Điểm báo
* Bệnh tim mạch đang ngày càng trẻ hoá, mỗi năm 200.000 người Việt tử vong vì bệnh này
Bệnh tim mạch đang ngày càng trẻ hoá, các bác sĩ Bệnh viện Tim Hà Nội tiếp nhận liên tục nhiều trường hợp bệnh nhân rất trẻ, thậm chí ngoài 20 tuổi đã có những biến chứng nặng của như nhồi máu cơ tim, đột quỵ… Năm nay, các bác sĩ đã phẫu thuật các tình huống liên quan đến bệnh tim mạch hơn 2.300 ca.
Những thông tin này được PGS.TS Nguyễn Sinh Hiền - Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội cho biết tại hội nghị '2 trong 1': công tác chỉ đạo tuyến và khoa học tim mạch năm 2024 do Bệnh viện Tim Hà Nội tổ chức chiều 27/12.
20 tuổi đã nhồi máu cơ tim,30 tuổi đã phải đặt stent
PGS.TS Nguyễn Sinh Hiền cho hay, bệnh tim mạch hiện là một thách thức lớn đối với ngành y tế toàn cầu cũng như tại Việt Nam. Đây là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong trên thế giới.
Tại Việt Nam, tình hình cũng đáng báo động với tỷ lệ mắc các bệnh tăng huyết áp, bệnh mạch vành, suy tim... ngày càng gia tăng và trẻ hóa.
Theo Cục Y tế Dự phòng - Bộ Y tế ước tính, hệ thống y tế nước ta đang phải đối mặt với sự gia tăng ngày càng lớn của các bệnh không lây nhiễm, cứ 10 người tử vong thì có 7 người là do các bệnh không lây. Trong đó, các bệnh lý tim mạch đã cướp đi sinh mạng của khoảng 200.000 người/năm, chiếm 25% số ca tử vong trong dân số.
"Nguy hiểm hơn, những năm gần đây, số lượng người bệnh tim mạch ngày càng trẻ hóa, không ít người đang trong độ tuổi lao động. Các bác sĩ gặp nhiều bệnh nhân nhồi máu cơ tim ở tuổi ngoài 20 đã vỡ thất, lóc tách động mạch chủ, đột quỵ cần phải can thiệp hoặc phẫu thuật cấp cứu để cứu sống nhiều trường hợp chỉ mới hơn 30 tuổi đã phải làm cầu nối mạch vành, đặt stent… Trong cộng đồng, tỷ lệ người trẻ 30-40 tuổi bị tăng huyết áp rất cao"- PGS.TS Nguyễn Sinh Hiền nói.
Cũng theo PGS Hiền, thực tế này cho thấy tầm quan trọng của việc phòng ngừa và phát hiện sớm bệnh tim mạch, cũng như nâng cao nhận thức của cộng đồng về lối sống lành mạnh.
Ngoài các yếu tố tuổi tác, giới tính, di truyền… thì phần lớn nguyên nhân dẫn tới bệnh lý tim mạch là do các thói quen sinh hoạt như hút thuốc lá, ít vận động dẫn đến béo phì, thừa cân.
Trong khi đó, các cơ sở y tế mạng lưới còn đang thiếu thốn về nhân lực chuyên môn, cơ sở vật chất, trang thiết bị còn hạn chế, về mặt địa lí lại cách xa các trung tâm tim mạch hàng đầu.
Một vấn đề khác là, năm qua đã có những quy định luật pháp thay đổi, nhiều vấn đề cần phải rút kinh nghiệm để hoàn thiện công tác đấu thầu cung ứng thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế nhằm phục vụ người bệnh được tốt hơn.
"Với những khó khăn, thách thức về mặt chuyên môn và quản lý đó, công tác chỉ đạo tuyến có vai trò rất quan trọng. Việc chuyển giao kỹ thuật, đào tạo nhân lực cho tuyến dưới không chỉ giúp nâng cao năng lực chuyên môn cho các bác sĩ, điều dưỡng tại các cơ sở y tế địa phương mà còn giúp người dân được tiếp cận với dịch vụ y tế chất lượng cao ngay tại tuyến cơ sở, giảm tải cho các bệnh viện tuyến trung ương", PGS Hiền cho biết.
