Điểm báo

Điểm thông tin y tế trên báo chí ngày 5/10/2024
Ngày đăng 07/10/2024 | 09:03  | Lượt xem: 82

* Gần 3.000 vận động viên tham gia Hội khỏe ngành Y tế Hà Nội năm 2024

Ngày 4/10, tại Nhà thi đấu Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao quận Tây Hồ (TP Hà Nội), Công đoàn ngành Y tế Hà Nội tổ chức Lễ khai mạc Hội khỏe trong cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành Y tế Hà Nội năm 2024.

Tham dự khai mạc Hội khỏe có lãnh đạo Liên đoàn Lao động Thành phố Hà Nội, Công đoàn Y tế Việt Nam, Sở Y tế Hà Nội, Chủ tịch Công đoàn các đơvị trực thuộc và đông đảo các vận động viên, cổ động viên trong toàn ngành Y tế Hà Nội và người dân trên địa bàn.

Phát biểu ý kiến tại lễ khai mạc Hội khỏe, Phó Giám đốc Sở Y tế Trần Văn Chung nhấn mạnh: Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Mỗi người dân yếu ớt, tức là làm cho cả nước yếu ớt một phần, mỗi người dân khỏe mạnh, tức là góp phần làm cho cả nước mạnh khỏe. Dân cường thì nước thịnh, tôi mong đồng bào ta ai cũng gắng tập thể dục. Riêng tôi ngày nào cũng tập”.

Thực hiện lời dạy của Bác, trong những năm qua, ngành Y tế Thủ đô đã thường xuyên quan tâm và đầu tư phát triển các phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao quần chúng, từ đó các phong trào đã phát triển mạnh mẽ, được đông đảo cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong toàn ngành tích cực hưởng ứng tham gia.

Phong trào đã góp phần động viên, cổ vũ và mang lại cho người lao động những sân chơi thể thao hấp dẫn, bổ ích nhằm nâng cao sức khỏe, tạo ra đời sống văn hóa tinh thần lành mạnh. Đặc biệt, các hoạt động này đã tạo cho họ có thêm niềm vui, nghị lực vươn lên, lạc quan trong cuộc sống và sáng tạo, tận tuỵ để để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chuyên môn, tất cả vì sự nghiệp bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.

Hội khỏe ngành Y tế Hà Nội năm 2024 là hoạt động văn hóa thể thao thường niên của ngành Y tế Hà Nội được tổ chức từ cấp cơ sở tới cấp ngành. Đây là một minh chứng cho sự phát triển của phong trào đang ngày càng lên cao.

"Chúng ta đều rất vui mừng và nhận thấy, mặc dù đặc thù nhiệm vụ chuyên môn của ngành Y tế nhiều áp lực trong phòng, chống dịch Covid-19, cũng như trong công tác khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân, tuy nhiên, thời gian qua, các đơn vị trong ngành đã tích cực triển khai kế hoạch của ngành để tổ chức Hội khỏe từ cấp cơ sở thu hút đông đảo cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tham gia tạo không khí thi đua sôi nổi, tiêu biểu như: Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, đa khoa Xanh Pôn, đa khoa Hà Đông, đa khoa Đống Đa, các Trung tâm Y tế quận Long Biên, Hoàn Kiếm, huyện Chương Mỹ, Phú Xuyên…, với sự tham gia của hàng nghìn vận động viên" - Phó Giám đốc Sở Y tế Trần Văn Chung nói.

Hội khỏe trong cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành Y tế Thủ đô năm 2024 là hoạt động nổi bật của ngành Y tế Hà Nội chào mừng kỷ niệm 70 năm ngày giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024), đồng thời, cũng là ngày hội biểu dương sức mạnh đoàn kết của các đơn vị Y tế thủ đô nói riêng; đánh giá sự phát triển của công tác thể dục thể thao trong quần chúng trong cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và công tác giáo dục, luyện tập thể chất từ đó nâng cao sức khỏe, đời sống tinh thần lành mạnh cho cán bộ, viên chức, người lao động trong toàn ngành Y tế Thủ đô.

