Điểm báo

Thông tin y tế trên các báo ngày 17/3/2023
Ngày đăng 17/03/2023 | 21:58  | Lượt xem: 241

Bỏ quy định "giá đấu thầu thuốc năm sau không được cao năm trước" từng gây khó cho bệnh viện

Một trong những nguyên nhân khiến nhiều bệnh viện thiếu thuốc thời gian qua là quy định giá kế hoạch đấu thầu năm sau không được cao hơn giá trúng thầu năm trước. Để gỡ vướng, Bộ Y tế đã bỏ quy định này…

Thông tin từ Bộ Y tế ngày 17-3 cho biết, Bộ này đã ban hành Thông tư số 06/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 15/2019 về việc đấu thầu thuốc tại các cơ sở y tế công lập (thông tư 06). Thông tư mới sẽ có hiệu lực từ ngày 27/4/2023, trong đó đáng chú ý có quy định mới về giá gói thầu.

Cụ thể, theo quy định cũ tại thông tư 15 năm 2019, khi lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu, để có cơ sở xây dựng đơn giá của từng thuốc, dược liệu, đơn vị phải tham khảo giá trúng thầu trong vòng 12 tháng trước của các cơ sở y tế do Bộ Y công bố trên trang thông tin điện tử.

Trong đó, giá trúng thầu được tham khảo phải theo nguyên tắc: "giá kế hoạch không được cao hơn giá trúng thầu cao nhất của thuốc, dược liệu đó trong mỗi nhóm tiêu chí kỹ thuật đã được công bố".

Trên thực tế triển khai, quy định "giá năm sau không cao hơn năm trước" nói trên gây ra rất nhiều vướng mắc cho các cơ sở y tế, do giá thuốc của nhà cung ứng đưa ra thường cao hơn giá kế hoạch. Hơn nữa, quy định này không phù hợp với biến động thị trường, lạm phát, trượt giá…

Vì thế, tại Thông tư 06 vừa ban hành, nguyên tắc này đã được xóa bỏ. Cụ thể, theo thông tư 06, nguyên tắc cơ sở xây dựng đơn giá theo giá trúng thầu; nhóm tiêu chí kỹ thuật của các cơ sở y tế; tập trung cấp địa phương trong vòng 12 tháng trước; tập trung cấp Quốc gia, đàm phán giá còn hiệu lực của thỏa thuận khung được công bố.

Đối với vấn đề 3 báo giá (hoặc hóa đơn bán hàng), thông tư 06 vẫn quy định khi đấu thầu phải tham khảo 3 báo giá khác nhau tại thời điểm lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu. Tuy nhiên, trường hợp thuốc không đủ 3 báo giá, người đứng đầu đơn vị căn cứ vào ít nhất 1 báo giá, giải trình, chịu trách nhiệm về giá kế hoạch đề xuất và bảo đảm không vượt giá bán buôn kê khai, kê khai lại còn hiệu lực của thuốc đã tham khảo.

(Báo An ninh Thủ đô)

Những nỗ lực, điều hành của Bộ Y tế tháo gỡ thiếu thuốc, trang thiết bị y tế

Bộ Y tế cho biết, Bộ đã và đang tiếp tục nỗ lực chỉ đạo, điều hành các vấn đề về thiếu thuốc, trang thiết bị y tế tại các cơ sở khám chữa bệnh công lập. Bộ Y tế đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bảo hiểm xã hội Việt Nam và các bộ, ngành liên quan tham mưu cấp có thẩm quyền triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để sớm giải quyết dứt điểm tình trạng này.

Bên cạnh những giải pháp hoàn thiện hành lang pháp lý, Bộ đã quyết liệt triển khai nhiều giải pháp nhằm tăng cường xử lý, giải quyết việc đăng ký lưu hành, gia hạn đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc; đẩy nhanh tiến độ cấp, gia hạn giấy đăng ký lưu hành theo quy định tại Luật Dược; ban hành các thông tư liên quan đến công tác đăng ký thuốc, đẩy mạnh cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, đặc biệt với các quy định về hồ sơ gia hạn giấy đăng ký lưu hành thuốc; đã tổ chức thêm các đơn vị thẩm định độc lập tại các trường đại học y, dược để đẩy nhanh tiến độ thẩm định hồ sơ cấp phép; ban hành nhiều văn bản chỉ đạo điều hành về bảo đảm cung ứng thuốc, đặc biệt các thuốc hiếm, khó khăn về nguồn cung…

Bộ Y tế cũng đã chỉ đạo thực hiện việc điều chỉnh giá thuốc kê khai, kê khai lại đối với các mặt hàng do tăng giá khách quan; thực hiện phân cấp toàn diện phê duyệt thẩm quyền quyết định mua sắm, kế hoạch lựa chọn nhà thầu mua thuốc cho các cơ sở y tế trực thuộc Bộ.

Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ thực hiện mua sắm tập trung thuốc quốc gia, đàm phán giá. Cụ thể, trong năm 2022, đã tổ chức thành công 3 gói thầu thuốc thuộc danh mục đấu thầu tập trung cấp quốc gia, giảm giá 1.418 tỷ đồng so với giá kế hoạch (giảm gần 18%); đàm phán giá thành công 61/69 mặt hàng thuốc, giảm giá 1.995 tỷ đồng (xấp xỉ 15%).

Bộ cũng đã thành lập 4 đoàn kiểm tra, khảo sát tình hình cung ứng, sử dụng thuốc, vật tư, trang thiết bị tại các cơ sở y tế; đồng thời đẩy mạnh công tác truyền thông chính sách trong giải quyết tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị y tế.

Đặc biệt, Bộ Y tế đã tổ chức hội nghị hướng dẫn triển khai Nghị định số 07/2023/NĐ-CP và Nghị quyết số 30/NQ-CP của Chính phủ tới toàn ngành y tế cả nước với gần 1.300 điểm cầu.

Sau khi được gỡ vướng những "nút thắt" về đấu thầu, mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, nhiều bệnh viện đã trở lại hoạt động bình thường.

Theo GS.TS Trần Bình Giang, Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, sau 2 tuần gián đoạn các ca mổ phiên, chỉ ưu tiên ca cấp cứu do thiếu vật tư, hóa chất, ngay khi được tháo gỡ, bệnh viện đã đẩy nhanh tiến độ đấu thầu, mua sắm trang thiết bị y tế, vật tư, hóa chất... Bệnh viện đã triển khai mổ trở lại bình thường, người dân có thể yên tâm đến khám, chữa bệnh với đầy đủ phương tiện.

PGS.TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết, 2 Nghị định của Chính phủ vừa được ban hành rất sát với những khó khăn mà các bệnh viện đang gặp phải, giải quyết được những vấn đề cấp bách trong bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế.

(Báo Chính phủ)

Bộ Y tế xây dựng kế hoạch tiêm vaccine phòng COVID-19 năm 2023

Với mục tiêu tạo miễn dịch bền vững trong phòng bệnh COVID-19, Bộ Y tế vừa xây dựng và công bố kế hoạch tiêm vaccine phòng COVID-19 trong năm 2023.

Cụ thể, kế hoạch tập trung vào những người mắc bệnh nền, người cao tuổi và những người chưa tiêm mũi nào. Dự kiến, năm 2023 sẽ cần khoảng 9 triệu mũi tiêm. Kinh phí mua vaccine phòng COVID-19 lấy từ ngân sách địa phương, nguồn viện trợ từ các Tổ chức quốc tế, Chính phủ và tổ chức phi Chính phủ.

Số liệu này được tính toán dựa trên tổng hợp từ các địa phương. Số lượng trẻ từ 4- 5 tuổi chưa tiêm mũi vaccine nào là khoảng 1,5 triệu trẻ. Có gần 1,8 triệu trẻ từ 12 tuổi trở lên cần tiêm mũi 3. Gần 1,2 triệu người từ 18 tuổi trở lên cần tiêm mũi 3, 4.

Theo Bộ Y tế, hiện mỗi ngày Việt Nam chỉ ghi nhận một vài trường hợp mắc COVID-19 và số ca nhập viện, thở máy chỉ còn 2 ca nhưng sự biến đổi nhanh chóng của virus SARS-CoV-2 vẫn gây ra nhiều lo ngại.

(Báo Chính phủ)

Kích hoạt báo động đỏ, cứu người thợ mộc bị thanh gỗ đâm thấu bụng

Ngày 17-3, theo tin từ Bệnh viện Đa khoa Hà Đông, tại đây đã kích hoạt báo động đỏ, cấp cứu thành công cho nam bệnh nhân làm nghề thợ mộc bị sốc mất máu do tai nạn lao động nguy kịch và hy hữu.

