Điểm báo
* Bệnh viện Tâm thần Mỹ Đức: Thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe tâm thần cộng động
Năm 2024, Bệnh viện Tâm thần Mỹ Đức đã phối hợp với các ngành chức năng, chính quyền địa phương thực hiện hiệu quả chương trình chăm sóc sức khỏe tâm thần tại cộng đồng. Qua đó, giúp cho người bệnh tâm thần được điều trị và chăm sóc, phát hiện sớm, điều trị kịp thời cho người bệnh ngay từ giai đoạn đầu; đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức cho người dân về tầm quan trọng trong việc chăm sóc sức khỏe cho người bệnh tâm thần.
Theo số liệu công bố mới nhất, tỷ lệ mắc các rối loạn tâm thần thường gặp ở nước ta chiếm gần 15% dân số, tương ứng với khoảng 15 triệu người. Tuy nhiên, đa số người dân cho rằng, rối loạn tâm thần chỉ có tâm thần phân liệt (thường gọi là điên). Thực tế, tỷ lệ tâm thần phân liệt chỉ chiếm 0,47% dân số; trầm cảm, lo âu chiếm tỷ lệ cao hơn, với 5,4% dân số; còn lại là các rối loạn tâm thần khác, như chậm phát triển tâm thần (0,63%), rối loạn hành vi ở thanh, thiếu niên (0,9%), lạm dụng rượu 5,3%, ma túy (0,3%)... So với tỷ lệ dân số, thì số lượng người gặp vấn đề về sức khỏe tâm thần ở Hà Nội khoảng 1,5 triệu người, trong đó có trẻ em.
Để giảm thiểu nguy cơ bị ảnh hưởng về sức khỏe tâm thần, trước hết mỗi người cần được quan tâm chăm sóc sức khỏe cả về thể chất và tinh thần từ gia đình, cộng đồng. Bệnh viện Tâm thần Mỹ Đức không ngừng nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ y tế các tuyến về dự phòng và quản lý bệnh tâm thần. Hiện Bệnh viện Tâm thần Mỹ Đức có chức năng khám, điều trị người bệnh tâm thần; khám bệnh và điều trị cấp phát thuốc ngoại trú bảo hiểm y tế cho đối tượng tham gia bảo hiểm y tế trên địa bàn; khám bệnh sơ cấp cứu ban đầu với các trường hợp bệnh đa khoa và tai nạn giao thông
Mạng lưới tâm thần gồm 3 bệnh viện chuyên khoa và các tổ khám tâm thần trực thuộc 30 trung tâm y tế. Mỗi tổ khám tâm thần gồm 1- 2 bác sĩ có chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh tâm thần, 1-2 điều dưỡng. Bệnh viện Tâm thần Mỹ Đức chịu trách nhiệm về kiểm tra, giám sát 9 trung tâm y tế chỉ đạo về các hoạt động của các trung tâm y tế trong phạm vi được phân công. Thông tin tuyên truyền cho cộng đồng tại 9 huyện, tổ chức khám phát hiện bệnh nhân mới, khám sàng lọc, khám lại tại các huyện sau tập huấn; hỗ trợ chuyên môn cho 9 trung tâm y tế khi cần thiết. Bệnh viện quản lý và điều trị ngoại trú 6.484 bệnh nhân tâm thần đã được chẩn đoán và lập hồ sơ bệnh án, tại 9 huyện, quận. Tiếp tục duy trì 211 xã, phường đã triển khai quản lý bệnh nhân tâm thần, hiện toàn bộ số người bệnh được chuyển về trung tâm y.