Vì thế, hội nghị là cơ hội để nhìn lại những kết quả đã đạt được trong công tác chỉ đạo tuyến, đánh giá những khó khăn, thách thức và đề ra các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động này. Đồng thời, hội nghị cũng là diễn đàn khoa học để các chuyên gia, nhà quản lý, các nhà khoa học, các bác sĩ chia sẻ những kiến thức mới nhất, những tiến bộ trong chẩn đoán và điều trị bệnh tim mạch cũng như trong đấu thầu vật tư, trang thiết bị y tế.
Lĩnh vực tim mạch có nhiều tiềm năng trong ứng dụng AI
Phát biểu tại hội nghị, TS.BS Hà Anh Đức - Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh nhấn mạnh: Gánh nặng của bệnh tim mạch là rất lớn, vấn đề là chúng ta làm thế nào để giải quyết thực trạng này. Trong đó, công tác chỉ đạo tuyến đóng vai trò hết sức quan trọng, bản chất là hỗ trộ chuyên môn cho tuyến dưới, cầm tay chỉ việc.
Cục trưởng Hà Anh Đức cũng lưu ý trong thực hiện chuyển đổi số y tế, lĩnh vực tim mạch có nhiều tiềm năng trong việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI). Các bệnh viện đã có cơ sở dữ liệu rất lớn.
TS Nguyễn Đình Hưng, Phó Giám đốc Phụ trách, điều hành Sở Y tế TP Hà Nội, cho biết, công tác chỉ đạo tuyến, hợp tác trong toàn hệ thống có thể nói là "đặc sản" của ngành y. Chỉ đạo tuyến là sự kết nối hệ thống từ trên xuống dưới một cách thống nhất, tạo sự đoàn kết trong hệ thống, chuyên ngành. Quan trọng nhất là sự chia sẻ kết nối hệ thống hết sức thoải mái về chuyên môn.
"Chỉ có sự kết nối hệ thống như vậy, chúng ta mới làm tốt công tác khám chữa bệnh. Từ ngày 1/1/2025 theo quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023, chúng ta thực hiện 3 cấp khám chữa bệnh, trong đó qua xếp cấp mới nhất, Bệnh viện Tim Hà Nội là cấp chuyên sâu. Đơn vị đầu ngành có vai trò là tiên phong phát triển kỹ thuật cao"- ông Hưng nói.
Bệnh viện Tim Hà Nội là bệnh viện chuyên ngành tim mạch tuyến cuối của cả nước cũng là bệnh viện hạt nhân của Bộ Y tế.
Thời gian qua, Bệnh viện Tim Hà Nội đã có số ca mổ nhiều nhất và đã phẫu thuật được tất cả các bệnh lý liên quan đến tim mạch; phẫu thuật cho bệnh nhân ở tất cả các lứa tuổi, từ trẻ sơ sinh 1 ngày tuổi đến cụ già 93 tuổi.
Số lượng bệnh nhân đến với bệnh viện ngày càng tăng. Mỗi năm bệnh viện khám cho hơn 500.000 lượt bệnh nhân, phẫu thuật cho hơn 2.000 ca, trong đó năm 2024 đã phẫu thuật 2.325 ca, can thiệp tim mạch cho hơn 12.000 ca.
Trong năm, bệnh viện cũng tổ chức 23 buổi khám chữa bệnh từ xa telehealth với 132 đơn vị đăng ký tham gia mạng lưới khám chữa bệnh từ xa. Trong đó có 77 đơn vị thuộc các tỉnh ngoài Hà Nội.
Hầu hết các đơn vị được Bệnh viện Tim Hà Nội giúp đỡ hỗ trợ đào tạo chuyên môn, chuyển giao kỹ thuật đều có tăng trưởng nhanh và tạo được niềm tin đối với lãnh đạo cũng như người dân tại các địa phương về chuyên ngành tim mạch. Qua đó giúp cho nhiều bệnh viện tuyến tỉnh nâng cao năng lực điều trị, phẫu thuật bệnh lý tim mạch; thực hiện thường quy siêu âm tim, triển khai kỹ thuật can thiệp tim mạch
Báo : Sức khỏe & Đời sống
https://hanoionline.vn/video/khang-dinh-vai-tro-trong-chuyen-giao-ky-thuat-tim-mach-291791.htm
*Tại sao dễ bị biến chứng sau tiêm filler?
