Điểm báo

Điểm thông tin y tế trên báo chí ngày 9/10/2024
Ngày đăng 10/10/2024 | 15:01  | Lượt xem: 63

Khánh thành và đưa vào sử dụng Bệnh viện Nhi Hà Nội

Sáng 9/10, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội tổ chức khánh thành và đưa vào sử dụng Bệnh viện Nhi Hà Nội. Công trình được gắn biển chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô.

Bệnh viện Nhi Hà Nội được xếp là một trong những công trình trọng điểm của thành phố, đánh dấu cột mốc quan trọng trên chặng đường phát triển kinh tế-xã hội của Thủ đô nói chung, công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân nói riêng.

Tới dự và cắt băng khánh thành bệnh viện có đồng chí Bùi Thị Minh Hoài, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội. Cùng dự có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Đào Hồng Lan, Bộ trưởng Y tế; Nguyễn Kim Sơn, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo… cùng lãnh đạo các bộ, ban, ngành trung ương, thành phố Hà Nội.

Giai đoạn một của công trình xây dựng Bệnh viện Nhi Hà Nội gồm một tòa nhà 6 tầng có 2 khu chính gồm khu khám bệnh và khu điều trị nội trú (quy mô 200 giường bệnh). Bệnh viện Nhi Hà Nội là bệnh viện đa khoa chuyên ngành Nhi đầu tiên của Thủ đô có 24 chuyên khoa.

Việc đưa Bệnh viện Nhi Hà Nội vào hoạt động khẳng định sự cố gắng, nỗ lực, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị thành phố Hà Nội trong việc thực hiện các mục tiêu, Chương trình số 08 của Thành ủy, góp phần hoàn thành thắng lợi các chỉ tiêu mà Nghị Quyết Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Nội đề ra.

Để trở thành bệnh viện đầu ngành Nhi khoa, bảo đảm việc chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe cho trẻ em trên địa bàn và các tỉnh lân cận, Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội Vũ Thu Hà yêu cầu Sở Y tế Hà Nội tiếp tục chỉ đạo Bệnh viện Nhi hoàn thiện tổ chức bộ máy, bổ sung nhân lực, trang thiết bị, phục vụ công tác khám chữa bệnh, chỉ đạo tuyến, nghiên cứu khoa học và công tác đào tạo, nghiên cứu phát triển dịch vụ kỹ thuật chuyên sâu mang tính đầu ngành, tiếp nhận và làm chủ các dịch vụ kỹ thuật y tế tiên tiến trên thế giới, từng bước chuyên nghiệp hóa công tác quản lý bệnh viện theo hướng tiêu chuẩn chất lượng cao, xây dựng văn hóa bệnh viện.

Mặt khác tiếp tục nghiên cứu, rà soát nhu cầu khám chữa bệnh của người dân trên địa bàn; sớm tham mưu đề xuất đầu tư giai đoạn 2 để Bệnh viện Nhi Hà Nội đạt mức 500 giường bệnh, xứng tầm là Bệnh viện đầu ngành Nhi của Thủ đô.

Nhân dịp này, lãnh đạo Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội cũng đề nghị các bộ, ban, ngành trung ương, nhất là Bộ Y tế tiếp tục hỗ trợ Thủ đô trong công tác đảm bảo an sinh xã hội nói chung và công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân nói riêng. Tiếp tục hỗ trợ để ngành y tế Hà Nội phát triển các bệnh viện chuyên khoa, đa khoa thuộc cấp chuyên sâu và đáp ứng tiêu chí là bệnh viện đầu ngành, đảm nhận vai trò quốc gia trong hệ thống y tế cả nước.

Báo Nhân dân

https://nhandan.vn/khanh-thanh-va-dua-vao-su-dung-benh-vien-nhi-ha-noi-post835655.html

https://kinhtedothi.vn/khanh-thanh-benh-vien-nhi-ha-noi-cong-trinh-trong-diem-ky-niem-70-nam-giai-phong-thu-do.html

https://plo.vn/benh-nhan-den-kham-truoc-khi-benh-vien-nhi-ha-noi-chinh-thuc-mo-cua-post814074.html

https://www.vietnamplus.vn/khanh-thanh-dua-vao-hoat-dong-va-gan-bien-benh-vien-nhi-ha-noi-post982097.vnp

https://hanoionline.vn/khanh-thanh-benh-vien-nhi-ha-noi-271529.htm

https://suckhoedoisong.vn/benh-vien-nhi-hien-dai-gan-800-ty-dong-200-giuong-benh-chinh-thuc-hoat-dong-169241009142511195.htm

* Bệnh viện huyện Đông Anh ứng dụng kỹ thuật cao

Bệnh viện Đa khoa Đông Anh đã thực hiện thường quy các kỹ thuật cao như: phẫu thuật nội soi u xơ tiền liệt tuyến, cắt dạ dày, đại tràng; thay khớp toàn phần hoặc bán phần; phẫu thuật cố định cột sống bằng nẹp vít; tạo hình thẩm mỹ...

Bệnh viện phối hợp tốt với Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn trong việc hỗ trợ đào tạo, chuyển giao kỹ thuật theo hướng “cầm tay chỉ việc” cho đội ngũ y, bác sĩ tại tuyến y tế cơ sở.

