Điểm báo

Điểm thông tin y tế trên báo chí ngày 12/10/2024
Ngày đăng 16/10/2024 | 10:47  | Lượt xem: 24

 

* Ngành Y tế Thủ đô: Hướng tới chuyên sâu, thu hẹp khoảng cách

Dù còn nhiều khó khăn nhưng với sự đầu tư của UBND thành phố Hà Nội, chính quyền các cấp, cùng nỗ lực của các đơn vị y tế, công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân trên địa bàn thành phố ngày càng có nhiều đổi mới, tiến bộ.

Không chỉ đẩy mạnh phát triển các kỹ thuật cao, chuyên sâu, ngành Y tế Thủ đô còn tập trung các giải pháp thu hẹp khoảng cách giữa các tuyến, đáp ứng sự hài lòng của người dân.

Ứng dụng y tế thông minh,chuyên sâu

Ngay trong những ngày cuối tháng 8-2024, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn đã trở thành đơn vị y tế đầu tiên của Hà Nội thực hiện lấy và ghép tạng từ một chàng trai chết não để cứu nhiều người mắc bệnh nan y.

Đánh giá cao trình độ của các y, bác sĩ nơi đây, Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức Dương Đức Hùng chia sẻ: “Chúng tôi nhận nhiệm vụ chuyển giao kỹ thuật chẩn đoán chết não và ghép tạng cho bệnh viện hạng 1 của Thủ đô này. Để triển khai được đồng thời kỹ thuật lấy và ghép tạng đòi hỏi phải có sự phát triển đồng đều của các chuyên khoa và Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn đã đạt được trình độ đó. Thời khắc bệnh viện thực hiện ca lấy và ghép tạng chính là dấu mốc hãnh diện về sự phát triển chuyên môn”.

Thời gian qua, cùng với việc đầu tư cải tạo cơ sở vật chất, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn đã không ngừng nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, tập trung phát triển các kỹ thuật cao, chuyên sâu. Hiện, bệnh viện được đánh giá là một trong hai trung tâm trên thế giới phẫu thuật nội soi một lỗ điều trị nang ống mật chủ ở trẻ. Bệnh viện cũng áp dụng nhiều công trình nghiên cứu, sáng kiến cải tiến kỹ thuật để phục vụ nhu cầu khám, chữa bệnh ngày càng cao của người dân. Từ một cơ sở y tế chỉ có 50 giường bệnh, đến nay, bệnh viện đã phát triển thành một cơ sở y tế lớn của Thủ đô với 870 giường bệnh. Ngoài ra, bệnh viện còn là cơ sở đào tạo của nhiều trường đại học lớn...

Thêm một bước tiến của ngành Y tế Thủ đô trong thời gian qua, đó là việc Bệnh viện Tim Hà Nội trở thành cơ sở y tế đầu tiên ở Việt Nam và Đông Nam Á được Hiệp hội Tim mạch Mỹ (AHA) trao chứng nhận vàng về điều trị suy tim. Hiện, Việt Nam chưa có nghiên cứu dịch tễ về bệnh suy tim. Nếu dựa trên tỉ lệ suy tim trên thế giới khoảng 2% dân số thì nước ta có khoảng 1,6 triệu bệnh nhân. Điều trị suy tim là một quá trình lâu dài và có thể xảy ra nhiều biến cố như suy tim tăng nặng, rối loạn nhịp, nhiễm trùng nặng, tái nhập viện, thậm chí tử vong. Phác đồ điều trị theo chuẩn AHA bước đầu giúp bệnh nhân suy tim giảm triệu chứng, giảm tỷ lệ tái nhập viện, từ đó giảm tỷ lệ tử vong.

Tiến sĩ Nguyễn Đình Hưng, Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế Hà Nội đánh giá, việc đạt chứng nhận vàng về điều trị suy tim cho thấy sự nỗ lực của tập thể y, bác sĩ bệnh viện từng bước tiếp cận các tiêu chuẩn điều trị quốc tế.

