Điểm báo
* Can thiệp mạch giúp nữ sinh 15 tuổi tránh nguy cơ vỡ mạch máu não
Dị dạng mạch máu là một căn bệnh có thể gây biến chứng nguy hiểm, đó là xuất huyết não. Sự chủ quan trong nhận biết và điều trị có thể dẫn đến biến chứng nguy hiểm.
Căn bệnh ẩn có thể gây vỡ mạch máu não
N.T.H, 15 tuổi, sống tại Hà Nội, thường xuất hiện những triệu chứng bất thường như đau đầu dai dẳng, thỉnh thoảng lên cơn động kinh và suy giảm chức năng thần kinh.
H. được gia đình đưa đi khám tại một bệnh viện trên địa bàn và được chỉ định điều trị nội khoa bằng thuốc.
Tuy nhiên, qua 2 năm điều trị, tình trạng của bệnh nhân không thuyên giảm. Thậm chí, thời gian gần đây, các triệu chứng như cơn đau đầu và động kinh còn xuất hiện với tần suất dày hơn và nghiêm trọng hơn.
Do đó, mới đây gia đình đã đưa H. đến Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn để thăm khám.
Theo PGS.TS Phạm Hồng Đức, Trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh và Can thiệp tim mạch, qua thăm khám và chụp cộng hưởng từ các bác sĩ đã phát hiện bệnh nhân bị dị dạng mạch máu não.
"Chúng tôi xác định bệnh nhân mắc dị dạng động tĩnh mạch (Arteriovenous Malformation - AVM) tại vùng chẩm phải. Đây là một trong những bệnh lý có nguy cơ gây vỡ mạch máu não và chảy máu não nếu không được điều trị kịp thời", PGS Đức cho hay.
Các bác sĩ khoa Chẩn đoán hình ảnh và Can thiệp tim mạch đã chỉ định thực hiện kỹ thuật can thiệp mạch dưới hướng dẫn chụp mạch máu số hóa xóa nền (DSA).
Trong quá trình này, các bác sĩ đưa catheter qua đường động mạch đùi để tiếp cận vị trí mạch máu dị dạng. Hệ thống DSA sẽ tái hiện hình ảnh chi tiết của mạch máu nhờ thuốc cản quang, giúp bác sĩ xác định chính xác vùng dị dạng.
"Sau đó, chất dịch sinh học gây tắc được đưa vào để làm tắc dòng máu bất thường, ngăn ngừa biến chứng nguy hiểm. Toàn bộ quá trình can thiệp được tiến hành trong môi trường vô trùng với sự hỗ trợ của hệ thống máy móc tiên tiến và đội ngũ chuyên gia giàu kinh nghiệm", PGS Đức chia sẻ.
Cũng theo PGS Đức, kỹ thuật can thiệp mạch dưới hướng dẫn DSA đặc biệt hiệu quả trong việc xử trí các bệnh lý dị dạng động tĩnh mạch máu não và phình mạch não, giúp bệnh nhân tránh được các biến chứng xuất huyết nội sọ, thậm chí là gây tử vong.
Không chủ quan với cơn đau đầu hoặc động kinh ở người trẻ
Theo chuyên gia, bệnh AVM có thể không biểu hiện triệu chứng cho đến khi có biểu hiện xuất huyết não. Tuy nhiên, phần lớn bệnh nhân phát hiện được nhờ các dấu hiệu cảnh báo như: đau đầu và động kinh.
Ngoài ra, các triệu chứng thần kinh bất thường khác như: suy giảm thị lực, yếu vận động chi cũng là dấu hiệu không nên bỏ qua.
Khi có các dấu hiệu này, đặc biệt ở người trẻ, cần đến bệnh viện để thực hiện các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh như: chụp cắt lớp vi tính (CT scan) hoặc chụp cộng hưởng từ (MRI), để phát hiện và chẩn đoán tổn thương dị dạng mạch máu.
"Nếu được phát hiện kịp thời, bệnh nhân mắc AVM có thể được các bác sĩ xây dựng chiến lược điều trị phù hợp.
Bệnh nhân có triệu chứng như: các cơn đau đầu hoặc động kinh không đáp ứng với thuốc điều trị, tổn thương trên hình ảnh có các dấu hiệu nguy cơ xuất huyết như: chảy máu cũ bên trong ổ dị dạng hoặc giả phình, việc can thiệp để loại bỏ dị dạng động tĩnh mạch là giải pháp cần thiết.
