Điểm báo

Điểm thông tin y tế trên báo chí ngày 8/10/2024
Ngày đăng 09/10/2024 | 10:27  | Lượt xem: 50

 

* Một tháng, BVĐK Đức Giang thực hiện thành công 5 ca ghép thận

Chiều nay - 7/10, TS.BSCK II Nguyễn Tri Thức - Thứ trưởng Bộ Y tế đã đến tham dự, phát biểu chúc mừng 61 năm thành lập BVĐK Đức Giang và trao Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Y tế cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc đột xuất trong lấy, ghép mô tạng của bệnh viện.

TS Nguyễn Văn Thường - Giám đốc BVĐK Đức Giang cho biết, trước nhu cầu khám chữa bệnh ngày càng cao của người bệnh nhiều năm qua, bệnh viện rất nỗ lực, cố gắng phát triển chuyên môn kỹ thuật, coi đây là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu và xuyên suốt.

"Chúng tôi tập trung phát triển chuyên môn theo định hướng chuyên khoa sâu, kỹ thuật cao, công nghệ tiên tiến phù hợp với nhu cầu khám chữa bệnh, xu hướng phát triển lấy người bệnh làm trung tâm, đáp ứng mô hình bệnh tật ngày càng phức tạp.

Cùng đó, bệnh viện tích cực, chủ động cử bác sĩ trẻ đi đào tạo nâng cao văn bằng và tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật; tăng cường đầu tư mua sắm trang thiết bị hiện đại để phát triển kỹ thuật cao, chuyên khoa sâu"- TS.BS Nguyễn Văn Thường nói.

Các thầy thuốc BVĐK Đức Giang đã làm chủ một số kỹ thuật về chuyên khoa tim mạch như kỹ thuật chụp, can thiệp đặt stent mạch vành; siêu âm tim 3D, đo chỉ số huyết áp cánh tay, cổ tay (ABI), điều trị đột quỵ nhồi máu cơ tim cấp cũng đã được thực hiện thường xuyên;

Lọc máu, thở máy xâm nhập, bơm Surfactant cho trẻ điều trị sơ sinh suy hô hấp, đặt catheter tĩnh mạch rốn- động mạch rốn cho bệnh nhi nặng, đặt longline cho trẻ đẻ non cần nuôi dưỡng lâu dài...

Trong lĩnh vực điện quang can thiệp, BVĐK Đức Giang đang thực hiện thường qui kỹ thuật chụp MRI, CT, điều trị u lành tuyến giáp bằng đốt sóng cao tần dưới hướng dẫn của siêu âm, chụp và nút mạch điều trị u xơ tử cung số hóa xóa nền, chụp và nút mạch điều trị u xơ tiền liệt tuyến số hóa xóa nền, tiêm điều trị giảm đau cột sống số hóa xóa nền, nút mạch điều trị ung thư gan số hóa xóa nền...

Về ngoại khoa, các thầy thuốc của BVĐK Đức Giang đã thực hiện hàng ngày các phẫu thuật cắt gan, cắt ung thư đại tràng- dạ dày, cắt tá tụy, phẫu thuật laser tán sỏi thận qua da, phẫu thuật nội soi cắt tuyến tiền liệt, cắt thận, thay khớp háng, phẫu thuật nội soi khớp gối, khớp vai, bơm xi măng cột sống, thay chỏm xương đùi, phẫu thuật nội soi thoát vị đĩa đệm, phẫu thuật tái tạo dây chằng khớp gối- khớp vai...

"Đặc biệt, BVĐK Đức Giang đã chính thức ghi tên trên bản đồ ghép tạng Việt Nam bằng việc thực hiện thành công ca ghép thận đầu tiên vào ngày 8/9/2024. Đến nay, bệnh viện đã thực hiện thành công 5 ca ghép thận và làm chủ được kỹ thuật ghép thận.

Trong thời gian tới, BVĐK Đức Giang sẽ tiếp tục cử cán bộ đi đào tạo nâng cao chuyên môn đảm bảo nguồn nhân lực chất lượng cao và tiến tới triển khai kỹ thuật ghép giác mạc, ghép tế bào gốc"- ông Thường cho hay.

Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Tri Thức nhấn mạnh, trong suốt chặng đường 61 năm xây dựng, phát triển; tập thể lãnh đạo và cán bộ, viên chức, người lao động BVĐK Đức Giang đã không ngừng nỗ lực, vượt qua nhiều thử thách để hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ được giao, vươn lên làm chủ các kỹ thuật cao, công nghệ tiên tiến, xây dựng bệnh viện trở thành địa chỉ khám bệnh, chữa bệnh thực sự tin cậy cho nhân dân Thủ đô cũng như các tỉnh thành phía Bắc.

Nhân dịp kỷ niệm 61 năm ngày thành lập, thay mặt lãnh đạo Bộ Y tế, Thứ trưởng Nguyễn Tri Thức ghi nhận, chúc mừng tập thể lãnh đạo và cán bộ, viên chức, người lao động của BVĐK Đức Giang đã đạt được nhiều thành tích đáng tự hào trong công tác khám bệnh, chữa bệnh thời gian qua.

Thứ trưởng Nguyễn Tri Thức đề nghị trong thời gian tới, tập thể lãnh đạo và cán bộ, viên chức, người lao động của Bệnh viện sẽ tiếp tục phát huy truyền thống của đơn vị; không ngừng học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, kế thừa các thành tích đã đạt được, hoàn thành tốt các nhiệm vụ trọng tâm năm 2024 của đơn vị; nâng cao hơn nữa chất lượng khám bệnh, chữa bệnh, đổi mới tinh thần, thái độ phục vụ, quy tắc trong giao tiếp ứng để xứng đáng với niềm tin của nhân dân thủ đô cũng như các tỉnh phía Bắc.

Bên cạnh đó, Bệnh viện nghiên cứu việc triển khai các phương án thực hiện việc xây dựng hệ thống thông tin, phát triển các ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác khám bệnh, chữa bệnh.

Báo Sức khỏe và đời sống

https://suckhoedoisong.vn/mot-thang-bvdk-duc-giang-thuc-hien-thanh-cong-5-ca-ghep-than-16924100718312714.htm

* Bên trong bệnh viện gần 800 tỷ đồng của Hà Nội

Bệnh viện Nhi Hà Nội có diện tích 6.700m2 với tổng mức đầu tư gần 800 tỷ đồng, được trang bị nhiều thiết bị hiện đại. Bệnh viện sẽ tiếp nhận người dân đến khám, chữa bệnh từ ngày 9/10/2024.

Báo Tiền phong

https://tienphong.vn/ben-trong-benh-vien-gan-800-ty-dong-cua-ha-noi-post1680195.tpo

https://kinhtedothi.vn/khong-gian-hien-dai-ben-trong-benh-vien-nhi-ha-noi-tri-gia-785-ty-dong.html

* Nhiều công trình chào mừng 70 năm ngày Giải phóng Thủ đô

Năm 2014, Thủ đô Hà Nội đã triển khai khoảng 100 công trình nhằm kỉ niệm tròn 70 năm Giải phóng Thủ đô. Với tổng vốn đầu tư lên tới 75.000 tỷ đồng. Cho tới thời điểm này đã hoàn thành 75% kế hoạch , trong đó có rất nhiều công trình trọng điểm kịp thời về đích nhằm nâng cao chất lượng đời sống, phát triển cơ sở hạ tầng đô thị. Và hơn hết những công trình này còn đánh dấu sự phát triển của thành phố Hà Nội sau 70 năm giải phóng.

Bệnh viện Nhi đầu tiên của Hà Nội được đặt tại phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông với tổng diện tích khoảng 67.000m2. Cơ sở y tế này nhằm mục tiêu tạo điều kiện khám chữa bệnh cho các huyện ngoại thành Hà Nội và các tỉnh lân cận, giảm áp lực cho các bệnh viện trung ương tại trung tâm thành phố. Đây cũng là công trình trọng điểm chào mừng 70 năm Giải phóng Thủ đô...

