Điểm báo
Hà Nội: Xử phạt 22 vụ vi phạm an toàn thực phẩm trong tháng 10 năm
Sở Y tế Hà Nội tiến hành kiểm tra 52 vụ liên quan đến an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố, xử phạt 22 vụ vi phạm với tổng số tiền lên đến 785 triệu đồng.
Trong tháng 10/2024, Sở Y tế Hà Nội - thành viên của Ban Chỉ đạo 389 thành phố - đã xử phạt 22 vụ vi phạm an toàn thực phẩm với tổng số tiền 785 triệu đồng. Các sai phạm chủ yếu tập trung vào các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, sản xuất thực phẩm chức năng, nước giải khát, thực phẩm dinh dưỡng dành cho trẻ nhỏ và việc kinh doanh phụ gia, nguyên liệu chế biến thực phẩm.
Trong số các cơ sở bị xử lý, Công ty TNHH Tổ hợp y tế Phương Đông (số 9 Phố Viên, Cổ Nhuế 2, Bắc Từ Liêm) bị xử phạt 8 triệu đồng do không thực hiện đúng quy định pháp luật về chế độ kiểm thực ba bước. Đây là yêu cầu quan trọng để đảm bảo an toàn trong chế biến thực phẩm, song công ty này đã không tuân thủ.
Công ty Cổ phần Kinh doanh dịch vụ Tân Khoa (số 16, ngách 28/29 Ông Ích Khiêm, phường Điện Biên, quận Ba Đình) bị phạt 16 triệu đồng với hai vi phạm: không thực hiện kiểm thực ba bước và không che kín cống rãnh thoát nước thải tại khu vực cửa hàng, nhà bếp. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến vệ sinh thực phẩm mà còn tiềm ẩn nguy cơ phát sinh dịch bệnh.
Công ty Cổ phần Bibomart TM (120 Trần Duy Hưng, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy) bị phạt 17,5 triệu đồng vì hàng hóa có nhãn phụ ghi không đúng nội dung bắt buộc theo quy định. Tổng giá trị hàng hóa vi phạm lên đến 52.756.848 đồng. Sai phạm này có thể gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng, đặc biệt là trong việc xác định nguồn gốc và chất lượng sản phẩm.
Công ty Cổ phần Sube Việt Nam (tầng 7, tòa B Fafim, số 19 đường Nguyễn Trãi, phường Khương Trung, quận Thanh Xuân) nhận mức phạt cao nhất, 35 triệu đồng, do không công bố trên hệ thống thông tin dữ liệu về an toàn thực phẩm và không nộp bản tự công bố sản phẩm đến cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền. Vi phạm này làm giảm tính minh bạch và có thể ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.
Thực tế, an toàn thực phẩm là vấn đề nhạy cảm, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe cộng đồng. Các sai phạm như không thực hiện kiểm thực ba bước, vi phạm quy định về nhãn hàng hóa hay không công bố thông tin sản phẩm đều là những rủi ro tiềm ẩn. Đại diện Sở Y tế nhấn mạnh sẽ tiếp tục siết chặt công tác thanh tra, kiểm tra, đồng thời tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn các cơ sở kinh doanh thực hiện đúng quy định pháp luật. Việc nâng cao nhận thức và trách nhiệm của doanh nghiệp không chỉ đảm bảo sức khỏe người dân mà còn góp phần xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, an toàn.
Các đợt kiểm tra và xử lý nghiêm khắc là minh chứng cho quyết tâm của các cơ quan chức năng trong việc bảo vệ quyền lợi và sức khỏe người tiêu dùng. Tuy nhiên, để đạt hiệu quả lâu dài, cần có sự hợp tác chặt chẽ từ phía các doanh nghiệp và sự giám sát tích cực từ cộng đồng.
Báo Công thương
Hà Nội: Đảm bảo an toàn thực phẩm phục vụ dịp Tết, Lễ hội Xuân năm 2025
UBND TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 335/KH-UBND về việc đảm bảo An toàn thực phẩm phục vụ Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Ất Tỵ và Lễ hội Xuân năm 2025.
