Điểm báo
Cần tiêm phòng ngay sau khi bị chó cắn
Thời gian vừa qua, nhiều người bị chó cắn gây đa thương tích, phải nhập viện trong tình trạng nguy hiểm. Như mới đây, một người đàn ông đã tử vong sau hơn 1 tháng bị chó cắn tại Kiên Giang.
Bị thương toàn thân do chó cắn
Theo thống kê của Bệnh viện Nhi Trung ương, trong 9 tháng đầu năm 2023, tỷ lệ người bị chó, mèo cắn cần tiêm huyết thanh và vắc xin phòng dại tăng đáng kể so với cùng kỳ năm 2022. Theo đó, có 271 trường hợp phải tiêm huyết thanh kháng dại (trong đó có trên 70% trường hợp ở Hà Nội; gần 68% là trẻ dưới 15 tuổi).
Việc tiêm vắc xin phòng dại được thực hiện cho 326 người với 679 liều tiêm. Số mũi tiêm vắc xin phòng dại trong 9 tháng đầu năm 2023 tăng hơn 3 lần so với cùng kỳ năm 2022. Đặc biệt, nhiều trẻ được gia đình đưa đến bệnh viện trong tình trạng đa vết thương toàn thân do chó cắn.
Từ đầu tháng 10 đến nay, Khoa Chỉnh hình của Bệnh viện Nhi Trung ương đã tiếp nhận 3 trường hợp trẻ bị chó cắn. Các bệnh nhi nhập viện đều trong tình trạng đa thương tích, gây nguy hiểm đến tính mạng. Trường hợp gần đây nhất là bé gái N.L (7 tuổi, ở Hà Nội) nhập viện trong tình trạng đau đớn, tâm lý hoảng loạn cùng với hàng trăm vết thương trên cơ thể do bị 4 con chó lao vào tấn công khi cháu bé chơi tại nơi làm việc của bố. Ngay sau đó, gia đình đã nhanh chóng đưa bé đến Bệnh viện Nhi Trung ương cấp cứu.
Bác sĩ Lê Tuấn Anh, Phó Trưởng khoa Chỉnh hình, Bệnh viện Nhi Trung ương, trực tiếp phẫu thuật cho bệnh nhi. Ông cho biết, ngay sau khi tiếp nhận bệnh nhi, nhận định đây là một ca chó cắn rất nghiêm trọng, các bác sĩ đã tiến hành hồi sức cấp cứu, giảm đau và tiến hành phẫu thuật, cắt lọc, làm sạch các vết thương có lẫn đất, cát, lông chó..., trong đó có vết thương dài khoảng 13cm. Bé cũng đã được tiêm phòng bệnh dại và uốn ván, không còn nguy hiểm tới tính mạng nhưng tâm lý của bé vẫn còn bị sang chấn nặng nề do cùng một lúc bị 4 con chó tấn công.
Hiện nay, nhiều hộ gia đình thả rông chó ở nơi công cộng mà không đeo rọ mõm cho chúng, gây nguy hiểm cho người dân, đặc biệt là trẻ em. Theo bác sĩ Lê Tuấn Anh, các gia đình nuôi chó, mèo tại nhà cần phải tiêm phòng cho vật nuôi đầy đủ và tiêm nhắc lại hằng năm theo khuyến cáo của ngành Thú y.
Khi trẻ bị chó, mèo cắn, cào, liếm vào vết xước... cha mẹ, người chăm sóc trẻ cần chú ý: Rửa vết thương dưới vòi nước chảy, càng sớm càng tốt, trong 15 phút; rửa vết thương bằng xà phòng và nước hoặc bằng các chất có tác dụng diệt khuẩn như cồn iod, cồn 70o hoặc rượu mạnh... Cha mẹ khẩn trương đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để được sơ cứu, đánh giá vết thương, tư vấn tiêm chủng vắc xin và huyết thanh một cách cụ thể.