Không chỉ phát triển các kỹ thuật cao, các bệnh viện còn đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong điều trị người bệnh. Trong 3 năm (từ năm 2020 - 2023) triển khai khám, chữa bệnh từ xa (Telehealth), với việc hoạt động định kỳ 2 tuần/buổi kết nối với các điểm cầu tuyến dưới và kết nối đột xuất khi có yêu cầu, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội đã “phủ sóng” kinh nghiệm tới 10 bệnh viện tuyến tỉnh, 37 bệnh viện tuyến huyện, 30 trung tâm y tế. Các buổi hội chẩn từ xa của bệnh viện có sự tham dự của các chuyên gia, bác sĩ đầu ngành để cùng trao đổi chuyên môn, đưa ra phương pháp điều trị tối ưu cho những ca lâm sàng khó, phức tạp, qua đó đã cứu sống được nhiều sản phụ và trẻ sơ sinh ngay tại tuyến dưới.

Cùng với hoạt động tư vấn, hội chẩn từ xa, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội còn ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin trong đăng ký thủ tục khám, chữa bệnh. Người dân hoàn toàn có thể đặt lịch khám trực tuyến tại bệnh viện qua nhiều hình thức nhanh chóng như gọi điện qua tổng đài, đặt lịch qua website, đặt lịch qua ứng dụng (app), phần mềm kiosk của bệnh viện kết hợp với thanh toán viện phí không dùng tiền mặt giúp rút ngắn thời gian và quy trình, thủ tục khám bệnh...

Củng cố y tế cơ sở, thu hẹp khoảng cách

Cùng với tuyến thành phố, hệ thống tuyến y tế cơ sở của Thủ đô những năm qua cũng đã được đầu tư, nâng cấp để trở thành địa chỉ chăm sóc sức khỏe ban đầu tin cậy hơn.

Theo các chuyên gia y tế, nhu cầu theo dõi, điều trị của người dân ngay từ tuyến y tế cơ sở là chính đáng và cần thiết không chỉ ở vùng khó khăn mà ngay cả tại những thành phố lớn. Vì vậy, tăng cường đầu tư và nâng cao chất lượng cho hệ thống y tế cơ sở là vấn đề cần thiết. Việc củng cố y tế cơ sở trước tiên nhằm bảo đảm cho mọi người được chăm sóc sức khỏe cơ bản với chi phí thấp nhất, giảm quá tải bệnh viện và góp phần thực hiện công bằng xã hội.

Trước thực tế đó, từ nguồn ngân sách của thành phố, trong giai đoạn 2021 - 2025, Hà Nội đã hỗ trợ các quận, huyện, thị xã đầu tư nâng cấp y tế cơ sở với tổng số 198 dự án; trong đó có 9 trung tâm y tế, 11 phòng khám đa khoa và 178 trạm y tế. Tính đến quý II-2024 có 106 dự án hoàn thành và 63 dự án đang triển khai. Ngoài ra, còn 54 dự án nâng cấp y tế cơ sở từ ngân sách cấp huyện.

Có mặt tại Trung tâm Y tế quận Tây Hồ vào thời điểm này, chúng tôi rất ngạc nhiên trước sự “thay da, đổi thịt” ở nơi đây. Thay đổi không chỉ từ cơ sở vật chất khang trang, sạch đẹp, quy trình khám bệnh, chăm sóc sức khỏe cho người dân được sắp xếp khoa học, hợp lý mà ngay cả phong cách, thái độ của đội ngũ y, bác sĩ cũng tận tình, chu đáo.

Bà Lê Thị Thu Hằng, Bí thư Quận ủy, Chủ tịch HĐND quận Tây Hồ ghi nhận những đóng góp thiết thực, tâm huyết của các y, bác sĩ của trung tâm y tế quận trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân trên địa bàn, đặc biệt là trong giai đoạn phòng, chống dịch Covid-19. Quận Tây Hồ luôn quan tâm, đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị khám, chữa bệnh để trung tâm y tế làm tốt vai trò “người gác cổng”, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân.

