Điểm báo
* Hà Nội: Tình hình y tế 9 tháng đầu năm 2024 có nhiều chuyển biến tích cực
Theo báo cáo mới nhất của Sở Y tế Hà Nội gửi UBND thành phố, tình hình y tế của Thủ đô trong 9 tháng đầu năm 2024 đã có những tiến triển đáng kể trên nhiều mặt.
Cụ thể, trong 9 tháng qua, Hà Nội ghi nhận 3.530 trường hợp mắc sốt xuất huyết, giảm 77% so với cùng kỳ năm 2023 (15.354 ca) và không có trường hợp tử vong. Mặc dù các bệnh như tay chân miệng, sởi, ho gà, não mô cầu, viêm não Nhật Bản có số ca mắc tăng nhẹ, nhưng vẫn được kiểm soát chặt chẽ và không có ca tử vong.
Hệ thống giám sát và phát hiện bệnh truyền nhiễm được duy trì hiệu quả thông qua việc theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên thế giới, Việt Nam và Hà Nội. Các biện pháp như điều tra, xác minh, lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp nghi mắc được thực hiện kịp thời. Đặc biệt, hoạt động giám sát sức khỏe hành khách nhập cảnh tại sân bay quốc tế Nội Bài được duy trì thường xuyên.
Chương trình tiêm chủng mở rộng đã quản lý được 73.658 trẻ (70,9%) dự kiến sinh năm 2024 trên Hệ thống quản lý thông tin tiêm chủng Quốc gia. Các loại vắc-xin được cung ứng đầy đủ và kịp thời.
Về công tác phòng chống HIV/AIDS, Hà Nội hiện có 14.861 người nhiễm HIV/AIDS còn sống. Từ đầu năm đến nay, phát hiện 280 trường hợp nhiễm mới, chủ yếu là nam giới (84,3%), tập trung trong nhóm tuổi 25-49 (58,6%) và 15-24 (22,1%). 72,5% người nhiễm HIV còn sống được quản lý, tăng 1,9% so với năm 2023. Số người được duy trì điều trị ARV là 13.480, đạt 90,7%. Đáng chú ý, 99,2% bệnh nhân có kết quả xét nghiệm tải lượng vi-rút dưới ngưỡng ức chế.
Ngành y tế đã triển khai nhiều mô hình can thiệp nhằm phòng chống thừa cân, béo phì ở trẻ em tại các trường tiểu học. Qua khảo sát, đã phát hiện 1.460 trẻ thừa cân, béo phì và đưa ra các giải pháp can thiệp phù hợp.
Kết quả đánh giá tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ dưới 5 tuổi cho thấy, tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân là 6,6%, thể thấp còi là 9,8%, đạt chỉ tiêu thành phố giao.
Về công tác dân số, ngành y tế đã tổ chức chiến dịch tăng cường tuyên truyền vận động lồng ghép cung cấp các dịch vụ về dân số năm 2024 tại 29/30 quận, huyện và 459/579 xã, phường. Các chỉ tiêu về công tác dân số như: tỷ lệ người cao tuổi được khám sức khỏe định kỳ đạt 75,65%; tỷ lệ sàng lọc trước sinh 4 bệnh phổ biến đạt 84,64%; tỷ lệ sàng lọc sơ sinh 5 bệnh phổ biến đạt 82%; số người áp dụng các biện pháp tránh thai là 429.873 người.
Công tác bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) được duy trì tại 100% xã, phường, thị trấn và 60 tuyến phố văn minh. Nhiều mô hình về ATTP được triển khai và nhân rộng, như: mô hình Kiểm soát ATTP tại bữa cỗ tập trung đông người ở 440 xã, phường, thị trấn/20 quận, huyện, thị xã; mô hình Nâng cao năng lực tự quản lý bếp ăn tập thể trường học ở 20 bếp ăn tại 10 quận, huyện! ô hình Kiểm soát ATTP bếp ăn tập thể trường học cấp tiểu học ở 324 trường tại 15 quận, huyện, thị xã
Ngoài ra, thành phố cũng triển khai thí điểm mô hình kiểm soát ATTP dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố xung quanh cổng trường học tại quận Hoàn Kiếm.
Công tác kiểm tra, giám sát ATTP được thực hiện thường xuyên, đặc biệt tại các bếp ăn tập thể trường học và cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm cung cấp nguyên liệu cho trường học.
