Điểm báo
UBND TP Hà Nội yêu cầu ngăn chặn việc lạm dụng, trục lợi quỹ bảo hiểm y tế
Công văn do UBND TP Hà Nội gửi tới Bảo hiểm xã hội TP Hà Nội, Sở Y tế, Sở Tài chính và các cơ sở khám chữa bệnh bảo hiểm y tế trên địa bàn yêu cầu tăng cường quản lý, kiểm soát chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế.
Thực hiện nghiêm Kế hoạch số 193/KH- UBND ngày 26/8/2021 của UBND TP về việc thực hiện các giải pháp phòng, chống hành vi lạm dụng, trục lợi quỹ bảo hiểm y tế (BHYT) trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025, Bảo hiểm xã hội (BHXH) TP Hà Nội phối hợp Sở Y tế và cơ quan có liên quan tăng cường triển khai thực hiện các giải pháp quản lý, sử dụng hiệu quả và kiểm soát chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế (KCB BHYT); phối hợp Sở Y tế và Sở Tài chính kịp thời tham mưu và triển khai các giải pháp điều hành có hiệu quả dự toán chi KCB BHYT năm 2023 ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ có quyết định giao dự toán.
Thực hiện tạm ứng, thanh quyết toán chi phí KCB BHYT với các cơ sở khám chữa bệnh theo đúng quy định của Luật Bảo hiểm y tế, Nghị định số 146/2018/NĐ-CP ngày 17/10/2018 của Chính phủ Quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật BHYT và các văn ban hướng dẫn thực hiện.
Phối hợp với các cơ sở KCB BHYT thực hiện nghiêm Quy trình giám định bảo hiểm y tế ban hành kèm theo Quyết định số 3618/QĐ-BHXH ngày 12/12/2022 của Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam; nâng cao chất lượng công tác giám định, kiên quyết từ chối thanh toán chi phí không đúng quy định, các chi phí lạm dụng, trục lợi quỹ KCB BHYT.
Hàng tháng, quý phân tích, đánh giá dữ liệu chi phí KCB BHYT các cơ sở KCB đề nghị thanh toán trên Hệ thống thông tin giám định BHYT, xác định các cơ sở KCB có chi phí gia tăng bất thường như: Chỉ định bệnh nhân vào nội trú, kéo dài ngày điều trị, chỉ định dịch vụ kỹ thuật, thuốc, vật tư y tế quá mức cần thiết... làm cơ sở tổ chức kiểm tra, giám định, đồng thời cung cấp danh sách các cơ sở KCB có chi phí gia tăng bất thường cho Sở Y tế để phối hợp làm việc với các cơ sở KCB yêu cầu rà soát, điều chỉnh.
Tổ chức kiểm tra theo kế hoạch, kiểm tra đột xuất các cơ sở KCB BHYT về sử dụng quỹ BHYT và thanh toán chi phí KCB BHYT, nhất là các cơ sở KCB có chi phí gia tăng bất thường.
Phối hợp Sở Y tế thực hiện dừng hợp đồng KCB BHYT với các cơ sở KCB không chấp hành quy định của pháp luật về BHYT. Tăng cường công tác truyền thông về BHYT, có giải pháp vận động người dân tham gia BHYT phù hợp với từng nhóm đối tượng, hoàn thành chỉ tiêu bao phủ BHYT được giao; nâng cao vai trò giám sát chi phí KCB BHYT của người tham gia BHYT khi đi khám bệnh, chữa bệnh.
Thực hiện báo cáo tình hình chi phí KCB BHYT và sử dụng dự toán chi phí KCB BHYT năm 2023 với UBND Thành phố theo quy định.
Sở Y tế phối hợp BHXH TP và các cơ quan có liên quan tăng cường công tác tham mưu giúp UBND Thành phố thực hiện quản lý nhà nước về BHYT thông qua công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm; triển khai thực hiện nghiêm túc Kế hoạch số 193/KH-UBND ngày 26/8/2021 của UBND Thành phố về việc thực hiện các giải pháp phòng, chống hành vi lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025; tăng cường kiểm tra thực hiện quy chế chuyên môn, quy trình kỹ thuật tại các cơ sở KCB; có giải pháp để ngăn chặn tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT.
