Điểm báo

Điểm thông tin y tế trên báo chí ngày 31/10/2024
Ngày đăng 31/10/2024 | 16:40  | Lượt xem: 106

* Hà Nội đã kiểm tra, truy xuất nguồn gốc thực phẩm 20 bếp ăn trường học

Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, tính đến nay, TP Hà Nội đã kiểm tra, truy xuất nguồn gốc thực phẩm tại 20 cơ sở bếp ăn tập thể trường học. Trong đó, có 15 cơ sở đạt, xét nghiệm nhanh đạt 190/190 mẫu.

Thời gian qua, Hà Nội luôn quan tâm đến công tác bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) tại các trường học. Trong đó, công tác kiểm tra, giám sát các bếp ăn tập thể trường học luôn được đẩy mạnh. Mục tiêu là 100% cơ sở giáo dục được kiểm tra, giám sát theo quy định; cụ thể, trong năm 2023, có 84,5% số cơ sở được kiểm tra.

Tuy nhiên, đối với khu vực cổng trường, việc kiểm tra, kiểm soát các loại thức ăn đường phố, các gánh hàng rong vẫn gặp nhiều khó khăn.

Trước thực tế đó, từ đầu tháng 8/2024, Hà Nội bắt đầu tổ chức các đoàn ra quân kiểm tra chuyên đề ATTP trường học, không chỉ tập trung vào bếp ăn tập thể trong các trường mà còn hướng đến việc kinh doanh thực phẩm ở khu vực gần trường học...

Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội Đặng Thanh Phong cho biết, từ tháng 8/2024 đến hết tháng 8/2025, toàn TP tập trung cao điểm cho công tác bảo đảm ATTP trong và ngoài trường học. Hà Nội sẽ rà soát các cơ sở giáo dục, bếp ăn tập thể, căng tin trường học trên địa bàn quản lý.

Bếp ăn tại các nhà trường đều được kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc, chế biến thực phẩm đảm bảo an toàn cho giáo viên và học sinh. Cùng với đó, trước cổng và xung quanh trường học các dịch vụ ăn uống cần được các địa phương giám sát kiểm tra đảm bảo ATTP.

Mặt khác, cơ quan chức năng điều tra, rà soát các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, kinh doanh tạp hóa có bán thực phẩm bao gói sẵn, thực phẩm chế biến ăn ngay theo từng ngành hàng, mặt hàng thực phẩm quanh trường học.

TP đặc biệt chú ý tới các quán hàng, gánh hàng rong tự phát xung quanh cổng trường bởi với các quán hàng này, nguồn gốc thực phẩm không rõ ràng sẽ kéo theo nguy cơ gây hại cho sức khỏe của học sinh...

Đặc biệt, công tác kiểm tra, giám sát, truy xuất nguồn gốc thực phẩm trong và quanh cổng trường sẽ được thực hiện nghiêm túc, thường xuyên; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm quy định về ATTP.

Ngoài ra, thời gian qua, TP đã kiểm tra giám sát, truy xuất nguồn gốc thực phẩm tại 19 cơ sở dịch vụ ăn uống khu vực sân bay trên địa bàn TP, trong đó có 12 cơ sở đạt, xét nghiệm nhanh đạt 190/190 mẫu.

Trước đó, UBND TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch về cao điểm truyền thông về an toàn thực phẩm trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2024 – 2025 nhằm tạo chuyển biến thực chất trong nhận thức và hành động của các chủ thể bao gồm: người tiêu dùng, người quản lý, người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm.

Trong nhiệm vụ trọng tâm tháng 11/2024, ngành y tế tiếp tục kiểm tra, giám sát và thực hiện các hoạt động chuyên môn để đảm bảo ATTP trong lĩnh vực quản lý.

Báo Kinh tế và đô thị

https://kinhtedothi.vn/ha-noi-da-kiem-tra-truy-xuat-nguon-goc-thuc-pham-20-bep-an-truong-hoc.html

* Hà Nội “tuýt còi”hàng loạt cơ sở y dược và thực phẩm vi phạm

Thanh tra Sở Y tế Hà Nội vừa công bố tổng hợp xử phạt vi phạm hành chính với 10 quyết định xử phạt (3 cơ sở hành nghề y, dược tư nhân và 7 cơ sở trong lĩnh vực an toàn thực phẩm) được ban hành với tổng số tiền phạt là 217 triệu đồng.

3 cơ sở hành nghề y, dược tư nhân bị xử phạt

Đó là quầy thuốc dược 37, địa chỉ thôn Đoài, xã Nam Hồng, huyện Đông Anh bị xử phạt mức 2 triệu đồng do không báo cáo Sở Y tế trong trường hợp đã tạm dừng hoạt động từ 6 tháng trở lên hoặc chấm dứt hoạt động.

