Điểm báo
Hà Nội: 176 ổ dịch sốt xuất huyết đang hoạt động
Các quận, huyện có nhiều bệnh nhân mắc sốt xuất huyết trong tuần qua, dẫn đầu là Hà Đông với 186 ca, tiếp đến là Thanh Oai (185 ca), Đống Đa (164 ca), Hoàng Mai (160 ca), Quốc Oai (152 ca), Thanh Xuân (139 ca), Bắc Từ Liêm (129 ca)...
Ngày 13-11, theo tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, trong tuần qua (từ ngày 3 đến 10-11), trên địa bàn thành phố ghi nhận thêm 2.530 trường hợp mắc sốt xuất huyết tại 30 quận, huyện, thị xã (giảm 60 ca so với tuần trước đó).
Các quận, huyện có nhiều bệnh nhân trong tuần, dẫn đầu là Hà Đông với 186 ca, tiếp đến là Thanh Oai (185 ca), Đống Đa (164 ca), Hoàng Mai (160 ca), Quốc Oai (152 ca), Thanh Xuân (139 ca), Bắc Từ Liêm (129 ca), Chương Mỹ (121 ca).
Ngoài ra, trong tuần qua cũng ghi nhận 79 ổ dịch tại 21 quận, huyện, thị xã (giảm 28 ổ dịch so với tuần trước đó). Trong số các quận, huyện có nhiều ổ dịch, đứng đầu là Đống Đa với 12 ổ dịch; tiếp đến là Hai Bà Trưng (10 ổ dịch); Bắc Từ Liêm (7 ổ dịch); các huyện: Thanh Oai, Thanh Trì, Thường Tín - mỗi nơi có 6 ổ dịch…
Như vậy, cộng dồn từ đầu năm 2023 cho đến nay, Hà Nội ghi nhận 31.013 trường hợp mắc sốt xuất huyết (tăng 2,7 lần so với cùng kỳ năm ngoái), trong đó có 4 trường hợp tử vong.
Bệnh nhân phân bố tại 30/30 quận, huyện, thị xã; 575/579 xã, phường, thị trấn. Các quận, huyện có nhiều bệnh nhân là Hà Đông (2.519 ca), Hoàng Mai (2.000 ca), Phú Xuyên (1.1921 ca), Thanh Oai (1.878 ca), Đống Đa (1.729 ca), Thanh Trì (1.622 ca).
Bên cạnh đó, từ đầu năm đến nay, Hà Nội có tổng số ổ dịch sốt xuất huyết là 1.757, hiện còn 176 ổ dịch đang hoạt động tại 26 quận, huyện, thị xã. Trong đó, một số ổ dịch ghi nhận nhiều bệnh nhân như: Thôn Đống, xã Cao Viên, huyện Thanh Oai là 124 bệnh nhân; thôn Tư Can, xã Châu Can, huyện Phú Xuyên có 113 bệnh nhân; xã Tri Trung, huyện Phú Xuyên có 90 bệnh nhân…
Cũng theo CDC Hà Nội, trong tuần qua, kết quả xác định týp của 16 bệnh nhân điều trị tại các bệnh viện: Đa khoa Đống Đa, đa khoa Đức Giang, đa khoa Xanh Pôn, đa khoa Hà Đông có 2 mẫu dương tính với DEN 1; 13 mẫu dương tính DEN 2; 1 mẫu dương tính DEN3.
Cộng dồn từ đầu năm 2023 đến nay có 14 mẫu dương tính với DEN1; 17 mẫu dương tính DEN2 và 1 mẫu dương tính DEN3.
Theo đánh giá của CDC Hà Nội, số ca mắc sốt xuất huyết ghi nhận trong tuần qua giảm nhẹ so với tuần trước đó, nhưng vẫn ở mức cao. Kết quả kiểm tra giám sát tại một số ổ dịch ghi nhận vẫn chỉ số côn trùng sau xử lý cao vượt ngưỡng nguy cơ.
Theo quy định, vùng nguy cơ cao có dịch sốt xuất huyết là vùng có chỉ số bọ gậy - BI từ 20 trở lên. Trong khi đó, giám sát công tác phòng, chống sốt xuất huyết tại phường Trúc Bạch, quận Ba Đình (BI=40); thôn Chúc Đồng, xã Thuỵ Hương, huyện Chương Mỹ (BI=40); xã Phú Túc, huyện Phú Xuyên (BI=70)...
Thực tế đó cho thấy, tình hình dịch sốt xuất huyết có thể gia tăng trong các tuần tới. Do đó, các quận, huyện, thị xã cần tiếp tục kiên trì, thường xuyên và liên tục triển khai có hiệu quả công tác vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy.