Phó Giám đốc Trần Văn Chung thay mặt lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội gửi lời cảm ơn tới lãnh đạo Liên đoàn lao động Thành phố, Công đoàn Y tế Việt Nam; Đảng ủy khối các cơ quan Thành phố Hà Nội đã luôn quan tâm, tạo điều kiện để phong trào văn hóa thể thao của ngành Y tế Hà Nội phát triển; hoan nghênh các đơn vị trong ngành đã tích cực hưởng ứng để Hội khỏe diễn ra theo đúng kế hoạch, đồng thời, đề nghị các trọng tài làm việc công tâm, khách quan và chính xác, các vận động viên thi đấu hết mình với tinh thần đoàn kết, trung thực và cao thượng, phấn đấu đạt thành tích cao nhất, góp phần để Hội khỏe thành công tốt đẹp.

Theo Ban tổ chức, Hội khỏe trong cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành Y tế Hà Nội năm 2024 được tổ chức trong hai ngày 4 và 5/10, với sự tham gia của 78 đơn vị trong ngành Y tế Hà Nội với gần 3.000 vận động viên đạt thành tích cao thông qua Hội khỏe cấp cơ sở được lựa chọn để tranh tài bốn môn thi đấu gồm: Bóng đá nam, cầu lông, bóng bàn, kéo co nam và nữ.

Báo Nhân dân

https://nhandan.vn/gan-3000-van-dong-vien-tham-gia-hoi-khoe-nganh-y-te-ha-noi-nam-2024-post834840.html

* Hà Nội chuyển giao các trung tâm y tế về Ủy ban nhân dân cấp quận quản lý

Chiều 4/10, UBND huyện Ứng Hòa (thành phố Hà Nội) phối hợp Sở Y tế Hà Nội tổ chức Hội nghị công bố quyết định tiếp nhận Trung tâm Y tế Ứng Hòa về trực thuộc huyện theo Quyết định số 4365/QĐ-UBND ngày 21/8/2024 của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội.

Phát biểu ý kiến hội nghị, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Ứng Hòa Nguyễn Tiến Thiết cho rằng: Trung tâm Y tế Ứng Hòa về trực thuộc Ủy ban nhân dân huyện quản lý sẽ bảo đảm sự đồng bộ cả về công tác Đảng và chính quyền. Đồng thời, yêu cầu Trung tâm Y tế Ứng Hòa sớm ổn định tổ chức bộ máy, tiếp tục phát huy kết quả đã đạt được, hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ mà các cấp giao; đơn vị sớm ổn định tổ chức bộ máy, tiếp tục phát huy kết quả đã đạt được, hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ các cấp giao.

Thay mặt Lãnh đạo Trung tâm Y tế Ứng Hòa, Giám đốc Đặng Anh Tuân gửi lời cảm ơn sâu sắc tới lãnh đạo Huyện ủy, Ủy ban nhân dân huyện Ứng Hòa đã luôn quan tâm, chỉ đạo kịp thời đến tập thể cán bộ, viên chức, người lao động Trung tâm Y tế. Đồng thời, hứa với lãnh đạo Huyện ủy, Ủy ban nhân dân huyện Ứng Hòa tập thể lãnh đạo, toàn thể cán bộ, viên chức, người lao động của Trung tâm luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, phấn đấu là một trong những ngọn cờ đầu của ngành Y tế Hà Nội về nâng cao công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân trong tình hình mới trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Ông Đặng Anh Tuân cho biết thêm, trong chín tháng đầu năm 2024, Trung tâm Y tế Ứng Hòa đã kiểm soát tốt các dịch bệnh như sốt xuất huyết, tay chân miệng, thủy đậu, ho gà, liên cầu lợn... không để dịch bệnh bùng phát và lây lan tại cộng đồng; công tác vệ sinh môi trường được bảo đảm, nhất là tại các địa phương bị ngập, úng do ảnh hưởng cơn bão số 3 vừa qua.

