Điểm báo
* Chi từ Quỹ Bảo hiểm y tế vượt dự toán: Kiểm soát chặt chẽ, chống lãng phí
Nhiều tỉnh, thành phố, trong đó có Thủ đô Hà Nội đang đối mặt với nguy cơ vượt dự toán chi khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế năm 2024. Một trong những nguyên nhân được chỉ ra là sự gia tăng số lượt bệnh nhân cũng như chi khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế.
Để bảo đảm quyền lợi cho người bệnh, phát huy tối ưu hiệu quả của Quỹ Bảo hiểm y tế, các cơ sở khám, chữa bệnh cần nâng cao tinh thần thực hành tiết kiệm, kiểm soát chặt chẽ, chống lãng phí trong khám, chữa bệnh; đặc biệt là với những chỉ định xét nghiệm, dịch vụ kỹ thuật...
Nguy cơ mất cân đối thu - chi
Theo báo cáo của Ban Thực hiện chính sách bảo hiểm y tế (Bảo hiểm xã hội Việt Nam), tính đến hết tháng 10-2024, toàn quốc đã sử dụng hết 95,4% dự toán chi khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế năm 2024.
Đáng chú ý, theo báo cáo, có 12 tỉnh, thành phố đã sử dụng trên 100% dự toán chi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế năm 2024 như: Tây Ninh vượt 11,4%, Trà Vinh vượt 6,4%, Bình Định vượt 5,2%, Quảng Nam vượt 4,7%, Cần Thơ vượt 2,4%, Quảng Bình vượt 2,3%, Đắk Lắk vượt 2%, Sơn La vượt 1,9%, Tuyên Quang vượt 1,5%, Sóc Trăng vượt 1,4%, Bình Thuận vượt 0,8%, Tiền Giang vượt 0,3%.
Tỷ lệ sử dụng dự toán tăng cao do có sự gia tăng số lượt bệnh nhân cũng như số chi khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế. Trong đó, số lượt khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế tăng 5,8%; số chi tăng 15,9% so với cùng kỳ năm 2023. Ngoài ra, trong năm 2024, tỷ lệ bệnh nhân điều trị nội trú có xu hướng tăng cao, bình quân toàn quốc là 10,2%.
Báo cáo tổng hợp của Trung tâm Giám định bảo hiểm y tế và thanh toán đa tuyến (Bảo hiểm xã hội Việt Nam) cũng chỉ ra một số vấn đề đáng quan tâm trong chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế trong 10 tháng năm 2024. Nổi lên là một số dịch vụ kỹ thuật chiếm tỷ trọng và số gia tăng lớn. Tại một số địa phương và cơ sở y tế, tình trạng chỉ định chụp cộng hưởng từ (MRI) tăng cao gấp 2-4 lần so với năm trước. Hay có phòng khám đa khoa có chi phí bình quân điều trị ngoại trú cao hơn tại bệnh viện, thậm chí cao hơn bệnh viện hạng I và hạng II…
Còn tại Hà Nội, theo báo cáo của Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội, trong 10 tháng năm 2024, số chi khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế tại các bệnh viện, phòng khám ngoài công lập có ký hợp đồng khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế tăng cao so với cùng kỳ năm 2023, nguy cơ vượt dự toán được Thủ tướng Chính phủ giao năm 2024 với số tiền lớn. Cùng với đó, một số cơ sở khám, chữa bệnh chưa nâng cao tinh thần thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong chỉ định xét nghiệm, điều trị nội trú và sử dụng dịch vụ, nhất là các dịch vụ kỹ thuật và thuốc điều trị đắt tiền.