Theo quyết định của UBND thành phố Hà Nội, từ ngày 1-10-2024, 30 trung tâm y tế thuộc Sở Y tế được bàn giao về UBND các quận, huyện, thị xã quản lý.

Tiến sĩ Nguyễn Đình Hưng, Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế Hà Nội cho biết, khi các trung tâm y tế được bàn giao về quận, huyện sẽ có những điều kiện thuận lợi về vấn đề đầu tư. Cụ thể, các quận, huyện được chủ động đầu tư nâng cấp hạ tầng khang trang hơn, trang thiết bị máy móc hiện đại, đạt chuẩn. Còn trách nhiệm của Sở Y tế là chỉ đạo về hoạt động chuyên môn.

“Chúng tôi xây dựng các chương trình phối hợp giữa các bệnh viện trên địa bàn với trung tâm y tế các quận, huyện, thị xã để tổ chức đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực, chuyên môn... Từ những chương trình đào tạo, tập huấn này sẽ giúp các trung tâm y tế chủ động trong điều trị, quản lý bệnh mạn tính như tăng huyết áp, đái tháo đường, tim mạch... Qua đó, thực hiện quản lý tốt người bệnh tại tuyến y tế cơ sở, hạn chế người bệnh lên tuyến trên” - Tiến sĩ Nguyễn Đình Hưng nói.

Báo Hà Nội mới

https://hanoimoi.vn/nganh-y-te-thu-do-huong-toi-chuyen-sau-thu-hep-khoang-cach-680767.html

* Hà Nội triển khai chiến dịch tiêm vắc xin sởi cho trẻ: Chủ động ngăn chặn dịch bệnh lây lan

Thời gian gần đây, số ca mắc sởi trên địa bàn thành phố Hà Nội có xu hướng gia tăng. Với phương châm “phòng hơn chống”, Hà Nội chính thức triển khai chiến dịch tiêm vắc xin phòng bệnh sởi cho trẻ từ ngày 14-10, nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe của trẻ nhỏ và cộng đồng.

Nhiều trẻ mắc bệnh chưa tiêm vắc xin

Sau 5 ngày khởi phát bệnh với các dấu hiệu: Sốt, ho, chảy nước mũi…, bé gái 10 tháng tuổi (ở quận Tây Hồ, Hà Nội) được gia đình đưa đến Bệnh viện Đa khoa Medlatec. Tại đây, kết quả thăm khám và làm các xét nghiệm cho thấy, bệnh nhi dương tính với bệnh sởi. Bệnh nhi này chưa tiêm vắc xin phòng sởi. Cũng có dấu hiệu khởi phát bệnh tương tự, bé trai 9 tháng tuổi (ở huyện Đan Phượng, Hà Nội) đến khám tại Bệnh viện Nhi trung ương, qua xét nghiệm cho thấy, bệnh nhi đã mắc bệnh sởi. Bé trai này cũng chưa tiêm vắc xin phòng bệnh sởi.

Các chuyên gia y tế cảnh báo, năm 2024 có nguy cơ cao bùng phát dịch sởi theo chu kỳ 4-5 năm/lần, tương tự như các năm 2014, 2019 khi số ca bệnh tăng đáng kể. Dẫn chứng tại Hà Nội, báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) thành phố Hà Nội cho thấy, năm 2014, toàn thành phố có 1.741 ca sởi, năm 2019 là 1.765 ca. Đặc biệt, năm 2014 có hơn 110 trẻ em tử vong do sởi. Trong khi đó, từ năm 2020 đến 2023, số mắc sởi ghi nhận rải rác: Năm 2020 có 15 ca, năm 2021 có 2 ca, năm 2022 có 1 ca và năm 2023 không có ca bệnh. Còn năm 2024, trong 6 tháng đầu năm, toàn thành phố chỉ có 2 ca bệnh sởi; nhưng từ cuối tháng 9 đến đầu tháng 10-2024 đã ghi nhận từ 4 đến 7 ca sởi mỗi tuần.