Công ty TNHH xuất nhập khẩu y tế Thăng Long, địa chỉ lô 20-BT8 khu đô thị Văn Quán, phường Văn Quán, quận Hà Đông bị xử phạt 15 triệu đồng. Do chủ sở hữu số lưu hành trang thiết bị y tế không công khai kết quả phân loại trang thiết bị y tế đã ban hành theo quy định của pháp luật.

Công ty TNHH phát triển nha khoa Thu Trang, địa chỉ xóm Nhật Tiến, thôn Nhật Tiến, xã Trường Yên, huyện Chương Mỹ bị xử phạt 70 triệu đồng với hành vi quảng cáo dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh khi chưa có giấy phép hoạt động. Thanh tra Sở Y tế cũng buộc đơn vị phải tháo gỡ, xóa bỏ nội dung quảng cáo trên Internet.

7 đơn vị bị xử phạt trong lĩnh vực an toàn thực phẩm

Công ty CP Bigstar Việt Nam, địa chỉ nhà số 42 đường Nguyên Hồng, phường Láng Hạ, quận Đống Đa bị xử phạt 4 triệu đồng do không có đủ dụng cụ chế biến, bảo quản và sử dụng riêng đối với thực phẩm tươi sống, thực phẩm đã qua chế biến.

Chủ hộ kinh doanh Vũ Lệ Hằng - Bò nhúng dấm 555, địa chỉ 138A phường Giảng Võ, quận Ba Đình; chủ hộ kinh doanh Mường Hoa, địa chỉ căn 402 HH1B Linh Đàm, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai cùng bị xử phạt mức 12,5 triệu đồng do kinh doanh dịch vụ ăn uống không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm.

Cùng mắc lỗi này, Công ty CP Five Spices, địa chỉ số 374 đường phố Huyện, thị trấn Quốc Oai, huyện Quốc Oai; Công ty TNHH Greensky Quốc tế, địa chỉ số 10E, ngõ 145/5 đường Phúc Lợi, phường Phúc Lợi, quận Long Biên bị xử phạt mức 25 triệu đồng.

Công ty CP xuất nhập khẩu Thế giới hải sản, địa chỉ số 06/H1 Khu đô thị mới Yên Hòa - Cầu Giấy, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy thực hiện không đúng quy định về chế độ kiểm thực 3 bước; lưu mẫu thức ăn đã bị xử phạt 16 triệu đồng.

Công ty TNHH đầu tư nước sạch và môi trường Thanh Oai, địa chỉ thôn Cát Động, thị trấn Kim Bài, huyện Thanh Oai bị xử phạt 35 triệu đồng do lỗi cung cấp nước sử dụng cho mục đích sinh hoạt không đảm bảo quy trình kỹ thuật về chất lượng nước sạch dùng cho mục đích sinh hoạt.

Báo Kinh tế và đô thị

https://kinhtedothi.vn/ha-noi-tuyt-coihang-loat-co-so-y-duoc-va-thuc-pham-vi-pham.html

* Ngăn chặn thực phẩm không rõ nguồn gốc trước cổng trường

Thời gian qua, tình trạng ngộ độc thực phẩm từ đồ ăn uống không rõ nguồn gốc, không bảo đảm chất lượng trước cổng trường học vẫn tiếp diễn. Để góp phần nâng cao nhận thức trong phụ huynh, học sinh về vấn đề này, các ngành chức năng, chính quyền địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền kết hợp quản lý chặt hơn nữa việc buôn bán thực phẩm trước cổng trường học.

Tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn thực phẩm

Hiện nay, xung quanh các cổng trường học có một số cửa hàng hoặc người bán rong đồ ăn vặt (nem chua rán, xúc xích, chả cá…), nước ngọt, bánh kẹo… không rõ nguồn gốc xuất xứ, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn thực phẩm. Đáng chú ý, vừa qua, tại Trường Trung học cơ sở Bình Minh (thôn Sinh Quả, xã Bình Minh, huyện Thanh Oai) xuất hiện nhóm người lạ phát miễn phí sản phẩm trà mật ong Boncha vị ô long đào cho học sinh và đã xảy ra sự cố an toàn thực phẩm. Nghi ngờ sản phẩm trà mật ong Boncha không an toàn, các ngành chức năng đã điều tra, truy xuất nguồn gốc thực phẩm để xác định rõ nguồn cung; lấy mẫu thực phẩm, bệnh phẩm để xét nghiệm tìm nguyên nhân.

