Điểm báo

Điểm thông tin y tế trên báo chí ngày 26/12/2024
Ngày đăng 27/12/2024 | 10:44  | Lượt xem: 138

*  Hà Nội ra quân kiểm tra an toàn thực phẩm Tết

Ngày 25-12, đoàn kiểm tra liên ngành công tác an toàn thực phẩm số 1 của thành phố Hà Nội do ông Vũ Cao Cương, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội làm trưởng đoàn đã ra quân kiểm tra công tác bảo đảm an toàn thực phẩm Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.

Tại huyện Chương Mỹ, qua kiểm tra điều kiện thực tế tại Công ty TNHH sản xuất chế biến thực phẩm Alishan (thôn Phù Yên, xã Trường Yên), ông Đặng Thanh Phong, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội nhận xét, quy trình sản xuất một chiều cùng chế độ vệ sinh nhà xưởng của cơ sở chưa đảm bảo, tường nhà mốc, chưa có kho chứa đựng thực phẩm…

Mặt khác, có 15 người tham gia chế biến thực phẩm nhưng cơ sở chưa xuất trình đầy đủ hồ sơ khám sức khoẻ của họ.

Ngoài ra, qua kiểm tra hồ sơ pháp lý, cơ sở công bố thiếu một số dữ liệu. Đặc biệt, qua kiểm tra nguồn gốc chân gà đưa vào chế biến được cơ sở nhập từ một công ty ở tỉnh Thái Bình.

“Chúng tôi sẽ phối hợp với cơ quan chức năng tỉnh Thái Bình truy xuất nguồn gốc chân gà từ đâu. Nếu công ty này không chứng minh được nguồn gốc, xuất xứ của chân gà, chúng tôi sẽ đưa ra hình thức xử lý. Ngoài ra, đoàn kiểm tra cũng lấy mẫu chân gà về để kiểm định chất lượng”, ông Đặng Thanh Phong cho biết.

Theo báo cáo của Ban chỉ đạo công tác an toàn thực phẩm huyện Chương Mỹ, hiện trên địa bàn huyện có hơn 3.700 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố.

Trong dịp Tết năm nay, huyện thành lập 3 đoàn kiểm tra liên ngành về an toàn thực phẩm. Mỗi đoàn kiểm tra phụ trách từ 10-11 xã, thị trấn. Đến nay, các đoàn đã kiểm tra được 160 cơ sở, qua đó phát hiện 10 cơ sở vi phạm chủ yếu về điều kiện trang thiết bị dụng cụ chưa bảo đảm và tiến hành xử phạt gần 10 triệu đồng.

Để phòng tránh nguy cơ ngộ độc thực phẩm gia tăng trong dịp Tết, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương đề nghị, huyện Chương Mỹ tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra các cơ sở kinh doanh, chế biến thực phẩm, nhất là những mặt hàng được sử dụng nhiều trong dịp Tết.

“Cùng với việc kiểm tra điều kiện vệ sinh của cơ sở, người sản xuất, chế biến có tuân thủ các quy định về bảo đảm an toàn thực phẩm hay không, các đoàn kiểm tra còn cần tập trung truy xuất nguồn gốc, xuất xứ của nguyên liệu đưa vào chế biến. Nếu phát hiện vi phạm phải xử lý nghiêm. Qua kiểm tra cũng cần lấy mẫu xét nghiệm nhanh để đánh giá và xử lý kịp thời thực phẩm không bảo đảm an toàn và có nguy cơ cao gây ngộ độc”, ông Vũ Cao Cương lưu ý.

Trước đó, UBND thành phố Hà Nội đã ra quyết định thành lập 4 đoàn kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm trong dịp Tết năm 2025, trong đó 3 đoàn do lãnh đạo các Sở: Y tế, Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Công thương làm trưởng đoàn và 1 đoàn do lãnh đạo Cục Quản lý thị trường thành phố làm trưởng đoàn.