Về công tác khám, chữa bệnh, tính đến 31/8/2024, đã có 135 nghìn lượt người bệnh được khám và điều trị, tăng 8.264 lượt (đạt 106,5%) so với cùng kỳ năm 2023; tổng số bệnh án quản lý bệnh không lây nhiễm đã lập và quản lý là 6.159 bệnh án tăng huyết áp, 855 bệnh án đái tháo đường, trong đó tỷ lệ tái khám trung bình hàng tháng đạt từ 88% trở lên. Tổng số trẻ được cân đo trong Chiến dịch ngày vi chất dinh dưỡng đợt I năm 2024 đạt 99.3%; số phụ nữ đẻ được khám thai bốn lần trong 3 thai kỳ đạt 99,7 %.

Ngoài ra, Trung tâm Y tế Ứng Hòa còn phối hợp Hội Cựu chiến binh huyện, Huyện đoàn, Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn tổ chức khám sức khỏe cho các đối tượng chính sách, người có công với cách mạng nhân dịp kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2024), với hàng trăm đối tượng được khám, tư vấn về sức khỏe và cấp phát thuốc miễn phí.

Với sự nỗ lực của gần 400 cán bộ, viên chức, người lao động, trong nhiều năm qua Trung tâm Y tế Ứng Hòa luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, đã vinh dự được Chính phủ tặng thưởng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ (các năm 2020, 2021, 2022); nhiều tập thể, cá nhân của đơn vị đã được nhận các danh hiệu cao quý của Nhà nước, Chính phủ, Bằng khen của Bộ Y tế, Ủy ban nhân dân thành phố, Giấy khen của Ủy ban nhân dân huyện Ứng Hòa.

Trước đó, ngày 21/8/2024, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định số 4365/QĐ-UBND về chuyển các trung tâm y tế thuộc Sở Y tế về UBND các quận, huyện, thị xã quản lý. Theo báo cáo toàn thành phố Hà Nội có 30 trung tâm y tế quận, huyện, thị xã. Các trung tâm y tế thực hiện chức năng cung cấp dịch vụ chuyên môn, kỹ thuật về y tế dự phòng, khám bệnh, chữa bệnh, phục hồi chức năng, an toàn thực phẩm, dân số và các dịch vụ y tế khác theo quy định của pháp luật.

Hiện có 579 trạm y tế trực thuộc các Trung tâm y tế. Tổng số biên chế được giao của các Trung tâm y tế là 9.630 chỉ tiêu; số hiện có là 8.284 người, trong đó số bác sĩ là 1.288 người.

Đáng chú ý, mới đây tại Hội nghị bàn giao 30 trung tâm y tế thuộc Sở Y tế về Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã quản lý, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến đã yêu cầu Ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã tiếp nhận nguyên trạng Trung tâm y tế thuộc Sở Y tế; hướng dẫn trung tâm bố trí, sắp xếp đội ngũ viên chức và người lao động và thực hiện đầy đủ chế độ chính sách theo quy định... để sau khi chuyển giao các Trung tâm y tế sẽ tiếp tục phối hợp Sở Y tế làm tốt nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe, phục vụ nhân dân tại tuyến y tế cơ sở.

Báo Nhân dân

https://nhandan.vn/ha-noi-chuyen-giao-cac-trung-tam-y-te-ve-uy-ban-nhan-dan-cap-quan-quan-ly-post834880.html

* Hà Nội đảm bảo các điều kiện cho chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng sởi

Chiến dịch tiêm bổ sung vaccine sởi ở Hà Nội phấn đấu đạt mục tiêu trên 95% trẻ từ 1-5 tuổi chưa được tiêm đủ mũi vaccine theo quy định sẽ được tiêm 1 mũi vaccine phòng bệnh sởi-rubella.

