Điểm báo

Điểm thông tin y tế trên các báo ngày 20/7/2024
Ngày đăng 23/07/2024 | 09:03  | Lượt xem: 245

Hà Nội: khẩn trương phòng, chống dịch bệnh mùa Hè

Ngày 19/7, UBND TP Hà Nội đã có Công văn số 2364/UBND-KGVX về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh mùa Hè năm 2024.

Thực hiện Công điện số 840/CĐ-BYT của Bộ Y tế về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh mùa Hè năm 2024, UBND TP yêu cầu các sở, ban, ngành và UBND các quận, huyện, thị xã khẩn trương thực hiện các nội dung:

Sở Y tế tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh, các ổ dịch tại cộng đồng và các cơ sở y tế; thực hiện cách ly, kịp thời xử lý triệt để ổ dịch không để bùng phát dịch trong cộng đồng.

Cơ sở y tế lấy mẫu xét nghiệm xác định tác nhân gây bệnh; phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chủ động đánh giá nguy cơ, phân tích tình hình để kịp thời triển khai các biện pháp xử lý dịch.

Cùng với đó, Sở Y tế thúc đẩy triển khai tiêm chủng thường xuyên cho các đối tượng thuộc Chương trình tiêm chủng mở rộng đảm bảo an toàn, hiệu quả; rà soát, tổ chức tiêm bù, tiêm vét cho những đối tượng chưa tiêm vaccine hoặc chưa tiêm đủ mũi.

UBND TP yêu cầu các cơ sở y tế đảm bảo tổ chức tốt thu dung, cách ly, điều trị tích cực, hạn chế đến mức thấp nhất các trường hợp biến chứng nặng, tử vong. Ngành y tế thực hiện nghiêm các biện pháp phòng hộ cá nhân, các biện pháp kiểm soát nhiễm khuẩn và phòng lây nhiễm chéo tại các cơ sở khám, chữa bệnh.

(https://kinhtedothi.vn/ha-noi-khan-truong-phong-chong-dich-benh-mua-he.html)

Bệnh viện ở Hà Nội đi làm sớm phục vụ người bệnh

Gần 2 năm qua, các bệnh viện hạng 1 của thành phố đã đổi mới trong công tác khám chữa bệnh nhằm giảm sự phiền hà cho người bệnh, nhiều bệnh viện đã đi làm sớm hơn giờ quy định để tránh quá tải tại khoa khám bệnh.

Tại Khoa khám bệnh của Bệnh viện Đa khoa Đống Đa, để tạo điều kiện thuận lợi cho người bệnh, các y, bác sĩ của Bệnh viện đã đi làm sớm 1 tiếng so với quy định, bệnh nhân có thể đăng ký khám từ 6 giờ 30 sáng.

Bác sĩ CKII Nguyễn Tuấn Minh, Trưởng khoa Khám bệnh - Bệnh viện Đa khoa Đống Đa cho biết, tại các khu vực, đơn vị đã tổ chức phân giờ theo các khung giờ để người bệnh không bị trùng lặp, đặc biệt đối với những người bệnh mãn tính như tăng huyết áp, đái tháo đường…

(https://hanoionline.vn/video/benh-vien-o-ha-noi-di-lam-som-phuc-vu-nguoi-benh-252613.htm)

Khám, chữa bệnh Bảo hiểm y tế vào ngày nghỉ

Để tạo điều kiện cho nhân dân xa trung tâm thành phố được khám chữa bệnh bằng BHYT, từ ngày 8/4/2023, Bệnh viện Đa khoa Vân Đình đã hợp đồng với Bảo hiểm xã hội bố trí nhân lực làm ngoài giờ để khám chữa bệnh cho người dân vào thứ Bảy, Chủ nhật hàng tuần.

Bác sĩ Nguyễn Thị Thu Thủy - Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Đa khoa Vân Đình cho biết, việc tổ chức khám sớm và khám vào ngày nghỉ đã đáp ứng được nhu cầu của rất nhiều bệnh nhân, thuận tiện cho người bận đi làm trong giờ hành chính có thể đến khám bệnh hoặc đưa người nhà đi khám bệnh vào ngày nghỉ.

