Điểm báo
Nhiều điểm mới tăng quyền lợi cho người tham gia bảo hiểm y tế
Nghị định 75/2023/NĐ-CP có nhiều điểm mới theo hướng tăng quyền lợi cho người tham gia BHYT, nhưng cũng đặt ra trọng trách, yêu cầu cao từ phía các cơ quan liên quan trong thực hiện chính sách bảo hiểm y tế.
Ngày 16-11, Bộ Y tế tổ chức hội nghị trực tuyến triển khai Nghị định số 75/2023/NĐ-CP (Nghị định 75) sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 146/2018/NĐ-CP (Nghị định 146) ngày 17-10-2018 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (BHYT).
Tại hội nghị, ông Lê Văn Phúc, Trưởng Ban Thực hiện chính sách BHYT (Bảo hiểm xã hội Việt Nam) cho biết, Nghị định 75 có nhiều điểm mới theo hướng tăng quyền lợi cho người tham gia BHYT, nhưng cũng đặt ra trọng trách, yêu cầu cao từ phía các cơ quan liên quan trong thực hiện chính sách BHYT.
Theo đó, Nghị định 75 bổ sung 2 nhóm đối tượng được ngân sách nhà nước đóng và hỗ trợ mức đóng BHYT, gồm: Người dân các xã an toàn khu, vùng an toàn khu cách mạng; Người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại địa bàn các xã mới thoát khỏi vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Mức hỗ trợ đóng BHYT tối thiểu 70% mức đóng trong thời gian 36 tháng kể từ ngày 1-11-2023.
Bên cạnh đó, Nghị định 75 đã mở rộng điều kiện tiếp cận và thụ hưởng chính sách BHYT cho nhiều nhóm đối tượng chính sách và có hiệu lực từ ngày 3-12-2023.
Về việc bổ sung, nâng mức hưởng khám chữa bệnh BHYT, người tham gia kháng chiến và bảo vệ Tổ quốc được nâng mức hưởng từ 80% lên 100% chi phí khám chữa bệnh BHYT; người phục vụ người có công với cách mạng sống ở gia đình nâng mức hưởng từ 80% lên 95% chi phí khám chữa bệnh BHYT. Vợ hoặc chồng liệt sĩ tái giá nhưng đang hưởng trợ cấp hằng tháng theo quy định của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng có mức hưởng 95% chi phí khám chữa bệnh BHYT.
Đáng chú ý, khi đi khám chữa bệnh, người tham gia BHYT có thể lựa chọn xuất trình thẻ BHYT có ảnh hoặc căn cước công dân. Trong trường hợp xuất trình thẻ BHYT nhưng không có ảnh thì người tham gia BHYT mới phải xuất trình thêm một trong các giấy tờ khác liên quan.
Riêng đối với giấy hẹn khám lại, nếu như trước đây quy định loại giấy tờ này chỉ dùng trong 10 ngày thì với Nghị định 75, nếu không thể tái khám đúng hẹn, người dân có thể liên hệ với cơ sở khám chữa bệnh để đăng ký lại lịch khám phù hợp.
Bà Trần Thị Trang, Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế (Bộ Y tế) khẳng định, về nguyên tắc, người bệnh phải bảo đảm tuân thủ lịch khám lại theo giấy hẹn. Các cơ sở y tế có các biện pháp nhắc nhở người bệnh để bảo đảm đến khám đúng hạn. Trong trường hợp bệnh nhân đến khám trễ, họ buộc phải liên hệ với nhân viên y tế trong khoảng thời gian 10 ngày, kể từ ngày được hẹn khám để được bố trí, sắp xếp lịch khám khác. Nếu liên hệ sau thời hạn này sẽ không được chấp nhận và người bệnh phải đăng ký khám mới lại.
Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng đề nghị các vụ, cục, Thanh tra Bộ Y tế tăng cường thanh tra, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện chính sách, pháp luật về BHYT, phòng chống các hành vi tiêu cực, lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT; nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, đáp ứng sự hài lòng của người dân. Theo số liệu của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, tính đến hết tháng 9-2023, cả nước đã có khoảng 91,7 triệu người tham gia BHYT, tăng hơn 600 nghìn người so với năm 2022. Dự kiến đến hết năm 2023, tỷ lệ bao phủ BHYT ước đạt 93,35% dân số.
Báo Hà nội mới
300 gian hàng tham gia trưng bày dược liệu, y dược cổ truyền
Ngày 16/11, Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền, Bộ Y tế và Viện Y dược quân dân y Việt Nam tổ chức họp báo công bố thông tin về hội chợ Dược liệu, Y dược cổ truyền và các sản phẩm từ dược liệu toàn quốc lần thứ hai năm 2023.
heo đó, Hội chợ Dược liệu, y dược cổ truyền và các sản phẩm từ Dược liệu toàn quốc lần thứ 2 năm 2023 sẽ được tổ chức từ ngày 20/12/2023 đến ngày 23/12/2023 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia.
