Điểm báo

Điểm thông tin y tế trên báo chí ngày 4/10/2024
Ngày đăng 05/10/2024 | 09:26  | Lượt xem: 97

* Hà Nội: 95,7% người bệnh hài lòng với bệnh viện công lập:

Sở Y tế Hà Nội vừa công bố kết quả khảo sát, đánh giá tỷ lệ hài lòng của người bệnh quý III/2024, trong đó tỷ lệ hài lòng đối với khối bệnh viện là 95,7% và 96,6% khối Trung tâm Y tế (TTYT) (bao gồm 30 TTYT quận, huyện, thị xã và Trung tâm Cấp cứu 115.

Khảo sát tại 42 bệnh viện công lập, 43 bệnh viện ngoài công lập cho thấy mức độ hài lòng chung của người bệnh, người dân là 95,7%, trong đó khối bệnh viện công lập 95,3%, ngoài công lập 96,2%.

Cụ thể, tỷ lệ hài lòng của người bệnh nội trú ở khối bệnh viện công lập là 95,5%, khối bệnh viện ngoài công lập 98,8%. Người bệnh ngoại trú, có tỷ lệ hài lòng trung bình là 94,5% ở khối công lập và 98,7% khối ngoài công lập.  Tỷ lệ hài lòng chung của bà mẹ sinh con tại bệnh viện khối công lập 98,3% và khối ngoài công lập 92,5%.

Tổng điểm trung bình của người bệnh nội trú là 4,37 ở khối bệnh viện công lập và 4,70 khối ngoài công lập. Với người bệnh điều trị ngoại trú, ở khối bệnh viện công lập là 4,33 và ngoài công lập là 4,78. Đối với người bệnh tại khối TTYT có tỷ lệ hài lòng trung bình là 96,6%, tổng điểm trung bình là 4,63.

Trên cơ sở kết quả khảo sát đánh giá, Sở Y tế yêu cầu các bệnh viện và TTYT nghiêm túc thực hiện kế hoạch đánh giá hài lòng người bệnh năm 2024 của đơn vị; tiếp thu những ý kiến đóng góp của người bệnh, nghiên cứu đưa ra giải pháp khắc phục tồn tại, nâng cao chất lượng phục vụ tạo hài lòng người bệnh, so sánh với các quý trước.

Sở Y tế cũng kiến nghị Bộ Y tế nghiên cứu thay đổi hình thức đánh giá khảo sát sự hài lòng người bệnh thành đánh giá sự không hài lòng và nguyên nhân để có thể đưa ra các biện pháp khắc phục sớm và hiệu quả nhất.

Báo Kinh tế và đô thị

https://kinhtedothi.vn/ha-noi-95-7-guoi-benh-hai-long-voi-benh-vien-cong-lap.html

https://www.anninhthudo.vn/ha-noi-953-nguoi-benh-duoc-khao-sat-hai-long-voi-benh-vien-cong-post591505.antd

* Chuyển đối số ngành Y: Lợi đơn lợi kép cho người bệnh lẫn bác sĩ và bệnh viện

Thời gian qua, chuyển đổi số trong ngành Y tế diễn ra mạnh mẽ từ Trung ương đến địa phương, góp phần rút ngắn quá trình khám chữa bệnh mang đến sự hài lòng cho bệnh nhân, cũng như giảm tải áp lực công việc cho nhân viên y tế, bệnh viện.

Xây dựng bệnh viện thông minh

Với quyết tâm xây dựng y tế thông minh, ngành Y tế Phú Thọ là 1 trong 5 địa phương được vinh danh về thực hiện mạnh mẽ chuyển đổi số. Việc chuyển đổi số của ngành Y tế tỉnh Phú Thọ được triển khai đồng bộ hướng tới xây dựng bệnh viện thông minh từ việc triển khai hồ sơ sức khỏe cá nhân, bệnh án điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt, giải quyết thủ tục hành chính trên mạng.