Trước thực tế trên, Phó Giám đốc CDC Hà Nội Khổng Minh Tuấn đánh giá, thời điểm hiện tại, số ca mắc sởi bắt đầu có xu hướng gia tăng. Bệnh nhân ghi nhận rải rác trên địa bàn thành phố, chủ yếu ở trẻ nhỏ chưa đến tuổi tiêm chủng vắc xin hoặc chưa được tiêm đầy đủ. Dự báo, thời gian tới, có thể tiếp tục ghi nhận thêm các trường hợp mắc bệnh, đặc biệt là vào 3 tháng cuối năm.

Đề cập đến sự nguy hiểm của bệnh sởi, bác sĩ Phan Nguyễn Trường Giang (Hệ thống tiêm chủng VNVC) cho biết, sởi là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ dưới 5 tuổi, có khả năng bùng phát thành dịch lớn do khả năng lây lan mạnh qua đường hô hấp. Trung bình 1 người mắc sởi có khả năng lây cho khoảng 12-18 người khỏe mạnh, hoặc người chưa tiêm vắc xin. “Không chỉ gây ra các triệu chứng cấp tính, bệnh sởi còn có thể gây viêm nhiễm thần kinh, rối loạn cơ, hệ vận động, ảnh hưởng lên nhiều cơ quan trên cơ thể…”, bác sĩ Phan Nguyễn Trường Giang lưu ý.

Giảm thiểu nguy cơ bùng phát

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), năm 1980, trước khi vắc xin sởi được tiêm chủng rộng rãi, gần 2,6 triệu người đã tử vong mỗi năm. Vắc xin phòng sởi đã được sử dụng trong suốt 50 năm qua, được chứng minh an toàn, hiệu quả, ít tốn kém. Trong giai đoạn 2000-2012, vắc xin phòng sởi đã giúp giảm 78% số ca tử vong trên toàn thế giới. Tuy nhiên, tại Việt Nam, ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và việc gián đoạn cung ứng các vắc xin trong chương trình Tiêm chủng mở rộng năm 2023 đã tác động đến tỷ lệ tiêm chủng cho trẻ em trên toàn quốc. Nhiều trẻ chưa được tiêm chủng đúng lịch, chưa tiêm đủ mũi các vắc xin là yếu tố gây nguy cơ bùng phát dịch bệnh, trong đó có bệnh sởi.

Để có thể bảo vệ cộng đồng trước bệnh sởi, tỷ lệ miễn dịch cộng đồng phải đạt trên 95%. Tuy nhiên, ghi nhận tại thành phố Hồ Chí Minh - địa phương vừa chính thức công bố dịch sởi trên toàn thành phố (cuối tháng 8-2024) cho thấy, tính đến hết tháng 5-2024, tỷ lệ bao phủ vắc xin phòng bệnh sởi của trẻ em sinh từ năm 2019 đến 2023 tại thành phố Hồ Chí Minh đều chưa đạt 95%. Thời gian qua, thành phố Hồ Chí Minh đã ghi nhận sự bùng phát của dịch sởi, trong đó có 3 trẻ tử vong. Vì vậy, từ ngày 31-8, thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai chiến dịch tiêm vắc xin sởi cho trẻ từ 1 đến 10 tuổi. Tính đến thời điểm hiện tại, chiến dịch tiêm vắc xin phòng, chống dịch sởi tại địa phương này đã đạt 98% theo kế hoạch.

Tại Hà Nội, để chủ động ngăn chặn bệnh sởi lây lan và bùng phát, từ ngày 14-10, thành phố triển khai chiến dịch tiêm vắc xin sởi cho trẻ từ 1 đến 5 tuổi và tổ chức tiêm vét cho các trường hợp tạm hoãn tiêm chủng đến hết ngày 15-11-2024. Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương cho biết, mục tiêu đặt ra của chiến dịch là trên 95% trẻ từ 1 đến 5 tuổi đang sống, học tập trên địa bàn Thủ đô chưa được tiêm đủ mũi vắc xin chứa thành phần sởi theo quy định được tiêm 1 mũi vắc xin phòng bệnh sởi - rubella (MR).