Cục trưởng Cục Quản lý Y dược cổ truyền, Bộ Y tế Nguyễn Tiến Thịnh cho biết, sự kiện được tổ chức nhằm tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại thúc đẩy nuôi trồng, phát triển tiêu thụ sản phẩm dược liệu và các sản phẩm về y dược cổ truyền của các DN nuôi trồng, khai thác, kinh doanh dược liệu.
Các cơ sở sản xuất thuốc cổ truyền, các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh y học cổ truyền, các địa phương nuôi trồng, khai thác dược liệu, Hội đông y các tỉnh, TP. Đồng thời tạo ra một điểm mua sắm dược liệu, thuốc cổ truyền tin cậy phục vụ nhu cầu mua sắm và chăm sóc sức khỏe của Nhân dân.
Tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu được sâu rộng hơn nữa các sản phẩm dược liệu sạch, an toàn, chất lượng đến người tiêu dùng và nâng cao ý thức trách nhiệm của doanh nghiệp, người dân đối với vấn đề an toàn, sức khỏe trong quá trình sản xuất, chế biến, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm dược liệu, thuốc cổ truyền.
Từng bước nâng cao nhận thức của người sản xuất cũng như người tiêu dùng đối với sản phẩm dược liệu, thuốc cổ truyền an toàn, góp phần tác động đến sản xuất và chế biến dược liệu và các sản phẩm từ dược liệu của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.
Hội chợ được tổ chức lần này cũng góp phần quan trọng đưa công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân qua việc tìm hiểu rõ nguồn gốc xuất xứ của các dược liệu, thuốc từ dược liệu, sản phẩm chăm sóc sức khỏe trong quá trình ngăn ngừa bệnh tật, từ đó nâng cao hơn nữa chất lượng chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân.
Hội chợ dự kiến thu hút khoảng 300 gian hàng tham gia trưng bày dược liệu, Y dược cổ truyền và các sản phẩm từ dược liệu của các cơ sở kinh doanh, sản xuất dược liệu, thuốc cổ truyền, các tổng công ty dược, cơ sở kinh doanh dược liệu, thuốc cổ truyền, thuốc dược liệu, cơ sở nuôi trồng dược liệu; các bệnh viện y dược cổ truyền trên cả nước.
Sự kiện sẽ thu hút khoảng 50.000 lượt khách tham quan, trong đó gồm nhiều tổ chức, DN trong và ngoài nước, HTX. Hội đông y các tỉnh, các lương y, bác sĩ bệnh viện, DN kinh doanh, phân phối, thu mua dược liệu đến tham quan, học tập trao đổi kinh nghiệm và tham gia các hoạt động trong khuôn khổ Hội chợ và các hoạt động bên lề hội chợ: Hội nghị phát triển dược liệu Việt Nam và các sản phẩm từ dược liệu; Hội thảo nâng cao khám chữa bệnh bằng y dược cổ truyền và Hội thảo về đầu tư, phát triển dược liệu…
Báo Kinh tế & Đô thị
Tích cực ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin y tế thông minh
Ngành Y tế Hà Nội đang tích cực triển khai đề án Ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin y tế thông minh giai đoạn 2023 - 2025 để từng bước hình thành hệ thống thông tin ngành hiện đại, linh hoạt dựa trên dữ liệu được cập nhật chính xác theo thời gian thực.
Sở Y tế đang quản lý hồ sơ công việc, điều hành thông qua hệ thống quản lý văn bản và điều hành dùng chung của thành phố liên thông từ cơ quan văn phòng Sở đến các đơn vị trực thuộc và UBND thành phố, các cơ quan, đơn vị khác. 100% văn bản đến và đi được thực hiện trên môi trường mạng (trừ văn bản mật).
Ngành ứng dụng chữ ký số trong gửi, nhận văn bản điện tử, thực hiện giao dịch điện tử với kho bạc, triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Bộ phận một cửa đã triển khai hệ thống công nghệ thông tin hiện đại cung cấp các dịch vụ công trên hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính thành phố Hà Nội. Ngành quản trị, vận hành khai thác sử dụng phần mềm chuyên ngành đặc thù của y tế phục vụ công tác quản lý, chuyên môn như cổng thông tin điện tử, hệ thống đường dây nóng, phần mềm quản lý thông tin tiêm chủng quốc gia, phần mềm báo cáo thống kê.