Việc can thiệp giúp ngăn ngừa biến chứng xuất huyết não", PGS Đức khuyến cáo.
Báo dantri.com.vn
* Năm 2025, Hà Nội sẽ lấy 2400 mẫu thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm để kiểm nghiệm
Sở Y tế Hà Nội đã chỉ đạo Trung tâm kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm Hà Nội triển khai các hoạt động kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm trên địa bàn theo kế hoạch của UBND thành phố giao. Năm 2025, dự kiến sẽ thực hiện lấy 2400 mẫu để kiểm nghiệm.
Thực hiện Kế hoạch 403 của UBND thành phố về hoạt động kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm năm 2025, Sở Y tế Hà Nội tiếp tục chỉ đạo và giao nhiệm vụ cho Trung tâm kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm Hà Nội là đơn vị thường trực, xây dựng kế hoạch chi tiết, triển khai, thực hiện và chỉ đạo các đơn vị trong ngành phối hợp tổ chức thực hiện các hoạt động theo kế hoạch.
Theo kế hoạch của UBND thành phố giao phải kiểm tra, giám sát khoảng 1200 cơ sở thuộc tất cả các loại hình (sản xuất; xuất nhập khẩu; bán buôn; bán lẻ; cấp phát, sử dụng, pha chế). Thực hiện lấy 2400 mẫu, tương ứng với khoảng 190 hoạt chất (tăng khoảng 10% số lượng hoạt chất so với năm 2024), chú trọng các mẫu thuộc danh mục hoạt chất ưu tiên lấy mẫu theo khuyến cáo của Viện kiểm nghiệm thuốc Trung ương.
Cùng với đó là, tổ chức đoàn kiểm tra, giám sát chất lượng và lấy mẫu thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm do Bộ Y tế quản lý để kiểm tra, chất lượng với số lượng 10-15 đoàn (3 người/đoàn), thực hiện giám sát/tuần và thành lập các đoàn kiểm tra, giám sát đột xuất theo yêu cầu.
Hoạt động kiểm nghiệm cần phải đạt được mục tiêu 95% mẫu lấy được kiểm tra chất lượng đúng yêu cầu tiêu chuẩn đã đăng ký, công bố và trả kết quả đúng thời hạn quy định. 100% các mẫu mỹ phẩm, thực phẩm được phân tích các chỉ tiêu về an toàn. 100% các mẫu do Thanh tra Sở Y tế, Công an gửi đến được trả lời kịp thời phục vụ công tác quản lý nhà nước. 100% các mẫu thuốc, nguyên liệu làm thuốc, mỹ phẩm, sản phẩm thực phẩm không đạt tiêu chuẩn chất lượng, mẫu tiền kiểm được báo cáo về Bộ Y tế, Sở Y tế theo quy định.
Tiếp tục thực hiện và duy trì quản lý phòng thí nghiệm theo tiêu chuẩn GLP và ISO 17025. Tập trung nguồn lực để tái đánh giá GLP, đánh giá giám sát ISO/IEC 17025. Cập nhật thông tin, mạng lưới trong hoạt động quản lý chất lượng thuốc, mỹ phẩm, sản phẩm thực phẩm do Bộ Y tế quản lý và đào tạo, nâng cao năng lực kiểm nghiệm.
Sở Y tế sẽ kiểm tra giám sát và định kỳ sơ kết, tổng kết, đánh giá rút kinh nghiệm việc thực hiện các nội dung được giao tại kế hoạch của thành phố.
Báo baovephapluat
https://tuoitrethudo.vn/lay-2400-mau-thuoc-my-pham-thuc-pham-kiem-nghiem-trong-nam-2025-269474.html
* Tỷ lệ hài lòng của người bệnh tiếp tục tăng
Sở Y tế Hà Nội vừa công bố kết quả khảo sát, đánh giá tỷ lệ hài lòng của người bệnh quý 4/2024. Tỷ lệ hài lòng đối với khối bệnh viện là 97,11%, và 96,69% đối với khối Trung tâm Y tế và Trung tâm Cấp cứu 115.