Nhờ ứng dụng hiệu quả các kỹ thuật cao và chuyên sâu nên chất lượng khám chữa bệnh tại bệnh viện được nâng lên, người bệnh an tâm điều trị, hạn chế phải chuyển lên tuyến trên.

Trong 9 tháng đầu năm 2024, Bệnh viện Đa khoa Đông Anh (Hà Nội) đã điều trị nội trú cho trên 20 nghìn bệnh nhân, gần 9 nghìn bệnh nhân ngoại trú; phẫu thuật và sử dụng thủ thuật cho trên 3.700 bệnh nhân và thực hiện gần 530 nghìn lần xét nghiệm.

Đài truyền hình Hà Nội

https://hanoionline.vn/video/benh-vien-huyen-dong-anh-ung-dung-ky-thuat-cao-271244.htm

* Đình chỉ lưu hành, thu hồi thuốc viên nang mềm SOS Fever® Fort do vi phạm chất lượng

Sở Y tế Hà Nội vừa có văn bản đình chỉ lưu hành, thu hồi thuốc viên nang mềm SOS Fever® Fort do vi phạm chất lượng.

Sở Y tế Hà Nội vừa có văn bản chỉ đạo gửi thủ trưởng các cơ sở y tế trên địa bàn, phòng y tế quận, huyện, thị xã, Công ty Cổ phần Dược phẩm Ampharco U.S.A, Công ty Cổ phần Dadison Hoa Kỳ có địa chỉ tại quầy 431, tầng 4, Hapu Medicenter, số 1 Nguyễn Huy Tưởng, Thanh Xuân về việc thu hồi thuốc SOS Fever® Fort không đạt tiêu chuẩn chất lượng.

Theo đó, Sở Y tế Hà Nội thông báo thu hồi trên địa bàn Hà Nội và các cơ sở đã mua lô thuốc do Công ty cổ phần Dadison Hoa Kỳ cung cấp: Viên nang mềm SOS Fever® Fort (Ibuprofen 400mg), SĐK: VN-26102-17, Số lô: B4001, NSX: 22/2/2024, HD: 22/2/2027, Công ty Cổ phần dược phẩm Ampharco U.S.A sản xuất, không đạt yêu cầu chất lượng về chỉ tiêu tính chất (vi phạm mức độ 3).

Bên cạnh đó, Sở này cũng yêu cầu Công ty Cổ phần dược phẩm Ampharco U.S.A và Công ty cổ phần Dadison Hoa Kỳ thực hiện thu hồi triệt để thuốc viên nang mềm SOS Fever® Fort vi phạm nói trên và gửi báo cáo thu hồi, hồ sơ thu hồi về Cục Quản lý Dược, Sở Y tế TP.Hà Nội theo quy định.

Các cơ sở y tế, cơ sở bán buôn, bán lẻ thuốc trên địa bàn khẩn trương rà soát, thu hồi lô thuốc không đạt tiêu chuẩn chất lượng nêu trên. Phòng Y tế các quận, huyện, thị xã thông báo đến các cơ sở hành nghề trên địa bàn quản lý; tiến hành kiểm tra, giám sát việc thực hiện thu hồi của cơ sở (nếu có).

Sở Y tế Hà Nội sẽ kiểm tra, giám sát việc thu hồi của các đơn vị, thông báo để các đơn vị biết, thực hiện và báo cáo việc thực hiện về Sở Y tế.

Trước đó vài ngày Sở Y tế Hà Nội cũng có văn bản thu hồi thuốc Alphatrypa DT không đạt tiêu chuẩn chất lượng. Thuốc do Công ty TNHH Quốc tế Nhật Thành Pharma cung cấp; nơi sản xuất, phân phối là Công ty cổ phần Dược phẩm Trung ương I- Pharbaco do không đạt tiêu chuẩn chất lượng về các chỉ tiêu Định lượng (vi phạm mức độ 2).

Sở Y tế yêu cầu Công ty Cổ phần dược phẩm Trung ương I - Pharbaco và Công ty  TNHH Quốc tế Nhật Thành Pharma thực hiện thu hồi triệt để: Thuốc viên nén Alphatrypa DT (Chymotrypsin 4,2mg); SĐT: VN-26281-17; Số lô: 84324; Ngày sản xuất: 25/5/2024; Hạn dùng: 25/5/2026; gửi báo cáo thu hồi, hồ sơ thu hồi  theo quy định tại công văn 3288/QLD-CL.

Đồng thời, các cơ sở y tế, cơ sở bán buôn, bán lẻ thuốc trên địa bàn khẩn trương rà soát, thu hồi lô thuốc không đạt tiêu chuẩn chất lượng nêu trên. Phòng Y tế các quận, huyện, thị xã thông báo đến các cơ sở hành nghề trên địa bàn quản lý; tiến hành kiểm tra, giám sát việc thực hiện thu hồi của cơ sở (nếu có).

Được biết thời gian gần đây liên tiếp các loại thuốc vi phạm chất lượng bị thu hồi. Cụ thể, giữa tháng 9/2024, Sở Y tế Hà Nội thông báo thu hồi thuốc Viên nang chứa vi hạt Zovitit  (Acyclovir 200mg), số GĐKLH: VN-15819-12, Số lô: 0017, NSX: 03/05/23,  HD: 02/05/26 do Công ty S.C. Slavia Pharma S.R.L (Romania) sản xuất, Công ty Cổ phần Dược phẩm Trung ương Codupha nhập khẩu.