Chỉ đạo các cơ sở KCB cung ứng đầy đủ thuốc, hóa chất, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia BHYT, nâng cao tinh thần thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong chỉ định xét nghiệm, điều trị nội trú và sử dụng dịch vụ, nhất là các dịch vụ kỹ thuật và thuốc bệnh đắt tiền.
Tăng cường chỉ đạo các cơ sở KCB BHYT thực hiện nghiêm các nội dung tại Chỉ thị số 25/CT-BYT ngày 21/12/2020 của Bộ Y tế về việc tiếp tục tăng cường công tác quản lý, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh bảo hiểm y tế và Chỉ thị số 10/CT-BYT ngày 09/9/2019 của Bộ Y tế về việc tăng cường công tác phòng, chống hành vi lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT.
Chỉ đạo các cơ sở KCB tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách thủ tục hành chính trong KCB, nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh; thực hiện việc trích chuyển dữ liệu điện tử chi phí KCB BHYT theo đúng quy định tại Điều 6, Điều 7, Điều 8 Thông tư số 48/2017-TT-BYT ngày 18/12/2017 của Bộ Y tế Quy định trích chuyển dữ liệu điện tử trong quản lý thanh toán chi phí KCB BHYT; 100% các cơ sở KCB trên địa bàn triển khai thí điểm sử dụng căn cước công dân gắn chíp trong KCB BHYT.
Trên cơ sở đề xuất của BHXH TP và công tác rà soát đối tượng của các cơ quan chuyên môn, Sở Tài chính thực hiện chuyển đầy đủ và kịp thời kinh phí ngân sách nhà nước đóng, hỗ trợ đóng BHYT cho các đối tượng do ngân sách nhà nước đảm bảo theo quy định.
Các cơ sở KCB BHYT trên địa bàn TP thực hiện nghiêm các nội dung của Chỉ thị số 10/CT-BYT ngày 09/9/2019 của Bộ Y tế về việc tăng cường công tác phòng, chống hành vi lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT, Chỉ thị số 25/CT-BYT ngày 21/12/2020 của Bộ Y tế về việc tiếp tục tăng cường công tác quản lý, nâng cao chất lượng KCB BHYT và Kế hoạch số 193/KH-UBND ngày 26/8/2021 của UBND Thành phố.
Thực hiện đấu thầu mua sắm thuốc, hóa chất, vật tư y tế đầy đủ, kịp thời, đúng quy định, đáp ứng nhu cầu điều trị, không để người bệnh BHYT phải tự mua các thuốc, vật tư y tế trong phạm vi được hưởng BHYT; bảo đảm đầy đủ quyền lợi của người bệnh BHYT theo quy định.
Xây dựng kế hoạch, giải pháp quản lý, sử dụng hiệu quả chi phí KCB BHYT; chỉ định dịch vụ KCB, chỉ định điều trị nội trú, chỉ định dịch vụ kỹ thuật cận lâm sàng (xét nghiệm, nội soi, chẩn đoán hình ảnh...) đúng tình trạng bệnh; tránh tình trạng kê đơn thuốc quá mức cần thiết; ghi tên dịch vụ kỹ thuật, tên chân đoán không đúng với tình trạng bệnh nhằm thanh toán với giá dịch vụ cao hơn.
Công tác lập hồ sơ bệnh án, kê đơn, cấp thuốc BHYT thực hiện theo đúng quy định, không để xảy ra tình trạng lập hồ sơ bệnh án khống, kê đơn khống, cấp thuốc không dầy đủ cho người bệnh để chiếm dụng thuốc, tiền của quỹ BHYT.
Kiện toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội đồng thuốc và điều trị của bệnh viện; tăng cường hoạt động của dược lâm sàng, kiểm soát việc kê đơn, sử dụng thuốc, chỉ định xét nghiệm, chỉ định dịch vụ kỹ thuật và tuân thủ đúng hướng dẫn chẩn đoán và điều trị, quy trình kỹ thuật, quy trình chăm sóc người bệnh.
Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách thủ tục hành chính trong khám bệnh, chữa bệnh; nghiêm túc triển khai thực hiện các nội dung chỉ đạo của UBND Thành phố tại Kế hoạch số 54/KH-UBND ngày 17/02/2022 về thực hiện Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số Quốc gia giai đoạn 2022 - 2025 tầm nhìn đến năm 2030 và của Bộ Y tế, BHXH Việt Nam về triển khai thí điểm sử dụng căn cước công dân gắn chíp trong KCB BHYT.