Chào buổi sáng VTV1 ngày 8/10 (phút thứ 46:35)

https://vtv.vn/video/chao-buoi-sang-08-10-2024-699612.htm

* Hà Nội tập trung số hóa dữ liệu phát triển công dân số

Bám sát tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tổ Công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ, Ban chỉ đạo cải cách hành chính, chuyển đổi số, Đề án 06 TP Hà Nội đã chủ động, tiên phong và quyết liệt đẩy mạnh số hóa dữ liệu, triển khai nhiều mô hình chuyển đổi số, góp phần tạo tiền đề vững chắc để Chính phủ nhân rộng ra toàn quốc.

Đẩy mạnh thanh toán số

Đồng chí Hà Minh Hải, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, trong thời gian qua, cùng với việc tiên phong, đi đầu thí điểm triển khai hiệu quả Sổ sức khỏe điện tử, cấp Phiếu lý lịch tư pháp trên VNeID, TP Hà Nội đã đẩy mạnh nhóm phát triển kinh tế - xã hội về chi trả không dùng tiền mặt đối với các đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội.

Theo số liệu báo cáo của các quận, huyện, thị xã, tổng số đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội hiện nay là 291.850 người. Số đối tượng đã mở tài khoản: 272.253 người (chiếm 93,29%). Trong đó, số đối tượng có tài khoản và đăng ký nhận trợ cấp qua tài khoản: 266.938 người. Số đối tượng có tài khoản nhưng chưa đăng ký nhận trợ cấp qua tài khoản là 5.315 người. Số đối tượng chưa đăng ký mở tài khoản là 14.098 người. Số đối tượng bất khả kháng là 5.499 người.

Kết quả các quận, huyện, thị xã đang thực hiện chi trả an sinh xã hội kỳ tháng 9, (từ ngày 1/9/2024 - 15/9/2024), đã chi trả cho 138.259 người hưởng chính sách an sinh xã hội với kinh phí là 167,5 tỷ đồng. Trong đó, đã chi trả qua tài khoản cho 129.772 người với số tiền trên 158,5 tỷ đồng. Bảo hiểm xã hội (BHXH) TP Hà Nội tiếp tục phối hợp các đơn vị liên quan tích cực tuyên truyền, vận động người dân nhận chi trả bằng hình thức không dùng tiền mặt. Tính đến nay, tổng số người tham gia và hưởng các chế độ hàng tháng do BHXH TP Hà Nội đang quản lý là hơn 7,9 triệu người. Số người tham gia đã được cập nhật thông tin vào Cơ sở dữ liệu (CSDL) ngành BHXH và xác thực đúng với CSDL Quốc gia về dân cư là 7,7 triệu người, đạt 96,5% tổng số người tham gia BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT) và hưởng các chế độ hàng tháng do BHXH TP quản lý. Chi lương hưu và trợ cấp BHXH hằng tháng đạt 98,16%; trợ cấp BHXH một lần đạt 96,97%; bảo hiểm thất nghiệp đạt 99,78%.

TP Hà Nội cũng chỉ đạo các cơ sở y tế, bệnh viện sử dụng thẻ CCCD gắn chip tích hợp BHYT trong khám chữa bệnh, đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt khi thanh toán viện phí. 100% các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn thành phố chấp hành nghiêm việc khám chữa bệnh cho người dân bằng CCCD gắn chip thay thế BHYT. Đã có trên 7 triệu người có thẻ BHYT trên địa bàn thành phố được đồng bộ dữ liệu, sử dụng CCCD để đi khám chữa bệnh. Tính đến nay, các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn đã tiếp đón hơn 4,6 triệu lượt khám chữa bệnh bằng CCCD gắn chip thay thế thẻ BHYT.

