Điểm báo
*Đổi mới vì người bệnh
Sở Y tế Hà Nội vừa công bố kết quả khảo sát, đánh giá tỷ lệ hài lòng của người bệnh quý IV/2024. Tỷ lệ hài lòng đối với khối bệnh viện (BV) là 97,11%, và 96,69% đối với khối Trung tâm Y tế và Trung tâm Cấp cứu 115.
Có được kết quả này là nhờ Hà Nội đã và đang triển khai nhiều giải pháp căn cơ đổi mới cơ sở y tế, củng cố niềm tin nơi người bệnh. Đây là kết quả rất đáng ghi nhận, đòi hỏi ngành y tế tiếp tục đổi mới hơn thời gian tới.
Thực tế cho thấy, sau hơn 10 năm áp dụng bộ 83 tiêu chí đánh giá chất lượng BV, diện mạo của các BV trên địa bàn Hà Nội đã thay đổi rõ rệt, được Nhân dân công nhận, ủng hộ. Thời gian qua, các BV đã đưa ra nhiều chính sách, giải pháp đúng đắn phát triển các kỹ thuật cao, chuyên sâu vào điều trị; ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách hành chính, tích cực chuyển đổi số nâng cao chất lượng dịch vụ, đổi mới phong cách, thái độ phục vụ, hướng tới sự hài lòng của người bệnh.
Minh chứng điển hình cho thấy, đến nay, các BV Đa khoa Xanh Pôn, Hà Đông, Đức Giang… đã số hóa các quy trình khám, chữa bệnh (KCB) như KCB sử dụng thẻ căn cước công dân và tài khoản định danh điện tử VNeID; KCB sử dụng sinh trắc học; Ki-ốt tự phục vụ; thực hiện nền tảng quản lý lưu trú tại cơ sở KCB; tích hợp thông tin Sổ sức khỏe điện tử trên VNeID…
Các BV triển khai đa dạng hóa các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt đạt tỷ lệ khoảng 80% tổng số thanh toán, giúp giảm thiểu thủ tục thanh toán, tiết kiệm thời gian.
Mặt khác, một số BV triển khai lắp đặt thêm cây tiếp đón thông minh phục vụ người dân nhanh chóng, thuận tiện và giảm tình trạng ùn ứ cục bộ thời gian đầu giờ khám bệnh. Quá trình thực hiện các xét nghiệm, chụp chiếu, bệnh nhân không phải ngồi chờ kết quả mà sẽ được gửi về tin nhắn điện thoại và phần mềm quản lý bệnh nhân, tiết kiệm thời gian cho người bệnh. Đặc biệt, quy trình cấp phát thuốc thông minh được các BV cải tiến mạnh mẽ nhằm giảm sai sót, giảm quá tải, giúp việc chuẩn bị thuốc có thể bắt đầu ngay sau khi có đơn thuốc từ phòng khám.
Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Đình Hưng nhận định, các BV đã có nhiều đổi mới nâng cao chất lượng KCB, thực hiện tốt Bộ tiêu chí chất lượng BV theo quy định của Bộ Y tế. Đích đến của cải tiến chất lượng BV là sự hài lòng của người bệnh. Do đó, các BV cần triển khai liên tục, kết hợp phân tích, đánh giá hiệu quả thường xuyên để xác định các vấn đề cần tập trung cải tiến chất lượng BV.
Các ý kiến đóng góp của người bệnh cần được tiếp thu và sử dụng kết quả khảo sát để đánh giá, phân tích nguyên nhân và đưa ra các giải pháp nhằm tăng cường sự hài lòng của người dân và bệnh nhân khi sử dụng các dịch vụ y tế.
Từ góp ý của người bệnh, các BV xây dựng văn hóa chất lượng BV. Một số ý kiến cho rằng, việc nâng cao chất lượng BV phải thực chất và từ nội lực của BV, có như vậy mới không có hiện tượng "tô hồng" báo cáo hay làm chất lượng một cách đối phó và hời hợt, nên bắt đầu từ những điều nhỏ nhất như nhà vệ sinh, lối đi, điện nước… trong BV, đến những cải tiến sâu hơn về chuyên môn kỹ thuật.