Ngày 4/10, Sở Y tế-Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức hội nghị liên ngành về việc triển khai kế hoạch tiêm chủng vaccine phòng, chống dịch sởi trên địa bàn thành phố năm 2024.

Theo báo cáo tại hội nghị, giai đoạn từ năm 2012 đến 2024, dịch sởi trên địa bàn thành phố ghi nhận gia tăng trong năm 2014 và 2019. Cụ thể, năm 2014, toàn thành phố ghi nhận 1.741 trường hợp mắc sởi, năm 2019 là 1.765 trường hợp. Ngoài ra, số mắc sởi ghi nhận rải rác qua các năm như: 15 ca năm 2020; 2 ca năm 2021; 2022 có 1 ca; 2023 không ghi nhận. Tính từ đầu năm 2024 đến nay, toàn thành phố có 17 trường hợp mắc sởi, 0 tử vong.

Các chiến dịch tiêm bổ sung vaccine sởi đã giúp khống chế dịch hiệu quả. Kết quả tiêm chủng vaccine sởi đơn và sởi-rubella cho các đối tượng trong diện tiêm chủng năm 2019 đạt 97% đối với mũi 1 và 91% đối với mũi 2. Tương tự, năm 2020 đạt lần lượt là 98% và 95%; 2021 là 95% và 89%; 2022 là 100% và 73%; 2023 là 85% và 91%.

Năm 2024, chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng chống dịch sởi trên địa bàn thành phố được Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đưa ra tại Kế hoạch số 278/KH-UBND ngày 23/9/2024. Đối tượng được tiêm là trẻ từ 1-5 tuổi đang sống trên địa bàn Hà Nội và các nhân viên y tế có nguy cơ tại các cơ sở khám, chữa bệnh điều trị bệnh nhân sởi trên địa bàn thành phố chưa được tiêm đủ mũi theo quy định.

Mục tiêu đặt ra là trên 95% trẻ từ 1-5 tuổi đang sống trên địa bàn thành phố Hà Nội chưa được tiêm đủ mũi vaccine chứa thành phần sởi theo quy định được tiêm 01 mũi vaccine phòng bệnh sởi-rubella (MR).

Thời gian triển khai chiến dịch chính thức từ ngày 14/10. Phạm vi tại tất cả 579 xã, phường, thị trấn của 30 quận, huyện, thị xã trên toàn thành phố. Địa điểm tổ chức tiêm tại trạm y tế; trường mầm non, mẫu giáo, các điểm tiêm chủng lưu động khác tùy thuộc vào tình hình thực tế của địa phương.

Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương cho biết liên ngành y tế-giáo dục đã phối hợp chặt chẽ để chuẩn bị về mọi mặt cho chiến dịch tiêm chủng. Ưu tiên hàng đầu của thành phố là công tác an toàn, hiệu quả và chất lượng tiêm chủng.

Từ nay đến ngày 14/10, các đơn vị cần tập trung rà soát để 100% đối tượng trong diện tiêm chủng của chiến dịch được lập danh sách và thống kê theo quy định; Tăng cường công tác tập huấn, hướng dẫn chuyên môn y tế như điều tra đối tượng, cung ứng và bảo quản vaccine, tổ chức buổi tiêm chủng, giám sát và xử trí phản ứng sau tiêm chủng.../.

Báo Vietnamplus.vn

https://www.vietnamplus.vn/ha-noi-dam-bao-cac-dieu-kien-cho-chien-dich-tiem-chung-vaccine-phong-soi-post981193.vnp

https://hanoimoi.vn/17-ca-mac-ha-noi-trien-khai-chien-dich-tiem-vac-xin-soi-cho-tre-680298.html

https://kinhtedothi.vn/tu-ngay-14-10-ha-noi-chinh-thuc-trien-khai-chien-dich-tiem-vaccine-soi.html

* Đã có kết quả xét nghiệm mẫu nước ngọt phát miễn phí cho học sinh Trường THCS Bình Minh

Sự việc 13 học sinh Trường THCS Bình Minh (xã Bình Minh, huyện Thanh Oai, Hà Nội) có triệu chứng đau bụng, đau đầu, chóng mặt, buồn nôn… sau khi uống nước ngọt phát miễn phí ngoài cổng trường, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm thành phố đã gửi hai mẫu nước ngọt nghi ngờ đến Viện Kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia để thực hiện xét nghiệm và hiện đã có kết quả.