Sở Y tế Hà Nội cho biết, trong thời gian tới, Sở sẽ tập trung duy trì hệ thống giám sát, phát hiện bệnh truyền nhiễm; đẩy mạnh công tác tiêm chủng phòng chống dịch bệnh; thực hiện mục tiêu 90-90-98 trong phòng chống HIV/AIDS; tiếp tục giảm tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng; đảm bảo tốt công tác dân số và an toàn thực phẩm.
Báo Pháp luật và xã hội
* Bổ nhiệm Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Sóc Sơn
Sau khi tiếp nhận Trung tâm Y tế từ Sở Y tế Hà Nội về trực thuộc huyện, UBND huyện Sóc Sơn đã bổ nhiệm Bác sĩ chuyên khoa I Lê Đức Tuyên làm Giám đốc Trung tâm.
UBND huyện Sóc Sơn vừa tổ chức công bố quyết định tiếp nhận Trung tâm Y tế huyện Sóc Sơn về trực thuộc huyện theo Quyết định số 4365/QĐ-UBND ngày 21/8/2024 của UBND TP Hà Nội.
Theo quyết định trên, Trung tâm Y tế huyện Sóc Sơn trước đây trực thuộc Sở Y tế Hà Nội được chuyển về UBND huyện Sóc Sơn quản lý. Huyện đồng thời tiếp nhận viên chức, lao động hợp đồng làm việc tại Trung tâm Y tế với 428 ông, bà viên chức và 57 lao động hợp đồng.
UBND huyện Sóc Sơn cũng quyết định bổ nhiệm ông Lê Đức Tuyên làm Giám đốc Trung tâm Y tế huyện; ông Hoàng Lưu Sa làm Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện và bà Nguyễn Thị Hải làm Kế toán trưởng của Trung tâm.
Trao quyết định cho các tập thể, cá nhân, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Sóc Sơn Nguyễn Nam Hà khẳng định, Trung tâm Y tế chuyển về trực thuộc huyện quản lý nhằm đảm bảo sự đồng bộ cả về công tác Đảng và chính quyền. Đồng thời, yêu cầu đơn vị sớm ổn định tổ chức bộ máy, tiếp tục phát huy kết quả đã đạt được, hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ các cấp giao.
Bác sỹ chuyên khoa I Lê Đức Tuyên - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Sóc Sơn hứa sẽ cùng tập thể đoàn kết, đồng sức, đồng lòng thực hiện nhiệm vụ chính trị Đảng, Nhà nước, Huyện ủy và UBND giao, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội ngày càng vững mạnh của huyện Sóc Sơn.
Báo Kinh tế và đô thị
https://kinhtedothi.vn/bo-nhiem-giam-doc-trung-tam-y-te-huyen-soc-son.html
* Đình chỉ hoạt động Công ty TNHH dược phẩm Vimedco 2 tháng
Thanh tra Sở Y tế Hà Nội vừa ban hành quyết định đình chỉ hoạt động của Công ty TNHH dược phẩm Vimedco trong vòng 2 tháng.
Công ty TNHH dược phẩm Vimedco (số 35, Nguyễn Ngọc Vũ, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy) bị xử phạt 40 triệu đồng do phân loại trang thiết bị y tế không dựa trên quy tắc phân loại về mức độ rủi ro; chủ sở hữu số lưu hành trang thiết bị y tế không công khai kết quả phân loại trang thiết bị y tế đã ban hành theo quy định của pháp luật. Cùng với phạt tiền, đơn vị này còn bị đình chỉ hoạt động trong thời gian 2 tháng.
Thanh tra Sở Y tế Hà Nội cũng đã ra quyết định xử phạt Công ty cổ phần Gena Thái Bình Dương (số 3 Nguyễn Khắc Nhu, phường Trúc Bạch, quận Ba Đình) bị xử phạt 45 triệu đồng do quảng cáo mỹ phẩm mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung trước khi thực hiện quảng cáo theo quy định, đồng thời buộc tháo gỡ, tháo dỡ, xóa quảng cáo không đúng.
Công ty TNHH phát triển công nghệ Vạn Thông (khu 8, xã Tiền Phong, huyện Mê Linh) bị xử phạt 15 triệu đồng do không nộp hồ sơ đề nghị đánh giá định kỳ việc duy trì đáp ứng thực hành tốt cơ sở bán lẻ thuốc theo quy định của pháp luật.