Để đạt được mục tiêu đó, từ sớm, Sở Y tế đã chủ động tham mưu, đề xuất UBND tỉnh Phú Thọ ban hành Đề án ứng dụng tổng thể CNTT trong ngành Y tế giai đoạn 2019-2025. Ngay sau khi đề án được phê duyệt, Sở Y tế đã phối hợp với các đơn vị cung ứng dịch vụ CNTT và các cơ sở y tế trên địa bàn quyết liệt triển khai đồng bộ để thực hiện các mục tiêu.

Đến thời điểm này, công cuộc chuyển đổi số ngành Y tế của tỉnh Phú Thọ đã đạt được kết quả ấn tượng, với việc khởi tạo hồ sơ sức khỏe điện tử cho trên 98% người dân trong tỉnh. Cùng đó, việc triển khai App Bill hồ sơ sức khỏe điện tử trên điện thoại di động thông minh hoặc qua thẻ khám chữa bệnh thông minh, người dân có thể đặt lịch khám bệnh, theo dõi thông tin sức khỏe liên tục, cũng như kết nối với các thầy thuốc, chuyên gia để được tư vấn sức khỏe, tự bổ sung hoàn thiện thông tin, dữ liệu sức khỏe cá nhân.

Về hoạt động khám chữa bệnh, 100% cơ sở khám chữa bệnh tuyến tỉnh, huyện đã triển khai đồng bộ các phần mềm quản lý thông tin bệnh viện (HIS), hệ thống thông tin xét nghiệm (phần mềm LIS), truyền tải, xử lý và lưu trữ hình ảnh không in phim (PACS); tích hợp các phần mềm trên với phần mềm bệnh án điện tử (EMR). Bên cạnh đó, các văn bản đi, đến, giao việc, từ tuyến huyện trở lên đều được xử lý trên mạng internet, 100% áp dụng chữ ký số.

Chia sẻ tại Hội thảo “Chia sẻ kinh nghiệm triển khai hồ sơ bệnh án điện tử và thanh toán không dùng tiền mặt ở các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, Giám đốc Sở Y tế Phú Thọ Nguyễn Huy Ngọc cho biết, đến nay 18/18 Bệnh viện/Trung tâm Y tế công lập tuyến tỉnh/huyện và 1 bệnh viện tư nhân đã triển khai thành công Bệnh án điện tử, cơ bản bỏ bệnh án giấy. Ngành y tế tỉnh Phú Thọ đã triển khai quản lý kê đơn thuốc điện tử và bán thuốc theo đơn, 615 cơ sở và 2.428 người hành nghề dược được cấp mã liên thông; số đơn thuốc đã liên thông là gần 6,5 triệu đơn, qua đó, giúp cho việc quản lý chất lượng kê đơn thuốc, việc chấp hành bán thuốc theo đơn và xuất xứ, đường đi, giá cả, chất lượng của thuốc từng bước được minh bạch.

Toàn ngành đã triển khai liên thông dữ liệu khám, chữa bệnh vào hồ sơ sức khỏe điện tử. Đến nay đã thực hiện kết nối liên thông gần 7,2 triệu bản ghi dữ liệu khám chữa bệnh vào hồ sơ sức khỏe điện tử. Với việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong khám chữa bệnh giúp cán bộ, y bác sĩ chỉ cần tra cứu trên phầm mềm, mọi thông tin liên quan đến người bệnh đều có đầy đủ, từ tiền sử bệnh, những lần khám trước đó; thông tin thẻ BHYT được lưu trữ. Qua đó, rút ngắn thời gian tổng hợp, thống kê số liệu cho nhân viên y tế; việc báo cáo số liệu lên tuyến trên được thực hiện dễ dàng, kịp thời.

Mang đến sự hài lòng cho người dân

Nhằm giảm tải áp lực cho nhân viên y tế, cũng như tạo sự thuận lợi cho người dân đến khám chữa bệnh, Bệnh viện Đa khoa Đống Đa (Hà Nội) triển khai mô hình “KCB sử dụng sinh trắc học, KIOSK tự phục vụ". Với mô hình này, người bệnh tự đăng ký khám bệnh và thanh toán phí đăng ký khám nhanh chóng và dễ dàng thông qua sử dụng thông tin CCCD gắn chip, nhận diện khuôn mặt.