Tại các địa phương khác cũng xảy ra một số vụ ngộ độc thực phẩm do sử dụng thức ăn ngoài cổng trường học… Thực tế, vấn đề quản lý các cửa hàng bán đồ ăn uống xung quanh cổng trường học rất khó khăn. Theo chị Đào Thị Thanh Vân (phụ huynh học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Du, quận Hà Đông), vào cuối buổi chiều, khi đón con đi học về, chị và nhiều phụ huynh thường ghé vào hàng quán bán đồ ăn vặt xung quanh trường mua cho con. Tuy nhiên, thời gian gần đây, khi theo dõi thông tin trên báo chí, mạng xã hội thấy có nhiều vụ ngộ độc thực phẩm do học sinh ăn quà vặt không rõ nguồn gốc trước cổng trường nên chị khá lo lắng và hạn chế mua những sản phẩm này...

Trưởng phòng Y tế huyện Hoài Đức Nguyễn Thị Thanh cho biết, thời gian qua, huyện đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức người dân về chấp hành quy định an toàn thực phẩm. Song, việc bảo đảm chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm quanh trường học còn bất cập do số cơ sở kinh doanh thực phẩm ngoài cổng trường nhiều, nhỏ lẻ, gây khó khăn trong kiểm soát nguồn gốc xuất xứ sản phẩm. Còn theo Trưởng phòng Y tế quận Hoàn Kiếm Phạm Thị Thanh Nhàn, vào giờ tan học, nhiều đồ ăn, thức uống được bày bán trên những chiếc xe đạp, xe đẩy trước cổng trường. Khi cơ quan chức năng kiểm tra và xử lý vi phạm thì họ di chuyển sang địa bàn khác, thậm chí bỏ cả phương tiện, đồ nghề để thoát thân.

Nhìn chung, việc xử lý vi phạm các cơ sở kinh doanh bán đồ ăn uống cổng trường học rất khó khăn do các xã, phường, thị trấn chỉ kiểm tra được ngoại quan, nguồn gốc xuất xứ, bao bì nhãn mác sản phẩm. Trong khi đó, lực lượng chức năng làm nhiệm vụ này tại cơ sở còn mỏng, kiêm nhiệm nên chưa kiểm tra thường xuyên.

Kiên quyết tẩy chay các loại thực phẩm bẩn

Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Nguyễn Đức Anh cho biết, để bảo đảm an toàn sức khỏe cho học sinh, tránh các vụ việc đáng tiếc xảy ra trên địa bàn, huyện yêu cầu các trường học thực hiện nghiêm túc văn bản chỉ đạo về bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm; đẩy mạnh tuyên truyền đến tất cả phụ huynh, quán triệt học sinh không mua đồ ăn vặt không có nguồn gốc xuất xứ, không bảo đảm vệ sinh ở cửa hàng tạp hóa, quầy bán hàng rong trước cổng trường; cần chủ động phối hợp với chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng tổ chức rà soát, thường xuyên kiểm tra, xử lý các hộ, cá thể kinh doanh quanh khu vực cổng trường; kiên quyết tẩy chay các loại thực phẩm bẩn không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Còn theo Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức Nguyễn Trung Thuận, trước năm học 2024-2025, huyện Hoài Đức đã xây dựng chuyên đề “Tăng cường kiểm soát an toàn thực phẩm trong và xung quanh cổng trường học trên địa bàn huyện Hoài Đức”. Trên cơ sở đó, huyện đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, xác định trách nhiệm và hành động của các cấp ủy Đảng, chính quyền về bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong và xung quanh cổng trường học. Trong đó, đề cao vai trò, trách nhiệm của các cơ sở giáo dục, các tổ chức, cá nhân trong thực hiện quy định về an toàn thực phẩm; đồng thời kiểm soát an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc thực phẩm trong và xung quanh cổng trường học nhằm bảo vệ sức khỏe cho học sinh.

Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội (Sở Y tế Hà Nội) Đặng Thanh Phong cho biết, từ nay đến cuối năm, công tác quản lý an toàn thực phẩm tiếp tục được tăng cường, trong đó, thành phố tập trung triển khai chuyên đề “Tăng cường kiểm soát an toàn thực phẩm trong và xung quanh cổng trường học trên địa bàn Hà Nội” đối với các cơ sở giáo dục. Bên cạnh đó, Hà Nội triển khai đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả công tác kiểm soát an toàn thực phẩm trong và xung quanh cổng trường có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào nhóm thực phẩm có nguy cơ cao, thức ăn đồ uống ăn ngay, các cơ sở cung cấp suất ăn sẵn. Đặc biệt, công tác kiểm tra, giám sát, truy xuất nguồn gốc thực phẩm trong và xung quanh cổng trường học được thực hiện nghiêm túc, thường xuyên, liên tục; xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân vi phạm an toàn thực phẩm và thông tin rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Để bảo đảm an toàn thực phẩm tại các trường học, bên cạnh việc tăng cường kiểm tra, giám sát của lực lượng chức năng, rất cần sự chung tay giám sát của phụ huynh học sinh. Đặc biệt, các nhà trường cũng cần đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao kiến thức về bảo đảm an toàn thực phẩm cho học sinh, tránh xa thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Báo Hà Nội mới

https://hanoimoi.vn/ngan-chan-thuc-pham-khong-ro-nguon-goc-truoc-cong-truong-683049.html