Nội dung kiểm tra tập trung vào các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm, các chợ đầu mối, siêu thị, trung tâm thương mại, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, kinh doanh thức ăn đường phố, trọng tâm vào những cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu các mặt hàng thực phẩm được sử dụng nhiều trong dịp Tết Ất Tỵ và các lễ hội, như: Thịt, sản phẩm từ thịt, bia, rượu, đồ uống có cồn, nước giải khát, bánh, mứt, kẹo, rau, củ, quả, phụ gia thực phẩm, các cơ sở dịch vụ ăn uống…

Báo: Hà Nội mới

https://hanoimoi.vn/ha-noi-ra-quan-kiem-tra-an-toan-thuc-pham-tet-688548.html

https://kinhtedothi.vn/cong-ty-tnhh-cong-nghiep-thuc-pham-hai-viet-bi-tam-dung-san-xuat-banh-keo.html

https://hanoionline.vn/video/ha-noi-kiem-soat-an-toan-thuc-pham-tet-at-ty-291262.htm

 

* Bệnh viện Thanh Nhàn: Sự cố gây hỏa hoạn tại Khoa Y học cổ truyền

Khoảng 9h sáng ngày 25/12, nhiều tài khoản mạng xã hội đã chia sẻ video về vụ cháy xảy ra tại Bệnh viện Thanh Nhàn, phường Thanh Nhàn, quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội.

Khu vực xảy ra hỏa hoạn thuộc tầng 4 Tòa nhà C, Khoa y học cổ truyền của Bệnh viện Thanh Nhàn (thành phố Hà Nội).

Video cho thấy, ngọn lửa bốc cháy dữ dội từ một căn phòng thuộc tầng 04, Tòa nhà C của Bệnh viện Thanh Nhàn. Ngọn lửa bốc cháy lớn ra ngoài cửa sổ. Khói đen bốc cao hàng chục mét.

Hình ảnh cũng cho thấy sự hỗn loạn khi nhiều bệnh nhân, nhiều giường bệnh cùng người ra chạy khỏi đám cháy, ra trước tòa nhà C.

Sau khi đám cháy diễn ra ít phút, lực lượng Phòng cháy, chữa cháy cùng xe cứu hỏa đã có mặt tại hiện trường, dập lửa và thực hiện công tác cứu hộ, cứu nạn.

Tiếp nhận thông tin về vụ cháy, PV Báo Thanh tra đã có mặt, ghi nhận trực tiếp tại Bệnh viện Thanh Nhàn. Thời điểm khoảng 10h ngày 25/12, đám cháy cơ bản đã được khống chế.

Một bệnh nhân tại đây cho biết, khu vực xảy ra vụ cháy là một phòng thuộc tầng 4, Tòa nhà C, Khoa y học cổ truyền của Bệnh viện Thanh Nhàn. Đây là khu vực có nhiều bệnh nhân nặng và người già đang điều trị.

Nói về nguyên nhân vụ cháy, bệnh nhân này cho biết: “Là do nổ siêu đun thuốc bắc”.

Trao đổi với Báo Thanh tra qua số điện thoại trực lãnh đạo Bệnh viện Thanh Nhàn, chị Lan ( xưng là một trưởng khoa của bệnh viện) xác nhận việc có xảy ra hỏa hoạn vào sáng ngày 25/12. Chị cho biết, nguyên nhân ban đầu của vụ cháy được xác định là do chập điện. Vụ cháy đã được khống chế, xử lý xong rồi.

PV sẽ tiếp tục liên hệ với lãnh đạo bệnh viện Thanh Nhàn để tìm hiểu rõ hơn vụ việc.

Báo: Thanh tra

https://thanhtra.com.vn/xa-hoi-C5ACF42DB/benh-vien-thanh-nhan-su-co-gay-hoa-hoan-tai-khoa-y-hoc-co-truyen-4a56ffee5.html

 

* Cảnh báo đột quỵ khi chơi thể thao

Theo bạn đọc phản ánh, hiện nay tỷ lệ người đột quỵ khi tham gia một số môn thể thao đang có xu hướng gia tăng, ngay cả với những người trẻ. Đáng chú ý, những người mắc bệnh nền, tuổi cao kết hợp với thời tiết thay đổi đột ngột hoặc sử dụng chất kích thích, đồ uống có cồn trước khi chơi thể thao có nguy cơ hơn cả.