Thiết nghĩ, để làm tốt công tác chất lượng BV, ngoài thực hiện Bộ 83 tiêu chí chất lượng BV, các BV cần bám sát các tiêu chuẩn và chuẩn mực quốc tế. Việc cải tiến chất lượng BV có thành công hay không phải từ lãnh đạo. Việc triển khai quản lý chất lượng phải chuyên nghiệp, bài bản và thực chất. Ngành y tế phải thực hiện công tác cải tiến chất lượng một cách hệ thống, khoa học và toàn diện trong các lĩnh vực hoạt động. Có như vậy, công tác cải tiến chất lượng BV mới bền vững, đáp ứng lòng mong mỏi của người dân.
Báo Kinhtedothi
https://kinhtedothi.vn/doi-moi-vi-nguoi-benh.html
*Bộ Y tế đề xuất xây dựng Luật Phòng bệnh
Bộ Y tế đề xuất xây dựng Luật Phòng bệnh nhằm khắc phục những tồn tại, bất cập liên quan đến dự phòng và nâng cao sức khỏe người dân.
Sự gia tăng của các bệnh không lây nhiễm chiếm tới 70% nguyên nhân các ca tử vong tại Việt Nam, đang đặt gánh nặng lên hệ thống y tế và đời sống của người dân. Để có hành lang pháp lý đầy đủ, toàn diện cho công tác phòng bệnh, nâng cao chất lượng sức khỏe toàn dân, việc xây dựng và ban hành Luật phòng bệnh là điều cần thiết.
Bệnh không lây nhiễm tăng
Theo báo cáo của Bộ Y tế, số liệu về mô hình tử vong cho thấy gánh nặng bệnh tật do các bệnh không lây nhiễm chiếm tới 2/3 tổng gánh nặng bệnh tật toàn quốc, trong đó tỷ lệ các bệnh như ung thư, tim mạch, tiểu đường chiếm phần lớn.
15,3% dân số từ 40-69 tuổi nguy cơ cao > 20% trong vòng 10 năm tới gặp các biến cố tim mạch như đột quỵ và nhồi máu cơ tim. Chỉ 40,8% trong số những người có nguy cơ cao này được tư vấn và dùng thuốc để phòng ngừa bệnh.
PGS.TS Nguyễn Sinh Hiền, Chủ tịch Hội Tim mạch học Hà Nội, Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội cho rằng, nguyên nhân chính đến từ các nguy cơ về môi trường sống, áp lực công việc, cuộc sống, thói quen lười vận động, chế độ ăn không hợp lý, ăn quá nhiều thịt, ăn nhiều đồ chiên rán”
Bộ Y yế cũng thống kê cho thấy gần 1/5 dân số (19.5%) bị thừa cân (IBM > 25kg/m2), trong đó có 2,1% béo phì. Tỷ lệ thừa cân béo phì ở người trưởng thành 19-65 tuổi tăng từ 12% năm 2010 đến 19,6%/ năm năm 2020 (tăng 1,6 lần sau 10 năm); khoảng 44,1% người trưởng thành có mức cholesterol toàn phần trong máu cao >5,0mmol/L hoặc đang dùng thuốc điều trị tăng cholesterol.
Xã hội phát triển lại càng phát sinh nhiều bệnh tật, độ tuổi mắc bệnh và tử vong cũng ngày càng trẻ hóa, đặc biệt với các bệnh không lây nhiễm. Tại Bệnh viện Tim Hà Nội, số ca mắc bệnh tim mạch đang gia tăng trung bình mỗi năm khoảng 10-20%.
Mỗi năm nước ta có khoảng 200.000 người tử vong vì bệnh tim mạch. “Bệnh tim mạch là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong cho nhân loại, nhiều hơn cả bệnh ung thư. Theo thống kê tại Việt Nam, khoảng 25% người trưởng thành đang mắc bệnh tim mạch, nhiều ca cấp cứu nhồi máu cơ tim ở độ tuổi trước 40”, PGS Hiền cho biết thêm.
Không chỉ tim mạch, tiểu đường thậm chí còn được ví như “đại dịch” với tỷ lệ nhiễm bệnh tăng chóng mặt. TS.BS Nguyễn Đình Hưng, Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế Hà Nội cho biết, riêng tại Hà Nội, thành phố có khoảng 500.000 người bị tiểu đường và 1,5 triệu người mắc tiền tiểu đường. Đáng báo động là chỉ có 50% trong số đó được chẩn đoán, điều trị và chỉ có 30% được tiếp nhận điều trị có chất lượng. Do đó, có đến 50% bệnh nhân tiểu đường lúc phát hiện đã có biến chứng tim mạch.