Báo Hà nội mới
Hà Nội: 100% thông tin sức khỏe người dân được theo dõi, quản lý thông qua dữ liệu số
Ngày 13-11, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh ký ban hành Kế hoạch số 269/KH-UBND về triển khai thí điểm lập hồ sơ sức khỏe điện tử, sổ sức khỏe điện tử trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Kế hoạch nhằm cụ thể hóa Chương trình số 08-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội (khóa XVII) về “Phát triển hệ thống an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của nhân dân Thủ đô giai đoạn 2021-2025”; Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 6-1-2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030” (Đề án 06) và chỉ đạo của Tổ công tác triển khai Đề án 06 Chính phủ.
Đặc biệt là ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số nhằm kết nối các thông tin, dữ liệu điện tử hình thành trong quá trình khám, chữa bệnh của người dân tại các cơ sở y tế Nhà nước và tư nhân thành hồ sơ sức khỏe điện tử, sổ sức khỏe điện phục vụ công tác quản lý chuyên ngành y tế được đầy đủ, chính xác, kịp thời; hỗ trợ công tác tổng hợp, phân tích thông tin dữ liệu, giúp việc dự báo, hoạch định chính sách, chỉ đạo hiệu quả về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.
Trên cơ sở khai thác, sử dụng các tiện ích từ hồ sơ sức khỏe điện tử, sổ sức khỏe điện tử giúp người dân có thể theo dõi, quản lý thông tin sức khỏe của bản thân liên tục, suốt đời; chủ động trong việc phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe bản thân, giảm các chi phí khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế trên địa bàn thành phố.
Toàn thành phố phấn đấu: 100% người dân sống, làm việc ổn định trên địa bàn Hà Nội được cấp hồ sơ sức khỏe điện tử cá nhân, qua đó hình thành cơ sở dữ liệu hồ sơ sức khỏe điện tử thành phố Hà Nội; 100% thông tin sức khỏe y tế của người dân trên địa bàn thành phố được theo dõi, quản lý thông qua dữ liệu số, đồng thời được chia sẻ, kết nối với các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành phục vụ nhu cầu giải quyết công việc, thủ tục hành chính của người dân, doanh nghiệp và các cơ quan, đơn vị trên địa bàn thành phố.
Đây là nhiệm vụ mới nên UBND thành phố yêu cầu các trường thông tin, dữ liệu để tạo lập hồ sơ sức khỏe điện tử, sổ sức khỏe điện tử (hiển thị trên các ứng dụng phục vụ người dân) cần bảo đảm tuân thủ theo hướng dẫn và quy định của ngành Y tế.
Việc xây dựng và triển khai thử nghiệm phần mềm quản lý hồ sơ sức khỏe điện tử trên địa bàn thành phố theo chỉ đạo của Tổ công tác triển khai Đề án 06 Chính phủ cần bảo đảm đáp ứng các yêu cầu về nghiệp vụ chuyên môn trong công tác quản lý sức khỏe; các chức năng, tính năng kỹ thuật phù hợp với hướng dẫn của Bộ Y tế; bảo đảm việc chia sẻ thông tin, dữ liệu và các quy định về an toàn thông tin của Bộ Thông tin và Truyền thông. Đặc biệt là việc kết nối, chia sẻ và hiển thị thông tin sức khỏe người dân trên ứng dụng VNeID theo hướng dẫn của Bộ Công an…
Báo Hà nội mới
Hà Nội yêu cầu hạn chế đến mức thấp nhất các loại dịch bệnh mùa Đông Xuân
UBND TP Hà Nội chỉ đạo loạt nhiệm vụ cho các đơn vị để hạn chế đến mức thấp nhất các loại dịch bệnh mùa Đông Xuân 2023 có thể bùng phát như sởi, rubella, ho gà, viêm màng não do não mô cầu...
UBND TP Hà Nội mới có có Văn bản số 3795/UBND-KGVX gửi Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội; các Sở, ban, ngành; UBND các quận, huyện, thị xã về việc triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh mùa Đông Xuân trên địa bàn năm 2023.
Văn bản nêu rõ, trong thời gian tới với điều kiện khí hậu mùa Đông Xuân rất thuận lợi cho các dịch bệnh truyền nhiễm phát sinh, phát triển, đặc biệt là bệnh truyền qua đường hô hấp, tiêu hóa như sởi, rubella, ho gà, viêm màng não do não mô cầu, các bệnh cúm gia cầm, Covid-19, cúm A/H7N9, cúm A/H5N1, tiêu chảy do virus Rota...