Trong quý IV năm 2024, Sở Y tế đã thực hiện khảo sát tại 86 bệnh viện (42 bệnh viện công và 44 bệnh viện ngoài công lập), cho thấy mức độ hài lòng chung của người bệnh là 97,11%, tăng 1,41% so với quý III. Trong đó, khối bệnh viện công lập đạt tỷ lệ hài lòng là 95,83%, tăng 0,53%, và khối bệnh viện ngoài công lập đạt 98,83%, tăng 2,63%.
Đối với bệnh nhân điều trị nội trú, tỷ lệ hài lòng ở khối bệnh viện công lập là 95,86%, tăng 0,33% so với quý III, nhưng lại giảm ở khối bệnh viện ngoài công lập, với tỷ lệ là 97,50%, giảm 1,3%.
Đối với người bệnh ngoại trú, tỷ lệ hài lòng trung bình là 96,03%, tăng 1,53% so với quý III ở khối công lập, và 98,69% ở khối ngoài công lập (quý III là 98,7%).
Tỷ lệ hài lòng chung của người bệnh tại khối trung tâm y tế và Trung tâm Cấp cứu 115 là 96,69%, tương đương với quý III (96,6%).
Sở Y tế yêu cầu các đơn vị tích cực thực hiện khảo sát sự hài lòng, không hài lòng của người bệnh và người dân khi đến khám chữa bệnh và sử dụng dịch vụ tại đơn vị.
Các ý kiến đóng góp của người bệnh cần được tiếp thu và sử dụng kết quả khảo sát để đánh giá, phân tích nguyên nhân và đưa ra các giải pháp nhằm tăng cường sự hài lòng của người dân và bệnh nhân khi sử dụng các dịch vụ y tế.
Trước đó, Sở Y tế Hà Nội cũng đã công bố kết quả khảo sát tỷ lệ hài lòng của người bệnh quý III/2024, với tỷ lệ hài lòng đối với khối bệnh viện là 95,7% và 96,6% đối với khối trung tâm y tế.
Cụ thể, khảo sát tại 42 bệnh viện công lập và 43 bệnh viện ngoài công lập cho thấy mức độ hài lòng chung của người bệnh là 95,7%, trong đó khối bệnh viện công lập là 95,3% và khối ngoài công lập là 96,2%.
Tỷ lệ hài lòng của người bệnh nội trú ở khối bệnh viện công lập là 95,5%, khối ngoài công lập là 98,8%. Người bệnh ngoại trú có tỷ lệ hài lòng trung bình là 94,5% ở khối công lập và 98,7% ở khối ngoài công lập. Tỷ lệ hài lòng chung của bà mẹ sinh con tại bệnh viện là 98,3% đối với khối công lập và 92,5% đối với khối ngoài công lập.
Tổng điểm trung bình của người bệnh nội trú là 4,37 ở khối bệnh viện công lập và 4,70 ở khối ngoài công lập. Đối với người bệnh điều trị ngoại trú, tổng điểm trung bình ở khối công lập là 4,33 và 4,78 ở khối ngoài công lập. Đối với người bệnh tại khối trung tâm y tế, tỷ lệ hài lòng trung bình là 96,6%, tổng điểm trung bình là 4,63.
Dựa trên kết quả khảo sát, Sở Y tế yêu cầu các bệnh viện và trung tâm y tế nghiêm túc thực hiện kế hoạch đánh giá hài lòng người bệnh năm 2024 của đơn vị, tiếp thu ý kiến đóng góp của người bệnh và đưa ra giải pháp khắc phục các tồn tại, nâng cao chất lượng phục vụ và tạo sự hài lòng cho người bệnh.
Sở Y tế cũng kiến nghị Bộ Y tế nghiên cứu thay đổi hình thức khảo sát sự hài lòng của người bệnh thành khảo sát sự không hài lòng và nguyên nhân để có thể đưa ra các biện pháp khắc phục hiệu quả và sớm nhất.
TS.Dương Huy Lương, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế, cho biết sau hơn 10 năm áp dụng bộ 83 tiêu chí đánh giá chất lượng bệnh viện, diện mạo của nhiều bệnh viện đã thay đổi rõ rệt, được Chính phủ và nhân dân công nhận và ủng hộ.
Điều này được thể hiện qua việc Luật Khám bệnh, chữa bệnh số 15/2023/QH15 thông qua ngày 9/1/2023, quy định về việc xây dựng Bộ Tiêu chuẩn chất lượng bệnh viện và hoạt động đánh giá, chứng nhận chất lượng.
Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế là đơn vị đầu mối, chịu trách nhiệm xây dựng tiêu chuẩn chất lượng đối với cơ sở khám chữa bệnh, bao gồm Bộ Tiêu chuẩn chất lượng bệnh viện cơ bản và Bộ Tiêu chuẩn chất lượng bệnh viện nâng cao.
Bộ Tiêu chuẩn chất lượng bệnh viện cơ bản sẽ được dự thảo dựa trên các tiêu chí từ mức 1 đến mức 3, trong khi Bộ Tiêu chuẩn chất lượng bệnh viện nâng cao sẽ dự thảo các tiêu chí từ mức 4 (tiệm cận với bệnh viện quốc tế trong khu vực châu Á) và mức 5 (tiệm cận với bệnh viện quốc tế trên thế giới).
Cục Quản lý Khám chữa bệnh nhấn mạnh rằng tất cả các bệnh viện trên toàn quốc sẽ phải hoàn thiện các tiêu chuẩn chất lượng bệnh viện cơ bản để duy trì hoạt động. Cục cũng sẽ công bố danh sách các bệnh viện đạt tiêu chuẩn cơ bản để người dân có thể lựa chọn nơi khám chữa bệnh đạt chuẩn quốc gia.
Báo dautu
https://baodautu.vn/ty-le-hai-long-cua-nguoi-benh-tiep-tuc-tang-d240251.html
https://laodongthudo.vn/ty-le-hai-long-cua-nguoi-benh-voi-khoi-benh-vien-quy-iv-la-9711-183049.html
https://tuoitrethudo.vn/ty-le-hai-long-cua-nguoi-benh-quy-iv2024-la-9711-269540.html
https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/ha-noi-hon-97-nguoi-benh-hai-long-voi-dich-vu-y-te-406871.html
* Phòng tránh ngộ độc rượu dịp cận Tết Nguyên đán
Thời điểm cận kề Tết Nguyên đán cũng là dịp các buổi liên hoan, tiệc tùng, tụ tập bạn bè, anh em, đồng nghiệp diễn ra kéo theo đó là nhu cầu tiêu thụ rượu, bia tăng mạnh. Hệ lụy là số người nhập viện vì ngộ độc rượu, bia, rối loạn tâm thần tăng cao.
Đến Tết lại lo… ngộ độc rượu
Ngày 27-12-2024, một vụ ngộ độc rượu xảy ra tại cửa hàng bán bánh canh cá lóc trên địa bàn phường 11, thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Kết quả xét nghiệm ban đầu cho thấy cả 4 nạn nhân đều bị ngộ độc methanol. Viện Y tế công cộng thành phố Hồ Chí Minh đã lấy 10 mẫu rượu từ 5 cơ sở buôn bán kinh doanh rượu và rượu thu được tại nơi lưu trú của các nạn nhân để kiểm nghiệm methanol và acetonitrile; 4 mẫu huyết thanh và huyết tương của các bệnh nhân lấy từ Bệnh viện Vũng Tàu kiểm nghiệm methanol. Kết quả, có 3 mẫu rượu phát hiện methanol vượt rất nhiều lần hàm lượng methanol cho phép trong rượu. Cụ thể, mẫu rượu trắng tại quán bánh canh cá lóc trên có kết quả xét nghiệm cao gấp 2.353 lần mức cho phép; mẫu rượu trắng tại hộ kinh doanh tạp hóa (nơi các nạn nhân mua rượu) cao gấp 300 lần cho phép; mẫu rượu màu tại nhà một nạn nhân cao gấp 411 lần mức cho phép.
Trước đó, chiều 24-12-2024, Sở Y tế Hà Nội có báo cáo về kết quả điều tra, giám sát, xử lý sự cố an toàn thực phẩm tại phường Phúc Lợi, quận Long Biên. Nguyên nhân vụ ngộ độc được kết luận là do ngộ độc hóa chất acetonitrile có trong rượu trắng mang ở bên ngoài vào bữa tiệc liên hoan cuối năm. Theo Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai, kết quả xét nghiệm mẫu máu các bệnh nhân cho thấy có acetonitrile và cyanid, hàm lượng methanol thấp hoặc âm tính. Kết hợp với bệnh cảnh của bệnh nhân, các bác sĩ nhận định nạn nhân bị ngộ độc acetonitrile.