Là người bị bệnh đái tháo đường mãn tính, anh Nguyễn Hoàng Minh (51 tuổi, phường Thịnh Quang, quận Đống Đa, TP Hà Nội) thường phải đi khám sức khoẻ định kỳ. “Trước đây, tôi bị ám ảnh vì tình trạng xếp hàng chờ đợi và nhiều thủ tục hành chính mất rất nhiều thời gian. Nay với mô hình “KCB sử dụng sinh trắc học, KIOSK tự phục vụ" tôi chủ động được các thủ tục và giải quyết rất nhanh gọn, rút ngắn thời gian khám bệnh”, anh Minh chia sẻ.

Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn là bệnh viện tuyến I của Hà Nội có quy mô 870 giường bệnh, hơn 1.100 nhân viên y tế, với số lượng bệnh nhân khám, chữa bệnh mỗi ngày rất đông. Theo thống kê, năm 2022, 2023, trung bình mỗi năm số lượng bệnh nhân khám tại bệnh viện đạt hơn 560.000 lượt; trong đó trên 61.000 bệnh nhân điều trị nội trú, 16.000 ca phẫu thuật.

Nhằm giảm tải áp lực cho nhân viên y tế, rút ngắn thời gian làm thủ tục cho bệnh nhân, từ tháng 9/2023, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn đưa vào sử dụng hệ thống 5 kiosk đăng ký khám bệnh tự động sử dụng CCCD gắn chip và nhận diện khuôn mặt. Đến nay, trung bình mỗi ngày có hơn 1.000 lượt người bệnh đăng ký khám bệnh và thanh toán qua kiosk. Dự kiến đến cuối năm 2024 sẽ có khoảng 90% người dân sử dụng kiosk trong đăng ký khám bệnh và thanh toán viện phí tại bệnh viện.

Ngoài kiosk đăng ký khám bệnh tự động, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn cũng đã phát triển kho dữ liệu hệ thống thông tin quản lý chuyên ngành: App khám bệnh, bệnh án điện tử, app điều dưỡng, ứng dụng AI trong nội soi tiêu hóa và chẩn đoán hình ảnh.

Chuyển đổi số được đánh giá là một trợ thủ đắc lực đối với toàn bộ nhân viên y và dược, cũng như giúp người dân giảm bớt các thủ tục phiền hà khi đến bệnh viện. Ngày 22/12/2020, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 5316/QĐ-BYT phê duyệt chương trình chuyển đổi số y tế đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Với quan điểm lấy người dân làm trung tâm, các hoạt động chuyển đổi số y tế đã đưa ra các nội dung về phát triển nền tảng cho chuyển đổi số trong ngành y tế, phát triển kinh tế số trong ngành y tế và phát triển xã hội số trong ngành y tế.

Theo thông tin từ Bộ Y tế, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý khám bệnh, chữa bệnh và giám định thanh toán bảo hiểm y tế, khám, chữa bệnh từ xa, đến nay đã kết nối liên thông 99,5% cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên toàn quốc với hệ thống giám định của Bảo hiểm xã hội Việt Nam. 100% bệnh viện đã triển khai hệ thống thông tin bệnh viện (HIS); hầu hết bệnh viện đã triển khai phần mềm quản lý xét nghiệm (LIS); nhiều bệnh viện sử dụng hệ thống lưu trữ và truyền tải hình ảnh y tế (PACS) không in phim; hệ thống telehealth đã kết nối tới tất cả cơ sở y tế tuyến huyện.        

VOV

https://vov.vn/cong-nghe/chuyen-doi-so/chuyen-doi-so-nganh-y-loi-don-loi-kep-cho-nguoi-benh-lan-bac-si-va-benh-vien-post1125630.vov

* Bác sĩ sản khoa say mê sáng tạo vì sức khỏe nhân dân

Hơn 30 năm công tác trong ngành Y cũng là từng đó thời gian bác sĩ Chuyên khoa II Đỗ Xuân Vinh (Trưởng Khoa Đẻ thường A2, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội), gắn bó với chuyên ngành sản khoa. Luôn được đồng nghiệp, bệnh nhân yêu quý, kính trọng không chỉ bởi là người tận tụy trong công việc, vững vàng về chuyên môn, bác sĩ Vinh còn là tấm gương sáng về tinh thần tự học, có nhiều sáng kiến, sáng tạo mang lại giá trị thực tiễn cao, góp phần nâng cao công tác khám chữa bệnh, tạo niềm tin cho bệnh nhân.