Thực tế, theo quy định, người khám chữa bệnh BHYT chỉ được hưởng quyền lợi vào các ngày bình thường trong tuần, riêng 2 ngày thứ Bảy và Chủ nhật không khám (trừ một số trường hợp đặc biệt và cấp cứu).

Quy định này gây ra rất nhiều bất cập bởi hầu hết người dân đều đi làm ngày thường, khó có điều kiện tham gia BHYT được. Vậy nên mô hình khám ngoài giờ đã tạo điều kiện cho người dân ở khu vực được khám chữa bệnh kịp thời và đúng lúc.

Từ sự đổi mới vì người bệnh, các bệnh viện đã và đang đáp ứng tốt công tác khám chữa bệnh kịp thời cho người dân, tăng cường chất lượng phục vụ, giảm chờ đợi và giảm chi phí cho gia đình người bệnh.

(https://hanoionline.vn/video/kham-chua-benh-bao-hiem-y-te-vao-ngay-nghi-252847.htm)

Hà Nội: Kiểm soát chặt chẽ an toàn thực phẩm xung quanh trường học

UBND thành phố Hà Nội vừa có kế hoạch chuyên đề “Tăng cường kiểm soát an toàn thực phẩm trong và xung quanh cổng trường học trên địa bàn thành phố Hà Nội”.

Kế hoạch nhằm đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, xác định trách nhiệm và hành động của các cấp ủy Đảng, chính quyền trong bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong và xung quanh cổng trường học; đồng thời, đề cao vai trò, trách nhiệm của các cơ sở giáo dục, các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong việc thực hiện các quy định về an toàn thực phẩm. Kiểm soát, truy xuất nguồn gốc thực phẩm trong và xung quanh cổng trường học nhằm đẩy mạnh công tác quản lý an toàn thực phẩm, chủ động phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, bệnh truyền qua thực phẩm đối với học sinh.

(https://hanoimoi.vn/ha-noi-kiem-soat-chat-che-an-toan-thuc-pham-xung-quanh-truong-hoc-672545.html)

Kiểm soát an toàn thực phẩm trong các bữa tiệc đông người

Với xu thế phát triển của xã hội, việc tổ chức tiệc hiếu, hỷ tại cộng đồng đã có nhiều thay đổi so với trước đây. Song vấn đề bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm vẫn luôn cần sự quan tâm, chung tay của các tổ chức, cá nhân cũng như sự giám sát chặt chẽ của cơ quan chức năng.

Để bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm trên địa bàn, Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Nguyễn Đức Anh cho biết, từ đầu năm đến nay, huyện đã duy trì mô hình kiểm soát hoạt động đãi tiệc tập trung đông người ở 100% xã, thị trấn, với tổng số 2.297 sự kiện được giám sát. Huyện cũng yêu cầu các đơn vị thường xuyên tăng cường công tác tuyên truyền, trong đó đã có 186 bài truyền thanh về an toàn thực phẩm bữa cỗ tập trung đông người phát trên hệ thống loa các xã, thị trấn.

Tương tự, để thực hiện tốt việc kiểm soát an toàn thực phẩm trong các hoạt động này, huyện Thanh Oai chỉ đạo 21/21 xã, thị trấn thành lập, duy trì hoạt động của Tổ giám sát tư vấn các điều kiện an toàn thực phẩm, từ khâu kiểm soát nguyên liệu thực phẩm đến chế biến và tổ chức ăn uống, bảo quản, vận chuyển thức ăn.

Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội Đặng Thanh Phong cho rằng, các địa phương cần tiếp tục tăng cường công tác truyền thông, quan tâm đến vấn đề bảo đảm an toàn thực phẩm bữa ăn đông người trên địa bàn; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống, nhất là đối với các cơ sở cung cấp tiệc hiếu, hỷ lưu động; huy động sự vào cuộc của các cấp chính quyền địa phương từ xã tới thôn và sự phối hợp của các ban, ngành, đoàn thể trong công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm…

(https://hanoimoi.vn/kiem-soat-an-toan-thuc-pham-trong-cac-bua-tiec-dong-nguoi-672574.html)

100% cơ sở y tế khám chữa bệnh BHYT bằng căn cước công dân gắn chip hoặc VNeID

Bộ Y tế cho biết, thực hiện chuyển đổi số, đến nay 100% cơ sở khám chữa bệnh đã triển khai khám chữa bệnh BHYT bằng căn cước công dân gắn chip hoặc ứng dụng trên VNeID, phục vụ làm thủ tục khám chữa bệnh BHYT.

Đây là một trong những kết quả nổi bật của Bộ Y tế trong triển khai thực hiện chuyển đổi số y tế để tạo thuận lợi nhất cho người dân.

Bộ Y tế cho biết thêm, 100% các cơ sở khám chữa bệnh, cơ sở đào tạo nhân lực y tế có dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt theo nhiều hình thức khác nhau (chuyển khoản, quét mã QR code, ví điện tử, thẻ khám chữa bệnh có kết nối với ngân hàng…) bảo đảm thuận tiện cho người dân khi đi khám chữa bệnh, thanh toán học phí không dùng tiền mặt.

(https://suckhoedoisong.vn/100-co-so-y-te-kham-chua-benh-bhyt-bang-can-cuoc-cong-dan-gan-chip-hoac-vneid-16924072007284652.htm)

Tỷ lệ tiêm vaccine chưa đạt đúng tiến độ

Bộ Y tế cho biết, trong 5 tháng đầu năm 2024, tỷ lệ tiêm chủng hầu hết các vaccine trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng chưa đạt tiến độ, chỉ có vaccine phòng lao, vaccine sởi và vaccine DPT đạt tiến độ theo kế hoạch.

Hiện tại, Chương trình Tiêm chủng mở rộng đang triển khai tiêm chủng vaccine để phòng 11 bệnh truyền nhiễm phổ biến, nguy hiểm bao gồm Viêm gan B, lao, bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, bệnh do Haemophilus influenzae tuýp B, sởi, viêm não Nhật Bản B, rubella, tiêu chảy do virus Rota.

Trong kế hoạch Tiêm chủng mở rộng năm 2025 vừa ban hành, Bộ Y tế cho biết chỉ tiêu đặt ra đối với 11 loại vaccine trong năm 2024 là đạt tỷ lệ tiêm từ trên 90% đến trên 95%. Tuy nhiên, hiện chỉ có ba vaccine lao, sởi và DPT (bạch hầu - ho gà - uốn ván) đạt tiến độ với tỷ lệ tiêm chủng từ trên 39% - trên 40%, trong 5 tháng đầu năm.

Đối với tỷ lệ tiêm vaccine "5 trong 1" có thành phần bạch hầu và ho gà (DPT - DPT - VGB - Hib 3) cho trẻ từ 2, 3 và 4 tháng tuổi đạt 36,8% so với chỉ tiêu 37,3%. Tương tự, tỷ lệ tiêm các vaccine còn lại như phòng viêm gan B sơ sinh trong 24 giờ đầu, vaccine viêm não, vaccine sởi - rubella... chỉ đạt từ 26% đến hơn 36%, đều chưa đạt chỉ tiêu đề ra.

(https://baophapluat.vn/ty-le-tiem-vaccine-chua-dat-dung-tien-do-post518944.html)

 

PHẦN MỀM TÁC NGHIỆP

  Dịch vụ công trực tuyến

  Phần mềm Quản lý văn bản

  Phần mềm QLHS Một cửa 

  Phần mềm Một cửa (Mới)

  Tiếp nhận ý kiến công dân 

  Danh mục TTHC công 

  Tra cứu hồ sơ Một cửa 

  Thư điện tử TP Hà Nội 

  Thông tin người phát ngôn

Thống kê truy cập

Đang online: 575
Lượt truy cập trong tuần: 1923
Lượt truy cập trong tháng: 79066
Lượt truy cập trong năm: 1811376
Tổng số lượt truy cập: 45878764
Về đầu trang