Điểm báo

Điểm thông tin y tế trên báo chí ngày 1/11/2024
Ngày đăng 04/11/2024 | 09:14  | Lượt xem: 202

* Triển khai Luật Thủ đô năm 2024 vào cuộc sống: Xây dựng mạng lưới y tế rộng khắp, kết nối phục vụ nhân dân

Thể chế hóa các quan điểm của Nghị quyết số 15-NQ/TƯ (ngày 5-5-2022) của Bộ Chính trị về “Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, Luật Thủ đô (sửa đổi) đã quy định một số chính sách đặc thù nhằm nâng cao năng lực, xây dựng hệ thống y tế Thủ đô ngày càng phát triển, hiện đại.

Theo đó, trong tương lai, mạng lưới y tế Thủ đô sẽ phát triển mở rộng bảo đảm tính kết nối cao, không chỉ phục vụ riêng Hà Nội.

Vẫn còn tình trạng bệnh nhân phải chờ đợi

Hà Nội được xem là trung tâm y tế lớn nhất cả nước, với mạng lưới 19 bệnh viện chuyên sâu tuyến cuối do Bộ Y tế quản lý, trong đó có 4 bệnh viện đa khoa, 15 bệnh viện chuyên khoa. Thành phố đang trực tiếp quản lý hàng chục bệnh viện trực thuộc và 579 trạm y tế xã, phường, thị trấn thuộc 30 trung tâm y tế quận, huyện, thị xã. 82,73% trạm y tế thực hiện theo nguyên lý y học gia đình đồng hành với cam kết của thành phố về sự tiếp cận toàn diện và hiện đại trong chăm sóc sức khỏe cộng đồng.

Song, khảo sát tại các bệnh viện, nhất là giai đoạn đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp cho thấy, chất lượng khám, chữa bệnh chưa đồng đều ở các tuyến, còn tình trạng bệnh nhân phải chờ đợi. Tỷ lệ bác sĩ của thành phố/1 vạn dân còn thấp. Đặc biệt, các trạm y tế cấp xã ở nơi trên 60.000 dân cũng chỉ có tối đa 10 cán bộ y tế, trong khi 10 cán bộ y tế chỉ phụ trách hiệu quả khoảng 13.000-15.000 dân.

Đáng lưu ý, mô hình y học gia đình được coi là mô hình thí điểm có thể giúp sàng lọc, giải quyết được phần lớn các bệnh lý thông thường, không cần chuyển tuyến, góp phần giảm tải tại các bệnh viện.

Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023 tại Khoản 2, Điều 81 quy định 6 nhiệm vụ của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có phạm vi hoạt động chuyên môn về y học gia đình, các nhiệm vụ là căn cứ để Bộ Y tế sẽ ban hành các danh mục kỹ thuật và giá dịch vụ. Tuy nhiên, đến nay, Bộ Y tế chưa có quy định giá dịch vụ dành riêng cho khám bệnh, chữa bệnh y học gia đình.

Chú trọng sự kết nối và tương hỗ

Để tháo gỡ những khó khăn này, Luật Thủ đô (sửa đổi) đã được Quốc hội biểu quyết thông qua định hướng phát triển đồng bộ, cân đối và bảo đảm tính kết nối cao, tương tác hiệu quả giữa mạng lưới cơ sở y tế quốc gia và địa phương. Trong tương lai, mạng lưới y tế này không chỉ phục vụ cho chính Hà Nội hoặc khu vực miền Bắc mà còn cho cả nước.

Theo đó, về quy hoạch sẽ có 3 cấp y tế. Với những bệnh thông thường như sốt, tai nạn bỏng…, người dân đến chỗ cấp cứu gần nhất; nặng hơn thì đến các bệnh viện quận, huyện; còn bệnh vô cùng nặng, khó điều trị thì được điều trị tại các trung tâm y khoa lớn.

Nhằm bảo đảm an sinh xã hội toàn diện, bền vững, không ngừng nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của người dân Thủ đô, một điểm hết sức quan trọng trong Luật Thủ đô (sửa đổi) là quy định hỗ trợ mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện 100% đối với người thuộc hộ nghèo; tối thiểu 60% đối với người thuộc hộ cận nghèo; hỗ trợ 100% kinh phí mua bảo hiểm y tế đối với người thuộc hộ cận nghèo, người khuyết tật, người cao tuổi từ 70 tuổi trở lên.

Đáng chú ý, nội dung ưu tiên phát triển này không chỉ dừng ở mức xác định định hướng chung, mà đã xác định cụ thể chiến lược hỗ trợ phát triển cả 2 khía cạnh là “cung” dịch vụ (hỗ trợ đầu tư, thủ tục hành chính, phát triển nhân lực) và “cầu” dịch vụ (sử dụng ngân sách địa phương để thanh toán một số dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh y học gia đình chưa được bảo hiểm y tế thanh toán, gồm quản lý, chăm sóc sức khỏe ban đầu trên địa bàn, tư vấn nâng cao sức khỏe và phòng bệnh).