Cùng với chiến dịch tiêm vắc xin, Sở Y tế Hà Nội cũng chỉ đạo các đơn vị liên quan tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh sởi tại cộng đồng và các cơ sở khám, chữa bệnh. Bên cạnh đó, các đơn vị triển khai các biện pháp xử lý triệt để ổ dịch ngay khi phát hiện trường hợp mắc bệnh đầu tiên nhằm giảm thiểu nguy cơ lây lan và bùng phát dịch bệnh sởi trong thời gian tới.

Báo Hà Nội mới

https://hanoimoi.vn/ha-noi-trien-khai-chien-dich-tiem-vac-xin-soi-cho-tre-chu-dong-ngan-chan-dich-benh-lay-lan-681175.html

* Nối gần khoảng cách y tế

Theo Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), Bộ Y tế sắp triển khai Đề án "Nâng cao năng lực chuyên môn, chuyển giao kỹ thuật và phát triển mạng lưới bệnh viện vệ tinh giai đoạn 2024 - 2030", nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho người dân, tiếp tục nối gần khoảng cách y tế giữa các tuyến...

Nâng chất lượng nhân lực

Thời gian qua, bên cạnh những thành tựu đạt được, hệ thống khám, chữa bệnh ở Việt Nam phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức; trong đó, đáng chú ý là tình trạng nhân lực y tế phân bố không đồng đều; nhiều kỹ thuật y học cao đã triển khai nhưng chủ yếu tập trung ở các thành phố lớn và các bệnh viện tuyến Trung ương; tình trạng vượt tuyến khám, chữa bệnh xảy ra khá phổ biến, gây quá tải tại các bệnh viện tuyến trên.

Chính vì vậy, Quyết định số 774/QĐ-BYT ngày 11.3.2013 của Bộ Y tế phê duyệt "Đề án bệnh viện vệ tinh giai đoạn 2013 - 2020" có ý nghĩa rất quan trọng trong việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trình độ chuyên môn kỹ thuật của tuyến dưới, giúp sử dụng có hiệu quả cơ sở vật chất và trang thiết bị y tế đã được đầu tư.

Đề án đã được các địa phương tích cực triển khai và đạt được một số thành tựu quan trọng. Đề án có 14 bệnh viện hạt nhân, bao gồm: 9 bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế, 5 bệnh viện thuộc Sở Y tế Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, với tổng số bệnh viện vệ tinh là 45 tại các tỉnh.

Đề án đã xác định ưu tiên thành lập mạng lưới bệnh viện vệ tinh của 5 chuyên khoa thường xuyên quá tải: Ung bướu; ngoại - chấn thương; tim mạch; sản và nhi; trong đó có hoạt động nâng cao năng lực khám bệnh, chữa bệnh tại chỗ của các bệnh viện vệ tinh thông qua hoạt động đào tạo cán bộ y tế và chuyển giao kỹ thuật…

Tiếp theo, Đề án đã phát triển thành 10 chuyên khoa gồm 5 chuyên khoa trên và các chuyên khoa nội tiết, thần kinh, huyết học lâm sàng, hồi sức cấp cứu, chống độc. Sau khi triển khai thực hiện, Đề án đã vượt chỉ tiêu và hình thành 23 bệnh viện hạt nhân, 138 bệnh viện vệ tinh.

Tại Bệnh viện Bạch Mai, Đề án 1816 và Đề án Bệnh viện vệ tinh đã được triển khai chất lượng và mang lại hiệu quả thiết thực trong nhiều năm qua, với những giá trị bền vững, giúp các tuyến y tế cơ sở của địa phương nâng cao năng lực chẩn đoán và điều trị, rèn luyện chuyên môn, vững vàng trong công tác khám, chữa bệnh.