Đại diện lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội cho biết, 5 bệnh viện của ngành Y tế Hà Nội tiếp tục triển khai hiệu quả bệnh án điện tử gồm: Phụ sản Hà Nội, Đa khoa Xanh Pôn, Đa khoa Mỹ Đức, Đa khoa Vân Đình và Đa khoa Hòe Nhai. 5 bệnh viện triển khai khám chữa bệnh từ xa gồm Tim Hà Nội, Phụ sản Hà Nội, Ung bướu Hà Nội, Đa khoa Xanh Pôn và Bệnh viện Thanh Nhàn. Sở Y tế Hà Nội tiếp tục tăng cường đôn đốc, chỉ đạo các cơ sở y tế phối hợp với các tổ chức trung gian triển khai phương thức thanh toán không dùng tiền mặt. Đến nay, có 38/43 cơ sở khám chữa bệnh tuyến thành phố và huyện (đạt 88%) đã liên kết với các chi nhánh ngân hàng tại địa phương đặt các máy POS hỗ trợ thanh toán qua thẻ ATM, tạo tài khoản có mã QR để hỗ trợ người dân thanh toán chuyển khoản qua ứng dụng mobile banking khi thực hiện thanh toán viện phí.

Tính đến ngày 20/9, đã bố trí 102 điểm thuộc 8/30 quận thu phí trông giữ xe không dùng tiền mặt. Đã có 554.121 lượt giao dịch với tổng số tiền hơn 5,7 tỷ đồng. Hiện thành phố đang tiếp tục triển khai thực hiện quy trình thanh toán tạm thời đối với việc thực hiện ứng dụng giải pháp công nghệ để tìm kiếm và thanh toán giá dịch vụ trông giữ xe trên địa bàn và quy chế tạm thời trong công tác triển khai ứng dụng giải pháp công nghệ để tìm kiếm và thanh toán giá dịch vụ trông giữ xe không sử dụng tiền mặt. Sở Giao thông vận tải Hà Nội cũng ban hành công văn về việc triển khai các quy trình, quy chế, ứng dụng giải pháp để tìm kiếm và thanh toán giá dịch vụ trông giữ xe không sử dụng tiền mặt trên địa bàn TP Hà Nội. Thành phố tiếp tục nghiên cứu, đánh giá về kết quả triển khai thực hiện, đồng thời chỉ ra những khó khăn, vướng mắc để báo cáo kịp thời Tổ công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải cho ý kiến chỉ đạo trước khi triển khai nhân rộng mô hình thí điểm này trên toàn quốc.

Phát triển công dân số với số hóa dữ liệu

Thiếu tướng Nguyễn Hồng Ky, Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội cho biết, Công an TP Hà Nội đang thực hiện tốt công tác tiếp nhận hồ sơ đề nghị cấp thẻ căn cước cho nhân dân trên địa bàn, đảm bảo đúng quy trình, quy định của Luật Căn cước 2023. Từ ngày 15/8 đến ngày 13/9, toàn thành phố thu nhận 248.778 hồ sơ Căn cước (cấp mới 248.436 hồ sơ; hồ sơ cấp đổi 188 hồ sơ; hồ sơ cấp lại 154 hồ sơ).

Toàn thành phố đã thu nhận và được phê duyệt cấp tài khoản định danh mức 1 và mức 2 là 6.369.117 trường hợp (đạt 106,4%), đã kích hoạt 5.584.946 tài khoản định danh mức 1 và mức 2 (đạt 93,3%). Hiện nay, có 4 đơn vị gồm: Tây Hồ, Hà Đông, Nam Từ Liêm, Hai Bà Trưng đạt tỷ lệ kích hoạt trên 100%. Hiện Hà Nội đang tập trung xây dựng hệ sinh thái, dữ liệu dùng chung, làm sạch dữ liệu dân cư, các nhóm dữ liệu, đảm bảo dữ liệu dân cư "đúng, đủ, sạch, sống", nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội.