Theo hướng đi này, thành phố Hà Nội đang xây dựng Dự thảo Nghị quyết của HĐND thành phố ban hành danh mục khám, chữa bệnh y học gia đình chưa được Quỹ Bảo hiểm y tế thanh toán cho các cơ sở khám, chữa bệnh y học gia đình và danh mục cấp cứu ngoại viện trên địa bàn thành phố Hà Nội. Theo đó, 20 dịch vụ thuộc danh mục dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh y học gia đình chưa được Quỹ Bảo hiểm y tế thanh toán trên địa bàn thành phố Hà Nội và 22 dịch vụ thuộc danh mục cấp cứu ngoại viện trên địa bàn thành phố chưa được Quỹ Bảo hiểm y tế thanh toán, được đưa vào xem xét lần này.

Phó Giám đốc phụ trách điều hành Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Đình Hưng khẳng định, đây không chỉ là bước tiến quan trọng trong việc hình thành các cơ chế mới cho y tế Thủ đô mà còn là cam kết của thành phố trong việc cải thiện chăm sóc sức khỏe cộng đồng và tối ưu hóa sử dụng nguồn lực y tế.

Báo Hà Nội mới

https://hanoimoi.vn/trien-khai-luat-thu-do-nam-2024-vao-cuoc-song-xay-dung-mang-luoi-y-te-rong-khap-ket-noi-phuc-vu-nhan-dan-683164.html

* Đề xuất người có bảo hiểm y tế được thanh toán dịch vụ cấp cứu ngoại viện, chi phí vận chuyển

Đại biểu Quốc hội Trần Thị Nhị Hà kiến nghị sửa đổi phạm vi thanh toán theo hướng, mọi đối tượng có thẻ BHYT đều được thanh toán chi phí vận chuyển trong trường hợp cần thiết và bổ sung thêm quy định thanh toán dịch vụ cấp cứu ngoại viện.

Chiều 31/10, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (BHYT).

Góp ý về thanh toán chi phí vận chuyển và cấp cứu ngoại viện, đại biểu Trần Thị Nhị Hà, Phó Trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội băn khoăn, khi dự thảo luật chỉ quy định một số nhóm đối tượng có thẻ BHYT mới được thanh toán chi phí vận chuyển trong trường hợp cấp cứu hoặc chuyển viện.

Theo bà, như vậy đã tạo ra sự thiếu công bằng cho các đối tượng còn lại. Ngoài ra, Quỹ BHYT vẫn chưa chi trả cho dịch vụ cấp cứu ngoại viện. Điều này là chưa hợp lý, bởi cấp cứu ngoại viện đã được quy định tại Luật Khám bệnh chữa bệnh. Đây là nhu cầu cấp thiết và quan trọng, giúp can thiệp kịp thời và cứu sống người bệnh trong những tình huống khẩn cấp.

“Ở nhiều quốc gia, quyền được tiếp cận cấp cứu ngoại viện là một trong những quyền hiến định”, bà Hà cho hay.

Còn về chuyên môn, theo đại biểu, việc cấp cứu trong “thời điểm vàng” giúp giảm nguy cơ bệnh nhân chuyển nặng, nguy cơ biến chứng và tiết kiệm chi phí điều trị lâu dài, cũng chính là giảm gánh nặng cho Quỹ BHYT, đồng thời cũng tạo điều kiện cho việc phát triển hệ thống cấp cứu ngoại viện trên cả nước.

Từ đó, bà Trần Thị Nhị Hà kiến nghị sửa đổi, bổ sung phạm vi thanh toán theo hướng, mọi đối tượng có thẻ BHYT đều được thanh toán chi phí vận chuyển trong trường hợp cần thiết, nhằm đảm bảo người có thẻ BHYT được hưởng các quyền lợi công bằng, không phân biệt và bổ sung thêm quy định thanh toán dịch vụ cấp cứu ngoại viện.

Về phạm vi được hưởng của người tham gia BHYT, đại biểu Trần Thị Nhị Hà nói, hiện Quỹ BHYT chưa thanh toán cho các dịch vụ có tính chất dự phòng và sàng lọc.

Theo bà, các bệnh như ung thư, tăng huyết áp và đái tháo đường hiện đang chiếm tỷ lệ lớn trong chi phí điều trị. Nếu được phát hiện sớm, các chi phí này chắc chắn sẽ giảm đáng kể và người bệnh cũng tránh được nhiều biến chứng nguy hiểm.