Nguy cơ tử vong rất cao
Bệnh dại là một trong số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có tỷ lệ tử vong hàng đầu, bệnh nhân không có cơ hội sống khi xuất hiện các triệu chứng lâm sàng. Mặc dù đã có vắc xin nhưng thế giới vẫn ghi nhận gần 60.000 ca tử vong vì bệnh dại mỗi năm. Tại Việt Nam, theo báo cáo của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), mỗi năm có gần 500.000 người bị chó, mèo cắn phải điều trị dự phòng bằng vắc xin dại tại các cơ sở y tế.
Những năm gần đây, số ca bệnh dại tăng đột biến tại nước ta và là một trong những bệnh truyền nhiễm lưu hành có số ca tử vong cao nhất. Cụ thể, từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận hơn 60 ca tử vong do bệnh dại, mới nhất là trường hợp người đàn ông đã tử vong ngày 3-11 sau hơn 1 tháng bị chó cắn tại tỉnh Kiên Giang; đáng lưu tâm là tỉnh Gia Lai ghi nhận 11 ca tử vong, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2022.
Đa số trường hợp tử vong đều chưa được tiêm phòng do không hiểu biết về bệnh dại, do tâm lý chủ quan và e ngại với vắc xin phòng dại, nhiều trẻ bị chó cắn nhưng không nói với gia đình...
Tiến sĩ Nguyễn Thị Thanh Hương, Trưởng Văn phòng Chương trình khống chế và loại trừ bệnh dại trên người (Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương) cho biết, đa phần các trường hợp tử vong sau khi bị chó dại cắn là do không đi tiêm phòng bệnh dại. Nguyên nhân chủ yếu là chủ quan vì cho rằng bị chó nhà nuôi cắn hoặc tại thời điểm cắn chó bình thường nên không nguy hiểm. Bên cạnh đó, nhiều trường hợp dùng thuốc Nam để chữa khi bị chó dại cắn, dẫn đến tử vong. Chính vì vậy, để giảm số ca tử vong vì bệnh dại, trong thời gian tới, các địa phương cần thúc đẩy việc tiêm phòng vắc xin dại cho chó, mèo theo định kỳ hằng năm, quản lý đàn chó, mèo nuôi một cách chặt chẽ...
Báo Hà nội mới
Cuộc điện thoại kịp thời cứu người đàn ông ở Hà Nội thoát cơn đột quỵ
Tại giường bệnh, ông N. tươi cười, hóm hỉnh nói "giờ cầm tiền không sợ tiền rơi nữa rồi" để đánh giá sự hồi phục sau cơn đột quỵ nhờ cuộc điện thoại kịp thời giữa hai nhóm bác sĩ.
Đang phát biểu tại một cuộc họp ở xã sáng 9/11, ông L.H.N, 65 tuổi, ở xã Cẩm Lĩnh, Ba Vì (Hà Nội) đột nhiên cảm thấy ngón tay phải đau nhức, lan dần hết bàn tay rồi lên toàn bộ cánh tay phải. Ông cũng thấy phần nửa người phải mỏi dần, khó cử động, cầm nắm bàn tay.
Ông được đưa lên một phòng khám tư nhân trong xã, bệnh nhân khai có tiền sử cao huyết áp nên được cho uống thuốc hạ huyết áp rồi về nhà theo dõi. Một người em của ông khuyên nên châm, chích máu đầu ngón tay nhưng ông không đồng ý. Ăn vội bát cơm trưa, ông giục người nhà đưa lên Bệnh viện Đa khoa Ba Vì, cách nhà 10km.
Sau 2,5 giờ từ khi có dấu hiệu khởi phát, ông N. được đưa tới phòng cấp cứu. Các bác sĩ đơn nguyên Cấp cứu nhận định ông có dấu hiệu điển hình của cơn đột quỵ thể nhồi máu não. Vừa đẩy bệnh nhân lên phòng chụp cắt lớp vi tính (CT-Scanner), bác sĩ Nguyễn Đức Đa, phụ trách đơn nguyên Cấp cứu, lập tức kết nối hội chẩn online tới các bác sĩ cấp cứu, hồi sức tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn (Hà Nội), cách bệnh viện hơn 50km.