Theo đó, Chi nhánh Công ty cổ phần Dược phẩm Trung ương Codupha Hà Nội phối hợp với Công ty cổ phần Dược phẩm Trung ương Codupha tiến hành thu hồi lô thuốc không đạt tiêu chuẩn chất lượng đã phân phối, lập hồ sơ thu hồi, báo cáo việc thu hồi về Sở Y tế Hà Nội (nếu có).

Ngoài loại thuốc nêu trên, Sở Y tế Hà Nội thông báo thu hồi thuốc viên nén Cetecocenzitax (Cinarizin  25mg), Số GĐKLH: VD-20384-13; Số lô: 01/0823; NSX: 030823; HD: 030826 vi phạm mức độ 3 do Công ty cổ phần Dược Trung ương 3 sản xuất.

Sở Y tế Hà Nội yêu cầu các cơ sở y tế công lập trực thuộc ngành, các cơ sở y tế ngoài công lập, các doanh nghiệp kinh doanh thuốc, các cơ sở bán lẻ thuốc trên địa bàn rà soát, thu hồi triệt để lô thuốc nêu trên; gửi báo cáo thu hồi, hồ sơ thu hồi về Sở Y tế, Cục Quản lý Dược theo quy định. Sở Y tế sẽ kiểm tra, giám sát việc thu hồi của các đơn vị, cơ sở.

Phòng Y tế các quận, huyện, thị xã thông báo đến các cơ sở hành nghề trên địa bàn quản lý; tiến hành kiểm tra, giám sát việc thực hiện thu hồi của cơ sở (nếu có).

Lưu ý, phối hợp với các cơ quan truyền thông thông tin tới các cơ sở kinh doanh, sử dụng thuốc và người dân biết để không buôn bán, sử dụng.

Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) cũng có công văn thông báo, thu hồi sản phẩm thuốc viên nén Ubiheal 300 (Thioctic acid 300 mg) của Công ty CP dược phẩm Nam Hà do không đạt tiêu chuẩn chất lượng.

Cục Quản lý Dược yêu cầu Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Y tế các ngành thông báo cho các cơ sở kinh doanh, sử dụng thuốc thu hồi lô thuốc Viên nén Ubiheal 300 (Thioctic acid 300 mg) không đạt chất lượng nêu trên.

Bên cạnh đó, công bố thông tin về quyết định thu hồi thuốc trên Trang thông tin điện tử của Sở, kiểm tra và giám sát các đơn vị thực hiện thông báo này; xử lý những đơn vị vi phạm theo quy định hiện hành; báo cáo về Cục Quản lý Dược và cơ quan chức năng có liên quan.

Đồng thời, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) giao Sở Y tế Hà Nội, Sở Y tế tỉnh Nam Định kiểm tra và giám sát Công ty CP dược phẩm Nam Hà thực hiện việc thu hồi và xử lý thuốc bị thu hồi theo quy định.

Báo Đầu tư

https://baodautu.vn/dinh-chi-luu-hanh-thu-hoi-thuoc-vien-nang-mem-sos-fever-fort-do-vi-pham-chat-luong-d226944.html

https://baovephapluat.vn/van-hoa-xa-hoi/y-te/thu-hoi-thuoc-vien-nang-mem-sos-fever-fort-vi-pham-muc-do-3-166111.html

* Ngành Y tế Hà Nội nỗ lực vì sứ mệnh đặc biệt

Đồng hành cùng Thủ đô trong 70 năm sau ngày giải phóng, ngành Y tế Hà Nội đã có những bước phát triển vượt bậc. Nhờ đẩy mạnh phát triển các kỹ thuật cao, chuyên sâu, xây dựng các cơ sở y tế hiện đại, ngang tầm với các nước trong khu vực, ngành Y tế Thủ đô ngày càng đáp ứng tốt hơn nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân.

Bệnh viện như khách sạn 5 sao

Để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, trong những năm qua, thành phố đã tăng cường đầu tư cải tạo, nâng cấp và xây mới các bệnh viện. Nhờ đó, cơ số giường bệnh đã tăng lên.

Đơn cử như dự án xây dựng Bệnh viện Nhi Hà Nội (ở phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông) giai đoạn 1 trên diện tích hơn 67.000m², sau hơn 2 năm khởi công đã hoàn thành, sẵn sàng đi vào hoạt động từ hôm nay, 9-10. Người dân sẽ có thêm một cơ sở khám, chữa bệnh khang trang, hiện đại, đáp ứng chuyên môn cao.

Ngay từ bên ngoài, bệnh viện được thiết kế hiện đại, nổi bật với gam màu xanh khiến nhiều người nhầm tưởng đây là khách sạn 5 sao. Bên trong bệnh viện được thiết kế thuận tiện cho bệnh nhân và người nhà bệnh nhân di chuyển, tìm kiếm các khoa, phòng. Bệnh viện cũng đang phát triển những dịch vụ đặt lịch hẹn khám qua website, fanpage và ứng dụng để tăng thêm sự thuận tiện cho bệnh nhân.

