Điểm báo
*Xử phạt 4,8 tỉ đồng sau gần 1 tháng kiểm tra ATTP dịp Tết
Đoàn kiểm tra liên ngành số 4 của Trung ương về an toàn thực phẩm (ATTP) đã có buổi làm việc với Ban Chỉ đạo công tác ATTP thành phố Hà Nội về công tác bảo đảm ATTP Tết Nguyên đán Giáp Thìn và lễ hội Xuân 2025.
Tập trung kiểm tra ATTP các mặt hàng phục vụ Tết Nguyên đán
Đại diện Đoàn kiểm tra liên ngành về công tác ATTP số 1 của TP, ông Đặng Thanh Phong, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội đã báo cáo kết quả công tác đảm bảo ATTP Tết Nguyên đán Ất Tỵ và Lễ hội Xuân năm 2025 của Ban Chỉ đạo công tác ATTP thành phố Hà Nội, trong dịp Tết năm nay, toàn thành phố đã thành lập 681 đoàn kiểm tra.
Tính từ ngày 15/12/2024 đến 10/1/2025, toàn thành phố Hà Nội đã thanh tra, kiểm tra 6.829 cơ sở sản xuất, kinh doanh an toàn thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán, trong đó 5.828 cơ sở đạt, vi phạm 1.001 cơ sở; phạt 954 cơ sở với tổng số tiền phạt là hơn 4,8 tỉ đồng, nhắc nhở 30 cơ sở và đang tiếp tục xử lý vi phạm với 17 cơ sở.
Tính riêng tuyến thành phố đã kiểm tra 518 cơ sở, trong đó 94 cơ sở đạt, vi phạm 424 cơ sở, đang tiếp tục làm việc xử lý vi phạm với 17 cơ sở; phạt tiền 407 cơ sở, tổng số tiền phạt hơn 2,7 tỉ đồng.
Nhiều hàng hoá phục vụ dịp Tết không đảm bảo ATTP buộc phải thu hồi tiêu huỷ như thực phẩm bao gói sẵn (gồm xúc xích, kẹo và các sản phẩm từ thịt động vật...); thịt bò đông lạnh; hoa quả khô; rượu thủ công, sản phẩm bánh, kẹo…không đảm bảo an toàn thực phẩm; chuyển 4 vụ sang cơ quan điều tra để tiếp tục xử lý theo quy định..
Tuyến quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn đã kiểm tra tổng số 6.311 cơ sở, trong đó số cơ sở đạt 5.734 cơ sở, vi phạm 577 cơ sở, phạt tiền 547 cơ sở với số tiền phạt là hơn 2 tỉ đồng, nhắc nhở 30 cơ sở; tiêu hủy 170 loại sản phẩm thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ với giá trị hàng hóa vi phạm trên 300 triệu đồng.
Các đoàn kiểm tra liên ngành thành phố đã kiểm tra việc triển khai công tác đảm bảo an toàn thực phẩm Tết Nguyên đán Ất Tỵ và Lễ hội Xuân năm 2025 của 23/30 Ban chỉ đạo An toàn thực phẩm quận, huyện, thị xã.
Các đoàn cũng kiểm tra đột xuất thực tế tại 28 cơ sở sản xuất, chế biến kinh doanh thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống, kết quả 4 cơ sở đạt; 24 cơ sở có vi phạm, các đoàn kiểm tra liên ngành đã yêu cầu tạm dừng hoạt động 5 cơ sở; giao cho Ban chỉ đạo công tác An toàn thực phẩm các quận, huyện làm việc với 24 cơ sở.
Tính đến ngày 10/1/2024, Ban Chỉ đạo ATTP các quận huyện được chuyển xử lý đã xử lý vi phạm 7 cơ sở với số tiền phạt gần 300 triệu đồng; đang trong quá trình xử lý vi phạm đối với 17 cơ sở; lấy 7 mẫu thực phẩm gửi kiểm nghiệm, hiện chưa có kết quả.
Hoạt động lấy mẫu, giám sát chất lượng, an toàn thực phẩm trong dịp Tết và lễ hội Xuân tiếp tục được tăng cường và tập trung vào các sản phẩm tươi sống tiêu dùng hàng ngày của người dân tại các công đoạn có nguy cơ cao.