Kế hoạch nhằm tăng cường thanh tra, kiểm tra kiểm soát an toàn thực phẩm trong sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu và sử dụng thực phẩm nhằm đảm bảo tốt công tác phòng chống ngộ độc thực phẩm hạn chế tối đa các vụ ngộ độc thực phẩm trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Ất Tỵ và Lễ hội Xuân năm 2025; nâng cao trách nhiệm trong công tác chỉ đạo quản lý An toàn thực phẩm của các cấp, các ngành; triển khai các biện pháp bảo đảm An toàn thực phẩm trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Ất Tỵ và Lễ hội Xuân năm 2025 của các cấp, các ngành từ Thành phố đến quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn.
Đồng thời, đánh giá thực trạng việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo đảm An toàn thực phẩm của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm phục vụ Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Ất Tỵ và Lễ hội Xuân năm 2025.
Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội yêu cầu, công tác thanh tra, kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các nhóm sản phẩm tiêu thụ nhiều trong dịp Tết, Lễ hội và có yếu tố nguy cơ cao, các làng nghề chế biến thực phẩm, các cơ sở kinh doanh tại các chợ và siêu thị, thanh kiểm tra liên ngành từ cấp thành phố đến cấp xã, phường, thị trấn;
Kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các vi phạm về an toàn thực phẩm theo đúng quy định pháp luật. Trong quá trình thanh tra, kiểm tra kết hợp làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục các kiến thức, quy định pháp luật về bảo đảm an toàn thực phẩm, nâng cao nhận thức và ý thức của cộng đồng trong công tác bảo đảm an toàn thực phẩm...
Trong quá trình thanh tra, kiểm tra kết hợp làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục các kiến thức, quy định pháp luật về bảo đảm an toàn thực phẩm, nâng cao nhận thức và ý thức của cộng đồng trong công tác bảo đảm an toàn thực phẩm. Đẩy mạnh hoạt động truyền thông phổ biến các quy định của pháp luật về An toàn thực phẩm cũng như các kiến thức trong lựa chọn, bảo quản, chế biến và tiêu dùng đến người dân.
Thời gian thực hiện từ 15/12/2024 đến 15/3/2025.
Ban Chỉ đạo công tác An toàn thực phẩm các quận, huyện, thị xã và các Sở, ngành xây dựng Kế hoạch đảm bảo An toàn thực phẩm phục vụ Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Ất Tỵ và Lễ hội Xuân năm 2025, gửi báo cáo về Sở Y tế để tổng hợp báo cáo Ban Chỉ đạo công tác An toàn thực phẩm Thành phố trước ngày 15/12/2024.
Báo cáo nhanh kết quả đợt 1 trước Tết Nguyên đán Ất Tỵ trước ngày 10/01/2025. Tổng hợp báo cáo việc triển khai, thực hiện công tác bảo đảm An toàn thực phẩm Tết Nguyên đán Ất Tỵ trước ngày 15/2/2025. Báo cáo tổng hợp toàn đợt Tết và Lễ hội trước ngày 16/03/2025. Báo cáo gửi về Sở Y tế (qua Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội, 35 Trần Bình, phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy, Hà Nội; Email: ccvsattp_soyt@hanoi.gov.vn) để tổng hợp.
Báo Giáo dục Việt Nam
Mở rộng và nâng cao chất lượng điều trị HIV/AIDS hướng tới chấm dứt dịch bệnh AIDS
Đến năm 2030, 95% tỷ lệ người nhiễm HIV được điều trị thuốc kháng virus, 95% tỷ lệ người được điều trị thuốc kháng virus HIV có tải lượng virus dưới ngưỡng ức chế và loại trừ lây truyền HIV từ mẹ sang con… hướng tới chấm dứt dịch bệnh AIDS.
Đó là mục tiêu đề ra trong Chiến lược Quốc gia chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030, theo đó cần tiếp tục mở rộng và nâng cao chất lượng điều trị HIV/AIDS.
Chương trình điều trị ARV tại Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá cao
ThS.BS Võ Hải Sơn, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS cho biết, tính đến tháng 6/2024, trên toàn quốc có 181.558 người nhiễm HIV đang được điều trị bằng thuốc kháng virus (ARV), trong đó có 2.466 trẻ em dưới 15 tuổi, tại hơn 500 cơ sở y tế ở 63 tỉnh, thành phố. Số người được cấp thuốc ARV thông qua bảo hiểm y tế (BHYT) đạt 119.055 người, chiếm trên 66%.