Dự kiến, khi đi vào hoạt động, mỗi ngày, bệnh viện sẽ khám, chữa bệnh ngoại trú cho gần 1.000 bệnh nhân và điều trị nội trú cho 200 trẻ. Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Đình Hưng cho biết, thời gian đầu, dự kiến công suất hoạt động nội trú của Bệnh viện Nhi Hà Nội là 50% với 8 phòng chức năng, 12 khoa lâm sàng và 9 khoa cận lâm sàng.

Trước mắt, nhân lực của bệnh viện chuyên khoa nhi đầu tiên của Thủ đô sẽ được huy động từ các bệnh viện trực thuộc ngành Y tế Thủ đô như: Đa khoa Xanh Pôn; Đa khoa Hà Đông; Đa khoa Đức Giang; Thanh Nhàn; Phụ sản Hà Nội và Hữu nghị Việt Nam-Cuba.

“Bệnh viện sẽ đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân Thủ đô và khu vực phía Bắc, góp phần giảm tải cho Bệnh viện Nhi trung ương và các tỉnh lân cận. Chúng tôi hướng tới ứng dụng chuyển đổi số trong tất cả các khâu, từ quản lý vận hành đến khám, chữa bệnh như: Ứng dụng bệnh án điện tử, chữ ký số và hướng đến ứng dụng trí tuệ nhân tạo”, bà Đỗ Thị Thúy Nga, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Hà Nội chia sẻ.

Cũng là cơ sở y tế chuyên khoa, những năm qua, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội đã không ngừng đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng chuyên môn. Không chỉ nằm trong top chuyên khoa hạng nhất của thành phố về lĩnh vực sản phụ khoa, bệnh viện hạng 1 của Thủ đô này còn trở thành bệnh viện tuyến cuối của Bộ Y tế.

Khi đến đây, người dân được hưởng dịch vụ khép kín, bắt đầu từ sức khỏe sinh sản tiền hôn nhân, sàng lọc các bệnh di truyền, tiêm phòng vắc xin, đến đồng hành chăm sóc thai phụ trong suốt quá trình mang thai. Mọi bất thường đều được các bác sĩ phát hiện kịp thời và can thiệp một cách tốt nhất để thai phụ có một thai kỳ an toàn, sinh ra những em bé khỏe mạnh.

Hiện, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cũng chuẩn bị hoàn thiện khu sinh dịch vụ với phòng ốc rộng rãi, sang trọng, tiện nghi như khách sạn 5 sao.

“Lần trải qua cửa tử để đón chào thiên thần thứ 3 này với tôi là bao hiểm nguy cho cả mẹ và con, khi tôi có nhiều bệnh nền lại nhiều tuổi. Tôi rất lo lắng và căng thẳng, nhưng tôi đã may mắn “mẹ tròn, con vuông” bởi có sự đồng hành của các y, bác sĩ Bệnh viện Phụ sản Hà Nội”, chị Nguyễn Thùy Dương (ở Hà Nội) tâm sự.

Chinh phục những đỉnh cao mới

Ngay trước thời điểm Hà Nội tưng bừng kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô thì tại hai bệnh viện đa khoa: Xanh Pôn và Đức Giang trực thuộc Sở Y tế thành phố đã ghi những dấu ấn đặc biệt trên bản đồ ghép tạng của Việt Nam.

Tiếp nhận một ca tai nạn giao thông nghiêm trọng và sau đó bị chết não, được sự đồng ý của gia đình người bệnh, các y bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn đã chạy đua “xuyên đêm”, dưới sự hỗ trợ của Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức triển khai lấy đa tạng hiến tặng, giúp thắp lên những cuộc đời mới.

Đặc biệt, hai quả thận từ người cho chết não đã được ghép thành công cho hai bệnh nhân. Đây cũng là lần đầu tiên việc lấy và ghép tạng từ người cho chết não được triển khai đồng thời tại bệnh viện hạng I của Thủ đô.

Khi bắt tay hai bệnh nhân được ghép thận khoẻ mạnh trong ngày họ xuất viện trở về nhà, ông Hà Anh Đức, Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) xúc động: “Tôi cảm nhận được sự sống ở họ, điều mà cách đây hơn 2 tuần không có được. Chúng ta tự hào về những thành quả đã đạt được”.

Sau Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang là bệnh viện thứ hai của Thủ đô triển khai thành công kỹ thuật ghép thận. Chỉ sau ca đầu tiên vào ngày 8-9-2024, trong một tháng, bệnh viện này đã thực hiện thành công 5 ca ghép thận và làm chủ được kỹ thuật ghép thận.

Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đức Giang Nguyễn Văn Thường chia sẻ, trước nhu cầu khám, chữa bệnh ngày càng cao của người bệnh, nhiều năm qua, bệnh viện rất nỗ lực, cố gắng phát triển chuyên môn kỹ thuật cao, coi đây là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu và xuyên suốt. Cùng với đó, bệnh viện cũng chủ động cử bác sĩ trẻ đi đào tạo nâng cao tay nghề và tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật; tăng cường đầu tư mua sắm trang thiết bị hiện đại để phát triển kỹ thuật cao, chuyên khoa sâu. Trong thời gian tới, bệnh viện sẽ triển khai kỹ thuật ghép giác mạc, ghép tế bào gốc…

Từ những kết quả đã đạt được, Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Đình Hưng nhận định, hiện, cơ bản ngành Y tế Thủ đô đã đáp ứng được nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân. Tuy nhiên, muốn làm tốt hơn nữa, đáp ứng tốt hơn nữa sự mong mỏi của người bệnh, ngành Y tế Thủ đô phải tiếp tục phát triển, vận động không ngừng.