Đại biểu nguyên là Giám đốc Sở Y tế Hà Nội viện dẫn các nghiên cứu của Viện Chiến lược và Chính sách Y tế, nếu phát hiện sớm bệnh tăng huyết áp, chi phí điều trị chỉ khoảng 5 triệu đồng/năm, trong khi điều trị biến chứng muộn có thể lên đến 92 triệu đồng/năm.

Tuy nhiên, các dịch vụ dự phòng này vẫn chưa được BHYT chi trả, gây lãng phí tiềm năng phòng ngừa bệnh tật của hệ thống y tế.

Từ phân tích trên, đại biểu Hà kiến nghị bổ sung phạm vi thanh toán BHYT cho các danh mục dự phòng, sàng lọc định kỳ. Bộ trưởng Bộ Y tế quy định cụ thể danh mục bệnh, tần suất, khung giá các dịch vụ này.

Đề xuất hội đồng giám định chuyên môn, có khả thi?

Tại phiên thảo luận, đại biểu Thạch Phước Bình (đoàn Trà Vinh) cho rằng, cần tăng cường vai trò của Bộ Y tế trong quản lý giám định BHYT. Đây là hoạt động chuyên môn nhằm đánh giá sự hợp lý của dịch vụ BHYT do tổ chức này tiến hành.

Tuy nhiên, đại biểu cũng cho rằng, hiện nay đang thiếu các quy định cụ thể về quy trình, tiêu chí giám định, dẫn đến bất cập, gây áp lực cho các bệnh viện, khiến tình trạng trễ hạn thanh toán chi phí xảy ra khá phổ biến trong thực tế.

Ông Bình viện dẫn theo thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam năm 2023, có 30% cơ sở khám bệnh, chữa bệnh gặp tình trạng chậm thanh toán vì thiếu rõ ràng trong quy định về giám định y tế.

Để giải quyết vấn đề này, đại biểu đề xuất bổ sung quy định trong Luật BHYT yêu cầu Bộ Y tế ban hành các tiêu chí và hướng dẫn chi tiết về giám định y tế, giúp thống nhất quy trình đánh giá và phối hợp hiệu quả giữa cơ quan bảo hiểm xã hội với ngành y tế.

“Quy định này không chỉ đảm bảo tính minh bạch, nhất quán, mà còn tránh gây chậm trễ trong việc thanh toán chi phí cho cơ sở y tế và người bệnh”, ông Bình nêu.

Tranh luận về giám định bảo hiểm y tế, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (Bình Định) cho rằng, đề xuất có hội đồng giám định chuyên môn là “ý tưởng hay nhưng hiện nay không thể thực hiện được”.

Theo đại biểu đang là Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, khối lượng công việc liên quan tới giám định rất lớn nên không đủ bác sĩ chuyên môn tham gia hội đồng.

Đại biểu đề nghị bổ sung quy định Bộ Y tế ban hành quy định tiêu chí, nội dung đánh giá sự hợp lý của dịch vụ y tế cung cấp cho người tham gia BHYT, làm cơ sở giám định, thanh toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT.

Báo Tiền phong

https://tienphong.vn/de-xuat-nguoi-co-bao-hiem-y-te-duoc-thanh-toan-dich-vu-cap-cuu-ngoai-vien-chi-phi-van-chuyen-post1687335.tpo

* Hà Nội đưa công tác Y tế trường học vào chỉ tiêu đánh giá thi đua hàng năm

Sở GD&ĐT Hà Nội và Sở Y tế Hà Nội vừa ban hành kế hoạch liên ngành thực hiện công tác Y tế trường học năm học 2024 - 2025.

Theo đó ngành GD-ĐT và ngành Y tế Hà Nội yêu cầu kiện toàn Ban Chỉ đạo Y tế trường học các cấp. Các trường học, cơ sở giáo dục kiện toàn Ban chăm sóc sức khỏe học sinh, xây dựng và triển khai kế hoạch, tổ chức thực hiện theo quy định.

Bố trí phòng Y tế riêng, thuận tiện công tác sơ cấp cứu và chăm sóc sức khỏe học sinh, bảo đảm cơ số thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế thiết yếu dùng trong phòng Y tế học đường của các trường theo quy định.

Bố trí cán bộ thực hiện nhiệm vụ Y tế trường học hoặc hợp đồng cung ứng dịch vụ với cơ sở y tế, cơ sở khám bệnh để triển khai công tác Y tế trường học. Tổ chức đào tạo bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác Y tế trường học.

Quan tâm tạo điều kiện về thời gian, kinh phí cho nhân viên y tế hoặc nhân viên kiêm nhiệm phụ trách công tác Y tế học đường tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ Y tế trường học.