Chỉ định tiêm thuốc tiêu sợi huyết ngay tại phòng chụp CT nhanh chóng được đưa ra. Bệnh nhân sau đó ổn định, dấu hiệu đau, mỏi dần thoái lui, cảm giác bàn tay dần hồi phục. Ông N. được đưa lên Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn chụp mạch, đánh giá tình trạng sau can thiệp rồi lại trở về bệnh viện tại về Ba Vì theo dõi, phục hồi chức năng.
Sáng 11/11, ông N. tươi cười, hóm hỉnh nói "giờ cầm tiền không sợ tiền rơi nữa rồi" để đánh giá sự hồi phục sau cơn tai biến nhờ bác sĩ cứu kịp thời. Đây là bệnh nhân đột quỵ đầu tiên tại Ba Vì được can thiệp thành công ngay tại bệnh viện huyện.
Nhiều người bệnh trong phòng cấp cứu nơi ông N. đang điều trị gọi chiếc xe đẩy có gắn màn hình máy tính, camera phục vụ hội chẩn trực tuyến ngay tại giường bệnh là "robot bác sĩ". Bởi thiết bị giản đơn này có thể giúp họ kết nối, trò chuyện với bác sĩ ở Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn ngay tại Ba Vì mà không phải di chuyển đường xa. Thầy thuốc ở Ba Vì cũng nhanh chóng gọi và báo cáo hội chẩn hàng giờ, hàng ngày với bác sĩ tuyến trên.
Nói cách khác, đây là thiết bị giúp bác sĩ tuyến trên từ trung tâm Hà Nội "đi buồng online" để khám chữa bệnh cho bệnh nhân đang điều trị ở tuyến dưới.
Từ tháng 9 năm nay, mô hình “bệnh viện chị - em” được Sở Y tế Hà Nội thực hiện thí điểm. Sở phân công 3 "bệnh viện chị" gồm Xanh Pôn, Tim Hà Nội và Phụ sản Hà Nội trực tiếp hỗ trợ toàn diện "bệnh viện em" là huyện Ba Vì và Trung tâm Y tế huyện Ba Vì.
Các hoạt động hỗ trợ toàn diện trên tất cả lĩnh vực như quản trị bệnh viện; đào tạo, hướng dẫn thực hành; phát triển chuyên môn kỹ thuật với nhiều hình thức hỗ trợ như: hỗ trợ trực tiếp, hỗ trợ từ xa (online), đặc biệt là ứng dụng công nghệ thông tin.
Tiến sĩ Đỗ Đình Tùng, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, cho biết trong 2 tháng đã hỗ trợ, hướng dẫn Bệnh viện Đa khoa huyện Ba Vì cải tiến quy trình khám, chữa bệnh; tư vấn thành lập đơn nguyên cấp cứu và đơn nguyên sơ sinh; triển khai thanh toán không dùng tiền mặt; hàng ngày đọc kết quả online phim X-quang, phim chụp cắt lớp vi tính, phim chụp cộng hưởng từ (MRI); thiết lập phòng hội chẩn online; quản lý bệnh nhân mắc bệnh mãn tính không lây nhiễm như tăng huyết áp, đái tháo đường...
"Nhờ hệ thống khám bệnh từ xa được thiết lập từ một tháng nay, bác sĩ từ Xanh Pôn thường xuyên hội chẩn hàng ngày với các thầy thuốc Bệnh viện đa khoa huyện Ba Vì và các phòng khám khu vực ở Minh Quang, Tản Lĩnh và Bất Bạt. Trong các cuộc hội chẩn trực tuyến này, bệnh nhân được tham gia, nói chuyện cùng bác sĩ. Bệnh nhân đến Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn được khám ra sao, kê đơn thuốc nào thì bệnh nhân ở các trạm y tế xã, bệnh viện huyện ở Ba Vì cũng vậy", ông Tùng nói.
Báo Vietnamnet
Hà Nội căng thẳng bệnh sốt xuất huyết, tăng ca bệnh nặng
Từ đầu năm đến nay Hà Nội ghi nhận 28.500 ca mắc sốt xuất huyết, tăng 2,7 lần so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó có 4 ca tử vong.
Các chuyên gia nhận định tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, nhiều ca nặng.