Theo PGS. Vũ Văn Giáp - Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, bệnh viện đã cử 2.138 lượt giáo sư, tiến sĩ, bác sỹ của các chuyên khoa tham gia công tác chỉ đạo tuyến; cử 1.700 lượt cán bộ chuyên môn luân phiên và hỗ trợ gần 200 bệnh viện các tỉnh phía Bắc; cán bộ luân phiên đã trực tiếp khám, điều trị cho 195.780 lượt bệnh nhân; trong đó có gần 2.200 bệnh nhân nặng, nguy kịch, giúp cho tỷ lệ chuyển tuyến giảm 30%.

Tái khởi động Đề án bệnh viện vệ tinh

Nhằm đáp ứng nhu cầu nâng cao năng lực toàn diện các chuyên khoa và cả về mặt quản lý, xây dựng, mở rộng phạm vi và các hoạt động khác phù hợp với sự phát triển các bệnh viện, Bộ Y tế đã giao Cục Quản lý Khám, chữa bệnh là đầu mối xây dựng dự thảo Đề án "Nâng cao năng lực chuyên môn, chuyển giao kỹ thuật và phát triển mạng lưới bệnh viện vệ tinh giai đoạn 2024 - 2030".

Theo Cục Quản lý khám chữa bệnh, so với giai đoạn trước, Đề án bệnh viện vệ tinh mới sẽ chuyển giao kỹ thuật với nhiều chuyên khoa hơn, để nối gần khoảng cách y tế giữa các tuyến. Trong số đó, ưu tiên đầu tư các chuyên khoa, lĩnh vực có nhu cầu khám, chữa bệnh cao, như: Tim mạch, ngoại, sản, nhi, truyền nhiễm, ung bướu, huyết học truyền máu, hồi sức cấp cứu, hô hấp, tiết niệu, thần kinh, nội tiết, da liễu, răng hàm mặt… và các lĩnh vực có nhu cầu phát triển cấp thiết, như công nghệ thông tin, quản lý chất lượng.

Cũng theo Đề án này, bệnh viện vệ tinh là bệnh viện được thụ hưởng, tiếp nhận các kỹ thuật chuyển giao từ bệnh viện có chuyên khoa hạt nhân. Còn bệnh viện hạt nhân quốc gia là bệnh viện có các chuyên khoa, lĩnh vực phát triển nhất trên phạm vi cả nước; thực hiện được các kỹ thuật cao nhất trong danh mục hoặc đứng đầu lĩnh vực; được giao nhiệm vụ xây dựng và phát triển mạng lưới bệnh viện vệ tinh trên phạm vi cả nước theo chuyên khoa, lĩnh vực.

Ngoài ra, trong Đề án mới còn xuất hiện bệnh viện hạt nhân vùng, là bệnh viện có các chuyên khoa, lĩnh vực phát triển trong vùng, được giao nhiệm vụ phối hợp với bệnh viện hạt nhân quốc gia xây dựng và phát triển mạng lưới bệnh viện vệ tinh trong khu vực.

Trong 2 năm đầu triển khai Đề án, Bộ Y tế sẽ đầu tư phát triển bệnh viện hạt nhân vùng, nâng cấp một số bệnh viện vệ tinh thành bệnh viện hạt nhân vùng; mở rộng các chuyên khoa, lĩnh vực khác có nhu cầu. Các bệnh viện vệ tinh được mở rộng tương ứng với các chuyên khoa và số lượng bệnh viện hạt nhân được mở rộng thêm.

Dự thảo đề ra mục tiêu cho từng giai đoạn cụ thể. Theo đó, giai đoạn 2024 - 2025, ưu tiên đầu tư các chuyên khoa, lĩnh vực có nhu cầu khám, chữa bệnh cao: Tim mạch, ngoại, sản, nhi, truyền nhiễm, ung bướu, huyết học truyền máu, hồi sức cấp cứu, hô hấp, tiết niệu, thần kinh, nội tiết, da liễu, răng hàm mặt… và các lĩnh vực có nhu cầu phát triển cấp thiết như công nghệ thông tin, quản lý chất lượng...