Thành phố đang phát động phong trào thi đua cao điểm "Đẩy nhanh tiến độ hoàn thành Kế hoạch số hóa dữ liệu hộ tịch". Ngoài ra, nhằm ứng dụng, khai thác dữ liệu hộ tịch đã được số hóa, thành phố đang đề xuất Tổ công tác triển khai Đề án 06 Chính phủ cho phép thực hiện sử dụng dữ liệu hộ tịch điện tử sau khi đã được đối soát, làm sạch với CSDL quốc gia về dân cư để thực hiện thí điểm việc triển khai các TTHC không phục thuộc địa giới hành chính trong lĩnh vực hộ tịch trên địa bàn quận Hoàn Kiếm.

Về dữ liệu Bảo trợ xã hội, tính đến nay, đã có 201.827/203.175 đối tượng bảo trợ xã hội đạt tỷ lệ 99,3% được thực hiện chuẩn hóa vào hệ thống CSDL bảo trợ xã hội. Đến ngày 15/9/2024, đã có dữ liệu của 1.885.604 trẻ em hiển thị trên hệ thống phần mềm; 1.732.014 dữ liệu trẻ em được chuẩn hóa, làm sạch, hiển thị trên hệ thống. Đối với các trường hợp chưa được chuẩn hoá, làm sạch do một số nhóm trẻ em đăng ký tạm trú trên địa bàn không cập nhật được lên phần mềm; một số nhóm trẻ em khai sinh đã được cấp mã định cá nhân nhưng trẻ chưa nhập khẩu, chưa có trên hệ thống dữ liệu dân cư nên không nhập được vào phần mềm. Sở Lao động, Thương binh và xã hội đã hướng dẫn cơ sở quản lý dữ liệu nhóm trẻ em tạm trú bằng Excel và đôn đốc các cơ sở phối hợp đối chiếu dữ liệu nhóm trẻ em có thông tin chưa chính xác.

Thành phố cũng đã rà soát, đối chiếu, làm sạch và nhập dữ liệu thông tin của 78.755/78.866 trường hợp người có công, thân nhân người có công và một số đối tượng do ngành lao động - thương binh và xã hội quản lý đang hưởng trợ cấp hàng tháng trên hệ thống CSDL quốc gia về dân cư (đạt tỷ lệ 99,86%). Hiện nay chưa có nguồn cung cấp số liệu chính xác di biến động về người lao động tại các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao. Ngày 29/7/2024, Sở Lao động, Thương binh và xã hội đã gửi văn bản đề nghị Cục Việc làm, Bộ Lao động, Thương binh và xã hội hướng dẫn về quy trình, cách thức thực hiện xây dựng, thu thập, xác thực dữ liệu và quản lý di biến động về người lao động  làm  việc  tại  các  doanh  nghiệp  trong khu  công  nghiệp,  khu  chế xuất,  khu  công  nghệ cao.

Thực hiện nhiệm vụ triển khai Đề án 06, đồng thời, hướng tới mục tiêu sử dụng mã số định danh cá nhân làm mã số thuế để bảo đảm đồng bộ dữ liệu về thuế với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cục Thuế TP Hà Nội đã hoàn thành 99,9% việc triển khai rà soát, chuẩn hóa dữ liệu mã số thuế cá nhân. Trên cơ sở kết quả chuẩn hóa mã số thuế cá nhân theo Đề án 06, Cục Thuế TP Hà Nội đã định danh thông tin được 418 doanh nghiệp sở hữu sàn thương mại điện tử; 668 chủ thể kinh doanh sản phẩm, nội dung số; 54 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ lưu trú, chuẩn hóa cơ sở dữ liệu về định danh các chủ thể kinh doanh thương mại điện tử, doanh thu kê khai, số thuế đã nộp, tài khoản ngân hàng... của trên 366.857 shop, tương ứng 197.848 mã số thuế.

