Điểm báo
Đẩy mạnh kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm tại bếp ăn tập thể tại Hà Nội
Ông Vũ Cao Cương, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, thời gian qua, TP đã tăng cường triển khai việc kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) tại các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, đặc biệt là tại các bếp ăn trường học. Trong đó, công tác kiểm soát, truy xuất nguồn gốc nguyên liệu đầu vào được đẩy mạnh.
Theo báo cáo của Chi cục ATVSTP Hà Nội, từ đầu 2022, đến nay, các đoàn thanh, kiểm tra, giám sát về ATTP đã kiểm tra 215 cơ sở, trong đó số cơ sở đạt là 182 (chiếm tỷ lệ 84,7%); truy xuất nguồn gốc tại bếp ăn tập thể của 75 trường trên địa bàn 10 quận, huyện. Chi cục ATVSTP đánh giá, đa số các trường đều chấp hành tốt các quy định về ATTP, ký hợp đồng với các đơn vị cung cấp có đủ hồ sơ năng lực.
Tuy nhiên, bếp ăn tập thể của các trường vẫn còn tồn tại một số hạn chế. Cụ thể, các trường chưa thực hiện công tác truy xuất nguồn gốc, kiểm tra giám sát định kỳ và đột xuất tại các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh. Các đơn vị cung cấp thực phẩm (rau, củ, quả) chưa chứng minh được nguồn gốc đến địa chỉ trồng trọt. Nguồn gốc thực phẩm chỉ thể hiện được trên hóa đơn, chứng từ.
Do không có đủ nhân sự nên người giao hàng không phải người đã có hợp đồng lao động hoặc người của đơn vị cung cấp thực phẩm, mà chủ yếu là lái xe thuê hoặc xe ôm được cơ sở thuê thời vụ. Hầu hết các đơn vị cung cấp thực phẩm là đơn vị trung gian và chưa có phiếu giao nhận hay sổ giao nhận với người dân hoặc cơ sở trồng trọt trực tiếp.
Để bảo đảm ATVSTP bếp ăn, các nhà trường cần chọn lọc đơn vị cung cấp thực phẩm chuyên nghiệp, đáp ứng đầy đủ tiêu chí. Trường cần trực tiếp giám sát, tự kiểm tra công tác bảo đảm ATVSTP tại đơn vị cung cấp. Cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm ATVSTP tại bếp ăn tập thể; trong đó tập trung vào việc rà soát từ nguyên liệu đầu vào, quá trình chế biến, quy trình bếp ăn một chiều, yếu tố con người; chú trọng đến việc truy xuất nguồn gốc và chất lượng thực phẩm.
Báo Pháp luật Việt Nam
Hiệu quả nhờ ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động y tế Thủ đô
Cùng với chủ trương đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong các lĩnh vực, thời gian qua, ngành y tế Hà Nội cũng có nhiều chính sách và hoạt động thiết thực nhằm đưa công nghệ thông tin vào hoạt động khám chữa bệnh. Từ đó giúp công tác quản lý, điều hành, trao đổi thông tin trong ngành y tế thuận lợi, kịp thời, tiết kiệm chi phí, thúc đẩy cải cách hành chính, nâng cao chất lượng, hiệu quả công việc.
Công nghệ... giúp bệnh nhân rút ngắn thời gian chờ
Theo thống kê của Sở Y tế Hà Nội, đến nay, 100% bệnh viện đã ứng dụng phần mềm quản lý thông tin bệnh viện (HIS); 37/41 bệnh viện đã ứng dụng phần mềm quản lý thông tin xét nghiệm (LIS); 27/41 bệnh viện đã trang bị hệ thống lưu trữ và truyền tải hình ảnh (RIS-PACS) kết nối liên thông kết quả các khoa phòng, hội chẩn liên khoa, báo động đỏ nội viện…; thành lập các nhóm Zalo sẵn sàng tiếp nhận, hội chẩn các ca bệnh khó từ xa.
Bên cạnh đó, nhiều bệnh viện đã sử dụng căn cước công dân gắn chíp trong khám chữa bệnh, thay tế cho thẻ BHYT, đăng ký khám qua Face ID. Một số bệnh viện đã triển khai bệnh án điện tử là Xanh Pôn, Phụ sản Hà Nội, Vân Đình, Mỹ Đức.
Tất cả các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn thành phố cũng đã thực hiện kết nối dữ liệu khám chữa bệnh và thanh toán chi phí khám chữa bện với cơ quan bảo hiểm xã hội thành phố thông qua hệ thống giám định BHYT. Thông tin công khai, minh bạch, người tham gia BHYT được bảo đảm quyền lợi hợp pháp khi đi khám chữa bệnh, đồng thời giảm thời gian chờ khám bệnh và thanh toán BHYT, tạo thuận lợi cho người có thẻ BHYT khi đi khám chữa bệnh.