Trong các vụ ngộ độc rượu, thủ phạm phổ biến thường là methanol. Methanol được dùng làm dung môi công nghiệp và đôi khi bị pha trộn vào rượu giả. Sau khi đi vào cơ thể, methanol sẽ bị oxy hóa từ đó tạo thành chất gây ngộ độc. Việc uống quá nhiều rượu có độc chất methanol dẫn đến lượng cồn trong máu quá nhiều. Lúc này gan không kịp đào thải ra ngoài sẽ tổn thương tế bào gan, các bộ phận ở não ngừng hoạt động, kèm các biến chứng nguy hiểm như nghẹt thở, động kinh, hạ thân nhiệt, nhịp tim không đều, thậm chí tử vong. Còn acetonitrile là một hóa chất hữu cơ được dùng làm dung môi trong công nghiệp, không phải thành phần sinh ra trong quá trình sản xuất rượu trắng. Tuy nhiên, nếu acetonitrile được sử dụng một cách bất hợp pháp trong quá trình sản xuất rượu hoặc pha trộn rượu giả, thì ngộ độc acetonitrile có thể xảy ra. Khi vào cơ thể, acetonitrile có thể chuyển hóa chậm thành cyanide gây ngộ độc nghiêm trọng với biểu hiện sau uống nhiều giờ.
TS.BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết: “Thời điểm trước và sau Tết Nguyên đán, số lượng bệnh nhân ngộ độc rượu nhập viện năm nào cũng đông. Mùa rét, bệnh nhân xuất huyết tiêu hóa cao hơn hẳn, phần lớn là do uống rượu nhiều, gây ra chảy máu, xơ gan. Rượu làm giảm số lượng bạch cầu, giảm sức đề kháng của cơ thể nên tình trạng nhiễm trùng càng nặng”.
Cảnh giác với các loại rượu “quê”, rượu “nhà nấu”
Theo Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) thời gian gần đây đã xảy ra một số vụ ngộ độc thực phẩm có liên quan đến sử dụng các sản phẩm rượu làm nhiều người phải nhập viện điều trị. Để kịp thời ngăn chặn nguy cơ ngộ độc thực phẩm có liên quan đến rượu và cảnh báo cộng đồng nhất là trong giai đoạn chuẩn bị Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025, Cục An toàn thực phẩm đã có Công văn số 3253/ATTP-NĐTT đề nghị Vụ Khoa học Công nghệ - Bộ Công Thương chỉ đạo các cơ quan chức năng Ngành Công Thương tại các địa phương tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm tra đột xuất các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu, chú trọng các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu nhỏ lẻ, các cơ sở nấu rượu thủ công.
Nhiều đoàn kiểm tra liên ngành về công tác đảm bảo an toàn thực phẩm đã đẩy mạnh giám sát, ngăn chặn kịp thời các loại rượu sản xuất, pha chế không đảm bảo an toàn, rượu không rõ nguồn gốc, không có nhãn mác đưa ra lưu thông trên thị trường gây ra nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe, tâm lý người tiêu dùng. Đồng thời, các cơ quan chức năng cũng tăng cường tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về nguy cơ sử dụng rượu không an toàn; hướng dẫn các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu đảm bảo điều kiện an toàn thực phẩm, quản lý nguồn gốc nguyên liệu sản xuất rượu, thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về bảo đảm an toàn thực phẩm.
Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo: Cần tuyên truyền, giáo dục cho người dân kiến thức an toàn thực phẩm và biện pháp phòng, chống ngộ độc thực phẩm, nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, thói quen không bảo đảm an toàn thực phẩm trong lựa chọn và sử dụng thực phẩm, không sử dụng thực phẩm nói chung và các loại rượu nói riêng không rõ nguồn gốc, nhãn mác, xuất xứ.
Báo hanoimoi
https://hanoimoi.vn/phong-tranh-ngo-doc-ruou-dip-can-tet-nguyen-dan-690144.html
https://tuoitrethudo.vn/lien-tiep-cac-ca-ngo-doc-ruou-dip-sat-tet-nguyen-dan-269547.html
*Đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cán bộ
Ngày 10-1, Ban Bảo vệ, Chăm sóc sức khỏe cán bộ thành phố Hà Nội tổng kết công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe thành phố năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025. Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Vũ Đức Bảo chủ trì hội nghị.