Ca bệnh nặng tăng nhanh
Khoảng 10 ngày trước, anh H. (35 tuổi, trú tại Hà Nội) bắt đầu sốt cao, miệng đắng ngắt. Thế nhưng nghĩ rằng do sốt vi rút bình thường, anh H. không đến bệnh viện kiểm tra.
Sau 4 ngày sốt cao, anh H. hạ sốt nhưng người vẫn ê ẩm mệt mỏi. Cho đến ngày thứ 5, anh H. bắt đầu chảy máu trong miệng. Lúc này, anh H. mới ý thức được tình trạng nghiêm trọng nên lập tức đến viện.
"Đến nơi, bác sĩ nói sốt xuất huyết đã biến chứng suy thận, men gan tăng cao gấp 100 lần, máu cô đặc, tình trạng rất nghiêm trọng. May mắn sau khi tôi được truyền tiểu cầu, dịch truyền, tình trạng thận đã cải thiện.
Do gia đình chưa ai mắc sốt xuất huyết, lại thấy vẫn hạ sốt, ăn được nên chủ quan không nghĩ rằng có thể biến chứng như vậy. Gần nửa tháng cả nhà đảo lộn cuộc sống vì sốt xuất huyết, bởi vậy không thể chủ quan được", anh H. chia sẻ.
Theo thông tin từ Sở Y tế Hà Nội, gần hai tháng qua trung bình mỗi tuần TP ghi nhận đến 2.400 - 2.700 trường hợp. Toàn TP từ đầu năm đến nay đã ghi nhận hơn 1.600 ổ dịch, hiện vẫn còn 231 ổ dịch hoạt động. Sở Y tế đánh giá với diễn biến tình hình thời tiết như hiện nay, ca bệnh có thể tiếp tục tăng cao trong những tuần tới.
Tại các bệnh viện ở Hà Nội, số ca sốt xuất huyết liên tục gia tăng. Tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương (tuyến cuối điều trị sốt xuất huyết) đang tiếp nhận điều trị cho khoảng 250 bệnh nhân mắc sốt xuất huyết.
Lưu ý sốc sốt xuất huyết rất nguy hiểm
Theo bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, phó giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương, thông thường vào cuối mùa dịch tỉ lệ ca nặng sẽ gia tăng hơn so với đầu dịch. Bệnh viện vẫn ghi nhận ca mắc sốt xuất huyết gia tăng, trong đó nhiều ca nặng.
Bác sĩ Cấp nhận định việc gia tăng ca bệnh khá đúng với quy luật, chủ yếu do thời tiết phía Bắc thời gian gần đây vẫn nắng nóng, nhiệt độ cao tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi sinh đẻ.
Theo bác sĩ Cấp, biến chứng sốc sốt xuất huyết rất nguy hiểm. Có những bệnh nhân từ khi có dấu hiệu cảnh báo đến khi sốc sốt xuất huyết chỉ diễn biến trong 4 đến 6 tiếng.
Nếu sốc sốt xuất huyết không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời có thể dẫn đến nguy kịch, thậm chí tử vong.
Nguyên nhân tử vong
Bác sĩ Cấp nêu rõ hai biến chứng thường gặp nặng của sốt xuất huyết là tình trạng cô đặc máu dẫn đến tụt huyết áp và sốc. Biến chứng thứ hai là biến chứng hạ tiểu cầu máu.
Bác sĩ Cấp cho hay trong đó biến chứng cô đặc máu thường gặp hơn và có diễn biến nhanh chóng, nguy hiểm hơn rất nhiều so với biến chứng hạ tiểu cầu. Vì vậy, người bệnh và bác sĩ cũng cần hết sức chú ý.
Tử vong do sốt xuất huyết chỉ là thứ yếu, còn nguyên nhân chủ yếu là do cô đặc máu thành mạch gây sốc sốt xuất huyết. Những trường hợp bệnh nhân có dấu hiệu cảnh báo bắt buộc phải nhập viện để theo dõi, điều trị bù dịch theo phác đồ.
Nếu chúng ta không nhận biết được sớm dấu hiệu cảnh báo, không điều trị đúng có thể diễn biến rất nhanh, dẫn đến tử vong.