Đặc biệt, Sở Y tế đã thành lập mạng lưới khám chữa bệnh từ xa bao gồm 4 bệnh viện tuyến trên (Xanh Pôn, Tim Hà Nội, Phụ sản Hà Nội, Ung bướu Hà Nội), 157 bệnh viện tuyến dưới (13 bệnh viện tuyến thành phố, 15 bệnh viện tuyến huyện, 7 bệnh viện ngoài công lập, 19 quận, huyện, thị xã; 103 bệnh viện và TTYT ngoài Hà Nội). Mạng lưới này đã đào tạo trực tuyến cập nhật kiến thức về hướng dẫn, chẩn đoán điều trị các dịch bệnh chân tay miệng, Adenovirus, sốt xuất huyết… ngay khi Bộ Y tế ban hành.
Sở Y tế thành phố cũng đẩy mạnh các hoạt động nhằm thực hiện quyết định 3532/QĐ-BYT ngày 12/8/2020 của Bộ Y tế, về quy định xây dựng và triển khai hệ thống thông tin quản lý trạm y tế xã, phường, thị trấn; Đã có 579 trạm y tế được Sở Y tế đã đào tạo, hướng dẫn sử dụng phần mềm quản lý.
Hiệu quả rõ nét trong phòng chống dịch bệnh
Giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát vừa qua để lại không ít thiệt hại về sức khỏe, tài sản cho người dân. Nhưng cũng chính trong thời điểm khó khăn ấy, vai trò của công nghệ thông tin, mạng xã hội đã phát huy hiệu quả hết sức rõ rệt.
Đến nay, trên điện thoại của nhiều người dân vẫn còn ứng dụng nền tảng khai báo y tế điện tử, ứng dụng quản lý thông tin người ra vào điểm công cộng bằng mã QRCode do Chính phủ và Bộ Y tế, Sở Y tế triển khai. Đặc biệt, Hà Nội đã xây dựng và đưa vào sử dụng phần mềm riêng đó là cập nhật dữ liệu người nhiễm, nghi nhiễm Covid-19 lên ứng dụng Hà Nội Smartcity; triển khai phần mềm quản lý người nhiễm SARS-CoV-2 (F0) thể nhẹ, không triệu chứng; triển khai hệ thống tin nhắn SMS brandname để hỗ trợ quá trình chăm sóc, điều trị F0 tại nhà với 6.201.201 tin nhắn được thực hiện.
Ngoài ra, việc sử dụng nền tảng quản lý tiêm chủng vắc xin Covid-19 quốc gia đã giúp cho thành phố quản lý được số lượng người đã được tiêm phòng cũng như dự trù số lượng vắc xin cho từng loại đối tượng.
Cùng với đó, Sở Y tế còn ứng dụng CNTT phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 khác như: Phần mềm phân tầng và vận chuyển người bệnh F0; tiếp nhận, giải đáp các kiến nghị, phản ánh liên quan đến công tác phòng chống dịch trên địa bàn thành phố Hà Nội qua tổng đài 1022… 100% các cơ sở khám bệnh trên địa bàn triển khai trang web, phân công cán bộ trực đường dây nóng để tiếp nhận đăng ký, đặt lịch khám bệnh online, theo ngày, theo giờ …hạn chế tối đa sự di chuyển và chờ đợi của người bệnh trong giai đoạn dịch.
Sau giai đoạn dịch bệnh Covid-19, ngành y tế Thủ đô vẫn duy trì khai thác các phần mềm chuyên ngành đặc thù phục vụ trong hoạt động chuyên môn như phần mềm quản lý bệnh truyền nhiễm, phần mềm quản lý thông tin tiêm chủng quốc gia…
Có thể thấy, trong thời gian qua, việc ứng dụng CNTT trong ngành y tế đã mang lại hiệu quả tích cực trong quản lý nhà nước, chỉ đạo điều hành các đơn vị y tế; giảm quá tải, rút ngắn thời gian khám chữa bệnh, cũng như thực hiện hiệu quả công tác phòng chống dịch bệnh.
Hiện tại ngành y tế Hà Nội đang tích cực triển khai thực hiện Đề án “Ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin y tế thông minh thành phố Hà Nội giai đoạn 2023-2025” để từng bước hình thành hệ thống thông tin ngành y tế Hà Nội hiện đại, linh hoạt dựa trên dữ liệu được cập nhật chính xác theo thời gian thực.
Báo Phụ nữ Thủ đô
Nam sinh Hà Nội suýt mất tay vì pháo tự chế mua trên mạng
Bệnh nhi N.H.C (14 tuổi, Thanh Oai, Hà Nội) được gia đình đưa vào viện cấp cứu sau khi bị chấn thương nặng do pháo tự chế mua trên mạng phát nổ.
Ngày 15/11, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông thông tin về trường hợp bệnh nhi chấn thương nặng liên quan đến pháo nổ.
Bệnh nhi được gia đình đưa vào viện trong tình trạng bàn tay phải dập nát, chảy máu nhiều. Ngoài ra, trên cơ thể có nhiều vùng tổn thương nông.
