Điểm báo

Điểm thông tin y tế trên các báo ngày 23/11/2024
Ngày đăng 25/11/2024 | 09:39  | Lượt xem: 27

Hà Nội nỗ lực cung cấp nguồn thực phẩm sạch, an toàn

Thực trạng vệ sinh an toàn thực phẩm ở các địa phương của Hà Nội đã có nhiều chuyển biến tích cực, song quá trình kiểm tra vẫn phát hiện vi phạm.

Từ nay đến cuối năm 2024, để bảo đảm an toàn thực phẩm, các địa phương cần tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm những cơ sở vi phạm, qua đó cung cấp nguồn thực phẩm sạch, an toàn cho người tiêu dùng Thủ đô.

Vẫn phát hiện vi phạm

Để kiểm soát an toàn thực phẩm, từ đầu năm 2024 đến nay, huyện Mỹ Đức thường xuyên kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ ăn uống, bếp ăn tập thể... Các đoàn kiểm tra liên ngành của huyện kiểm tra 86 cơ sở, trong đó phát hiện 14 cơ sở vi phạm, xử phạt gần 28 triệu đồng.

Trưởng phòng Y tế huyện Mỹ Đức Trần Ngọc Tráng cho biết, các lỗi vi phạm chủ yếu là bày bán, chứa thực phẩm trên thiết bị, dụng cụ không bảo đảm vệ sinh; người chế biến không mặc trang phục bảo hộ; thực phẩm không được che, ngăn bụi bẩn và không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Việc sản xuất, cung ứng ra thị trường các sản phẩm nông nghiệp của nông dân chưa được kiểm soát chặt chẽ. Ngoài ra, có thực tế là chưa có sự vào cuộc mạnh mẽ của các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp sạch, công nghệ cao tại địa phương. Đội ngũ làm công tác an toàn thực phẩm còn thiếu và cơ bản là thực hiện nhiệm vụ theo hình thức kiêm nhiệm.

Còn theo Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Nguyễn Đức Anh, trên địa bàn huyện hiện có 2.272 cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm. Từ đầu năm đến nay, huyện đã đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn tới người dân. Riêng ngành Y tế huyện đã tổ chức 10 lớp tập huấn cho các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố với 1.000 người tham dự.

Cùng với đó, huyện phối hợp với Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội (Sở Y tế Hà Nội) tổ chức 1 lớp tập huấn cho tổ giám sát bữa cỗ tập trung đông người và 1 lớp tập huấn nâng cao nghiệp vụ về quản lý an toàn thực phẩm cho các bếp ăn tập thể với 170 người tham dự. Huyện cũng thường xuyên tuyên truyền kiến thức về an toàn thực phẩm trên Đài Truyền thanh huyện và các xã, thị trấn, nhằm phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, bảo vệ quyền lợi và sức khỏe người tiêu dùng.

Ngoài ra, các đoàn kiểm tra đã tổ chức kiểm tra 1.587 lượt cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, xử phạt vi phạm hành chính 57 cơ sở với số tiền hơn 315 triệu đồng, tịch thu tiêu hủy hàng hóa theo quy định.

Tuyên truyền đi đôi với xử phạt nghiêm

Theo Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Nguyễn Thanh Tịnh, quận đang tập trung cao độ cho việc quản lý, bảo đảm công tác an toàn thực phẩm tại các chợ để cung ứng nguồn thực phẩm đạt yêu cầu về chất lượng phục vụ người dân. Cùng với tuyên truyền, các cơ quan chức năng trên địa bàn quận thường xuyên kiểm tra, giám sát, nhằm nâng cao ý thức, nhận thức của chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh và người dân về vệ sinh, an toàn thực phẩm.

Cùng với các quận, các huyện, như: Chương Mỹ, Thanh Oai, Thạch Thất, Thanh Trì... cũng đang tập trung tuyên truyền về công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, thông qua các chiến dịch truyền thông; ký cam kết trách nhiệm đối với cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm theo quy định. Ban Chỉ đạo an toàn thực phẩm cấp huyện, cấp xã đã thành lập đoàn kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm trường hợp vi phạm.

Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Nguyễn Trọng Khiển cho hay, trong thời gian tới, huyện tiếp tục chú trọng giám sát các cơ sở có nguy cơ ô nhiễm thực phẩm, tiến hành hậu kiểm, kiểm soát an toàn thực phẩm theo chuỗi, chợ, hệ thống phân phối, làng nghề... Đặc biệt, huyện tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm...; đầu tư trang thiết bị đánh giá chất lượng, phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm.

