Điểm báo
* Hà Nội tăng cường giám sát bệnh nhân sốt phát ban nghi sởi
Trước xu hướng bệnh nhân sởi gia tăng trên địa bàn, Sở Y tế Hà Nội tiếp tục đề nghị Trung tâm y tế quận, huyện, thị xã tăng cường hoạt động giám sát sốt phát ban nghi sởi, điều tra dịch tễ, lấy mẫu xét nghiệm 100% các trường hợp nghi ngờ mắc; tổ chức khoanh vùng, xử lý triệt để khu vực có bệnh nhân, ổ dịch theo quy định. Đồng thời, tổ chức xử lý kịp thời, hiệu quả khu vực có bệnh nhân, ổ dịch sốt xuất huyết, đặc biệt tại các khu vực ổ dịch có nhiều bệnh nhân thuộc đơn vị mình phụ trách.
Ngày 9/12, Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố (CDC) Hà Nội cho biết, trong tuần qua (từ ngày 29/11 đến 6/12), toàn thành phố ghi nhận 25 trường hợp mắc sởi, gồm: 9 trường hợp chưa tiêm vaccine phòng sởi; 4 trường hợp đã tiêm vaccine phòng sởi; 2 trường hợp không rõ tiền sử tiêm chủng. Cộng dồn năm 2024, đến nay ghi nhận 165 trường hợp tại 27 quận, huyện.
Bệnh nhân phân bố theo nhóm tuổi, cụ thể: 49 trường hợp dưới 9 tháng (29,7%); 25 trường hợp từ 9 đến 11 tháng (15,2%), 29 trường hợp từ 12 đến 24 tháng (17,6%); 23 trường hợp từ 25 đến 60 tháng (13,9%); 39 trường hợp trên 60 tháng (23,6%).
Về bệnh sốt xuất huyết, trong tuần toàn thành phố ghi nhận 608 trường hợp, tăng 23 trường hợp so tuần trước (585 trường hợp), bệnh nhân phân bố tại 30 quận, huyện, thị xã. Trong đó, một số địa phương ghi nhận nhiều bệnh nhân như: Quận Hà Đông (88 trường hợp); huyện Phúc Thọ (41 trường hợp); Nam Từ Liêm (37); quận Đống Đa (32 trường hợp); Thanh Oai (31 trường hợp); Thanh Trì, Thường Tín (30 trường hợp)... Như vậy, cộng dồn năm 2024 đến nay, Hà Nội ghi nhận 8.432 trường hợp mắc, không tử vong (số mắc giảm 78% so cùng kỳ năm 2023).
Ngoài ra, thời gian này, thành phố Hà Nội ghi nhận 26 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng. Cộng dồn năm 2024, đến nay ghi nhận 2.448 trường hợp (giảm so cùng kỳ năm 2023). Đồng thời, ghi nhận ổ dịch dại trên chó tại huyện Sóc Sơn; các dịch bệnh khác như: ho gà, liên cầu lợn, não mô cầu, uốn ván... không ghi nhận trong tuần.
Ngành Y tế Hà Nội nhận định, số mắc sởi tiếp tục có xu hướng gia tăng, bệnh nhân ghi nhận rải rác trên địa bàn, chủ yếu ở người chưa tiêm chủng vaccine chưa hoặc chưa được tiêm đầy đủ, dự báo trong thời gian tới có thể tiếp tục có thêm các trường hợp mắc bệnh.
Để chủ động phòng, chống bệnh sởi cũng như các dịch bệnh khác như sốt xuất huyết, tay chân miệng, dại, Sở Y tế Hà Nội tiếp tục đề nghị các Trung tâm y tế quận, huyện, thị xã tăng cường hoạt động giám sát sốt phát ban nghi sởi, điều tra dịch tễ, lấy mẫu xét nghiệm 100% các trường hợp nghi ngờ mắc, tổ chức khoanh vùng, xử lý triệt để khu vực có bệnh nhân, ổ dịch theo quy định; tổ chức xử lý kịp thời, hiệu quả khu vực có bệnh nhân, ổ dịch sốt xuất huyết, đặc biệt tại các khu vực ổ dịch có nhiều bệnh nhân.