Đảm bảo các điều kiện cơ sở vật chất, vệ sinh môi trường, hóa chất làm vệ sinh, dung dịch khử khuẩn, cung cấp đủ nước ăn uống, sinh hoạt cho học sinh, giáo viên; nhà vệ sinh đảm bảo vệ sinh, an toàn, thân thiện và sử dụng tốt; đảm bảo điều kiện vệ sinh học đường và đảm bảo các điều kiện cần thiết khác để triển khai hoạt động chăm sóc, bảo vệ sức khỏe của học sinh, phòng chống tai nạn thương tích theo quy định.

Tăng cường hoạt động truyền thông, tư vấn giáo dục sức khỏe cho học sinh thông qua các hoạt động giảng dạy chính khoá, ngoại khoá. Tuyên truyền về phòng chống dịch bệnh, an toàn thực phẩm, dinh dưỡng, phát triển thể chất, tầm vóc học sinh, phòng chống thừa cân béo phì, phòng chống các bệnh thường gặp ở lứa tuổi học sinh.

Khám sức khỏe định kỳ mỗi năm một lần cho giáo viên, nhân viên nhà trường; khám sức khỏe theo chuyên khoa, đánh giá tình trạng dinh dưỡng cho học sinh, sơ cấp cứu ban đầu, mắt học đường, nha học đường cho học sinh, giáo viên, nhân viên nhà trường. Thông báo kết quả khám sức khỏe; thông báo các trường hợp mắc bệnh cho gia đình để phối hợp chuyển tuyến điều trị.

Các trường học và các cơ sở giáo dục chủ động giám sát phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ, trường hợp mắc bệnh, ổ dịch trong trường học, đặc biệt là các bệnh truyền nhiễm, bệnh mới nổi, tái nổi.

Đảm bảo an toàn thực phẩm trong trường học: bếp ăn bán trú, căng tin, cơ sở cung cấp suất ăn cho học sinh, nước uống cho học sinh. Tăng cường kiểm tra, giám sát công tác đảm bảo an toàn thực phẩm tại các trường có tổ chức bếp ăn bán trú, căng tin, cơ sở cung cấp suất ăn cho học sinh.

Hà Nội cũng yêu cầu thường xuyên tổ chức các hoạt động điều tra, kiểm tra, đánh giá về công tác Y tế học đường, chăm sóc sức khỏe học sinh, giáo viên trong các trường học. Thực hiện kiểm tra, giám sát, đánh giá công tác Y tế trường học. Đưa công tác Y tế trường học vào chỉ tiêu đánh giá thi đua hàng năm của các cơ sở giáo dục và các cấp quản lý giáo dục.

Báo Giáo dục thời đại

https://giaoducthoidai.vn/ha-noi-dua-cong-tac-y-te-truong-hoc-vao-chi-tieu-danh-gia-thi-dua-hang-nam-post706794.html

Hà Nội: Xử phạt 130 triệu đồng 7 cơ sở vi phạm an toàn thực phẩm

Thanh tra Sở Y tế Hà Nội vừa công bố xử phạt vi phạm hành chính 130 triệu đồng đối với 7 cơ sở vi phạm an toàn thực phẩm từ ngày 14 đến 29-10.

Theo đó, Công ty cổ phần Bigstar Việt Nam (số 42 đường Nguyên Hồng, phường Láng Hạ, quận Đống Đa) bị xử phạt 4 triệu đồng do không có đủ dụng cụ chế biến, bảo quản và sử dụng riêng đối với thực phẩm tươi sống, thực phẩm đã qua chế biến.

Chủ hộ kinh doanh Vũ Lệ Hằng - Bò nhúng dấm 555 (138A phường Giảng Võ, quận Ba Đình); chủ hộ kinh doanh Mường Hoa (căn 402 HH1B Linh Đàm, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai) cùng bị xử phạt mức 12,5 triệu đồng do kinh doanh dịch vụ ăn uống mà không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm.

Cùng mắc lỗi này, Công ty cổ phần Five Spices (số 374 đường phố Huyện, thị trấn Quốc Oai, huyện Quốc Oai); Công ty TNHH Greensky Quốc tế (số 10E, ngõ 145/5 đường Phúc Lợi, phường Phúc Lợi, quận Long Biên) bị xử phạt mức 25 triệu đồng.

Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Thế giới hải sản (số 06/H1 Khu đô thị mới Yên Hòa - Cầu Giấy, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy) thực hiện không đúng quy định của pháp luật về chế độ kiểm thực 3 bước; thực hiện không đúng quy định của pháp luật về lưu mẫu thức ăn đã bị xử phạt 16 triệu đồng.