Tổng số mẫu được giám sát trong đợt 1 là 189 mẫu (ngành nông nghiệp giám sát 32 mẫu, ngành Y tế giám sát 150 mẫu, các đoàn liên ngành của thành phố giám sát 7 mẫu), trong đó có 148 đạt các chỉ tiêu hóa lý, vi sinh, 9 mẫu không đạt các chỉ tiêu hóa lý, vi sinh, 31 mẫu chưa có kết quả kiểm nghiệm.
Tổng số mẫu xét nghiệm nhanh (chủ yếu là mẫu tinh bột, phẩm màu kiềm, dấm vô cơ, foocmon, hàn the, ôi khét, methanol) được thực hiện trong các đợt kiểm tra 13.225 mẫu trong đó số mẫu không đạt: 1.005 mẫu (chiếm tỉ lệ 7,6 %).
Nâng mức xử phạt gấp đôi để tạo sức răn đe
Tại buổi làm việc, các đoàn kiểm tra đã tập trung làm rõ các nội dung: Về công tác tuyên truyền ở các tuyến quận, huyện, xã; công tác giám sát dư lượng các chất độc hại trong động vật và sản phẩm động vật thủy sản nuôi dùng làm thực phẩm; việc xử lý các kiến nghị về ATTP; việc bố trí kinh phí đối với công tác bảo đảm ATTP…
Qua công tác ra quân kiểm tra ATTP dịp Tết gần 1 tháng qua, ông Vũ Cao Cương, Phó Giám đốc Sở Y tế, Trưởng đoàn kiểm tra liên ngành về công tác An toàn thực phẩm số 1 của TP đánh giá: Việc nâng mức tiền phạt gấp đôi đã tăng tính răn đe đối với tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động liên quan ATTP, hướng tới tạo lập môi trường kinh doanh lành mạnh.
Thời gian qua, công tác ATTP luôn được lãnh đạo TP Hà Nội quan tâm chỉ đạo sát sao, Sở Y tế cùng các ngành liên tục đẩy mạnh công tác truyền thông, tập huấn về bảo đảm ATTP, đồng thời xử lý nghiêm các vi phạm về ATTP các cấp.
Đoàn kiểm tra liên ngành số 4 của Trung ương về ATTP cũng ghi nhận, đánh giá cao công tác triển khai các hoạt động bảo đảm ATTP dịp Tết Nguyên đán và lễ hội Xuân 20235 của Ban Chỉ đạo công tác ATTP thành phố Hà Nội.
Đoàn đề nghị Ban Chỉ đạo liên ngành về ATTP thành phố tiếp tục triển khai phối hợp liên ngành trong công tác đảm bảo ATTP dịp Tết Nguyên đán và lễ hội Xuân năm 2025; trong đó tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra liên ngành, tập trung vào những mặt hàng có nguy cơ cao; đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Sau buổi làm việc, đoàn kiểm tra liên ngành số 4 của Trung ương về ATTP và Ban chỉ đạo công tác ATTP thành phố Hà Nội đã đi kiểm tra thực tế tại nhà máy chế biến thực phẩm Công ty CP bánh mứt kẹo Bảo Minh (Khu Công nghiệp Nam Thăng Long, Quận Bắc Từ Liêm); Công ty cổ phần sô cô la Belcholat (Khu Công nghiệp Nam Thăng Long, Quận Bắc Từ Liêm).
Tại thời điểm kiểm tra, đoàn ghi nhận hai cơ sở đã tuân thủ các quy định về bảo đảm an toàn, vệ sinh thực phẩm, cung cấp đầy đủ hồ sơ pháp lý.
Các khu vực sơ chế, chế biến, kho bảo quản được thiết kế khoa học, ngăn nắp, đảm bảo quy định về ATTP khép kín 1 chiều. Các kho thành phẩm, nguyên liệu có giá kệ.
Đoàn cũng tiến hành lấy mẫu xét nghiệm một số sản phẩm sô cô la của công ty Belcholat và sản phẩm của công ty CP bánh mứt kẹo Bảo Minh.
Kết thúc buổi kiểm tra, bà Chu Thị Thu Hương, Phó Tổng Cục trưởng Cục quản lý thị trường (Bộ Công thương), Trưởng đoàn kiểm tra liên ngành số 4 của Trung ương về ATTP ghi nhận, đánh giá cao công tác triển khai các hoạt động bảo đảm ATTP trong dịp Tết Nguyên đán và lễ hội Xuân 2025 của thành phố Hà Nội.