Nhiều chuyên gia y tế cũng thẳng thắn thừa nhận, có tình trạng lạm dụng xét nghiệm quá mức cần thiết đối với người bệnh, gây tốn kém chi phí và ảnh hưởng đến Quỹ Bảo hiểm y tế. Đơn cử như với chỉ định chẩn đoán hình ảnh bằng siêu âm. Dù hiện nay siêu âm đen trắng vẫn có giá trị chẩn đoán, nhưng không ít bệnh viện cho rằng, người bệnh phải được hưởng siêu âm màu vì đây là kỹ thuật cao cấp hơn. Do đó, trong nhiều trường hợp, người bệnh chỉ cần siêu âm đen trắng với giá 49.300 đồng/lần nhưng bác sĩ vẫn chỉ định phải siêu âm màu là 233.000 đồng/lần (gấp gần 5 lần siêu âm đen trắng). Thậm chí, ở một số bệnh viện, nhiều bệnh nhi đến khám xong là bác sĩ chỉ định nhập viện kể cả đối với những trường hợp hoàn toàn có thể điều trị tại nhà…
Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin
Hiện nay, tại các bệnh viện đang điều trị cho rất nhiều bệnh nhân mắc các bệnh mạn tính, bệnh hiếm, ghép tạng. Những trường hợp này cần quá trình điều trị dài ngày và chi phí điều trị rất lớn để phục hồi, duy trì cuộc sống. Đây là gánh nặng với ngay cả những người có điều kiện kinh tế nếu không tham gia bảo hiểm y tế. Vì vậy, việc sử dụng hiệu quả, tối ưu Quỹ Bảo hiểm y tế, tránh lãng phí, bảo đảm quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế là điều rất quan trọng trong bối cảnh nguồn lực quỹ có hạn.
Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đức Giang Nguyễn Văn Thường cho biết, trung bình một ngày, bệnh viện khám cho khoảng 1.200 bệnh nhân có thẻ bảo hiểm y tế. Để quản lý và sử dụng Quỹ Bảo hiểm y tế có hiệu quả, bệnh viện đã ứng dụng công nghệ thông tin, triển khai phần mềm kiểm soát chỉ định chẩn đoán, xét nghiệm, kê đơn thuốc… Cùng với đó, bệnh viện cũng thành lập bộ phận chuyên trách giám sát vấn đề này. Nếu phát hiện nhân viên y tế thực hiện không đúng, bệnh viện chủ động nhắc nhở và chấn chỉnh ngay lập tức, tránh tình trạng lạm dụng gây thất thoát, lãng phí cho bệnh nhân và Quỹ Bảo hiểm y tế.
Tương tự, tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cuba, để sử dụng hiệu quả, tối ưu, tránh lãng phí, bệnh viện đã chia Quỹ Bảo hiểm y tế thành 3 phần: Thuốc, thăm khám và cận lâm sàng. Riêng với những trường hợp có chỉ định sử dụng các chẩn đoán, xét nghiệm, dịch vụ kỹ thuật cao với chi phí tốn kém, bệnh viện sẽ phải tiến hành hội chẩn liên khoa và lãnh đạo từng khoa, phòng chịu trách nhiệm phê duyệt chỉ định. Ngoài ra, bệnh viện cũng thành lập tổ giám định nội bộ, tự kiểm tra, kiểm soát, đánh giá tính hợp lý của các dịch vụ y tế được cung cấp cho người tham gia bảo hiểm y tế.
Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Đình Hưng cho biết, Sở Y tế luôn sẵn sàng phối hợp với Bảo hiểm xã hội thành phố thực hiện một số chuyên đề kiểm soát chi phí khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế trong và ngoài công lập. Thậm chí, kiểm tra đột xuất các cơ sở khám, chữa bệnh có gia tăng cao chi bảo hiểm y tế bất thường. Sở Y tế cũng đề nghị các cơ sở khám, chữa bệnh thực hiện tốt việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong khám, chữa bệnh, quản lý Quỹ Bảo hiểm y tế, hạn chế việc lạm dụng chỉ định điều trị, xét nghiệm…
Báo : Hà Nội mới
* Sân bay Nội Bài siết chặt kiểm dịch y tế
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, đơn vị tiếp tục tăng cường công tác kiểm dịch y tế tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài; theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên thế giới, tại Việt Nam và Hà Nội nhằm phát hiện sớm các ca mắc, nghi mắc để thực hiện các phương án phòng, chống phù hợp, kịp thời.
Trước đó, ngày 12/12/2024, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đã có công văn, báo cáo nhanh về các trường hợp mắc bệnh không rõ nguyên nhân tại Cộng hòa Dân chủ Congo. Theo đó, ngày 10/12/2024, hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm đã ghi nhận thông tin về các trường hợp mắc bệnh không rõ nguyên nhân tại Cộng hòa Dân chủ Congo.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), từ ngày 24/10 - 5/12/2024, tại khu vực y tế Panzi, thuộc tỉnh Kwango, Cộng hòa Dân chủ Congo đã ghi nhận 416 trường hợp mắc bệnh chưa rõ nguyên nhân; trong đó có 31 trường hợp tử vong (tỷ lệ tử vong là 7,6%). Các triệu chứng ghi nhận bao gồm: sốt, đau đầu, ho, sổ mũi và đau cơ. Các trường hợp mắc chủ yếu là trẻ em (53% số mắc và 54,8% số tử vong là dưới 5 tuổi). Tất cả trường hợp nặng đều bị suy dinh dưỡng nghiêm trọng.