Trang thông tin điện tử của Sở Y tế cập nhật đầy đủ các văn bản quy phạm pháp luật, các văn bản chỉ đạo điều hành của Bộ Y tế, UBND thành phố, Sở Y tế; thông tin về quản lý hành nghề y dược trong và ngoài công lập; thông tin về xử phạt vi phạm; công khai dự toán ngân sách; thông tin về đấu thầu và phản ánh đầy đủ các hoạt động của ngành để phục vụ nhu cầu tra cứu, khai thác dữ liệu của các đơn vị, người dân và doanh nghiệp. Các đơn vị tích cực ứng dụng công nghệ thông tin trong khám chữa bệnh, góp phần rút ngắn thời gian chờ khám của người bệnh, đồng thời quản lý được các thông tin, dữ liệu khám bệnh.
Đến nay, 100% bệnh viện đã ứng dụng phần mềm quản lý thông tin bệnh viện (HIS). 37/41 bệnh viện đã ứng dụng phần mềm quản lý thông tin xét nghiệm (LIS). 27/41 bệnh viện đã trang bị hệ thống lưu trữ và truyền tải hình ảnh (RIS-PACS) kết nối liên thông kết quả các khoa phòng, hội chẩn liên khoa, báo động đỏ nội viện…, thành lập các nhóm Zalo sẵn sàng tiếp nhận, hội chẩn các ca bệnh khó từ xa.
Nhiều bệnh viện đã sử dụng căn cước công dân gắn chíp trong khám chữa bệnh, thay tế cho thẻ bảo hiểm y tế, đăng ký khám qua Face ID. Một số bệnh viện đã triển khai bệnh án điện tử là Xanh Pôn, Phụ sản Hà Nội, Vân Đình, Mỹ Đức…Tất cả các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn đã thực hiện kết nối dữ liệu khám chữa bệnh và thanh toán chi phí khám chữa bệnh với cơ quan bảo hiểm xã hội thành phố thông qua hệ thống giám định bảo hiểm y tế.
Đặc biệt, ứng dụng công nghệ thông tin phát huy hiệu quả tích cực trong khám chữa bệnh từ xa. Sở Y tế đã thành lập mạng lưới khám chữa bệnh từ xa bao gồm 4 bệnh viện tuyến trên (Xanh Pôn, Tim Hà Nội, Phụ sản Hà Nội, Ung bướu Hà Nội), 157 bệnh viện tuyến dưới (13 bệnh viện tuyến thành phố, 15 bệnh viện tuyến huyện, 7 bệnh viện ngoài công lập, 19 quận, huyện, thị xã; 103 bệnh viện và Trung tâm y tế ngoài Hà Nội). Mạng lưới này đã đào tạo trực tuyến cập nhật kiến thức về hướng dẫn, chẩn đoán điều trị các dịch bệnh chân tay miệng, sốt xuất huyết… ngay khi Bộ Y tế ban hành. Thực hiện quyết định 3532/QĐ-BYT ngày 12/8/2020 của Bộ Y tế về quy định xây dựng và triển khai hệ thống thông tin quản lý trạm y tế xã, phường, thị trấn, Sở đã đào tạo, hướng dẫn sử dụng phần mềm quản lý tại 579 trạm y tế.
Báo Tin Tức
Sử dụng kỹ thuật cắt dưới niêm mạc để điều trị ung thư đại - trực tràng
Các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Đức Giang (Hà Nội) vừa điều trị thành công ca bệnh ung thư trực tràng giai đoạn sớm bằng kỹ thuật cắt tách dưới niêm mạc qua nội soi.
Theo thông tin từ Bệnh viện đa khoa Đức Giang, các bác sĩ của Bệnh viện vừa điều trị thành công ca mắc ung thư trực tràng giai đoạn sớm bằng kỹ thuật cắt tách dưới niêm mạc qua nội soi. Người bệnh không cần phẫu thuật, bảo tồn được hậu môn - trực tràng, giúp nâng cao chất lượng sống cho người bệnh.
Cụ thể bệnh nhân N.T. S (78 tuổi) đi khám vì đau bụng âm ỉ vùng hạ vị kèm thi thoảng có đợt rối loạn tiêu hóa. Bệnh nhân được chỉ định làm nội soi đại trực tràng phát hiện polyp lan tỏa ở trực tràng thấp - ống hậu môn, kích thước 5cm, bác sĩ nội soi đã sinh thiết làm giải phẫu bệnh có kết quả u tuyến ống loạn sản độ thấp - vừa.
Sau khi hội chẩn, các bác sĩ đã quyết định điều trị cho người bệnh bằng phương pháp cắt tách dưới niêm mạc qua nội soi thay vì phải thực hiện một cuộc đại phẫu thuật. Sau 90 phút thực hiện thủ thuật, polyp lớn ở trực tràng đã được cắt bỏ hoàn toàn không xảy ra các tai biến hay biến chứng do thủ thuật. Sau 1 ngày điều trị tại khoa Ngoại tổng hợp, sức khỏe bệnh nhân đã ổn định.