Sở Y tế cũng đã tăng cường đẩy mạnh công tác kiểm tra lấy mẫu thường xuyên về đảm bảo ATTP thức ăn đường phố và bếp ăn tập thể;
Qua quá trình kiểm tra đã phát hiện xử lý nhiều vụ vi phạm lớn tuy nhiên công tác kiểm tra cũng gặp nhiều khó khăn về vấn đề pháp lý, kho bãi, nhân lực.., đoàn kiểm tra đã ghi nhận để kiến nghị sửa đổi, tháo gỡ các khó khăn về cơ chế pháp lý.
Đoàn kiểm tra cũng đánh giá Hà Nội cũng là địa phương đi đầu trong cả nước về lĩnh vực ATTP luôn được UBND TP quan tâm chỉ đạo.
Thời gian qua, cơ quan chức năng của thành phố đã rất tích cực vào cuộc thanh tra, kiểm tra, qua đó phát hiện và xử lý nhiều vụ vi phạm an toàn thực phẩm lớn.
Tuy nhiên, với đặc thù là thành phố đông dân với số lượng lớn các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm nhỏ lẻ, nhân lực kiểm tra về công tác ATTP còn mỏng, TP cần tháo gỡ các vướng mắc về nhân sự, đặc biệt là tại các tuyến huyện, tuyến xã.
Để phát huy các kết quả đạt được, theo bà Chu Thị Thu Hương, thời gian tới, công tác thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm Tết Nguyên đán và lễ hội Xuân trên địa bàn thành phố cần tiếp tục được tăng cường. Cùng với việc phản ánh các cơ sở vi phạm, thành phố cần tăng cường tuyên truyền, thông tin về các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn để người tiêu dùng biết và lựa chọn.
Báo tuoitrethudo
https://tuoitrethudo.vn/xu-phat-48-ti-dong-sau-gan-1-thang-kiem-tra-attp-dip-tet-269760.html
https://kinhtedothi.vn/ha-noi-xu-phat-954-co-so-vi-pham-attp-dip-tet-2025.html
https://hanoionline.vn/video/954-co-so-vi-pham-an-toan-thuc-pham-296133.htm
*Cảnh báo bệnh sởi ở trẻ trong mùa đông xuân
Hai tuần đầu tiên của năm 2025, số ca mắc sởi trên địa bàn Hà Nội tăng nhanh, trong đó nhiều trẻ nhập viện trong tình trạng nguy kịch do biến chứng của bệnh.
Trước bối cảnh Tết Nguyên đán cận kề với nhiều hoạt động thăm hỏi, vui chơi, tụ họp đông người… cùng thời tiết giao mùa đông xuân tạo thuận lợi cho bệnh sởi lây lan và bùng phát, các chuyên gia y tế khuyến cáo, tiêm phòng là biện pháp chủ động, hiệu quả, an toàn để phòng, chống dịch bệnh sởi ở trẻ.
Nhiều trẻ biến chứng nặng
Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, bước vào đầu năm 2025, trên địa bàn thành phố ghi nhận 100-120 ca bệnh sởi/tuần; trong khi cùng kỳ năm 2023 và năm 2024 không có ca bệnh. Ghi nhận tại các bệnh viện trên địa bàn Hà Nội, số ca mắc sởi đang có xu hướng gia tăng, trong đó chủ yếu là ở trẻ chưa tiêm vắc xin hoặc chưa được tiêm đầy đủ.
Bế con nhỏ 19 tháng tuổi trên tay, chị Nguyễn Thị Hà (ở quận Hoàng Mai) chia sẻ: "Con tôi mắc sởi với biến chứng viêm phổi và phải điều trị nội trú tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn hơn 1 tuần nay. Trước đó, cháu chưa được tiêm phòng bệnh sởi. Bởi cứ đến thời điểm phải tiêm vắc xin thì cháu lại ốm".
Tương tự, bé gái 3 tháng tuổi (ở huyện Thanh Trì) cũng điều trị biến chứng viêm phổi của bệnh sởi. Mẹ bé kể: "Ban đầu, khi thấy con xuất hiện các triệu chứng ho, sốt, nổi ban, tôi nghĩ cháu bị sốt phát ban. Tiếp đến, các ban bắt đầu xuất hiện nhiều hơn ở mặt và mấy ngày sau lan ra toàn thân. Khi đó, gia đình mới đưa cháu vào Bệnh viện Nhi Hà Nội thì bệnh đã trở nặng".