Các dấu hiệu cảnh báo
bao gồm tình trạng thoát dịch và tăng dẫn ống thành mặt. Bệnh nhân có thể cảm thấy mệt mỏi, đau bụng, đau tức vùng gan, vật vã, li bì, lơ mơ.
Khi xét nghiệm máu có thể cho thấy tình trạng cô đặc máu hoặc siêu âm có thể thấy thoát dịch màng phổi, màng bụng. Dấu hiệu của hạ tiểu cầu như chảy máu tự nhiên, chảy máu chân răng, rong kinh, chảy máu mũi..., xét nghiệm máu cho thấy hạ tiểu cầu.
Bác sĩ Phạm Văn Phúc, phó trưởng khoa hồi sức tích cực Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương, cho hay trong ba ngày đầu người bệnh thường sốt cao, đau đầu, đau mỏi cơ khớp, do đó người bệnh nên đi khám làm xét nghiệm chẩn đoán mắc sốt xuất huyết Dengue và xét nghiệm chỉ số Hematocrit nền.
"Sau ngày thứ 3 - ngày thứ 7 của bệnh cần tái khám để đánh giá nguy cơ Dengue nặng hoặc đi khám ngay khi có dấu hiệu cảnh báo như khó chịu nhiều mặc dù đã đỡ sốt, đau bụng, nôn ói nhiều, mệt lả, bứt rứt, tay chân lạnh, ẩm, chảy máu mũi, miệng, hoặc xuất huyết âm đạo, thay đổi ý thức như lú lẫn, kích thích, vật vã hoặc li bì", bác sĩ Phúc khuyến cáo.
Báo Tuổi trẻ
Chủ động phòng, chống dịch sốt xuất huyết ngay từ cơ sở
Trước tình hình dịch sốt xuất huyết diễn biến phức tạp, số người nhập viện tăng cao, Hà Nội đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan trên diện rộng. Ngay tại cơ sở, các địa phương, người dân đã tích cực, chủ động phòng, chống dịch.
Chú trọng tuyên truyền
Hiện nay, tình hình dịch sốt xuất huyết trên địa bàn Hà Nội đang diễn biến phức tạp, số ca mắc liên tục tăng. Để chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống dịch, kịp thời; ngăn chặn, xử lý các ổ dịch không để dịch bệnh lây lan ra cộng đồng, hạn chế tối đa các trường hợp mắc nặng hoặc tử vong do sốt xuất huyết, thời gian qua, tại các quận, huyện trên địa bàn Thủ đô đã có nhiều biện pháp tích cực.
Theo đó, để chủ động kiểm soát dịch bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn, ngay từ cuối tháng 9/2023, huyện Thường Tín (Hà Nội) đã ban hành công văn về việc triển khai chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy, diệt muỗi. Các ngành chuyên môn, các xã, thị trấn tiếp tục tăng cường giám sát phát hiện sớm bệnh nhân tại cộng đồng, điều tra xử lý kịp thời các ca bệnh. Tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông nâng cao ý thức cho nhân dân về phòng chống bệnh sốt xuất huyết và các dịch bệnh khác góp phần khống chế và kiểm soát dịch bệnh có hiệu quả.
Bên cạnh đó, thực hiện kế hoạch phòng chống bệnh sốt xuất huyết của huyện Thường Tín năm 2023, Bệnh viện Đa khoa huyệnThường Tín đã sớm xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch sốt xuất tại bệnh viện với mục tiêu thực hiện tốt công tác khám, phát hiện sớm các ca bệnh. Điều trị tích cực, đảm bảo công tác vệ sinh phòng dịch không để dịch bệnh lây lan và bùng phát tại bệnh viện. Đồng thời, cấp cứu, chuyển tuyến kịp thời các ca chuyển nặng, không để có ca bệnh tử vong do sốt xuất huyết.