Vừa qua, cộng đồng chơi pickleball chia sẻ thông tin về một người đàn ông 55 tuổi ở Cầu Giấy, Hà Nội chơi môn thể thao này bất ngờ ngã quỵ và ngất lịm. Theo lãnh đạo Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội, khi các bác sĩ đến hiện trường, nạn nhân trong tình trạng ngừng tuần hoàn, phải hồi sức cấp cứu tại chỗ trong khoảng 15-20 phút để tái lập mạch trước khi chuyển vào Bệnh viện E.

Trước đó, vận động viên xe đạp địa hình Đỗ Xuân T đã tử vong ngay trên đường đua giải tiền SEA Games 22 vì trụy tim. Hay như trường hợp đội trưởng Câu lạc bộ hạng nhì Quân khu 4 Trần Nam T bất ngờ ngất lịm, đột quỵ ngay khi tập luyện trên sân bóng…

Chơi thể thao không đúng cách, không phù hợp lứa tuổi có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe, thậm chí có thể gây đột quỵ, đe dọa tính mạng.

Cụ thể, trong quá trình tập luyện, chơi các môn thể thao với cường độ cao như tennis, bóng bàn, cầu lông, chạy bộ… thì nhu cầu về máu, oxy và dưỡng chất của tim và não cũng tăng cao khiến nhịp tim, huyết áp thường khó kiểm soát hơn trạng thái bình thường.

Thời điểm này, nếu cơ thể không đáp ứng đủ lượng máu cần thiết thì nguy cơ đột quỵ tăng cao. Ngoài ra, tập thể dục, thể thao quá sức khiến cơ thể mất nước và các chất khoáng cần thiết quá nhiều mà người tập không bổ sung kịp thời cho cơ thể cũng là nguyên nhân dẫn đến đột quỵ.

Theo Thạc sĩ, Bác sĩ CKII Nguyễn Phương Trung, Giám đốc Bệnh viện đa khoa Phúc Thọ, Hà Nội, đột quỵ khi chơi thể thao có 2 nhóm chính: Nhóm thứ nhất xảy ra đối với người có sẵn yếu tố nguy cơ hay gặp ở người có dị dạng mạch máu não (phình mạch máu não) hoặc có bệnh lý tiềm tàng về viêm cơ tim, gây ra nhồi máu cơ tim cấp, hoặc xuất huyết não cấp. Người bệnh rất khó biết mình có bệnh vì thông thường không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ thoáng qua khiến người bệnh chủ quan. Tuy nhiên, những trường hợp này rất ít… Nhóm thứ hai là do người chơi thể thao quá gắng sức, đẩy sức chịu đựng vượt cao quá khả năng của mình

Vì vậy, vận động gắng sức không đúng phương pháp có thể là điều kiện thuận lợi gây khởi phát đột quỵ ở những người trẻ có nguy cơ. Thí dụ, ở những người trẻ tuổi có rối loạn yếu tố đông máu, bệnh lý tim mạch, dị dạng mạch máu não… khi tập luyện quá sức có thể gây ra cơn tăng huyết áp cấp tính dẫn tới khởi phát đột quỵ.

Đối với người cao tuổi, do cơ chế điều hòa tuần hoàn não của người cao tuổi kém hơn người bình thường, cộng thêm tập gắng sức có thể gây cơn tăng huyết áp kịch phát và xảy ra đột quỵ, đặc biệt khi thời tiết khắc nghiệt (quá nóng hoặc quá lạnh…), nhất là với những người cao tuổi có sẵn bệnh tăng huyết áp, bệnh đái tháo đường, tăng mỡ máu, xơ vữa động mạch, hen suyễn, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), hút thuốc, ít vận động, lối sống không lành mạnh, mất ngủ kéo dài, thường xuyên căng thẳng...