Thực hiện việc trích chuyển dữ liệu điện tử chi phí KCB BHYT theo đúng quy định tại Điều 6, Điều 7, Điều 8 Thông tư số 48/2017-TT-BYT ngày 18/12/2017 của Bộ Y tế Quy định trích chuyển dữ liệu điện tử trong quản lý thanh toán chi phí KCB BHYT; khẩn trương rà soát, nâng cấp, chỉnh sửa phần mềm Quản lý thông tin bệnh viện (HS) để đáp ứng thực hiện các quy định tại Quyết định số 130/QĐ-BYT ngày 18/012023 Quy định chuẩn và định dạng dữ liệu đầu ra phục vụ việc quan lý, giám định, thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh và giải quyết các chế độ liên quan.
Chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính hợp pháp, tỉnh chính xác của chứng từ và dữ liệu chi phi KCB BHYT đề nghị cơ quan BHXH thanh toán theo dùng quy định của Luật Bảo hiểm y tế. Nghị định số 146/2018/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư số 48/2017/TT-BYT của Bộ Y tế; nghiêm cấm việc lập hồ sơ, bệnh án không dễ thanh toán BHYT (khám, kê đơn thuốc không có bệnh nhân, không có bệnh nhân nằm viện; bệnh nhân mượn thẻ BHYT; kê tăng số lượng hoặc thêm loại thuốc, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật, chi phí giường bệnh... ).
Các bệnh viện tuyến trên phải tập trung KCB theo phân tuyến chuyên môn kỹ thuật, các bệnh mà tuyến dưới không thực hiện được; tư vấn cho người bệnh KCB đúng tuyến để đảm bảo quyền lợi của người có thẻ BHYT và giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên.
(Báo Pháp luật và xã hội)
Thông tin mới nhất về tình hình dịch COVID-19 tại Việt Nam
Theo thống kê của Bộ Y tế hiện cả nước chỉ còn 1 bệnh nhân COVID-19 nặng đang điều trị; đến nay đã 74 ngày liên tiếp Việt Nam không ghi nhận ca tử vong do COVID-19; Cả nước đã tiêm hơn 266 triệu mũi vaccine COVID-19, tuy nhiên vẫn còn nhiều địa phương tiêm thấp, chậm.
Cả nước chỉ còn 1 bệnh nhân COVID-19 nặng
Bộ Y tế cho biết ngày 14/3 có 8 ca mắc mới COVID-19, giảm nhẹ so với những ngày trước đó; trong ngày có 4 bệnh nhân khỏi- tăng nhẹ so với trước đó.
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 11.527.054 ca nhiễm, đứng thứ 13/230 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 117/230 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 116.490 ca nhiễm).
Tổng số người mắc COVID-19 tại Việt Nam đã khỏi đến nay là: 10.614.823 ca. Trong số các trường hợp đang theo dõi hiện chỉ còn 1 trường hợp nặng đang thở oxy.
Đến nay đã 74 ngày liên tiếp, Việt Nam không ghi nhận ca tử vong do COVID-19. Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 43.186 ca, chiếm tỷ lệ 0,4% so với tổng số ca nhiễm.
Tổng số ca tử vong xếp thứ 26/230 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 139/230 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 7/49 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 21/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 3 ASEAN).
Theo Bộ Y tế, dịch bệnh được dự báo vẫn tiếp tục diễn biến khó lường trong thời gian tới. Ngày 27/1/2023, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thông tin số tử vong hàng tuần trên toàn cầu đã tăng trở lại từ tháng 12/2022. Hai tháng qua, thế giới có hơn 170.000 ca tử vong và ước tính số thực tế còn cao hơn nhiều.
WHO đánh giá và nhận định dịch COVID-19 vẫn là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng quốc tế với mức độ nguy cơ cao trong bối cảnh đáp ứng khác nhau giữa các quốc gia.
Việt Nam đã tiêm hơn 266 triệu liều vaccine COVID-19
Theo thống kê của đơn vị chuyên môn của Bộ Y tế, đến nay tổng số mũi vaccine COVID-19 đã tiêm ở nước ta là hơn 266 triệu liều.