Sáng kiến từ những trăn trở

Sinh ra và lớn lên ở Hưng Yên, ngay từ khi còn nhỏ, bác sĩ Đỗ Xuân Vinh đã ước mơ lớn lên sẽ trở thành một thầy thuốc giỏi, để chữa bệnh cứu người. Với ước mơ đó, anh đã không ngừng nỗ lực học tập, rèn luyện thi đỗ Đại học Y Hà Nội, chuyên ngành sản khoa. Nhiều năm trong nghề, với bác sĩ Vinh mỗi khi đón một sinh linh chào đời khỏe mạnh, thai phụ an toàn, là một lần nhân lên hạnh phúc.

Trong hơn 30 năm thực hiện nhiệm vụ của người thầy thuốc, bác sĩ Vinh không nhớ mình và đồng nghiệp đã trực tiếp cứu sống bao nhiêu bệnh nhân và đã bao nhiêu lần thực hiện các kỹ thuật chuyên khoa sâu để cứu chữa người bệnh thoát khỏi lưỡi hái “tử thần”. Song theo bác sĩ kể chưa một lần để xảy ra sai sót về chuyên môn và cũng chưa một lần bị bệnh nhân thắc mắc, hay khiếu kiện về tinh thần trách nhiệm của người thầy thuốc trong quá trình chữa trị bệnh.

Chia sẻ về ca bệnh điển hình, bác sĩ Vinh nhớ lại: Cuối tháng 9 vừa qua, anh cùng đồng nghiệp đã phẫu thuật thành công cho một trường hợp sản phụ nguy kịch sau sinh mổ. Theo đó, nữ sản phụ nhập viện trong tình trạng mất máu quá nhiều sau mổ đẻ lần đầu vì rau tiền đạo và rau bong non. Khi được chuyển tuyến đến Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội bệnh nhân đã trong trạng thái mạch nhỏ khó bắt, huyết áp tụt thấp khó xác định.

Ngay lập tức, Khoa Cấp cứu đã kích hoạt báo động đỏ toàn bệnh viện và nhanh chóng xác định đây là trường hợp cấp cứu sản khoa nặng, bệnh nhân đang trong tình trạng sốc mất máu, có nguy cơ tử vong nếu không can thiệp khẩn trương. Sau đó, bệnh nhân được chuyển thẳng lên phòng mổ.

Bác sĩ Vinh và đồng nghiệp vừa tiến hành hồi sức, truyền máu bổ sung vừa phẫu thuật kiểm tra nguyên nhân để cầm máu. Bệnh nhân được chẩn đoán chảy máu do tổn thương dập nát cơ thẳng to và đờ tử cung gây chảy máu rất nhiều vào ổ bụng. Ổ bụng có khoảng hơn 2.000ml máu. “Sau khoảng 1 giờ 30 phút giành giật sự sống cho người bệnh, ê kíp bác sĩ chũng tôi đã phẫu thuật thành công, cứu sống, bảo tồn được tử cung cho bệnh nhân”- bác sĩ Vinh kể lại.

Đây chỉ là một trong số rất nhiều ca bệnh nguy kịch được bác sĩ Vinh cùng đồng nghiệp đã cứu sống bệnh nhân ngay “cửa tử”. Đặc biệt, tại Khoa Đẻ, dù bận rộn với công việc chuyên môn, công tác quản lý nhưng bác sĩ Vinh luôn gương mẫu, say mê nghiên cứu, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật trong lĩnh vực chuyên ngành của mình.

Vừa qua, bác sĩ Vinh và đồng nghiệp còn có sáng kiến “Sử dụng xe đẩy cấp cứu chảy máu sau đẻ”, hỗ trợ đắc lực cho công tác chuyên môn tại đơn vị. Sáng kiến khi được ứng dụng vào thực tế, giúp tăng hiệu quả cấp cứu chảy máu sau đẻ, giảm tình trạng mất máu sau sinh và tăng khả năng hồi phục cho sản phụ. Đặc biệt, qua đó, góp phần tạo nên thương hiệu của Khoa nói riêng và xây dựng nền y học của Thành phố và cả nước ngày càng phát triển hiện đại, chuyên sâu, nâng tầm chất lượng chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.