Ths.Bs Vũ Thị Duyên, trưởng khoa Thăm dò chức năng, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang cho biết: "Để phát hiện và điều trị sớm ung thư đại trực tràng, phương pháp có giá trị nhất hiện nay là nội soi ống mềm, vì thực hiện được đồng bộ từ chẩn đoán đến điều trị. Ngoài quan sát được tổn thương, qua nội soi, các bác sĩ có thể cắt polyp và lấy được mẫu làm xét nghiệm giải phẫu bệnh lý. Phương pháp này có ưu điểm là chỉ cắt tách lấy khối niêm mạc bị tổn thương, để lại lớp cơ của ống tiêu hóa mà không cần phải cắt bỏ một đoạn ruột và đặc biệt không phải làm hậu môn nhân tạo.
Kỹ thuật cắt dưới niêm mạc (ESD) là một bước tiến vượt bậc trong lĩnh vực nội soi đường tiêu hóa. Đây là phương pháp ưu việt hàng đầu trong điều trị ung thư sớm đường tiêu hóa, với những ưu điểm vượt trội như: Sang chấn tối thiểu, giúp bệnh nhân tránh được đại phẫu cắt bỏ đoạn ống tiêu hóa tiềm ẩn nhiều nguy cơ biến chứng mà hiệu quả điều trị tương đương, bảo tồn đường tiêu hóa (gồm thực quản, dạ dày, đại trực tràng…), giảm thiểu đau đớn. Kỹ thuật này cũng giúp nâng cao chất lượng cuộc sống, người bệnh có thể hồi phục sức khỏe nhanh chóng, sinh hoạt bình thường sau can thiệp 24 giờ. Qua đó rút ngắn thời gian nằm viện và tiết kiệm chi phí điều trị. Phương pháp này cũng an toàn với mọi lứa tuổi, đặc biệt là bệnh nhân cao tuổi mắc ung thư đường tiêu hóa giai đoạn sớm”.
Bác sĩ cũng cảnh báo, ung thư đại - trực tràng đang có xu hướng trẻ hóa và gia tăng nhanh chóng, nếu không được điều trị sớm có thể dẫn đến tắc ruột, chảy máu, di căn đến gan, phổi và dẫn đến tử vong.
Để phòng ngừa bệnh, cần có chế độ ăn uống hợp lý, nhiều chất xơ, ít chất béo và thịt, hạn chế thuốc lá, rượu bia, tăng cường vận động. Người dân nên khám sàng lọc và nội soi đại tràng giúp giảm tỷ lệ tử vong do ung thư, cắt polyp qua nội soi giúp giảm 80% tỷ lệ mắc ung thư đại trực tràng.
Đặc biệt, những người tiền căn gia đình có polyp đại - trực tràng hay ung thư đại trực tràng cần đến khám bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn và tầm soát sớm. Người bệnh trên 50 tuổi hay có các yếu tố nguy cơ cần được nội soi đại tràng tầm soát polyp và ung thư đại trực tràng.
Tại Việt Nam, ung thư đại - trực tràng là một trong 10 loại ung thư thường gặp với tỷ lệ tử vong liên quan đến ung thư đứng hàng thứ 5 ở cả 2 giới.
Báo Tin tức
VĂN BẢN MỚI
- Giám sát phản ứng có hại của thuốc (ADR) tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh
- Tăng cường các biện pháp phòng chống dịch bệnh tại các cơ sở kinh doanh thuốc trong dịp Tết Nguyên đán 2022
- Đảm bảo cung ứng thuốc phòng chống dịch bệnh và nhu cầu sử dụng thuốc trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022
- 4289/QĐ-SYT Quyết định về việc giao chỉ tiêu Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán thu, chi ngân sách năm 2022 cho các đơn vị thuộc Sở Y tế Hà Nội
- 10722/BYT-DP Về việc tiêm vắc xin phòng Covid-19 liều cơ bản và nhắc lại
- Công văn 10696/BYT-MT về việc cách ly y tế cho trường hợp F1 đã tiêm đủ liều vắc xin hoặc đã khỏi bệnh Covid-19
- Công văn 10688/BYT-MT của Bộ Y tế về phòng, chống dịch Covid-19 đối với người nhập cảnh
- Sử dụng kết quả xét nghiệm để phát hiện người mắc Covid-19 và cho người bệnh ra viện
- Quyết định 696/QĐ-SYT của Bộ Y tế ban hành Sổ tay thực hành tại cơ sở bán lẻ thuốc
- Thu hồi thuốc Methtrexat Bidiphar 50mg/2ml không đạt tiêu chuẩn chất lượng