Công ty TNHH đầu tư nước sạch và môi trường Thanh Oai (địa chỉ thôn Cát Động, thị trấn Kim Bài, huyện Thanh Oai) bị xử phạt 35 triệu đồng do lỗi cung cấp nước sử dụng cho mục đích sinh hoạt không bảo đảm quy trình kỹ thuật về chất lượng nước sạch dùng cho mục đích sinh hoạt.

Ông Đặng Thanh Phong, Chi Cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội cho biết, thành phố hiện có hơn 72.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm; trong đó ngành Y tế quản lý khoảng 39.000 cơ sở.

Để bảo vệ sức khỏe của người dân, thời gian qua, cơ quan chức năng của Hà Nội đã tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, hậu kiểm vệ sinh, an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, bếp ăn tập thể...

Nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan chức năng đã góp phần tạo sự chuyển biến tích cực trong việc tuân thủ các quy định về an toàn thực phẩm của các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Nhiều cơ sở đã đầu tư trang thiết bị mới, đồng bộ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, ý thức về bảo đảm an toàn thực phẩm cũng đã tốt hơn trước.

Để bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố, tiếp tục ngăn chặn thực phẩm “bẩn” tuồn ra thị trường, theo ông Đặng Thanh Phong, từ nay đến cuối năm, công tác thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm tiếp tục được tăng cường. Đặc biệt, thành phố sẽ tập trung công tác hậu kiểm sau công bố, kiểm tra đột xuất, kiên quyết xử lý vi phạm hành chính về lĩnh vực an toàn thực phẩm theo quy định.

Đối với ngành Y tế sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng ngành Công Thương, Nông nghiệp tổ chức thực hiện công tác giám sát, phân tích nguy cơ đối với an toàn thực phẩm; các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn, cảnh báo sự cố an toàn thực phẩm; truy xuất nguồn gốc, thu hồi và xử lý đối với thực phẩm không bảo đảm an toàn thuộc lĩnh vực được phân công quản lý theo quy định.

“Tuyệt đối không để các sản phẩm không bảo đảm an toàn thực phẩm lưu thông trên thị trường; kiên quyết yêu cầu các cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn không bảo đảm an toàn thực phẩm phải có các biện pháp khắc phục thì mới được tiếp tục hoạt động”, ông Đặng Thanh Phong nhấn mạnh.

Bên cạnh việc tăng cường vai trò quản lý, giám sát việc thực thi pháp luật về an toàn thực phẩm, theo ông Đặng Thanh Phong, các ngành chức năng tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức trong dịp cuối năm.

Cụ thể, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan truyền thông kịp thời thông tin tuyên truyền về các văn bản mới và thực trạng an toàn thực phẩm trên địa bàn. Cùng với đó, tôn vinh, quảng bá, khuyến khích các tổ chức, cá nhân sản xuất các sản phẩm, chuỗi thực phẩm an toàn. Qua đó, nâng cao ý thức cho các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, phân phối trong lĩnh vực thực phẩm cũng như trang bị kiến thức cho người dân để tự bảo vệ mình.

Báo Hà Nội mới

https://hanoimoi.vn/ha-noi-xu-phat-130-trieu-dong-7-co-so-vi-pham-an-toan-thuc-pham-683185.html

Cục An toàn thực phẩm yêu cầu tạm dừng bán, lưu thông sản phẩm Babistar ZinC

Căn cứ kết quả kiểm tra, Cục An toàn thực phẩm (ATTP) – Bộ Y tế đã ra quyết định yêu cầu tạm dừng việc bán, lưu thông, sử dụng một lô sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Babistar ZinC.

Lô sản phẩm Babistar ZinC bị đề nghị tạm dừng việc bán, lưu thông, sử dụng từ ngày 29/10/2024 có các thông tin: LSX: 010224, NSX 29/02/2024, HSD: 28/02/2027). Tên công ty được kiểm tra là công ty Cổ phần Vstar Pharma; địa chỉ ở Khu đô thị Xa La (quận Hà Đông, TP. Hà Nội).

Lý do tạm dừng lưu thông: Vi phạm quy định về ghi nhãn hàng hóa.

Cục ATTP yêu cầu Công ty Cổ phần Vstar Pharma có trách nhiệm liên hệ với người sản xuất hoặc nhập khẩu để thực hiện các biện pháp xử lý, khắc phục trong thời hạn 07 ngày.

Hàng hóa nêu trên chỉ được phép tiếp tục lưu thông nếu đã thực hiện hành động khắc phục đạt yêu cầu và được cơ quan kiểm tra ra thông báo hàng hóa được tiếp tục lưu thông trên thị trường.