Trong thời gian tới, thành phố sẽ đẩy mạnh kết nối dữ liệu, liên thông đồng bộ giữa các bộ, ngành, đặc biệt dữ liệu dân cư, dữ liệu thương mại điện tử, dữ liệu thanh toán qua ngân hàng… để đối chiếu một cách nhanh chóng yêu cầu kê khai nộp thuế, yêu cầu thanh tra kiểm tra... Các thông tin của người nộp thuế được thay đổi tại CSDL quốc gia về dân cư tự động cập nhật. TP Hà Nội cũng tập trung xây dựng CSDL đất đai (nhóm dữ liệu địa chính gồm 198 trường dữ liệu) theo đúng quy định. Hiện, Sở Tài nguyên và Môi trường đang chủ trì, phối hợp với Trung tâm Dữ liệu và Thông tin đất đai, Cục Đăng ký dữ liệu và Thông tin Đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường nâng cấp phần mềm VILIS 2.0 phục vụ Dự án hồ sơ địa chính.

Báo Công an nhân dân

https://cand.com.vn/su-kien-binh-luan-thoi-su/ha-noi-tap-trung-so-hoa-du-lieu-phat-trien-cong-dan-so-i746476/

* Phòng, chống thừa cân, béo phì cho học sinh

Nhằm hạn chế tình trạng thừa cân, béo phì ở trẻ em, từ năm 2023 đến 2025, Sở Y tế Hà Nội phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội triển khai mô hình can thiệp phòng, chống thừa cân, béo phì cho học sinh tại một số trường tiểu học trên địa bàn Thủ đô.

Thời gian qua, mô hình này bước đầu được triển khai tại một số trường đã góp phần nâng cao kiến thức, thực hành về phòng, chống thừa cân béo phì cho học sinh, phụ huynh và nhân viên y tế, giáo viên, nhân viên chế biến bữa ăn bán trú.

Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội Nguyễn Thị Kiều Anh cho biết, thừa cân, béo phì ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe cũng như tâm lý của trẻ. Cụ thể, trẻ béo phì dễ mặc cảm, tự ti về ngoại hình, bị bạn bè trêu chọc nên tổn thương về tâm lý. Cùng với đó, trẻ béo phì dễ đối mặt với nguy cơ mắc phải các bệnh không lây nhiễm như: Đái tháo đường, tim mạch, trầm cảm, ung thư…

Kết quả đánh giá tình trạng dinh dưỡng ở trẻ em lứa tuổi học đường giai đoạn năm 2017 đến 2021 tại 90 trường trên địa bàn Hà Nội với các khối lớp 5, 9, 12 (cỡ mẫu mỗi năm khoảng 7.300 học sinh) cho thấy, học sinh tiểu học có tỷ lệ thừa cân béo phì cao nhất với 37,8%; trong khi tỷ lệ này ở học sinh trung học cơ sở là 16,8% và học sinh trung học phổ thông là 11,3%. Đáng chú ý, tỷ lệ thừa cân, béo phì gia tăng nhanh theo các năm và ở khu vực nội thành cao hơn ngoại thành. Thậm chí, một số trường tiểu học khu vực nội thành có tỷ lệ thừa cân, béo phì lên tới 55,7%.

Nhóm tuổi tiểu học là giai đoạn quan trọng của quá trình tăng trưởng về thể lực và trí tuệ, do đó nếu can thiệp giai đoạn này sẽ đạt hiệu quả cao. Trước mắt, mô hình can thiệp phòng, chống thừa cân, béo phì được thực hiện tại 3 trường tiểu học: La Thành (quận Đống Đa), Nguyễn Du (quận Hoàn Kiếm) và Lê Lợi (quận Hà Đông).

Mới đây, CDC Hà Nội phối hợp với Trung tâm Y tế quận Đống Đa đã tổ chức truyền thông, tư vấn dinh dưỡng cho các em học sinh, phụ huynh/người chăm sóc bữa ăn cho gia đình tại Trường Tiểu học La Thành (quận Đống Đa). Tại buổi truyền thông, học sinh khối lớp 2, 3 và 4 được các y, bác sĩ cân, đo, khám sức khỏe, sàng lọc, đánh giá tình trạng thừa cân, béo phì. Đồng thời, các y, bác sĩ tư vấn chế độ dinh dưỡng, vận động thể lực hợp lý cho trẻ, phụ huynh/người chăm sóc bữa ăn chính cho gia đình.