Cùng với việc tổ chức triển khai các dự án về cơ sở hạ tầng, trang thiết bị y tế đã được phê duyệt, ngành Y tế Thủ đô sẽ tiếp tục tăng cường công tác tuyển dụng, đào tạo, có chế độ đãi ngộ tốt hơn với nhân viên y tế, tăng cường hợp tác quốc tế, tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật công nghệ cao…, đồng thời, quyết liệt chuyển đổi số, giảm sự phiền hà, hướng tới sự hài lòng của người bệnh.

Sở Y tế Hà Nội đang quản lý 42 bệnh viện, trong đó có 8 bệnh viện hạng I, 32 bệnh viện hạng II và 2 bệnh viện hạng III; 2 chi cục và 5 trung tâm chuyên khoa. Kể từ ngày 1-10-2024, 30 trung tâm y tế được chuyển giao về các quận, huyện, thị xã quản lý. Tổng số nhân lực đang làm việc tại các cơ sở y tế công lập của thành phố Hà Nội là 27.155 người. Ngoài ra, trên địa bàn Hà Nội còn có hàng nghìn cơ sở y tế tư nhân là các bệnh viện, phòng khám đa khoa, chuyên khoa tham gia hoạt động khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe người dân.

Báo Hà Nội mới

https://hanoimoi.vn/nganh-y-te-ha-noi-no-luc-vi-su-menh-dac-biet-680772.html

* Hà Nội - Bản hùng ca phát triển và hội nhập

Ngày 10/10/1954 đã trở thành dấu mốc lịch sử quan trọng khi Thủ đô Hà Nội chính thức được giải phóng, mở ra một trang sử mới trong sự phát triển của đất nước.

Tròn 70 năm sau ngày Giải phóng, Hà Nội đã chuyển mình mạnh mẽ, trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa, chính trị hàng đầu của cả nước, khẳng định vai trò tiên phong trong công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế...

Trong lĩnh vực y tế, Hà Nội là nơi tập trung nhiều bệnh viện lớn và hiện đại nhất của đất nước với 42 bệnh viện công, 5 trung tâm chuyên khoa, 30 trung tâm y tế quận, huyện, thị xã, cùng hàng nghìn cơ sở y tế tư nhân.

Hà Nội cũng là địa phương tiên phong trong việc áp dụng những thành tựu khoa học và công nghệ tiên tiến vào công tác khám chữa bệnh. Các bệnh viện lớn đã triển khai thành công nhiều kỹ thuật điều trị phức tạp, như: phẫu thuật tim, ghép tạng và điều trị ung thư bằng xạ trị, hóa trị...

Báo Vietnamplus

https://www.vietnamplus.vn/ha-noi-ban-hung-ca-phat-trien-va-hoi-nhap-post980840.vnp

* Ngăn chặn nguy cơ mất an toàn thực phẩm tại trường học

Sự việc hơn 200 học sinh Trường Trung học cơ sở Bình Minh (huyện Thanh Oai) có dấu hiệu nghi ngộ độc sau khi sử dụng nước ngọt được phát miễn phí ở bên ngoài cổng trường học khiến dư luận xã hội, phụ huynh học sinh lo lắng.

Sự việc xảy ra ngay tháng đầu tiên của năm học 2024-2025 lại càng dấy lên nỗi lo về nguy cơ mất an toàn thực phẩm trong và ngoài cổng trường. Với quy mô học sinh lớn nhất cả nước, ngành Giáo dục Hà Nội đang nỗ lực triển khai nhiều giải pháp ngăn chặn nguy cơ mất an toàn thực phẩm nhằm bảo đảm an toàn sức khỏe cho học sinh.

Nhiều nguy cơ rình rập

Sự việc xảy ra chiều 30-9 khi hơn 200 học sinh Trường Trung học cơ sở Bình Minh (huyện Thanh Oai) sử dụng sản phẩm nước uống đóng chai được phát miễn phí ở ngoài cổng trường. Nhà trường ghi nhận 30 học sinh có triệu chứng đau đầu, đau bụng, buồn nôn, chóng mặt, trong đó có 9 học sinh khám tại Bệnh viện Đa khoa Thanh Oai, 21 học sinh theo dõi tại trường.

Cơ quan chức năng đã lấy mẫu nước ngọt mà học sinh sử dụng để đi xét nghiệm. Kết quả kiểm nghiệm tại Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia cho thấy, các mẫu nước ngọt này đều đạt tiêu chuẩn. Theo Phòng Y tế huyện Thanh Oai, các triệu chứng học sinh gặp có thể do đã uống một lượng lớn nước ngọt.

Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thanh Oai Đoàn Việt Dũng cho biết, sức khỏe của các học sinh ổn định, đi học bình thường. Sự việc chưa gây hậu quả nghiêm trọng, nhưng để ngăn chặn các nguy cơ mất an toàn đối với sức khỏe học sinh, các nhà trường cần tăng cường quản lý, nhắc nhở học sinh không mua, sử dụng sản phẩm không rõ nguồn gốc, không có tem mác; không nhận, sử dụng đồ ăn, thức uống từ người lạ…

Thời gian qua, tại các địa phương xảy ra nhiều vụ việc mất an toàn thực phẩm liên quan đến học sinh khiến dư luận lo lắng. Đó là việc hàng chục học sinh tỉnh Khánh Hòa nghi ngộ độc sau khi ăn quà vặt ngoài cổng trường, trong đó có một học sinh tử vong (tháng 4-2024); việc nhiều học sinh ở Hà Nội ăn kẹo lạ phải nhập viện (tháng 12-2023); một số học sinh quận Ba Đình (Hà Nội) bị tiêu chảy, nôn ói sau khi ăn bữa trưa tại trường (tháng 10-2023); việc 70 học sinh quận Thanh Xuân (Hà Nội) nhập viện do vi khuẩn tụ cầu vàng nhiễm ở thịt gà có trong suất ăn (tháng 3-2023)…

Sau mỗi vụ việc, cơ quan chức năng đều tăng cường giải pháp chấn chỉnh. Tuy nhiên, trên thực tế, nguy cơ mất an toàn thực phẩm với học sinh vẫn còn rình rập, đòi hỏi sự chung tay nỗ lực nhiều hơn nữa của các lực lượng để giảm mối lo thực phẩm không an toàn xâm nhập học đường.

Nhà trường tăng trách nhiệm

Năm học 2024-2025, ngành Giáo dục Hà Nội có hơn 2.900 trường học với 2,3 triệu học sinh mầm non và phổ thông - là địa phương có quy mô giáo dục lớn nhất cả nước. Sau sự việc ở huyện Thanh Oai, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã gửi thông tin cảnh báo, đồng thời đề nghị các nhà trường lưu ý nhà giáo, học sinh chủ động phát hiện các cơ sở kinh doanh thực phẩm không rõ nguồn gốc quanh khu vực trường, thông báo chính quyền địa phương để ngăn chặn. Toàn ngành cũng tăng cường giải pháp ngăn chặn nguy cơ mất an toàn với học sinh trong và ngoài trường học.

Là đơn vị tích cực triển khai chuyên đề “Tăng cường kiểm soát an toàn thực phẩm trong và xung quanh cổng trường học trên địa bàn thành phố”, Trường Trung học cơ sở Chương Dương (quận Hoàn Kiếm) chú trọng việc tuyên truyền, giáo dục học sinh ý thức sử dụng thực phẩm. Hiệu trưởng nhà trường Nguyễn Thị Vân Hồng cho biết, nhiều học sinh được bố mẹ cho tiền tiêu vặt hằng ngày, nên việc nhắc nhở các em không mua, sử dụng sản phẩm không rõ nguồn gốc, không có nhãn mác rất cần được quan tâm. Trường khuyến cáo học sinh không mua quà vặt ở các gánh hàng rong xung quanh trường hoặc trên đường đi. Nhà trường cũng phối hợp với chính quyền địa phương siết chặt hoạt động của các hàng quán ở khu vực xung quanh trường. Cùng với việc tổ chức chuyên đề, nhà trường còn thường xuyên lồng ghép nội dung này vào các giờ học, hoạt động giáo dục, giúp học sinh có ý thức, thói quen xem nhãn mác sản phẩm trước khi sử dụng.

Với hơn 1.000 học sinh ăn bán trú mỗi ngày, Trường Tiểu học Vĩnh Tuy (quận Hai Bà Trưng) tăng cường giám sát nguồn gốc thực phẩm và khâu chia suất ăn nhằm bảo đảm học sinh đều có suất ăn chất lượng, đủ định lượng. Nhà trường khuyến khích sự tham gia của phụ huynh học sinh trong quá trình kiểm tra, giám sát hằng ngày, tôn trọng ý kiến của phụ huynh trong việc lựa chọn, quyết định đơn vị cung ứng thực phẩm.

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương khẳng định, để hoàn thành tốt nhiệm vụ năm học 2024-2025, bảo đảm học sinh học tập tốt, việc chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho các em được toàn ngành xác định là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu và không xao nhãng trong bất kỳ thời điểm nào. Các trường đều có phòng y tế được trang bị đầy đủ trang thiết bị, danh mục thuốc và nhân viên y tế có chuyên môn tốt làm nhiệm vụ, sẵn sàng ứng phó khi xảy ra sự cố. Để ngăn ngừa nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm trong và ngoài cổng trường, bên cạnh việc tiếp tục phối hợp với cơ quan chức năng, việc chủ động nêu cao tinh thần trách nhiệm đối với việc chăm sóc, bảo vệ sức khỏe học sinh đang được các trường học trên địa bàn thành phố đặc biệt chú trọng.