Bác sĩ Vinh chia sẻ: “Từ thực tiễn thực hiện công tác chuyên môn tại Khoa Đẻ thường, hằng ngày tiếp đón hàng trăm bệnh nhân đến khám và điều trị, đối diện với nhiều ca bệnh khó, nguy kịch, nên lúc nào tôi cũng phải chăm chút công việc, trăn trở, tìm tòi những phương án hữu ích nhất để có thể để giúp người bệnh được an toàn, từ đó sáng kiến xe đẩy cấp cứu chảy máu sau đẻ được ra đời”.

Theo các chuyên gia y tế, với cấp cứu chảy máu sau đẻ, thời gian là rất quan trọng, việc đưa sáng kiến xe đẩy ứng dụng vào thực tế giúp giảm thời gian lấy thuốc, làm tăng hiệu quả cấp cứu chảy máu sau đẻ, giúp bảo tồn được tính mạng sản phụ. Sáng kiến này, không chỉ lợi về chuyên môn mà khi triển khai, nhân rộng còn rất lợi về kinh tế.

Theo đó, xe đẩy cấp cứu chảy máu sau đẻ với thiết kế đơn giản, tiện lợi, các thuốc và vật tư được sắp xếp gọn gàng, dễ dàng sử dụng với các nữ hộ sinh. Thời gian lưu điện của tủ lạnh mini có thể lên đến 12 giờ. Điều này giúp cho việc cấp cứu chảy máu sau đẻ không bị gián đoạn, đặc biệt trong trường hợp thời gian cấp cứu kéo dài hoặc đông bệnh nhân.

“Hơn nữa, các thành phần nguyên liệu để sản xuất xe đẩy cấp cứu chảy máu sau đẻ đều được sản xuất trong nước, nên giá thành thấp, có thể sản xuất đại trà và sử dụng rộng rãi ở các cơ sở sản khoa khác, không chỉ trên địa bàn thành phố Hà Nội mà trên cả nước” - bác sĩ Vinh nhấn mạnh.

“Truyền lửa” sáng tạo cho các thế hệ sau

Được biết bác sĩ Vinh đã mất nhiều thời gian nghiên cứu thực hiện, cũng như đưa sáng kiến trên vào hoạt động. Tuy nhiên, khi nhắc tới thành tích của mình bác sĩ Vinh khiêm tốn cho rằng: “Việc sáng kiến của tôi được áp dụng nhờ có sự động viên, tạo điều kiện từ Ban lãnh đạo Bệnh viện và đồng nghiệp hỗ trợ. Đó là công sức của tập thể, với tinh thần tất cả vì sự tiến bộ chung của đơn vị” - bác sĩ Vinh chia sẻ.

Đồng thời, vị trưởng Khoa này nhấn mạnh, mỗi sáng kiến, nghiên cứu của mình được ứng dụng chỉ là thành công nhỏ mà việc có thể “truyền lửa”, lan tỏa tinh thần say mê học tập, nghiên cứu cho đồng nghiệp, cho thế hệ y bác sĩ trẻ mới là thành công lớn. Với vai trò Trưởng Khoa, bác sĩ Vinh luôn khuyến khích nhân viên trong Khoa tích cực tham gia học tập, nghiên cứu khoa học; nỗ lực học tập, mạnh dạn ứng dụng các kỹ thuật mới, khó nhằm làm giảm bớt đau đớn, chi phí có thể cứu chữa mang lại sự sống cho bệnh nhân.

Niềm vui nối tiếp niềm vui, với sáng kiến “Sử dụng xe đẩy cấp cứu chảy máu sau đẻ” của bác sĩ Vinh và cộng sự sau khi đạt giải Nhất Hội thi Kỹ thuật sáng tạo tuổi trẻ ngành Y tế Hà Nội năm 2023; giải Nhất Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật toàn quốc lần thứ 17 (2022 - 2023), vừa qua lại tiếp tục được Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Thành phố Hà Nội tuyên dương “Sáng kiến, sáng tạo trong công nhân, viên chức, lao động Thủ đô”.

