Điểm báo

Điểm thông tin y tế trên các báo ngày 20/11/2024
Ngày đăng 21/11/2024 | 12:08  | Lượt xem: 8

Xây dựng môi trường không khói thuốc trên địa bàn Hà Nội

Sở Y tế Hà Nội đã phối hợp với UBND các quận, huyện, thị xã tổ chức 60 lớp tập huấn về Phòng, chống tác hại của thuốc lá trên địa bàn 30 quận, huyện, thị xã, nhằm nâng cao kiến thức về tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe cộng đồng, hướng dẫn xây dựng môi trường không khói thuốc trong các cơ quan, đoàn thể, và công tác xử phạt vi phạm...

Thực hiện Kế hoạch số 80/KH-UBND của UBND thành phố Hà Nội về phòng, chống tác hại thuốc lá trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2023-2024, Sở Y tế Hà Nội đã phối hợp với UBND các quận, huyện, thị xã tổ chức 60 lớp tập huấn về Phòng, chống tác hại của thuốc lá trên địa bàn 30 quận, huyện, thị xã, diễn ra từ 14/11 đến 06/12 với các nội dung bao gồm: tác hại của thuốc lá; luật phòng, chống các tác hại của thuốc lá và các văn bản liên quan; thực thi môi trường không khói thuốc và công tác xử phạt vi phạm; hướng dẫn xây dựng môi trường không khói thuốc trong cơ quan, Đoàn thanh niên.

Các lớp tập huấn sẽ cung cấp kiến thức cho cán bộ tham gia hoạt động phòng chống tác hại của thuốc lá thuộc các ban, ngành, đoàn thể và đại diện Đoàn thanh niên của các quận, huyện, thị xã trên địa bàn Thủ đô.

Hiện nay, công tác phòng chống tác hại thuốc lá thuốc lá tại Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Tỷ lệ sử dụng thuốc lá ở Việt Nam tuy đã giảm nhưng vẫn còn rất cao, đặc biệt là nam giới.

Trong khi đó các sản phẩm thuốc lá mới xuất hiện như thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, thuốc lá hút Shisha đang làm gia tăng trong tỷ lệ sử dụng các sản phẩm này ở đối tượng thanh thiếu niên và phụ nữ trẻ.

Vì vậy, cần thiết phải nâng cao kiến thức, tăng cường công tác tuyên truyền để người dân nâng cao nhận thức về tác hại của thuốc lá để có thể tự bảo vệ sức khỏe của bản thân, gia đình và cộng đồng.

Báo Công lý

https://congly.vn/xay-dung-moi-truong-khong-khoi-thuoc-tren-dia-ban-ha-noi-459687.html

Hà Nội đẩy mạnh cải cách hành chính trong lĩnh vực y tế

Ngành y tế Hà Nội xác định việc triển khai cải cách hành chính là một trong những nhiệm vụ trọng tâm để nâng cao hiệu quả hoạt động và chất lượng khám, chữa bệnh.

Các đơn vị trực thuộc ngành đã tích cực triển khai và thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp hướng đến cải cách hành chính, ứng dụng chuyển đổi số, xây dựng y tế thông minh.

Cụ thể, tại Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn, quá trình số hóa các quy trình khám, chữa bệnh được triển khai thông qua việc sử dụng thẻ căn cước công dân và tài khoản định danh điện tử VNeID, áp dụng sinh trắc học, và triển khai kiosk tự phục vụ. Bệnh viện cũng đã thực hiện nền tảng quản lý lưu trú tại cơ sở khám, chữa bệnh và tích hợp thông tin Sổ sức khỏe điện tử trên VNeID.

Các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt được đa dạng hóa qua POS, mã QRcode, ví điện tử, bảo hiểm bảo lãnh, với tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt đạt khoảng 80%. Kết quả triển khai mô hình kiosk tự phục vụ cho thấy số bước thực hiện quy trình tiếp đón đã giảm từ 6 bước xuống còn 2 bước, thời gian chờ khám giảm từ 5-15 phút xuống còn dưới 1 phút.

Bệnh viện đa khoa Hà Đông đã hoàn thiện quy trình lấy phiếu khám bệnh tự động và lắp đặt thêm cây tiếp đón thông minh. Bệnh viện hỗ trợ người dân sử dụng căn cước công dân gắn chíp và thẻ bảo hiểm y tế điện tử thay thế thẻ bảo hiểm y tế giấy. Kết quả xét nghiệm, chụp chiếu được gửi qua tin nhắn điện thoại và phần mềm quản lý bệnh nhân, giúp người bệnh không phải chờ đợi.

Bệnh viện đa khoa Đức Giang, với lượng tiếp đón khoảng 2.000 người mỗi ngày, đã triển khai hệ thống đặt lịch hẹn khám qua Tổng đài. Người bệnh có thể chủ động chọn chuyên khoa và giờ khám. Việc tiếp đón được thực hiện qua định danh điện tử VNeID và hệ thống nhận diện khuôn mặt FaceID. Đối với bệnh nhân mắc bệnh mạn tính, 100% được đặt lịch hẹn khám lần sau, với bác sĩ có thể chủ động phân bổ lịch hẹn từ trước một tháng. Quy trình cấp phát thuốc thông minh đã giúp giảm thời gian chờ lĩnh thuốc từ 12 phút xuống còn hơn 1 phút cho mỗi đơn thuốc.

