Điểm báo

Điểm thông tin y tế trên báo chí ngày 7/10/2024
Ngày đăng 08/10/2024 | 10:11  | Lượt xem: 61

 

* Hà Nội tăng 23 ổ dịch sốt xuất huyết mới, 1 ổ dịch tay chân miệng, 4 trẻ mắc sởi…

Số ca mắc sốt xuất huyết và số ổ dịch mới đều gia tăng ở Hà Nội trong tuần vừa qua. Một số dịch bệnh truyền nhiễm khác như sởi, ho gà… cũng có số mắc tăng.

Sáng 7-10, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội có báo cáo cho biết, trong tuần qua (từ ngày 27-9 đến ngày 3-10), toàn thành phố ghi nhận 284 ca mắc sốt xuất huyết (SXH), tăng 5 trường hợp so với tuần trước đó. Đồng thời, ghi nhận 23 ổ dịch SXH mới tại 13 quận, huyện.

Bệnh nhân SXH ghi nhận nhiều tại các địa phương như: Đan Phượng, Thanh Xuân, Hà Đông; Chương Mỹ; Bắc Từ Liêm, Thạch Thất; Hoàng Mai; Đống Đa…

Về bệnh tay chân miệng, trong tuần qua tại Hà Nội ghi nhận 41 trường hợp mắc, giảm 24 trường hợp so với tuần trước. Tuy vậy, đã ghi nhận thêm 1 ổ dịch tại thị trấn Tây Đằng, huyện Ba Vì với 2 ca mắc.

Một dịch bệnh khác đang “nóng” lên thời điểm này là bệnh sởi. Tuần qua, Hà Nội ghi nhận 4 trường hợp mắc sởi, trong đó có 2 trường hợp chưa được tiêm chủng và 2 trường hợp đã tiêm vaccine sởi. Đây đều là trẻ nhỏ, từ 9 đến 21 tháng tuổi.

Ngoài ra, trong tuần qua, Hà Nội ghi nhận 3 trường hợp ho gà tại Đông Anh, Nam Từ Liêm, Tây Hồ; tăng 2 trường hợp so với tuần trước. Bệnh uốn ván ghi nhận 2 trường hợp mắc tại huyện Đan Phượng (nam, 56 tuổi) và tại huyện Thanh Trì (nam, 63 tuổi)…

CDC Hà Nội nhận định tình hình dịch, số mắc SXH có thể gia tăng nhanh trong thời gian tới do đang ở giai đoạn cao điểm dịch SXH hàng năm. Bệnh sởi bắt đầu có xu hướng gia tăng; các bệnh tay chân miệng, ho gà… ghi nhận rải rác, không có ổ dịch phức tạp.

Báo An ninh thủ đô

https://www.anninhthudo.vn/ha-noi-tang-23-o-dich-sot-xuat-huyet-moi-1-o-dich-tay-chan-mieng-4-tre-mac-soi-post591802.antd

https://nhandan.vn/tang-cuong-giam-sat-dieu-tra-dich-te-cac-benh-truyen-nhiem-tren-dia-ban-thanh-pho-ha-noi-post835256.html

* Đã ghi nhận hơn 79.700 ca sốt xuất huyết, ở chung cư cao tầng có bị bệnh này không?

Mặc dù số ca mắc sốt xuất huyết năm nay giảm so với cùng kỳ, tuy nhiên với điều kiện môi trường sau bão lũ, nguy cơ gia tăng các ca mắc sốt xuất huyết là hiện hữu.

Số ca mắc sốt xuất huyết và tử vong đều giảm, nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ tăng

Theo thống kê mới nhất, tích lũy từ đầu năm đến cuối tháng 9, cả nước ghi nhận 79.727 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 12 ca tử vong; so với cùng kỳ năm 2023, số mắc giảm 15,5%, số tử vong giảm 14 ca…

Mặc dù số ca mắc sốt xuất huyết giảm, tuy nhiên với điều kiện môi trường sau bão lũ tại các tỉnh phía Bắc, mưa bão ở miền Trung và mùa mưa ở miền Nam, nguy cơ gia tăng các ca mắc sốt xuất huyết là hiện hữu.