Bên cạnh đó, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ y tế các tuyến về dự phòng và quản lý bệnh tâm thần, nhất là tại tuyến y tế cơ sở thông qua cung cấp các tài liệu hướng dẫn chuyên môn kỹ thuật trong các lĩnh vực, tổ chức đào tạo tập huấn, quản lý điều trị bệnh tâm thần cho từng tuyến làm cơ sở cho giao chỉ tiêu chuyên môn và kiểm tra, giám sát đánh giá hoạt động. Tiếp tục quản lý cả các bệnh nhân không lĩnh thuốc tại các trung tâm y tế. Đẩy mạnh công tác phục hồi chức năng cho bệnh nhân tâm thần tại cộng đồng. Ngoài ra, bệnh viện quản lý bệnh nhân ngoại trú cho 6.484 bệnh nhân tâm thần đã được chẩn đoán và lập hồ sơ bệnh án; thực hiện chẩn đoán, điều trị rối loạn tâm thần tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo phân tuyến kỹ thuật. Triển khai quản lý điều trị và chăm sóc người bệnh tâm thần tại các đơn vị theo quy định. Cùng với đó, hướng dẫn người dân biết phát hiện sớm các dấu hiệu bệnh; biết tự hỗ trợ, quản lý, chăm sóc khi mắc bệnh. Triển khai hướng dẫn chuyên môn, kỹ thuật để dự phòng, phát hiện sớm, quản lý điều trị và tư vấn, chăm sóc hiệu quả rối loạn tâm thần trên địa bàn.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền
Cùng với việc điều trị, chăm sóc sức khỏe cho người bệnh, Bệnh viện Tâm thần Mỹ Đức còn phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức các buổi tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của người dân về sức khỏe tâm thần, phát hiện sớm các biểu hiện rối loạn tâm thần, một số rối loạn tâm thần thường gặp tại cộng đồng, như: In sách hướng dẫn bệnh nhân và người nhà bệnh nhân kỹ năng chăm sóc và phục hồi chức năng. Tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, như: Báo giấy, báo điện tử, tạp chí sức khỏe về các rối loạn tâm thần thường gặp tại cộng đồng và cách phòng tránh. In băng đĩa hướng dẫn bệnh nhân và người nhà bệnh nhân kỹ năng chăm sóc và phục hồi chức năng cho bệnh nhân. Tổ chức tập huấn, tuyên truyền nâng cao nhận thức về sức khỏe tâm thần tại 8 xã, phường với 640 người tham gia.
Tại những buổi tập huấn, các đối tượng đã trực tiếp được Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Đăng Xuất và Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Tiến Mạnh, Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Mỹ Đức truyền đạt những nội dung liên quan đến sức khỏe người tâm thần; việc chăm sóc, điều trị, phục hồi chức năng, trợ giúp tâm lý cho người bị bệnh tâm thần tại cộng đồng và biện pháp chăm sóc, điều trị một số bệnh tâm thần thường gặp, như: Bệnh động kinh, các rối loạn tâm thần do lạm dụng rượu, rối loạn giấc ngủ, bệnh trầm cảm… Thông qua các lớp tập huấn, cán bộ và thân nhân người bệnh tâm thần nắm được các kiến thức, kỹ năng cơ bản để chăm sóc người bệnh tâm thần, giúp họ sớm hòa nhập với cộng đồng. Đây cũng là dịp để thân nhân người tâm thần chia sẻ kinh nghiệm quá trình chăm sóc bệnh nhân, dấu hiệu riêng có của từng bệnh; nêu những khó khăn, vướng mắc của gia đình trong quá trình điều trị, quá trình chuyển từ sức khỏe tâm thần sang bệnh tâm thần. Từ đó, góp phần nâng cao chất lượng đời sống người tâm thần và cân bằng, dung hòa được các mối quan hệ trong gia đình và xã hội.
Bên cạnh đó, Bệnh viện Tâm thần Mỹ Đức còn tổ chức sinh hoạt 8 câu lạc bộ tập huấn, tuyên truyền nâng cao nhận thức về sức khỏe tâm thần. Năm 2024 đã sinh hoạt được 40 buổi của 8 câu lạc bộ với 2.000 người bệnh và người nhà người bệnh tham gia.
Theo Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Mỹ Đức Nguyễn Đăng Xuất, câu lạc bộ bệnh nhân là hoạt động mang một ý nghĩa hết sức thiết thực, không chỉ giúp nâng cao chất lượng chăm sóc bệnh nhân, mà còn rút ngắn khoảng cách giữa thầy thuốc, nhân viên y tế với bệnh nhân, người nhà bệnh nhân. Trong thời gian tới, Bệnh viện Tâm thần Mỹ Đức cố gắng duy trì và phối hợp tổ chức chương trình câu lạc bộ bệnh nhân định kỳ mỗi tháng một lần.