Báo Đại biểu Nhân dân

https://daibieunhandan.vn/noi-gan-khoang-cach-y-te-post393029.html

* Thu hồi thuốc Alphatrypa DT không đạt tiêu chuẩn chất lượng

Toàn bộ lô thuốc Alphatrypa DT không đạt chuẩn chất lượng về chỉ tiêu định lượng được Sở Y Tế Hà Nội thông báo thu hồi, đồng thời yêu cầu các cơ sở y tế rà soát.

Thuốc Alphatrypa DT (Chymotrypsin 4,2mg) là loại thuốc do Công ty TNHH Quốc tế Nhật Thành Pharma cung cấp và được sản xuất bởi Công ty Cổ phần Dược phẩm Trung ương I – Pharbaco. Thuốc Alphatrypa DT thuộc lô số 84324, ngày sản xuất 25/05/2024, hạn sử dụng đến 25/05/2026 và có SĐK: VN-26281-17.

Việc thu hồi này được thực hiện sau khi Sở Y Tế thông báo lô thuốc nói trên không đạt tiêu chuẩn chất lượng, cụ thể là vi phạm chỉ tiêu Định lượng (mức độ 2).

Sở Y tế đã chỉ đạo Công ty Cổ phần Dược phẩm Trung ương I - Pharbaco cùng Công ty TNHH Quốc tế Nhật Thành Pharma tiến hành thu hồi triệt để lô thuốc Alphatrypa DT vi phạm tiêu chuẩn và báo cáo thu hồi, gửi hồ sơ liên quan, tuân thủ theo quy định tại Công văn 3288/QLD-CL của Cục Quản lý Dược

Các cơ sở y tế, nhà thuốc bán buôn và bán lẻ trên địa bàn Hà Nội được yêu cầu rà soát để xác định và thu hồi lô thuốc không đạt chuẩn này. Những cơ sở y tế, nhà thuốc nào đã nhập lô thuốc vi phạm phải hợp tác đầy đủ trong quá trình thu hồi.

Bên cạnh đó, Phòng Y tế tại các quận, huyện, thị xã cũng nhận nhiệm vụ thông báo rộng rãi đến các cơ sở hành nghề y tế trên địa bàn quản lý, đồng thời phối hợp chặt chẽ để kiểm tra và giám sát quá trình thu hồi.

Alphatrypa DT là loại thuốc chứa hoạt chất Chymotrypsin, được sử dụng trong điều trị viêm và phù nề sau chấn thương, phẫu thuật, hoặc trong các trường hợp viêm nhiễm nghiêm trọng.

Tuy nhiên, khi không đạt tiêu chuẩn chất lượng, thuốc giảm đi tính hiệu quả điều trị đồng thời tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với người sử dụng, đặc biệt là những bệnh nhân đang điều trị các bệnh lý nghiêm trọng cần đến tác dụng chống viêm và giảm phù nề.

Báo Góc nhìn pháp lý

https://gocnhinphaply.nguoiduatin.vn/thu-hoi-thuoc-alphatrypa-dt-khong-dat-tieu-chuan-chat-luong-6347.html

 

 

PHẦN MỀM TÁC NGHIỆP

  Dịch vụ công trực tuyến

  Phần mềm Quản lý văn bản

  Phần mềm QLHS Một cửa 

  Phần mềm Một cửa (Mới)

  Tiếp nhận ý kiến công dân 

  Danh mục TTHC công 

  Tra cứu hồ sơ Một cửa 

  Thư điện tử TP Hà Nội 

  Thông tin người phát ngôn

Thống kê truy cập

Đang online: 2575
Lượt truy cập trong tuần: 20278
Lượt truy cập trong tháng: 224759
Lượt truy cập trong năm: 2339970
Tổng số lượt truy cập: 46407358
Về đầu trang