Năm 2024, với tinh thần làm việc quyết liệt, nghiêm túc, chủ động, Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ thành phố đã chú trọng đổi mới việc xây dựng kế hoạch công tác trọng tâm, phương pháp làm việc; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho cơ sở. Hiệu quả phối hợp công tác giữa Ban với Sở Y tế, với cấp ủy và ban tổ chức các cấp ủy trực thuộc Thành ủy... được nâng lên.
Ban đã tổ chức thực hiện và hoàn thành tốt nhiệm vụ công tác trọng tâm, thường xuyên theo kế hoạch bảo đảm tiến độ, chất lượng và đạt kết quả tốt. Trong đó, đã tổ chức khám sức khỏe định kỳ đối với cán bộ sớm, tỉ lệ cán bộ khám cao hơn, thủ tục khám và trả lời kết quả nhanh, thuận tiện hơn các năm trước; công tác khám, kiểm tra sức khỏe, phục vụ cán bộ điều dưỡng bảo đảm chu đáo, an toàn đúng kế hoạch; công tác cấp đổi sổ y bạ được quan tâm thực hiện kịp thời.
Ban đã phối hợp tham mưu Ban Thường vụ Thành ủy phê duyệt về chủ trương và HĐND thành phố ban hành Nghị quyết số 04/2024/NQ-HĐND, ngày 29-3-2024 về Quy định hỗ trợ đối với công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ thành phố Hà Nội có hiệu lực từ ngày 8-4-2024, một số định mức chi được điều chỉnh, bổ sung thể hiện sự quan tâm đặc biệt của thành phố đối với cán bộ và người làm nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc sức khỏe đối với cán bộ.
Đáng chú ý, mô hình sắp xếp tổ chức bộ máy Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ thành phố với vai trò tích cực của Sở Y tế Hà Nội (cơ quan thường trực) đã phát huy hiệu quả trong thực tiễn. Thông qua hệ thống 17 phòng khám A tại các bệnh viện đa khoa thành phố, từ tháng 12-2023 đến nay, đã có tổng số gần 9.000 thẻ đăng ký khám, chữa bệnh tại các phòng khám A.
Phát biểu tại hội nghị, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Vũ Đức Bảo đã ghi nhận, đánh giá cao những kết quả mà Ban Bảo vệ, Chăm sóc sức khỏe cán bộ thành phố đã thực hiện trong năm 2024. Trưởng ban Tổ chức Thành ủy đề nghị các bệnh viện và hệ thống 17 phòng khám A phải nắm chắc toàn bộ đối tượng quản lý, phân loại từng nhóm đối tượng theo mức độ sức khỏe để có chế độ chăm sóc tương ứng. Đặc biệt, cần quan tâm bố trí thêm giường bệnh để phục vụ điều trị tại chỗ; coi bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ là cơ hội để xây dựng thương hiệu, là lương tâm, trách nhiệm với người đi trước.
Trong đó, Sở Y tế với vai trò là cơ quan thường trực cần nghiên cứu, xây dựng và sớm đề xuất các đề án để báo cáo Thường trực Thành ủy như: Đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất các phòng khám; giải quyết chế độ, chính sách cho cán bộ và đẩy mạnh hoạt động mô hình bác sĩ gia đình... qua đó làm tốt hơn nữa nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ cán bộ được thành phố giao.
Báo hanoimoi
https://hanoionline.vn/video/quan-tam-phuc-vu-cham-soc-suc-khoe-can-bo-295040.htm
* Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn: chỉ số hài lòng người bệnh duy trì trên 90%
Ngày 10/1, Đại hội đại biểu lần thứ XXIII Đảng bộ Bệnh viện (BV) Đa khoa Xanh Pôn, nhiệm kỳ 2025-2030 diễn ra phiên chính thức. Đảng bộ BV Đa khoa Xanh Pôn là 1 trong 3 tổ chức cơ sở đảng được Quận ủy Ba Đình lựa chọn tổ chức đại hội điểm.