Tiếp tục rà soát tiền sử tiêm chủng vaccine phòng bệnh sởi của trẻ từ 1 đến 5 tuổi đang sinh sống trên địa bàn chưa tiêm chủng đủ mũi để tổ chức tiêm bổ sung; phối hợp các đơn vị liên quan tiếp tục tổ chức tiêm chủng vaccine Uốn ván-bạch hầu (Td) cho trẻ 7 tuổi đang sinh sống trên địa bàn chưa tiêm đủ 5 mũi vaccine có chứa thành phần uốn ván, bạch hầu trước đó theo chỉ đạo của Bộ Y tế.
Mặt khác, các đơn vị cần đẩy mạnh hơn nữa công tác truyền thông, thông tin kịp thời, đầy đủ về tình hình dịch bệnh và các biện pháp phòng, chống một số dịch bệnh như sởi, sốt xuất huyết và các dịch bệnh thường gặp trong mùa đông xuân... Đối với các bệnh có vaccine thì khuyến cáo người dân chủ động tiêm chủng phòng bệnh đầy đủ, đúng lịch theo hướng dẫn của ngành y tế.
Báo : Nhân dân
https://nhandan.vn/ha-noi-tang-cuong-giam-sat-benh-nhan-sot-phat-ban-nghi-soi-post849401.html
https://hanoionline.vn/ha-noi-xu-ly-cac-o-dich-soi-ra-soat-tiem-chung-286831.htm
https://congly.vn/ha-noi-day-manh-xu-ly-cac-o-dich-soi-ra-soat-tiem-chung-462571.html
https://www.nguoiduatin.vn/ha-noi-so-mac-soi-co-xu-huong-gia-tang-204241209144555225.htm
* 21 ngày giành giật sự sống cho thanh niên suy đa tạng sau mổ lợn
Sau 21 ngày được chăm sóc, điều trị tích cực, nam thanh niên nhiễm liên cầu khuẩn hiện ổn định sức khoẻ.
Trước khi vào viện, nam thanh niên 32 tuổi (trú tại Chương Mỹ, Hà Nội) mổ một con lợn chết không rõ nguyên nhân. 5 tiếng đồng hồ sau, anh sốt rét run, mệt mỏi, kèm theo đau bụng, nôn nhiều.
Người này được đưa vào Bệnh viện đa khoa Hà Đông (Hà Nội) trong tình trạng mệt mỏi, lơ mơ, khó thở, đau bụng vật vã và vẫn tiếp tục nôn. Hai tiếng sau, các ban xuất huyết hoại tử trên da tăng nhanh kèm theo suy hô hấp, tụt huyết áp. Anh được chuyển đến khoa hồi sức tích cực trong tình trạng nguy kịch, phù toàn thân, suy đa phủ tạng.
Sau xét nghiệm, các bác sĩ chẩn đoán người bệnh sốc nhiễm khuẩn do liên cầu lợn và chỉ định lọc máu liên tục, kháng sinh phổ rộng liều cao, can thiệp nhiều thủ thuật chuyên sâu khác.
Theo BSCKI. Trần Đình Thăng - khoa Hồi sức tích cực và Chống độc, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông, trong quá trình điều trị, bệnh nhân xuất hiện biến chứng sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng, tán huyết, hoại tử da.
Các bác sĩ phải nỗ lực điều trị tích cực trong 21 ngày, tình trạng cải thiện tốt. Tuy nhiên, do đến bệnh viện muộn nên trường hợp này để lại di chứng giảm thính lực.
Gần đây, bệnh viện tiếp nhận điều trị nhiều ca nhiễm liên cầu lợn trong tình trạng nguy kịch, suy đa phủ tạng, rối loạn đông máu nghiêm trọng. Đã có bệnh nhân tử vong do đưa đến viện muộn. Một số bệnh nhân được chữa khỏi nhưng phải cắt bỏ những đầu ngón tay hoặc ngón chân bị hoại tử, di chứng thần kinh rất nặng nề.