Số mũi tiêm thực hiện trong ngày 14/3 là 45.583 mũi tiêm tại 23 tỉnh, trong đó 25.464 mũi tiêm cho người từ 12 tuổi trở lên và 20.119 mũi tiêm cho trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi. Đây là ngày có số lượng mũi tiêm vaccine COVID-19 cao nhất trong khoảng 2 tuần qua.
Đối với nhóm từ 18 tuổi trở lên:
- Tiêm mũi 3: Tổng số có 52.005.634 mũi tiêm (81,5%) trong ngày có 16 tỉnh triển khai với 13.969 người được tiêm
+ 5 tỉnh, thành phố có tỷ lệ tiêm thấp: Quảng Nam (63,6%); Bình Định (64,9%); Phú Yên (63,2%); Đồng Nai (53,9%); Đồng Tháp (60,7%).
+ 3 tỉnh có tỷ lệ tiêm cao: Bắc Giang (98,1%); Nghệ An (100%); Sóc Trăng (100,4%).
- Tiêm mũi 4: Tổng số có 17.654.826 mũi tiêm (88,2%), trong ngày có 17 tỉnh triển khai với 9.397 người được tiêm
Nhóm từ 12-17 tuổi: Số tiêm mũi 3 có 5.809.837 mũi tiêm (69,1%)
+ 5 tỉnh, thành phố có tỷ lệ tiêm thấp: Đà Nẵng (43,7%); Phú Yên (48,6%); Bình Thuận (44,1%); TP HCM (36,4%); Đồng Nai (43,1%).
+ 3 tỉnh có tỷ lệ tiêm cao: Bắc Giang (99,3%); Sóc Trăng (103,5%); Bến Tre (94,9%).
Nhóm từ 5 - dưới 12 tuổi: Tổng số mũi tiêm đã thực hiện là 18.659.629 mũi tiêm:
- Mũi 1: 10.297.039 mũi tiêm (93,1%)
+ Tỉnh có tỷ lệ tiêm thấp: Hà Nội (77,6%); Quảng Trị (79,2%); Đà Nẵng (68,6%); TP HCM (64,8%), Bà Rịa - Vũng Tàu (75,2%)
- Mũi 2: 8.362.590 mũi tiêm (75,6%) tăng 0,1%
+ Tỉnh có tỷ lệ tiêm thấp: Quảng Bình (56,2%); Đà Nẵng (37,1%); Quảng Nam (49,4%); TP HCM (41,4%), Bà Rịa - Vũng Tàu (49,5%).
Liên quan đến công tác tiêm chủng vaccine COVID-19, Bộ Y tế vừa cho biết vẫn còn hơn 13 triệu mũi vaccine đã tiêm nhưng chưa được cập nhật lên hệ thống. Do đó, Bộ đã có văn bản yêu cầu 100% các cơ sở tiêm chủng mới phải nhập dữ liệu đầy đủ, chính xác, hoàn thành ngay trong ngày trên hệ thống tiêm chủng vaccine COVID-19.
(Báo Sức khỏe&đời sống)
Tự ý dùng thuốc nhỏ mắt trong thời gian dài người phụ nữ nghe tin dữ từ bác sĩ
Thường xuyên sử dụng thuốc có chứa corticoid, cứ khi nào thấy mắt ngứa là lại nhỏ thuốc liên tục 2 – 3 ngày. Đến khi thấy mắt ngày càng mờ, người phụ nữ lo lắng đi khám thì biết mình đã mắc bệnh Glocom.
Bà L.T.L. (59 tuổi, Yên Bái) cách đây gần chục năm phát hiện bị bệnh Glocom do thói quen sử dụng thuốc nhỏ mắt chứa corticoid một cách bừa bãi trong một thời gian dài. Rất may, vì được phát hiện sớm nên bà vẫn giữ được đôi mắt của mình.
Bà L. nhớ lại: "Vì môi trường làm việc bụi bặm nên mắt tôi thường xuyên bị ra rỉ nhèm, ngứa mắt, đỏ mắt… Nhưng bận bịu công việc nên tôi cũng không đi khám mà tự ý đến hiệu thuốc mua thuốc về nhỏ. Tôi được nhân viên nhà thuốc bán cho lọ thuốc nhỏ có màu vàng, sử dụng 2 lần mỗi ngày thấy mắt đỡ rất nhanh. Thấy hiệu quả, nên tôi thường xuyên sử dụng thuốc này, cứ khi nào thấy mắt ngứa là lại nhỏ thuốc liên tục 2 – 3 ngày. Đến khi thấy mắt ngày càng mờ tôi lo lắng đi khám thì mới sững người khi bác sĩ khẳng định tôi bị bệnh Glocom".