Kể từ tháng 10-2024 đến nay, Bệnh viện Nhi Hà Nội đã tiếp nhận và điều trị cho gần 70 trẻ mắc bệnh sởi, trong đó khoảng 30% trẻ nhập viện trong tình trạng nặng, phải can thiệp thở ô xy hoặc thở máy. Bác sĩ Nguyễn Sỹ Đức, Khoa Truyền nhiễm của bệnh viện cho biết, bệnh sởi có mức độ lây lan rất nhanh. Đặc biệt, lúc giao mùa đông xuân là thời điểm thuận lợi cho dịch này bùng phát. Những bệnh nhi mắc sởi nặng điều trị tại đây đều chưa được tiêm phòng.
Thời gian gần đây, số trẻ mắc sởi điều trị tại Bệnh viện Nhi trung ương cũng gia tăng. Trung bình mỗi ngày, bệnh viện khám cho hơn 20 bệnh nhi mắc sởi, với khoảng 40% ca nặng phải nhập viện điều trị nội trú. Đáng nói là có nhiều trẻ bị biến chứng nặng, trong đó, biến chứng phổ biến là viêm phổi, viêm phế quản, bị bội nhiễm, viêm não…
Tránh những sai lầm đáng tiếc
Để giúp các bậc phụ huynh nhận biết bệnh sởi ở trẻ, Thạc sĩ, bác sĩ Lê Thị Thu Hiền, Khoa Nhi (Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương) chia sẻ, bệnh sởi thường diễn tiến qua ba giai đoạn rõ rệt. Trong giai đoạn khởi phát, trẻ có các triệu chứng tương tự cảm cúm như: Sốt, ho, ngạt mũi, mắt đỏ và tiêu chảy. Đây là giai đoạn dễ lây lan nhưng khó nhận biết do chưa xuất hiện ban sởi. Tiếp theo, giai đoạn phát ban với biểu hiện đặc trưng là các nốt ban đỏ xuất hiện từ sau chân tóc, lan xuống mặt, cổ, thân mình và các chi. Ở giai đoạn này, trẻ thường sốt cao và rất mệt mỏi. Cuối cùng là giai đoạn ban "bay", khi các ban mờ dần, để lại các vết loang lổ trên da trước khi trẻ hồi phục hoàn toàn…
Thế nhưng, khi chăm sóc trẻ nhỏ mắc sởi, nhiều phụ huynh đã có những cách làm sai lầm khiến biến chứng bệnh nặng thêm. Các chuyên gia y tế dẫn chứng, việc giữ con ở nhà điều trị quá lâu mà không theo dõi sát diễn biến tình trạng trẻ; việc kiêng gió, kiêng nước, không tắm cho trẻ nhiễm bệnh cũng làm trẻ bị bội nhiễm trên da, viêm kết mạc… Hay như một số phụ huynh nhầm lẫn giữa sởi và sốt phát ban dẫn đến điều trị sai cách, khiến tình trạng bệnh của trẻ càng trầm trọng.
Theo các bác sĩ, với trường hợp bị sốt phát ban thông thường, triệu chứng hay gặp là nổi đồng loạt nốt đỏ, hồng khắp cơ thể, ẩn dưới bề mặt da. Khi nốt ban "bay" hết, da bệnh nhân sẽ trở về bình thường, không để lại vết thâm hoặc sẹo. Còn với trường hợp bị bệnh sởi, nốt ban xuất hiện ở từng bộ phận, sau đó vài ngày mới lan xuống toàn thân. Đặc điểm ban sởi là ban gồ lên mặt da, khi "bay" sẽ để lại những vết thâm. Trẻ bị sởi còn có thêm dấu hiệu đặc trưng đi kèm là chảy nước mũi, ho và mắt đỏ.
Để phòng tránh bệnh sởi trong mùa đông xuân, bác sĩ Nguyễn Sỹ Đức khuyến cáo, các gia đình có con đến tuổi tiêm phòng vắc xin sởi cần đưa trẻ đi tiêm phòng. Đặc biệt, trẻ cần phải tiêm nhắc lại đầy đủ, đúng lịch theo hướng dẫn của cán bộ y tế tại các cơ sở tiêm chủng. Ngoài ra, người dân cần áp dụng các biện pháp dự phòng chung như đeo khẩu trang khi đến chỗ đông người hoặc bệnh viện, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, giữ nhà cửa thông thoáng, sạch sẽ.