Kết quả chụp X-quang cho thấy bàn tay phải bị gãy nền đốt bàn tay 1, gãy nền đốt ngón tay 5, gãy đốt 2 và ngón 3.
Các bác sĩ Khoa Ngoại chấn thương đã tiến hành phẫu thuật cấp cứu xử lý vết thương cho bệnh nhân.
"Ca mổ thành công, bệnh nhân phải khâu 15 mũi, tuy nhiên, di chứng để lại về sau rất nặng nề do toàn bộ gân, cơ, xương bị dập nát do pháo nổ. Bệnh nhi sẽ bị hạn chế cầm nắm, viết chữ và các động tác tinh vi khác của bàn tay.
Bệnh nhi sẽ cần trải qua vài cuộc phẫu thuật nữa để tháo phương tiện kết xương cũng như sửa chữa các di chứng khác của bàn tay", bác sĩ Nguyễn Mạnh Trường thông tin.
Người nhà bệnh nhi cho biết, cậu bé tự mua thuốc pháo trên mạng về tự chế pháo, thông qua các fanpage hội nhóm.
BS Thường cảnh báo, các tai nạn do pháo rất nguy hiểm, có thể gây tàn phế thậm chí là ảnh hưởng tính mạng.
Thường cứ vào dịp cuối năm, các tai nạn liên quan đến pháo nổ, pháo tự chế lại tăng lên, do có rất nhiều các địa chỉ bán vật liệu pháo nổ bất hợp pháp trên mạng internet. Các nạn nhân chủ yếu trong lứa tuổi học sinh, sinh viên tự mày mò, mua thuốc pháo về tự chế, dẫn đến tai nạn.
Vì thế, các gia đình, trường học cần tuyên truyền, nhắc nhở để trẻ tránh xa việc chế pháo, phòng những tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra.
Báo Dân trí
Phòng bệnh đậu mùa khỉ đang xâm nhập trong cộng đồng
Bộ Y tế vừa đưa ra cảnh báo: mầm bệnh đậu mùa khỉ đã xâm nhập trong cộng đồng. Do đó, nhiều khả năng, Việt Nam sẽ tiếp tục ghi nhận các trường hợp bệnh mới, đặc biệt tại các thành phố lớn khác ngoài Thành phố Hồ Chí Minh. Đáng chú ý, bệnh đang xuất hiện ở những nhóm đối tượng đặc thù.
Hầu hết ca bệnh là nam gần 93%, có xu hướng tình dục là đồng tính nam và lưỡng tính nam hơn 78%, dị tính gần 9%. Khoảng 63% đang nhiễm HIV, 46% mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác. Theo thống kê, đến nay Việt Nam ghi nhận 56 trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ tại 7 tỉnh, thành phố. Đặc biệt từ đầu tháng 7 đến nay, nước ta liên tục ghi nhận các ca bệnh xuất hiện.
Các chuyên gia khuyến cáo, bệnh đậu mùa khỉ có các biểu hiện như sốt, nổi mụn mủ. Một số trường hợp thuộc nhóm nguy cơ cao như: thai phụ, người cao tuổi, trẻ em, người có bệnh lý nền, đặc biệt là người suy giảm miễn dịch. Do đó, người dân chủ động các biện pháp phòng ngừa như rửa tay thường xuyên, không tiếp xúc với các ca nghi ngờ bệnh, khi có dấu hiệu mắc bệnh cần sớm đến các cơ sở y tế để thăm khám.
Báo Hà nội mới
VĂN BẢN MỚI
- Giám sát phản ứng có hại của thuốc (ADR) tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh
- Tăng cường các biện pháp phòng chống dịch bệnh tại các cơ sở kinh doanh thuốc trong dịp Tết Nguyên đán 2022
- Đảm bảo cung ứng thuốc phòng chống dịch bệnh và nhu cầu sử dụng thuốc trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022
- 4289/QĐ-SYT Quyết định về việc giao chỉ tiêu Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán thu, chi ngân sách năm 2022 cho các đơn vị thuộc Sở Y tế Hà Nội
- 10722/BYT-DP Về việc tiêm vắc xin phòng Covid-19 liều cơ bản và nhắc lại
- Công văn 10696/BYT-MT về việc cách ly y tế cho trường hợp F1 đã tiêm đủ liều vắc xin hoặc đã khỏi bệnh Covid-19
- Công văn 10688/BYT-MT của Bộ Y tế về phòng, chống dịch Covid-19 đối với người nhập cảnh
- Sử dụng kết quả xét nghiệm để phát hiện người mắc Covid-19 và cho người bệnh ra viện
- Quyết định 696/QĐ-SYT của Bộ Y tế ban hành Sổ tay thực hành tại cơ sở bán lẻ thuốc
- Thu hồi thuốc Methtrexat Bidiphar 50mg/2ml không đạt tiêu chuẩn chất lượng