Vinh dự và tự hào khi được LĐLĐ Thành phố Hà Nội tuyên dương “Sáng kiến, sáng tạo trong công nhân, viên chức, lao động Thủ đô”, bác sĩ Vinh chia sẻ: “Bản thân tôi đánh giá rất cao các phong trào của Công đoàn Thủ đô về việc phát động các phong trào thi đua, vinh danh những người có thành tích trong lao động sản xuất. Đây là sự ghi nhận của tổ chức Công đoàn đối với người lao động trên toàn Thành phố”.

Đồng thời, bác sĩ Vinh cũng bày tỏ mong muốn công tác khen thưởng, tuyên dương “Sáng kiến, sáng tạo trong công nhân, viên chức, lao động Thủ đô sẽ được phát huy, duy trì. Đây chính là động lực cho cán bộ, viên chức, người lao động hăng say tìm tòi, phát huy khả năng, vận dụng kinh nghiệm và kiến thức đã tích lũy được để cải tiến trong làm việc, nâng cao hiệu quả và chất lượng công việc.

Với những cống hiến miệt mài trên hành trình thực hiện sứ mệnh chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân, bác sĩ Đỗ Xuân Vinh nhiều năm liền đều được công nhận là Chiến sĩ thi đua cơ sở; Bằng khen của Bộ Y tế, Sở Y tế Hà Nội; Bằng khen của LĐLĐ Thành phố… Bác sĩ Vinh thực sự là tấm gương sáng về sự nhiệt huyết, đam mê và cống hiến không ngừng nghỉ trong nghề y.

Phát biểu tại Hội nghị tuyên dương “Sáng kiến, sáng tạo trong công nhân, viên chức, lao động Thủ đô” và tôn vinh 10 doanh nghiệp tiêu biểu vì người lao động năm 2024, do LĐLĐ Thành phố tổ chức vừa qua, đồng chí Lê Đình Hùng, Ủy viên Ban Chấp hành Tổng LĐLĐ Việt Nam, Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ thành phố Hà Nội cho biết: Năm 2024, Thành phố đã có 95.523 sáng kiến được công nhận ở cấp cơ sở, 2.086 sáng kiến được công nhận ở cấp trên cơ sở. Từ 801 sáng kiến và đề tài khoa học được lựa chọn đề nghị từ cấp trên cơ sở, Hội đồng thi đua LĐLĐ Thành phố đã xét chọn và công nhận 100 công nhân lao động đạt danh hiệu “Sáng kiến, sáng tạo trong CNVCLĐ Thủ đô” năm 2024 và quyết định tặng Bằng khen của Ban Chấp hành LĐLĐ Thành phố cho 100 cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào “Lao động sáng tạo” năm 2024.

Những sáng kiến từ công nhâ, viên chức, lao động không chỉ nằm ở việc cải tiến kỹ thuật, nâng cao năng suất mà còn ở các sáng kiến liên quan đến tổ chức lao động, quản lý sản xuất, bảo vệ môi trường và đảm bảo an toàn lao động. Điều đáng trân trọng là phong trào sáng kiến không chỉ phát triển mạnh mẽ trong các ngành công nghiệp chủ lực như sản xuất, xây dựng, mà còn lan tỏa đến các lĩnh vực khác như giáo dục, y tế, văn hóa và dịch vụ. Hội nghị tuyên dương chính là sự ghi nhận, tôn vinh những nỗ lực, đóng góp của người lao động và doanh nghiệp. Đây cũng là thông điệp mạnh mẽ khẳng định rằng sự phát triển bền vững của Thủ đô và đất nước không thể tách rời trí tuệ, công sức của người lao động và sự đồng hành của doanh nghiệp.