Bên cạnh đó, huyện Thanh Oai sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát công tác bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm; kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm quy định về an ninh, an toàn thực phẩm; nêu cao vai trò của chính quyền các cấp, cơ quan quản lý, tổ chức xã hội và sự giám sát của người tiêu dùng đối với việc tuân thủ pháp luật về an toàn thực phẩm. Đồng thời, Thanh Oai sẽ kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý nhà nước từ huyện tới xã, thị trấn theo hướng thống nhất một đầu mối thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm.

Để việc quản lý an toàn thực phẩm đi vào nền nếp, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội Đặng Thanh Phong cho biết, Chi cục sẽ phối hợp với các địa phương tiếp tục triển khai công tác thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm; tập trung vào công tác hậu kiểm các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm; kiên quyết xử lý vi phạm hành chính về lĩnh vực an toàn thực phẩm theo quy định.

Cùng với đó, các địa phương cần tổ chức kiểm tra, giám sát định kỳ các mô hình điểm, như: Kiểm soát an toàn thực phẩm tại bữa cỗ tập trung đông người, an toàn thực phẩm dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố; đồng thời, tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn kiến thức về an toàn thực phẩm theo các chuyên đề, thẩm định cấp giấy chứng nhận an toàn, vệ sinh thực phẩm cho các cơ sở đủ điều kiện; khuyến khích tổ chức, cá nhân sản xuất sản phẩm, chuỗi thực phẩm an toàn cung cấp cho người tiêu dùng.

Ðối với người tiêu dùng, cần quan tâm hơn đến chất lượng thực phẩm; chỉ mua sản phẩm rõ nguồn gốc, bảo đảm an toàn để bảo vệ sức khỏe cho chính bản thân và gia đình.

Báo Hà Nội mới

https://hanoimoi.vn/ha-noi-no-luc-cung-cap-nguon-thuc-pham-sach-an-toan-685349.html

 

Nâng cao năng lực của các cơ sở đào tạo nhân lực y tế

Cần phát triển nhân lực y tế đảm bảo đủ về số lượng, chất lượng, cơ cấu, phân bố hợp lý theo tuyến, ngành, lĩnh vực, vùng miền, gắn với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế.

Đề án Phát triển nguồn nhân lực y tế giai đoạn 2023 - 2030, định hướng 2050, đặt ra 4 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu.

4 nhóm nhiệm vụ đó là:

  • Đào tạo đảm bảo đủ nguồn nhân lực y tế.
  • Nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực y tế.
  • Nâng cao hiệu quả sử dụng nhân lực y tế.
  • Tăng cường quản lý nhà nước về phát triển nguồn nhân lực y tế.

Nhiệm vụ của Đề án phát triển nguồn nhân lực y tế.

Nhằm thực hiện thành công Chiến lược Quốc gia bảo vệ, chăm sóc sức khỏe Nhân dân giai đoạn 2023- 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 và Quy hoạch mạng lưới cơ sở y tế thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, cần phát triển nhân lực y tế đảm bảo đủ về số lượng, đảm bảo chất lượng, cơ cấu, phân bố hợp lý theo tuyến, ngành, lĩnh vực, vùng miền, gắn với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế.

Đồng thời, định hướng đến năm 2050, nhân lực y tế đáp ứng yêu cầu của hệ thống y tế phát triển hiện đại, hội nhập quốc tế, nâng cao chất lượng dịch vụ y tế ngang tầm các nước tiên tiến trong khu vực, đáp ứng nhu cầu bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe ngày càng cao và đa dạng của Nhân dân. Về chỉ tiêu nhân lực y tế/10.000 dân.

Chú trọng đào tạo nguồn nhân lực y tế

- Nâng cao năng lực của các cơ sở đào tạo nhân lực y tế: Triển khai hiệu quả Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045; tăng cường đầu tư, nâng cấp để nâng cao năng lực của các cơ sở đào tạo nhân lực y tế trong cả nước; tiếp tục mở rộng các cơ sở đào tạo và năng lực đào tạo nhân lực y tế, đặc biệt là đào tạo điều dưỡng và bác sỹ; xây dựng kế hoạch phát triển nhân lực y tế cho từng giai đoạn hoặc lồng ghép trong chiến lược, đề án, kế hoạch các lĩnh vực, trong đó xác định rõ các ngành, chuyên ngành và trình độ cần phát triển dựa trên phân tích về nhu cầu nhân lực và các giải pháp khả thi, hiệu quả…

- Tăng cường đào tạo nhân lực y tế cho một số chuyên ngành kém thu hút và vùng khó khăn:Tăng thêm cơ sở đào tạo nhân lực y tế ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế- xã hội khó khăn, đặc biệt là vùng Tây Bắc và Tây Nguyên.