Theo tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội, cộng dồn từ đầu năm 2024 đến cuối tháng 9/2024, thành phố ghi nhận gần 3.000 trường hợp sốt xuất huyết (giảm hơn 71% so với cùng kỳ năm 2023) và chưa có ca tử vong. Cộng dồn từ đầu năm đến nay đã ghi nhận 142 ổ dịch sốt xuất huyết. Hiện còn 18 ổ dịch đang hoạt động.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hà Nội nhận định, dịch sốt xuất huyết hiện đã bắt đầu bước vào giai đoạn cao điểm của dịch hằng năm (diễn ra từ tháng 9 đến tháng 11). Với điều kiện thời tiết diễn biến phức tạp, khó lường kết hợp mưa nhiều như hiện nay tạo điều kiện thuận lợi cho sự sinh sản và phát triển của muỗi truyền bệnh.

Kết quả giám sát tại một số ổ dịch tuần qua vẫn ghi nhận chỉ số côn trùng cao vượt ngưỡng nguy cơ. Do đó, dự báo số ca mắc sốt xuất huyết sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới.

Theo chia sẻ của PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến - nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế, sốt xuất huyết đang ngày càng trở nên nguy hiểm, ảnh hưởng đến nhiều khu vực với những biến động khó lường. Tổ chức Y tế thế giới đã đánh giá đây là một trong những mối đe dọa hàng đầu. Do đó, cần bổ sung các biện pháp phòng tránh chủ động hơn.

Ở chung cư cao tầng có bị sốt xuất huyết không?

Liên quan đến phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết, có những ý kiến cho rằng ở chung cư cao tầng không có muỗi nên ngủ không cần mắc màn, tuy nhiên theo PGS.TS Trần Đắc Phu - nguyên Cục trưởng Cục y tế dự phòng (Bộ Y tế), đây là sự chủ quan khiến nhiều người có thể mắc bệnh sốt xuất huyết do bị muỗi đốt.

Theo chuyên gia, trước hết phải thừa nhận ở chung cư tầng cao sẽ ít muỗi hơn so với ở nhà mặt đất. Tuy nhiên, đối với sốt xuất huyết, dù ở nhà mặt đất hay ở chung cư cao tầng đều có nguy cơ mắc bệnh, nếu bị muỗi mang mầm bệnh đốt. Bởi thực tế, muỗi vằn truyền bệnh sốt xuất huyết là loại sống trong nhà, có thể bay được trong bán kính 200 mét. Kể cả ở chung cư, muỗi cũng có thể bay từ tầng thấp lên tầng cao, bay từ nhà này sang nhà khác. Có thể muỗi theo người vào thang máy, rồi đi lên các tầng.

Một vấn đề nữa người dân ở chung cư cũng hết sức chú ý, đó là việc các căn hộ ở chung cư thường có thói quen làm bể cá trong nhà, trồng hoa, trồng rau trong thùng xốp, khay nhựa và có để các dụng cụ chứa nước đọng như đồ chứa nước thải điều hòa, nước thải máy lọc nước... Đây chính là điều kiện để muỗi sinh sản và phát triển ngay tại căn hộ của gia đình.

Thông thường, khi có ánh sáng muỗi sẽ lẩn trốn ở những góc khuất, tối..., khi tắt điện, muỗi sẽ ra ngoài và nếu ngủ không mắc màn sẽ bị đốt. Như vậy, nguy cơ bị muỗi mang mầm bệnh sốt xuất huyết truyền sang là rất lớn.

Chuyên gia nhấn mạnh, việc ngủ mắc màn không chỉ giúp phòng được muỗi đốt, mà còn tránh được cả các loại côn trùng khác nếu có. Bởi vậy, dù ở đâu cũng nên tạo thói quen mắc màn trước khi đi ngủ.