Hai mẫu sản phẩm học sinh đã sử dụng mà Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm thành phố gửi đến Viện Kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia gồm: Trà mật ong Boncha vị ô long đào (thể tích 450ml, trên nhãn sản phẩm có ghi thông tin cụ thể: Sản phẩm của Công ty cổ phần Uniben, số 32, VSIP II-A đường số 30, khu công nghiệp Việt Nam - Singapore II - A, phường Vĩnh Tân, thành phố Tân Uyên, tỉnh Bình Dương, có ngày sản xuất: 22-9-2024, hạn sử dụng: 22-9-2025, số tự công bố: 01/UNIBEN/2024 phù hợp theo QCVN 6-2:2010/BYT) và trà xanh hương ổi hồng chanh dây C2 (thể tích 450ml, sản phẩm của Công ty TNHH URC Việt Nam, số 42 VSIP Đại lộ Tự Do, khu công nghiệp Việt Nam - Singapore, phường An Phú, thành phố Thận An, tỉnh Bình Dương; sản xuất tại Công ty TNHH URC Việt Nam).

Kết quả kiểm nghiệm các chỉ tiêu đối với 2 mẫu trên đều đạt tiêu chuẩn.

Cụ thể, theo kết quả của Viện Kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia, cả hai mẫu sản phẩm nêu trên được kiểm nghiệm các chỉ tiêu hóa lý và vi sinh vật: Clositridium perdringens; Coliforms, E.coli, Pseudomanas aeruginosa và đều cho kết quả đạt tiêu chuẩn theo QCVN6-2:2010/BYT.

Vì vậy, xác định nguyên nhân khiến trẻ nhập viện không phải do ngộ độc sau khi uống nước ngọt. Ngoài ra, ngày 30-9, nhà trường không tổ chức ăn bán trú, vì vậy, nguyên nhân ngộ độc thực phẩm do ăn uống tại trường cũng bị loại trừ.

Theo đại diện Phòng Y tế huyện Thanh Oai, về các triệu chứng đau bụng, đau đầu, chóng mặt, buồn nôn mà các học sinh gặp phải sau khi uống nước ngọt miễn phí có thể do các em đã uống một lượng lớn nước ngọt.

Cụ thể, khi cơ thể tiêu thụ quá nhiều đường hoặc carbohydrate, tuyến tụy hoạt động mạnh để tạo ra insulin giúp phân hủy đường, điều chỉnh đường huyết. Lượng đường trong máu giảm đột ngột làm hạ đường huyết, dẫn đến các triệu chứng như: Buồn nôn, đau bụng, mệt mỏi, run rẩy, choáng váng, thay đổi tâm trạng và đau đầu.

Trước đó, như Báo Hànộimới đưa tin, khoảng 13h20’ ngày 30-9, tại cổng trường Trường THCS Bình Minh có một nhóm người lạ phát miễn phí sản phẩm Trà mật ong Boncha vị ô long đào cho học sinh, trong đó có 263 học sinh đã uống sản phẩm này.

Đến 22h cùng ngày, Bệnh viện đa khoa Thanh Oai tiếp nhận 13 học sinh có cùng triệu chứng đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, nôn, đến từ Trường THCS Bình Minh. Tại đây, các em này được chẩn đoán, theo dõi ngộ độc thực phẩm.

Sáng 1-10, sức khoẻ của 13 học sinh đều ổn định và được xuất viện.