Rà soát, điều chỉnh, bổ sung chính sách, cơ chế đặc thù, miễn, giảm học phí để khuyến khích người theo học các ngành khó thu hút và khuyến khích nhân lực y tế làm việc ở vùng khó khăn (Lao, Phong, Truyền nhiễm, Tâm thần, Giải phẫu bệnh, Pháp y, Pháp y tâm thần, Hồi sức cấp cứu, Dân số, Y học cổ truyền, Y học dự phòng).

Nghiên cứu, ban hành cơ chế đặc thù khuyến khích học sinh, sinh viên, học viên theo học các chuyên ngành khó thu hút sau khi tốt nghiệp trở về địa phương; sửa đổi, bổ sung chế độ tiền lương, phụ cấp ưu đãi theo nghề để thu hút cán bộ y tế làm việc tại các chuyên ngành khó thu hút ở vùng khó khăn; nâng cao hiệu quả chương trình quân dân y kết hợp; hệ thống đào tạo nhân lực quân y tham gia đào tạo nhân lực y tế; phát triển mô hình đào tạo theo địa chỉ nhằm đảm bảo nhân lực y tế cho các vùng biên giới, hải đảo.

- Mở rộng liên kết quốc tế trong đào tạo, hợp tác, trao đổi nhân lực y tế: Đẩy mạnh liên kết đào tạo lĩnh vực sức khỏe, cập nhật các phương pháp giảng dạy và các kiến thức mới, thường xuyên rà soát và cập nhật các chương trình liên kết quốc tế.

Mở rộng đào tạo liên kết cấp song bằng với một số trường đại học nước ngoài; triển khai việc trao đổi học bổng đào tạo giữa các cơ sở giáo dục đại học lĩnh vực sức khỏe trong nước với các trường đại học đối tác nước ngoài.

Nghiên cứu mở rộng thị trường xuất khẩu nhân lực y tế gắn với đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, kỹ năng nghề, ngoại ngữ, pháp luật, văn hóa, phong tục tập quán của các nước cho người lao động; tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến thông tin, nhận thức về xuất khẩu lao động, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước thông qua các kênh thông tin, nâng cao nhận thức, nắm rõ thông tin về thị trường lao động ngoài nước về nhân lực y tế, nhằm tăng cường xuất khẩu nhân lực y tế đúng quy định của pháp luật.

Báo Sức khoẻ & Đời sống

https://suckhoedoisong.vn/nang-cao-nang-luc-cua-cac-co-so-dao-tao-nhan-luc-y-te-169241122164701148.htm

 

Bộ Y tế cấp mới, gia hạn gần 500 giấy đăng ký lưu hành thuốc trong 5 năm

Cục trưởng Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế Vũ Tuấn Cường cho biết, trong đợt công bố danh mục thuốc, nguyên liệu làm thuốc cấp mới, gian hạn giấy đăng ký lưu hành mới nhất này có gần 500 thuốc, nguyên liệu làm thuốc sản xuất trong nước và nước ngoài, thuốc có chứng minh tương đương sinh học...

Theo Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế), trong số gần 500 thuốc, nguyên liệu làm thuốc được cấp mới, gia hạn giấy đăng ký lưu hành lần này có 325 thuốc sản xuất trong nước được cấp mới; 130 thuốc, nguyên liệu làm thuốc được gia hạn; số còn lại là thuốc thuộc danh mục tương đương sinh học.

Trong số thuốc, nguyên liệu làm thuốc được cấp mới, gia hạn có hơn 90% thuốc, nguyên liệu làm thuốc cấp mới, gia hạn trong 5 năm.

Cục Quản lý Dược yêu cầu cơ sở sản xuất và cơ sở đăng ký thuốc có trách nhiệm: Sản xuất thuốc theo đúng các hồ sơ, tài liệu đã đăng ký với Bộ Y tế và phải in hoặc dán số đăng ký được Bộ Y tế Việt Nam cấp lên nhãn thuốc.