UBND Thành phố yêu cầu Sở Y tế triển khai quyết liệt công tác kiểm soát dịch bệnh, tăng cường hoạt động giám sát, phát hiện sớm, đáp ứng ngay, xử lý triệt để ổ dịch, không để lan rộng và kéo dài tại cộng đồng; tập trung triển khai công tác tiêm chủng; tổ chức tốt việc phân tuyến, thu dung, cấp cứu, điều trị bệnh nhân, tránh lây nhiễm chéo trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, hạn chế đến mức thấp nhất tử vong ở người do dịch bệnh;
Kịp thời đề xuất với UBND TP chỉ đạo các biện pháp phòng, chống dịch bệnh hiệu quả, phù hợp với diễn biến dịch tễ tại địa phương. Đối với các dịch bệnh có vaccine phòng bệnh như sởi, rubella, ho gà triển khai công tác tiêm chủng, rà soát đối tượng tiêm chủng.
Sở Giáo dục và Đào tạo triển khai mạnh mẽ các hoạt động vệ sinh phòng bệnh tại các cơ sở giáo dục, các trường học; chủ động phối hợp với ngành y tế tổ chức tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; đảm bảo an toàn thực phẩm tại các bếp ăn tập thể, cung cấp đủ nước uống, nước sạch, thường xuyên làm vệ sinh môi trường tại trường học;
Phối hợp quản lý tốt sức khỏe học sinh, cán bộ, giáo viên, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh, thông báo ngay cho các cơ quan y tế để được khám, điều trị kịp thời, kiên quyết không để dịch lây lan trong trường học.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai mạnh mẽ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên các đàn gia súc, gia cầm, tăng cường kiểm tra, giám sát, phát hiện sớm các ổ dịch ở động vật, xử lý triệt để ổ dịch; thông báo kịp thời cho ngành y tế phối hợp các biện pháp phòng, chống dịch bệnh lây lan từ động vật, thực phẩm sang người.
Sở Thông tin và Truyền thông hướng dẫn các cơ quan thông tin đại chúng, truyền thông cơ sở đẩy mạnh công tác truyền thông về phòng chống dịch bệnh mùa Đông Xuân. Tuyên truyền mạnh mẽ lợi ích của việc tiêm vaccine phòng bệnh để cho người dân hiểu và đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch;
Hướng dẫn người dân thực hiện tốt vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà phòng; thực hiện ăn chín, uống chín; thực hiện an toàn thực phẩm trong giết mổ gia súc, gia cầm và chế biến các sản phẩm từ gia súc, gia cầm.
Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công an, Hải quan và các đơn vị có liên quan tăng cường kiểm tra, ngăn chặn triệt để gia cầm, sản phẩm gia cầm bị bệnh, nhập lậu, không rõ nguồn gốc, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Hạn chế đến mức thấp nhất các loại dịch bệnh mùa Đông Xuân có thể bùng phát.
UBND TP yêu cầu UBND các cấp tăng cường triển khai công tác chống dịch mùa Đông Xuân; chú trọng triển khai công tác phòng chống dịch bệnh tại các vùng khó tiếp cận dịch vụ y tế, khu vực di biến động về dân cư, có ổ dịch cũ và có tỷ lệ tiêm chủng chưa cao trong những năm qua.
Triển khai quyết liệt các biện pháp phòng các bệnh nguy hiểm có nguy cơ xâm nhập vào Việt Nam và các bệnh lây truyền qua đường hô hấp...
Báo An ninh Thủ đô
VĂN BẢN MỚI
- Giám sát phản ứng có hại của thuốc (ADR) tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh
- Tăng cường các biện pháp phòng chống dịch bệnh tại các cơ sở kinh doanh thuốc trong dịp Tết Nguyên đán 2022
- Đảm bảo cung ứng thuốc phòng chống dịch bệnh và nhu cầu sử dụng thuốc trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022
- 4289/QĐ-SYT Quyết định về việc giao chỉ tiêu Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán thu, chi ngân sách năm 2022 cho các đơn vị thuộc Sở Y tế Hà Nội
- 10722/BYT-DP Về việc tiêm vắc xin phòng Covid-19 liều cơ bản và nhắc lại
- Công văn 10696/BYT-MT về việc cách ly y tế cho trường hợp F1 đã tiêm đủ liều vắc xin hoặc đã khỏi bệnh Covid-19
- Công văn 10688/BYT-MT của Bộ Y tế về phòng, chống dịch Covid-19 đối với người nhập cảnh
- Sử dụng kết quả xét nghiệm để phát hiện người mắc Covid-19 và cho người bệnh ra viện
- Quyết định 696/QĐ-SYT của Bộ Y tế ban hành Sổ tay thực hành tại cơ sở bán lẻ thuốc
- Thu hồi thuốc Methtrexat Bidiphar 50mg/2ml không đạt tiêu chuẩn chất lượng