Cùng với đó, phụ huynh cần cho trẻ ăn uống đủ chất, bảo đảm dinh dưỡng, ăn nhiều hoa quả để tăng sức đề kháng. Khi thấy trẻ có các dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh, cha mẹ không nên tự ý điều trị tại nhà mà phải đến ngay các cơ sở y tế để được khám, tư vấn và điều trị kịp thời. Gia đình cũng cần thực hiện biện pháp cách ly trẻ mắc sởi, thực hiện vệ sinh môi trường sống, rửa tay thường xuyên, giúp giảm nguy cơ lây lan dịch bệnh.
Báo hanoimoi
https://hanoimoi.vn/canh-bao-benh-soi-o-tre-trong-mua-dong-xuan-690493.html
*Hà Nội: Bé gái chào đời, tay cầm vòng tránh thai của mẹ
Hình ảnh em bé chào đời khỏe mạnh cùng chiếc vòng tránh thai đã khiến nhiều người bất ngờ và được xem là một trường hợp hiếm gặp trong sản khoa.
Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội vừa đón chào một bé gái khỏe mạnh nặng 3,2kg. Điều đặc biệt là em bé chào đời cùng với chiếc vòng tránh thai mà người mẹ đã đặt cách đây 2 năm.
Mẹ của em bé, chị V.T.T.H. (35 tuổi, Vĩnh Phúc) cho biết, đã đặt vòng tránh thai cách đây 2 năm để ngừa thai. Tuy nhiên, dù sử dụng biện pháp tránh thai này, chị vẫn mang thai ngoài kế hoạch.
Theo các bác sĩ, chiếc vòng tránh thai đã nằm bên ngoài túi ối trong suốt thai kỳ và không gây ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi.
Dưới sự theo dõi chặt chẽ của đội ngũ y bác sĩ tại Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội, thai kỳ của chị H. diễn ra an toàn. Ca phẫu thuật do ThS.BSCKII Trần Ngọc Đính, Trưởng khoa Tự nguyện D5 trực tiếp thực hiện.
Theo Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, vòng tránh thai là một phương pháp ngừa thai phổ biến và hiệu quả cao, nhưng không phải là phương pháp tuyệt đối ngăn ngừa thai.
Có nhiều yếu tố có thể làm giảm hiệu quả của vòng như: vòng di chuyển, hư hỏng hoặc các vấn đề về sức khỏe của người phụ nữ.
Các phương pháp tránh thai đều có ưu/nhược điểm riêng, để lựa chọn phương pháp tránh thai tối ưu và phù hợp nhất với tình trạng sức khỏe, chị em nên đến bệnh viện chuyên khoa để được bác sĩ tư vấn.
Báo dantri.cm.vn
*Làm tốt công tác kiểm soát dịch bệnh, quản lý sức khoẻ Nhân dân
Chiều 14/1, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Nguyễn Lan Hương đã đi thăm, tặng quà cán bộ, lãnh đạo, nhân viên y tế Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hà Nội nhân dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2023.
Tại đây, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Nguyễn Lan Hương biểu dương những nỗ lực của ngành Ytế nói chung và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP nói riêng trong thời gian qua; đồng thời khẳng định những thành quả quả đó rất đáng trân trọng, là cơ sở để xã hội, Nhân dân luôn tôn kính hình ảnh những chiến sĩ áo trắng, đặc biệt trong thời khắc hiểm nguy về phòng, chống dịch bệnh.
Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Nguyễn Lan Hương nhấn mạnh, bằng chuyên môn của mình, cán bộ, lãnh đạo và nhân viên y tế Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP đã làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh, tham gia quản lý sức khỏe cho người dân trên địa bàn TP và thực hiện tốt việc chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống dịch.
Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Nguyễn Lan Hương bày tỏ tin tưởng với sự đoàn kết, thống nhất cao, sự nỗ lực của tập thể cán bộ lãnh đạo, nhân viên trong đơn vị và sự quan tâm chỉ đạo hướng dẫn sâu sát của Sở Y tế, chắc chắn năm 2025, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP sẽ tiếp tục vượt qua khó khăn, thách thức để gặt hái được những thành tích tốt hơn nữa trong công việc chuyên môn. Đó là phòng, chống dịch bệnh, quản lý sức khỏe của người dân và đón bắt những thay đổi về cơ chế trong thời gian tới.