* Rà soát toàn bộ cơ sở chế biến, kinh doanh thực phẩm ở Hà Nội

Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội vừa triển khai kế hoạch điều tra, rà soát các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm và dịch vụ ăn uống trên toàn TP.

Kế hoạch này được thực hiện theo Kế hoạch số 319/KH-UBND của UBND TP Hà Nội ngày 26/12/2023 và Kế hoạch số 932/KH-SYT của Sở Y tế TP Hà Nội ngày 6/3/2024. Hoạt động nhằm tăng cường công tác quản lý an toàn thực phẩm, đảm bảo sức khỏe người dân trong năm 2024.

Theo kế hoạch, từ ngày 28/10 đến 15/11/2024, các xã, phường, thị trấn sẽ tiến hành điều tra và thống kê các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm và dịch vụ ăn uống, bao gồm cả các quán ăn vỉa hè và cơ sở thức ăn đường phố. Sau khi hoàn thành, các đơn vị sẽ gửi báo cáo kết quả điều tra về Trung tâm Y tế quận, huyện, thị xã trước ngày 20/11/2024. Tiếp đó, các quận, huyện, thị xã sẽ tổng hợp và báo cáo kết quả lên Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội trước ngày 25/11/2024.

Việc điều tra, rà soát này sẽ giúp cơ quan chức năng có cái nhìn tổng thể về tình hình an toàn vệ sinh thực phẩm trên địa bàn, đồng thời phát hiện kịp thời những vi phạm để có biện pháp xử lý, ngăn chặn nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng.

Tính từ đầu năm 2024 đến nay, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội đã tiến hành kiểm tra 5.820 cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố, bao gồm các cơ sở tại lễ hội, hội chợ, khu du lịch và các điểm công cộng. Kết quả cho thấy 83,7% các cơ sở đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, trong khi hơn 16% vi phạm các quy định. Những cơ sở vi phạm đã bị xử phạt và yêu cầu khắc phục vi phạm để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Ngoài ra, các cơ quan chức năng cũng đã kiểm tra 35.146 lượt cơ sở dịch vụ ăn uống trên địa bàn thành phố, trong đó 84,5% số cơ sở đạt yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm. Những trường hợp không đạt tiêu chuẩn đã được cơ quan chức năng nhắc nhở và xử phạt theo đúng quy định.

Theo Ban Chỉ đạo 389 Hà Nội, hiện nay tình trạng buôn bán, vận chuyển thực phẩm không rõ nguồn gốc, không đảm bảo chất lượng vẫn diễn ra. Đặc biệt, các loại thực phẩm vi phạm thường là bim bim, xúc xích, nội tạng động vật như dạ dày lợn, óc lợn, nầm lợn, mỡ bò... Các đối tượng thường gian lận bằng cách thay đổi nhãn mác hoặc kéo dài thời hạn sử dụng để tiêu thụ hàng hóa.

Trước thực trạng này, lực lượng chức năng đã tăng cường kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm nhiều trường hợp vi phạm, nhằm ngăn chặn thực phẩm không an toàn xâm nhập thị trường, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.

Với việc triển khai kế hoạch điều tra, rà soát năm 2024, Hà Nội kỳ vọng sẽ nâng cao chất lượng quản lý an toàn thực phẩm, đồng thời tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân và doanh nghiệp trong việc tuân thủ các quy định về vệ sinh thực phẩm.

Sở Y tế Hà Nội đã thiết lập đường dây nóng tại Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm để người dân có thể phản ánh các vi phạm liên quan đến an toàn thực phẩm. Số điện thoại đường dây nóng gồm: 0823.88.9095 và 0922.55.9095. Đây là kênh quan trọng để người dân cùng phối hợp với cơ quan chức năng trong công tác giám sát và bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn.

Báo Kinh tế và đô thị

https://kinhtedothi.vn/ra-soat-toan-bo-co-so-che-bien-kinh-doanh-thuc-pham-o-ha-noi.html

* Hà Nội: Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thể thấp còi còn 9,8%

Theo Sở Y tế Hà Nội, trong 9 tháng năm 2024, tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thể thấp còi còn 9,8 % (giảm 0,3% so với cùng kỳ năm 2023).