Qua các buổi truyền thông, bà Nguyễn Thị Kiều Anh cho rằng, với trẻ bị thừa cân, béo phì và có nguy cơ thừa cân, các chuyên gia đã cung cấp các kiến thức, thực hành về dinh dưỡng hợp lý, về tháp dinh dưỡng và thực đơn nhằm phòng, chống thừa cân, béo phì. Ngoài ra, chuyên gia cũng hướng dẫn cách áp dụng thực đơn theo tháp dinh dưỡng và vận động thể lực cho trẻ có tình trạng dinh dưỡng bình thường.

Các chuyên gia dinh dưỡng cũng đưa ra khuyến cáo, cha mẹ có con thừa cân, béo phì cần phối hợp với cán bộ y tế, nhà trường thực hiện các bữa ăn dinh dưỡng hợp lý, ăn rau xanh đủ lượng theo khuyến nghị đối với từng lứa tuổi. Đặc biệt, phụ huynh lưu ý, không thường xuyên tiêu thụ các thực phẩm làm tăng nguy cơ thừa cân, béo phì như: Nước ngọt, trà sữa, bánh kẹo ngọt, mì tôm, xúc xích, thực phẩm chiên rán (gà rán, nem chua rán, cá viên chiên…) xung quanh trường học hay tại gia đình.

Bên cạnh đó, các y, bác sĩ cũng xây dựng và áp dụng thực đơn cho trẻ thừa cân, béo phì tại gia đình; đồng thời, tư vấn bổ sung một số chất khoáng và vi chất dinh dưỡng (canxi, sắt, kẽm, vitamin D3...) tùy theo thể trạng của từng trẻ thừa cân, béo phì tại gia đình. Thông qua các buổi truyền thông, tư vấn dinh dưỡng này, phụ huynh có con thừa cân, béo phì đã cam kết với nhà trường thực hiện khuyến cáo chế độ dinh dưỡng và luyện tập thể chất theo lứa tuổi, phù hợp với tình trạng dinh dưỡng của trẻ.

Báo Hà Nội mới

https://hanoimoi.vn/phong-chong-thua-can-beo-phi-cho-hoc-sinh-680632.html

* Hà Nội: Kiên quyết phối hợp đấu tranh phòng, chống tác hại của thuốc lá

Ủy ban nhân dân TP. Hà Nội yêu cầu các Sở, ban, ngành của thành phố cần chủ động phối hợp chặt chẽ với các đơn vị đấu tranh phòng, chống tác hại của thuốc lá.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP. Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền vừa ký ban hành Văn bản số 3217/UBND-KTN về việc tăng cường phối hợp các đơn vị chức năng trong hoạt động tuyên truyền, đấu tranh chống buôn lậu, vận chuyển, kinh doanh trái phép mặt hàng thuốc lá nói chung và thuốc lá thế hệ mới nói riêng, nhất là trên môi trường thương mại điện tử.

Theo đó, nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng (thuốc lá thế hệ mới), Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội yêu cầu các Sở, ban, ngành của thành phố cần chủ động phối hợp chặt chẽ với Tổng cục Quản lý thị trường, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số và các đơn vị liên quan của Bộ Công Thương.

Cụ thể, các đơn vị được giao nhiệm vụ tăng cường công tác tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về phòng, chống tác hại thuốc lá. Đồng thời, các cơ quan chức năng sẽ tập trung vào việc ngăn chặn các hành vi quảng cáo nhằm kinh doanh, tàng trữ thuốc lá điếu, xì gà, thuốc lá thế hệ mới, đặc biệt là trong môi trường giáo dục.

Việc ban hành văn bản này thể hiện quyết tâm của thành phố Hà Nội trong việc bảo vệ sức khỏe cộng đồng, nhất là đối với giới trẻ, trước những tác hại khôn lường của thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng.

Các chuyên gia y tế đánh giá cao động thái này và cho rằng đây là một bước đi cần thiết để kiểm soát tình trạng sử dụng thuốc lá thế hệ mới đang ngày càng gia tăng, đặc biệt trong giới trẻ.