Tiêm filler không rõ nguồn gốc, tiêm vào vị trí nhạy cảm, không phù hợp...là những nguyên nhân chính dẫn đến biến chứng sau thẩm mỹ.
Theo ThS.BS Nguyễn Minh Nghĩa - Phụ trách Khoa phẫu thuật thẩm mỹ, Bệnh viện Đa khoa Hòe Nhai (Hà Nội), tiêm filler - chất làm đầy là phương pháp an toàn mang hiệu quả nhanh chóng, thích hợp với những vùng có diện tích nhỏ như cằm, má, môi, tai hay vùng lớp mờ dày như vùng mông.
Tuy nhiên, chất này không phù hợp để tiêm vào vùng ngực vì nơi này có nhiều tổ chức mô tuyến dễ dẫn đến các tổn thương, biến chứng, nhẹ là sưng bầm, đau kéo dài, còn nặng có thể hoại tử, sẹo ở vùng điều trị. Nếu tiêm filler vào mạch máu, filler không tan, vón cục hoặc quá nhiều làm tắc mạch máu hoặc chèn ép mạch máu, dẫn đến thiếu máu nuôi ở vùng điều trị, gây nhiễm trùng, áp xe, hoại tử.
Một nguyên nhân khác cũng có thể dẫn biến biến chứng sau tiêm filler là do tiêm phải các sản phẩm filler trôi nổi trên thị trường không rõ nguồn gốc, không được kiểm định chất lượng chặt chẽ và bảo quản đúng quy định của nhà sản xuất.
Bác sĩ Nghĩa từng tiếp nhận rất nhiều ca gặp biến chứng sau tiêm filler. Điển hình như trường hợp chị V.M (32 tuổi, Hà Nội) đến một cơ sở thẩm mỹ vừa khai trương để nâng mũi bằng tiêm filler. Sau tiêm vài ngày, chị bị đau nhức, khó chịu và sốt liên tục.
Chị được người thân đưa đến bệnh viện trong tình trạng mũi nhiễm trùng, sưng đỏ, mọc mụn mủ, mảng da ở đầu mũi và sống mũi chuyển màu thâm. Sau khi tiếp nhận ca bệnh, các bác sĩ đã phải tiêm tan, điều trị kháng sinh, chăm sóc tích cực để phục hồi vùng da bị tổn thương, tránh nhiễm trùng mới, hạn chế hình thành sẹo xấu.
Tương tự, chị M.T.T.L. (29 tuổi, Hà Nội) nghe lời quảng cáo trên mạng nâng ngực với giá rẻ. Tại cơ sở thẩm mỹ, thay vì nâng ngực, chị L. lại được các nhân viên nơi này tiêm filler không rõ nguồn gốc vào ngực và sau đó gặp biến chứng nặng, phải tìm đến Khoa phẫu thuật thẩm mỹ, Bệnh viện Đa khoa Hòe Nhai “cầu cứu” bác sĩ.
Để hạn chế biến chứng do tiêm filler, bác sĩ khuyến cáo người bệnh tìm hiểu và cân nhắc kỹ về phương pháp làm đẹp này. Đặc biệt là phải chọn lượng kỹ lưỡng cơ sở y tế uy tín, bác sĩ thực hiện có đủ điều kiện tiêm filler.
Báo: VTCNEWS
https://vtcnews.vn/tai-sao-de-bi-bien-chung-sau-tiem-filler-ar916782.html
* Bệnh sởi bủa vây - y tế cơ sở loay hoay
Tình trạng phụ huynh chủ quan, phản đối việc tiêm vaccine khiến bỏ lỡ các mũi tiêm quan trọng cho con là nguyên nhân khiến số ca mắc sởi tại các địa phương trên cả nước liên tục tăng trong thời gian qua.
Trẻ lỡ tiêm chủng vì người lớn chủ quan
Gia đình có điều kiện, tuy nhiên con gái chị Lê Thanh Mai, ở quận Hà Đông, Hà Nội vẫn chưa tiêm một mũi vaccine sởi nào dù đã hơn 2 tuổi. Không chỉ vậy, các loại vaccine phòng bệnh khác cũng không được tiêm đầy đủ.