Một số quốc gia trong khu vực châu Á và Đông Nam Á cũng nhận định nguy cơ bệnh xâm nhập từ Cộng hòa Dân chủ Congo là thấp với lượng khách đi đến từ khu vực này rất ít và không có chuyến bay trực tiếp từ Cộng hòa Dân chủ Congo.
WHO đã hỗ trợ Cộng hòa Dân chủ Congo triển khai các đội đáp ứng nhanh; tổ chức quản lý điều tra ca bệnh, lấy mẫu xét nghiệm tác nhân gây bệnh và các hoạt động phòng, chống dịch tại khu vực xảy ra ổ dịch. Ngày 10/12/2024, theo thông tin cập nhật từ WHO đã ghi nhận có 10/12 mẫu xét nghiệm ban đầu dương tính với sốt rét.
Trên cơ sở các thông tin ghi nhận từ hệ thống giám sát dựa vào sự kiện, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đã chỉ đạo và tổ chức theo dõi giám sát các diễn biến tình hình dịch bệnh tại Cộng hòa Dân chủ Congo. Cục tiếp tục theo dõi, bám sát diễn biến tình hình dịch bệnh; chủ động thực hiện giám sát dựa vào sự kiện với thông tin về dịch bệnh tại Cộng hòa Dân chủ Congo; phối hợp với WHO và đầu mối các quốc gia cập nhật, chia sẻ thông tin về dịch bệnh. Trường hợp có các diễn biến mới, Cục Y tế dự phòng sẽ phối hợp với WHO và các đơn vị liên quan đánh giá nguy cơ để đề xuất các đáp ứng phù hợp bao gồm việc tăng cường công tác kiểm dịch y tế.
Hanoionline
https://hanoionline.vn/san-bay-noi-bai-siet-chat-kiem-dich-y-te-289010.htm
https://thesaigontimes.vn/phong-dich-la-tai-congo-ha-noi-tang-kiem-dich-y-te-tai-san-bay-noi-bai/
https://congdankhuyenhoc.vn/tang-cuong-kiem-dich-y-te-tai-san-bay-noi-bai-1792412172119166.htm
* Hà Nội: Nhiều dịch bệnh đang diễn biến "nóng"
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố (CDC) Hà Nội, trong tuần qua (từ ngày 6/12 đến ngày 13/12), toàn thành phố ghi nhận 44 ca mắc sởi tại 20 quận, huyện; 0 ca tử vong, tăng 19 ca so với tuần trước (25/0).
Cộng dồn năm 2024 đến nay, Hà Nội ghi nhận 209 trường hợp tại 29 quận, huyện, 0 ca tử vong.
Bệnh nhân phân bố theo nhóm tuổi: 58 trường hợp <9 tháng (27,8%); 33 trường hợp 9-11 tháng (15,8%), 32 trường hợp 12-24 tháng (15,3%), 31 trường hợp 25-60 tháng (14,8%), 55 trường hợp >60 tháng (26,3%).
CDC Hà Nội nhận định, số ca mắc sởi đang có xu hướng gia tăng nhanh, ghi nhận rải rác trên địa bàn, chủ yếu ở người chưa tiêm chủng vaccine hoặc chưa được tiêm đầy đủ, dự báo trong thời gian tới sẽ tiếp tục có thêm các trường hợp mắc bệnh, đặc biệt ở nhóm trẻ dưới một tuổi và trên 5 tuổi.
Trong tuần, thành phố ghi nhận 317 trường hợp mắc sốt xuất huyết; giảm 291 trường hợp so với tuần trước (608/0). Bệnh nhân phân bố tại 27/30 quận, huyện, thị xã.
Một số địa bàn ghi nhận nhiều bệnh nhân như: Hà Đông (36), Đống Đa (33), Nam
Từ Liêm (24)... Cộng dồn năm 2024 đến nay ghi nhận 8.749 trường hợp mắc, 0 tử vong, số mắc giảm 77,7% so với cùng kỳ năm 2023 (39.343/4).