Ngoài việc ngủ phải mắc màn, những người ở chung cư nói riêng và toàn bộ người dân nói chung cần phải vệ sinh nơi ở gọn gàng, sạch sẽ; Đối với trẻ em nên mặc quần áo sáng màu, dùng tã quần xua muỗi; Dùng các sản phẩm xua muỗi có hương sả tự nhiên, an toàn khi sinh hoạt ngoài trời, đặc biệt vào buổi tối; Lật úp các dụng cụ chứa nước xung quanh nơi ở, thay nước ở lọ hoa, diệt loăng quăng/bọ gậy để phòng chống sốt xuất huyết.

Cũng liên quan đến dịch sốt xuất huyết, Tổ chức Y tế thế giới vừa khởi động Kế hoạch chuẩn bị, sẵn sàng và ứng phó chiến lược toàn cầu (SPRP) để giải quyết bệnh sốt xuất huyết và các loại arbovirus khác do muỗi Aedes truyền. Bằng cách thúc đẩy phản ứng phối hợp toàn cầu, Kế hoạch nhằm giảm gánh nặng bệnh tật, tử vong do sốt xuất huyết và các bệnh do arbovirus khác do muỗi Aedes truyền như Zika và Chikungunya…

Kế hoạch nêu rõ các hành động ưu tiên để kiểm soát sự lây truyền và đưa ra các khuyến nghị cho các quốc gia bị ảnh hưởng trên nhiều lĩnh vực khác nhau, bao gồm giám sát dịch bệnh, hoạt động xét nghiệm, kiểm soát véc tơ, gắn kết cộng đồng, quản lý lâm sàng, nghiên cứu và phát triển, thông qua cách tiếp cận toàn xã hội và khu vực.

Theo ước tính, có khoảng 4 tỷ người có nguy cơ nhiễm arbovirus trên toàn thế giới và con số này ước tính sẽ tăng lên 5 tỷ vào năm 2050. Các trường hợp mắc sốt xuất huyết đã tăng vọt trên tất cả sáu khu vực của WHO và số ca mắc đã tăng gấp đôi mỗi năm kể từ năm 2021. Tính đến cuối tháng 8/2024, với hơn 12,3 triệu ca - gần gấp đôi so với 6,5 triệu ca được báo cáo trong cả năm 2023.

Sốt xuất huyết lưu hành ở các vùng khí hậu nhiệt đới và cận nhiệt đới, đặc biệt là ở Đông Nam Á, Tây Thái Bình Dương, Châu Mỹ và cũng đáng lo ngại ở Châu Phi...

Báo Sức khỏe và đời sống

https://suckhoedoisong.vn/da-ghi-nhan-hon-79700-ca-sot-xuat-huyet-o-chung-cu-cao-tang-co-bi-benh-nay-khong-169241007105651328.htm

* Hà Nội- Thủ đô “ Văn hiến- Văn minh- Hiện đại sau 70 năm giải phóng

70 năm kể từ ngày giải phóng (10-10-1954), Đảng bộ và nhân dân Hà Nội luôn đoàn kết một lòng, không ngừng đối mới, nỗ lực phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, nâng cao đời sống của nhân dân...

Y tế Hà Nội đã có bước phát triển vững chắc, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân...

Ngày 8/9/2024, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang (Hà Nội) chính thức ghi tên mình trên bản đồ ghép tạng Việt Nam bằng việc thực hiện thành công ca ghép thận đầu tiên cho một bệnh nhân nữ ở Tuyên Quang...

https://www.vietnamplus.vn/ha-noi-thu-do-van-hien-van-minh-hien-dai-sau-70-nam-giai-phong-post981620.vnp

* Hàng chục nghìn học sinh sẽ được khám mắt miễn phí

Lễ phát động Chương trình vì sức khỏe cộng đồng “Mắt khoẻ ngời sáng tương lai” được tổ chức sáng 7/10, tại Trường tiểu học Hoàng Diệu, Hà Nội.