Báo Sức khỏe và đời sống
https://baodautu.vn/cong-ty-tnhh-duoc-pham-vimedco-bi-dinh-chi-hoat-dong-d226478.html
* Hà Nội siết chặt công tác bảo đảm an toàn thực phẩm quanh cổng trường học
Từ nay đến cuối năm, Hà Nội tập trung triển khai chuyên đề “Tăng cường kiểm soát an toàn thực phẩm trong và xung quanh cổng trường học trên địa bàn Hà Nội” đối với các cơ sở giáo dục.
Thực tế cho thấy, hiện đa số xung quanh các trường học trên địa bàn Hà Nội, hàng quán ăn vặt, sạp hàng lưu động “mọc lên như nấm” với nhiều loại thực phẩm lạ, không rõ nguồn gốc.
Đặc điểm chung của những mặt hàng thực phẩm này là được chế biến ngay tại khu vực lề đường, khói bụi mất vệ sinh. Thế nhưng, những món ăn này vẫn hấp dẫn học sinh, trở thành mối nguy hại cho sức khỏe các em.
Chi cục trưởng Chi cục an toàn thực phẩm Hà Nội Đặng Thanh Phong cho biết, từ nay đến cuối năm, công tác quản lý an toàn thực phẩm tiếp tục được tăng cường, trong đó, Thành phố tập trung triển khai chuyên đề “Tăng cường kiểm soát an toàn thực phẩm trong và xung quanh cổng trường học trên địa bàn Hà Nội” đối với các cơ sở giáo dục.
Hà Nội sẽ rà soát, thống kê các cơ sở giáo dục, bếp ăn tập thể, căng tin trường học trên địa bàn quản lý. Đồng thời, cơ quan chức năng điều tra, rà soát, cập nhật thường xuyên, liên tục các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, kinh doanh tạp hoá có bán thực phẩm bao gói sẵn, thực phẩm chế biến ăn ngay theo từng ngành hàng, mặt hàng thực phẩm xung quanh cổng trường học.
Bên cạnh đó, TP triển khai đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả công tác kiểm soát an toàn thực phẩm trong và xung quanh cổng trường có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào nhóm thực phẩm có nguy cơ cao, thức ăn đồ uống ăn ngay, các cơ sở cung cấp suất ăn sẵn.
Đặc biệt, công tác kiểm tra, giám sát, truy xuất nguồn gốc thực phẩm trong và xung quanh cổng trường học được thực hiện nghiêm túc thường xuyên, liên tục; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm an toàn thực phẩm, thông tin rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Theo các bác sỹ, việc sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo an toàn có thể gây ra các triệu chứng cấp tính, như: Đau bụng, tiêu chảy, rối loạn tiêu hóa, ngộ độc thực phẩm...
Đặc biệt, nếu ăn trong thời gian dài sẽ làm ảnh hưởng tới quá trình chuyển hóa trong cơ thể và dễ mắc các bệnh về tim mạch, đái tháo đường, béo phì.
Việc sử dụng các chất hóa học, thuốc trừ sâu, chất tăng trọng còn tồn dư trong các loại thực phẩm sẽ ngấm vào cơ thể, tích tụ lại gây ung thư.
Nhiều chủ cửa hàng không chứng minh được nguồn gốc của các loại kẹo bán tràn lan ở cổng trường. Trẻ em phần lớn a dua theo bạn bè, phần bị thực phẩm bắt mắt cuốn hút, vị chua cay hấp dẫn, phần vì giá siêu rẻ nên dù được gia đình, nhà trường cảnh báo vẫn vô tư ăn uống mà không để ý hậu quả khôn lường.
Để bảo vệ trẻ em khỏi nguy cơ ngộ độc thực phẩm trước cổng trường, nhiều ý kiến cho rằng, quan trọng nhất vẫn là giáo dục từ gia đình, các con được ăn uống tại nhà và được dặn dò không ăn quà vặt.
Phụ huynh luôn nêu cao cảnh giác, hỗ trợ kiến thức và hướng dẫn con em phòng tránh nguy cơ này, phân biệt được đâu là thực phẩm bẩn và thực phẩm sạch, đâu là địa chỉ uy tín hay nơi nào không bảo đảm an toàn thực phẩm.
Phía nhà trường cũng khuyến cáo phụ huynh, với những thức ăn đường phố không có chứng nhận, cam kết về an toàn thực phẩm không nên sử dụng.
TS.Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho hay, các bậc phụ huynh cần hạn chế ăn vặt đối với trẻ, nhắc nhở trẻ ăn những loại đồ ăn rõ nguồn gốc, không ăn, uống thực phẩm lạ ngoài khu vực trường học. Bởi những sản phẩm này tiềm ẩn nguy cơ mất vệ sinh an toàn thực phẩm, gây ngộ độc.
