người mắc bệnh đái tháo đường trên toàn cầu ở con số 537 triệu người. Dự đoán số người mắc bệnh sẽ tăng lên 643 triệu vào năm 2030 và tới mức 783 triệu vào năm 2045.

Thống kê cũng cho thấy, trên 70% người mắc đái tháo đường đang sống ở các nước thu nhập thấp và trung bình do sự tăng lên nhanh chóng của việc tiêu thụ thực phẩm giàu năng lượng, lối sống ít vận động. Tỷ lệ người béo phì ngày càng tăng trong khi lứa tuổi mắc bệnh đái tháo đường đang trẻ hóa. Đây thực sự là vấn đề đáng báo động.

Theo số liệu điều tra tại Việt Nam năm 2020, tỷ lệ mắc bệnh đái tháo đường là 7,3%, xấp xỉ con số 7 triệu người mắc trên cả nước, đồng nghĩa là khoảng 13 người thì có 1 người mắc đái tháo đường, trong đó có 55% bệnh nhân đái tháo đường type 2 đã xuất hiện biến chứng về tim mạch, về mắt, thần kinh và về thận. Biến chứng đái tháo đường không chỉ làm gia tăng chi phí y tế mà còn làm giảm chất lượng cuộc sống.

Điều tra toàn quốc của Bệnh viện Nội tiết trung ương (năm 2002) cho thấy, tỷ lệ bệnh đái tháo đường trên toàn quốc là 2,7%. Sau 10 năm, tỷ lệ này đã tăng lên 5,4%.

Trong đó, tỷ lệ người mắc đái tháo đường chưa được chẩn đoán tại Việt Nam hiện tại là hơn 60% và có hơn 1/2 số người trưởng thành chưa bao giờ được làm xét nghiệm đường huyết để phát hiện bệnh.

Các chuyên gia y tế lo ngại, lứa tuổi mắc bệnh đái tháo đường ngày càng trẻ hóa, có bệnh nhân chỉ khoảng 15-16 tuổi. Nguyên nhân chủ yếu do chế độ ăn uống không lành mạnh, hút thuốc lá, sử dụng nhiều bia, rượu và ít vận động… Nếu bệnh này phát hiện muộn và không được điều trị kịp thời, thường xuyên sẽ dẫn đến các biến chứng nguy hiểm lên các bộ phận khác của cơ thể, làm giảm đáng kể chất lượng cuộc sống.

Tiến sĩ-bác sĩ Lâm Mỹ Hạnh, khoa Đái tháo đường (Bệnh viện Nội tiết trung ương) cho biết, khi bệnh nhân xuất hiện biến chứng thì việc điều trị sẽ trở nên khó khăn hơn, nhất là những biến chứng cấp tính đe dọa tính mạng. Khi bệnh nhân bị đái tháo đường lâu năm mắc các biến chứng mạn tính thì những biến chứng đó làm cho chất lượng cuộc sống của bệnh nhân suy giảm, cùng với đó là gia tăng chi phí của người bệnh.

Chính vì vậy, bác sĩ đưa ra lời khuyên, trong quá trình bệnh nhân điều trị đái tháo đường, thứ nhất cần phải điều trị theo đơn của thầy thuốc, không tự ý mua thuốc ở ngoài. Thứ hai là cần phải thăm khám thường xuyên giúp bác sĩ nắm bắt được tình trạng chung của bệnh nhân, cũng như chỉ số đường máu để có sự điều chỉnh phác đồ kịp thời.

Để phòng bệnh, đối với bệnh nhân thừa cân, béo phì phải có chế độ kiểm soát cân nặng hợp lý, phải tập luyện thể dục thể thao, không giảm cân một cách đột ngột mà phải giảm cân khoa học, thay đổi thói quen ăn uống, không lạm dụng thực phẩm chế biến sẵn, thức ăn nhanh, không sử dụng chất kích thích, chất tạo ngọt, chăm chỉ tập luyện thể dục thể thao.

Ngoài ra, mỗi người nên chủ động thăm khám sức khỏe định kỳ. Khi gia đình có cha hoặc mẹ bị đái tháo đường thì những người con nên được tầm soát bệnh định kỳ. Riêng với phụ nữ mang thai phải tầm soát đái tháo đường thai kỳ vào tuần thứ 24 đến 28 của kỳ thai. Hiểu được nguy cơ và biết hành động là biện pháp hiệu quả góp phần điều trị và phòng ngừa bệnh đái tháo đường.

Báo Hà Nội mới

https://hanoimoi.vn/cu-khoang-13-nguoi-co-1-nguoi-mac-dai-thao-duong-684444.html

 

PHẦN MỀM TÁC NGHIỆP

  Dịch vụ công trực tuyến

  Phần mềm Quản lý văn bản

  Phần mềm QLHS Một cửa 

  Phần mềm Một cửa (Mới)

  Tiếp nhận ý kiến công dân 

  Danh mục TTHC công 

  Tra cứu hồ sơ Một cửa 

  Thư điện tử TP Hà Nội 

  Thông tin người phát ngôn

Thống kê truy cập

Đang online: 640
Lượt truy cập trong tuần: 270483
Lượt truy cập trong tháng: 0
Lượt truy cập trong năm: 1021963
Tổng số lượt truy cập: 48317004
Về đầu trang