Sở Y tế Hà Nội vừa có báo cáo UBND TP.Hà Nội về việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tháng 10 và nhiệm vụ thực hiện trong tháng 11/2024.

Trong báo cáo, Sở Y tế khẳng định, các dịch bệnh vẫn được kiểm soát tốt. Phần lớn các dịch bệnh có số mắc giảm so với cùng kỳ năm 2023.

Cụ thể, dịch sốt xuất huyết từ đầu năm đến ngày 14/9 có 4.160 trường hợp mắc, giảm 80%; tay chân miệng có 2.186 trường hợp, giảm 67 trường hợp; liên cầu lợn 9 ca, giảm 6 ca; thủy đậu 804 ca, giảm 1.218 ca; uốn ván 17 ca, giảm 5 ca; rubella 1 ca, giảm 6 ca…

Hệ thống giám sát, phát hiện bệnh truyền nhiễm, công tác tiêm chủng mở rộng phòng chống các dịch bệnh truyền nhiễm được duy trì.

Toàn Thành phố đã tổ chức chiến dịch tiêm vắc-xin phòng bệnh sởi bắt đầu từ ngày 14/10 với khoảng 70.000 đối tượng thuộc diện tiêm chủng là trẻ từ 1-5 tuổi và các nhân viên y tế có nguy cơ tại các cơ sở khám, chữa bệnh điều trị bệnh nhân sởi chưa được tiêm đủ mũi theo quy định. Cho đến ngày 17/10, đã có trên 23.000 mũi tiêm đã được thực hiện.

Công tác phòng chống suy dinh dưỡng đã đạt được chỉ tiêu TP giao, tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thể thấp còi còn 9,8 % (giảm 0,3% so với cùng kỳ năm 2023); thể nhẹ cân là 6,6%, giảm 0,2%; kiểm soát tỷ lệ suy dinh dưỡng gầy còm ở trẻ dưới 5 tuổi đạt 0,4% và không chế tỷ lệ thừa cân béo phì là 1,2% và đều bằng so với cùng kỳ.

Thành phố hiện 14.864 người nhiễm HIV còn sống, trong đó có 13.465 người được duy trì điều trị ARV đạt 90,5%; 8980/9049 bệnh nhân (99,2%) có kết quả xét nghiệm tải lượng vi rút dưới ngưỡng ức chế trên tổng số bệnh nhân được làm xét nghiệm tải lượng vi rút.

Các hoạt động phòng chống HIV/AIDS được duy trì như cấp phát bao cao su, bơm kim tiêm; điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone; tư vấn xét nghiệm HIV, xét nghiệm khẳng định HIV tại các cơ sở y tế; điều trị dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP) tại cơ sở y tế nhà nước và y tế tư nhân…

Các hoạt động nâng cao chất lượng dân số được triển khai thực hiện như Đề án Mở rộng tầm soát, chẩn đoán, điều trị bệnh, tật trước sinh và sơ sinh;

Từ đầu năm đến hết tháng 9, toàn thành phố có gần 69.500 trẻ được sinh ra, số trẻ là con thứ ba trở lên là gần 4.600 trẻ, giảm hơn 320 trẻ so với cùng kỳ, đạt tỷ lệ 6,6%.

Số người cao tuổi được khám sức khỏe gần 1,2 triệu, đạt xấp xỉ 83%. Gần 80.400 phụ nữ mang thai được sàng lọc trước sinh, đạt tỷ lệ 84,97%; gần 60.000 trẻ sơ sinh được sàng lọc sơ sinh, đạt gần 86%. Tổng số người sử dụng các biện pháp tránh thai mới gần 435.000 người đạt trên 107% kế hoạch.

Về công tác đảm bảo an toàn thực phẩm, đã kiểm tra, truy xuất nguồn gốc thực phẩm tại 20 cơ sở bếp ăn tập thể trường học, trong đó có 15 cơ sở đạt, xét nghiệm nhanh đạt 190/190 mẫu.

Kiểm tra giám sát, truy xuất nguồn gốc thực phẩm tại 19 cơ sở dịch vụ ăn uống khu vực sân bay trên địa bàn thành phố, trong đó có 12 cơ sở đạt, xét nghiệm nhanh đạt 190/190 mẫu.

Trong nhiệm vụ trọng tâm tháng 11/2024, ngành Y tế tiếp tục thực hiện các biện pháp đảm bảo duy trì hệ thống giám sát, phát hiện bệnh truyền nhiễm, tiêm chủng phòng chống dịch bệnh.