Môt số kết quả điều trị ấn tượng như:
- Tỷ lệ người bệnh HIV có kết quả xét nghiệm tải lượng HIV (TLHIV) dưới ngưỡng ức chế (< 1000 cp/ml) đạt trên 97%.
- Tỷ lệ người bệnh duy trì điều trị ARV đạt trên 95%.
- Trên 95% bệnh nhân được điều trị dự phòng lao tiềm ẩn và đồng nhiễm HIV/lao.
- Tất cả người bệnh đang điều trị ARV đều được sàng lọc viêm gan C và những người nhiễm virus viêm gan C được điều trị với tỷ lệ khỏi bệnh đạt trên 96% (với thuốc điều trị do Dự án Quỹ Toàn cầu hỗ trợ).
Với kết quả điều trị này, Việt Nam đã nhận được đánh giá cao từ cộng đồng quốc tế.
Bên cạnh đó, gần đây các cơ sở điều trị đã bắt đầu triển khai sàng lọc, quản lý và điều trị các bệnh không lây nhiễm như tăng huyết áp, rối loạn chuyển hóa lipid máu, đái tháo đường, sức khỏe tâm thần...
Về quản lý và điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, ThS.BS Võ Hải Sơn cho biết, hiện đang tăng cường xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai để phát hiện và điều trị ARV kịp thời, giúp trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV được điều trị dự phòng và tư vấn chăm sóc. Tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con đang duy trì ở mức rất thấp, dưới 1,9%.
Cung cấp các dịch vụ chăm sóc và điều trị cho trẻ em và vị thành niên nhiễm HIV, bao gồm tư vấn công khai tình trạng nhiễm HIV và hướng dẫn sức khỏe sinh sản, an toàn tình dục tại các cơ sở điều trị.
Một số khó khăn trong điều trị HIV
Mặc dù chương trình điều trị HIV đã đạt được nhiều kết quả tích cực và phần lớn các dịch vụ khám chữa bệnh cùng thuốc ARV được BHYT chi trả. Tuy nhiên, vẫn còn một số khó khăn và thách thức.
ThS.BS Võ Hải Sơn cho biết, ở nhiều tỉnh, người bệnh HIV gặp khó khăn trong việc tiếp cận thuốc ARV, đặc biệt là các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa, gây khó khăn cho việc duy trì điều trị; độ bao phủ của xét nghiệm tải lượng HIV còn hạn chế, mỗi năm chỉ đạt dưới 80%. Nhiều tỉnh, thành phố chưa có điều kiện thực hiện xét nghiệm này tại chỗ và phải ký hợp đồng với các đơn vị đủ điều kiện xét nghiệm.
Quá trình mua sắm và cung ứng thuốc ARV vẫn chưa thuận lợi, dẫn đến tình trạng thiếu thuốc trong một số thời điểm. Việc cung cấp gói dịch vụ toàn diện (sàng lọc, quản lý điều trị các bệnh không lây nhiễm, chăm sóc sức khỏe tâm thần) cho người nhiễm HIV tại các cơ sở y tế còn hạn chế, do liên quan đến yêu cầu về chứng chỉ hành nghề của cán bộ y tế…
Cách nào thực hiện mục tiêu điều trị HIV đến năm 2030?
HIV/AIDS là vấn đề sức khỏe cộng đồng quan trọng, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội và sự phát triển của đất nước. Trong 9 tháng đầu năm 2024, cả nước vẫn ghi nhận 11.421 trường hợp phát hiện mới HIV dương tính, trong khi mục tiêu đến năm 2030, giảm số người nhiễm HIV được phát hiện mới đạt mức dưới 1.000 trường hợp/năm. Như vậy, còn rất xa để đạt được mục tiêu này, để HIV không còn là vấn đề sức khỏe đáng lo ngại của mỗi cá nhân, mỗi gia đình và của cộng đồng.