Nhân dịp chuẩn bị đón Xuân Ất Tỵ 2025, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội chúc cán bộ, lãnh đạo và nhân viên y tế Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP bình an, hạnh phúc, tiếp tục gặt hái nhiều thành công.
Báo tuoitrethudo
https://tuoitrethudo.vn/lam-tot-cong-tac-kiem-soat-dich-benh-quan-ly-suc-khoe-nhan-dan-269819.html
*Khám, cấp phát thuốc miễn phí cho 500 người cao tuổi
Nhân dịp kỷ niệm 70 năm ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2/1955 – 27/2/2025), trong 2 ngày 11 và 12/1, Trung tâm Y tế huyện Gia Lâm phối hợp với Bệnh viện Đa khoa Gia Lâm tổ chức khám, tư vấn sức khỏe, cấp phát thuốc miễn phí cho 500 người cao tuổi từ 80 tuổi trở lên trên địa bàn.
Chương trình khám chữa bệnh miễn phí nhằm hưởng ứng phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” trong Nhân dân, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, đoàn thể, cộng đồng xã hội trong việc chăm sóc người cao tuổi với mục tiêu giúp người cao tuổi theo dõi sức khỏe, phát hiện sớm các bệnh, từ đó đưa ra phương pháp điều trị phù hợp.
Trong quá trình khám, người cao tuổi được các y, bác sĩ đo huyết áp, khám nội - ngoại tổng quát, khám lâm sàng các chuyên khoa mắt - tai mũi họng - răng hàm mặt, siêu âm tổng quát, điện tâm đồ… và cấp phát thuốc miễn phí.
Đặc biệt, đối với những người cao tuổi có bệnh lý sẽ được cán bộ y tế tư vấn sức khỏe, đưa ra phác đồ điều trị kịp thời.
Các cán bộ nhân viên y tế cũng thực hiện truyền thông lồng ghép cách nhận biết và phòng chống bệnh tăng huyết áp; tăng cường vận động; bổ sung dinh dưỡng hợp lý góp phần nâng cao sức khoẻ, phòng ngừa bệnh tật; hướng dẫn người cao tuổi khám sức khoẻ định kỳ.
Chương trình khám sức khỏe miễn phí cho người cao tuổi được triển khai hàng năm, đây là hoạt động thiết thực thể hiện sự quan tâm của lãnh đạo các cấp, ban ngành trong việc chăm lo tốt hơn sức khỏe của người cao tuổi trên địa bàn, nhất là người cao tuổi neo đơn, thuộc diện nghèo, khó khăn, giúp người cao tuổi luôn sống vui, sống khỏe, sống có ích.
Báo tuoitrethudo
https://tuoitrethudo.vn/kham-cap-phat-thuoc-mien-phi-cho-500-nguoi-cao-tuoi-269809.html
VĂN BẢN MỚI
- Hướng dẫn về việc bổ sung về việc đăng ký khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu tại Bệnh viện Lão khoa Trung ương năm 2024
- Giám sát phản ứng có hại của thuốc (ADR) tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh
- Tăng cường các biện pháp phòng chống dịch bệnh tại các cơ sở kinh doanh thuốc trong dịp Tết Nguyên đán 2022
- Đảm bảo cung ứng thuốc phòng chống dịch bệnh và nhu cầu sử dụng thuốc trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022
- 4289/QĐ-SYT Quyết định về việc giao chỉ tiêu Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán thu, chi ngân sách năm 2022 cho các đơn vị thuộc Sở Y tế Hà Nội
- 10722/BYT-DP Về việc tiêm vắc xin phòng Covid-19 liều cơ bản và nhắc lại
- Công văn 10696/BYT-MT về việc cách ly y tế cho trường hợp F1 đã tiêm đủ liều vắc xin hoặc đã khỏi bệnh Covid-19
- Công văn 10688/BYT-MT của Bộ Y tế về phòng, chống dịch Covid-19 đối với người nhập cảnh
- Sử dụng kết quả xét nghiệm để phát hiện người mắc Covid-19 và cho người bệnh ra viện
- Quyết định 696/QĐ-SYT của Bộ Y tế ban hành Sổ tay thực hành tại cơ sở bán lẻ thuốc