Báo An ninh Thủ đô

https://www.anninhthudo.vn/cuc-an-toan-thuc-pham-yeu-cau-tam-dung-ban-luu-thong-san-pham-babistar-zinc-post594228.antd

Thẩm mỹ trái phép, gây tai biến: Bộ Y tế yêu cầu kiểm tra

Bộ Y tế yêu cầu kiểm tra hoạt động khám chữa bệnh và quảng cáo tại cơ sở có hoạt động làm đẹp, phẫu thuật, tạo hình thẩm mỹ

Tiến sĩ - bác sĩ Hà Anh Đức, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), cho biết đã có công văn chấn chỉnh hoạt động khám bệnh, chữa bệnh chuyên khoa phẫu thuật, tạo hình, thẩm mỹ và cơ sở làm đẹp.

Theo ông Đức, thời gian gần đây, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh nhận được phản ánh về tình trạng vi phạm các quy định của pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh và quy định của pháp luật về quảng cáo tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chuyên khoa phẫu thuật, tạo hình, thẩm mỹ và đặc biệt tại các cơ sở làm đẹp.

Các cơ sở làm đẹp là các cơ sở được cấp giấy phép kinh doanh không phải là cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Các cơ sở này thực hiện các dịch vụ kỹ thuật thuộc lĩnh vực khám bệnh, chữa bệnh hoặc khám bệnh, chữa bệnh vượt quá phạm vi cho phép, quảng cáo không đúng quy định gây hiểu nhầm đối với người dân dẫn đến nhiều tai biến, biến chứng xảy ra.

Cá biệt, có cơ sở làm đẹp cố ý đặt tên giống với tên của cơ sở khám, chữa bệnh đã được cấp giấy phép hoạt động nhưng khác về địa điểm kinh doanh.

Bên cạnh đó, có hiện tượng mạo danh bác sĩ, bệnh viện để lừa đảo người dân. Các đối tượng giả mạo thường xuyên tạo ra các fanpage lấy tên bác sĩ bệnh viện để quảng cáo, gây nhầm lẫn cho người đến khám và điều trị.

Để chấn chỉnh hoạt động này, cục đề nghị sở Y tế các tỉnh, thành tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động khám bệnh, chữa bệnh và quảng cáo tại các cơ sở có phạm vi hoạt động phẫu thuật, tạo hình thẩm mỹ và các cơ sở làm đẹp.

Đồng thời, cần xử lý nghiêm các vi phạm đối với các cơ sở hoạt động không đúng phạm vi, vượt quá phạm vi được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, quảng cáo vượt quá khả năng chuyên môn và quảng cáo khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép.

Các sở cũng cần tham mưu UBND các tỉnh, thành phố để phối hợp với các đơn vị chức năng, cơ quan công an tăng cường kiểm tra, xử phạt đối với các cơ sở làm đẹp thực hiện các hoạt động, dịch vụ kỹ thuật khám bệnh, chữa bệnh nhưng không được cho phép tại các cơ sở này, quảng cáo không đúng theo quy định.

Bên cạnh đó, tuyên truyền, nâng cao kiến thức của người dân khi có nhu cầu sử dụng dịch vụ phẫu thuật, tạo hình, thẩm mỹ thì đến các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đã được cấp phép hoạt động.

Trang thông tin điện tử của sở Y tế cần đăng tải công khai danh sách các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chuyên khoa về phẫu thuật, tạo hình, thẩm mỹ đã được cấp giấy phép hoạt động trên địa bàn.

Trước đó, Báo Người Lao Động đã có các bài viết phản ánh về biến tướng mới trong ngành y liên quan đến việc lợi dụng sự mập mờ trong sử dụng từ ngữ, đặc biệt là chữ "bệnh viện" trên biển hiệu nhằm đánh lận quy mô và chất lượng dịch vụ.

Liên quan đến vấn đề này, Sở Y tế TP HCM kiến nghị bộ, ngành và các đơn vị liên quan xem xét, bổ sung các quy định về việc đặt tên cơ sở y tế, khắc phục tình trạng các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ phòng khám nhưng sử dụng danh nghĩa tên "bệnh viện".

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, lãnh đạo Quản lý Khám, chữa bệnh nhấn mạnh: "Những cơ sở không đủ điều kiện nhưng vẫn hoạt động "chui" cần bị xử lý triệt để để ngăn chặn những hậu quả tiêu cực cho xã hội và ngành y tế, bảo đảm sức khỏe cộng đồng".

Báo Người lao động

https://nld.com.vn/tham-my-trai-phep-gay-tai-bien-bo-y-te-yeu-cau-kiem-tra-196241101102122363.htm

Hàng nghìn người dân Thủ đô được hưởng lợi từ nghị quyết hỗ trợ BHXH, BHYT

Thời gian qua, hàng nghìn người dân tại Hà Nội đã được cấp thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) miễn phí, được hỗ trợ mức đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện theo Nghị quyết 03/2022/NQQ-HĐND, Nghị quyết số 21/2023/NQ-HĐND, Nghị quyết số 12/2024/NQ-HĐND, Nghị quyết 13/2023/NQ-HĐND.