Bệnh liên cầu khuẩn lợn do vi khuẩn Streptococcus Suis gây nên. Người có thể lây nhiễm và phát bệnh khi tiếp xúc trực tiếp với lợn bệnh hoặc các sản phẩm từ lợn bệnh. Liên cầu lợn có thể lây truyền sang người khi tiếp xúc với lợn bệnh hay lợn mang vi khuẩn qua các tổn thương trầy xước trên da của những người giết mổ, chế biến hoặc ăn thịt lợn hoặc tiết canh lợn bệnh hay lợn mang vi khuẩn nấu không chín.
Các biểu hiện thường gặp nhất là viêm màng não mủ (95%) với các biểu hiện thường gặp như sốt, nhức đầu, nôn, cứng gáy, rối loạn tri giác. 68% trường hợp viêm màng não mủ có triệu chứng ù tai, điếc tai.
Trường hợp nặng có thể tiến triển nhanh chóng thành nhiễm khuẩn huyết sốc nhiễm khuẩn, trụy mạch, tụt huyết áp, rối loạn đông máu nặng, ban xuất huyết hoại tử toàn thân, tắc mạch, suy đa phủ tạng hôn mê và tử vong.
Để phòng tránh bệnh liên cầu lợn, người dân cần nấu chín thịt lợn. Không giết mổ lợn bệnh, lợn chết không rõ nguyên nhân, không ăn các món ăn tái, đặc biệt là tiết canh lợn. Sử dụng các trang bị bảo hộ (găng tay) khi giết mổ, chế biến thịt lợn sống.
Người dân khi tiếp xúc với nguồn lây như lợn bệnh và sau ăn thức ăn có nguồn gốc từ lợn không đảm bảo vệ sinh mà xuất hiện các triệu chứng bệnh thì cần đến ngay các cơ sở y tế chuyên sâu gần nhất để được điều trị để hạn chế các biến chứng, giảm thiểu tỷ lệ tử vong.
Báo VTV NEWS
https://vtcnews.vn/21-ngay-gianh-giat-su-song-cho-thanh-nien-suy-da-tang-sau-mo-lon-ar911129.html
* Bệnh viện Thanh Nhàn hướng tới tiếp nhận kỹ thuật ghép gan, thận
Vừa qua, tại Bệnh viện Thanh Nhàn, đoàn công tác Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức do TS. Dương Đức Hùng - Giám đốc Bệnh viện dẫn đầu đã tiến hành khảo sát, đánh giá năng lực tiếp nhận gói kỹ thuật ghép gan và thận.
Là bệnh viện hạng I trực thuộc Sở Y tế Hà Nội, Bệnh viện Thanh Nhàn đã đầu tư nhiều về cơ sở vật chất, đặc biệt trong các chuyên khoa tiết niệu, gan mật, gây mê hồi sức và Chẩn đoán hình ảnh. Đội ngũ nhân lực hiện có gồm các bác sĩ chuyên ngành được đào tạo bài bản. Tuy nhiên, một số trang thiết bị phục vụ ghép tạng, đặc biệt là dụng cụ vi phẫu, hệ thống bảo quản tạng, và phòng mổ chuyên dụng vẫn cần được bổ sung.
Các chuyên khoa chính như tiết niệu và gan mật đã triển khai một số kỹ thuật phẫu thuật nền tảng như cắt thận, phẫu thuật mạch máu. Khoa Gây mê hồi sức đảm bảo các tiêu chuẩn hồi sức cơ bản, nhưng cần bổ sung nhân lực và thuốc chuyên dụng phục vụ ghép tạng. Khoa Chẩn đoán hình ảnh, với trang thiết bị hiện đại như máy cộng hưởng từ và CT, có thể hỗ trợ chẩn đoán tiền và hậu phẫu.
Tuy nhiên, một số vấn đề còn tồn tại như thiếu phòng cách ly cho bệnh nhân ghép, hệ thống xét nghiệm miễn dịch, và đào tạo kỹ thuật viên. Lãnh đạo Bệnh viện Thanh Nhàn nhấn mạnh sự cần thiết của việc nhận chuyển giao kỹ thuật ghép thận và gan, phù hợp với định hướng phát triển.