Chương trình do Trung tâm Truyền thông - Giáo dục sức khỏe Trung ương (Bộ Y tế) phối hợp với Bệnh viện Mắt Trung ương tổ chức nhằm hưởng ứng Ngày thị giác Thế giới 10/10/2024 với chủ đề “Nâng cao chăm sóc mắt trẻ em”.

Tham gia buổi lễ có đại diện Lãnh đạo Bộ Y tế và một số đơn vị thuộc, trực thuộc; Sở Y tế Hà Nội; UBND quận Ba Đình; lãnh đạo một số trường tiểu học, mầm non trên địa bàn Hà Nội; các thầy cô giáo, hơn 1.200 học sinh Trường Tiểu học Hoàng Diệu, Trường mầm non Hoa Hướng Dương và phụ huynh học sinh.

Đây là Chương trình truyền thông nhằm nâng cao ý thức của cộng đồng về việc chăm sóc và bảo vệ đôi mắt khoẻ cho thế hệ trẻ Việt Nam; chia sẻ các kiến thức về lợi ích, hiệu quả của việc chăm sóc, bảo vệ đôi mắt cho thế hệ tương lai đúng cách. Qua đó, giúp trẻ em trong lứa tuổi mầm non, tiểu học hình thành những thói quen sinh hoạt tốt, lành mạnh để bảo vệ sức khỏe của đôi mắt cho cá nhân và cộng đồng.

Phát biểu tại buổi lễ, bà Nguyễn Thị Liên Hương, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết: Theo khảo sát về tình trạng mắc tật khúc xạ ở trẻ em trên một số cơ sở giáo dục tại Hà Nội (năm 2020) và tại Hồ Chí Minh (năm 2023) của Bệnh viện Mắt Trung ương, tại Hà Nội có 51% trẻ em mắc tật khúc xạ, trong đó cận thị chiếm 37,5%, viễn thị chiếm 8,2% và loạn thị là 5,3%. Tại TP. Hồ Chí Minh, tỷ lệ trẻ em mắc tật khúc xạ lên tới 75,6%, trong đó, số trẻ em bị cận thị chiếm 52,7%.

Một trong những chỉ tiêu về chăm sóc sức khỏe trẻ em và học sinh được đề ra tại Kế hoạch Chương trình sức khỏe Việt Nam giai đoạn 2021-2025 của Bộ Y tế là “Tăng tỷ lệ học sinh được tầm soát phát hiện giảm thị lực, được kê đơn kính và được hướng dẫn rèn luyện thị lực lên 40% vào năm 2025”.

Chương trình “Mắt khỏe ngời sáng tương lai” có mục tiêu truyền thông lan tỏa thông điệp về vai trò quan trọng của việc bảo vệ đôi mắt khỏe; qua đó cùng chung tay với các bậc phụ huynh và nhà trường trong bảo vệ, chăm sóc sức khỏe đôi mắt cho trẻ thơ.

Trong khuôn khổ Chương trình, sẽ tổ chức chăm sóc mắt miễn phí cho hàng chục nghìn học sinh tại 20 trường tiểu học và mầm non trên địa bàn Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.

Báo Giáo dục thời đại

https://giaoducthoidai.vn/hang-chuc-nghin-hoc-sinh-se-duoc-kham-mat-mien-phi-post703742.html

 

PHẦN MỀM TÁC NGHIỆP

  Dịch vụ công trực tuyến

  Phần mềm Quản lý văn bản

  Phần mềm QLHS Một cửa 

  Phần mềm Một cửa (Mới)

  Tiếp nhận ý kiến công dân 

  Danh mục TTHC công 

  Tra cứu hồ sơ Một cửa 

  Thư điện tử TP Hà Nội 

  Thông tin người phát ngôn

Thống kê truy cập

Đang online: 214
Lượt truy cập trong tuần: 5835
Lượt truy cập trong tháng: 210316
Lượt truy cập trong năm: 2325527
Tổng số lượt truy cập: 46392915
Về đầu trang