Duy trì các hoạt động phòng chống HIV/AIDS, thực hiện mục tiêu 90-90-98. Về công tác dân số tập trung các giải pháp để thực hiện và hoàn thành chỉ tiêu được giao năm 2024. Kiểm tra, giám sát và thực hiện các hoạt động chuyên môn để đảm bảo an toàn thực phẩm trong lĩnh vực quản lý.

Thực hiện cân đo sàng lọc đánh giá tình trạng dinh dưỡng của trẻ dưới 5 tuổi; tư vấn, cải thiện tình trạng dinh dưỡng cho người dân, dinh dưỡng hợp lý 1000 ngày đầu đời nhằm phòng chống suy dinh dưỡng bà mẹ, trẻ em.

Báo Đầu tư

https://baodautu.vn/ha-noi-ty-le-tre-em-duoi-5-tuoi-bi-suy-dinh-duong-the-thap-coi-con-98-d228823.html

* Căn bệnh khiến hơn 10.000 người tử vong mỗi năm, tạo gánh nặng lớn cho Việt Nam

Ung thư vú đứng hàng đầu về tỉ lệ mắc mới tại Việt Nam trên cả 2 giới và có xu hướng ngày càng gia tăng mạnh.

Thông tin do TS.BS Lê Thu Hà, Trưởng khoa Nội 1, Bệnh viện Ung bướu Hà Nội chia sẻ tại buổi toạ đàm Đổi mới truyền thông nâng cao nhận thức trong điều trị ung thư vú, góp phần chăm sóc sức khoẻ phụ nữ diễn ra tại Hà Nội chiều 30/10.

Theo bác sĩ Hà, số liệu từ Globocan 2022 cho thấy ung thư vú đứng thứ nhất về tỉ lệ mắc mới và thứ 4 về tỉ lệ tử vong tại Việt Nam. Trong 5 năm, hơn 72.000 ca ung thư vú được phát hiện. Năm 2002, nước ta chỉ có 5.538 ca mắc mới nhưng con số này đã tăng lên 24.563 ca vào năm 2022. “Ung thư vú gia tăng nhanh chóng, từ đó tạo gánh nặng lớn cho Việt Nam”, bác sĩ Hà nhận định.

Nghiêm trọng hơn, tỉ lệ bệnh nhân được chẩn đoán ở giai đoạn 3, 4 còn cao và có xu hướng trẻ hoá. Cụ thể, khoảng 15% bệnh nhân dưới 40 tuổi, 45% bệnh nhân dưới 50 tuổi được chẩn đoán ung thư vú di căn trong số tất cả các bệnh nhân. Căn bệnh này khiến hơn 10.000 người tử vong mỗi năm tại Việt Nam.

Với thực tế trên, bác sĩ Hà cho biết dù đã có nhiều tiến bộ trong chẩn đoán và điều trị, ung thư vú vẫn là gánh nặng với tiên lượng kém trên một số nhóm bệnh nhân.

Do đó, với nhóm bệnh nhân ở giai đoạn tiến xa di căn, mục tiêu của bác sĩ là kéo dài sự sống, đảm bảo chất lượng cuộc sống và điều trị chăm sóc giảm nhẹ. Vì vậy, bác sĩ Hà đưa ra một số giải pháp cụ thể như sau:

Đối với bác sĩ, tiến hành tư vấn các phương pháp điều trị phù hợp theo cá thể, đảm bảo chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân và thường xuyên cập nhật các tiến bộ trong phương pháp điều trị, đồng thời cải thiện kỹ năng tư vấn.

Đối với bệnh viện, cần đảm bảo đủ các phương án điều trị, xây dựng các câu lạc bộ bệnh nhân, thiết kế sổ tay điều trị, chương trình tư vấn tâm lý, dinh dưỡng cho bệnh nhân, đồng thời tiến hành chăm sóc giảm nhẹ để nâng cao chất lượng sống cho người bệnh.

Đối với cộng đồng, cần tăng cường truyền thông để bệnh nhân dễ tiếp cận được các thông tin điều trị, nâng cao niềm tin, ý thức tuân thủ điều trị, xây dựng quỹ hỗ trợ người bệnh.

Đói với người bệnh và thân nhân, cần có niềm tin và tuân thủ điều trị, nhận thức tốt về tình trạng sức khoẻ của bệnh nhân, hỗ trợ người bệnh an tâm điều trị.

Nhằm nâng cao hiệu quả điều trị, bác sĩ Hà đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phát hiện ung thư vú ở giai đoạn sớm. Điều đó giúp bệnh nhân tăng khả năng được chữa khỏi hoàn toàn, vẫn có thể sinh con. Đồng thời, việc này còn giảm áp lực cho hệ thống y tế, giảm gánh nặng bệnh tật, tiết kiệm chi phí điều trị.