Các bệnh viện khác như Tim Hà Nội, Ung bướu, Phụ sản Hà Nội, Bệnh viện đa khoa Đống Đa, Ba Vì, Vân Đình, Mỹ Đức trong năm 2024 cũng đã có nhiều nỗ lực trong công tác cải cách hành chính và ứng dụng chuyển đổi số. Các đơn vị này tổ chức tốt hoạt động trực đường dây nóng, hòm thư góp ý, tiếp nhận phản ánh, kiến nghị và bộ phận tiếp sức người bệnh. Việc đánh giá mức độ hài lòng của người bệnh và nhân viên y tế được thực hiện thường xuyên để tiếp tục hoàn thiện, khắc phục thiếu sót và cải tiến chất lượng phục vụ người bệnh.

Báo Pháp luật & Xã hội

https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/ha-noi-day-manh-cai-cach-hanh-chinh-trong-linh-vuc-y-te-401481.html

Tình trạng kháng thuốc gia tăng

Việt Nam đang tiếp tục đối mặt với tình trạng kháng thuốc gia tăng. Việc phòng, chống kháng thuốc đòi hỏi sự tham gia của các bộ, ngành, địa phương và toàn xã hội.

Bộ Y tế vừa ban hành Quyết định số 3465/QĐ-BYT phê duyệt “Kế hoạch hành động phòng, chống kháng thuốc trong y tế giai đoạn 2024-2025”.

Theo Bộ Y tế, kháng thuốc là một mối đe dọa sức khỏe và sự phát triển toàn cầu, do đó cần phải hành động liên ngành khẩn cấp để đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs).

Năm 2011, Ngày Sức khỏe Thế giới 7/4, Tổ chức Y tế Thế giới đã lấy chủ đề về tình trạng kháng thuốc toàn cầu: “Không hành động ngày hôm nay, ngày mai không thuốc chữa”, và kêu gọi các quốc gia phải có kế hoạch kịp thời để đối phó với tình trạng kháng thuốc.

Kháng thuốc đang đưa thành tựu của y học hiện đại vào nguy cơ. Việc ghép mô, bộ phận cơ thể người, hóa trị và phẫu thuật, trở nên nguy hiểm hơn nhiều nếu không có thuốc kháng sinh hiệu quả để phòng ngừa và điều trị nhiễm trùng. Kháng thuốc đang đe dọa những thành quả mà thế giới đã đạt được trong các lĩnh vực chống lao, sốt rét, HIV và bệnh truyền nhiễm qua đường tình dục trong những năm qua...

Ngày 25/9/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 1121/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia về phòng, chống kháng thuốc tại Việt Nam giai đoạn 2023-2030, tầm nhìn đến năm 2045. Chiến lược nhấn mạnh tầm quan trọng của việc sử dụng kháng sinh hợp lý và có trách nhiệm ở người, động vật và thực vật.

Chiến lược ban hành chính là sự cam kết của Việt Nam trong cuộc chiến chống lại tình trạng kháng thuốc, tăng cường sự chủ động tham gia và phối hợp giữa các ngành từ Trung ương đến địa phương, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố, trong lĩnh vực sức khỏe con người, thú y, môi trường.

Chiến lược đặt ra 4 mục tiêu cụ thể, gồm: Nâng cao nhận thức của các cấp chính quyền địa phương và hiểu biết của nhân viên y tế, thú y và người dân về phòng, chống kháng thuốc; củng cố hệ thống giám sát kháng thuốc để cảnh báo kịp thời về sự xuất hiện, lan truyền, mức độ và xu hướng kháng thuốc của các vi sinh vật; giảm sự lan truyền của vi sinh vật và bệnh truyền nhiễm; sử dụng thuốc kháng vi sinh vật ở người và động vật hợp lý, an toàn và có trách nhiệm.

Chiến lược quốc gia về phòng, chống kháng thuốc là thể hiện nỗ lực của Chính phủ Việt Nam, phối hợp với Tổ chức Y tế thế giới và các đối tác quốc tế khác nhằm chống lại sự gia tăng của tình trạng kháng thuốc.

Báo Công lý

https://congly.vn/tinh-trang-khang-thuoc-gia-tang-459770.html

 

 

PHẦN MỀM TÁC NGHIỆP

  Dịch vụ công trực tuyến

  Phần mềm Quản lý văn bản

  Phần mềm QLHS Một cửa 

  Phần mềm Một cửa (Mới)

  Tiếp nhận ý kiến công dân 

  Danh mục TTHC công 

  Tra cứu hồ sơ Một cửa 

  Thư điện tử TP Hà Nội 

  Thông tin người phát ngôn

Thống kê truy cập

Đang online: 753
Lượt truy cập trong tuần: 25922
Lượt truy cập trong tháng: 100767
Lượt truy cập trong năm: 2699439
Tổng số lượt truy cập: 46766827
Về đầu trang