Theo kế hoạch, Bệnh viện đã chủ động bố trí 33 giường bệnh tại khoa truyền nhiễm, bố trí 1 bác sĩ chuyên ngành truyền nhiễm, 1 bác sĩ chuyên khoa I, 3 bác sĩ đa khoa; 16 điều dưỡng và 1 hộ lý để phục vụ công tác công tác điều trị nội trú cho bệnh nhân sốt xuất huyết. Thuốc, trang thiết bị và vật tư y tế cũng được bệnh viện chuẩn bị đầy đủ, sẵn sàng điều trị cho bệnh nhân như: máy truyền dịch, máy monitor, máy thở, máy hút dịch, máy khí dung, cơ số thuốc...
Bệnh viện cũng tổ chức tập huấn hướng dẫn nghiệp vụ chuyên môn về chuẩn đoán và điều trị sốt xuất huyết cho y, bác sĩ, điều dưỡng của bệnh viện. Cử bác sĩ tham gia các buổi tập huấn do bác sĩ chuyên khoa đầu ngành truyền nhiễm tổ chức. Ngoài công tác điều trị, các y, bác sĩ của Bệnh viện đã thường xuyên phổ biến kiến thức, dặn dò người bệnh và người nhà người bệnh về các biện pháp phòng bệnh sốt xuất huyết tại bệnh viện và tại gia đình cũng như địa bàn cộng đồng.
Tương tự, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh sốt xuất huyết, huyện Thạch Thất (Hà Nội) cũng đã triển khai đợt cao điểm phòng, chống dịch bệnh với các nội dung: Tuyên truyền chính sách, pháp luật về phòng, chống dịch bệnh; thông tin cần biết về bệnh sốt xuất huyết, tính chất nguy hiểm, nguy cơ tử vong của bệnh sốt xuất huyết, các triệu chứng của bệnh, sự cần thiết điều trị kịp thời để giảm nguy cơ tử vong, những việc cần làm ngay khi mắc bệnh…
UBND huyện yêu cầu Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh ở người, các xã, thị trấn cần xây dựng kế hoạch triển khai đợt cao điểm phòng, chống sốt xuất huyết một cách chi tiết. Cụ thể, yêu cầu nội dung truyền thông phải tới được từng người dân; phát huy các kênh thông tin cơ sở tại thôn, tổ dân phố thông qua mạng xã hội Zalo, loa truyền thanh, bảng tin công cộng… vận động người dân tham gia hoạt động vệ sinh môi trường, diệt muỗi, diệt bọ gậy. Công khai tình hình dịch bệnh trên địa bàn, công khai hộ dân vi phạm quy định phòng, chống dịch bệnh để mọi người cùng biết. Việc truyền thông phải trực tiếp, sâu sát, dễ hiểu, hiệu quả và khẩn trương.
Ý thức người dân là quan trọng
Có thể thấy, thời gian qua, các địa phương trên địa bàn Hà Nội đã phát động chiến dịch tổng vệ sinh và đang huy động các bệnh viện thực hiện để kịp thời ngăn chặn sốt xuất huyết lây lan. Tuy nhiên, theo các chuyên gia y tế, trong tháng 11,12 dịch sốt xuất huyết tại Hà Nội vẫn còn nhiều phức tạp. Nguyên nhân do diễn biến thời tiết như hiện nay là điều kiện tự nhiên rất thuận lợi cho việc phát sinh bọ gậy và muỗi.
Tại Việt Nam, hiện chưa có vắc xin phòng bệnh sốt xuất huyết. Do vậy, việc phòng, chống dịch phụ thuộc nhiều vào ý thức tự giác, sự phối hợp của người dân trong hoạt động diệt bọ gậy, diệt muỗi truyền bệnh. Quan trọng nhất vẫn là ý thức chủ động phòng ngừa của người dân, bởi chỉ cần những hành động rất đơn giản như úp gáo nước xuống, không cho loăng quăng, bọ gậy sinh sôi cũng là một biện pháp phòng ngừa hiệu quả.
Ông Phạm Văn Hà, Bí thư Chi bộ Khu dân cư số 3, phường Ô Chợ Dừa (quận Đống Đa) cho biết, thời gian qua, UBND phường cũng đã chỉ đạo Trạm Y tế phường phối hợp với cán bộ khu dân cư phun hóa chất diệt muỗi phòng, chống bệnh sốt xuất huyết. Bên cạnh đó, khu dân cư cũng tuyên truyền, kêu gọi người dân tham gia dọn vệ sinh, diệt bọ gậy, muỗi truyền bệnh tại gia đình, khu dân cư.