Theo người nhà bệnh nhân, anh T làm thợ mộc từ hơn 10 năm nay. Trong lúc đang làm việc tại một xưởng gỗ ở huyện Quốc Oai, thanh gỗ đưa vào máy để vót nhọn, bất ngờ bắn ngược trở lại đâm ngập sâu vào bụng anh T. Quá hoảng loạn, anh T đã rút luôn thanh gỗ ra.

Sau đó, anh được gia đình đưa đến cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa huyện Quốc Oai trong tình trạng choáng, sốc. Tại đây, bệnh nhân đã được sơ cứu và chuyển lên Bệnh viện Đa khoa Hà Đông trong tình trạng tỉnh, da xanh tái, vã mồ hôi, chân tay lạnh, mạch nhanh, nhỏ, khó bắt, huyết áp tụt, bụng chướng, chảy máu qua vết thương bụng.

Nhận định đây là trường hợp nặng, sốc mất máu do vết thương thấu bụng, nghi ngờ tổn thương mạch máu lớn và tổn thương ruột, các bác sĩ trực ngay lập tức kích hoạt báo động đỏ bệnh viện khẩn trương cứu chữa cho bệnh nhân. Vừa hồi sức tích cực, vừa chuyển mổ cấp cứu. Khi mổ, cả kíp phẫu thuật đều choáng váng vì trong bụng bệnh nhân có đến 3-4 lít máu.

Xác định đây là ca mổ nặng, phức tạp, sốc mất máu, có tổn thương mạch máu lớn, các bác sĩ đã chèn gạc cầm máu và nhanh chóng xác định tổn thương. Dù vết thương bên ngoài thành bụng chỉ 1,5cm nhưng thanh gỗ sắc nhọn, xuyên qua mạc treo đại tràng ngang, tá tràng, làm đứt mạch mạc treo ruột non chảy máu thành tia và làm rách tĩnh mạch chủ bụng - đây là tĩnh mạch lớn nhất cơ thể cũng là nguyên nhân chính gây chảy máu.

Sau đó, ê-kíp phẫu thuật tiến hành cầm máu khẩn cấp, nếu không bệnh nhân có thể chết trên bàn mổ. Sau khi cầm máu được tĩnh mạch chủ, bệnh nhân đã đo được huyết áp...

Ca phẫu thuật kéo dài hơn 3 tiếng đồng hồ với các phẫu thuật khâu vết thương tĩnh mạch chủ, cầm máu mạc treo ruột non, khâu vết thương tá tràng, thắt môn vị - nối vị tràng, dẫn lưu tá tràng, mở thông ruột non... Trong mổ và sau mổ, bệnh nhân phải truyền 14 đơn vị máu. Cùng với đó, bệnh nhân được điều trị tích cực với sự theo dõi sát sao của các bác sĩ Khoa Tiêu hóa, Gây mê hồi sức.

Hiện tại, sau mổ 7 ngày, tình trạng bệnh nhân đã ổn định, tỉnh táo, không sốt, da niêm mạc hồng, không có dấu hiệu chảy máu, mất máu, tự ăn đường miệng, sonde dẫn lưu đã rút bớt. Dự kiến, bệnh nhân sẽ được xuất viện trong vài ngày tới.

Bác sĩ chuyên khoa II Bùi Đức Duy, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông cho biết, vết thương tĩnh mạch chủ do tai nạn lao động là rất hy hữu, khá nặng nề. May mắn, nam bệnh nhân nói trên đã đến viện kịp thời nên mới được cứu sống.

“Người lao động luôn phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định an toàn lao động tránh tai nạn đáng tiếc, đặc biệt khi bị thương thấu bụng không được tự ý rút vật gây thương tích ra mà nên đưa đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu, xử lý kịp thời, tránh làm tình trạng bệnh trở nên phức tạp, nặng nề hơn”, các bác sĩ khuyến cáo.

(Báo Hànộimới)

 

PHẦN MỀM TÁC NGHIỆP

  Dịch vụ công trực tuyến

  Phần mềm Quản lý văn bản

  Phần mềm QLHS Một cửa 

  Phần mềm Một cửa (Mới)

  Tiếp nhận ý kiến công dân 

  Danh mục TTHC công 

  Tra cứu hồ sơ Một cửa 

  Thư điện tử TP Hà Nội 

  Thông tin người phát ngôn

Thống kê truy cập

Đang online: 471
Lượt truy cập trong tuần: 7324
Lượt truy cập trong tháng: 0
Lượt truy cập trong năm: 1275174
Tổng số lượt truy cập: 39318484
Về đầu trang