Để đạt được mục tiêu trên, theo bác sĩ Hà, Việt Nam cần tập trung truyền thông để nâng cao hiểu biết cho phụ nữ, tăng tỉ lệ tầm soát, sàng lọc, chủ động nâng cao sức khoẻ, phòng tránh bệnh. Ngoài ra, cần tập trung nguồn lực để đào tạo cán bộ, nâng cao nặng lực tư vấn, đầu tư máy móc, chẩn đoán xét nghiệm sàng lọc, xây dựng chương trình khám sàng lọc miễn phí và áp dụng các biện pháp điều trị mới, hiệu quả.

Báo Vietnam net

https://vietnamnet.vn/benh-ung-thu-khien-hon-10-000-nguoi-tu-vong-moi-nam-tao-ganh-nang-cho-viet-nam-2337289.html

* Thuận lợi khi khám chữa bệnh ở tuyến y tế cơ sở

Một trong bốn mục tiêu của Chiến lược quốc gia phòng, chống bệnh không lây nhiễm giai đoạn 2015 - 2025, là nâng cao năng lực, hiệu quả trong dự phòng, giám sát, phát hiện và điều trị các bệnh không lây nhiễm. Hiện nay, tuyến y tế cơ sở đang tăng cường công tác sàng lọc để phát hiện và điều trị hiệu quả các bệnh này.

Các bệnh không lây nhiễm, như tim mạch, tăng huyết áp, đái tháo đường, hen phế quản... có xu hướng gia tăng, là nguyên nhân gây tử vong cho người bệnh.

Ông Nguyễn Quý Đào (xã Hạ Mỗ, huyện Đan Phượng) đã điều trị bệnh cao huyết áp tại trạm y tế xã Hạ Mỗ được 10 năm nay. Vào ngày 21 hàng tháng, ông đều đến trạm y tế khám và lấy thuốc định kì.

Ông Nguyễn Quý Đào cho biết: "Trước kia tôi nghĩ bênh cao huyết áp không chữa trị ở trạm y tế, tôi mua thuốc ngoài hoặc lên bệnh viện cũng mất cả buổi sáng. Giờ khám ở trạm y tế rất thuận lợi".

Giống như ông Đào, thay vì điều trị ở bệnh viện đa khoa huyện, bà Nguyễn Thị Thảo (xã Hạ Mỗ, huyện Đan Phượng) cũng chuyển về khám chữa bệnh tại trạm y tế xã Tân Hội được 4 năm, vì bệnh tiểu đường của bà chỉ cần định kỳ, không bỏ thuốc, tuân thủ chế độ ăn uống là kiểm soát được và tránh chủ quan. Thế mạnh khi điều trị ở tuyến cơ sở là theo dõi sát sao tiền sử, cũng như diễn tiến bệnh của những người đã tới khám.

Bác sĩ Trần Thị Mai Hương, Trạm trưởng Trạm y tế xã Tân Hội (huyện Đan Phượng) cho biết: "Hiện tại Trạm Y tế xã có 165 bệnh nhân bị tiểu đường thường đến khám vào thứ 3 hàng tuần. Cái lợi với bênh nhân là gần nhà, giảm tải về kinh tế do không phải đi taxi đến bệnh viện, không phải chờ đợi lâu".

Thành phố Hà Nội đã bàn giao 30 Trung tâm Y tế trong đó cả phòng khám và các trạm Y tế trực thuộc Trung tâm về với quận, huyện, thị xã quản lý với sự ổn định về bộ máy, nhân sự và hoạt động chuyên môn như trước, đáp ứng công tác dự phòng, phòng chống dịch bệnh và chăm sóc sức khỏe cho người dân trên địa bàn.

Đài TH Hà Nội

https://hanoionline.vn/video/thuan-loi-khi-kham-chua-benh-o-tuyen-y-te-co-so-276762.htm

* 500 hội viên nông dân huyện Sóc Sơn được khám bệnh, cấp thuốc miễn phí

Thực hiện kế hoạch liên tịch giai đoạn 2023 - 2028, Hội Nông dân và Trung tâm Y tế huyện Sóc Sơn đã phối hợp tổ chức khám bệnh, tư vấn sức khỏe và cấp thuốc miễn phí cho hơn 500 cán bộ, hội viên nông dân của 26 xã, thị trấn.

Báo Kinh tế và đô thị

https://kinhtedothi.vn/500-hoi-vien-nong-dan-huyen-soc-son-duoc-kham-benh-cap-thuoc-mien-phi.html

* Chương Mỹ nâng cao kiến thức an toàn thực phẩm cho người dân

Thời gian qua, cùng với thanh tra, kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm, huyện Chương Mỹ đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức về Luật An toàn thực phẩm nhằm nâng cao nhận thức cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm và người dân trên địa bàn về an toàn thực phẩm.