Việc sửa đổi, cập nhật các chính sách luật hiện hành để đảm bảo quản lý toàn diện các vấn đề sức khỏe của người dân, bao gồm cả bệnh lây nhiễm, không lây nhiễm và các vấn đề dinh dưỡng, sức khỏe tâm thần cần sự vào cuộc mạnh mẽ của hệ thống chính trị, để sớm tạo hành lang pháp lý vững chắc cho hệ thống y tế, hướng tới nâng cao chất lượng sống và tuổi thọ trung bình của người dân.
Cần gấp rút xây dựng và ban hành Luật Phòng bệnh
Hiện Việt Nam mới chỉ có Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm mà chưa có hành lang pháp lý để kiểm soát các vấn đề khác như sức khỏe môi trường, đặc biệt là việc phòng ngừa và quản lý bệnh không lây nhiễm, sức khỏe tâm thần, dinh dưỡng…
Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) để phòng bệnh thì trước tiên, chúng ta cần phòng các yếu tố nguy cơ về môi trường, xã hội, sau đó là phòng bệnh truyền nhiễm, bệnh không lây nhiễm, bệnh không rõ nguyên nhân.
Những con số đáng báo động về bệnh không lây nhiễm đang đặt ra thách thức rất lớn cho kinh tế - xã hội, yêu cầu cấp thiết cần phải có Luật Phòng bệnh, để bao phủ tất cả các vấn đề liên quan đến bệnh tật, sức khỏe toàn dân.
PGS.TS Trần Đắc Phu chia sẻ thêm: “Chúng ta đã có Luật Khám bệnh, chữa bệnh thì cũng cần có Luật Phòng bệnh để cân đối. Các cụ xưa vẫn có câu “phòng bệnh hơn chữa bệnh”, làm sao để người dân sống thọ, sống khỏe”
Từ thực tế trên, Bộ Y tế đã đề xuất xây dựng dự án Luật Phòng bệnh nhằm khắc phục những hạn chế của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm hiện hành. Đồng thời, Luật cũng hướng tới mục tiêu quản lý toàn diện sức khỏe cho ngươi dân, bao gồm cả những vấn đề trước nay còn đang bị bỏ ngỏ như dinh dưỡng, sức khỏe tâm thần, bệnh không lây nhiễm. Làm được điều này sẽ là tiền đề cho việc nâng cao chất lượng sống và tuổi thọ của người dân.
Báo VTCNews
https://vtcnews.vn/bo-y-te-de-xuat-xay-dung-luat-phong-benh-ar921374.html
*Cao điểm truyền thông kỷ niệm 70 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam
Sở Y tế Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 241/KH-SYT về việc triển khai các hoạt động truyền thông kỷ niệm 70 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2/1955 - 27/2/2025).
Với chủ đề “Ngành y tế Thủ đô – 70 năm làm theo lời Bác", kế hoạch nhằm truyền thông sâu rộng các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, các thành tựu, kết quả của ngành y tế Thủ đô đạt được trong năm 2024, xây dựng, phát triển và nhiệm vụ trọng tâm năm 2025.
Trong đó, ngành y tế tập trung vào nội dung, phương thức truyền thông có trọng điểm nhằm thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp triển khai công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân Thủ đô.
Qua đó, tạo sự đồng thuận, ủng hộ của các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội và người dân, góp phần nâng cao vị thế, vai trò của ngành y tế Thủ đô trong sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước.
Theo kế hoạch, hoạt động truyền thông được triển khai đa dạng, dưới nhiều hình thức như: phối hợp với các cơ quan báo chí T.Ư và TP, truyền thông trên trang thông tin điện tử của sở và của các đơn vị, lồng ghép tuyên truyền tại hội nghị, hội thảo khoa học, triển lãm, cuộc thi do Sở Y tế, Công đoàn ngành Y tế và các đơn vị tổ chức.
5 nội dung truyền thông trọng tâm gồm: tuyên truyền những kết quả đạt được trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo ở các cấp, cơ quan, đơn vị ngành y tế Thủ đô trên cơ sở bám sát các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, Bộ Y tế, UBND TP về công tác y tế, đặc biệt là các chính sách mới được ban hành.
Ngành y tế truyền thông giáo dục y đức, phát động, triển khai, tổng kết phong trào thi đua, rèn luyện y đức, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong cán bộ, nhân viên y tế chào mừng 70 năm ngày Thầy thuốc Việt Nam.
Tuyên truyền và biểu dương thầy thuốc Nhân dân, thầy thuốc ưu tú; nhân rộng các tập thể điển hình tiên tiến, cá nhân tiêu biểu xuất sắc, người tốt việc tốt trong công tác bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe Nhân dân; khen thưởng những người lao động, người làm trực tiếp tại các cơ sở y tế nhân dịp chào mừng 70 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam.