"Với kinh nghiệm chuyên môn và sự tận tâm, tận tình, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, nhân viên, y, bác sĩ, Bệnh viện Tâm thần Mỹ Đức đã, đang có những đóng góp không nhỏ trong việc chăm sóc, bảo vệ sức khỏe tâm thần cộng đồng", Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Mỹ Đức Nguyễn Đăng Xuất nhấn mạnh.
Báo: Hà Nội mới
* Hà Nội công bố 143 điểm trực bán lẻ thuốc trong dịp Tết 2025
Sở Y tế Hà Nội vừa ban hành thông báo số 6527/TB-SYT về danh sách các cơ sơ bán lẻ thuốc trực bán thuốc trong dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025.
Cụ thể, có tổng số 143 điểm trực bán lẻ thuốc, gồm 41 nhà thuốc trong bệnh viện trực thuộc Sở Y tế và 102 nhà thuốc/quầy thuốc tư nhân tại 30/30 quận, huyện, thị xã.
Sở Y tế Hà Nội yêu cầu người đứng đầu cơ sở khám, chữa bệnh (KCB) có trách nhiệm bảo đảm cung ứng đủ thuốc có chất lượng phục vụ cho nhu cầu cấp cứu, KCB tại cơ sở KCB; phân công cán bộ chuyên trách trực 24/24h; không được đầu cơ, tăng giá thuốc trong dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán.
Các nhà thuốc, quầy thuốc không được lợi dụng nhu cầu cao của người dân để nâng giá bán.
Đồng thời, Sở cũng đề nghị các Phòng Y tế quận, huyện, thị xã chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường thanh kiểm tra việc thực hiện các quy định chuyên môn về dược, các quy định về kinh doanh thuốc và mỹ phẩm.
Đặc biệt, các đơn vị chú trọng công tác phát hiện thuốc giả, thuốc kém chất lượng, thuốc không được phép lưu hành; các hành vi găm hàng, tăng giá…, xử lý nghiêm các trường hợp được phát hiện
Báo: Kinh tế & Đô thị
https://kinhtedothi.vn/ha-noi-cong-bo-143-diem-truc-ban-le-thuoc-24-24h-phuc-vu-dip-tet-2025.html
https://hanoimoi.vn/ha-noi-cong-bo-143-diem-truc-ban-le-thuoc-trong-dip-tet-2025-689004.html
* Tăng vọt trẻ gặp bệnh mắt, 3 tuổi đã cận thị do cứ ăn cơm là xem máy
Nhiều gia đình sử dụng điện thoại như một cách để trông con kéo theo tình trạng cận thị sớm ở trẻ
Bé T.A.Đ., 3 tuổi, sống tại Hà Nội, được gia đình đưa đến khám tại khoa Mắt, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn với các triệu chứng: nháy mắt liên tục, dụi mắt nhiều.
Trực tiếp thăm khám cho bệnh nhi, ThS.BSCKII Trần Thị Thủy, Phó trưởng khoa phụ trách khoa Mắt cho biết: "Qua khai thác bệnh sử, gia đình cho biết, từ khi bé Đ. được hơn một tuổi, gia đình đã sử dụng điện thoại thông minh như một công cụ để dỗ bé ăn cơm.
Trung bình mỗi ngày, bé xem 1-2 tiếng, bao gồm các video hoạt hình và chương trình thiếu nhi. Ban đầu, phương pháp này giúp trẻ ăn ngoan hơn, nhưng hậu quả xuất hiện chỉ sau hai năm".
Đến năm 3 tuổi, bé Đ. bắt đầu xuất hiện các dấu hiệu như: nheo mắt khi nhìn, nhìn gần quá mức và không tập trung vào các vật ở xa. Khi kiểm tra, các bác sĩ phát hiện thị lực của bé đã suy giảm và Đ. được chẩn đoán mắc cận thị sớm.
Gia tăng trẻ gặp bệnh mắt do dùng điện thoại quá sớm
Thống kê tại khoa Mắt, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn cho thấy, trong vòng 5 năm qua, số lượng trẻ đến khám do các vấn đề liên quan đến mắt đã tăng gấp 2-3 lần so với thời gian trước. Trong đó, phần lớn các trường hợp có liên quan đến việc sử dụng thiết bị điện tử như điện thoại thông minh, máy tính bảng và tivi.