Theo Phó Trưởng phòng Y tế huyện Chương Mỹ Nguyễn Minh Ngọc, hiện nay, trên địa bàn huyện có tổng số 3.847 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, 3 siêu thị và 23 chợ truyền thống. Trong đó, số cơ sở sản xuất, kinh doanh thuộc lĩnh vực công thương là 1.448; 1.065 cơ sở thuộc lĩnh vực nông nghiệp, 1.319 cơ sở thuộc lĩnh vực y tế. Xác định công tác an toàn thực phẩm có vai trò quan trọng bảo đảm sức khỏe cho người dân, hạn chế các vụ ngộ độc thực phẩm, từ đầu năm đến nay, huyện chỉ đạo các đơn vị, 32/32 xã, thị trấn tổ chức tuyên truyền, phổ biến quy định về an toàn thực phẩm với nhiều hình thức. Qua đó, phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, bảo vệ quyền lợi, sức khỏe người tiêu dùng; tuyên truyền nâng cao kiến thức, thái độ, thực hành về an toàn thực phẩm, đặc biệt trong các dịp cao điểm, lễ hội tập trung đông người.

Bên cạnh đó, huyện chỉ đạo các đơn vị: Phòng Y tế, Phòng Kinh tế phối hợp với Trung tâm Y tế huyện và các xã, thị trấn thường xuyên rà soát, nắm bắt, cập nhật kịp thời thông tin phục vụ quản lý đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn. Qua công tác tuyên truyền, vận động, các đơn vị chức năng tổ chức tập huấn kiến thức cho người dân, hộ gia đình, cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức cộng đồng trong việc chấp hành quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm, tạo chuyển biến căn bản trong sản xuất, kinh doanh, sử dụng thực phẩm an toàn, góp phần đưa tỷ lệ cơ sở không đạt vệ sinh an toàn thực phẩm qua kiểm tra giảm dần. Tình hình lưu thông hàng kém chất lượng, quá hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc cũng có xu hướng giảm so với những năm trước. Người tiêu dùng có ý thức hơn trong lựa chọn, sử dụng thực phẩm an toàn. Từ đầu năm 2024 đến nay, trên địa bàn huyện không có vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra.

Tuy nhiên, hiện nay, công tác quản lý an toàn thực phẩm trên địa bàn huyện còn khó khăn do số lượng cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm lớn nhưng đa số còn nhỏ lẻ, phân tán, biến động; nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh theo mùa vụ do kinh tế suy thoái... gây khó khăn cho công tác quản lý; nhân lực tại huyện và các xã, thị trấn được phân công theo dõi về an toàn thực phẩm đa số kiêm nhiệm; thiếu cán bộ chuyên trách, chuyên môn phù hợp, luôn thay đổi vị trí công tác.

Để tăng cường hơn nữa công tác quản lý an toàn thực phẩm, Phó Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ Đỗ Hoàng Anh Châu cho biết, từ nay đến cuối năm, huyện tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến kiến thức và pháp luật về an toàn thực phẩm. Trong đó, chú trọng Luật An toàn thực phẩm và các văn bản quy phạm liên quan nhằm thay đổi nhận thức, hành vi về an toàn thực phẩm trong cộng đồng; nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành và người dân trong thực hiện quy định về an toàn thực phẩm. Mặt khác, huyện nâng cao hơn nữa trách nhiệm, nhận thức tầm quan trọng của việc thực hiện quy định về vệ sinh cơ sở, trang thiết bị, dụng cụ chế biến thực phẩm, vệ sinh cá nhân, kiến thức, sức khỏe của người trực tiếp sản xuất, chế biến thực phẩm và người tiêu dùng. Qua đó, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý vi phạm về bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, hạn chế ngộ độc thực phẩm.

Báo Hà Nội mới

https://hanoimoi.vn/chuong-my-nang-cao-kien-thuc-an-toan-thuc-pham-cho-nguoi-dan-683056.html

 

 

PHẦN MỀM TÁC NGHIỆP

  Dịch vụ công trực tuyến

  Phần mềm Quản lý văn bản

  Phần mềm QLHS Một cửa 

  Phần mềm Một cửa (Mới)

  Tiếp nhận ý kiến công dân 

  Danh mục TTHC công 

  Tra cứu hồ sơ Một cửa 

  Thư điện tử TP Hà Nội 

  Thông tin người phát ngôn

Thống kê truy cập

Đang online: 357
Lượt truy cập trong tuần: 36547
Lượt truy cập trong tháng: 47826
Lượt truy cập trong năm: 2646498
Tổng số lượt truy cập: 46713886
Về đầu trang