Có thể thấy, 4 nghị quyết của thành phố Hà Nội đã bao phủ rộng lớn các đối tượng tham gia BHXH, BHYT bao gồm người yếu thế (người già từ đủ 70 - dưới 80 tuổi; người khuyết tật nhẹ dưới 16 tuổi), người dân có hoàn cảnh khó khăn (học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn; hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ nông, lâm ngư nghiệp có mức sống trung bình), các đối tượng đặc thù (lực lượng công an xã bán chuyên trách, lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở).

Sau khi các nghị quyết được ban hành, số người tham gia BHXH, BHYT tăng trưởng rõ rệt. Theo số liệu của BHXH Hà Nội, đến tháng 9/2024, số người tham gia BHYT đạt trên 8 triệu người, tăng 218.474 người so với cùng kỳ năm 2023; đạt 95,6% kế hoạch; tỷ lệ bao phủ BHYT đạt 94,42% dân số.

Kết quả thực hiện Nghị quyết 13, trong 9 tháng năm 2024, Hà Nội đã hỗ trợ 62.600 người với số tiền 43,53 tỷ đồng. Trong đó, người cao tuổi từ 70 đến dưới 80 tuổi là 53.485 người với số tiền 39,2 tỷ đồng; người khuyết tật nhẹ là 1.139 người với số tiền 0,83 tỷ đồng; người thuộc hộ gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp có mức sống trung bình là 7.972 người với số tiền 3,5 tỷ đồng...

Thực hiện Nghị quyết 12 và Nghị quyết 21, Hà Nội đã có 1.003 người thuộc lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, 269 công an xã bán chuyên trách tham gia BHYT hộ gia đình.

Số người tham gia BHXH tự nguyện năm tính đến tháng 9/2024 tăng gấp 5 lần so với năm 2018; có 5.453 người thuộc lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, 469 công an xã tham gia BHXH tự nguyện.

Thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW và Chương trình số 08-CTr/TU ngày 17/3/2021 về phát triển hệ thống an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của Nhân dân Thủ đô giai đoạn 2021-2025, Hà Nội phấn đấu đến năm 2025 đạt khoảng 50% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH. Trong đó, nông dân và lao động khu vực phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện chiếm khoảng 3% lực lượng lao động trong độ tuổi; tỷ lệ bao phủ y tế đạt 95%.

Để thực hiện mục tiêu này, Hà Nội sẽ tăng cường thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức về chính sách BHXH, BHYT tạo sự đồng thuận trong cải cách chính sách BHXH. Đặc biệt là sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về BHXH; nâng cao năng lực quản trị và hiệu quả tổ chức thực hiện chính sách BHXH, BH thất nghiệp.

Tạp chí Công thương

https://tapchicongthuong.vn/hang-nghin-nguoi-dan-thu-do-duoc-huong-loi-tu-nghi-quyet-ho-tro-bhxh--bhyt-129152.htm

Chi khám chữa bệnh BHYT hiệu quả: bảo đảm quyền lợi người bệnh

Thời gian qua, ngành BHXH Việt Nam đã triển khai nhiều giải pháp nâng cao hiệu quả kiểm soát, đảm bảo chi phí khám chữa bệnh (KCB) bảo hiểm y tế (BHYT) được sử dụng đúng quy định, giảm thiểu các chi phí bất hợp lý, đảm bảo quyền lợi người bệnh BHYT…

Chi phí vượt xa số lượt khám BHYT

Theo thống kê của BHXH Việt Nam, trong 9 tháng năm 2024, số lượt KCB tăng 5,8% so với cùng kỳ năm 2023, nhưng chi phí tăng tới 15,5%. Mức tăng chi phí này tương đương gia tăng 13.686 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2023, đưa tổng số chi KCB BHYT lên 102.057 tỷ đồng.

Do đó, hiệu quả kiểm soát chi phí KCB BHYT thể hiện trước hết là đảm bảo quyền lợi người tham gia BHYT, yêu cầu cơ sở KCB phải cung ứng dịch vụ y tế đúng, đủ cho bệnh nhân BHYT. Bên cạnh đó, sử dụng hiệu quả quỹ BHYT, thực hiện thanh quyết toán đảm bảo minh bạch, đúng quy định...

Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Đức Hòa nhấn mạnh, sự biến động chi phí KCB BHYT của 26 địa phương sẽ tác động lớn đến chi phí chung của toàn quốc. Qua đánh giá công tác KCB BHYT 9 tháng sẽ giúp BHXH các địa phương nhận diện rõ nguyên nhân gia tăng chi phí, bởi mỗi nơi có những đặc thù khác nhau.