Bí thư Đảng ủy, Giám đốc BV Đa khoa Xanh Pôn Nguyễn Đức Long cho biết, 5 năm qua, Đảng ủy đã tập trung lãnh đạo BV triển khai thực hiện hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao,
Các chỉ tiêu chuyên môn đều đạt và vượt mức kế hoạch với chất lượng cao, không ngừng cải cách thủ tục hành chính, tăng sự hài lòng cho người bệnh. BV triển khai nhiều kỹ thuật cao, chuyên sâu, xứng đáng là BV chuyên khoa đầu ngành, tuyến cuối của Thủ đô.
Đời sống vật chất và tinh thần của cán bộ, viên chức và người lao động ngày được nâng cao. Hai năm liền, BV được nhận Cờ “Đơn vị xuất sắc phong trào thi đua” của UBND TP Hà Nội; năm 2020, BV nhận Cờ thi đua của Chính phủ; năm 2023 đạt Tập thể lao động xuất sắc và Bằng khen của UBND TP...
BV đã hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu khám, chữa bệnh hằng năm luôn đạt 100% đến 130% kế hoạch đề ra với chất lượng, hiệu quả cao.
Số ngày điều trị trung bình bệnh nhân nội trú ngày càng giảm, chất lượng điều trị được nâng cao, nhiều kỹ thuật cao, kỹ thuật mới được thực hiện thành công, tinh thần thái độ phục vụ người bệnh ngày một tốt hơn. Năm 2021, tỷ lệ bệnh nhân trái tuyến điều trị nội trú khoảng 15%, đã tăng lên gần 50% vào năm 2024.
Trình độ chuyên môn, tinh thần, thái độ phục vụ của đội ngũ y, bác sĩ BV ngày càng được nâng cao. Uy tín chuyên môn của BV ngày càng được tăng cường. Nhiều kỹ thuật cao ngang tầm với các BV T.Ư, các BV ở khu vực và thế giới.
BV là một trong hai cơ sở y tế trên toàn thế giới thực hiện được kỹ thuật mổ nội soi một lỗ. Trong giai đoạn từ năm 2022-2025, BV đã thu hút được nhiều chuyên gia đầu ngành trong và ngoài nước đến làm việc, góp phần đưa chuyên môn của bệnh viện phát triển nhanh, bền vững.
BV đang được TP quan tâm đang triển khai dự án nâng cấp, cải tạo phòng khám A thành Trung tâm Bảo vệ chăm sóc sức khỏe cán bộ TP với nhiều trang thiết bị tiên tiến, cơ sở vật chất hiện đại.
Đây là Trung tâm Bảo vệ chăm sóc sức khỏe cán bộ đầu tiên trên cả nước, khi đi vào hoạt động sẽ góp phần đưa trình độ chuyên môn của BV lên tầm cao mới.
Nhiệm kỳ 2025 – 2030, Đảng bộ BV tập trung xây dựng đảng trong sạch, vững mạnh toàn diện; xây dựng BV phát triển đột phá trong chuyên môn, trở thành một trong những BV hàng đầu của Thủ đô và cả nước; tiếp tục mục tiêu hướng tới tiên phong trong chuyển đổi số và trí tuệ nhân tạo; tuy trì, phát huy văn hóa Hà Nội và khí chất Xanh Pôn.
Một số chỉ tiêu chính đến năm 2030, BV hoàn thành các chỉ tiêu chuyên môn đề ra, năm sau cao hơn năm trước với chất lượng cao, an toàn trong điều trị.
Chỉ số hài lòng người bệnh duy trì trên 90%, chỉ số chất lượng BV đạt từ 4,6 điểm trở lên; tăng nguồn thu BV bình quân 10%-20% mỗi năm; tăng thu nhập bình quân của viên chức người lao động tối thiểu 10%/năm, cân đối thu nhập giữa các khoa chuyên môn và các phòng chức năng trong BV...
Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Đảng bộ BV Xanh Pôn khóa XXIII, nhiệm kỳ 2025-2030 gồm 9 đại biểu. Tại hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Đảng bộ BV khóa XXIII, Giám đốc BV Xanh Pôn Nguyễn Đức Long tiếp tục được tín nhiệm bầu giữ chức Bí thư Đảng ủy BV.
Đảng bộ BV Đa khoa Xanh Pôn là 1 trong 3 tổ chức cơ sở đảng được Quận ủy Ba Đình lựa chọn tổ chức đại hội điểm.