Báo Lao Động thủ đô

https://laodongthudo.vn/bac-si-san-khoa-say-me-sang-tao-vi-suc-khoe-nhan-dan-178519.html

* Hà Nội: Thanh toán bằng ngân sách 22 dịch vụ cấp cứu ngoại viện, chăm sóc tại nhà

HĐND thành phố Hà Nội đã thông qua Danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước trong lĩnh vực khám bệnh, chữa bệnh y học gia đình chưa được quỹ bảo hiểm y tế thanh toán và cấp cứu ngoại viện của thành phố Hà Nội, trong phiên họp sáng 4-10.

Theo đó, Danh mục dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh y học gia đình chưa được quỹ bảo hiểm y tế thanh toán của thành phố Hà Nội có 3 dịch vụ: Quản lý, chăm sóc sức khỏe ban đầu thông qua tạo lập, cập nhật, quản lý hồ sơ sức khỏe điện tử cá nhân của người dân trên địa bàn; khám bệnh, tư vấn, dự phòng bệnh tật và nâng cao sức khỏe tại nhà; cấp cứu, chăm sóc tại nhà đối với người bệnh.

Cụ thể, cấp cứu, chăm sóc tại nhà đối với người bệnh gồm 18 hoạt động sau: Cấp cứu ngừng tuần hoàn; cầm máu (vết thương chảy máu); băng bó vết thương; cố định tạm thời người bệnh gãy xương chi; cố định cột sống cổ bằng nẹp cứng; cố định gãy xương sườn; thông đái; vỗ rung lồng ngực; xử trí loét do đè ép; đặt ống thông dạ dày; thụt tháo phân; ngâm rửa vết bỏng bằng nước mát sạch, băng ép trong sơ cấp cứu tổn thương bỏng kỳ đầu; xét nghiệm đường máu mao mạch; lấy mẫu xét nghiệm (máu, nước tiểu, phân...); tiêm trong các trường hợp cấp cứu, chống đau cho người bệnh ung thư; truyền dịch các trường hợp cấp cứu, chống đau cho người bệnh ung thư; thay băng; cắt chỉ.

Danh mục dịch vụ cấp cứu ngoại viện của thành phố Hà Nội gồm 4 dịch vụ: Hoạt động thường trực cấp cứu tại các địa điểm tổ chức các sự kiện, hội nghị (khi được yêu cầu); cấp cứu, xử trí tại chỗ không vận chuyển người bệnh (tính theo khoảng cách); cấp cứu ngoại viện và vận chuyển người bệnh (tính theo khoảng cách); xe cấp cứu đến hiện trường không đón được người bệnh (tính theo khoảng cách).

Báo Hà Nội mới

https://hanoimoi.vn/ha-noi-thanh-toan-bang-ngan-sach-22-dich-vu-cap-cuu-ngoai-vien-cham-soc-tai-nha-680252.html

https://kinhtedothi.vn/thanh-toan-bang-ngan-sach-trong-danh-muc-cap-cuu-cham-soc-nguoi-benh-tai-nha.html

* Hà Nội: kiểm soát chặt chẽ chất lượng thuốc, dược liệu lưu hành trên thị trường

UBND TP Hà Nội vừa có kế hoạch triển khai thực hiện Chiến lược quốc gia phát triển ngành Dược Việt Nam giai đoạn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn thành phố.

Để triển khai đồng bộ, hiệu quả, phù hợp với lợi thế, điều kiện thực tiễn và phát triển chung của thành phố về phát triển ngành Dược, kế hoạch xác định 6 nhóm nhiệm vụ.

Trong đó, thành phố sẽ nâng cao chất lượng hoạt động phân phối, cung ứng thuốc bảo đảm người dân có điều kiện tiếp cận, lựa chọn, sử dụng thuốc an toàn, hiệu quả, chất lượng với giá hợp lý; bảo đảm bảo thuốc được đáp ứng đầy đủ, kịp thời tại các cơ sở khám chữa bệnh.

Đáng chú ý, thành phố sẽ quản lý chặt chẽ việc cung ứng, đấu thầu, mua sắm thuốc tại các cơ sở khám chữa bệnh công lập trực thuộc; đẩy mạnh, khuyến khích sử dụng thuốc sản xuất trong nước tại các cơ sở khám chữa bệnh công lập trực thuộc.