Trường hợp trẻ ăn phải các loại kẹo lạ, xuất hiện dấu hiệu hưng phấn, kích thích, đau đầu hay buồn nôn, thầy cô giáo và bố mẹ cần đưa ngay trẻ tới ngay các cơ sở y tế.
Khi trẻ mang các sản phẩm kẹo lạ về nhà, cha mẹ cần quan sát, không nên để trẻ ăn. Nếu trẻ đã ăn phải kẹo lạ, cha mẹ nên theo dõi sát biểu hiện của con.
Thông thường, nếu thực phẩm có vấn đề, trẻ sẽ có các phản ứng, triệu chứng biểu hiện sau khi ăn khoảng 15 - 30 phút. Nếu thấy trẻ có các biểu hiện như đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy, hoặc những biểu hiện kích thích, mệt mỏi, khó thở, cần đưa trẻ tới cơ sở y tế gần nhất để được các bác sỹ xử lý.
Hiện nay, các lại kẹo lạ, màu sắc bắt mắt có rất nhiều loại, không chỉ có nguy cơ gây ngộ độc mà nguy hiểm hơn còn có thể chứa các chất gây nghiện, điều này là cực kỳ nguy hiểm đối với trẻ nhỏ.
Đại diện Bệnh viện Bạch Mai cho hay, trước đây, Trung tâm từng tiếp nhận nhiều bệnh nhân ngộ độc do sử dụng ma túy dưới dạng thực phẩm như bánh, kẹo, nước giải khát.
Việc sử dụng thực phẩm chứa ma túy có thể dẫn tới tình trạng ngộ độc tức thời như thần kinh bị lẫn lộn, hôn mê, co giật, rối loạn tâm thần; loạn nhịp tim, tăng huyết áp, tụt huyết áp, suy hô hấp...thậm chí dẫn đến tử vong.
Không những thế, ngộ độc cần sa qua đường hít hay ăn uống có thể dẫn tới tình trạng giảm khả năng phối hợp động tác, giảm khả năng phán xét, gây ức chế thần kinh trung ương, rối loạn ý thức.
Đặc biệt, trẻ em có thể bị hôn mê tới 36 giờ nếu sử dụng các loại bánh, kẹo, nước ngọt có chứa chất này. Ma túy tổng hợp tinh chất có giá thành cao, nhưng loại kẹo chứa ma túy thường được làm từ loại không tinh chất, giá thành rẻ.
"Mục đích của đối tượng xấu là lôi kéo học sinh sử dụng các loại bánh, kẹo, nước ngọt giá rẻ, sau đó dùng đến các sản phẩm đắt tiền hơn”, TS.Nguyễn Trung Nguyên cho biết thêm.
Vì vậy, các bác sỹ khuyến cáo cha mẹ không nên cho con tiền để hạn chế nguy cơ trẻ mua đồ ăn vặt không đảm bảo an toàn bày bán trước cổng trường.
Báo Đầu tư
VĂN BẢN MỚI
- Hướng dẫn về việc bổ sung về việc đăng ký khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu tại Bệnh viện Lão khoa Trung ương năm 2024
- Giám sát phản ứng có hại của thuốc (ADR) tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh
- Tăng cường các biện pháp phòng chống dịch bệnh tại các cơ sở kinh doanh thuốc trong dịp Tết Nguyên đán 2022
- Đảm bảo cung ứng thuốc phòng chống dịch bệnh và nhu cầu sử dụng thuốc trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022
- 4289/QĐ-SYT Quyết định về việc giao chỉ tiêu Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán thu, chi ngân sách năm 2022 cho các đơn vị thuộc Sở Y tế Hà Nội
- 10722/BYT-DP Về việc tiêm vắc xin phòng Covid-19 liều cơ bản và nhắc lại
- Công văn 10696/BYT-MT về việc cách ly y tế cho trường hợp F1 đã tiêm đủ liều vắc xin hoặc đã khỏi bệnh Covid-19
- Công văn 10688/BYT-MT của Bộ Y tế về phòng, chống dịch Covid-19 đối với người nhập cảnh
- Sử dụng kết quả xét nghiệm để phát hiện người mắc Covid-19 và cho người bệnh ra viện
- Quyết định 696/QĐ-SYT của Bộ Y tế ban hành Sổ tay thực hành tại cơ sở bán lẻ thuốc