Báo kinhtedothi
https://kinhtedothi.vn/benh-vien-da-khoa-xanh-pon-chi-so-hai-long-nguoi-benh-duy-tri-tren-90.html
*Có 6 bệnh viện đạt cấp khám bệnh, chữa bệnh chuyên sâu
Sở Y tế Hà Nội vừa có báo cáo số 6380/SYT-NVY gửi Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) về kết quả xếp cấp chuyên môn kỹ thuật đối với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo thẩm quyền được phân công.
Theo báo cáo của Sở Y tế về kết quả xếp cấp chuyên môn kỹ thuật đối với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo thẩm quyền được phân công, có 6 bệnh viện đạt cấp khám bệnh, chữa bệnh chuyên sâu (3 bệnh viện công lập, 3 bệnh viện tư nhân) là: Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, Bệnh viện Tim Hà Nội, Bệnh viện Ung bướu Hà Nội, Bệnh viện đa khoa quốc tế Vinmec Times City, Bệnh viện đa khoa Tâm Anh và Bệnh viện Phụ sản Thiện An.
Ngoài ra, 93 bệnh viện đạt cấp khám bệnh, chữa bệnh cơ bản; trong đó có 84 bệnh viện ở cả 2 khối công lập và tư nhân, 9 bệnh viện bộ, ngành.
Theo đánh giá của Bộ Y tế, Sở Y tế Hà Nội là đơn vị đầu tiên trong cả nước hoàn thành việc xếp cấp đối với 100% bệnh viện trực thuộc, kết quả xếp cấp phản ánh đúng năng lực chuyên môn và thực trạng hoạt động của các bệnh viện.
Xếp cấp chuyên môn kỹ thuật là nội dung mới được đưa vào Luật Khám bệnh, chữa bệnh số 15/2023/QH15 ngày 9/1/2023 và Nghị định số 96/2023/NĐ-CP ngày 30/12/2023 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Khám bệnh, chữa bệnh. Trong đó có ba cấp chuyên môn kỹ thuật: cấp ban đầu, cấp cơ bản và cấp chuyên sâu.
Việc xếp cấp trên bốn nhóm năng lực của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, gồm: năng lực cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh và phạm vi hoạt động chuyên môn; năng lực tham gia đào tạo thực hành y khoa; năng lực tham gia hỗ trợ kỹ thuật cho cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác; năng lực nghiên cứu khoa học về y học.
Một trong những lợi ích lớn nhất của việc xếp cấp dựa trên năng lực nhằm tạo ra một môi trường cạnh tranh lành mạnh giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, thúc đẩy chất lượng dịch vụ y tế để đáp ứng các tiêu chí của từng cấp bậc, điều này đồng nghĩa với việc người bệnh sẽ được hưởng lợi từ những dịch vụ y tế chất lượng cao.
Báo tuoitrethudo
https://tuoitrethudo.vn/co-6-benh-vien-dat-cap-kham-benh-chua-benh-chuyen-sau-269476.html
VĂN BẢN MỚI
- Hướng dẫn về việc bổ sung về việc đăng ký khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu tại Bệnh viện Lão khoa Trung ương năm 2024
- Giám sát phản ứng có hại của thuốc (ADR) tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh
- Tăng cường các biện pháp phòng chống dịch bệnh tại các cơ sở kinh doanh thuốc trong dịp Tết Nguyên đán 2022
- Đảm bảo cung ứng thuốc phòng chống dịch bệnh và nhu cầu sử dụng thuốc trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022
- 4289/QĐ-SYT Quyết định về việc giao chỉ tiêu Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán thu, chi ngân sách năm 2022 cho các đơn vị thuộc Sở Y tế Hà Nội
- 10722/BYT-DP Về việc tiêm vắc xin phòng Covid-19 liều cơ bản và nhắc lại
- Công văn 10696/BYT-MT về việc cách ly y tế cho trường hợp F1 đã tiêm đủ liều vắc xin hoặc đã khỏi bệnh Covid-19
- Công văn 10688/BYT-MT của Bộ Y tế về phòng, chống dịch Covid-19 đối với người nhập cảnh
- Sử dụng kết quả xét nghiệm để phát hiện người mắc Covid-19 và cho người bệnh ra viện
- Quyết định 696/QĐ-SYT của Bộ Y tế ban hành Sổ tay thực hành tại cơ sở bán lẻ thuốc