ThS.BS Võ Hải Sơn cho biết, điều trị ARV sẽ làm giảm tải lượng virus HIV xuống ngưỡng không phát hiện được. Khi đạt được ngưỡng này, người nhiễm HIV sẽ không làm lây nhiễm HIV cho người khác. Như vậy điều trị ARV là biện pháp dự phòng lây nhiễm HIV hiệu quả.
Điều trị bằng thuốc ARV còn giúp dự phòng trước phơi nhiễm cho người có hành vi nguy cơ cao, nhưng chưa bị nhiễm HIV và có nguy cơ lây nhiễm HIV cao. Đây là một chiến lược mới, là "lá chắn" hiệu quả góp phần hạn chế sự lây lan của HIV qua đường tình dục đến hơn 90%.
Do đó, trong thời gian tới cần cung cấp hướng dẫn chuyên môn về điều trị HIV; xây dựng văn bản hướng dẫn về khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế (KCB BHYT) từ xa; cập nhật quy trình chuyên môn khám, chữa bệnh HIV để phù hợp với nhu cầu điều trị hiện tại.
Về chuyên môn kỹ thuật, ThS.BS Võ Hải Sơn cho biết, cần cung cấp dịch vụ phù hợp với tình trạng bệnh của từng người; lồng ghép và đa dạng hóa các mô hình cung cấp dịch vụ, tạo kết nối trong hệ thống điều trị HIV, lấy người bệnh làm trung tâm; nâng cao chất lượng dịch vụ lâm sàng và cận lâm sàng, xây dựng môi trường khám chữa bệnh thân thiện, giảm kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV và giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm các bệnh truyền nhiễm khác cho cả người bệnh và nhân viên y tế.
Đối với việc cung ứng thuốc và sinh phẩm, đẩy mạnh chuyển đổi số trong quản lý điều trị HIV, kết nối hệ thống HMED với phần mềm quản lý bệnh viện khi thực hiện khám BHYT; phát triển các công cụ hỗ trợ kỹ thuật và triển khai hỗ trợ chuyên môn trong mua sắm, quản lý chuỗi cung ứng phục vụ điều trị HIV; đảm bảo sự sẵn có, dễ tiếp cận các xét nghiệm cần thiết và cung ứng thuốc liên tục, không gián đoạn…
Để đảm bảo nguồn lực tài chính bền vững, duy trì nguồn tài chính ổn định từ bảo hiểm y tế (BHYT) và ngân sách nhà nước (NSNN), đảm bảo hoạt động điều trị HIV hiệu quả, bền vững. Những giải pháp này hướng tới việc nâng cao hiệu quả điều trị HIV, đảm bảo quyền lợi cho người bệnh và góp phần vào mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030, ThS, BS Võ Hải Sơn chia sẻ.
Báo Sức khoẻ & Đời sống
VĂN BẢN MỚI
- Hướng dẫn về việc bổ sung về việc đăng ký khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu tại Bệnh viện Lão khoa Trung ương năm 2024
- Giám sát phản ứng có hại của thuốc (ADR) tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh
- Tăng cường các biện pháp phòng chống dịch bệnh tại các cơ sở kinh doanh thuốc trong dịp Tết Nguyên đán 2022
- Đảm bảo cung ứng thuốc phòng chống dịch bệnh và nhu cầu sử dụng thuốc trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022
- 4289/QĐ-SYT Quyết định về việc giao chỉ tiêu Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán thu, chi ngân sách năm 2022 cho các đơn vị thuộc Sở Y tế Hà Nội
- 10722/BYT-DP Về việc tiêm vắc xin phòng Covid-19 liều cơ bản và nhắc lại
- Công văn 10696/BYT-MT về việc cách ly y tế cho trường hợp F1 đã tiêm đủ liều vắc xin hoặc đã khỏi bệnh Covid-19
- Công văn 10688/BYT-MT của Bộ Y tế về phòng, chống dịch Covid-19 đối với người nhập cảnh
- Sử dụng kết quả xét nghiệm để phát hiện người mắc Covid-19 và cho người bệnh ra viện
- Quyết định 696/QĐ-SYT của Bộ Y tế ban hành Sổ tay thực hành tại cơ sở bán lẻ thuốc