Lời khuyên của bác sĩ trước khi tập luyện bất cứ một môn thể thao nào thì người chơi cũng nên đi khám bác sĩ, nhất là bác sĩ chuyên khoa tim mạch, hô hấp, nội tiết-chuyển hóa để đánh giá tình trạng sức khỏe.

Trường hợp qua thăm khám phát hiện người chơi có tiền sử bệnh lý thì cần điều trị triệt để trước khi tập luyện. Ngược lại, nếu người chơi thể thao không có tiền sử bệnh lý thì cũng giúp các bác sĩ đánh giá đúng tình trạng sức khỏe để từ đó có phương pháp, chế độ tập luyện phù hợp.

Cần chú ý, giai đoạn trong hoặc sau khi chơi thể thao, nếu người chơi có các biểu hiện đột ngột bị đau đầu, hoa mắt, chóng mặt, ngất xỉu, khó thở, đau tức ngực đi kèm các triệu chứng tê bì một bên cánh tay, một bên chân hoặc khuôn mặt. Đây có thể là dấu hiệu cảnh báo về tình trạng đột quỵ của những người tập luyện thể thao và không nên xem nhẹ. Ngoài ra, các triệu chứng thường phức tạp và có thể xuất hiện trong khoảng 24 đến 72 giờ sau khi người chơi bị đột quỵ…

Do vậy, nếu phát hiện người bị đột quỵ khi chơi thể thao, cần thực hiện các biện pháp sơ cứu trong lúc chờ xe cấp cứu như giữ môi trường thông thoáng chung quanh; đặt người bệnh nằm trên một mặt phẳng ở nơi thoáng khí, nới rộng quần áo vùng cổ, ngực nếu người bệnh còn tỉnh táo.

Cần đặt người bệnh ở tư thế nằm nghiêng an toàn nếu có bất cứ dấu hiệu suy giảm ý thức não hoặc nôn mửa. Trường hợp người bệnh không có mạch hoặc ngừng thở có thể tiến hành ép tim ngoài lồng ngực (từ 100 đến 120 lần/phút) đến khi tim đập lại. Tuyệt đối không tự ý điều trị cho bệnh nhân bằng phương pháp bấm huyệt, châm cứu, đánh gió để tránh làm nặng thêm tình trạng bệnh và làm mất thời gian vàng điều trị, không cho bệnh nhân ăn uống hay dùng bất kỳ một loại thuốc gì khi chưa có sự chỉ định của bác sĩ. Sau đó nhanh chóng đưa bệnh nhân đến bệnh viện gần nhất để cấp cứu, nhằm tìm cơ hội điều trị trong “giờ vàng”.

Để phòng tránh tình trạng đột quỵ khi chơi các môn thể thao chúng ta cần khám sức khỏe định kỳ phát hiện và tầm soát các bệnh lý tiềm tàng và yếu tố nguy cơ để có chế độ tập luyện phù hợp với lứa tuổi và tình trạng sức khỏe. Đặc biệt, người chơi thể thao cần chú ý quan sát các chỉ số cơ thể như nhịp tim và huyết áp để bảo đảm an toàn trong quá trình hoạt động. Cần có chế độ ăn uống nghỉ ngơi, vận động hợp lý trước và sau khi chơi thể thao…

Báo: Nhân dân

https://nhandan.vn/canh-bao-dot-quy-khi-choi-the-thao-post852574.html

 

 

PHẦN MỀM TÁC NGHIỆP

  Dịch vụ công trực tuyến

  Phần mềm Quản lý văn bản

  Phần mềm QLHS Một cửa 

  Phần mềm Một cửa (Mới)

  Tiếp nhận ý kiến công dân 

  Danh mục TTHC công 

  Tra cứu hồ sơ Một cửa 

  Thư điện tử TP Hà Nội 

  Thông tin người phát ngôn

Thống kê truy cập

Đang online: 2451
Lượt truy cập trong tuần: 342616
Lượt truy cập trong tháng: 394662
Lượt truy cập trong năm: 1553873
Tổng số lượt truy cập: 48848914
Về đầu trang