Tuyên truyền về các thành tựu, tiến bộ y học của ngành y tế trong sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân, góp phần nâng cao vị thế, vai trò của y tế Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước.
Tuyên truyền về nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh; chuyển đổi số y tế; cải cách thủ tục hành chính; an toàn thực phẩm; quản lý môi trường y tế; quản lý dược; quản lý thiết bị y tế; bảo hiểm y tế; dân số; sức khỏe bà mẹ và trẻ em; đổi mới giáo dục và đào tạo nhân lực y tế.
Bên cạnh đó, ngành y tế truyền thông ứng dụng công nghệ khoa học hiện đại trong nghiên cứu và điều trị y khoa; y học cổ truyền; công tác phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh trong tình hình mới; thành tựu trong công tác phòng, chống HIV/AIDS và các nội dung liên quan khác...
Thời gian triển khai công tác truyền thông trong quý I/2025, tập trung từ ngày 1 - 27/2/2025.
Báo Kinhtedothi
https://kinhtedothi.vn/cao-diem-truyen-thong-ky-niem-70-nam-ngay-thay-thuoc-viet-nam.html
*Trung tướng Nguyễn Hải Trung thăm, chúc Tết các cá nhân, đơn vị tiêu biểu trên địa bàn huyện Mỹ Đức
Ngày 20-1, được sự phân công của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội, Trung tướng Nguyễn Hải Trung - Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc CATP Hà Nội đã đến thăm, tặng quà Tết các gia đình và cơ quan tiêu biểu trên địa bàn huyện Mỹ Đức.
Tham gia đoàn công tác có Đại tá Nguyễn Tiến Đạt – Phó Giám đốc CATP, cùng chỉ huy một số phòng chức năng CATP; ông Nguyễn Đình Hưng – Phó Giám đốc Phụ trách Sở Y tế Hà Nội.
Về phía huyện Mỹ Đức có đồng chí Nguyễn Anh Dũng –Thành ủy viên, Bí thư huyện ủy; cùng đại diện một số phòng, ban, ngành chức năng của huyện Mỹ Đức.
Tại các thôn Hòa Lạc và Đông Mỹ của xã An Tiến, trong không khí ấm cúng, chân tình, Trung tướng Nguyễn Hải Trung cùng đoàn công tác đã trao quà tặng đến ông Nguyễn Tiến Cải (SN 1938, là thương binh 4/4); ông Vũ Trung Chính (SN 1948, bệnh binh tỷ lệ 60%); và ông Trần Xuân Tọa (SN 1950, bệnh binh tỷ lệ 61%)
Các ông Nguyễn Tiến Cải, ông Vũ Trung Chính và ông Trần Xuân Tọa đều hoàn cảnh khó khăn và sức khỏe yếu. Ông Nguyễn Tiến Cải từng tham gia chiến trường tại Lào. Hai bố con người lính năm xưa giờ ở cùng nhau; cô con gái bị ảnh hưởng chất độc hóa học, thường phải đi bệnh viện.
Ông Vũ Trung Chính, ngoài tỷ lệ thương tật bệnh binh 60%, ông còn bị bệnh phổi, tim mạch, thường xuyên phải đến bệnh viện điều trị. Còn ông Trần Xuân Tọa đang bị bệnh phổi…
Thay mặt Ban Thường vụ Thành ủy, Trung tướng Nguyễn Hải Trung ân cần thăm hỏi sức khỏe, cuộc sống của ông Nguyễn Tiến Cải , ông Vũ Trung Chính và ông Trần Xuân Tọa; đồng thời bày tỏ lòng biết ơn, tri ân những hy sinh, cống hiến to lớn của 3 người lính năm xưa trong sự nghiệp đấu tranh, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.
Nhân dịp Tết đến, Xuân về, Trung tướng Nguyễn Hải Trung gửi lời chúc tốt đẹp, động viên tinh thần ông Nguyễn Tiến Cải, ông Vũ Trung Chính, ông Trần Xuân Tọa và mong 3 người lính năm xưa cố gắng vượt qua mọi khó khăn, luôn vững vàng trong cuộc sống. Trung tướng Nguyễn Hải Trung đồng thời yêu cầu các cấp chính quyền của huyện Mỹ Đức tiếp tục chú trọng thực hiện tốt các chế độ, chính sách ưu đãi đối với người có công, trong đó quan tâm đến ông Nguyễn Tiến Cải, ông Vũ Trung Chính và ông Trần Xuân Tọa cùng người thân.