Chỉ được sản xuất, đưa ra lưu hành các thuốc kiểm soát đặc biệt khi có Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược phạm vi kinh doanh thuốc phải kiểm soát đặc biệt phù hợp với phạm vi hoạt động của cơ sở đáp ứng quy định tại khoản 5 Điều 143 Nghị định số 54/2017/NĐ-CP ngày 08/5/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Dược.

Cùng đó, thực hiện việc cập nhật tiêu chuẩn chất lượng của thuốc theo quy định tại Thông tư số 11/2018/TT-BYT ngày 04/5/2018 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định về chất lượng thuốc, nguyên liệu làm thuốc, Thông tư số 03/2020/TT-BYT ngày 22/01/2020 của Bộ trưởng Bộ Y tế sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 11/2018/TT-BYT quy định về chất lượng thuốc, nguyên liệu làm thuốc.

Cục Quản lý Dược yêu cầu cơ sở sản xuất và cơ sở đăng ký thuốc cập nhật nhãn thuốc, tờ hướng dẫn sử dụng thuốc theo quy định tại Thông tư số 01/2018/TT-BYT ngày 18/01/2018 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định ghi nhãn thuốc, nguyên liệu làm thuốc và tờ hướng dẫn sử dụng thuốc trong thời hạn 06 tháng kể từ ngày ký ban hành Quyết định này, theo hình thức thay đổi, bổ sung giấy đăng ký lưu hành thuốc.

Phối hợp với các cơ sở điều trị để thực hiện theo đúng các quy định hiện hành về thuốc kê đơn, theo dõi an toàn, hiệu quả, tác dụng không mong muốn của thuốc trên người Việt Nam và tổng hợp, báo cáo theo quy định tại Điều 5 Thông tư số 08/2022/TT-BYT đối với các thuốc trong Phụ lục II ban hành kèm theo Quyết định này.

Cơ sở đăng ký thuốc phải bảo đảm duy trì điều kiện hoạt động trong thời gian hiệu lực của giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc. Trong trường hợp không còn đáp ứng đủ điều kiện hoạt động, cơ sở đăng ký phải có trách nhiệm thực hiện thay đổi cơ sở đăng ký theo quy định tại Thông tư số 08/2022/TT-BYT trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày cơ sở đăng ký không còn đủ điều kiện hoạt động.

Cơ sở sản xuất thuốc phải bảo đảm các điều kiện hoạt động của cơ sở sản xuất trong thời hạn hiệu lực của giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc.

Cách đây 10 ngày, Cục Quản lý Dược cũng đã gia hạn giấy đăng ký lưu hành thuốc theo Nghị quyết 80 của Quốc hội với gần 400 loại thuốc, nguyên liệu làm thuốc để phục vụ nhu cầu sử dụng thuốc của nhân dân, cơ sở khám chữa bệnh...

Theo Cục Quản lý Dược, đến thời điểm này, Cục đã thực hiện cấp mới, gia hạn giấy đăng ký lưu hành theo Luật Dược năm 2016 và Nghị quyết 80 của Quốc hội cho khoảng trên 14.000 thuốc, nguyên liệu làm thuốc. Qua đó duy trì thường xuyên có trên 23.000 thuốc có giấy đăng ký lưu hành còn hiệu lực, đảm bảo nguồn cung ứng thuốc.

Đồng thời, triển khai các giải pháp bảo đảm công tác mua sắm vaccine; xây dựng Danh mục và cơ chế dự trữ, mua sắm thuốc có nguy cơ thiếu tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh...

Báo Sức khoẻ & Đời sống

https://suckhoedoisong.vn/bo-y-te-cap-moi-gia-han-gan-500-giay-dang-ky-luu-hanh-thuoc-trong-5-nam-169241123134323023.htm

 

PHẦN MỀM TÁC NGHIỆP

  Dịch vụ công trực tuyến

  Phần mềm Quản lý văn bản

  Phần mềm QLHS Một cửa 

  Phần mềm Một cửa (Mới)

  Tiếp nhận ý kiến công dân 

  Danh mục TTHC công 

  Tra cứu hồ sơ Một cửa 

  Thư điện tử TP Hà Nội 

  Thông tin người phát ngôn

Thống kê truy cập

Đang online: 1676
Lượt truy cập trong tuần: 23432
Lượt truy cập trong tháng: 156493
Lượt truy cập trong năm: 2755165
Tổng số lượt truy cập: 46822553
Về đầu trang