Tượng tự, bà V.T.T. (60 tuổi, Yên Bái) mới đây cũng đã phát hiện bản thân bị mắc bệnh Glocom sau một lần đi khám tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái.
Theo Ths.Bs Hồ Doãn Hồng, Trưởng Khoa mắt - Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái, bệnh nhân T. nhập viện vào đêm 13/3 do bị đau nhức mắt, nhìn mờ đột ngột, đau đầu, buồn nôn. Sau khi thăm khám được bác sĩ chẩn đoán MT Glocom góc đóng.
Rất may, bệnh nhân được phát hiện bệnh từ sớm nên đã được điều trị, giúp tình trạng ổn định hơn. Hiện tại, bệnh nhân T. vẫn đang được điều trị bằng thuốc hạ nhãn áp và chờ đến ngày phẫu thuật.
"Bệnh Glocom được chia làm hai hình thái: Glocom góc đóng (cấp tính) và Glocom góc mở (mãn tính). Nếu dựa theo bệnh căn thì có Glocom nguyên phát (không kèm theo bệnh về mắt khác) và Glocom thứ phát (kèm theo bệnh căn khác ở mắt gây tắc nghẽn lưu thông thủy dịch). Với Glocom góc đóng (cấp tính), các triệu chứng xuất hiện rầm rộ. Với Glocom góc mở (mãn tính), bệnh gần như không có triệu chứng rõ ràng, âm ỉ, thường được phát hiện tình cờ khi đi khám do thị lực giảm trầm trọng và bệnh thường trong giai đoạn muộn.
Ở giai đoạn muộn, việc điều trị bệnh chỉ có thể kiểm soát đau, ít khả năng phục hồi thị lực. Do đó, trong điều trị Glocom, không có biện pháp nào tốt hơn là tầm soát và phát hiện bệnh sớm", Ths.Bs Hồ Doãn Hồng cho hay.
Nguyên nhân gây bệnh Glocom
Cũng theo Ths.Bs. Hồ Doãn Hồng, Glocom là bệnh do nhiều nguyên nhân và cơ chế bệnh sinh gây ra nhưng trong giai đoạn toàn phát có 3 dấu hiệu đặc trưng cho mọi hình thái, những dấu hiệu đó là: Nhãn áp tăng cao từ 23mmHg trở lên, thị trường thu hẹp, soi đáy mắt có dấu hiệu lõm teo đĩa thị.
Nguyên nhân gây bệnh Glocom thứ phát bao gồm:
- Người điều trị các chế phẩm có corticoid tại mắt và toàn thân trong thời gian dài không có sự kiểm soát của Bác sĩ;
- Bệnh nhân bị cao huyết áp có biến chứng tại mắt nhưng không được điều trị đúng, kịp thời;
- Bệnh nhân bị bệnh viêm màng bồ đào, bị chấn thương, bị bỏng mắt…
- Bệnh nhân bị bệnh đục thể thủy tinh ở giai đoạn cuối gây biến chứng tăng nhãn áp.
Những người có nguy cơ cao mắc bệnh Glocom: Người trên 35 tuổi, tuổi càng cao, khả năng bị Glocom càng lớn; Những người ruột thịt của bệnh nhân Glocom; Người có tiền sử dùng steroid kéo dài (tra mắt hoặc toàn thân); Bệnh nhân có bệnh toàn thân như đái tháo đường, cao huyết áp…; Người có nhãn cầu nhỏ như bị viễn thị nặng, giác mạc nhỏ, tiền phòng nông hoặc những người dễ xúc cảm, hay lo âu là cơ địa thuận lợi để xuất hiện cơn Glocom.
Triệu chứng bệnh Glocom phụ thuộc vào hình thái glocom
Glocom góc đóng cấp:
Hoàn cảnh xuất hiện: Khởi phát đột ngột, có thể xảy ra sau một số yếu tố phát động như xúc động mạnh, dùng thuốc toàn thân, tại mắt có tác dụng hủy phó giao cảm hoặc cường alpha giao cảm....