Đón nhận sự quan tâm của Thành ủy, đoàn công tác và Trung tướng Nguyễn Hải Trung, các ông Nguyễn Tiến Cải, ông Vũ Trung Chính và ông Trần Xuân Tọa bày tỏ cảm ơn chân thành, và khẳng định sự quan tâm của các cấp lãnh đạo chính là sự động viên, khích lệ tinh thần vượt qua mọi khó khăn.
Trong chương trình, đoàn công tác đã đến thăm, chúc Tết Bệnh viện tâm thần Mỹ Đức. Trò chuyện với các y, bác sỹ, người lao động tại Bệnh viện, Trung tướng Nguyễn Hải Trung khẳng định sự quan tâm của lãnh đạo Thành phố đối với ngành Y tế của Thủ đô nói riêng. Ngoài ra, thời gian qua, CATP và Sở Y tế cũng luôn gắn bó chặt chẽ, cụ thể hóa bằng quy chế phối hợp đảm bảo ANTT phục vụ công tác chăm sóc, khám chữa bệnh. Tương tự, ở cấp huyện, Công an cấp huyện và các Bệnh viện cũng triển khai quy chế phối hợp.
Thấu hiểu và chia sẻ với những vất vả, nhất là trong bối cảnh hiện nay, từ sau dịch Covid-19, Trung tướng Nguyễn Hải Trung đánh giá, càng ở Hà Nội, vất vả của ngành Y tế càng nhiều. Với Bệnh viện tâm thần Mỹ Đức, đồng chí Giám đốc hết sức chia sẻ, đồng cảm trước tính chất đặc thù của Bệnh viện, luôn có những áp lực lớn đối với đội ngũ y, bác sỹ, chưa kể những khó khăn, thiếu thốn về cơ sở vật chất, trang thiết bị…
Mong muốn ngành Y tế Thủ đô nói chung, Bệnh viện tâm thần Mỹ Đức nói riêng sẽ có những chuyển biến, phát triển tích cực trong thời gian tới, thay mặt Ban Thường vụ Thành ủy, Trung tướng Nguyễn Hải Trung gửi chúc mừng năm mới tốt đẹp, thành công tới Ban Giám đốc Bệnh viện, các y, bác sỹ, người lao động và thân nhân, gia đình.
Bày tỏ xúc động trước sự quan tâm, chia sẻ và tình cảm của Trung tướng Nguyễn Hải Trung, ông Nguyễn Đình Hưng khẳng định ngành Y tế Thủ đô sẽ tiếp tục thực hiện tốt Quy chế phối hợp với CATP Hà Nội đã được xây dựng, triển khai rất chặt chẽ, xuyên suốt từ thành phố đến quận, huyện, và sẽ quyết tâm, trách nhiệm thực hiện tốt nhiệm vụ chữa bệnh, cứu người…
Báo anninhthudo
https://hanoimoi.vn/giam-doc-cong-an-thanh-pho-ha-noi-tham-tang-qua-tet-tai-huyen-my-duc-691047.html
VĂN BẢN MỚI
- Hướng dẫn về việc bổ sung về việc đăng ký khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu tại Bệnh viện Lão khoa Trung ương năm 2024
- Giám sát phản ứng có hại của thuốc (ADR) tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh
- Tăng cường các biện pháp phòng chống dịch bệnh tại các cơ sở kinh doanh thuốc trong dịp Tết Nguyên đán 2022
- Đảm bảo cung ứng thuốc phòng chống dịch bệnh và nhu cầu sử dụng thuốc trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022
- 4289/QĐ-SYT Quyết định về việc giao chỉ tiêu Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán thu, chi ngân sách năm 2022 cho các đơn vị thuộc Sở Y tế Hà Nội
- 10722/BYT-DP Về việc tiêm vắc xin phòng Covid-19 liều cơ bản và nhắc lại
- Công văn 10696/BYT-MT về việc cách ly y tế cho trường hợp F1 đã tiêm đủ liều vắc xin hoặc đã khỏi bệnh Covid-19
- Công văn 10688/BYT-MT của Bộ Y tế về phòng, chống dịch Covid-19 đối với người nhập cảnh
- Sử dụng kết quả xét nghiệm để phát hiện người mắc Covid-19 và cho người bệnh ra viện
- Quyết định 696/QĐ-SYT của Bộ Y tế ban hành Sổ tay thực hành tại cơ sở bán lẻ thuốc