“Thông qua chiến dịch dọn dẹp vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng, bọ gậy phòng, chống sốt xuất huyết, nhằm góp phần nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi của nhân dân trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường, góp phần khống chế, không để dịch lớn xảy ra trên địa bàn”, ông Hà chia sẻ.
Chị Ðặng Vân Anh, tổ dân phố số 6, phường Đông Ngạc (quận Bắc Từ Liêm) cho biết: Ðược tuyên truyền về bệnh sốt xuất huyết và cách phòng chống, tôi và người thân trong gia đình đã chủ động tiêu diệt muỗi, loăng quăng, bọ gậy, vệ sinh sạch sẽ nơi sinh sống, phát quang bụi rậm, đổ hết các lu nước, chậu nước khi sử dụng xong, không để muỗi có nơi sinh sản, phát triển, khi đi ngủ phải bỏ màn...
Theo các chuyên gia y tế, để phòng chống bệnh sốt xuất huyết, cách tốt nhất là chủ động tiêu diệt muỗi vằn, bọ gậy loăng quăng tại nơi sinh sống như: Ðậy kín, chủ động cọ rửa bên trong các dụng cụ chứa nước ít nhất 1 tuần/lần, thả cá ăn bọ gậy vào trong các dụng cụ chứa nước ăn uống sinh hoạt; lật úp các dụng cụ chứa nước (xô, chậu, máng nước...) khi không sử dụng; thu dọn rác, loại bỏ vật phế thải gây đọng nước; giữ gìn vệ sinh môi trường nơi sinh sống, phát quang bụi rậm, ngủ nằm màn tránh muỗi đốt kể cả ban ngày; chủ động phối hợp với ngành y tế trong các chiến dịch diệt bọ gậy và phun hóa chất diệt muỗi…
Theo Sở Y tế Hà Nội, tính đến ngày 6/11, toàn Thành phố đã ghi nhận 28.483 ca mắc tại 30/30 quận, huyện, thị xã; 575/579 xã, phường, thị trấn (chiếm 99,3% số xã, phường, thị trấn) và 4 trường hợp tử vong. Bệnh nhân có xu hướng gia tăng, trung bình mỗi tuần Thành phố ghi nhận từ 2.400 - 2.700 trường hợp. Tính đến nay, toàn Thành phố đã ghi nhận 1.661 ổ dịch, hiện còn 231 ổ dịch đang hoat động tại 28 quận, huyện, thị xã.
Báo Lao động Thủ đô
VĂN BẢN MỚI
- Giám sát phản ứng có hại của thuốc (ADR) tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh
- Tăng cường các biện pháp phòng chống dịch bệnh tại các cơ sở kinh doanh thuốc trong dịp Tết Nguyên đán 2022
- Đảm bảo cung ứng thuốc phòng chống dịch bệnh và nhu cầu sử dụng thuốc trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022
- 4289/QĐ-SYT Quyết định về việc giao chỉ tiêu Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán thu, chi ngân sách năm 2022 cho các đơn vị thuộc Sở Y tế Hà Nội
- 10722/BYT-DP Về việc tiêm vắc xin phòng Covid-19 liều cơ bản và nhắc lại
- Công văn 10696/BYT-MT về việc cách ly y tế cho trường hợp F1 đã tiêm đủ liều vắc xin hoặc đã khỏi bệnh Covid-19
- Công văn 10688/BYT-MT của Bộ Y tế về phòng, chống dịch Covid-19 đối với người nhập cảnh
- Sử dụng kết quả xét nghiệm để phát hiện người mắc Covid-19 và cho người bệnh ra viện
- Quyết định 696/QĐ-SYT của Bộ Y tế ban hành Sổ tay thực hành tại cơ sở bán lẻ thuốc
- Thu hồi thuốc Methtrexat Bidiphar 50mg/2ml không đạt tiêu chuẩn chất lượng