Trên cơ sở phân tích các giải pháp hiệu quả, khó khăn, vướng mắc để rút ra các nhóm giải pháp đảm bảo tối ưu hoá chi phí KCB BHYT, giảm thiểu các chi phí gia tăng bất hợp lý trong các tháng cuối năm 2024 và thời gian tới...

Có thể thấy, một trong những mặt tích cực của việc gia tăng chi phí KCB BHYT là nhiều địa phương đã đảm bảo được việc đấu thầu, cung ứng đầy đủ vật tư y tế phục vụ phẫu thuật, đặc biệt là các dịch vụ kỹ thuật có chi phí lớn.

Tuy nhiên, còn có tình trạng cơ sở KCB chỉ định thực hiện các dịch vụ kỹ thuật, xét nghiệm rộng rãi quá mức cần thiết; hay như chỉ định điều trị nội trú với các bệnh nhân mắc bệnh nhẹ có thể điều trị ngoại trú, kéo dài ngày điều trị...

Giải pháp tổng thể trong kiểm soát chi phí

Đề cập đến vấn đề KCB BHYT, Trưởng ban Thực hiện chính sách BHYT, BHXH Việt Nam Lê Văn Phúc cho biết, trong 9 tháng năm 2024, tỷ lệ thực hiện dự toán của 63 tỉnh, TP là 84%. Trong đó, Sơn La có tỷ lệ thực hiện cao nhất là 91%, đứng thứ hai là Phú Thọ 89%, Bắc Giang, Thái Nguyên, Hải Phòng và Thái Bình có tỷ lệ 88%; các tỉnh còn lại có tỷ lệ sử dụng dự toán từ 87% trở xuống…

“Để đảm bảo chi KCB BHYT hiệu quả, tối ưu hoá nguồn lực để người bệnh hưởng quyền lợi tối đa, BHXH các địa phương cần bám sát các công văn hướng dẫn nghiệp vụ của BHXH Việt Nam. Cùng với đó, các đơn vị nâng cao hiệu quả trong lựa chọn và làm việc với cơ sở có chi phí tăng cao; đồng thời gắn kiểm soát chi phí với quản lý, sử dụng dự toán chi KCB BHYT được giao của từng tỉnh…” – ông Phúc nêu rõ.

Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Đức Hoà nhấn mạnh, với mục tiêu tập trung đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người tham gia BHYT, ngành BHXH Việt Nam tăng cường giám định chi phí KCB BHYT, tối ưu hoá nguồn lực phục vụ Nhân dân.

Nhận diện các vấn đề phát sinh tại từng địa phương, chỉ ra nguyên nhân gia tăng chi phí, lãnh đạo BHXH Việt Nam đề nghị BHXH các địa phương có giải pháp tổng thể trong kiểm soát chi phí, cần thực hiện nghiêm túc hướng dẫn của BHXH Việt Nam.

Lãnh đạo BHXH Việt Nam cũng đề cập đến giải pháp cần siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đề cao trách nhiệm của từng cá nhân, đơn vị; không để chậm, muộn trong quá trình thực hiện chính sách, giải quyết quyền lợi; phối hợp hiệu quả giữa các đơn vị liên quan, không làm ảnh hưởng đến quyền lợi người tham gia BHYT.

“Cương quyết không thanh toán, kể cả một đồng chi phí lãng phí, sai quy định. Đây cũng là nguyên tắc đảm bảo quỹ BHYT được sử dụng hiệu quả trong thực tế” - Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam nhấn mạnh.

Ngoài ra, lãnh đạo BHXH Việt Nam yêu cầu Ban Thực hiện chính sách BHYT cùng Trung tâm Giám định BHYT và Thanh toán đa tuyến chủ động hướng dẫn, phối hợp với BHXH các địa phương đảm bảo hiệu quả công tác thanh quyết toán chi phí KCB BHYT.

Báo Kinh tế & đô thị

https://kinhtedothi.vn/chi-kham-chua-benh-bhyt-hieu-qua-bao-dam-quyen-loi-nguoi-benh.html

 

PHẦN MỀM TÁC NGHIỆP

  Dịch vụ công trực tuyến

  Phần mềm Quản lý văn bản

  Phần mềm QLHS Một cửa 

  Phần mềm Một cửa (Mới)

  Tiếp nhận ý kiến công dân 

  Danh mục TTHC công 

  Tra cứu hồ sơ Một cửa 

  Thư điện tử TP Hà Nội 

  Thông tin người phát ngôn

Thống kê truy cập

Đang online: 561
Lượt truy cập trong tuần: 243676
Lượt truy cập trong tháng: 0
Lượt truy cập trong năm: 995156
Tổng số lượt truy cập: 48290197
Về đầu trang