BS Thủy chia sẻ: "Chúng tôi thường xuyên gặp các bệnh nhi với tình trạng nháy mắt, dụi mắt hoặc nhìn gần quá mức. Phần lớn các em đều được tiếp xúc với màn hình thiết bị điện tử từ rất sớm, thậm chí chỉ hơn một tuổi. Bố mẹ thường cho trẻ xem để dỗ ăn cơm hoặc cho trẻ tự chơi lúc đang bận rộn cần tiếp khách, xử lý công việc.
Đây là nguyên nhân chính dẫn đến các bệnh lý như nhức mỏi mắt, hội chứng mắt khô và đặc biệt là cận thị sớm".
Theo BS Thủy, qua trao đổi, nhiều bố mẹ khi thấy con có dấu hiệu vấn đề ở mắt đã lo lắng và tập cho trẻ cai thiết bị điện tử. Thế nhưng, vì trẻ được hình thành thói quen sử dụng điện thoại, máy tính bảng quá sớm nên rất khó khăn.
Vì sao thiết bị điện tử gây hại cho mắt trẻ em?
Theo BS Thủy, mắt trẻ em rất nhạy cảm và chưa hoàn thiện về mặt cấu trúc. Việc tiếp xúc với màn hình thiết bị điện tử có thể gây ra nhiều vấn đề.
"Nghiên cứu cho thấy, tiếp xúc lâu dài với ánh sáng xanh có thể gây tổn thương võng mạc, đặc biệt là điểm vàng. Đây vốn là vùng quan trọng của mắt giúp nhìn rõ chi tiết", BS Thủy phân tích.
Bên cạnh đó, theo chuyên gia này, trẻ thường cầm điện thoại sát mắt sẽ khiến mắt phải điều tiết liên tục, gây nhức mỏi và dẫn đến cận thị.
Bố mẹ cần làm gì để bảo vệ đôi mắt cho con?
Trước thực trạng này, BS Thủy đưa ra một số khuyến cáo quan trọng dành cho phụ huynh:
- Hạn chế thời gian sử dụng thiết bị điện tử: Trẻ dưới 2 tuổi không nên tiếp xúc với màn hình thiết bị điện tử. Trẻ 2-5 tuổi, nếu bắt buộc, chỉ nên sử dụng tối đa 15-20 phút/lần, không quá một giờ/ngày.
- Đảm bảo khoảng cách từ mắt đến màn hình ít nhất là 30-40cm.
- Khuyến khích các hoạt động thay thế: Tăng cường các hoạt động ngoài trời như chạy nhảy, chơi bóng, đi bộ, giúp mắt thư giãn và giảm nguy cơ cận thị. Tạo điều kiện cho trẻ tham gia các trò chơi sáng tạo như xếp hình, vẽ tranh, hay đọc sách.
- Kiểm tra mắt định kỳ: Đưa trẻ đi khám mắt ít nhất mỗi năm một lần để phát hiện sớm các vấn đề về thị lực.
Việc sử dụng thiết bị điện tử để dỗ trẻ ăn hay giúp trẻ yên tĩnh chỉ là giải pháp tạm thời, nhưng hệ quả có thể kéo dài suốt đời. Phụ huynh cần nhận thức rõ tác hại của thiết bị điện tử đối với sức khỏe mắt trẻ em và thay đổi thói quen ngay từ hôm nay.
BS Thủy nhấn mạnh: "Hãy dành thời gian chơi cùng con, kể chuyện, hay cùng con tham gia các hoạt động bổ ích thay vì để trẻ dán mắt vào màn hình".
Báo: Dân trí
* Hai anh em song sinh ở Hà Nội chào đời cách nhau 5 tuần
Con trai chị H. chào đời ở tuần thai thứ 26, nặng chưa đầy 8 lạng. 5 tuần sau, em gái song sinh được mổ lấy thai để đảm bảo an toàn cho cả mẹ và bé.
Tình huống hiếm gặp xảy ra với chị L.T.H. (26 tuổi, Hà Nội). Nhờ thụ tinh trong ống nghiệm (IVF), chị may mắn mang thai đôi, một bé trai và một bé gái. Tuy nhiên, niềm vui chưa trọn thì đến tuần thai thứ 24, chị H. bắt đầu có dấu hiệu đau tức bụng và ra dịch nhầy.