Báo Hà Nội mới

https://hanoimoi.vn/da-co-ket-qua-xet-nghiem-mau-nuoc-ngot-phat-mien-phi-cho-hoc-sinh-truong-thcs-binh-minh-680336.html

https://kinhtedothi.vn/cong-bo-ket-qua-kiem-nghiem-vu-nghi-ngo-doc-sau-khi-uong-nuoc-ngot.html

* Kiểm tra đột xuất về an toàn thực phẩm: Kịp thời ngăn chặn thực phẩm bẩn

Vệ sinh an toàn thực phẩm luôn là vấn đề “nóng” diễn ra hằng ngày, hằng giờ, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng. Thời gian qua, các địa phương trên địa bàn thành phố Hà Nội đã vào cuộc quyết liệt, tăng cường thanh tra, kiểm tra nhằm giảm nguy cơ mất an toàn thực phẩm.

Ngoài các cuộc kiểm tra định kỳ và đột xuất, công tác hậu kiểm cũng được tăng cường. Qua đó, kịp thời phát hiện thực phẩm không bảo đảm an toàn, cơ sở tồn tại vi phạm, chưa tuân thủ đầy đủ quy trình chế biến...

Chuyển biến nhưng còn vi phạm

Trưởng phòng Y tế huyện Mỹ Đức Trần Ngọc Tráng cho biết, trong 9 tháng năm 2024, để giám sát an toàn thực phẩm, ngoài công tác tuyên truyền, các đơn vị chức năng đẩy mạnh việc kiểm tra thường xuyên, đột xuất các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Theo đó, Ban Chỉ đạo an toàn thực phẩm từ tuyến huyện đến xã, thị trấn đồng loạt ra quân tổ chức kiểm tra công tác bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn. Tổng số cơ sở được kiểm tra là 433 cơ sở, trong đó, tuyến huyện kiểm tra 86 cơ sở; tuyến xã, thị trấn kiểm tra 347 cơ sở. Trong quá trình kiểm tra đã phát hiện xử lý vi phạm 14 cơ sở; số tiền xử lý vi phạm hơn 27,7 triệu đồng. Lỗi vi phạm chủ yếu là không bảo đảm vệ sinh trong và ngoài khu vực chế biến, kinh doanh thực phẩm; mang/mặc trang phục bảo hộ lao động không đầy đủ; thiếu giá kệ chứa thực phẩm…

Tương tự, từ đầu năm đến nay, huyện Thanh Trì chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức thông qua hệ thống đài truyền thanh, băng rôn, tờ rơi an toàn thực phẩm. Theo Trưởng phòng Y tế huyện Thanh Trì Nguyễn Tiến Trung, cùng với tuyên truyền, huyện phối hợp với các ngành chức năng triển khai biện pháp kiểm soát chặt chẽ hàng hóa lưu thông và các hộ tư nhân kinh doanh phụ gia thực phẩm, hóa chất bảo vệ thực vật, vật tư nông nghiệp... Hoạt động thanh tra, kiểm tra và giám sát được thực hiện hiệu quả, góp phần kiểm soát an toàn thực phẩm trong quá trình sản xuất, phân phối, kinh doanh thực phẩm. Toàn huyện đã thành lập 64 đoàn kiểm tra liên ngành, kiểm tra 1.111 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, xử phạt hành chính 33 cơ sở với số tiền là 177,79 triệu đồng.

Thực tế kiểm tra việc chấp hành quy định về an toàn thực phẩm từ đầu năm đến nay, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội Đặng Thanh Phong đánh giá, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm về cơ bản chấp hành nghiêm quy định về Luật An toàn thực phẩm và quy định về quá trình tham gia chế biến thực phẩm. Qua kiểm tra, các cơ quan chức năng vẫn phát hiện cơ sở chưa thực hiện nghiêm nguyên tắc vệ sinh, an toàn thực phẩm như: Chưa tuân thủ đầy đủ việc kiểm thực 3 bước và lưu mẫu thức ăn; đeo đồ trang sức trong quá trình chế biến thực phẩm; người chế biến thực phẩm không kiểm tra sức khỏe định kỳ; khu vực sản xuất, chế biến không bảo đảm nguyên tắc một chiều... Tại thời điểm kiểm tra, các đoàn kiểm tra yêu cầu xử lý nghiêm vi phạm, thậm chí đề nghị cơ sở phải tạm thời dừng hoạt động để khắc phục ngay tồn tại, xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật.