"Ông bà nội và bố cháu xót con nên không đồng ý cho con đi tiêm, sợ con đau. Còn tôi bận việc nên quên lịch tiêm của con. Vừa rồi con phải vào Bệnh viện Quân y 103 điều trị một tuần, về lại mắc sởi, bệnh nghiêm trọng và kèm theo biến chứng. Cũng may con đã qua giai đoạn nguy hiểm nếu không tôi hối hận cả đời"- chị Mai phân trần.
Trong khoảng ba tháng trở lại đây, số ca mắc sởi đã tăng đáng kể trên cả nước. Chỉ riêng tại Hà Nội, hơn 250 trường hợp mắc sởi đã được ghi nhận. Còn tại Bệnh viện Nhi trung ương, 3 tháng gần đây, mỗi ngày tiếp nhân từ 3-5 ca thậm chí là 10 ca sởi diễn biến nặng.
TS.BS Đỗ Thiện Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi trung ương thông tin: "Các trường hợp diễn biến nặng thường chủ yếu là do suy hô hấp tăng lên. Ví dụ em bé khó thở, sốt cao liên tục, không đáp ứng với thuốc hạ sốt. Hoặc là những trường hợp có bệnh lý nền kèm theo mà có dấu hiệu nặng lên. Phần lớn số trẻ này đều chưa tiêm vaccine hoặc tiêm chưa đủ mũi".
Theo các chuyên gia, dịch sởi năm 2024 là hệ quả của chu kỳ bệnh dịch tự nhiên kết hợp với lỗ hổng tiêm chủng. Hơn 90% trẻ nhập viện chưa được tiêm phòng hoặc tiêm phòng không đầy đủ do một bộ phận phụ huynh chủ quan hoặc có tâm lý bài xích với vaccine.
Y tế cơ sở gặp khó
Phụ huynh chủ quan là một trong những nguyên nhân chính khiến cho việc rà soát tiền sử tiêm chủng trong cộng đồng của y tế cơ sở gặp rất nhiều khó khăn. Theo bác sĩ Trần Thị Vân Khánh, Trưởng Trạm Y tế phường La Khê (Q.Hà Đông, Hà Nội), phường vẫn còn hơn 70 trẻ độ tuổi từ 1-5 tuổi chưa được tiêm vaccine phòng sởi.
Đây là những đối tượng mà y tế phường đã mời, gọi nhắc rồi nhưng phụ huynh vẫn không đưa con đi tiêm. Có những trường hợp tuyên truyền vận động nhưng họ nói thẳng là không tiêm phòng.
Việc dân cư đông, dân số di biến động trên địa bàn rất lớn cũng ảnh hưởng đến việc kiểm soát tiền sử tiêm chủng của trẻ. Chỉ riêng phường La Khê đã có hơn 40 nghìn dân. Trong khi đó trạm y tế chỉ có 10 người, việc thống kê, rà soát là vô cùng khó khăn.
Theo bác sĩ Nguyễn Quang Huy, Khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, đó là tình trạng chung của các đô thị.
"Không phải ai đến địa bàn ở cũng khai báo tạm trú tạm vắng. Không khai báo thì y tế phường/xã không thể đưa vào danh sách quản lý được. Nhiều khi tháng này y tế phường đã rà soát để tiêm hết cho số trẻ từ nơi khác đến nhưng tháng sau, số trẻ ấy chuyển đi và một nhóm trẻ khác nữa lại đến.
Nhóm trẻ mới đến có thể nằm ở vùng trắng tiêm chủng. Nhưng nhân lực cơ sở mỏng khó quản lý hết được. Việc rà soát tiền sử tiêm chủng của trẻ ở các trường học cũng không dễ dàng vì có những trẻ phụ huynh không nhớ hoặc khai báo không đúng thực trạng. Có trường hợp chưa tiêm nhưng phụ huynh vẫn báo là tiêm rồi, đến khi trẻ bị sởi, thành ổ dịch, phụ huynh mới nhận là chưa cho con tiêm phòng".