Triệu chứng cơ năng: Đột nhiên bệnh nhân thấy đau nhức mắt, nhức xung quanh hố mắt, nhức lan lên nửa đầu cùng bên. Kèm theo bệnh nhân nhìn thấy mờ nhiều, nhìn đèn có quầng xanh đỏ. Đôi khi bệnh nhân thấy sợ ánh sáng, chảy nước mắt nhưng không tiết rử mắt.
Triệu chứng thực thể: Mi mắt sưng nề, mắt đỏ theo kiểu cương tụ rìa, giác mạc phù nề mờ đục có bọng biểu mô, tiền phòng nông, đồng tử dãn méo mó mất phản xạ với ánh sáng, thể thủy tinh phù nề đục màu xanh lơ có thể có các vết rạn bao trước, dịch kính phù nề. Đáy mắt trong cơn cấp diễn khó soi được do phù nề các môi trường trong suốt, những trường hợp soi được đáy mắt thấy gai thị hồng có thể có xuất huyết quanh gai.
Glocom góc mở:
Bệnh diễn biến âm thầm, người bệnh có cảm giác đau đầu nhẹ, nhìn mờ thoáng qua, mắt người bệnh dần thích nghi với tình trạng tăng nhãn áp từ từ, nhìn mờ dần như qua màn sương, nhìn đèn có quầng xanh đỏ, xuất hiện từng cơn ngắn, thoáng qua rồi tự hết. Đây là thể bệnh nguy hiểm, cướp đi thị lực vĩnh viễn của người bệnh.
Điều trị và phòng bệnh Glocom
Trưởng Khoa mắt - Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái cho rằng, phải xác định Glocom là một cấp cứu của Nhãn khoa, việc điều trị dựa theo từng thể bệnh và hạ nhãn áp là mục tiêu chính trong điều trị, bảo tồn đầu dây thần kinh thị giác.
Khi phát hiện bệnh Glocom, bệnh nhân được sử dụng các thuốc để điều chỉnh nhãn áp (Pilocarpin 1-2%; Timolol 0.25-0,5%, Acetazolamid 0,25g… đường nhỏ mắt và uống). Đối với Glocom góc đóng được chỉ định phẫu thuật sau khi dùng thuốc và nhãn áp đã hạ. Glocom góc mở được chỉ định Laser vùng bè hoặc được phẫu thuật mà khi dùng thuốc mà nhãn áp không điều chỉnh.
"Cần khám mắt định kì ít nhất 6 tháng 1 lần với những người trên 35 tuổi, người có người thân mắc bệnh Glocom, cận thị và viễn thị nặng, đái tháo đường, cao huyết áp… Đặc biệt, mọi người không tự sử dụng các thuốc có hoạt chất corticoid mà không có chỉ định của Bác sĩ", Ths.Bs. Hồ Doãn Hồng khuyến cáo.
(Báo Sức khỏe&đời sống)
VĂN BẢN MỚI
- Giám sát phản ứng có hại của thuốc (ADR) tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh
- Tăng cường các biện pháp phòng chống dịch bệnh tại các cơ sở kinh doanh thuốc trong dịp Tết Nguyên đán 2022
- Đảm bảo cung ứng thuốc phòng chống dịch bệnh và nhu cầu sử dụng thuốc trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022
- 4289/QĐ-SYT Quyết định về việc giao chỉ tiêu Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán thu, chi ngân sách năm 2022 cho các đơn vị thuộc Sở Y tế Hà Nội
- 10722/BYT-DP Về việc tiêm vắc xin phòng Covid-19 liều cơ bản và nhắc lại
- Công văn 10696/BYT-MT về việc cách ly y tế cho trường hợp F1 đã tiêm đủ liều vắc xin hoặc đã khỏi bệnh Covid-19
- Công văn 10688/BYT-MT của Bộ Y tế về phòng, chống dịch Covid-19 đối với người nhập cảnh
- Sử dụng kết quả xét nghiệm để phát hiện người mắc Covid-19 và cho người bệnh ra viện
- Quyết định 696/QĐ-SYT của Bộ Y tế ban hành Sổ tay thực hành tại cơ sở bán lẻ thuốc
- Thu hồi thuốc Methtrexat Bidiphar 50mg/2ml không đạt tiêu chuẩn chất lượng