Quản lý chặt chẽ an toàn thực phẩm

Để triển khai hiệu quả công tác bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn, huyện Thạch Thất tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến kiến thức và pháp luật về an toàn thực phẩm. Cùng với đó, huyện tăng cường phối hợp liên ngành trong thanh tra, kiểm tra, kiểm soát chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm đối với cơ sở kinh doanh, chế biến thực phẩm. Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, huyện yêu cầu các đơn vị, xã, thị trấn quản lý chặt chẽ việc thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm tại cơ sở chế biến, kinh doanh thực phẩm và dịch vụ ăn uống, bếp ăn tập thể trong các ngày lễ kỷ niệm, sự kiện lớn của huyện; huy động sự tham gia của các tổ chức xã hội, các tổ chức đoàn thể, nhân dân trong bảo đảm chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm; tạo điều kiện để cơ sở kinh doanh tham gia đầu tư sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm an toàn...

Còn Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Phúc Thọ Kiều Trọng Sỹ thông tin, huyện đã yêu cầu chính quyền địa phương tăng cường công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực bảo đảm an toàn thực phẩm từ khâu cấp phép, quản lý, thanh tra, kiểm tra cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm; kiên quyết xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân vi phạm. Các ngành, đoàn thể, địa phương, người dân cần xem công tác bảo đảm an toàn thực phẩm là nghĩa vụ, trách nhiệm, góp phần bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới, tuyệt đối không để xảy ra ngộ độc thực phẩm trên địa bàn.

Từ nay đến cuối năm 2024, nhu cầu tiêu dùng thực phẩm của người dân tăng cao, để bảo đảm an toàn thực phẩm, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội Đặng Thanh Phong cho biết, Chi cục đã đề nghị đoàn kiểm tra của các địa phương tăng cường công tác kiểm tra an toàn thực phẩm, tập trung kiểm tra hậu kiểm, kiểm tra đột xuất, xử phạt vi phạm hành chính về lĩnh vực an toàn thực phẩm. Ngoài ra, các cấp, ngành và chính quyền địa phương phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế đẩy mạnh tuyên truyền công tác an toàn thực phẩm tại cơ sở, khuyến khích các tổ chức, cá nhân sản xuất sản phẩm, chuỗi thực phẩm an toàn.

Về phía người tiêu dùng, cần quan tâm hơn đến chất lượng thực phẩm, thận trọng hơn trong lựa chọn thực phẩm, chỉ mua sản phẩm rõ nguồn gốc để bảo đảm an toàn sức khỏe cho bản thân và gia đình.

Báo Hà Nội mới

https://hanoimoi.vn/kiem-tra-dot-xuat-ve-an-toan-thuc-pham-kip-thoi-ngan-chan-thuc-pham-ban-680371.html

 

 

PHẦN MỀM TÁC NGHIỆP

  Dịch vụ công trực tuyến

  Phần mềm Quản lý văn bản

  Phần mềm QLHS Một cửa 

  Phần mềm Một cửa (Mới)

  Tiếp nhận ý kiến công dân 

  Danh mục TTHC công 

  Tra cứu hồ sơ Một cửa 

  Thư điện tử TP Hà Nội 

  Thông tin người phát ngôn

Thống kê truy cập

Đang online: 421
Lượt truy cập trong tuần: 64673
Lượt truy cập trong tháng: 8540
Lượt truy cập trong năm: 2607212
Tổng số lượt truy cập: 46674600
Về đầu trang