Cần đẩy mạnh các giải pháp lấp lỗ hổng
Trước tình hình dịch bệnh sởi có dấu hiệu gia tăng, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội tiếp tục thực hiện giám sát công tác điều tra, xử lý ca bệnh ổ dịch sởi tại Thượng Thanh (Q.Long Biên), Xuân La (Q.Tây Hồ), La Khê (Q.Hà Đông).
Theo bác sĩ Nguyễn Quang Huy, bệnh sởi thường lây lan ở giai đoạn 4 ngày đầu ủ bệnh, trước khi phát ban. Vì vậy đối với địa phương có ổ dịch cộng đồng, y tế cơ sở cần thực hiện điều tra xem trong vòng 4 ngày trước khi có triệu chứng phát ban, bệnh nhân thường xuyên tiếp xúc với ai để định hướng nguồn lây. Sau đó khuyến cáo họ tự theo dõi sức khỏe và đi tiêm chủng ngay.
"Nếu trong vòng 3 ngày đầu sau khi tiếp xúc, mà đi tiêm phòng sởi thì hiệu quả phòng bệnh sẽ khoảng 60-70%. Nếu tiêm ở ngày thứ 2 sau tiếp xúc, hiệu quả sẽ khoảng 80%. Tiêm ở ngày thứ nhất trong vòng 24 giờ tiếp xúc, hiệu quả phòng bệnh sau khi tiêm đối với người chưa từng tiêm mũi nào hiệu quả sẽ lên tới 90%" - bác sĩ Huy cho biết.
Còn đối các trường học, y tế cơ sở phối hợp với nhà trường, thầy cô để rà soát tiền sử tiêm chủng. Lọc danh sách trẻ chưa tiêm, tiêm một mũi hoặc không nhớ đã tiêm hay chưa, nhờ nhà trường tư vấn cho phụ huynh về nguy cơ mắc bệnh và diễn biến nặng, ảnh hưởng liên quan của mắc sởi ở trẻ. Nhắc nhở phụ huynh cho con em đi tiêm.
"Nếu trường rà soát, tư vấn cho phụ huynh đưa con đi tiêm chủng, làm tốt thì sẽ giảm bớt được nguy cơ xuất hiện ổ dịch trong trường học, y tế cơ sở sẽ có nhiều thời gian, nhân lực hơn để tập trung vào các đối tượng di biến động dân cư trên địa bàn.
Bên cạnh đó, y tế cơ sở cần tiếp tục dựa trên phần mềm, sổ tiêm chủng và các nguồn tin khác để quản lý, nắm bắt đối tượng. Phân theo các cụm của tổ dân phố, nhờ họ thông báo, kết hợp trạm gọi nhắc lịch để phụ huynh lên kế hoạch cho trẻ đi tiêm" - bác sĩ Huy nhấn mạnh.
Báo: Phụ Nữ Việt Nam
https://phunuvietnam.vn/benh-soi-bua-vay-y-te-co-so-loay-hoay-20241227174450645.htm
VĂN BẢN MỚI
- Hướng dẫn về việc bổ sung về việc đăng ký khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu tại Bệnh viện Lão khoa Trung ương năm 2024
- Giám sát phản ứng có hại của thuốc (ADR) tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh
- Tăng cường các biện pháp phòng chống dịch bệnh tại các cơ sở kinh doanh thuốc trong dịp Tết Nguyên đán 2022
- Đảm bảo cung ứng thuốc phòng chống dịch bệnh và nhu cầu sử dụng thuốc trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022
- 4289/QĐ-SYT Quyết định về việc giao chỉ tiêu Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán thu, chi ngân sách năm 2022 cho các đơn vị thuộc Sở Y tế Hà Nội
- 10722/BYT-DP Về việc tiêm vắc xin phòng Covid-19 liều cơ bản và nhắc lại
- Công văn 10696/BYT-MT về việc cách ly y tế cho trường hợp F1 đã tiêm đủ liều vắc xin hoặc đã khỏi bệnh Covid-19
- Công văn 10688/BYT-MT của Bộ Y tế về phòng, chống dịch Covid-19 đối với người nhập cảnh
- Sử dụng kết quả xét nghiệm để phát hiện người mắc Covid-19 và cho người bệnh ra viện
- Quyết định 696/QĐ-SYT của Bộ Y tế ban hành Sổ tay thực hành tại cơ sở bán lẻ thuốc