Ngay lập tức, chị đến một bệnh viện tại Hà Nội để kiểm tra và được chẩn đoán cổ tử cung đã mở. Dù được khâu cổ tử cung, nhưng chỉ sau 6 ngày, vết khâu bị hở, và chị được chuyển gấp đến Khoa Sản bệnh (A4), Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội.
Thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Biên Thùy, Phó trưởng khoa Sản bệnh, là người trực tiếp tiếp nhận và điều trị cho chị H.
Trước tình trạng một thai nhi đã vỡ ối và có dấu hiệu nhiễm khuẩn, bác sĩ buộc phải để bé trai chào đời ở tuần thai thứ 26, nặng 730g. Bé được chuyển ngay lên Khoa Sơ sinh để hồi sức và chăm sóc đặc biệt.
Nhưng việc giữ lại thai nhi thứ hai lại trở thành quyết định đầy thách thức. Nguy cơ nhiễm khuẩn đối với thai còn lại rất cao, trong khi nếu để thai chào đời quá sớm, cả hai bé đều đối mặt với nguy cơ di chứng nghiêm trọng về thần kinh, phổi, mắt.... thậm chí tử vong.
Cân nhắc kỹ lưỡng và giải thích rõ với gia đình, bác sĩ Thùy quyết định giữ lại thai nhi thứ hai.
Chị H. được áp dụng phác đồ điều trị kháng sinh mạnh kết hợp sát khuẩn, xét nghiệm hàng ngày và theo dõi sát sao. Chỉ sau 1 tuần, cổ tử cung dần đóng lại, các dấu hiệu nhiễm khuẩn giảm hẳn. Thai nhi tiếp tục phát triển ổn định trong bụng mẹ.
Đến tuần thai thứ 31, do xuất hiện dấu hiệu tiền sản giật nặng, các bác sĩ quyết định mổ lấy thai để đảm bảo an toàn cho cả mẹ và bé. Ca mổ thành công, bé gái nặng 1,2 kg chào đời và được đưa ngay đến Khoa Sơ sinh để tiếp tục chăm sóc đặc biệt.
Sau hơn 1 tháng được các y bác sĩ tận tình chăm sóc, bé gái khỏe mạnh trở về vòng tay cha mẹ, đạt cân nặng 2,5 kg. Bé trai, tuy sinh non ở tuần thứ 26, nhưng đã có những tiến triển tích cực, tăng từ 730g lên 2,3 kg. Hiện bé vẫn được chăm sóc tại Khoa Sơ sinh và hứa hẹn sẽ sớm đoàn tụ cùng gia đình.
Báo: Vietnamnet
https://vietnamnet.vn/hai-anh-em-song-sinh-o-ha-noi-chao-doi-cach-nhau-5-tuan-2358478.html
https://plo.vn/ky-tich-2-be-song-sinh-chao-doi-cach-nhau-5-tuan-post827659.html
VĂN BẢN MỚI
- Hướng dẫn về việc bổ sung về việc đăng ký khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu tại Bệnh viện Lão khoa Trung ương năm 2024
- Giám sát phản ứng có hại của thuốc (ADR) tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh
- Tăng cường các biện pháp phòng chống dịch bệnh tại các cơ sở kinh doanh thuốc trong dịp Tết Nguyên đán 2022
- Đảm bảo cung ứng thuốc phòng chống dịch bệnh và nhu cầu sử dụng thuốc trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022
- 4289/QĐ-SYT Quyết định về việc giao chỉ tiêu Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán thu, chi ngân sách năm 2022 cho các đơn vị thuộc Sở Y tế Hà Nội
- 10722/BYT-DP Về việc tiêm vắc xin phòng Covid-19 liều cơ bản và nhắc lại
- Công văn 10696/BYT-MT về việc cách ly y tế cho trường hợp F1 đã tiêm đủ liều vắc xin hoặc đã khỏi bệnh Covid-19
- Công văn 10688/BYT-MT của Bộ Y tế về phòng, chống dịch Covid-19 đối với người nhập cảnh
- Sử dụng kết quả xét nghiệm để phát hiện người mắc Covid-19 và cho người bệnh ra viện
- Quyết định 696/QĐ-SYT của Bộ Y tế ban hành Sổ tay thực hành tại cơ sở bán lẻ thuốc