Báo Hà Nội mới

https://hanoimoi.vn/ngan-chan-nguy-co-mat-an-toan-thuc-pham-tai-truong-hoc-680634.html

* Ăn cơm, canh thừa: nguy cơ ngộ độc, nhiễm khuẩn

Những ngày gần đây, dư luận vô cùng bức xúc trước sự việc hàng trăm sinh viên năm nhất Đại học Bách khoa Hà Nội phải ăn cơm canh thừa; mất an toàn thực phẩm, thậm chí cơm, canh xuất hiện nhiều dị vật bất thường trong tuần học giáo dục quốc phòng.

Chuyên gia y tế cảnh báo, nguy cơ chính của hành vi này là khả năng lây nhiễm chéo một số loại bệnh, từ người đã ăn trước sang người ăn sau.

Tận dụng triệt để đồ ăn, thức uống thừa cho khách

Mới đây, sinh viên Đại học Bách khoa phản ánh với cơ quan báo chí về sự việc trong thời gian học giáo dục quốc phòng và an ninh, phần lớn các suất cơm được chuẩn bị sẵn trên bàn là cơm thừa từ các bữa ăn của một trung đội đã ăn trước đó khoảng 1 giờ. Cơm thừa đó nhân viên của nhà ăn đổ vào thùng đựng cơm chung và chia cho các đơn vị đến ăn sau.

Không chỉ cơm thừa được tái sử dụng, những bát canh ăn dở của mỗi bàn cũng được một nhân viên của bếp ăn thu gom lại, đổ vào nồi rồi chia cho sinh viên. Ngoài ra, sinh viên còn phát hiện nhiều loại dị vật trong bữa ăn hàng ngày như sâu, ruồi, lá cây…

Thực tế, thời gian qua, những sự việc tương tự cũng đã xảy ra. Điển hình, sau Tết Nguyên đán 2024, trên mạng xã hội Facebook xuất hiện đoạn clip quay lại hình ảnh người phụ nữ ở Thái Bình bán nước mía lấy nước thừa của khách trước để bán lại cho khách sau, thậm chí ống hút cũng được tận dụng bằng cách rửa lại.

Trước sự việc trên, nhiều ý kiến bày tỏ sự lo ngại về tình trạng mất an toàn thực phẩm đồng thời cho rằng cần xử phạt nghiêm trường hợp vi phạm.

Hay như trước đó, chủ quán bún tại Khánh Hòa, chủ quán cơm ở Bình Định cũng đã đổ nước dùng, thức ăn thừa của người ăn trước bỏ vào khay thức ăn chung để bán cho khách đến sau.

Trên thực tế, các chuyên gia y tế cho rằng, ngộ độc thực phẩm không phải là nguy cơ chính của hành vi quay vòng thức ăn thừa của người này sang cho người khác. Bởi các vi khuẩn gây ra ngộ độc thực phẩm, nếu có, đã tồn tại trong chính thực phẩm.

Ngay cả khi thức ăn không được quay vòng, cùng một mẻ thực phẩm bị nhiễm khuẩn sẽ lây nhiễm cho tất cả những người ăn cùng mẻ thực phẩm đó, bất chấp việc họ có ăn đồ thừa của người khác hay không. Đáng nói, nguy cơ chính của hành vi sử dụng thức ăn thừa của người này để phục vụ người khác là khả năng lây nhiễm chéo một số loại bệnh, có thể truyền từ người đã ăn trước sang người ăn sau.

Các loại bệnh trong trường hợp này thường liên quan đến con đường lây nhiễm qua giọt bắn, hoặc nước bọt có thể lẫn vào thực phẩm thừa, bao gồm bệnh cúm, bệnh sởi, thủy đậu, rubella, bệnh lao hoặc mụn rộp...

Ngoài ra, có một căn bệnh cực kỳ nguy hiểm được cảnh báo là có thể lây chéo trong trường hợp này, khi các sinh viên ăn thức ăn thừa của nhau. Đó là bệnh viêm màng não mô cầu.

Để phòng tránh ngộ độc thực phẩm

Liên quan đến vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh – nguyên giảng viên Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội cho hay, để tiết kiệm thực phẩm, người dân có thể tái sử dụng thức ăn còn thừa từ bữa trước. Tuy nhiên, đó là những món chưa "động đũa" đến và được bảo quản đúng cách.

Còn với thức ăn đã có nhiều người cùng gắp mà không sử dụng dụng cụ riêng đều nên loại bỏ. Bởi thức ăn đã nấu chín, để ra ngoài môi trường sẽ có các vi sinh vật tấn công. Nhiệt độ môi trường bên ngoài không đảm bảo, để thức ăn càng lâu, nguy cơ nhiễm khuẩn càng lớn. Ngoài ra, khi đã sử dụng, vi khuẩn ở trong miệng hay từ đũa, muỗng có thể có trong đó.

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh cảnh báo, việc tận dụng thức ăn thừa làm tăng nguy cơ lây lan virus, vi khuẩn. Người dân có thể lây nhiễm chéo là hoàn toàn có thể xảy ra. Bên cạnh đó, thức ăn thừa được lưu trữ, bảo quản không đúng cách khi ăn vào có thể dẫn đến ngộ độc thực phẩm, rối loạn tiêu hóa, tiềm ẩn nhiều nguy cơ bệnh tật.

TS Chu Thị Tuyết – Khoa Dinh Dưỡng, Bệnh viện Hữu Nghị (Hà Nội), với các thức ăn đã nấu chín chỉ an toàn 2 giờ sau khi nấu và dễ hư hỏng ở nhiệt độ từ 4-60 độ C. Sau khoảng thời gian này, bảo quản nóng hay lạnh không đúng cách đều tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập và phát triển.