Trong tuần ghi nhận 10 ổ dịch sốt xuất huyết tại 7 quận, huyện, giảm 11 ổ dịch so với tuần trước (21 ổ dịch). Cộng dồn năm 2024 ghi nhận 466 ổ dịch, còn 18 ổ dịch đang hoạt động.
Hà Nội cũng ghi nhận 26 trường hợp mắc tay chân miệng, 0 ca tử vong, tương đương so với tuần trước (26/0). Cộng dồn năm 2024 ghi nhận 2.474 trường hợp, 0 ca tử vong, giảm so với cùng kỳ năm 2023 (2.710/0).
Trong tuần ghi nhận 2 ổ dịch tay chân miệng tại Mễ Trì, Nam Từ Liêm và Cao Viên, Thanh Oai (mỗi ổ dịch 2 trường hợp). Cộng dồn năm 2024 ghi nhận 49 ổ dịch, còn 2 ổ dịch đang hoạt động.
Ngoài ra, các dịch bệnh khác như: ho gà, liên cầu lợn, não mô cầu, Covid-19, uốn ván, không ghi nhận trong tuần.
CDC Hà Nội đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức thực hiện các hoạt động giám sát, điều tra, xử lý dịch tại khu vực có ca bệnh, ổ dịch; giám sát công tác điều tra, xử lý ca bệnh, ổ dịch sởi tại: Phú Đô, Nam Từ Liêm; Giang Biên, Long Biên; Hạ Đình, Thanh Xuân; Thành Công, Ba Đình.
CDC Hà Nội triển khai giám sát công tác triển khai chiến dịch tiêm chủng vaccine bạch hầu, uốn ván (Td) tại: Bắc Từ Liêm, Đông Anh, Phúc Thọ, Ba Đình, Thanh Trì, Thanh Xuân.
Các trung tâm y tế các quận, huyện, thị xã tiếp tục tăng cường công tác giám sát phát hiện bệnh nhân tại cơ sở y tế được phân cấp và tại cộng đồng để kịp thời điều tra, xử lý ca bệnh, ổ dịch, không để dịch lây lan rộng.
Các đơn vị tiếp tục rà soát tiền sử tiêm chủng vaccine phòng bệnh sởi của trẻ 1-5 tuổi đang sinh sống trên địa bàn thành phố chưa tiêm chủng đủ mũi, để tổ chức tiêm bổ sung. Phối hợp với các đơn vị liên quan tiếp tục tổ chức tiêm chủng vaccine Td cho trẻ 7 tuổi sinh sống trên địa bàn chưa tiêm đủ 5 mũi vaccine có chứa thành phần uốn ván, bạch hầu trước đó theo chỉ đạo của Bộ Y tế.
Báo: Dân trí
https://dantri.com.vn/suc-khoe/ha-noi-nhieu-dich-benh-dang-dien-bien-nong-20241217072351377.htm
VĂN BẢN MỚI
- Hướng dẫn về việc bổ sung về việc đăng ký khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu tại Bệnh viện Lão khoa Trung ương năm 2024
- Giám sát phản ứng có hại của thuốc (ADR) tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh
- Tăng cường các biện pháp phòng chống dịch bệnh tại các cơ sở kinh doanh thuốc trong dịp Tết Nguyên đán 2022
- Đảm bảo cung ứng thuốc phòng chống dịch bệnh và nhu cầu sử dụng thuốc trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022
- 4289/QĐ-SYT Quyết định về việc giao chỉ tiêu Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán thu, chi ngân sách năm 2022 cho các đơn vị thuộc Sở Y tế Hà Nội
- 10722/BYT-DP Về việc tiêm vắc xin phòng Covid-19 liều cơ bản và nhắc lại
- Công văn 10696/BYT-MT về việc cách ly y tế cho trường hợp F1 đã tiêm đủ liều vắc xin hoặc đã khỏi bệnh Covid-19
- Công văn 10688/BYT-MT của Bộ Y tế về phòng, chống dịch Covid-19 đối với người nhập cảnh
- Sử dụng kết quả xét nghiệm để phát hiện người mắc Covid-19 và cho người bệnh ra viện
- Quyết định 696/QĐ-SYT của Bộ Y tế ban hành Sổ tay thực hành tại cơ sở bán lẻ thuốc