Vừa qua, ngày 7/12/2024, Bệnh viện Thanh Nhàn đã thực hiện thành công ca lấy tạng đầu tiên từ một người hiến tạng chết não. Trong ca phẫu thuật này, các bác sĩ đã lấy thành công tim, gan và thận, phối hợp với các trung tâm ghép tạng khác để bảo quản và vận chuyển tạng an toàn. Đây là cột mốc quan trọng, đánh dấu bước tiến trong năng lực chuyên môn và khẳng định sự sẵn sàng của bệnh viện trong việc triển khai các kỹ thuật ghép tạng trong thời gian tới.
TS. Dương Đức Hùng khẳng định, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức sẵn sàng hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật, với điều kiện đảm bảo đào tạo bài bản, bền vững, tuân thủ quy định pháp luật. Bệnh viện Thanh Nhàn sẽ chịu trách nhiệm chuẩn bị nguồn kinh phí bổ sung trang thiết bị, thuốc và nhân lực.
Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức là đơn vị hàng đầu cả nước trong lĩnh vực ghép tạng, với nhiều thành tựu nổi bật. Đến nay, bệnh viện đã thực hiện thành công 63 ca ghép tim, 6 ca ghép phổi, 120 ca ghép gan (102 ca từ người hiến chết não) và 2.000 ca ghép thận (185 ca từ người hiến chết não). Ngoài ra, bệnh viện cũng đã phẫu thuật lấy đa tạng từ 121 trường hợp hiến tạng chết não, đồng thời chuyển giao kỹ thuật cho hơn 10 bệnh viện trong cả nước.
Danh mục chuyển giao Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho bệnh viện Thanh Nhàn bao gồm đào tạo toàn diện từ tuyển chọn người hiến và nhận tạng, kỹ thuật phẫu thuật, chăm sóc hậu phẫu, đến xây dựng hệ thống xét nghiệm và tư vấn hiến tạng. Các phòng ban sẽ phối hợp triển khai lộ trình tiếp nhận gói kỹ thuật, hướng tới mục tiêu thực hiện các ca ghép đầu tiên trong tương lai gần.
Cuộc khảo sát và thành công từ ca lấy tạng ngày 7/12 là những bước tiến lớn trong lộ trình phát triển y học ghép tạng tại Việt Nam, mang lại cơ hội sống cho nhiều bệnh nhân đang chờ ghép gan, thận.
Báo : Tin tức
https://baotintuc.vn/xa-hoi/benh-vien-thanh-nhan-huong-toi-tiep-nhan-ky-thuat-ghep-gan-than-20241208192211138.htmVĂN BẢN MỚI
- Hướng dẫn về việc bổ sung về việc đăng ký khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu tại Bệnh viện Lão khoa Trung ương năm 2024
- Giám sát phản ứng có hại của thuốc (ADR) tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh
- Tăng cường các biện pháp phòng chống dịch bệnh tại các cơ sở kinh doanh thuốc trong dịp Tết Nguyên đán 2022
- Đảm bảo cung ứng thuốc phòng chống dịch bệnh và nhu cầu sử dụng thuốc trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022
- 4289/QĐ-SYT Quyết định về việc giao chỉ tiêu Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán thu, chi ngân sách năm 2022 cho các đơn vị thuộc Sở Y tế Hà Nội
- 10722/BYT-DP Về việc tiêm vắc xin phòng Covid-19 liều cơ bản và nhắc lại
- Công văn 10696/BYT-MT về việc cách ly y tế cho trường hợp F1 đã tiêm đủ liều vắc xin hoặc đã khỏi bệnh Covid-19
- Công văn 10688/BYT-MT của Bộ Y tế về phòng, chống dịch Covid-19 đối với người nhập cảnh
- Sử dụng kết quả xét nghiệm để phát hiện người mắc Covid-19 và cho người bệnh ra viện
- Quyết định 696/QĐ-SYT của Bộ Y tế ban hành Sổ tay thực hành tại cơ sở bán lẻ thuốc