Cùng với đó, bảo đảm đủ nhân sự làm công tác dược lâm sàng trong các cơ sở khám chữa bệnh; tăng cường hoạt động thông tin thuốc, dược lâm sàng, theo dõi phản ứng có hại của thuốc (ADR) tại các cơ sở y tế; cung cấp đầy đủ, chính xác các thông tin, hướng dẫn sử dụng thuốc cho cán bộ y tế và người bệnh. Đồng thời, đẩy mạnh hoạt động tư vấn về thuốc cho người sử dụng tại các cơ sở bán lẻ thuốc; hoạt động thông tin thuốc. Nâng cao chất lượng hoạt động của Hội đồng Thuốc và điều trị trong các cơ sở khám chữa bệnh, tăng cường vai trò tham gia của Dược sĩ lâm sàng. Triển khai ứng dụng công nghệ thông tin để kiểm soát, cảnh báo khi chỉ định thuốc; quản lý chặt chẽ hoạt động thông tin, quảng cáo thuốc.

Thành phố cũng đầu tư, nâng cấp về cơ sở vật chất, trang thiết bị, song song với việc đào tạo nâng cao năng lực nhân sự; phát triển Trung tâm Kiểm nghiệm vùng đủ năng lực kiểm soát toàn diện chất lượng các sản phẩm do Bộ Y tế cấp phép và quản lý lưu hành; nâng cao năng lực kiểm nghiệm; tăng cường lấy mẫu, kiểm tra chất lượng, kiểm soát chặt chẽ chất lượng thuốc, dược liệu lưu hành trên thị trường...

Liên quan đến phát triển cây dược liệu, thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền, thành phố sẽ xây dựng danh mục các loại cây dược liệu ưu tiên phát triển; phát triển và nuôi trồng các giống dược liệu có giá trị y tế và giá trị kinh tế cao; phát triển các vùng trồng dược liệu chuyên canh tập trung gắn với xây dựng hệ thống thu mua, bảo quản, sơ chế, chế biến và tiêu thụ.

Để thúc đẩy phát triển cây dược liệu, thành phố sẽ tập trung đào tạo, tập huấn nâng cao kỹ thuật cho cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật, người sản xuất về công nghệ trồng, chăm sóc, thu hái dược liệu và chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật trồng và chế biến cây dược liệu theo hướng GACP WHO; đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến thương mại và tiêu thụ sản phẩm cây dược liệu; xây dựng, duy trì và phát triển nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm; nâng cao năng lực, chất lượng trong khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền.

Ngoài ra, nâng cao năng lực của các cơ quan quản lý nhà nước về dược theo từng cấp tại địa phương; quản lý chặt chẽ hệ thống phân phối, cung ứng; tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm. Xử lý nghiêm các hành vi sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu, lưu thông, phân phối, cung ứng thuốc giả, thuốc kém chất lượng; tăng cường các biện pháp quản lý giá thuốc.

Đi đôi với các nhiệm vụ trên, thành phố sẽ triển khai thực hiện dịch vụ công trực tuyến toàn trình để giải quyết thủ tục hành chính trong lĩnh vực dược; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý kê đơn, bán thuốc theo đơn, sử dụng thuốc; khuyến khích triển khai các dự án về khoa học và công nghiệp dược trọng điểm…

Báo Kinh tế và đô thị

https://kinhtedothi.vn/ha-noi-kiem-soat-chat-che-chat-luong-thuoc-duoc-lieu-luu-hanh-tren-thi-truong.html

 

 

                                                      

 

 

 

PHẦN MỀM TÁC NGHIỆP

  Dịch vụ công trực tuyến

  Phần mềm Quản lý văn bản

  Phần mềm QLHS Một cửa 

  Phần mềm Một cửa (Mới)

  Tiếp nhận ý kiến công dân 

  Danh mục TTHC công 

  Tra cứu hồ sơ Một cửa 

  Thư điện tử TP Hà Nội 

  Thông tin người phát ngôn

Thống kê truy cập

Đang online: 570
Lượt truy cập trong tuần: 91380
Lượt truy cập trong tháng: 191465
Lượt truy cập trong năm: 3064579
Tổng số lượt truy cập: 47131967
Về đầu trang