Một số loại thực phẩm sau khi hâm nóng lại sẽ mất hết giá trị dinh dưỡng, mùi vị, màu sắc bị biến đổi, thậm chí trong nhiều trường hợp còn có thể sinh ra các chất độc hại. Bên cạnh đó, thức ăn thừa được lưu trữ không đúng cách khi ăn vào có thể dẫn đến ngộ độc thực phẩm, rối loạn tiêu hóa, tiềm ẩn nhiều nguy cơ bệnh tật. Tuy nhiên, thức ăn thừa không phải là tuyệt đối không ăn lại được mà chỉ cần chú ý đến cách bảo quản.

Để phòng tránh ngộ độc thực phẩm ngay tại bếp ăn, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội Đặng Thanh Phong cho rằng, mỗi người cần thực hiện đầy đủ 10 nguyên tắc “vàng” trong chế biến thực phẩm.

Đó là người tiêu dùng chọn các thực phẩm tươi, sạch, không dập nát, có nguồn gốc rõ ràng; thực hiện “ăn chín, uống chín”; ngâm rửa sạch rau, quả tươi, nhất là loại rau dùng ăn sống, rửa rau dưới vòi nước chảy, ngâm nước muối.

Mỗi người tự ý thức che đậy bảo quản cẩn thận thức ăn đã được nấu chín, ăn ngay sau khi vừa nấu xong, đun kỹ thức ăn đã qua bữa trước khi dùng lại; không để lẫn thức ăn sống và thức ăn chín.

Người dân không dùng chung dụng cụ chế biến thức ăn sống và thức ăn chín; rửa tay trước khi chế biến thực phẩm, rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh; giữ bếp, dụng cụ và nơi chế biến luôn sạch sẽ, gọn gàng và khô ráo; không ăn thức ăn ôi thiu, mốc hỏng và dùng nước sạch để chế biến thức ăn, đồ uống.

Ngoài ra, các chuyên gia y tế khuyến cáo, để hạn chế phải sử dụng thức ăn thừa từ bữa này qua bữa khác, người nấu nên tính toán lượng thức ăn vừa đủ cho gia đình hay tập thể.

Thực tế, thực phẩm đã nấu chín để bảo quản lâu được hay không tùy thuộc vào độ đạm và độ mặn của món ăn. Những thực phẩm giàu đạm như thịt, hải sản, trứng... nguy cơ bị ôi thiu hoặc vi khuẩn gây bệnh xâm nhập là rất cao. Nếu người đầu bếp kho, rim mặn có thể để 1-2 ngày không hỏng. Tuy nhiên, nếu chế biến nhạt, bạn chỉ nên sử dụng trong ngày và có bảo quản trong tủ lạnh.

Ngoài ra, thức ăn thừa sau mỗi bữa ăn chúng ta vẫn có thể bảo quản tới hôm sau để dùng lại, nhưng cần chú ý bảo quản đúng cách để tránh vi khuẩn và chất độc tấn công thức ăn gây mất an toàn khi sử dụng.

Báo Kinh tế đô thị

https://kinhtedothi.vn/an-com-canh-thua-nguy-co-ngo-doc-nhiem-khuan.html

* 410 thí sinh thi điều dưỡng viên giỏi

Để nâng cao trình độ chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp, kỹ năng giao tiếp ứng xử cho đội ngũ điều dưỡng, hộ sinh các bệnh viện, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang (Hà Nội) vừa tổ chức thành công Hội thi "Điều dưỡng giỏi" năm 2024.

20 thí sinh tham dự chung kết Hội thi là những điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật viên xuất sắc, đại diện cho 410 thí sinh các khoa, phòng của bệnh viện. Các thí sinh đã trải qua hai vòng thi: "Biểu diễn trang phục blouse" và "Biểu diễn trang phục dạ hội". Ban tổ chức đã lựa chọn 10 thí sinh xuất sắc, tiêu biểu có tổng điểm cao nhất tiếp tục bước vào vòng thi ứng xử.

Hội thi "Điều dưỡng giỏi"  nhằm nâng cao tinh thần, thái độ phục vụ người bệnh của các cán bộ, nhân viên y tế trong bệnh viện, hướng tới sự hài lòng của người bệnh.

Đài TH Hà Nội

https://hanoionline.vn/video/410-thi-sinh-thi-dieu-duong-vien-gioi-271544.htm

 

 

PHẦN MỀM TÁC NGHIỆP

  Dịch vụ công trực tuyến

  Phần mềm Quản lý văn bản

  Phần mềm QLHS Một cửa 

  Phần mềm Một cửa (Mới)

  Tiếp nhận ý kiến công dân 

  Danh mục TTHC công 

  Tra cứu hồ sơ Một cửa 

  Thư điện tử TP Hà Nội 

  Thông tin người phát ngôn

Thống kê truy cập

Đang online: 220
Lượt truy cập trong tuần: 5853
Lượt truy cập trong tháng: 210334
Lượt truy cập trong năm: 2325545
Tổng số lượt truy cập: 46392933
Về đầu trang