Bà Nguyễn Thị Mai Hương, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu về sức khỏe cộng đồng cho biết: “Việc tăng cường quản lý và tuyên truyền về tác hại của thuốc lá điện tử là rất quan trọng. Chúng ta cần phải làm mọi cách để bảo vệ thế hệ trẻ khỏi những hiểm họa của loại hình sản phẩm này.”

Các chuyên gia cũng khuyến cáo người dân cần nâng cao ý thức về tác hại của thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng, đồng thời tích cực tham gia vào các hoạt động tuyên truyền để xây dựng một cộng đồng không khói thuốc.

Giao Sở Y tế tham mưu cấp có thẩm quyền thường xuyên kiện toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động Ban chỉ đạo Phòng, chống tác hại thuốc lá các cấp; lồng ghép hoạt động cai nghiện thuốc lá vào các chương trình, hoạt động phòng chống bệnh không lây nhiễm; tăng cường công tác kiểm tra, xử lý vi phạm, xử phạt đặc biệt đối với các hành vi hút thuốc tại các địa điểm cấm theo thẩm quyền quy định.

Công an thành phố tăng cường triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ để nắm chắc tình hình, nhận diện đúng, trúng, kịp thời phát hiện, đấu tranh, xử lý các đối tượng, tổ chức, đường dây buôn lậu, vận chuyển, nhập lậu, sản xuất buôn bán thuốc lá truyền thống và thuốc lá thế hệ mới, pha trộn các chất cấm vào dung dịch dùng cho thuốc lá thế hệ mới; kịp thời đề xuất cơ quan Nhà nước có thẩm quyền biện pháp chấn chỉnh, khắc phục, phòng ngừa và xử lý có hiệu quả. Phát động phong trào toàn dân phát hiện, tố giác tội phạm sản xuất, buôn bán, tàng trữ, vận chuyển thuốc lá truyền thống và thuốc lá thế hệ mới trên địa bàn Thành phố.

Cục Quản lý thị trường Hà Nội tăng cường công tác đấu tranh chống buôn lậu, kiểm tra, kiểm soát thị trường; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm theo quy định pháp luật đối với các tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu, vận chuyển, kinh doanh trái phép sản phẩm thuốc lá nói chung và sản phẩm thuốc lá thế hệ mới nói riêng nhất là trên môi trường thương mại điện tử; tăng cường áp dụng công nghệ số trong công tác quản lý thị trường, kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh các sản phẩm thuốc lá và thuốc lá thế hệ mới nhập lậu, giả mạo, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, theo chức năng, thẩm quyền quy định pháp luật.

Cục Hải quan thành phố triển khai thực hiện kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển thuốc lá điếu, xì gà, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng nhập lậu qua cửa khẩu, khu vực địa bàn kiểm soát của Hải quan; xác lập các chuyên án đấu tranh, phối hợp các lực lượng chức năng triệt phá các đường dây, ổ nhóm buôn lậu, vận chuyển trái phép mặt hàng thuốc lá nói chung và thuốc lá thế hệ mới nói riêng, nhất là trên môi trường thương mại điện tử.

Báo Công Thương

https://congthuong.vn/ha-noi-kien-quyet-phoi-hop-dau-tranh-phong-chong-tac-hai-cua-thuoc-la-350837.html

 

 

PHẦN MỀM TÁC NGHIỆP

  Dịch vụ công trực tuyến

  Phần mềm Quản lý văn bản

  Phần mềm QLHS Một cửa 

  Phần mềm Một cửa (Mới)

  Tiếp nhận ý kiến công dân 

  Danh mục TTHC công 

  Tra cứu hồ sơ Một cửa 

  Thư điện tử TP Hà Nội 

  Thông tin người phát ngôn

Thống kê truy cập

Đang online: 240
Lượt truy cập trong tuần: 5880
Lượt truy cập trong tháng: 210361
Lượt truy cập trong năm: 2325572
Tổng số lượt truy cập: 46392960
Về đầu trang